Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

TIỂU LUẬN: Thực trạng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam- trong giai đoạn hiện nay docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (302.21 KB, 13 trang )







TIỂU LUẬN:

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy
xuất khẩu gạo của Việt Nam- trong
giai đoạn hiện nay






Lời mở đầu


Trên thế giới ngày nay các hoạt động kinh tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ, mỗi
quốc gia phải chủ động tham gia khai thác lợi thế của mình trong phân công lao động
quốc tế và trao đổi thương mại quốc tế. Trong công cuộc đổi mới nền kinh tế, việc đề
ra các chiến lược kinh tế mới và các giải pháp cải thiện hoạt động sản xuất và kinh
doanh là đặc biệt quan trọng. Đối với Việt Nam là một nước đi lên từ nền nông nghiệp
lạc hậu với hơn 70% dân số hoạt động trong khu vực kinh tế nông nghiệp thì những
bước chuyển của ngành nông nghiệp lại càng đóng vai trò to lớn thúc đẩy nền kinh tế
đất nước phát triển. Qua hơn 15 năm thực hiện đổi mới sản xuất nông nghiệp nói
chung, lương thực nói riêng đã có bước phát triển toàn diện đạt tốc độ tăng trưởng cao
và ổn định. Về cơ bản, nước ta đã đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần
quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp hàng hoá gắn với thị


trường tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nông
dân, và giữ gìn ổn định tình hình kinh tế, chính trị xã hội.
Để nghiên cứu rõ về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam em đã chọn đề tài:
“Thực trạng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam- trong giai đoạn
hiện nay ”.
Bài tiểu luận của em được chia làm ba phần chính:
Phần I. Khái quát chung về xuất khẩu.
Phần II. Thực trạng sản xuất chế biến và xuất khẩu gạo.
Phần III. Những giải pháp đối với xuất khẩu gạo ở Việt Nam.



Nội dung
Phần I. Khái quát chung về xuất khẩu
I.1. Xuất khẩu là gì ?
Xuất khẩu (export) là bán hàng hoặc đưa hàng ra nước ngoài. Hoạt động xuất
khẩu diễn ra trong nền kinh tế có thương mại quốc tế mở rộng bao gồm cả việc bán
sản phẩm, hàng hoá ra nước ngoài và nhập sản phẩm từ nước khác. Kinh doanh xuất
khẩu hàng hoá là hoạt động kinh doanh buôn bán thuộc phạm vi quốc tế và là hoạt
động kinh tế thương mại rất phức tạp. Hàng hoá xuất khẩu rất đa dạng: hàng nông
nghiệp, hàng công ngiệp, hàng tiêu dùng…, kiến thức khoa học kỹ thuật (phát minh
sáng chế, bí mật sản xuất…), các dịch vụ (tư vấn kỹ thuật, sửa chữa, dịch vụ vận tải,
giao nhận, bảo hiểm, ngân hàng, dịch vụ du lịch, thông tin quảng cáo…).
I.2. Vai trò của xuất khẩu :
Trong thời đại ngày nay, thời đại cùng tồn tại hoà bình, cùng vươn tới ấm no
hạnh phúc và cũng là thời đại của sự vươn tới mở cửa và mở rộng giao lưu kinh tế. Do
đó xu hướng phát triển của nhiều nước trong những năm gần đây là thay đổi chiến
lược kinh tế từ đóng cửa sang mở cửa và từ thay thế nhập khẩu sang hướng vào xuất
khẩu. Đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cần phải tận dụng các nguồn tiềm
năng để mang lại hiệu quả ngày càng cao. Xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong

hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trước tiên nó quyết định được vấn đề ngoại
tệ cho doanh nghiệp tạo nguồn vốn để nhập khẩu. Thứ hai cần nói đến đó là xuất khẩu
không những là bước quan trọng để doanh nghiệp xâm nhập và hội nhập vào thị
trường thế giới mà còn thông qua xuất khẩu để các doanh nghiệp trong nước có cơ hội
tham gia vào cuộc cạnh tranh về giá cả, uy tín chất lượng trên thị trường thế giới và
để từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Xuất khẩu có vai trò quan trọng không chỉ đối với nền kinh tế đất nước mà còn đối với
cả các doanh nghiệp.
- Hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp là một quá trình thực hiện mục tiêu lợi
nhuận trong kinh doanh. Doanh nghiệp có thể bán sản phẩm của mình trên cả thị
trường nội địa và nước ngoài, nhưng lợi nhuận thu được ở thị trường nước ngoài nhiều
hơn. Và sự khác nhau về môi trường cạnh tranh, chu kỳ sống của sản phẩm, về chính



sách của Chính phủ trong nước và nước ngoài. Do vậy muốn có lợi nhuận cao thì tốt
nhất doanh nghiệp phải tìm mọi biện pháp để thúc đẩy xuất khẩu. Khi xuất khẩu thu
được nhiều lợi nhuận, doanh nghiệp có điều kiện mở rộng quy mô, cải tiến kỹ thuật,
duy trì các quan hệ buôn bán lâu dài.
- Xuất khẩu có tác động tích cực đến việc giải quyết công ăn việc làm và cải
thiện đời sống của người dân và các cán bộ công nhân viên. Sản xuất hàng xuất khẩu
là nơi tiêu thụ thu hút hàng triệu lao động vào làm việc với thu nhập không nhỏ. Hơn
nữa, xuất khẩu còn tạo ra nguồn vốn để nhập khẩu các vật phẩm tiêu dùng thiết yếu
phục vụ đời sống và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân hiện nay.
- Xuất khẩu là cơ sở để mở rộng và thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại của
đất nước. Chúng ta thấy rõ xuất khẩu và các quan hệ kinh tế đối ngoại có tác động qua
lại phụ thuộc lẫn nhau. Xuất khẩu là hoạt động kinh tế đối ngoại, khi xuất khẩu phát
triển nó cũng thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại khác phát triển theo như quan hệ
về chính trị và ngoại giao





Phần II. Thực trạng sản xuất chế biến
và xuất khẩu gạo
II.1.Tình hình thị trường xuất khẩu gạo ở Việt nam.
Trong những năm gần đây sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã trở thành
ngành chủ lực quan trọng. Từ chỗ thiếu đói triền miên và phải nhập khẩu lương thực
bình quân hàng năm trên nửa triệu tấn gạo, nhưng nhờ đường lối đổi mới và các quyết
sách trong nông nghiệp, có chính sách từ năm 1989 trở đi Việt Nam chẳng những đã
sản xuất đủ lúa gạo cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, mà còn dành một khối lượng lớn
cho xuất khẩu. Nhờ tăng đồng thời diện tích, năng suất và chất lượng sản lượng lúa
tăng liên tục trong những năm qua. Và hoạt động xuất khẩu gạo cùng với xuất khẩu
hàng nông sản trở thành 1 trong 6 mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam, đạt
kim ngạch hàng tỉ USD và đem lại cho đất nước nguồn thu nhập ngoại tệ lớn.
II.1.1 Về sản xuất.
Gần 10 năm qua (1995-2003) sản lượng lương thực tăng bình quân hàng năm
khoảng 5,3%(chỉ trừ năm 2001) cao hơn nhiều so với thế giới(1,7%) và châu á(1,8%).
Tốc độ tăng của lương thực so với tăng dân số khoảng gấp 3 lần, làm cho sản lượng
bình quân đầu người tăng từ 373 kg (năm 1995) lên tới 422 kg(năm 2002) và đến hơn
454 kg(năm 2004). Như vậy, trong thời gian qua Việt Nam đã thực sự có sản xuất lúa
hàng hoá. Tuy nhiên, chỉ có khu vực đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL) mới thực sự
là khu vực sản xuất lúa hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2003 sản lượng gạo
xuất khẩu của ĐBSCL tăng do không bị ảnh hưởng của lũ lụt nên sản lượng lúa thu
hoạch không bị hao hụt. Mặt khác giá lúa ổn định ở mức cao cũng đã khuyến khích
nhân dân mở rộng diện tích.
Về năng suất, mặc dù xu hướng tăng tuy thấp hơn so với sản lượng và diện tích
nhưng vẫn liên tục tăng trưởng. Năm 2003 sản lượng lúa cả nước đạt gần 34,7 triệu tấn
(tăng trên 600 nghìn tấn so với năm 2002), trong đó sản lượng lúa hàng hoá khoảng 8
triệu tấn, tương đương trên 4 triệu tấn gạo.

Có được những thành tựu trên đây là do nỗ lực lớn của hàng chục triệu nông dân,
sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, kỹ sư, những nhà
nghiên cứu, của những cuộc cách mạng công nghệ sinh học, thuỷ lợi hoá… trong



nông nghiệp dưới đường lối đổi mới do đảng khởi xướng và lãnh đạo. Nhờ đó đã thúc
đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, kết hợp thâm canh, tăng nhanh sản xuất và sản
lượng làm nên thành quả tuyệt vời của mặt trận nông nghiệp những năm qua.
II.1.2 Về chế biến.
- Tuốt lúa: Đây là khâu đầu tiên để chế biến lúa thành những hạt gạo trắng. Hiện
nay ở nước ta phần lớn đã được tuốt bằng máy. Số lượng máy tuốt lúa đã tăng nhanh
làm tăng năng suất lao động và giảm nhẹ sự vất vả cho nông dân, nhưng ở ĐBSCL
cũng chỉ chiếm 35%, đồng bằng sông hồng là 26%, còn lại là tuốt lúa thủ công.
- Phơi sấy: Phần lớn lúa được phơi nắng cho khô trên các sân xi măng và sân gạch.
Chế độ phơi như vậy tiết kiệm năng lượng nhưng chất lượng thấp, không đáp ứng
được yêu cầu sản xuất hàng hoá nhất là vào vụ hè thu ở ĐBSCL. Hiện nay trong nước
đã xuất hiện nhiều loại máy sấy chất lượng tốt nhưng giá thành còn cao, chưa phát
triển mạnh.
- Bảo quản: Nông dân chủ yếu bảo quản lúa tại nhà. Những vùng có lúa cao như
ĐBSCL khoảng 55-60% nông hộ có phương tiện bảo quản tới 10 tấn, còn ở Đồng
bằng sông Hồng chỉ khoảng 2,7 tấn/hộ. Phần lớn các cơ sở xay xát có kho chứa với qui
mô từ 10 tấn ở ĐBSH tới chục ngàn tấn ở ĐBSCL, các cơ sở này thường trữ gạo từ 1
đến 3 tháng. Tuy vậy mạng lưới kho đa số chất lượng kém, thiếu phương tiện bốc dỡ
và hầu hết vẫn dùng lao động thủ công.
- Xay xát, tái chế: Hiện nay cả nước có khoảng 14-15,5 tấn gạo/năm, trong đó quốc
doanh quản xay xát 34%, ngoài quốc doanh là 66%. Năng lực thiết bị tái chế gạo xuất
khẩu trong vài năm gần đây đã tăng nhanh, nay đạt công suất khoảng 3,7 triệu
tấn/năm. Trừ một số máy móc được trang bị thời gian gần đây, phần lớn máy xay xát
đang sử dụng ở nước ta (nhất là ở miền Bắc) đều đã cũ, chất lượng và hiệu quả thấp, tỉ

lệ thu hồi gạo chỉ đạt 65-70%, gạo nguyên 45-50%, tỉ lệ gãy 15-20%, trong khi các
nhà máy mới có thể đạt tỉ lệ thu hồi 75-80%, tỉ lệ gạo nguyên 55-60%.
II.1.3 Về xuất khẩu.
Sản lượng và giá trị xuất khẩu đều có những thay đổi tích cực và là thành tựu
không thể phủ nhận. Thị trường xuất khẩu gạo của nước ta không những rộng mà quan
hệ bạn hàng cũng từng bước được cải thiện. Ta đã có quan hệ tốt với một số khách



hàng và bước đầu có một số thị trường tương đối ổn định (tuy chưa vững chắc). Số
lượng bán trực tiếp vào các thị trường tiêu thụ tăng đáng kể, bán qua trung gian ngày
càng giảm. Thị trường khá tập trung ở Philippin, Iraq, Cuba, Indonesia, Malaysia
chiếm tới 58% thị phần.
Về giá cả và chất lượng gạo xuất khẩu thời gian qua cũng không ngừng được cải
thiện. Khoảng cách về giá xuất khẩu FOB so với các nước xuất khẩu truyền thống
khác (đặc biệt là Thái Lan) đã được rút ngắn đáng kể. Nếu như những năm đầu của
thập kỷ 90 khoảng cách chênh lệch ở mức từ 50-60 USD/tấn (đối với từng loại gạo có
phẩm chất tương tự và các điều kiện thương mại giống nhau), có loại chênh lệch tới
gần 100USD/tấn thì những năm gần đây chỉ còn từ 15-39 USD/tấn. Giống lúa và chế
biến vẫn là hai khâu có ảnh hưởng lớn nhất tới chất lượng gạo xuất khẩu.
Cơ chế quản lý hoạt động xuất khẩu có những thay đổi liên tục trong những năm
90 và gần đây để đáp ứng yêu cầu thiết thực trong kinh doanh xuất khẩu gạo, Chính
phủ đã bãi bỏ cơ chế giao hạn ngạch xuất khẩu gạo cũng như quy định về doanh
nghiệp đầu mối xuất khẩu. Đây là bước đột phá mới trong cơ chế chính sách, tạo điều
kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu.
Tuy rằng Việt Nam đã tiếp cận được hầu hết các thị trường nhập khẩu gạo chủ yếu
của thế giới, nhưng xét về quy mô hay thị phần thì vẫn còn khiêm tốn. Nhìn chung thị
trường xuất khẩu của Việt Nam đang bị cạnh tranh quyết liệt và ngày càng khó khăn
hơn.
II.2. Những khó khăn trong xuất khẩu gạo ở Việt nam

Dự báo cung cầu thị trường giá cả lương thực thế giới và trong nó cực kỳ khó
khăn, phức tạp. Cung cầu trong nước ảnh hưởng đến giá cả. Ngoài ra còn do tác động
của thiên tai, do chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng tác động không nhỏ đến cung cầu
giá cả. Cuối năm 2003 và đầu năm 2004 cung cầu, giá cả lúa gạo thế giới diễn biến
theo chiều thuận, có lợi cho nhà nông, cho nhà doanh nghiệp. Song đáng tiếc là các
doanh nghiệp của ta lại nóng vội, ký hợp đồng xuất khẩu gạo một số lượng khá lớn với
giá thấp so với hiện nay. Chung quy cũng tại không nắm chắc thông tin, thiếu phân
tích sâu tình hình để xây dựng kế hoạch thu mua xuất khẩu.



Về đối phó thị trường ngoại, từ quý IV năm 2003 đến nay, giá gạo xuất của
Thái Lan luôn có giá cao hơn ta trên 10 USD/tấn. Những phiên đấu thầu bán gạo cho
Philippines gần đây, Thái lan và các nước khác họ cũng không mặn mà, tranh chấp
quyết liệt với ta, cứ để ta bán trước, giá thấp, họ bán sau, cuối năm giá cao để kiếm lời.
Phải chăng sự can thiệp sâu của Chính phủ trong buôn bán gạo hoặc đấu thầu, đôi khi
như con dao hai lưỡi, phần hạn chế làm tiêu tính năng động của giám đốc doanh
nghiệp trong việc bán thị trường từng thời điểm, tính toán hiệu quả?
Để bù đắp khó khăn đã qua, tránh rủi ro kinh tế, các nhà quản lý, các doanh
nghiệp xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm trước tình hình thị trường và giá cả trong
nước và thế giới còn diễn biến rất phức tạp, cần có những biện pháp hợp lý để đẩy
mạnh hoạt động xuất khẩu gạo của Việt nam.



Phần III. Những giải pháp đối với việc xuất khẩu gạo
ở Việt Nam.
Từ thực trạng trên đây cho thấy quy mô sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam còn
nhỏ bé so với các nước trong khu vực, tăng trưởng xuất khẩu chưa được ổn định vững
chắc. Vấn đề chỉ đạo, phối hợp điều hành giữa các Bộ, ngành và UBND các địa

phương còn yếu, chưa có sự phối hợp tốt giữa các doanh nghiệp trong xuất khẩu gạo,
nhiều doanh nghiệp còn trông chờ vào sự bảo hộ của nhà nước, không có sự chuẩn bị
cho quá trình hội nhập rõ ràng, chưa nhận thức đúng cạnh tranh ngày càng gay gắt và
có nguy cơ mất thị trường. Do vậy cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các giải
pháp cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
III.1 Nhóm giải pháp tầm vĩ mô.
Cần phải nhanh chóng hình thành các vùng chuyên canh lúa xuất khẩu trên cơ sở
quy hoạch chi tiết của ngành nông nghiệp và phát triển của nông thôn trong mối quan
hệ với bộ kế hoạch và đầu tư, bộ tài chính, bộ thương mại.
Nâng cao kỹ thuật canh tác cùng với giải pháp cải tạo đổi mới giống lúa cho năng
suất và chất lượng cao hơn.
Tăng cường công tác quản lý sản xuất, chế biến để hạ giá thành, đề cao vai trò của
các tổ chức, hợp tác xã, nông hội, liên kết nông dân thành một hệ thống thống nhất để
sẵn sàng đối mặt với những thách thức và cạnh tranh của hội nhập quốc tế.
Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ đầu vào cho sản xuất chế biến và đầu tư
trong tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu. Hỗ trợ đầu tư công nghệ, kỹ thuật khâu chế biến
bảo quản.
Cải thiện tình hình thu thuế sử dụng đất, nhiên liệu, thuế GTGT và thuế xuất khẩu.
áp dụng các biện pháp trợ cấp và bảo hộ sản xuất và xuất khẩu gạo trong giới hạn cho
phép nhưng không làm tổn thương tới các cam kết đã ký kết.
- Tăng cường huy động vốn tư nhân vào hoạt động xuất khẩu gạo.
- Phát triển thị trường và chuyển dịch thị trường gạo phù hợp với bối cảnh kinh tế
hiện nay để xúc tiến xuất khẩu.
- Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu qua biên giới.



- Chủ động, tích cực đàm phán song phương và đa phương đối với Hiệp định về
hàng nông sản.
III.2. Giải pháp về phía các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lương thực cần xây dựng chiến lược kinh
doanh và hội nhập một cách thận trọng trong bối cảnh thời hạn của các cam kết quốc
tế đã đến gần. Doanh nghiệp cần chủ động và tăng cường công tác tiếp thị, nắm chắc
thị trường thế giới, hạ giá thành xuất khẩu, phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp
hoạt động trong cùng ngành hàng.
Chú trọng đầu tư cho công tác đăng ký và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Lựa chọn và thiết lập mắt xích kênh phân phối gạo xuất khẩu ở thị trường nước ngoài.
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương xứng với tầm hoạt động và
định hướng chiến lược của doanh nghiệp.
Ngoài những biện pháp trên cũng cần:
- Hoàn thiện việc tổ chức khâu trồng lúa cung cấp cho xuất khẩu: Thực hiện tốt qui
hoạch, phân vùng thâm canh trồng lúa cho xuất khẩu và khắc phục tình trạng manh
mún, chia nhỏ ruộng đất như hiện nay, khuyến khích người nông dân “dồn điền đổi
thửa”, tích tụ và tập trung ruộng đất theo quy hoạch để hình thành những đơn vị
trồng lúa hàng hoá.
- Hoàn thiện khâu tổ chức nguồn hàng cho xuất khẩu.
- Hoàn thiện marketing, quảng bá sản phẩm, ký kết hợp đồng và phương tiện thanh
toán với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ngoài ra chúng ta cần nhanh chóng vươn lên nắm quyền chủ động xuất khẩu trực
tiếp. Hiện chúng ta chưa chủ động tìm kiếm thị trường và đối tác mà vẫn còn phải
thông qua trung gian, nên thường bị lệ thuộc và ép cấp giá cũng như không chủ động
được về thị trường xuất khẩu trong khi tín dụng lại chưa thuận lợi thông thoáng cho
thanh toán. Chấn chỉnh công tác quản lý xuất khẩu gạo theo hướng khuyến khích các
doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường và nâng cao vai trò của Hiệp hội lương
thực Việt Nam trong điều hành xuất khẩu gạo.
Kết luận



Xu thế khu vực hoá, toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ trên Thế giới, xuất khẩu

càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với một nền kinh tế, nhất là đối với nền kinh tế
của các nước đang phát triển. Việt nam là một nước đang trên con đường tiến hành
công nghiệp hoá, hiện đại hoá hoà nhập vào khu vực và thế giới. Vì vậy xuất khẩu
được coi là một trong những công cụ quan trọng nhất để thực hiện thành công các mục
tiêu trên.
Xuất khẩu gạo luôn được coi là thế mạnh của nông nghiệp nước ta, việc nâng cao
chất lượng gạo xuất khẩu là vấn đề bức thiết. Nếu được đầu tư đúng mức dưới sự quan
tâm chỉ đạo của các cấp, quyền lợi của nông dân sản xuất lúa hàng hoá được đảm bảo
cùng các chiến lược phù hợp của các doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu, hoạt
động xuất khẩu gạo sẽ phát triển và góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy CNH-
HĐH nông nghiệp, nông thôn. Phát triển sản xuất lúa và đẩy mạnh xuất khẩu gạo là
một hướng đi đúng đắn. Và cần thấy một điều quan trọng là các chính sách và biện
pháp thúc đẩy xuất khẩu của nhà nước muốn thực sự phát huy tác dụng thì phải được
thực hiện nghiêm túc trong thực tế chứ không phải chỉ dừng lại ở trên giấy tờ.






Mục lục

Lời mở đầu………………………………………………………… ……….… 1
Nội dung
Phần I. khái quát về xuất khẩu…………………… ………………… 2
I.1 Xuất khẩu là gì? ………………………….…………………………… ….… 2
I.2 Vai trò của Xuất khẩu……………………………………………… ….…… 2
Phần II. Thực trạng sản xuất chế biến và xuất khẩu gạo
II.1 Tình hình xuất khẩu gạo ở Việt Nam………………………………………… 4
II.1.1 Về sản xuất …………………………………………………………

4
II.1.2 Về chế biến …………………………………………………………
5
II.1.3 Về xuất khẩu………………………………………………………… 6
II.2 Những khó khăn trong xuất khẩu gạo ở VN…………………………………… 6
Phần III. Những giải pháp đối với xuất khẩu gạo ở VN
III.1 Nhóm giải pháp tầm vĩ mô…………………………………………………… 8
III.2 Giải pháp về phía các doanh nghiệp………………………………………… 9
Kết luận …………………………………………………………… ……… 10



Tài liệu tham khảo

1. Quản lý và nghiệp vụ kinh doanh thương mại quốc tế- Nhà xuất bản
Thế giới 8/2003.
2. Ngiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu- Nhà xuất bản Đại học quốc gia
Hà Nội 1999.
3. Trang Web của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn được cập
nhập vào tháng 3/2004 ,7/2004, 2/2005…
4. Tạp chí nghiên cứu kinh tế số 310- tháng 3/2004.





×