ÔN TẬP TIẾNG VIỆT – HỌC KÌ I LỚP 6A2
Năm học 2011 – 2012
TỪ VÀ CẤU TẠO CỦA TỪ TIẾNG VIỆT
A. Tóm tắt lý thuyết
Từ là một đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất dùng để đặt câu
I.Từ đơn: Là từ chỉ có một tiếng (VD: sách, bút, điện, trăng )
II. Từ Phức là từ do hai hay nhiều tiếng ghép lại thành một ý nghĩa chung.
VD: Sông núi, sách vở, xe đạp, bạn học. Từ phức chia thành hai loại: từ ghép và từ
láy
1. Từ ghép
* Khái niệm: là những từ được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan
hệ về nghĩa
* Phân loại từ ghép: có hai loại
- Từ ghép có nghĩa tổng hợp là từ ghép mà nghĩa của nó là nghĩa của các từ
đơn tạo thành theo quan hệ song song (hợp nghĩa), nghĩa khái quát hơn nghĩa từng
tiếng.
VD: Núi sông/ sông núi, thay đổi/ đổi thay, mạnh khoẻ/ khoẻ mạnh, vui sướng/
sướng vui; ông cha / cha ông; đau khổ/ khổ đau, quần áo/ áo quần, nhà cửa / cửa
nhà,
- Từ ghép có nghĩa phân loại : là từ ghép có sự phân biệt về nghĩa so với các
từ cùng loại (tức là có chung một tiếng nào đó), nghĩa cụ thể hơn.
VD: hạt thóc, bà nội, thợ mộc…
2. Từ láy
* Khái niệm: từ láy là những từ được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có
quan hệ láy âm
VD: Đẹp đẽ (tiếng gốc là “đẹp”, tiếng láy là “đẽ ”); lướng vướng (tiếng gốc là
“vướng”, tiếng láy là “lướng”.)
* Phân biệt các kiểu từ láy: Trong tiếng việt có bốn kiểu từ láy
- Láy tiếng: các tiếng láy hoàn toàn giống nhau
VD: Xanh xanh, ngời ngời, gâu gâu
- Láy âm: bộ phận phụ âm đầu các tiếng láy giống nhau
VD: khó khăn, hăm hở, rì rào…
- Láy vần: bộ phận vần của các tiếng láy giống nhau
VD: lom khom, bồn chồn, lim dim…
- Láy cả âm và vần: bộ phận phụ âm đầu và bộ phận vần được láy lại (chỉ khác
nhau về âm điệu)
VD: khít khịt, dửng dưng, rười rượi
* Phân biệt các dạng từ láy: có 3 dạng khác nhau:
- Láy đôi: từ láy có hai tiếng: dào dạt, lơ mơ…
- Láy ba: từ láy có 3 tiếng: Sạch sành sanh, dửng dừng dưng…
- Láy tư: Từ láy có 4 tiếng: Hớt hơ hớt hải, lúng ta lúng túng…
+ Láy từng đôi một: quần quần áo áo, cười cười nói nói…
* Nghĩa của từ láy: Nghĩa của từ láy rất phong phú, nhưng có hai dạng cơ bản
sau đây:
1
+ Nghĩa mạnh hơn so với nghĩa của tiếng gốc
VD: xanh xao> xanh; đoàng đoàng > đoàng; lạnh lẽo> lạnh….
Thẳm -> thăm thẳm
+ Nghĩa giảm nhẹ so với nghĩa của tiếng gốc:
VD: xinh => xinh xinh < xinh; đo đỏ < đỏ
đẹp => đèm đẹp
+ Nghĩa phong phú, tinh tế hơn… so với nghĩa của tiếng gốc:
VD: Nhà thơ Tố Hữu đã dùng nhiều từ láy để miêu tả dáng vẻ tinh nghịch, hồn
nhiên, yêu đời của bé Lượm trong những câu thơ giàu chất tạo hình, giàu nhạc điệu,
chan chứa một tình cảm yêu thương tha thiết:
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh.
NGHĨA CỦA TỪ
TỪ NHIỀU NGHĨA VÀ HIỆN TƯỢNG CHUYỂN NGHĨA CỦA TỪ
I. Nghĩa của từ:
1. Nghĩa của từ là nội dung (quan hệ, sự vật, tính chất, hoạt động…) mà từ biểu
thị. Học từ, quan trọng nhất là tìm hiểu nghĩa của từ.
2. Có thể giải thích nghĩa của từ bằng hai cách như sau:
- Trình bày khái niệm mà từ biểu thị
- Đưa ra những từ đồng nghĩa hoăc trái nghĩa với từ cần giải thích.
Nghĩa của từ chỉ có thể được hiểu đúng khi người nói, người viết dùng từ đúng âm,
đúng chính tả. Do đó, khi nói, khi viết phải dùng từ đúng âm, đúng chính tả để
người nghe, người đọc hiểu đúng nghĩa của từ.
II. Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ
1.Từ có thể có một hay nhiều nghĩa.
2. Chuyển nghĩa là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ tạo ra những từ nhiều nghĩa.
- Trong một từ nhiều nghĩa có nghĩa gốc, nghĩa chuyển.
+ Nghĩa gốc của từ là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở để sinh ra các nghĩa
khác. Loại nghĩa này được nói đến đầu tiên trong từ điển và có thể nhận biết được
ngay khi ta tách các từ khỏi văn cảnh
+ Nghĩa chuyển của từ là nghĩa được sinh ra từ nghĩa gốc; loại nghĩa này chỉ
thấy rõ khi đặt từ ở trong văn cảnh.
- Trong câu cụ thể từ thường được dùng với một nghĩa nhất định. Muốn hiểu
nghĩa của từ ở trong câu phải liên hệ từ đó với nghĩa chung của toàn câu
VD: Chúng ta nên cầm bút bằng tay phải. (tay có nghĩa là bộ phận phía trên
của cơ thể người)
Tay làm hàm nhai. (tay có nghĩa chuyển là biểu tượng của lao động cụ thể của con
người)
VD: Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy -> Nghĩa gốc chỉ sự di chuyển bằng chân
Van nợ lắm khi trào nước mắt
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi
Chạy -> Nghĩa là chỉ sự lo toan tính toán
2
Xuân: (danh từ) => Mùa đầu tiên của một năm, từ tháng giêng đến tháng 3. Từ
“xuân”có một số nghĩa chuyển sau:
- Chỉ một năm: Ba xuân đã trôi qua.
- Chỉ tuổi trẻ, sức trẻ: tuổi xuân, sức xuân: Một năm một tuổi như đuổi xuân đi
- Cuộc sống mới tươi đẹp: Xuân ơi xuân, em mới đến dăm năm
Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội
CÁC LỚP TỪ VỰNG: TỪ THUẦN VIỆT, TỪ MƯỢN
I. Từ thuần Việt là những từ do nhân dân ta tự sáng tạo ra.
II. Từ mượn: Là từ vay mượn của tiếng nước ngoài để biệu thị sự vật, hiện tượng,
đặc điểm…mà Tiếng Việt chưa có từ thật thích hợp để biểu thị
- Trong lớp từ mượn, bộ phận quan trọng nhất, đó là những từ mượn tiếng
Hán, có cách phát âm được Việt hóa, và truyền qua nhiều đời, nên người Việt dùng
khá quen thuộc. Bên cạnh đó, Tiếng Việt còn mượn từ của một số ngôn ngữ khác
như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga…
- Từ mượn góp phần làm cho tiếng Việt thêm giàu đẹp, tinh tế.
+ Bổ sung cho từ vựng tiếng Việt là : Vật lí, tốt nghiệp, xi măng…. ( những
từ này không có từ thuần việt tương đương)
+ Tăng khả năng biểu đạt tinh tế: Cùng với từ “chết” (thuần việt: sắc thái
trung hoà) có từ “hi sinh” (từ mượn: sắc thái trang trọng) : khác nhau về biểu cảm.
- Không phải tất cả những từ nước ngoài xuất hiện trên sách báo đều là từ
mượn cần thiết và hợp lý. Vì vậy, để góp phần làm cho tiếng việt trong sáng, giầu
đẹp, cũng cần sử dụng từ mượn đúng lúc, đúng chỗ
- Cách viết từ mượn:
+ Các từ được Việt hóa thì viết như từ thuần Việt
+ Những từ mượn chưa được Việt hóa hoàn toàn, nhất là những từ gồm trên
hai tiếng, ta nên dùng gạch nối để nối các tiếng.
NGỮ PHÁP
I. TỪ LOẠI:
1. Danh từ:
* Khái niệm: Danh từ là những từ chỉ người,vật, hiện tượng, khái niệm…
* Đặc điểm:
- Khả năng kết hợp: Danh từ có thể kết hợp với từ chỉ số lượng ở phía
trước, các từ này, ấy, đó, …. ở phía sau và một số từ ngữ khác để lập thành cụm
danh từ.
- Chức vụ ngữ pháp trong câu
+ Chức vụ điển hình trong câu của danh từ là làm chủ ngữ và bổ ngữ.
+ Khi làm vị ngữ, danh từ cần có từ là đứng trước.
* Các loại danh từ: Danh từ tiếng Việt được chia thành hai loại lớn là danh
từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật.
- Danh từ chỉ đơn vị nêu tên đơn vị dùng để tính đếm, đo lường sự vật.
Danh từ chỉ đơn vị gồm hai nhóm là:
+ Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên ( còn gọi là loại từ)
3
+ Danh từ chỉ đơn vị quy ước. Cụ thể là: Danh từ chỉ đơn vị chính xác và
danh từ chỉ đơn vị ước chừng.
- Danh từ chỉ sự vật nêu tên từng loại hoặc từng cá thể người, vật, hiện
tượng, khái niệm. Danh từ chỉ sự vật gồm có danh từ chung và danh từ riêng.
+ Danh từ chung là tên gọi một loại sự vật
+ Danh từ riêng là là tên riêng của từng người, từng vật, từng địa phương
* Khi viết danh từ riêng, ta phải viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi bộ phận
tạo thành tên riêng đó. Cụ thể:
- Đối với tên người, tên địa lý Việt Nam và tên người, tên địa lí nước ngoài
phiên âm qua âm Hán Việt: Viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi tiếng.
- Đối với tên người, tên địa lí nước ngoài phiên âm trực tiếp (không qua âm
Hán Việt): viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi bộ phận tạo thành tên riêng đó; nếu
một bộ phận gồm nhiều tiếng thì giữa các tiếng cần có gạch nối.
- Tên riêng của các cơ quan, tổ chức, các giải thưởng, danh hiệu, huân
chương… thường là một cụm từ. Chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành cụm từ này
đều được viết hoa.
2. Động từ:
* Khái niệm: Là những từ chỉ hành động, trạng thái của sự vật.
* Đặc điểm
- Động từ thường kết hợp với các từ : đã, sẽ, đang, cũng, vẫn, hãy, chớ,
đừng,…ở phía trước để tạo thành cụm động từ.
- Chức vụ ngữ pháp trong câu
+ Chức năng cú pháp quan trọng nhất của động từ trong câu là vị ngữ.
+ Khi làm chủ ngữ, động từ mất khả năng kết hợp với các từ đã, sẽ, đang,
cũng, vẫn, hay, chớ, đừng.
* Các loại động từ: có hai loại động từ đáng chú ý là:
- Động từ tình thái (thường đòi hỏi động từ khác đi kèm)
- Động từ chỉ hành động, trạng thái (không đòi hỏi động từ khác đi kèm).
Động từ chỉ hành động, trạng thái gồm hai loại nhỏ:
+ Động từ chỉ hành động (trả lời câu hỏi làm gì?)
+ Động từ chỉ trạng thái (trả lời các câu hỏi làm sao? Thế nào?
3. Tính từ:
* Khái niệm: Là những từ chỉ đặc điểm, tính chất của sự vật, hành động,
trạng thái.
* Đặc điểm
- Tính từ có thể kết hợp với các từ đã, sẽ, đang, cũng, vẫn…ở phía trước,
rất, lắm, quá ở phía sau để tạo thành cụm tính từ. Khả năng kết hợp với các từ hãy,
đừng, chớ của tính từ rất hạn chế.
- Chức vụ ngữ pháp trong câu: Tính từ có thể làm vị ngữ, chủ ngữ trong
câu. Tuy vậy, khả năng làm vị ngữ của tính từ hạn chế hơn động từ.
* Các loại tính từ: Có hai loại tính từ đáng chú ý là :
- Tính từ chỉ đặc điểm tương đối ( có thể kết hợp với từ chỉ mức độ)
- Tính từ chỉ đặc điểm tuyệt đối (không thể kết hợp với từ chỉ mức độ)
4. Số từ: là từ chỉ số lượng và thứ tự của sự vật. Khi biểu thị số lượng sự vật, số từ
thường đứng trước danh từ. Khi biểu thị số thứ tự, số từ đứng sau danh từ.
- Cần phân biệt số từ với những danh từ chỉ đơn vị gắn với ý nghĩa số lượng.
4
II . Các cụm từ:
Cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ là những kiến thức ngôn ngữ rất quan trọng
càn biết và vận dụng sáng tạo lúc nói và viết, nhằm mở rộng câu, tạo nên sự phong
phú, đa dạng, đẹp đẽ về ý tưởng và sắc thái biểu cảm của văn chương.
1. Cụm danh từ:
* Khái niệm: Là loại tổ hợp từ do danh từ với một số từ ngữ phụ thuộc nó
tạo thành.
* Đặc điểm: Cụm danh từ có ý nghĩa đầy đủ hơn và có cấu tạo phức tạp hơn
một mình danh từ, nhưng hoạt động trong câu giống như một danh từ.
* Cấu tạo cụm danh từ
- Các phụ ngữ ở phần trước bổ sung cho danh từ các ý nghĩa về số và lượng
- Các phụ ngữ ở phần sau nêu lên đặc điểm của sự vật mà danh từ biểu thị
hoặc xác định vị trí của sự vật ấy trong không gian hay thời gian.
VD: - Một/ chàng dế / thanh niên cường tráng
t T s
- Trời thu xanh ngắt mấy / từng / cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu
- Thuyền ai đậu bến / sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.
* Mô hình cụm danh từ:
Phần trước Phần trung tâm Phần sau
t2 - t1 T1 - T2 s1 - s2
Tất cả những Em học sinh chăm ngoan ấy
2. Cụm động từ
* Khái niệm: Cụm động từ là loại tổ hợp từ do động từ với một số từ ngữ phụ
thuộc nó tạo thành. Nhiều động từ phải có các từ ngữ phụ thuộc đi kèm, tạo thành
cụm động từ mới trọn nghĩa.
* Đặc điểm: Cụm động từ có ý nghĩa đầy đủ hơn và có cấu tạo phức tạp hơn
một mình động từ, nhưng hoạt động trong câu giống như một động từ.
* Cấu tạo cụm động từ:
- Các phụ ngữ ở phần trước bổ sung cho động từ các ý nghĩa: quan hệ thời
gian; sự tiếp diễn tương tự, sự khuyến khích hoặc ngăn cản hành động; sự khẳng
dịnh hoặc phủ định hành động.
- Các phụ ngữ ở phần sau bổ sung cho dộng từ các chi tiết về đối tượng,
hướng, địa điểm, thời gian, mục đích, nguyên nhân, phương tiện và cách thức hành
động
*Mô hình cụm động từ:
Phần trước Phần trung tâm Phần sau
Cũng/ còn/ đang/ chưa Tìm được/ ngay/ câu trả lời
3. Cụm tính từ
5
* Khái niệm: Là tổ hợp gồm nhiều từ, có tính từ làm thành tố chính, phần lớn
bổ ngữ làm thành tố phụ sau và phần lớn phụ ngữ làm thành tố phụ trước.
* Cấu tạo cụm tính từ
- Các phụ ngữ ở phần trước có thể biểu thị quan hệ thời gian; sự tiếp diễn
tương tự, mức độ của đặc điểm, tính chất; sự khẳng định hay phủ định…
- Các phụ ngữ ở phần sau có thể biểu thị vị trí, sự so sánh, mức độ, phạm vi
hay nguyên nhân của đặc điểm, tính chất…
* Mô hình cụm tính từ:
Phần trước Phần trung tâm Phần sau
Vẫn/ còn/ đang trẻ như một thanh niên
LUYỆN TẬP
Đề luyện tập số 1:
Bài 1. Trong từ “đồng bào” thì tiếng “đồng” có nghĩa là gì? Tìm những từ có tiếng
“đồng” với nghĩa như trên?
Bài 2: Xếp các từ sau vào 3 cột: từ đơn, từ ghép, từ láy
Nhỏ nhẹ, nho nhỏ, nhỏ nhắn, mong ngóng, mong mỏi, mong đợi, học hỏi, học lỏm,
tươi tắn, tươi vui, tươi tốt, bạn bọ, anh cả, anh em, yêu thương, anh rể, chị dâu.
Bài 3: Điền các từ : xanh biếc, xanh lơ, xanh xao, xanh ngắt, xanh um, xanh rờn vào
các câu sau đây:
a. Hàng cây…………….bên sông
b. Tường quét vôi màu ……………
c. Trời thu……………………
c. Khuôn mặt…………… hốc hác
e. Cây cối mọc………
g. Lúa con gái……………….
Đề luyện tập số 2
Bài 1:
a.Hãy tìm các từ đồng nghĩa, trái nghĩa với từ “chăm chỉ”
b. Hãy giải nghĩa các từ sau và đặt câu với mỗi từ ấy: Cưu mang, đỡ đần,
phụng dưỡng.
c. Từ “biển” trong các câu sau là từ đồng âm khác nghĩa hay hiện tượng nhiều
nghĩa so với nghĩa gốc.
- Ngày 2/9, trước quảng trường Ba Đình là một biển người.
- Ông ấy mới treo cái biển quảng cáo.
Bài 2
a. Chỉ rõ thành phần chủ ngữ, vị ngữ trong các câu sau và nói rõ “bị sặc nước” giữ
chức vụ gì trong câu.
- Mấy con dế bị sặc nước loạng choạng bò ra khỏi tổ
- Mấy con dế bị sặc nước, loạng choạng bò ra khỏi tổ
b. Những từ gạch chân thuộc từ loại nào và giữ chức vụ gì trong câu:
- Hoa nhài thơm thoang thoảng
- Bạn Linh có chiếc cặp mới tinh
6
- Anh chiến sĩ trẻ bắn rất giỏi
Bài 3: Tìm những nghĩa khác nhau của từ “xuân” trong hai dòng thơ quen thuộc của
Bác Hồ:
Mùa xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân
Đề luyện tập số 3
Bài 1: Tìm danh từ trong đoạn văn sau:
Đàn em ríu rít đánh vần theo. Thằng Hiển ngọng líu, nói không kịp hai đứa
lớn. Con Anh ngoe ngoảy bao giờ cũng giành phần đọc xong trước. Nó ngồi giữa
con Thanh và thằng Hiển, gọn tròn như một củ khoai, hai má núng nính ửng da
mận ngoắt qua ngoắt lại. Con Thanh hơn em một đầu. Nó nhìn con Anh bằng đôi
mắt nghiêng nghiêng không thèm chấp.
Bài 2: Tìm danh từ làm chủ ngứ, danh từ làm vị ngữ
1. Võ sĩ Dế Trũi thắng võ sĩ Bọ Muỗm.
2. Hai gươm hắn bổ xuống đầu tôi chan chát
3. Sau đó một ban bô lão - một cụ Châu Chấu, một cụ Bọ Ngựa, một cụ Cành Cạch,
một cụ Cào Cào, một cụ Niềng Niễng - ra nói với chúng tôi.
4. Kiến Chúa tất tả khuân đất đắp lại bờ lũy của hang.
Bài 3: Cho đoạn trích sau:
Con Nâu đứng lại. Cả đàn dừng theo. Tiếng gặm cỏ bắt đầu trào lên như một
nong tằm ăn rỗi khổng lồ. Con Ba Bớp vẫn phàm ăn tục uống nhất, cứ thúc mãi
mõm xuống, ủi cả đất lên mà gặm. Bọt mép nó trào ra, nom đến là ngon lành. Con
Hoa ở gần đó cũng hùng hục ăn không kém, mặc dầu ả có bộ mã tiểu thư rất yểu
điệu. Gã công tử bột vẫn sán ở bên cạnh ả, mồm vừa gau gáu gặm cỏ, mắt vừa liếc
sang lem lém. Mẹ con chị Vàng ăn riêng một chỗ cùng con Cún. Cu Tũn dở hơi
chốc chốc lại chạy tới ăn tranh cỏ của mẹ. Chị Vàng lại dịu dàng nhường cho nó và
đi kiếm một búi khác.
a. Tìm tất cả các động từ trong đoạn trích trên.
b. Chỉ ra những động từ chỉ hành động và những động từ chỉ trạng thái trong các
động từ đã tìm được ?
c. Xác định chủ ngữ, vị ngữ và gọi tên các câu trong đoạn trích trên ?
Bài 4: Phân biệt động từ không có đối tượng và động từ có đối tượng trong số các
động từ in đậm trong đoạn văn dưới đây:
Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến. Chú bé vùng dậy,
vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm
liệt. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ
mặc áo giáp, cầm roi nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi
thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết
như ngả rạ. Bỗng roi sắt gẫy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào
giặc. Giặc tan vỡ. Đám tàn quân giẫm, đạp lên nhau chạy trốn.
Bài 5: Cho biết những tính từ in đậm giữ chức vụ gì trong các câu sau ?
1. Bầu trời mùa thu xanh ngăn ngắt.
2. Cây sòi cao lớn toàn thân phủ đầy lá đỏ
3. Đàn cá chuối con ùa lại tranh nhau đớp tới tấp.
4. Khóm tre bên bờ xanh mượt mà rủ cành lá soi xuống dòng sông.
7
8