Năng lượng tái tạo thay vì
Điện hạt nhân
GS TS Nguyễn Khắc Nhẫn , Kiều bào Pháp
“Điện hạt nhân không kinh tế mà còn nguy hiểm cho đất nước”, như tôi đã
có dịp giải thích trên Thời báo kinh tế Saigon số ra ngày 27-5-2004. Nay tôi
xin trình bày tiếp những lý do tại sao nước ta nên phát triển mạnh Năng
lượng tái tạo .
Vài khái niệm cần biết
Năng lượng có 4 nguồn gốc chính : mặt trời ( quan trọng nhất ), hạt nhân,
địa nhiệt và thuỷ triều. Sau hàng trăm triệu năm, nhờ mặt trời, năng lượng
đã tập trung ở nhiều mỏ : than, dầu và khí. Các nguồn năng lượng hoá thạch
này được tích trữ (stock), sẽ dần dần khô cạn, với tốc độ ngày càng nhanh,
vì nhiều nước giàu mạnh đã sử dụng một cách phung phí và vô trách
nhiệm. Dầu thương mãi còn khoảng 40-50 năm, khí 60-70 năm, than trên
một hai thế kỉ. Thời gian ấy có thể dài hơn, nếu có tiền khai thác các loại
nhiên liệu hiện nay chưa kinh tế, như cát chứa asphan hay đá dầu, với tiềm
năng rất lớn.
Nếu ta vẽ những đường biểu diễn các dạng năng lượng, kế tiếp nhau từ thế
kỉ 16 đến nay, mỗi thứ nhiên liệu có một “ thời kì oanh liẹt “, kéo dài hàng
chục năm : củi , than, thủy điện, dầu, khí rồi hạt nhân. Nhà nghiên cứu
C.Marchetti của Viện IIASA ( International Institute for Applied System
Analysis, Vienne (Áo), hình như đã có ý muốn tìm xem Điện hạt nhân có
biến chuyển như chu trình kinh tế dài hạn Kondratiev, lên xuống theo từng
đợt 40-50 năm không? Theo tôi ,“thời kì oai hùng “ của Điện hạt nhân, từ
1954 (Nautilus) đến 1986 (Tchernobyl), đã qua rồi và khó trở lại được nữa
!
Năng lượng tái tạo ( mặt trời, thuỷ điện, gió, sinh khối ) cũng do mặt trời,
là nguồn thông lượng (flow) Từ thời thượng cổ, tổ tiên chúng ta đã khai
thác các dạng năng lượng này một cách thông minh với nhiều sáng kiến
đáng kính phục. Dùng danh từ “năng lượng mới” là không đúng, có mới
chăng là các phương pháp mà thôi. Năng lượng tái tạo hiện nay chưa kinh
tế và tùy nguồn, cũng có vấn đề môi trường, nhưng tương đối, ít nguy hiểm
như các nguồn năng lượng hóa thạch hay Điện hạt nhân. Công suất mặt trời
vô cùng to lớn, tương đương với 173 tỷ MW, tức là bằng 20 triệu lần công
suất thiết kế của những nhà máy điện nước ta năm 2004. Năng lượng của
mặt trời đủ cung cấp ít nhất 7000 lần nhu cầu năng lượng thế giới hiện nay.
Trung bình, mỗi mét vuông của mặt đất đuợc mặt trời chiếu sáng như có
một bóng đèn 180 W thường trực.
Năng lượng tái tạo bị Điện hạt nhân và Dầu mỏ lấn ép
Nhiên liệu, tạo hóa đã “cho không” mà nhân loại “ không lấy”, chẳng biết
lợi dụng, triệt để khai thác. Ngành công nghiệp năng lượng của nhiều nước
giàu mạnh tiếp tục ru ngủ, khôn khéo dựa vào khoa học kĩ thuật, che giấu
dư luận khi cần, để lấn ép Năng lượng tái tạo. Từ nửa thế kỉ nay, hầu hết
kinh phí dành cho việc nghiên cứu ở các cường quốc là để bành trướng
ĐHN, thay vì dồn cho ngành Năng lượng tái tạo, động lực quí báu nhất của
việc phát triển lâu bền kinh tế và xã hội toàn cầu. Điều đáng mừng là nhiều
chuyên gia, tại Hội nghị Năng lượng thế giới vừa bế mạc ở Sydney, đã
khuyến khích các nước nên đặc biệt đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu Năng
lượng tái tạo.
Nhân loại phải lợi dụng giai đoạn chuyển tiếp từ đây đến 2030, trước khi
các lò thế hệ IV ra đời, và cũng là thời điểm mà giá khí, dầu, có thể tăng
cao tột đỉnh ( nay đã lên 54 USD/1 thùng - 159 lit , hơn gấp đôi giá thị
trường mong đợi, 20USD/1 thùng ), vì nạn khan hiếm bắt đầu rõ rệt, đồng
thanh khuếch trương mạnh các nguồn Năng lượng tái tạo. Cao điểm sản
xuất dầu mỏ trên thế giới ( Peak oil – của nhà địa chất học Mĩ Hubbert ) có
thể phát hiện từ 2020 đến 2030, hoặc sớm hơn ( 2005 - 2010 ). Theo nhà
địa chất học Mĩ Matthews Simmons, nước Arap Saudi đã đạt cao đỉnh!
Vài con số sau đây cho ta thấy chiến tranh nặng mùi dầu mỏ sẽ có thể tái
diễn một cách bất ngờ: từ 2001 đến 2025, tỉ lệ nhập cảng dầu mỏ của Mĩ sẽ
tăng từ 55,7% đến 71%, Châu Âu từ 50,1% lên 68,6% và Trung Quốc từ
31,5% đến 73,2% ! Mức tăng trưởng dầu mỏ cần thiết cho toàn cầu là 1,9%
mỗi năm, từ 80 triệu thùng dầu / 1 ngày hiện nay đến 120 triệu thùng / 1
ngày năm 2020 ! Trong tương lai, trong tầm địa lý chính trị thế giới có thể
là vùng biển Caspian, giàu dầu và khí, và tên những nước Azerbaidjan,
Kazakhstan ( thứ ba về trữ lượng dầu mỏ ) và Turkmenistan ( thứ năm về
trữ lượng khí ) khó đọc, dần dần sẽ quen thuộc như I ran, I rac.
Vai trò của Năng lượng tái tạo và chiến lược dài hạn
Tất cả những ngồn năng lượng đều cần thiết, nhưng phải nhìn nhận rằng chỉ
có Năng lượng tái tạo mới đủ điều kiện giúp nhân loại giải quyết lâu bền
những vấn đề trọng yếu sau đây :
- Chống hiệu ứng nhà kính ( thay đổi khí hậu ).
- Phát triển bền vững kinh tế và xã hội ( đem lại nhiều công ăn việc làm ).
- Dành dụm các nguồn hóa thạch.
- Tránh những tai biến quan trong, những cơn khủng hoảng địa lí về dầu,
khí, hạt nhân có thể gây ra chiến tranh.
- Hạ mức sản xuất chất thải phóng xạ và sự lan rộng vũ khí nguyên tử.
- Làm giảm sự mất thăng bằng Nam Bắc.
Vì năng lượng cũng như môi trường, đòi hỏi rất nhiều tiền và thời gian, là
một vấn đề mênh mông, ảnh hưởng cả vũ trụ, chứ không riêng gì cho một
vài vùng hay khu vực; chiến lược dài hạn của mỗi nước cần có hướng nhìn
sâu rộng, sao cho phù hợp với quyền lợi chung và di sản của nhân loại. Có
3 nguyên tắc chính phải được phổ biến rộng rãi và áp dụng chặt chẽ :
- Tiêu thụ chừng mực : ưu tiên dành cho nhu cầu thiết thực. Đặc biệt quan
tâm đến những mô hình cầu thay vì cung.
- Gia tăng hiệu suất và tiết kiệm năng lượng : chọn lọc máy móc và phương
pháp có hiệu suất cao ( dùng đèn huỳnh quang tiêu thụ 5 lần ít hơn đèn
thường ) .
- Bảo vệ môi trường và các thế hệ sau.
Nên tránh sự tập trung các nguồn Năng lượng tái tạo
Các nguồn Năng lượng tái tạo tràn ngập trên vũ trụ và được rải khắp nơi
cho mọi người. Đó là một đặc tính thiên nhiên hết sức quan trọng mà ta
thường không để ý. Ta nên bỏ thành kiến sai lầm, và nên tránh việc một hai
phải mất thì giờ và tiền bạc, tập trung lại những nguồn vốn nằm rải rác, để
thiết lập nhưng nhà máy đồ sộ, rồi sản xuất, truyền tải, phân phối, cung cấp
điện cho mỗi gia đình, qua nhiều tầng biến thế, với nhiều tổn thất trên hệ
thống dây. Đúng ra, tuỳ trường hợp, phải tìm mọi cách sản xuất và tiêu thụ
ngay tại chỗ, ở từng thành phố, từng làng xã, từng căn nhà. Ngày nay, nên
chủ trương chính sách năng lượng phân cấp với nhưng hệ thống độc lập,
nhưng có thể tiếp cứu nhau.
Luôn bị năng lượng hoá thach và hạt nhân lấn ép, Năng lượng tái tạo mang
tiếng là không kinh tế và không đủ số lượng cho nhu cầu lớn. Sự thật không
đúng hẳn như thế. Nhiều nhà máy thuỷ điện, địa nhiệt hay thuỷ triều ( La
Rance – 240 MW ở Pháp ) cũng có công suất lớn, trên vài chục, vài trăm
hay vài ngàn MW.
Năng lượng tái tạo sẽ kinh tế và không có vấn đề kỹ thuật quan trọng
Về giá thành kWh, bài toán phân tích kinh tế để so sánh các nguồn, thường
không chính xác, vì người ta vô tình hay hữu ý, không chịu tinh phần phí
tổn gây ra, do ô nhiễm môi trường ( CO2 chẳng hạn ), ảnh hưởng đến xã
hội ( vấn đề sức khoẻ ).
Năng lượng tái tạo sạch hơn cả, cần được khuyến khích, bằng tiền thưởng
trong bài toán mới công bằng. Nhiều chuyên gia đã tuyên bố rằng, nếu kể
phí tổn gây ra vì môi trường bị ô nhiễm, thì Năng lượng tái tạo sẽ xáo trộn
bảng sắp hạng kinh tế của các nguồn. Nhiều nước Châu Âu đã áp dụng
nguyên tắc này, không ngoài mục đích giúp cho ngành Năng lượng tái tạo
cất cánh nhanh. Đan Mạch là một trong nhưng nước đánh thuế CO2 đầu
tiên. Ở Thuỵ Sĩ, New Zealand, tiểu bang Co lo ra do Mỹ, đa số dân chúng
chấp nhận cho tăng hoá đơn điện một vài phần trăm, hoặc tự nguyện ủng hộ
vào quỹ đặc biệt, để khuyên khích các dự án Năng lượng tái tạo.
Đứng về phương diện kỹ thuật, công nghệ Năng lượng tái tạo tương đối thô
sơ, không phức tạp lắm và dễ khai thác. Nhiều nước đang phát triển ( qua
sự chuyển giao công nghệ ) đã chế tạo, sản xuất và xuất khẩu máy móc
dụng cụ, tránh nhập cảng và lệ thuộc các nước giàu mạnh. Đó là điều mà
các cường quốc không vỗ tay ủng hộ!
Tại sao Năng lượng tái tạo chậm cất cánh
Bây giờ chúng ta thử xét một cách khách quan vài con số, để hiểu biết hiện
trạng và để có một ý niệm rõ ràng hơn về tương lai của ngành Năng lượng
tái tạo.
Hiện nay Năng lượng tái tạo chiếm khoảng 13,6% của tổng nhu cầu năng
lương sơ cấp toàn cầu ( trong đó 6,6% là do thuỷ điện – bằng điện hạt nhân
– 6,4% là nhiên liệu cổ truyền ( tương đương với 25% năng lượng của các
nước đang phát triển, gồm có : củi, than củi, rác ). Các dạng năng lượng
khác như mặt trời, gió, địa nhiệt, sinh khối, chiếm một tỉ lệ không đáng kể
0,6% ( đến 1% là tối đa !) Trên thực tế, những con số này không đúng lắm
vì một phần Năng lượng tái tạo và nhất là nhiên liệu cổ truyền thường
không nằm trong thống kê thương mại của thị trường.
Vì nghành công nghiệp than, dầu, khí, Điện hạt nhân, quá giàu mà lại còn
được sự giúp đỡ về tài chánh của ngân quỹ các quốc gia để nghiên cứu và
phát triển, nên Năng lượng tái tạo chưa có phương tiện cất cánh mạnh, trừ
những năm gần đây. Từ ngày Hội nghị Năng lượng thế giới New-Delhi
(1983), lần đầu tiên đề cao vai trò của Năng lượng tái tạo, đến nay đã trên
20 năm trời, mà tỉ lệ nhỏ bé trên vẫn còn bị các cường quốc tiếp tục đè bẹp!
Với Năng lượng tái tạo, các nước nghèo không tốn nhiên liệu, không lệ
thuộc khoa học kĩ thuật tối tân, không gặp các cơn khủng hoảng, thì làm
sao các công ty quốc tế lớn có cơ hội thu lợi nhuận ? Một trong những
nguyên nhân chính của sự chậm trễ ngành Năng lượng tái tạo là vì các công
ty này không muốn có sự cạnh tranh!
Ta nên đặt câu hỏi tại sao ở Wall Street, giá cổ phần dầu mỏ, từ một năm
nay đã tăng nhanh hơn 4 lần chỉ số Dow Jones ( 32% thay vì 8% ). Thị
trường chứng khoán Paris cũng thấy giá cổ phần dầu mỏ tăng gấp đôi chỉ số
CAC 40. Từ cuối 1973 đến nay, giá thùng dầu xem như làm chủ thị trường
quốc tế, lên xuống tùy tình hình địa chính trị và mức tiêu thụ của các cường
quốc. Mỗi cơn khủng hoàng làm lung lay nền kinh tế mỏng manh của
những nước nghèo. Cho nên chỉ có Năng lượng tái tạo, nếu phát triển mạnh
trên tòan cầu , mới có thể chặn đứng tình thế bất ổn định này, và sự thống
trị dầu mỏ và hạt nhân dần dần sẽ giảm bớt.
Năng lượng tái tạo sẽ có nhiều triển vọng
Năng lượng gió, theo tôi, sẽ có nhiều triển vọng nhất. Đến 2050, tổng sản
lượng điện gió toàn cầu có khả năng tương đương với thuỷ điện. Đầu năm
2002, bốn nước Đức, Tây Ba Nha, Mĩ, Đan mạch chiếm gần 90% tỉ lệ điện
gió thế giới. Đức hiện nay đứng hàng đầu với 15.000 MW. Đan Mạch là
nước xuất cảng mạnh nhất tua bin gió (46% thị trường). Đến 2030, tỉ lệ
điện gió và sinh khối của nước này sẽ lên đến 50% ! Ở Châu Ấ, Ấn Độ là
nước có nhiều kinh nghiệm quí báu hơn cả trong lĩnh vực này.
Cộng đồng Châu Âu đã quyết định nâng cao tỉ lệ Năng lượng tái tạo từ
13,9% (1997) lên 22% năm 2010. Chương trình biểu diễn HIP HIP ( House
Integrated Photovoltaic High Tech In Public ) đã bảo trợ trên một trăm dự
án đem lại kết quả khả quan. Theo Hermann Scheer, đại biểu quốc hội
Bundestag, chủ tich Eurostar va World Council for Renewable Energy, ở
Đức, mỗi năm tăng thêm 3000 MW tái tạo và đén nửa thế kỉ này, tỉ lệ Năng
lượng tái tạo có thể đạt con số 50%. Nước nóng sạch gia dụng sẽ do 40%
năng lượng mặt trời. Phải tìm hiểu kĩ nguyên do, tại sao một cường quốc
như nước Đức, với 19 lò đang vận hành ( 30% Điện hạt nhân ) mà đã can
đảm tuyên bố sẽ hy sinh hàng trăm tỉ USD, rút ra khỏi lĩnh vực hạt nhân ?
Nước Anh có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất Châu Âu và Pháp đứng
thứ hai với 60 ti kWh/năm ( tương đương với thuỷ điện ) ở trên đất, 100 ti
kWh ở ngoài biển gần. Theo nhà chuyên gia về Năng lượng tái tạo Bernard
Chabot, ADEME- Sophia Antipolis, giá thành kWh điện gió ở Pháp sẽ
mang tính kinh tế vào năm 2030 ( 4,8 cUSD/kWh trên đất liền với tốc độ
gió 6-6,4 m/s, chạy 2200 giờ một năm, và đắt hơn 50% nếu ở ngoài biển ).
Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) đã có chương trình phổ biến, ở
10 nước tại Châu Phi, kĩ thuật đưa nước vào ruộng bằng năng lượng mặt
trời ( dùng bơm quang điện ). Israel, tiểu bang California và một số nước
miền nam Châu Âu cũng đã có kinh nghiệm về phương pháp này.
Từ lâu, Trung Quốc là nước đã phát triển mạnh nhất chương trình thuỷ điện
nhỏ. Cách dây 10 năm đã thiết lập gần 50.000 nhà máy này mà 85% là do
các làng trực tiếp quản ly. Trên 90 triệu dân có điện cũng nhờ năng lượng
này. Năm 1993, Trung Quốc đã chiếm 50% tỉ lệ thuỷ điện nhỏ thế giới ( 80
tỉ kWh/năm ).
Về năng lương địa nhiệt, cần phân biệt hai loại :
- Với nhiệt độ thấp, ( 50 – 100°C ) đặc biệt để sưởi nhà. Năm 1995 công
suất toàn cầu là 4000 MW, trong đó phần Pháp là 270 MW, dùng để sưởi
200.000 căn nhà .
- Với nhiệt độ cao, ( 170 - 200°C ) có thể làm nhà máy sản suất điện như ở
Larderello (Ý) hay ở California.
Những nước và vùng sau đây cũng đã có nhiều kinh nghiệm về năng lượng
địa nhiệt : Ireland, tiểu bang California, New Zealand (30%) đồng phát hơi
và điện, Ý, Philippines, Indonesia. Ở các nước Pháp, Thuỵ sĩ, Đúc, chương
trình sử dụng địa nhiệt dưới vườn nhà tư nhân để làm nước nóng sạch và
sưởi ấm đang được khuyến khích. Có nhiều dự án làm giảm được 75% chi
phí năng lượng.
Hiện nay, nhiều nươc khác cũng đang phát triển Năng lượng tái tạo, nhưng
với một tốc độ còn yếu, không phù hợp với mục tiêu. Những cường quốc
đều có chương trình Năng lượng tái tạo. Vì có điều kiện khoa hoc, kĩ thuật
và tài chính, họ cũng đã đầu tư vào các công trình nghiên cứu về nhiên liêu
sinh khối, pin hydro, cô lập carbon ( chưa kể năng lượng nhiệt hạch hạt
nhân còn xa vời !). Tuy nhiên, tỉ lệ Năng lượng tái tạo toàn cầu đến 2050 sẽ
rất quan trọng.
Một nguồn năng lượng mới : Tiết kiệm năng lượng
Tiết kiệm năng lượng cần được xem như là một nguồn năng lượng vô cùng
quan trọng và quí báu. Một bài tính đơn giản đã cho biết rằng nguồn năng
lượng này, nếu có sự quyết tâm chống lãng phí của tất cả các nước, có khả
năng tương đương với 50% mức tiêu thụ hiện nay của toàn cầu ! Điều ấy
cũng dễ hiểu thôi; vì chỉ riêng Mĩ, với 5% dân số, họ đã tiêu thụ 25% năng
lượng thế giới! Nhiều chuyên gia nước này cũng nhìn nhận có thể tiết kiệm
được 43% năng lượng tiêu thụ, trong đó 50- 94% là do tổn thất gia dụng.
Mỗi năm một người Mĩ, trung bình sử dung 8,8 tấn dầu, tức 20 lần mức
tiêu thụ của môt người dân Việt Nam.
Nếu mỗi nước có ngay một chương trình Năng lượng tái tạo dài hạn và tiết
kiệm năng lương, biết triệt để áp dụng những phương pháp tiêu thụ năng
lượng một cách có hiệu quả, thì quý cho nhân lọai biết bao. Ví dụ kế hoạch
năng lượng Đan Mạch, chủ trương giảm 65% khí thải CO2 vào năm 2030,
với tổng kinh phí khoảng 1 tỉ USD, tức 0,5% PIB. Kế hoạch này dựa vào
những cố gắng trong chính sách tiết kiệm năng lượng ở mọi ngành : đốt
sưởi -40%, máy điện gia dụng -70%, vận tải -65%, thay đổi thái độ cá nhân
từ -10% đến -20%. Mặc dù PIB của nước này tăng được 48%, từ 1970 đến
1989, năng lượng tiêu thụ tòan quốc mỗi ngày một giảm.
Trường hợp Việt Nam
Đừng quên rằng hệ số đàn hồi của nước ta (ΔE/E) / (ΔPIB/PIB) vẫn còn
quá cao, trên 1,5 ; cần hạ gấp xuống dưới 1, càng thấp càng quý cho công
nghiệp và kinh tế.
Việt Nam tương đối dồi dào về năng lượng thiên nhiên hoá thach cũng như
tái tạo. Chúng ta cần nghiên cứu kĩ lại tiềm năng Năng lượng tái tạo trên
tòan lãnh thổ.
Thay vì đi vào con đường Điện hạt nhân không kinh tế và hết sức nguy
hiểm cho đất nước và những thế hệ sau, tốn rất nhiều tiền và thì giờ một
cách vô ích, không thấy lợi đâu cả mà chỉ thấy hại trước mắt, chúng ta cần
có một cuộc cải tổ sâu rộng trong lĩnh vực năng lượng ! Với một ý chí
chính trị rõ ràng, các cơ quan có trách nhiệm nên quyết tâm huy động mọi
tầng lớp dân chúng, mọi cơ sở, mọi xí nghiệp, để phát triển mạnh một
chương trình dài hạn Năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lương. Muốn đạt
kết quả tốt, cũng cần đặc biết chú ý đến triết lý và chính sách Giáo dục và
Đào tạo, như nhà văn Nguyên Ngọc và giáo sư Bùi Trọng Liễu, Đại học
Paris, đã có dịp trình bày nhiêu lần trên báo chí: ở nhiều nước, ngay ở
truờng tiểu học, học sinh cũng đã có những khái niệm về năng lượng và
môi trường. Thay đổi thái độ phải bắt đầu từ lúc tuổi thơ.
Tiềm năng tiết kiệm của ta cũng rất lớn, so với nhu cầu thiết thực. Đến
2020, nó có thể đạt con số 2000 MW, có nghĩa là ta khỏi cần xây cất hai lò
Điện hạt nhân như đã dự trù. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa là Việt Nam
sẽ cần 200 tỉ kWh sau 2030 chứ không thể nào sớm hơn ( xem bài của giáo
sư Phạm Duy Hiển, đăng trên Thời báo KTSG ra ngày 8-7-2004 : Năm
2020 Việt Nam chỉ cần 100 tỉ kWh !)
Chúng ta đừng coi thường hiện tượng lũy thừa, kinh tế Trung Quốc mất cân
bằng ( quá nóng ) cũng vì thế. Với nghị lực, trí thông minh và sáng kiến của
dân tộc, ta sẽ đi nhanh. Nước nhà có thể độc lập trong ngành năng lượng,
không lệ thuộc cường quốc nào cả ( công nghệ lò hay Uranium giàu ).
Trong lĩnh vực Năng lượng tái tạo, chúng ta sẽ có đủ khả năng sản xuất và
xuất khẩu sớm máy móc, dụng cụ cho thị trường, trước khi có sự canh tranh
mạnh. Chính trong lĩnh vực còn chỗ đứng này của ngành Năng lượng tái
tạo, những công trình nghiên cứu của ta sẽ có tiếng vang mà không làm khô
cạn ngân sách quốc gia, trái với Câu lạc bộ Điện hạt nhân eo hẹp của 33
nước, không còn chỗ ngồi tương ứng với khả năng khoa học và kĩ thuật
nước ta hiện nay.
Theo tôi, nếu có một nước trên thế giới cần tránh làm Điện hạt nhân, nước
ấy là Việt Nam. Vì hậu quả chiến tranh liên tiếp còn để lại biết bao đau
thương, bao chất độc, như dioxine, còn rải rác trên lãnh thổ, tai hại cho
đồng bào trong 50-60 năm nữa là ít ! Nga va Ucraina có 3 triệu nạn nhân vì
Tchernobyl, chúng ta cũng có khoảng 3 triệu nạn nhân vì chất độc da cam !
Tại sao phải đón nhận thêm món quà chất thải phóng xạ cho ruộng đất mà
chúng ta “mượn tạm của con cháu, chứ không phải thừa hưởng của tổ
tiên”?
Thay đổi khí hậu
Công nghiệp hạt nhân, với nhiều nhóm quốc tế có thể lực, lợi dụng hiện
tượng thay đổi khí hậu, đã đề cao quá trớn vai trò Điện hạt nhân trong việc
chống hiệu ứng nhà kính. Gần đây, James Lovelock, một nhân vật có uy tín
trong các nhóm bảo vệ môi trường, cũng hoà tiếng nói của mình với luận
điệu này, làm các đảng xanh hết sức phẫn uất.
Tất cả nhưng nhà máy điện trên thế giới chạy bằng than, dầu, khí, chỉ chịu
tránh nhiệm khoảng một phần tư số lượng CO2 thải lên trời ( 24 tỉ tấn năm
2002 ). Hai lĩnh vực công nghiệp và vận tải ô nhiễm môi trường nhiều hơn
Đổi chất thải hạt nhân với CO2, thì chẳng khác nào như đổi dịch tả với dịch
hạch, hay để thích hợp với thời đại hơn, đổi Sida với SARS ( Severe Acute
Respiratory Syndrome ). Nếu tất cả các nước giàu nghèo trên thế giới đều
phải xây cất nhà máy Điện hạt nhân để chống hiệu ứng nhà kính thì cũng
không giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi truờng mà trái lại, sẽ làm tăng
trưởng chất độc Pu ( vì phải dùng lò nơ-tron nhanh ). Trữ lượng các mỏ
Uranium cũng có giới hạn, 15 triệu tấn, vừa đủ để cung cấp cho 5 lần số lò
đang vận hành trên thế giới trong 40 năm thôi.
Quả đất chúng ta bị xâm phạm và hư hỏng khá trầm trọng, nhưng trong lịch
sử, đã trải qua được nhiều thử thách. Đừng quên rằng, cách đây 100 triệu
năm, nhiệt độ trung bình đã có 10°C cao hơn nhiệt độ ngày nay. Và sự tập
trung CO2 lúc bấy giờ 10 lần lớn hơn. Mỗi khi có những cơn khủng hoảng
quan trọng như thế, nhiều chủng loại bị tuyệt diệt. Loài người mỏng manh,
cũng có thể bị đe doạ. Trong vòng hai thế kỉ tới, ai có thể tiên đoán rằng
loài người sẽ tồn tại, trừ những loại côn trùng và vi khuẩn ? Theo Hubert
Reeves, nhà thiên vật lý có tiếng, chúng ta có hạn chế mạnh được việc thải
CO2 lên trời đi nữa thì tình trạng khí hậu vẫn tiếp tục căng thẳng vì nguyên
lí quan tính. GS Edouard Bard ở College de France, chuyên gia về khí hậu,
tuy nhìn nhận tính cách nguy hiểm của sự thay đổi khí hậu, cũng tỏ ý dè dặt
về những dự báo dài hạn vì còn một số nghi ngờ về phương diện khoa học
và kĩ thuật. GS đề nghị nên hết sức thân trọng vì khí hậu có thể đảo ngược
chỉ trong vài thế kỉ. Theo Viện Worldwatch, để cứu vãn tình thế, giải pháp
duy nhất là phải xây dựng một nền kinh tế dựa trên mặt trời và hydrogène.
Năng lượng tái tạo là lời giải thích đáng nhất
Tuy không đồng ý với những lập luận nêu trong cuốn sách nối tiếng
“L’écologiste sceptique”, của Bjorn Lomborg, GS Đại học Aarhus và Giám
đốc Viện đo lường môi trường Đan Mạch, tôi lại hoan nghênh một số để
nghị thiết thực của tác giả . Nhiều chuyên gia, như Stephen Schneider (khí
hậu), John P.Holgren (năng lượng), John Bongaarts ( dân số ), Thomas
Lovejoy ( sinh vật lý ), đã lên tiếng phản đối mạnh Lomborg, cho ràng tác
giả không đặt đúng các câu hỏi, không đếm xỉa đến sự bùng nổ dân số thế
giới ( 9 tỉ người năm 2050 !), không phân tích một cách khoa học. Như tôi
hy vong, tác giả cũng nhìn nhận rằng ỉ và đăc biệt năng lượng mặt trời, sẽ
kinh tế và rẻ hơn năng lương hoá thạch giữa thế kỉ tới. Bjorn Lombord đã
chỉ trích một số công trình của Club de Rome ( Halte à la Croissance – hiện
tượng lũy thừa! ), Greenpeace, Worldwatch, Fonds mondial pour la Nature
(WWF) và đặc biệt là Cơ quan cố vấn Liên Hiệp Quốc về khí hậu IPCC (
The Intergovernmental Panel on Climat ).
Theo tác giả, áp dụng nghị định thư Kyoto 1977 ( Kyoto Protocol to the
United Nations Framework Convention on Climate Change ), sẽ tốn mỗi
năm, ít nhất 150 tỉ USD ( mà ảnh hưởng về khí hậu chỉ có 0,15°C năm
2100 ) và tổng kinh phí cần thiết để giải quyết sự thay đổi khí hậu là 5000 tỉ
USD. Bjorn Lomborg, dựa vào một bài toán phân tích kinh tế về những phí
tổn và lợi hại của việc làm giảm ngay số lượng CO2, đã can đảm đề nghị
nên chú trong đến việc giúp đỡ các nước nghèo và nghiên cứu năng lượng
tái tạo còn hơn là mất thì giờ và tiền bạc lo cho việc thay đổi khí hậu. Lẽ cố
nhiên, tôi ủng hộ lập trường này. Điều đáng lo ngại là có nước giàu mạnh,
thiếu tinh thần trách nhiệm, không chịu kí nghị định thư Kyoto, lợi dụng
cuốn sách của Lomborg để tự bào chữa, nhưng lại dành tiền đầu tư vào
năng lượng phá hoại của bom đạn thay vì ỉ cho hòa binh.
Grenoble, 26-9-2004
TS Nguyễn Khắc Nhẫn
Nguyên Cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris,
GS Viện Kinh tế, chính sách năng lượng Grenoble,
GS Trường Đại học Bách khoa Grenoble.