Văn hoá ẩm thực dân gian
Mường
"Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới" là những câu nói để
nhắc đến những đặc trưng trong văn hóa ẩm thực cũng như lao động sản xuất của
người Mường.
Nói đến đặc trưng ẩm thực cũng như lao động sản xuất
của người Mường là nói đến một câu rất đặc trưng:
"Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng
tới", vì thế đối với cư dân Mường, với nền kinh tế chủ
yếu là nông nghiệp, canh tác lúa nước, cơm nếp đồ là
thứ không thể thiếu, là món ẩm thực mang ý nghĩa lớn
để cảm ơn trời đất cho mùa màng bội thu.
Lễ hội cơm mới được bắt đầu từ điệu múa giã gạo,
trong âm thanh rộn ràng náo nức, dường như mong mỏi
cầu thực đã lan tỏa và trở thành mong mỏi cầu hạnh
phúc yên vui.
Người Mường đồ cơm nếp bằng “cuốp” (loại cây thân mềm không độc, khi đồ cơm
không bị nứt), như thân cây cọ khoét rỗng, hoặc cây “bương”. Chiều cao của
“cuốp” khoảng 40 - 50cm, đường kính khoảng 25 - 30cm, chứa được chừng vai ba
cân gạo một mẻ. Khi đồ cơm nếp bằng “cuốp” thì cơm nếp vẫn giữ được hương
thơm và giá trị dinh dưỡng của gạo.
Khi cơm chín, người Mường đổ cơm vào thúng hay nia, mủng rồi quạt cho nguội,
làm như vậy cơm vừa dẻo, vừa khô, không bị nát, ăn rất ngon. Ở một số nơi, người
Mường còn đồ cơm nếp thành các màu bằng cách lấy các thứ cây thân cỏ đem giã
lấy nước rồi trộn với giạo đem đồ. Khi đồ cho lần lượt các màu đỏ vào trước rồi
đến màu xanh, vàng, tím trắng cho lên trên cùng. Cơm chín đổ ra trộn lẫn các màu
lại với nhau. Hiện nay, Đồng bào Mường cấy lúa nếp tuy ít hơn lúa tẻ, chủ yếu ăn
cơm tẻ nhưng cơm nếp đồ vẫn là món ăn ưa thích, đặc trưng của người Mường và
trở thành món ăn ưa chuộng của khách du lịch.
Bên cạnh cơm nếp đồ, những món ăn cổ truyền trong ngày lễ, tết và ngày thường
của người Mường cũng rất đa dạng. Có đến hàng chục món đồ cùng đủ loại món
luộc, món xào, món nấu, món nướng, món nộm, món dưa. Nhiều món ăn được
người Mường ưa thích và trở thành món chính trong các bữa ăn như: cơm nếp đồ,
cá ốc đồ, rau trộn đồ, măng đắng đồ; thịt gà, lợn, luộc; sườn rang mắm tôm, nhộng
ong rừng rang với nước măng chua; thịt trâu xào tiêu rừng; thịt trâu nấu lá lồm, ốc
vặn nấu lá lốt, canh cây chuối rừng; chả lá bưởi, thịt gà luộc gói lá chuối nướng;
nộm tai lưỡi, óc lợn, ớt cá lá kiệu, ớt gà vịt; măng chua, đu đủ muối tiết trâu bò,
thịt lợn ướp thính, dưa cá muối kiệu…
Sự trân trọng và phát huy những giá trị trong đời sống ẩm thực của người Mường
được minh chứng cho đến thực tế ngày hôm nay. Những mâm cơm của bữa ăn
ngày thường hay mâm cỗ ngày lễ tết đều được chế biến, bầy biện sao cho khéo
đúng với cổ truyền. Nhiều người “sành ăn” cho rằng: các món thịt phải được bày
trên lá chuối mới giữ được vị thơm đặc trưng của thịt; mâm cỗ phải có đủ giá trị
dinh dưỡng, các món ăn với các chất liệu phù hợp, có lợi cho sức khoẻ; mâm cỗ
ngon phải có đủ vị chua, cay, ngọt, mặn, chát và phải ngồi ăn ở không gian thoáng,
mát, có bạn hiền, có khách quý cùng ăn mâm cỗ mới thật ngon, thật ý nghĩa… Tuy
nhiên, người Mường thích ăn những thức ăn có vị chua, vị đắng, chát. Còn vị cay
thường để ra làm món riêng chứ không xào nấu lẫn với các thực phẩm khác. Vị
ngọt thì chỉ ăn ở dạng hoa quả tươi, hoặc dùng đường, mật chấm các loại bánh có
bột.
Ngoài những món ăn kể trên, trong văn hoá ẩm thực dân gian của người Mường
còn có các loại rượu trắng, rượu cần, các loại bánh như: bánh trưng, bánh dầy,
bánh uôi, bánh ống, bánh ốc nhọn, bánh trôi…; các loại nước từ cây rừng, nước
chè uống tốt cho sức khoẻ và dễ tiêu sau bữa ăn. Riêng về rượu cần, từ nguồn gốc
xuất xứ, quá trình ủ men, làm rượu và nhu cầu sử dụng trong gia đình, tiếp khách,
trong các đám lễ và nghệ thuật uống cũng chứa đựng nhiều nét văn hoá độc đáo
của người Mường
Văn hoá ẩm thực của người Mường còn thể hiện giá trị độc đáo sâu sắc trong đời
sống của mỗi gia đình trong việc quan tâm đến nết ăn uống của con người từ lúc
còn nhỏ. Đó chính là nết ăn uống kính trên nhường dưới; đó là lòng hiếu khách và
hạnh phúc khi được nhiều người quý mến và ở lại nhà ăn cơm; đó là lòng thương
người thiếu đói, sẵn sàng cho gói cơm, đấu gạo khi người khó đến xin; đó là tính
cởi mở giao tiếp trong ăn uống…
Văn hoá ẩm thực của người Mường được lưu giữ góp phần quan trọng trong việc
tôn vinh văn hoá dân tộc. Nhiều bản làng của người Mường trở thành những điểm
du lịch hấp dẫn với nhiều món ăn, nhiều sản phẩm đặc trưng được quảng bá như
khu vực suối khoáng Kim Bôi, bản Giang Mỗ (huyện Cao Phong), khu vực thị trấn
Mường Khến và Mường Bi (huyện Tân Lạc), khu vực Mường Vang, và các xã
vùng cao huyện Lạc Sơn (Hòa Bình)….