Rabelais và Gogol (Nghệ
thuật ngôn từ và văn hoá
trào tiếu dân gian)
Trong cuốn sách về Rabelais
(1)
chúng tôi đã cố gắng chỉ ra rằng những nguyên
tắc cơ bản trong sáng tác của nhà văn vĩ đại này được quyết định bởi nền văn hoá trào
tiếu dân gian của quá khứ. Một trong những nhược điểm căn cốt của ngành nghiên cứu
văn học đương thời là ở chỗ nó cố gắng nhồi nhét toàn bộ văn học – trong đó có văn học
Phục Hưng nói riêng – vào khuôn khổ của văn hoá chính thống. Nhưng thực ra sáng tác
của Rabelais chỉ có thể thật sự hiểu được trong dòng chảy của văn hoá dân gian, nền văn
hoá ấy trong mọi giai đoạn phát triển của mình luôn đối nghịch với văn hoá chính thống
và đã xác lập nên một giác độ nhìn nhận đặc biệt về thế giới và những hình thức đặc biệt
để phản ánh nó bằng hình tượng.
Nghiên cứu văn học và mỹ học thường xuất phát từ những biểu hiện hạn hẹp và
nghèo nàn của tiếng cười trong văn học ba thế kỷ gần đây, và cố gắng nhét cả tiếng cười
thời Phục Hưng vào những quan niệm hạn hẹp đó về tiếng cười và cái hài; nhưng thực ra
những quan niệm đó còn xa mới đủ thậm chí chỉ để hiểu được Molière.
Rabelais là người thừa kế và hoàn tất tiếng cười dân gian của hàng nghìn năm ấy.
Sáng tác của ông là chiếc chìa khóa không thể thay thế đối với toàn bộ nền văn hoá trào
tiếu châu Âu trong những biểu hiện mạnh mẽ nhất, sâu sắc nhất và độc đáo nhất của nó.
Chúng tôi xin đề cập đến ở đây một hiện tượng quan trọng nhất trong văn học trào
tiếu thời đại mới – sáng tác của Gogol. Chúng tôi chỉ quan tâm đến các yếu tố văn hoá
trào tiếu dân gian trong sáng tác của ông.
Chúng tôi sẽ không đề cập đến vấn đề ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của
Rabelais đến Gogol (qua Sterne và trường phái tự nhiên Pháp). Ở đây đối với chúng tôi
chỉ quan trọng những đặc điểm nào trong sáng tác của Gogol mà chúng - không phụ
thuộc vào Rabelais - được quyết định bởi mối liên hệ trực tiếp của Gogol với những
hình thức hội hè dân gian trên quê hương thân thiết của ông.
Đời sống hội chợ và hội hè dân gian ở Ukraina, vô cùng quen thuộc với Gogol, đã
tạo nên phần lớn những truyện ngắn trong Chiều chiều trong xóm gần Dikanka như Hội
chợ ở Sorochintsy, Đêm tháng năm, Đêm Giáng sinh, Buổi tối trước lễ Ivan
Kupal. Chính mảng đề tài ngày lễ và không khí hội hè vui vẻ phóng khoáng đã quyết
định cốt truyện, các hình tượng và giọng điệu của các truyện ngắn này. Lễ hội, những
tín niệm đi kèm với nó, không khí tự do và vui vẻ đặc biệt của nó đã đưa cuộc sống ra
khỏi nếp sống thường nhật và biến cái không thể thành có thể (trong đó có cả việc diễn
ra những cuộc hôn nhân trước đó là không thể). Cả trong những truyện ngắn thuần túy
hội hè chúng tôi vừa nêu lẫn trong những truyện ngắn khác đóng vai trò quan trọng nhất
là những trò quỷ vui nhộn, rất gần gũi về tính cách, giọng điệu và chức năng với những
“linh thị” vui nhộn về âm phủ và các vở quỷ kịch được diễn trong các hội carnaval
(2)
. Đồ
ăn, thức uống và sinh hoạt tính giao trong những truyện ngắn đó mang tính chất hội hè,
tính chất carnaval của lễ tiễn mùa đông. Chúng tôi xin nhấn mạnh thêm vai trò to lớn
của sự cải trang, các trò lừa đủ loại cũng như những màn đánh đấm và hạ bệ. Cuối
cùng, tiếng cười của Gogol trong các truyện ngắn đó là tiếng cười hội hè dân gian
thuần tuý. Nó nhị chức năng và duy vật một cách tự phát. Cái nền tảng dân gian đó đã
được lưu giữ đến cùng trong tiếng cười Gogol, mặc dù có những biến đổi quan trọng về
sau.
Những lời nói đầu cho Chiều chiều (đặc biệt trong phần một) về mặt kết cấu và
văn phong rất gần gũi với những lời nói đầu của Rabelais. Chúng được xây dựng theo
giọng điệu những chuyện phiếm suồng sã một cách cố ý với độc giả; lời nói đầu cho
phần một bắt đầu bằng một tràng mắng mỏ tương đối dài (tuy đây không phải của bản
thân tác giả, mà là lời mắng dự đoán của độc giả): “Cái quái gì thế này: Chiều chiều
trong xóm gần Dikanka? Chiều chiều gì vậy? Mà lại một anh nuôi ong nào đó! ”. Và
tiếp theo là những câu rủa đặc trưng (“một thằng ranh rách tướp nào đó, xem ra rõ đồ bỏ
đi, đang sục sạo ở sân sau ”), những lời thề và nguyền rủa (“hãy giết nó đi”, “cầu cho
quỷ dữ đẩy bố chúng nó rơi xuống cầu”, v.v ). Cũng gặp những hình tượng đặc trưng
kiểu này: “Bàn tay của Phoma Grigorievich, lẽ ra phải nắm lại và giơ ngón trỏ thì lại
chìa về phía tấm bánh bột". Cũng có câu chuyện về cậu học trò Latinh hoá (đối chiếu
với tình tiết về chàng sinh viên ở Limuzin của Rabelais). Phần kết lời nói đầu mô tả
hàng loạt đồ ăn, tức là các hình tượng tiệc tùng.
Xin dẫn ra một hình tượng rất đặc trưng về tuổi già nhảy nhót (gần như là thần
chết nhảy nhót) trong Hội chợ ở Sorochintsy: “Tất cả đều nhảy. Nhưng có lẽ một cảm
giác lạ lùng hơn, khó đoán định hơn sẽ trào lên từ đáy sâu tâm hồn khi ta nhìn những bà
già mà trên gương mặt lụ khụ của họ đã phảng phất sự lãnh đạm của nấm mồ, đang chen
lấn giữa đám người tươi mới, sống động, vui cười. Thật là những kẻ vô tâm! Thậm chí
chẳng có một niềm vui trẻ thơ, một tia lửa đồng cảm nào, mà chỉ một cơn say đưa đẩy
họ, tựa hồ những cỗ máy tự động vô sinh khí được người thợ máy lên dây cót, làm một
cái gì đó từa tựa con người, họ lặng lẽ lắc lư những cái đầu ngây ngất, khẽ nhảy trong
đám đông vui nhộn, thậm chí chẳng thèm để mắt tới cặp vợ chồng mới cưới”.
Trong Mirgorod và Taras Bulba đã xuất hiện những đặc điểm của chủ nghĩa hiện
thực nghịch dị. Các truyền thống của chủ nghĩa hiện thực nghịch dị từng rất mạnh mẽ và
sống động ở Ukraina (cũng như ở Belorussia). Vườn ươm chúng chủ yếu là các trường
học của nhà thờ, cả trung học lẫn đại học (ở Kiev còn có “đồi thánh Genevie” riêng của
mình với những truyền thống tương tự). Các học trò trường dòng (các tu sinh), các tăng
lữ cấp thấp, “những thầy tu lang thang” khi đi hành hương đã tung tán khắp Ukraina thứ
văn chương truyền khẩu giải trí của những truyện hài, tiếu lâm, những hý phỏng ngôn từ
đoản thiên, những sách ngữ pháp giễu nhại, v.v Các trò giải trí học đường với tính chất
đặc thù và quyền tự do của chúng đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển văn
hoá ở Ukraina. Truyền thống nghịch dị trong các trường học Ukraina (không chỉ các
trường của nhà thờ) vẫn còn sống động vào thời Gogol và thậm chí muộn hơn. Chúng
sống trong cung cách đàm thoại quanh bàn ăn của giới trí thức bình dân Ukraina (chủ
yếu xuất thân từ môi trường tôn giáo). Gogol không thể không biết trực tiếp chúng dưới
hình thức truyền khẩu sinh động. Ngoài ra, ông còn biết rất rõ chúng từ các cội nguồn
sách vở. Cuối cùng, những yếu tố căn bản của chủ nghĩa hiện thực nghịch dị đã được
Gogol hấp thụ từ Narezhnyi
(3)
, sáng tác của nhà văn này thấm đượm chúng. Tiếng cười
giải trí phóng khoáng của cậu học trò trường dòng rất gần gũi với tiếng cười hội hè dân
gian vang lên trong Chiều chiều, đồng thời tiếng cười của các tu sinh Ukraina ấy lại
là tiếng vọng xa xăm kiểu Kiev của “risus paschalis” (tiếng cười Phục sinh) phương
Tây. Vì thế những yếu tố folklore hội hè dân gian Ukraina và những yếu tố của chủ
nghĩa hiện thực nghịch dị tu sinh trường dòng đã kết hợp một cách hữu cơ và nhuần
nhuyễn trong “Vyi” và “Taras Bulba”, giống như ba thế kỷ trước đó những yếu tố tương
tự đã kết hợp hữu cơ trong tiểu thuyết của Rabelais. Hình tượng cậu học trò trường dòng
bình dân không người thân thích, một chàng Khoma Brut nào đó kết hợp học vấn
Latinh với tiếng cười dân gian, với thể lực tráng sĩ, với sự tham ăn và khát uống vô độ,
là rất gần gũi với những người anh em phương Tây của y, với Panurge và đặc biệt với
thầy dòng Jean.
Trong Taras Bulba, ngoài tất cả các yếu tố trên, một sự phân tích kỹ hơn có thể
phát hiện thêm những hình tượng vui nhộn gần gũi với Rabelais về thói tráng sĩ, những
phóng đại kiểu Rabelais về những trận chiến đẫm máu và những bữa đại tiệc, và cuối
cùng trong bản thân đoạn mô tả luật lệ và nếp sống đặc biệt của xứ Sech tự do có thể
phát hiện ra những yếu tố sâu xa của chất không tưởng hội hè dân gian,
những Saturnalia theo kiểu Ukraina. Trong Taras Bulba cũng có nhiều yếu tố kiểu
carnaval, ví dụ, ngay trong đoạn mở đầu truyện: các tu sinh đến nhà và trận chiến bằng
nắm đấm giữa Ostap và cha (ở cực độ đó là “những quả đấm không tưởng chủ nghĩa”
kiểu Saturnalia).
Trong những truyện Peterburg và toàn bộ sáng tác tiếp theo của Gogol chúng ta
cũng tìm thấy những yếu tố khác của văn hoá trào tiếu dân gian, và tìm thấy trước hết
trong chính văn phong của ông. Ở đây không nghi ngờ gì là có ảnh hưởng trực tiếp từ
các hình thức hài dân gian chốn chợ búa - quảng trường và rạp hát. Các hình tượng và
văn phong của truyện Cái mũi tất nhiên là gắn liền với Sterne và trường phái Sterne;
những hình tượng ấy trong những năm đó rất thịnh hành. Nhưng đồng thời Gogol cũng
tìm thấy hình tượng cái mũi nghịch dị và khát khao cuộc sống độc lập, cũng như mảng
đề tài về cái mũi, trong nhà hát rong Nga ở hình tượng Petrushka – một Pulchinella của
chúng ta. Trong nhà hát rong ông cũng tìm thấy phong cách nói xen vào hành động kịch
những nhân vật chào mời, với giọng điệu quảng cáo và khen ngợi mỉa, với những câu
nói phản lôgic và những trò lố cố tình của nó (các yếu tố “cocalan”). Trong tất cả những
hiện tượng ấy của văn phong và hệ thống hình tượng nơi Gogol, phong cách của trường
phái Sterne (tức là có cả ảnh hưởng gián tiếp của Rabelais) đã kết hợp với ảnh hưởng
trực tiếp của cái hài dân gian.
Những yếu tố “cocalan” – cả những câu phản lôgic riêng lẻ lẫn những cấu tạo
ngôn từ kỳ quặc phát triển cao hơn – là rất phổ biến ở Gogol. Chúng đặc biệt hay gặp
trong những mô tả về các vụ kiện tụng và thói quan liêu hành chính, những chuyện đơm
đặt và thóc mách, ví dụ, trong những phỏng đoán của các quan chức về Chichikov,
những lời ba hoa của Nozdrev về đề tài này, trong cuộc đàm đạo của hai mệnh phụ,
trong những câu chuyện của Chichikov với các địa chủ về việc mua các linh hồn chết,
v.v Mối liên hệ giữa các yếu tố này với các hình thức hài dân gian và với chủ nghĩa
hiện thực nghịch dị là không thể nghi ngờ.