Phân tích nhân vật người vợ nhặt, từ đó làm nổi bật lên số
phận của người dân Việt trước CM
Bài gợi ý:
Ai nói chiến tranh là âm thanh dữ dội của bom đạn hay tiếng gào thét của dân
đen vô tội ? Không, nó im lặng. Vì khi đã chết, chúng ta không thể lên tiếng. Phát xít
Nhật càn qua quê hương ta, đất Việt lầm than với hai triệu người con chết vất vưởng.
Nhưng chính trong tận cùng ta thấy đối cực, trong cái chết và màu đen, chúng ta thấy
tình yêu và sắc sáng. Truyện "Vợ nhặt" là thế, một minh chứng hùng hồn cho sức
mạnh của sự sống, sống với nhọc nhằng khổ ải, sống với cái nghèo đến tột độ về vật
chất, nhưng chỉ cần hi vọng, một sự hi vọng trù phú và vững chãi. Họ, chúng ta, tất
thảy sẽ vượt qua.
Tràng xấu, xấu là xấu trai, nhưng được cái tốt bụng và dễ gần. Xóm làng nghĩ
Tràng không thể có vợ. Cũng đúng, với cái thời đói đến ăn cám hay ánh sáng vào đêm
là thứ xa xỉ vậy người vừa nghèo vừa xấu thì ai dám gởi thân ?
Xóm tản cư nheo nhóc và hoang tàn. Đông thì có đông nhưng xóm làng như vẻ
không người, chỉ là những cái bóng nhếch nhác lê gót trên những con đường quanh
co. Xác chết nhiều hơn thực thể di động. Bóng đen gần như chiếm lĩnh cả, mặt trời
vẫn sáng đó, nhưng đôi mắt của dân chúng ở đây cứ tối sầm sầm lại.
Ấy vậy mà Tráng có vợ. Xóm làng bị đói quật mà biểu hiện rõ nhất là lũ trẻ. Sự
hoạt bát bình thường thay cho cái im ỉm thụ động, chắc không ai dạy nhưng chúng
biết bớt vận động là bớt bầu bạn với đói. Nhưng Tràng lấy vợ ! Bản năng làm chúng
tò mò. Chúng nhốn nháo cả một đoạn.
Đường dài quanh co, sự dài ấy như trêu chọc cái e thẹn ban đầu của đôi uyên
ương. Nghĩ chữ uyên ương cũng không hợp trong hoàng cảnh này, khi người ta hay
dùng chữ mĩ miều đó cho những đám cưới linh đình. Nay, trên con đường về nhà
chồng với xác chết cạnh đường đủ gần để nhìn thấy sự phân hủy hoặc cứ văng vẳng
bên tai tiếng khóc tang gia; thiết nghĩ ngày cưới cũng đáng nhớ thật.
Tình yêu luôn là trò phiêu lưu. Vì rằng chúng ta không biết sẽ gặp ai, hoặc chi
chúng ta không biết sẽ đi về đâu và kết quả thế nào với sự chọn lựa đó. Tràng và vợ đã
tham gia cuộc phiêu lưu đó. Tràng vẫn lo đau đáu về tương lai. Một miệng nuôi không
xong, giờ gánh thêm chẳng phải hại lấy thân và cả người ? Đến với nhau tốt đẹp thì đó
là duyên lành, nhưng lôi nhau xuống cùng cực thì lại là nợ đời với nhau. Tràng lại nhớ
về cái sự chẳng biết duyên hay nợ kia. Một câu hò cho quên khổ lao động, một cái đáp
của tuổi trẻ thanh xuân, hai người quen nhau. Lại cộng hưởng giữa đói và sự tốt bụng,
họ lại gần nhau hơn. Giờ quay lại với sự thật ngay trước mắt, Tràng có vợ và mẹ anh
thì vẫn chưa về.
Sự xuất hiện của người mẹ là cái nhấn cho sự khổ của đôi bên. Qua người ***
như tấm gương, ta nhìn thấy cả ba gương mặt đói hốc trong đấy. Và như mọi bà mẹ
Việt Nam, bà đã khóc. Khóc vì thương, thương cho đứa con mình đã có vợ, thương cả
đứa con dâu cũng cùng quẫn chẳng khác gì con mình. Khóc vì tủi, tủi cho cái phận
nghèo không dễ có được một đám cưới đủ nghi thức hay gần hơn là đủ no, chỉ vài câu
chào, vài ánh mắt nhìn thẳng nhau, vậy là họ thành gia đình. Và khóc với một chút
nghi ngờ, phải chăng vì đến đường cùng, người ta mới gởi thân cho con trai nhà mình
? Nước mắt tuông ra cho lời định nói đến. Bà chỉ chúc cho hai con sống bình yên bên
nhau, còn tương lai là sự bấp bênh không muốn nghĩ.
Vợ Tràng, thành viên mới của gia đình, chắc cũng lo xốn xang trăm bề. Mà
không, phải chắc chắn chứ. Phụ nữ Việt vốn giỏi lo toan; công, dung, ngôn, hạnh là
vốn liến mà họ lận lưng khi về nhà chồng. Nhưng với cái quá mới thế này chị chưa thể
chứng minh gì.
Rồi trời cũng tối. Chu kì vẫn thế. Sáng giăng mắt ra Tràng mới dậy. Đời hay
nói mỗi ngày là một ngày mới, và điều đó ập ngay cho Tràng thấy. Nhà cửa gọn hơn,
có cái gì đó ấm cúng hơn, chỉnh chu và cảm giác như đang và sẽ chuẩn bị cho tương
lai.
Bữa cơm tới. Biết rằng đói thì luôn đói nhưng cơm thì vẫn phải theo bữa. Và
họ, dùng từ cơm như thói quen, chứ đáng ra bữa ăn chỉ là cháo và cám. Trời đánh
tránh bữa ăn, thằng Nhật thì không. Lại vang lên tiếng đòi thuế. Thuế, thuế, lại thuế !
Như vết thưởng mở miệng, mỗi ngày một bào mòn đến cùng kiệt sức khỏe.
Thuế từng ngày là nỗi ám ảnh của dân đen, dân đói. Ruộng vẫn còn, nhưng chúng bắt
trồng đay. Lúa vẫn có, nhưng là cho chúng nó. Dân ta chết, làm phân bón cánh đồng.
Tràng đờ ra. Cái đờ ra như sự nhu nhược không đề kháng. Cuộc sống của anh
là sự chịu đựng và ám ảnh riết thành thói quen, anh qui đồng tương lai cho cái hiện tại
khốn khổ này. Không riêng anh, mà có lẽ xóm làng này, không riêng xóm làng này,
mà có lẽ cả một nước Việt này sự đờ ra kia như bao phủ tất thảy.
Việt Minh !
Hả !? Việt Minh ! Tràng như sực tỉnh. Cái tên này nghe mang máng ở đâu. Anh
đã từng sợ, vì anh không hiểu gì. Nhưng vợ nói, rồi phong phanh tin nghe đồn, sao
anh thấy họ thân quen.
Tràng như bị cuốn vào dòng suy nghĩ đó, với quật khởi, với cờ đỏ. Họ chính là
ta, ta hòa với họ. Việt Minh không xa lạ mà chính là bản thể này. Tiếng trống thúc
thuế vẫn dồn dập. Nhưng ! Không còn là tiếng trống hoang mang lo sợ, âm thanh như
tức lồng ngực giờ là tiếng trống trận cho cả một tầng lớp bị chà đạp. Sống với niêm
tin, họ sẽ sống !
Truyện kết lững lơ, với Tràng còn ngồi với bữa cơm dang dở. Nhưng cái dang
dở kia là khởi đầu cho trường kì kháng chiến của một dân tộc, mà trong đó hình thành
từ từng cá thể. Tràng, vợ Tràng và cả mẹ già, giờ tay sẽ cùng chung sức cho hành
trình dài của triệu dân đất Việt. Pháo đài hòa bình và độc lập vững chãi trên từng viên
gạch tin tưởng và hi vọng