Tải bản đầy đủ (.pdf) (64 trang)

Giới thiệu chi tiết 14 bức hoạ thời tử đạo(2) pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.17 MB, 64 trang )





Giới thiệu chi tiết 14 bức hoạ thời tử đạo(2)

Trong bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu khái quát về 14 bức hoạ thời tử đạo
hiện được lưu giữ tại Hội Thừa Sai Paris (MEP). Vì thời gian, bối cảnh lịch sử, tôn
giáo và xã hội mà các bức hoạ diễn tả đã trở nên khá xa lạ với phần đông khán giả
của thế kỉ 21, chúng tôi mạo muội tra cứu và dùng đôi chút hiểu biết ít ỏi của mình
để tường giải, nhằm giúp những ai quan tâm có thêm thông tin về một giai đoạn
đau thương nhưng hào hùng của Hội Thánh tại Việt Nam. Chúng tôi xin lần lượt
giới thiệu các bức hoạ theo trình tự thời gian diễn ra các vụ án. Chúng tôi cũng sẽ
cố gắng, trong khả năng và điều kiện tư liệu cho phép, đọc những chữ Hán được
ghi trên các bức hoạ.
1. Bức hoạ cuộc tử đạo của cha Phêrô Lê Tuỳ, ngày 11-10-1833 tại Nghệ An

Bức hoạ cao 1,660 m, rộng 0,942 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng. Bức họa
chủ yếu được vẽ theo luật đồng hiện. Nét vẽ trong bức họa này khá sắc sảo. Chúng
tôi tạm chia bố cục bức hoạ làm bốn phần: bị bắt – bị giam cầm – giải ra pháp
trường – hành quyết.

Bị bắt: Góc phải, phần dưới của bức hoạ vẽ cảnh thánh nhân bị bắt. Trước tiên là
hình ảnh một xóm nhỏ, phía trước xóm có cổng và con đường với dòng chữ Hán
“Thanh Trác (?[1]) thôn” (lương dân thôn Thanh Trác đã bắt cha Phêrô Lê Tuỳ
trên đường ngài đi kẻ liệt vào ngày 25-6-1833[2]). Con đường trước thôn Thanh
Trác hướng về phía một khu nhà có tường bao quanh. Liền phía trên khu nhà này
có dòng chữ Hán “Thanh Chương huyện”[3]. Ở góc dưới cùng của bức hoạ là hình
một chòi canh, gần đó có dòng chữ Hán “Sa Nam đồn”. Cổng huyện lị Thanh
Chương có con đường dẫn tới bến đò. Bên kia sông là đoàn người áp giải cha
Phêrô Lê Tùy, người đeo gông, có một viên quan dẫn đầu và một nhóm lính vác


gươm và gậy đi theo, đoàn người tiến về phía một toà thành nhỏ, phía trên có dòng
chữ Hán “Anh (?) Sơn phủ”. Chếch về phía trái, góc dưới có một số ngôi nhà, phía
trên là dòng chữ Hán “Vân Đồn xã”.

Bị giam: Phía trên cùng, góc phải là một toà thành với dòng chữ Hán “Nghệ An
tỉnh”, hai cổng một bên là “Nam môn”, một bên là “chính Đông môn”. Trong
thành, tại một căn nhà, cha Phêrô Lê Tùy đeo gong, nơi ngôi ngà có chữ “ngục
thất”.

Giải ra pháp trường: Phía ngoài toà thành là đoàn quân gươm giáo tuốt trần áp giải
thánh nhân ra pháp trường, có một viên quan cưỡi voi chỉ huy đoàn quân, trên đầu
viên quan là dòng chữ “giám sát quan”. Chếch về phía trái là dòng chữ Hán “tống
chí luận hình” – dẫn ra pháp trường. Một tên lính đi trước thánh nhân, trên vai vác
bản luận tội với hàng chữ “Minh Mạng thập tứ niên bát nguyệt …”
Hành quyết: Cảnh hành quyết chiếm phần trung tâm trên bức hoạ và được vẽ khá
sinh động. Một đội quân cầm giáo tạo thành vòng tròn quanh pháp trường, bên
ngoài có đám dân chúng với tư thế và y phục khá đa dạng; viên quan cưỡi voi cũng
ở vòng này, phía trên đầu ông ta có mấy chữ “giám trảm quan”. Ngay sát nơi hành
quyết, một viên quan mặc áo the đang đứng, tay cầm cuộn giấy, phía trên trên đầu
ông ta là chữ “thị sát”. Đứng đối diện viên quan này, viên trưởng nhóm đao phủ
mặc áo đỏ, đeo gươm và cầm roi. Bốn viên đao phủ với tư thế khác nhau vây
quanh thánh nhân. Một thanh gỗ ghi bản án được cắm ngay tại nơi hành hình với
nội dung bằng chữ Hán ở mặt trước: “NHẤT ĐẲNG danh Tùy Lê Tùy quán Hà Nội
tỉnh Thường Tín phủ Thanh Trì huyện Ninh Xá tổng Bằng Sở xã cai phạm hệ bản
quốc nhân cửu tập dị đoan tự xưng đạo trưởng tiềm hướng dân gia tứ hành phiến
dụ nã liệp (?) tra tần khâm án xử trứ trảm lập quyết dĩ giới”; mặt sau: “Minh
Mạng thập tứ niên bát nguyệt nhị thập bát nhật – thìn thời.”[4] Chếch về phía dưới
là chiếc gông vừa được gỡ khỏi cổ thánh nhân. Sau một hồi chiêng lệnh, viên đao
phủ chém đầu thánh nhân bằng một nhát gươm duy nhất, sau đó hắn tung cho đầu

rơi xuống đất. Máu phun lênh láng trên chiếu và trên đất. Liền phía dưới chiếc
gông, một đám người tay cầm giấy đang chạy về phía vị tử đạo vừa bị hành quyết
để thấm máu. Xác thánh nhân nằm sấp trên chiếu, tay bị trói giặt ra phía sau.

Chếch về góc phải ngang với pháp trường có vài ba căn nhà, phía trên có ba chữ
Hán. Hai chữ đầu đã quá mờ, chữ sau cùng hẳn là chữ xã. Theo chúng tôi, đây rất
có thể là họ đạo Trang Mìa (Trang Nứa?), nơi thánh nhân được an táng[5].

2. Bức hoạ cuộc tử đạo của cha Marchand Du, ngày 30-11-1835 tại Huế

Bức hoạ cao 1,500 m, rộng 0,836 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng. Họa sĩ
đã ít nhiều áp dụng nghệ thuật hội họa Tây phương với phong cách tả thực và luật
cận – viễn. Hai cảnh nhỏ ở phía trên bức họa, theo chúng tôi, có thể tạm coi như
một cách áp dụng luật đồng hiện. Chúng tôi tạm chia bố cục bức hoạ làm ba phần:
thẩm vấn lần thứ hai[6] – hành quyết – kết thúc cuộc hành quyết.

Thẩm vấn lần thứ hai: Ở phía trên, góc trái của bức hoạ là cảnh cha Marchand Du
bị thẩm vấn lần thứ hai tại Huế. Bị bắt tại Sài Gòn, bị đóng cũi và giải tới Huế
ngày 15-10-1835, ngay ngày hôm sau, cha bị đem ra thẩm vấn lần thứ nhất, nhưng
chưa bị hành hạ nhiều. Đêm 17-10-1835, do bị vu oan là tham gia cuộc nổi loạn
của Lê Văn Khôi, cha bị thẩm vấn lần thứ hai và bị hành hạ bằng các loại kìm, kẹp
nung đỏ. Bức hoạ cho ta thấy những vết thương ở tay và chân thánh nhân.

Hành quyết: Cảnh hành quyết ở trung tâm và chiếm phần lớn diện tích bức hoạ.
Thánh nhân bị xử lăng trì, cũng còn gọi là bá đao hay tùng xẻo. Sáng 30-11-1835,
thánh nhân bị dẫn đến họ đạo Thợ Đúc cùng với bốn người khác thuộc đảng Lê
Văn Khôi cùng chịu án lăng trì với thánh nhân. Trên bức họa, xa xa là đội quân
cầm giáo vây quanh nơi hành hình. Phía ngoài vòng vây quân lính là đám dân
chúng, kẻ đứng người ngồi. Ở trung tâm bức họa, thánh nhân bị trói vào cột[7],
bốn đao phủ vây quanh thánh nhân, một tên quì tay cầm rìu, ba tên còn lại cầm

dao, kìm, móc để cắt từng miếng thịt trên người thánh nhân. Vì đã trải qua những
nhục hình khủng khiếp buổi sáng hôm đó – không dưới ba lần thẩm vấn, sau mỗi
lần là năm chiếc kìm nung đỏ kẹp vào da thịt cho tới khi những chiếc kìm nguội
hẳn – thánh nhân trút hơi thở sau khoảng sáu vết xẻo[8].

Kết thúc cuộc hành quyết: Phía trên, góc phải của bức hoả tả lại đoạn kết của cuộc
hành quyết. Khi thánh nhân trút hơi thở, các đao phủ chặt đầu thánh nhân, tháo xác
khỏi cột hành hình, đặt nằm sấp trên đất, rồi dùng rìu chẻ xác làm bốn mảnh.

3. Bức hoạ cuộc tử đạo của cha Jean-Charles Cornay Tân, ngày 20-09-1837 tại
Sơn Tây

Bức hoạ cao 1,660 m, rộng 1,213 m. Ngoài một số chi tiết phụ, bức họa hầu như
chỉ miêu tả cuộc hành quyết theo góc nhìn phi điểu. Bức họa cũng được vẽ theo
luật cường điệu với nhiều vòng tròn khác nhau, càng gần trung tâm, các chi tiết
càng được vẽ lớn và kĩ lưỡng hơn. Chúng tôi tạm chia bố cục bức hoạ làm hai
phần: những chi tiết phụ – cảnh hành quyết.

Những chi tiết phụ: Ở phía dưới, góc trái bức họa là mô hình một tòa thành với
dòng chữ Hán “Sơn Tây tỉnh” (thánh nhân đã bị giam giữ tại tòa thành này cùng
với ba thày giảng). Pháp trường diễn ra vụ hành quyết thánh nhân cũng ở gần tòa
thành này. Ở những góc còn lại của bức họa, có những đám dân chúng đứng hoặc
ngồi chứng kiến vụ hành quyết[9]. Bên trong đám dân chúng là đội quân cầm giáo
đứng vòng quanh nơi hành hình. Viên quan giám trảm cưỡi ngựa có lọng che, đang
cầm loa cũng đứng ở vòng này.

Cảnh hành quyết: Cuộc hành quyết được miêu tả khá chi tiết. Góc trái là chiếc
cũi[10], phía bên phải chiếc cũi là hai viên quan đang cầm bản án trong tay, có vẻ
như họ đang đọc bản án. Bản án này cũng được viết trên một thanh gỗ sơn vôi cắm
ngay tại nơi hành hình, như chúng ta thấy trong bức họa[11]. Tiếp theo về phía bên

phải là xiềng xích[12], búa tháo xiềng, và vài chiếc cọc (những chiếc cọc vốn được
đóng xuống nền đất để cột chặt chân tay tử tội)[13].

Thân thể thánh nhân nằm sấp[14] và được đặt trên một chiếc chiếu điều, cũng
chính là chiếc chiếu trải chân bàn thờ đã theo thánh nhân suốt những ngày bị giam
giữ[15], và vừa bị sáu viên đao phủ (ba viên dùng gươm, hai viên dùng búa nhỏ,
một viên dùng búa lớn) chặt ra từng mảnh. Hai chân và hai tay bị chặt ở các khớp
gối. Viên đao phủ vừa chặt đầu thánh nhân xách đầu thánh nhân bằng tay phải –
chiếc mũ sọ màu đen (calotte) mà thánh nhân đã đội trong cuộc hành hình vừa
văng ra khỏi đầu – tay trái hắn đưa lưỡi gươm đầy máu lên miệng và dùng lưỡi
liếm máu. Viên đao phủ đứng liền bên hắn đang nghiêng người moi gan thánh
nhân để ăn[16], dưới chân hắn là hai chiếc cọc và sợi dây đã dùng để giữ chặt đầu
thánh nhân ở vị trí hai bên thái dương[17]. Những viên đao phủ khác vẫn đang xẻ
xác thánh nhân, một phần áo vẫn còn cột vào tay thánh nhân. Một chi tiết đặc biệt
trong cuộc hành quyết này: viên quan giám trảm đã không theo trình tự thông
thường của một vụ xử lăng trì, sau tiếng chiêng đầu tiên, ông đã ra lệnh cho đao
phủ chặt đầu thánh nhân trước, sau đó mới cắt các khớp tay và khớp chân[18].
Viên đao phủ chính đã chặt đầu thánh nhân bằng một nhát gươm duy nhất.

4. Bức hoạ cuộc tử đạo của thầy Phanxicô Xaviê Nguyễn Cần, ngày 20-11-
1837 tại Hà Nội

Bức họa cao 1,675 m, rộng 1,196 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng và được
vẽ theo luật đồng hiện. Nét vẽ trong bức họa này kém sắc sảo so với các bức họa
khác. Chúng tôi tạm chia bố cục bức hoạ làm bốn phần: thẩm vấn 1 – thẩm vấn 2 –
dẫn ra pháp trường – cảnh hành quyết.

Thẩm vấn 1: Ở góc trái, phía dưới, bức họa giới thiệu cảnh một tội nhân đeo gông
và bị căng ra trước thềm một căn nhà. Một người mặc áo xanh, quần điều, đang
ngồi trong nhà, xung quanh có những nhóm người đang đứng hoặc ngồi. Phía trên,

góc phải của căn nhà là hai chữ Hán “huyện nha”. Ở đây, chúng tôi thiển nghĩ cần
giải thích thêm rằng trên đường chuyển thư của Đức Cha Retord Liêu cho cha
Tuần, ngày 19-04-1836, thầy Nguyễn Cần bị bắt tại làng Ke-Vac (Kẻ Vác), bị đánh
đòn rồi vài ngày sau bị giải tới huyện đường Thanh Trì. Hẳn phần này của bức họa
này đã vẽ cảnh diễn ra tại huyện nha Thanh Trì.

Thẩm vấn 2: Phần này chiếm gần trọn nửa trên của bức họa với một tòa thành lớn,
có kì đài cao. Ở tường thành, ngay phía chân kì đài là dòng chữ Hán “Hà Nội tỉnh
thành”, cổng bên trái có chữ “đông môn” và cổng bên phải có chữ “bắc môn”.
Phía trong tòa thành có hai khu nhà với tường bao quanh. Phía trên khu nhà bên
phải có dòng chữ “tổng đốc quan”. Sau khi bị bắt và giải tới Thanh Trì, thánh
nhân bị giải tới Hà Nội và bị điệu ra trước mặt quan tổng đốc, bị đánh đòn và ép
buộc bước qua thập giá. Trong bức họa, trước mặt quan tổng đốc, hai tên lính đang
cầm hai đầu gông để kéo thánh nhân bước qua thập giá. Thánh nhân co chân lên để
không chạm chân lên biểu tượng thiêng thánh. Ở cổng khu nhà bên trái có hai chữ
“ngục môn” – cổng nhà ngục, phía trong là cảnh thánh nhân đeo gông, bị cùm
chân, với nhiều tù nhân khác xung quanh[19].

Dẫn ra pháp trường: Ngày 20-11-1837, một đội quân đông đảo áp giải[20] thánh
nhân qua cửa bắc đi ra pháp trường Ô Cầu Giấy. Bức họa giới thiệu một phần đoàn
người đi ra pháp trường. Thánh nhân đeo gông, mặc áo đỏ, tay chỉ lên trời. Khi ra
khỏi cổng thành, đoàn người dừng lại để chờ sáu tử tội khác cùng bị hành quyết
hôm đó. Thánh nhân đã tận dụng cơ hội này để giảng, trong khoảng một giờ, một
bài ứng khẩu cho đám quan lại, quân lính và đông đảo dân chúng đi theo về sự
chết. Một tên lính đứng phía trước thánh nhân vác một phiến gỗ có những chữ Hán
“nhất bài Nguyễn Tiến Truật …”[21].

Cảnh hành quyết: Cảnh hành quyết được vẽ theo góc nhìn phi điểu. Một đội quân
cầm giáo đứng vòng quanh pháp trường. Phía góc trái pháp trường là ba viên quan
cưỡi voi, một viên quan mặc áo đỏ đang quát loa. Xa xa, những đám dân chúng

đang túm tụm đứng xem cuộc xử án. Bên trong vòng quân cầm giáo, một người
phụ nữ đứng chắp tay quay về phía viên quan cầm loa, phía đầu bà ta có những chữ
“… hồi mai tang thổ”. Gần nơi hành quyết, cách người phụ nữ đó không xa là một
người phụ nữ khác đang bưng khay. Bà ta và một nhóm giáo dân đã chuẩn bị một
bữa tiệc với chút rượu cho thánh nhân ăn trước khi chịu hành hình. Gần chỗ bà ta
đứng là bốn phụ nữ, kẻ đứng người ngồi, một bà đang cầm trong tay xấp vải[22].
Trong số sáu tử tội cùng chịu án với thánh nhân, bốn người đã bị chém đầu, một
người khác đang bị tên đao phủ kề gươm vào cổ, một người vẫn còn quì giữa pháp
trường. Gần nơi hành quyết thánh nhân, gông và xiềng vừa được gỡ ra. Thánh
nhân vừa bị xử giảo, tức xiết cổ. Hai toán lính hai bên vẫn đang cầm sợi xích tròng
qua cổ thánh nhân, một tên lính mặc áo xanh đang nghiêng người về phía thánh
nhân[23]. Một tên đao phủ đang dùng gươm cắt cổ thánh nhân[24]. Bản án thánh
nhân cũng được ghi trên một phiến gỗ sơn vôi và cắm gần bên nơi hành quyết. Nội
dung bản án bằng chữ Hán như sau: “Nguyễn Tiến Truật quán Thường Tín phủ
Sơn Miêng xã cai phạm bản [quốc?] tòng Gia Tô đạo hựu bất khẳng khoá quá
thập tự thẩm án xử cấp lập quyết tư bài. Minh Mạng thập bát niên cửu nguyệt thập
bát nhật.”[25]

5. Bức hoạ cuộc bắt bớ và giải thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự, cha Vinhsơn
Nguyễn Thế Điểm và Đức cha Pierre Dumoulin Borie Cao tới Quảng Bình,
ngày 27-07 và 31-07-1838

Bức họa cao 1,709 m, rộng 0,890 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng và được
vẽ theo luật đồng hiện. Nét vẽ trong bức họa này khá sắc sảo. Chúng tôi tạm chia
bố cục bức hoạ làm ba phần: lùng sục và bắt bớ – giải đi – giam cầm và thẩm vấn.

Lùng sục và bắt bớ: Phía dưới bức họa là hình ảnh vài ngôi làng, có những nhóm
quân lính và hai người đang quì. Nơi vài ngôi nhà ở góc trái, phía dưới, có chữ
“Cồn Giờ”[26]. Ở phía dưới của vài ngôi nhà có mấy người đứng và quì có hai
chữ “Lệ Sơn”. Hai chữ phía trên


đầu hai người đang quì là “oa gia”[27]. Phía dưới, góc phải là hai chữ “đại hải”.
Chúng tôi xin mạo muội giải thích thêm ở đây. Năm 1838, vua Minh Mạng ra lệnh
lùng bắt cha Candalh Kim, giám đốc chủng viện Di Loan. Ngày 02-07 năm đó,
quân lính bắt được cha Khoa và hai thầy giảng Đức và Khang. Khi bị tra tấn, thầy
Khang đã khai rằng có một thừa sai Âu Châu ở vùng Bố Chính. Quân lính lập tức
đi bố ráp vùng này, đặc biệt vùng ven biển. Ngày 27-7, họ tìm được một số đồ vật
của cha Vinhsơn Nguyễn Thế Điểm và bắt đầu tra khảo chủ nhà. Sáng hôm sau,
một người tên là Yên đã đồng ý dẫn quân lính đến nơi cha Điểm ẩn trốn, nơi các
đụn cát gần làng Đan Sa[28]. Trong bức họa, cha Điểm đầu tóc bạc phơ – lúc đó
ngài đã 74 tuổi – ngồi trong một lùm cây, bên cạnh có nải chuối. Quân lính cầm
gậy, một đám đang núp, hai tên tiến về phía cha Điểm, gần đó là một người đang
chạy, phía dưới có hai chữ “Sa Sơn”. Bắt được cha Điểm, quan quân chưa hài lòng
và họ quyết tâm lùng sục để tìm ra vị thừa sai Âu Châu. Trên đường truy tìm, họ
bắt được một tín hữu tên là Thanh và nạt nộ anh. Anh này khai ra là có nhìn thấy
một người vóc dáng rất lớn ở gần bờ biển. Quan quân tiếp tục lùng sục suốt đêm
đó. Khi cha Borie Cao, lúc đó đang trốn trong một bụi cây, nghe tiếng quan quân
tới gần, ngài biết đã bị lộ nên ra nộp mình. Giữa đêm tối, quan quân thấy một
người cao lớn tiến ra nên hoảng sợ. Một tên lính ra lệnh cho vị thừa sai quì xuống.
Tuy nhiên, để trấn át nỗi sợ, hắn vẫn vung gậy đánh vào lưng ngài. Đó là chuyện
diễn ra sáng ngày 31-07-1838. Trong bức họa, quân lính cầm gậy đang từ nhiều
hướng tiến về phía cha Borie Cao, một tên đang vung gậy. Phía sau mấy tên lính là
những chữ “Trường Sa Sơn”.

Giải đi: Phần giữa bức họa trình bày cảnh giải ba vị chứng nhân của Chúa Giêsu đi
về tỉnh lị Quảng Bình. Phía sau lưng đoàn người là vài căn nhà có tường bao quanh
với ba chữ “Quảng Trạch huyện”. Đoàn quân áp giải mang gươm giáo. Ba tù nhân
mang gông. Cha Borie cao đi đầu, sau đó là cha Điểm, cuối cùng là thầy Tự (người
giúp việc cha Borie Cao, thầy đã tự tới nộp mình lúc cha Cao bị bắt). Chỉ huy đoàn
áp giải là một viên quan cưỡi ngựa mặc áo xanh. Phía trên đầu đoàn người áp giải

có hai chữ “giải tỉnh”. Trước mặt đoàn người là một dòng sông, ở mép bức họa có
chữ “đò Gianh”.

Giam cầm và thẩm vấn: Phần trên bức họa là một tòa thành, cổng bên phải có chữ
“chính đông môn”, cổng bên trái có chữ “chính nam môn”. Bên trong tòa thành là
cảnh công đường. Hai viên quan áo đỏ và áo xanh ngồi chính giữa, có hai nhóm
quan lại ngồi hai bên tả hữu. Trước thềm công đường, hai hàng lính cầm giáo đứng
hai bên. Giữa sân công đường, thầy Tự bị căng ngang ra bằng hai chiếc cọc đóng
xuống đất. Thầy đang bị hai tên lính đánh đòn và mông thầy đầy vết máu. Cha Cao
và cha Điểm đeo gông đứng gần đó[29]. Nóc công đường có dòng chữ “Quảng
Bình tỉnh tra”. Liền bên công đường là một ngôi nhà, phía trong có năm người đeo
gông. Phía trên căn nhà có chữ “ngục thất”. Tại ngục thất Quảng Bình, ba vị
chứng nhân của Chúa còn gặp hai vị chứng nhân khác là cha Phêrô Võ Đăng Khoa
và ông lang Năm, tức Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh.

6. Bức hoạ cuộc tử đạo của ông Micae Nguyễn Huy Mĩ, Antôn Nguyễn Đích và
cha Giacôbê Đỗ Mai Năm, ngày 12-08-1838 tại Nam Định

Đây là bức họa lớn nhất, chiều cao 1,804 m, chiều rộng 1,965 m, được vẽ trên giấy
bồi trên vải mỏng và được vẽ theo nhiều thủ pháp nghệ thuật dân gian khác nhau
như luật đồng hiện, luật tẩu mã và luật phi điểu. Nét vẽ trong bức họa này không
sắc sảo cho lắm. Chúng tôi tạm chia bố cục bức hoạ làm bốn phần: bắt bớ và giải
đi – giam cầm và thẩm vấn – dẫn ra pháp trường và hành quyết – mai táng.

Bắt bớ và giải đi: Cảnh bị bắt và giải đi chiếm gần trọn phần dưới của bức họa. Ở
góc trái, bức họa giới thiệu cảnh quân lính cầm giáo bao vây một khu dân cư[30].
Phía trước căn nhà trong bức họa có bốn chữ “Vĩnh Trị dân cư”. Quan quân đã bắt
được cha Giacôbê Đỗ Mai Năm tại nhà ông Antôn Nguyễn Đích (ông trùm Đích).
Quan quân cũng bắt luôn ông Micae Nguyễn Huy Mĩ là con rể ông trùm Đích,
cũng là lí trưởng làng Vĩnh Trị. Bức họa cho ta thấy cảnh ba vị bị trói và điệu ra

đình làng Vĩnh Trị, tại đây, ông lí Mĩ bị căng ra sân đánh đòn. Đứng gần ông lí Mĩ
là ông trùm Đích. Cha Năm đứng phía sau ông trùm Đích. Cách đình làng không
xa về phía bên phải, một tên lính đang đi lùng sục, cướp bóc của cải. Bên ngoài
vòng vây quân lính, chếch về phía trái, một đám người đang mang vác đồ đạc đưa
lên thuyền bên bờ sông Đáy.

Chếch về phía trên một chút, ba vị mang gông bị quân lính áp giải lên huyện, một
viên quan nằm trên cáng ở phía đầu đoàn người. Trước mặt họ là khu nhà có tường
bao quanh với hai chữ “huyện nha”. Dưới chân đoàn người là dòng chữ “kí giao
huyện sở”. Phía sau đoàn người là ngọn núi nhỏ với hai chữ “Nhôi sơn”.

Ở phía dưới, góc phải của bức họa, quân lính áp giải ba người mang gông, trong
cáng không có người vì viên quan mặc áo xanh đã ra khỏi cáng, trước mặt viên
quan là bến đò và dòng chữ “huyện quan giao tù tại tuần phủ quan”. Bên kia sông
là vài ngôi nhà với những chữ “Phù Sa đồn”. Chếch lên phía trên một chút, một
viên quan mặc áo xanh, quần đỏ và đoàn lính áp giải ba người mang gông, trên đầu
đoàn người có hai chữ Hán “giải tỉnh”.

Giam cầm và thẩm vấn: Phần trên, gần trọn góc bên phải là một tòa thành, phía
trong có chữ “Nam Định tỉnh thành”. Ba cổng trong bức họa được vẽ theo lối tẩu
mã. Cổng phía dưới có chữ “chính nam môn”, cổng bên trái có chữ “chính tây
môn”, cổng phía trên có chữ “chính bắc môn”. Góc tây nam tòa thành là cảnh
công đường. Quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh mặc áo xanh ngồi giữa, có tả hữu
hai bên. Ba tù nhân đeo gông đang ở sân công đường, hai hành lính vác gươm tuốt
trần đứng hai bên. Các quan muốn ép ba vị bước qua thập giá. Ông lí Mĩ chịu thử
thách đầu tiên[31]. Hai tên lính đang cầm ai đầu gông để ép ông bước qua thập giá.
Ông co chân lên để không chạm vào biểu tượng thiêng thánh đó. Một tên lính đang
vung roi đánh ông, một tên khác cầm chân ông kéo ra, nhưng không thể làm ông
bước qua thập giá. Phía sau công đường là một ngôi điện[32]. Chếch về phía đông
bắc của tòa thành là cảnh ba người ngồi trong một căn nhà với hai chữ “ngục

thất”.

Dẫn ra pháp trường và hành quyết: Ở góc phải, phía trên của bức họa là cảnh ba vị
chứng nhân của Chúa bị điệu ra pháp trường. Ba vị đeo gông, cha Năm đi đầu, có
đoàn quân lính vác giáo áp giải. Phía trước mỗi vị, một tên lính vác phiến gỗ ghi
bản án[33].

Phía trước mặt đoàn người, cảnh hành quyết chiếm trọng góc trái, phần trên của
bức họa, với nhiều chi tiết khá thú vị. Một đội quân đông đảo cầm giáo đứng vòng
quanh pháp trường. Quan tổng đốc và hai viên quan khác cưỡi trên ba thớt voi để
chủ trì cuộc xử. Ba vị tử đạo quì trên ba manh chiếu, mấy tên lính đang tháo gông
ra khỏi cổ ông trùm Đích. Một tên đao phủ đang vung gươm chém ông lí Mĩ[34].
Chiếc gông vừa được tháo khỏi cổ ông bị ném trên nền đất gần đó. Phần cha Năm,
gông xiềng vừa được tháo khỏi cổ cha. Viên đao phủ đang chuẩn bị hành hình.
Một tên lính đeo gươm đứng phía sau cầm một cây sào sẽ dùng để bêu đầu cha ba
ngày như án lệnh. Gần chỗ hành quyết cha là ba chữ “luận hình xứ”. Phía bên trái
pháp trường, một đám dân chúng chạy qua hàng rào quân lính để vào thấm máu
các vị tử đạo, ba tên lính dùng roi và sống gươm đánh đập họ, nhưng họ vẫn xông
vào. Ở phía trên, góc trái bức họa, một người đang ngồi với xấp vải dùng để tẩm
liệm ba vị tử đạo.

Mai táng: Trở lại phía dưới của bức họa, một đoàn người đông đảo[35] cầm đuốc
rước xác ba vị tử đạo về an táng tại làng Vĩnh Trị. Phía trước xác mỗi vị là phiến
gỗ ghi bản án đã cắm tại nơi hành quyết. Trên phiến gỗ đầu tiên có chữ “nhất bài
Mai Ngũ”, phiến thứ hai có chữ “nhất bài Nguyễn Văn Khiêm”[36], phiến thứ ba
có chữ “nhất bài Nguyễn Huy Mĩ”. Ở gần đầu đoàn rước có dòng chữ “tương[37]
hồi mai táng”. Cũng ở gần đầu đoàn rước, chếch về phía dưới, thân nhân các vị tử
đạo mặc đồ tang ra đón.

7. Bức hoạ cuộc bắt bớ và giải thầy Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh, thầy

Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và cha Phaolô Phạm Khắc Khoan tới thành Ninh
Bình, ngày 24-08-1838[38]

Bức họa cao 1,470 m, rộng 0,800 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng và được
vẽ theo luật đồng hiện. Nét vẽ trong bức họa này khá sắc sảo. Chúng tôi tạm chia
bố cục bức hoạ làm ba phần: bị bắt – giải đi – giam cầm và thẩm vấn.

Bị bắt: Bức họa không vẽ cảnh ba thánh nhân bị bắt. Tuy nhiên, ở phía dưới, góc
phải, bức họa giới thiệu cảnh một ngôi làng. Ngày 24-08-1838, một lương dân tố
cáo với quan, và cha Phaolô Phạm Khắc Khoan đã bị bắt tại làng Đông Biên cùng
với hai thầy giảng giúp việc là thầy Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và thầy Gioan
Baotixita Đinh Văn Thanh.

Giải đi: Buổi tối ngày bị bắt, ba thánh nhân bị giải đi Ninh Bình. Cảnh giải đi nằm
ở giữa bức họa. Một đám đông chức việc và lương dân cầm gậy và đuốc áp giải ba
thánh nhân, phía cuối đoàn rước là một viên quan cưỡi ngựa. Cha Phaolô Phạm
Khắc Khoan đã 66 tuổi, không thể tự đi được nên nằm trên cáng, phía sau là thầy
Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và thầy Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh mang gông trên
cổ. Ở phía dưới đoàn người, chếch về bên phải là một nhóm người mang theo gậy
gộc, kẻ nằm người ngồi. Đây là nhóm giáo dân định tới giải cứu ba vị, nhưng khi
thấy không thể giải cứu được vì đoàn người đã lên đường đi về tỉnh lị Ninh Bình,
nhóm giáo dân chán nản ngồi xuống hoặc nằm ngay bên vệ đường.

Giam cầm và thẩm vấn: Nửa trên bức họa là một tòa thành. Cửa thành bên phải có
các chữ “chính đông môn”, cửa bên trái có chữ “chính nam môn”. Bên trong tòa
thành, phần trung tâm là cảnh công đường, quan tổng trấn mặc áo xanh ngồi trong
công đường có hai ban tả hữu hai bên. Trước sân công đường là hai hàng lính, ở
giữa là ba thánh nhân đeo gông và mang xiềng. Một viên quan đang cầm tay thầy
Hiếu để kéo thầy bước qua thập giá. Cha


Khoan đứng liền sau thầy Hiếu, phía sau ngài là thầy Thanh[39]. Chếch về góc
phải, bức họa giới thiệu ba thánh nhân mang xiềng gông trong một ngôi nhà, đó là
ngục thất tỉnh lị Ninh Bình. Ba vị đã bị giam cầm tại đó gần 20 tháng, trước khi bị
đem đi xử chém vào ngày 28-04-1840.

×