Tìm hiểu hệ thống pháp luật Cộng hoà Liên bang Đức
52 TẠP CHÍ LUẬT HỌC - ĐẶC SAN 9/2011
PGS.TS. Hoµng ThÞ Minh S¬n *
1. Khác với Bộ luật tố tụng hình sự
(BLTTHS) Việt Nam, BLTTHS của Cộng
hoà Liên bang Đức không quy định riêng về
người tham gia tố tụng hình sự. Tuy nhiên,
BLTTHS của Cộng hoà Liên bang Đức lại
có hẳn một chương (Chương VI) quy định
về người làm chứng (từ Điều 48 đến Điều
71). Theo đó, bất kì người nào cũng có thể
trở thành người làm chứng, trừ bị cáo và
đồng phạm.
(1)
Khác với BLTTHS của Cộng
hoà Liên bang Đức, theo Điều 55 BLTTHS
Việt Nam thì người nào biết được những
tình tiết có liên quan đến vụ án đều có thể
được triệu tập đến làm chứng.
(2)
Những vấn
đề liên quan đến người làm chứng được quy
định rải rác trong các chương khác nhau, tùy
theo từng trường hợp cụ thể. Trong thực tiễn
tố tụng ở Việt Nam, mặc dù luật không quy
định nhưng bị cáo không thể tham gia tố
tụng với tư cách là người làm chứng trong
cùng một vụ án.
2. Người làm chứng có nghĩa vụ: Thứ
nhất, ra trình diện trước công tố viên hoặc
thẩm phán.
(3)
Người làm chứng vắng mặt không có lí
do chính đáng sẽ phải chịu trách nhiệm trước
pháp luật. Lệnh triệu tập người làm chứng là
cơ sở pháp lí để xác định hậu quả nếu người
đó vắng mặt. Cụ thể là người làm chứng đã
được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt sẽ phải
chịu chi phí do việc vắng mặt gây ra đồng
thời bắt buộc phải chịu khoản tiền phạt.
Trường hợp không thu được khoản tiền phạt
thì lệnh tạm giam bắt buộc phải được phê
chuẩn. Người làm chứng cũng có thể bắt
buộc phải khai báo trước toà án hoặc đưa
ngay đến thẩm phán để lấy lời khai.
(4)
Trong
trường hợp người làm chứng tiếp tục không
có mặt thì họ có thể bị áp dụng biện pháp
cưỡng chế lần thứ hai. Nếu người làm chứng
vắng mặt có lí do chính đáng và được đưa ra
đúng thời hạn thì họ không bị áp dụng biện
pháp cưỡng chế cũng như không phải chịu
chi phí do hậu quả của việc vắng mặt. Tuy
nhiên, có trường hợp lí do vắng mặt không
được đưa ra đúng thời hạn nhưng người làm
chứng vẫn được miễn trả chi phí và không
bị áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu họ
chứng minh được rằng việc giải thích nghĩa
vụ này cho họ bị chậm không phải do lỗi
của người làm chứng. Việc ban hành những
quyết định về các biện pháp như trên thuộc
thẩm quyền của thẩm phán trong giai đoạn
chuẩn bị tố tụng cũng như thẩm phán được
ủy thác theo yêu cầu.
(5)
Thứ hai, người làm chứng có nghĩa vụ
làm chứng một cách trung thực nếu không
có đặc quyền từ chối làm chứng.
* Giảng viên chính Khoa pháp luật hình sự
Trường Đại học Luật Hà Nội
Tìm hiểu hệ thống pháp luật Cộng hoà Liên bang Đức
TẠP CHÍ LUẬT HỌC - ĐẶC SAN 9/2011 53
BLTTHS của Cộng hoà Liên bang Đức
quy định người làm chứng có quyền từ chối
khai báo vì những lí do sau đây:
- Quyền từ chối khai báo vì những lí do
cá nhân.
(6)
Những người sau đây có thể từ chối khai
báo: Vợ (hoặc chồng) chưa cưới của bị cáo;
vợ (hoặc chồng) của bị cáo; vợ (hoặc chồng)
của bị cáo ngay cả khi hôn nhân không còn
tồn tại nữa; người là hoặc đã có quan hệ trực
hệ hoặc quan hệ theo hôn nhân, quan hệ
bàng hệ ở hàng thứ ba hoặc có quan hệ theo
hôn nhân ở hàng thứ hai với bị can, bị cáo.
Người chưa thành niên hoặc người có
nhược điểm về thể chất hay tâm thần hạn chế
hiểu biết đầy đủ về tính chất quan trọng của
quyền từ chối khai báo thì việc lấy lời khai
chỉ có thể được thực hiện nếu họ sẵn sàng
khai báo và người đại diện hợp pháp theo
luật của họ cũng đồng ý việc lấy lời khai.
Nếu người đại diện theo luật cũng chính là bị
can, bị cáo thì họ có thể không quyết định
thực hiện quyền từ chối khai báo. Người có
quyền từ chối khai báo trong trường hợp họ
là người chưa thành niên hoặc người có
nhược điểm về thể chất hay tâm thần nói trên
có người đại diện được ủy quyền quyết định
việc từ chối khai báo sẽ được hướng dẫn về
các vấn đề có liên quan đến quyền của họ
trước mỗi lần lấy lời khai. Họ có thể rút
quyền khước từ trong quá trình lấy lời khai.
- Quyền từ chối khai báo về lí do nghề
nghiệp chuyên môn.
(7)
Theo quy định tại Điều 53 BLTTHS của
Cộng hoà Liên bang Đức thì những người vì
lí do nghề nghiệp chuyên môn cũng có thể từ
chối khai báo, cụ thể như sau:
Giới tăng lữ, liên quan đến thông tin mà
họ được tin tưởng cho biết hoặc họ đã được
biết vì chức năng của mình với tư cách là
những người cố vấn về tinh thần;
Luật sư biện hộ cho bị cáo, liên quan đến
những thông tin mà họ được tin tưởng cho
biết hoặc được biết vì chức năng của mình;
luật sư, luật sư chuyên ngành sáng chế, công
chứng viên, kiểm toán viên, kế toán viên có
bằng chứng nhận, cố vấn về thuế và đại diện
thuế, bác sĩ, nha sĩ, người chữa bệnh bằng
các liệu pháp tâm lí, chuyên gia điều trị tâm
lí cho trẻ em và người chưa thành niên, dược
sĩ và bà đỡ, liên quan đến những thông tin
mà họ tin tưởng được cho biết hoặc được
biết vì chức năng của mình; các thành viên
hoặc các đại diện của cơ quan tư vấn được
công nhận theo Điều 3 và Điều 4 của Luật về
mang thai trong những tình huống xung đột,
liên quan đến những thông tin mà họ tin
tưởng được cho biết hoặc được biết vì chức
năng của họ; Người tư vấn về nghiện ma tuý
trong cơ quan tư vấn được công nhận hoặc
được thành lập bởi cơ quan có thẩm quyền,
đơn vị, viện hoặc quỹ theo luật công, liên
quan đến những thông tin mà họ tin tưởng
được cho biết hoặc được biết vì chức năng
của họ; Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 53
BLTTHS của Cộng hoà Liên bang Đức thì
những người này có thể không từ chối khai
báo nếu họ không còn nghĩa vụ giữ bí mật.
Những thành viên của Quốc hội Liên
bang, Quốc hội bang hoặc cơ quan lập pháp
cấp thứ hai (Zweite Kammer) liên quan đến
người nắm giữ các thông tin vì chức năng
của họ với tư cách là thành viên của những
cơ quan này hoặc của những người biết được
Tìm hiểu hệ thống pháp luật Cộng hoà Liên bang Đức
54 TẠP CHÍ LUẬT HỌC - ĐẶC SAN 9/2011
các thông tin vì chức năng cụ thể cũng như
chính xác các thông tin đó.
Những cá nhân đang hoặc đã là người
có chuyên môn liên quan đến việc chuẩn bị,
sản xuất hoặc phổ biến những ấn phẩm định
kì hoặc chương trình phát thanh liên quan
đến tác giả, cộng tác viên hoặc người đưa
tin đã có đóng góp và cung cấp tài liệu và
thông tin liên quan đến những người này đã
tiếp nhận vì chức năng chuyên môn của họ
mà những đóng góp, tài liệu và thông tin có
liên quan này phục vụ việc biên tập cho
công việc của họ.
Theo quy định tại Điều 54 BLTTHS của
Cộng hoà Liên bang Đức thì các quy định
đặc biệt của pháp luật liên quan đến các
nhân viên nhà nước sẽ áp dụng đối với việc
lấy lời khai của thẩm phán, các công chức và
những người khác trong cơ quan công quyền
với tư cách là người làm chứng liên quan
đến những việc thuộc phạm vi nghĩa vụ của
công chức phải giữ bí mật cũng như việc cho
phép khai báo. Những thành viên của Quốc
hội Liên bang, quốc hội bang, của Chính phủ
Liên bang hoặc chính phủ bang và những
người làm việc trong nhóm công tác của
Quốc hội Liên bang, quốc hội bang sẽ là đối
tượng có thể được áp dụng những quy định
đặc biệt. Tổng thống Liên bang có thể từ
chối khai báo nếu lời khai của Tổng thống
bất lợi cho quyền lợi chung của Liên bang
hoặc một bang của Cộng hoà Liên bang Đức.
Những quy định này cũng sẽ áp dụng nếu
những người nói trên không còn là thành
viên của cơ quan công quyền hoặc những
người làm việc cho nhóm công tác của Quốc
hội nữa hoặc nếu nhiệm kì của họ đã kết
thúc liên quan đến những vấn đề xảy ra trong
nhiệm kì phục vụ, đến công việc hoặc cơ
quan của họ hoặc họ đã biết được trong
nhiệm kì phục vụ, khi làm việc hoặc tại cơ
quan của họ.
Thứ ba, người làm chứng có nghĩa vụ
xác nhận lời làm chứng của mình bằng cách
tuyên thệ trước thẩm phán.
Việc tuyên thệ được quy định tại các
điều từ Điều 59 đến Điều 67 BLTTHS của
Cộng hoà Liên bang Đức. Trước khi lấy lời
khai, người làm chứng được nhắc nhở là
phải nói lên sự thật và được thông báo rằng
lời khai của họ được đưa ra phải được kèm
theo lời tuyên thệ, trừ khi được pháp luật có
quy định khác. Đồng thời người làm chứng
được giải thích tầm quan trọng của việc
tuyên thệ, khả năng lựa chọn giữa việc
tuyên thệ với sự xác nhận về mặt tôn giáo
và trách nhiệm pháp lí hình sự của việc khai
báo không chính xác hoặc không đầy đủ.
Người làm chứng sẽ phải tuyên thệ từng
người một sau khi họ đã được lấy lời khai.
Trừ trường hợp có quy định khác thì lời
tuyên thệ sẽ được đưa ra tại phiên toà xét
xử. Đối với những trường hợp sau đây thì
không cần thực hiện việc tuyên thệ: Người
chưa đủ 16 tuổi vào thời điểm lấy lời khai,
người không hiểu biết hết tầm quan trọng
và bản chất của lời tuyên thệ do họ là người
có nhược điểm về trí tuệ hoặc tâm thần hay
tình cảm; người bị tình nghi đã phạm tội và
là đối tượng của việc điều tra hoặc đã tham
gia vào việc thực hiện tội phạm hoặc người
bị tình nghi là đồng phạm, cản trở công lí
hoặc tiêu thụ tài sản trộm cắp hoặc đã bị
Tìm hiểu hệ thống pháp luật Cộng hoà Liên bang Đức
TẠP CHÍ LUẬT HỌC - ĐẶC SAN 9/2011 55
tuyên phạt về việc đó (Điều 60 BLTTHS
của Cộng hoà Liên bang Đức).
Toà án cũng có thể quyết định không
thực hiện việc tuyên thệ đối với người làm
chứng vào thời điểm lấy lời khai đã đủ 16
tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi cũng như người
chưa đủ 16 tuổi vào thời điểm lấy lời khai,
người không hiểu biết hết tầm quan trọng và
bản chất của lời tuyên thệ do họ là người có
nhược điểm về trí tuệ hoặc tâm thần hay tình
cảm là họ hàng của người bị hại hoặc của bị
cáo; toà án cho rằng lời khai của họ không
có tầm quan trọng lớn và không thể có được
lời khai quan trọng ngay cả khi thực hiện
việc tuyên thệ; người đã từng bị kết án về tội
khai báo gian dối trước toà án; hoặc nếu cơ
quan công tố, người bào chữa và bị cáo đều
bỏ qua thủ tục này. Đối với thủ tục tư tố thì
việc tuyên thệ chỉ được tiến hành khi toà án
thấy cần thiết bởi tính chất quan trọng quyết
định của lời khai hoặc nhằm có được lời khai
trung thực. Những người họ hàng của bị cáo
(vợ hoặc chồng chưa cưới của bị cáo; vợ
hoặc chồng của bị cáo; vợ hoặc chồng của bị
cáo ngay cả khi hôn nhân không còn tồn tại
nữa; người là hoặc đã có quan hệ trực hệ
hoặc quan hệ theo hôn nhân, quan hệ bàng
hệ ở hàng thứ ba hoặc có quan hệ theo hôn
nhân ở hàng thứ hai với bị can, bị cáo) có
quyền từ chối lời khai được tuyên thệ, họ sẽ
được thông báo quyền này. Lí do của việc
không tuyên thệ phải được ghi vào biên bản.
Trong giai đoạn chuẩn bị tố tụng việc
tuyên thệ chỉ được tiến hành trong các
trường hợp khẩn cấp hoặc nếu lời tuyên thệ
được cho là cần thiết để có được lời khai
đúng sự thật về vấn đề quan trọng trong việc
tiếp tục tiến hành các hoạt động tố tụng hoặc
nếu cho rằng người làm chứng sẽ không thể
có mặt tại phiên toà xét xử chính thức. Lí do
của việc tuyên thệ trong trường hợp này phải
được ghi và biên bản.
BLTTHS của Cộng hoà Liên bang Đức
cũng quy định cụ thể về hình thức tuyên thệ
tại Điều 66c như sau:
- Lời tuyên thệ đối với những người
theo tôn giáo sẽ được thực hiện bằng cách
thẩm phán nói những lời sau đây với người
làm chứng: “Anh phải thề trước Chúa, Đấng
tối cao rằng với tất cả những gì anh biết,
anh đã nói toàn bộ sự thật và không được
giấu giếm bất cứ điều gì”. Sau đó, người
làm chứng sẽ phải nói: “Tôi xin thề, cầu
Chúa phù hộ cho con”.
- Lời tuyên thệ đối với những người
không theo tôn giáo được thực hiện bằng
cách thẩm phán nói những lời sau đây với
người làm chứng: “Anh thề rằng với tất cả
những gì anh biết, anh đã nói toàn bộ sự thật
và không được giấu giếm bất cứ điều gì”.
Sau đó, người làm chứng phải nói theo: “Tôi
xin thề”. Ngoài ra, trường hợp người làm
chứng nói rằng họ là thành viên của giáo
phái hoặc của cộng đồng theo tín ngưỡng
nào đó mong muốn sử dụng những nghi thức
của tôn giáo hay cộng đồng của họ thì người
đó có thể bổ sung vào lời tuyên thệ. Khi thực
hiện việc tuyên thệ, người tuyên thệ phải giơ
tay phải của mình lên.
Nếu người làm chứng nói rằng họ không
muốn thực hiện lời tuyên thệ vì những lí do
về đức tin hoặc lương tri thì người đó sẽ xác
nhận sự thật trong lời khai của mình. Sự xác
Tìm hiểu hệ thống pháp luật Cộng hoà Liên bang Đức
56 TẠP CHÍ LUẬT HỌC - ĐẶC SAN 9/2011
nhận đó được coi là lời tuyên thệ. Người làm
chứng được thông báo về việc này. Sự thật
của lời khai sẽ được xác nhận bằng hình thức
thẩm phán nói với người làm chứng: “Anh
nhận được trách nhiệm của mình trước toà
án và xác nhận rằng, với tất cả những gì mà
anh biết anh đã nói toàn bộ sự thật và không
được giấu giếm bất cứ điều gì”. Sau đó,
người làm chứng sẽ nói: “Vâng”. Đối với
người làm chứng bị câm không thể tuyên thệ
bằng việc họ nói ra những nội dung trên thì
sẽ tuyên thệ bằng cách viết những câu như
trên ra và kí vào đó.
Đối với những người làm chứng đã được
lấy lời khai có tuyên thệ thì khi lấy lời khai
lần thứ hai trong thủ tục chuẩn bị tố tụng
hoặc tại phiên toà xét xử, thẩm phán có thể
cho họ xác định tính đúng đắn của lời khai
bằng việc dẫn đến lời tuyên thệ đã thực hiện
trước đó thay cho việc thực hiện tuyên thệ
lần thứ hai.
Nói chung người làm chứng phải được
thông báo về quyền không phải khai báo
(8)
khi bị thẩm vấn và có thể tự quyết định từ bỏ
quyền này, đưa ra chứng cứ. Nếu người làm
chứng không được thông báo về quyền này
thì lời khai của họ không được thừa nhận là
chứng cứ, trừ khi người làm chứng biết
quyền này và họ quyết định không từ chối
khai báo. Quyền từ chối có thể thực hiện vào
bất kì thời điểm nào và người làm chứng có
thể rút lại quyết định của mình trong quá
trình khai báo. Những lời khai trong giai
đoạn xét xử sau khi đã được thông báo trước
về quyền từ chối có thể được sử dụng làm
chứng cứ. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều
252 BLTTHS của Cộng hoà Liên bang Đức
thì lời khai của người làm chứng đã được
kiểm tra trước khi phiên toà chính thức bắt
đầu mà người làm chứng đã sử dụng quyền
từ chối bị kiểm tra của mình tại phiên toà
chính thức thì lời khai đó sẽ không được
công bố. Pháp luật không cho phép người đã
thẩm vấn người làm chứng vào thời điểm
trước đó cung cấp chứng cứ về các vấn đề đã
hỏi, trừ trường hợp thẩm phán đã tiến hành
thẩm vấn người làm chứng có thể được gọi
đến để cung cấp chứng cứ về những điều
người làm chứng đó đã khai. Nếu người làm
chứng chỉ từ chối đưa ra chứng cứ tại phiên
toà thì những lời khai chính thức trước đó
của họ được chấp nhận cho dù họ không được
thông báo về điều đó trong các cuộc thẩm vấn
trước đây. Trong trường hợp này, người đã
thẩm vấn người làm chứng có thể được gọi
đến toà án để cung cấp chứng cứ. Bản sao
biên bản các lời khai trước đó của người làm
chứng có thể được công bố tại phiên toà.
(9)
Ngoài những quy định nêu trên, BLTTHS
của Cộng hoà Liên bang Đức còn quy định
quyền từ chối cung cấp thông tin của người
làm chứng tại Điều 55, cụ thể là mọi người
làm chứng đều có thể từ chối trả lời bất cứ
câu hỏi nào mà việc trả lời sẽ làm cho họ
hoặc một số những người họ hàng của họ có
nguy cơ bị truy tố. Người làm chứng sẽ được
thông báo quyền từ chối cung cấp thông tin
của họ. Tuy nhiên, theo Điều 70 BLTTHS
của Cộng hoà Liên bang Đức thì người làm
chứng không có lí do chính đáng mà từ chối
khai báo hoặc tuyên thệ sẽ phải chịu khoản
chi phí phát sinh do việc từ chối này. Đồng
Tìm hiểu hệ thống pháp luật Cộng hoà Liên bang Đức
TẠP CHÍ LUẬT HỌC - ĐẶC SAN 9/2011 57
thời họ sẽ phải chịu khoản tiền phạt mang
tính cưỡng chế và nếu tiền phạt không thể
thu được thì họ sẽ bị tạm giam. Việc tạm
giam cũng có thể được áp dụng để buộc
người làm chứng phải khai báo, việc tạm
giam không được kéo dài quá thời điểm kết
thúc các thủ tục tố tụng cụ thể đó và không
được quá 6 tháng.
3. Cũng như luật tố tụng hình sự Việt
Nam, BLTTHS của Cộng hoà Liên bang
Đức quy định người làm chứng được lấy lời
khai một cách độc lập và không có sự hiện
diện của người làm chứng khác được lấy lời
khai sau đó (Điều 58 BLTTHS của Cộng hoà
Liên bang Đức).
(10)
Tuy nhiên, khác với luật
tố tụng hình sự Việt Nam, BLTTHS của
Cộng hoà Liên bang Đức quy định, việc lấy
lời khai của người làm chứng có thể được
ghi lại bằng thiết bị âm thanh - hình ảnh
trong những trường hợp sau: Người dưới 16
tuổi bị thương tích do tội phạm gây ra hoặc
nếu có khả năng người đó không thể được
lấy lời khai tại phiên toà xét xử chính thức
và nếu việc ghi lại là cần thiết nhằm xác định
sự thật của vụ án. Việc ghi lại âm thanh -
hình ảnh sẽ chỉ được chấp nhận với mục đích
truy tố về hình sự và chỉ được thực hiện ở
mức độ cần thiết để xác định sự thật.
4. Việc kiểm tra căn cước và các đặc
điểm về nhân thân của người làm chứng
được BLTTHS của Cộng hoà Liên bang Đức
quy định tương đối cụ thể tại Điều 68. Theo
đó, phiên toà xét xử bắt đầu bằng việc người
làm chứng được yêu cầu nói rõ họ tên, tuổi,
công việc hoặc nghề nghiệp và nơi cư trú.
Những người làm chứng đã khai báo về nghề
nghiệp của họ có thể khai nơi làm việc của
mình thay cho nơi cư trú. Nếu có lí do cho
rằng người làm chứng hoặc người khác có
thể bị nguy hiểm vì người làm chứng khai
báo về nơi cư trú của họ thì người làm chứng
có thể được phép khai địa chỉ nơi công tác
hoặc nơi làm việc hay địa chỉ khác mà có thể
gửi các tài liệu đến đó thay cho việc khai báo
nơi cư trú. Thẩm phán chủ tọa phiên toà
cũng có thể cho phép người làm chứng
không khai báo nơi cư trú của mình tại phiên
toà khi có lí do nêu trên. Trường hợp có lí do
cho rằng việc tiết lộ căn cước, nơi cư trú hay
nơi ở của người làm chứng sẽ gây nguy hiểm
cho tính mạng, sức khoẻ hoặc tự do của
người làm chứng hay người khác thì người
làm chứng có thể được phép không khai báo
về những đặc điểm nhân thân hoặc chỉ khai
báo về những đặc điểm để xác định căn cước
ban đầu. Tại phiên toà xét xử, nếu được yêu
cầu, cũng tương tự như luật tố tụng hình sự
Việt Nam, người làm chứng sẽ phải khai báo
về việc tại sao họ biết được những tình tiết
mà họ đang khai.
(11)
Tài liệu xác định căn
cước của người làm chứng sẽ được lưu giữ
tại cơ quan công tố và chỉ được đưa vào hồ
sơ khi không còn nguy hiểm nữa. Khác với
luật tố tụng hình sự Việt Nam, chỉ khi cần
thiết, những câu hỏi liên quan đến các tình
tiết cho thấy tính đáng tin cậy của người làm
chứng trong vụ án đang giải quyết, đặc biệt
liên quan đến mối quan hệ giữa người làm
chứng với bị cáo hoặc người bị hại sẽ được
đặt ra đối với người làm chứng.
(12)
Những
câu hỏi liên quan đến các tình tiết có thể làm
mất danh dự của người làm chứng hoặc một
Tìm hiểu hệ thống pháp luật Cộng hoà Liên bang Đức
58 TẠP CHÍ LUẬT HỌC - ĐẶC SAN 9/2011
người họ hàng của họ
(13)
hoặc liên quan tới
cuộc sống cá nhân của họ chỉ được đặt ra khi
thật cần thiết. Việc hỏi về tiền án của người
làm chứng chỉ được tiến hành khi có điều
kiện do pháp luật quy định
(14)
hay khi cần
đánh giá tính đáng tin cậy của họ.
5. Khác với BLTTHS Việt Nam, BLTTHS
của Cộng hoà Liên bang Đức có quy định
việc phân công luật sư tham gia khi lấy lời
khai của người làm chứng tại Điều 68b như
sau: Với sự đồng ý của cơ quan công tố, một
luật sư có thể được phân công tham gia trong
thời gian lấy lời khai của người làm chứng,
người mà trước đó không có cố vấn pháp lí
nếu có bằng chứng cho thấy họ không thể tự
thực hiện các quyền của mình trong quá
trình lấy lời khai và nếu bất kì lợi ích nào
đáng được bảo vệ của họ có thể không thể
được xem xét đến theo một cách khác. Khi
việc lấy lời khai liên quan đến tội phạm
nghiêm trọng; tội phạm ít nghiêm trọng quy
định tại các điều từ 174 đến 174c, 176, 179,
khoản 1 đến khoản 3 Điều 180, 180b, 182,
khoản 1, 2 Điều 225 BLHS của Cộng hoà
Liên bang Đức; tội phạm ít nghiêm trọng
khác có tính chất đáng kể liên quan đến lĩnh
vực thương mại hoặc thường xuyên được
thực hiện hoặc do thành viên của băng đảng
thực hiện hoặc được thực hiện bằng các thủ
đoạn khác có tổ chức thì việc phân công luật
sư sẽ được quyết định căn cứ vào yêu cầu
của người làm chứng hoặc của cơ quan công
tố nếu đáp ứng các điều kiện nói trên./.
(1).Xem: Nguyễn Thu Quỳ, Về người tham gia tố tụng
trong pháp luật hình sự Đức, nguồn: http://www.
vksndtc.gov.vn
(2). Theo Điều 55 BLTTHS năm 2003 của Việt Nam thì
người bào chữa của bị can, bị cáo; người do nhược
điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả
năng nhận thức được những tình tiết của vụ án hoặc
không có khả năng khai báo đúng đắn thì không
được làm chứng.
(3).Xem: Nguyễn Thu Quỳ, tlđd.
(4).Xem: Điều 51 và Điều 135 BLTTHS của Cộng
hoà Liên bang Đức.
(5).Xem: ThS. Nguyễn Xuân Hà, Giới thiệu phần các
quy định chung của BLTTHS CHLB Đức, nguồn:
(6).Xem: Điều 52 BLTTHS của CHLB Đức.
(7).Xem: Điều 53 BLTTHS Cộng hoà Liên bang Đức.
(8). Người làm chứng có thể từ chối và không khai báo
nếu việc khai báo sẽ làm cho họ hoặc một số người họ
hàng của họ có nguy cơ bị truy tố.
(9).Xem: Nguyễn Thu Quỳ, tlđd.
(10).Xem: Điều 135 BLTTHS Việt Nam quy định:
Nếu vụ án có nhiều người làm chứng thì phải lấy lời
khai riêng từng người và không để cho họ tiếp xúc
với nhau trong thời gian lấy lời khai.
(11).Xem: Khoản 2 Điều 67 BLTTHS năm 2003 của
Việt Nam quy định: Không được dùng làm chứng cứ
những tình tiết do người làm chứng trình bày, nếu họ
không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.
(12). Theo khoản 1 Điều 67 BLTTHS năm 2003 của
Việt Nam thì người làm chứng trình bày… quan hệ
giữa họ với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị
cáo, người bị hại, người làm chứng khác. Còn theo
khoản 4 Điều 135 BLTTHS năm 2003 thì trước khi
hỏi về nội dung vụ án, điều tra viên cần xác minh
mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, người
bị hại và những tình tiết khác về nhân thân người
làm chứng.
(13). Họ hàng của người làm chứng trong trường hợp
này được hiểu là vợ (hoặc chồng) chưa cưới của
người làm chứng; vợ (hoặc chồng) của người làm
chứng, kể cả trường hợp đã li hôn; người là hoặc đã
có quan hệ trực hệ hoặc quan hệ theo hôn nhân, quan
hệ bàng hệ ở hàng thứ ba hoặc có quan hệ theo hôn
nhân ở hàng thứ hai với người làm chứng.
(14). Người làm chứng đã từng bị kết án về tội khai
báo gian dối trước tòa án theo quy định tại Điều 154
và Điều 155 Bộ luật hình sự của CHLB Đức…