QUANG LONG TỰ CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC
ĐỘC ĐÁO
Từ phía ngoài nhìn vào ta thấy chùa Quang Long có vẻ đẹp khiêm nhường như bao
vẻ đẹp kiến trúc đình chùa khác ở miền Bắc như chùa Dâu, chùa Bút Tháp ở Luy
Lâu cổ, chùa Chuông ở phố Hiến, chùa Đậu ở Hà Tây, Tuy Quang Long Tự
không có quy mô lớn như các ngôi chùa khác, mà dường như nhà kiến trúc chỉ quy
hoạch ở mức khiêm tốn của một chùa làng. Nhưng có một điều chắc chắn, là người
thiết kế muốn gây ấn tượng mạnh với khách thập phương đến thăm công trình kiến
trúc này - bởi sự lôi cuốn độc đáo, ẩn ý sâu sắc bên trong ngôi chùa. Quả thật, càng
vào sâu bên trong thì vẻ đẹp bình dị bên ngoài, hình như muốn nhường chỗ cho
một không gian vừa khoáng đạt, vừa ẩn dụ trong cái đẹp sắc sảo của các hình khối
kiến trúc vừa quen, lại vừa đẹp một cách ngạc nhiên.
Kết cấu kiến trúc chùa cổ Quang Long có vẻ như vẫn theo thức kiến trúc cổ truyền
thống của Việt Nam. Về kích thước, các tương quan tỷ lệ giữa các thành phần hay
chi tiết kiến trúc trong một công trình, xây dựng theo phong cách điển hình đã
được người Việt sử dụng trong chiều dài lịch sử Việt Nam.
Triền mái của chùa vẫn tuân thủ như các kiến trúc cổ Việt Nam từ xưa tới nay như:
mái thẳng, không cong, nhưng hếch lên ở góc mái tạo sự thanh thoát, lấy cảm hứng
từ mũi thuyền của nền văn hóa biển, sông nước của đồng bằng Bắc bộ. Phần mái
tưởng chừng như nặng nề do cả năm khối kết dính với nhau, nhưng vì được tính
toán hợp lý, tạo những cấu trúc nhịp nhàng, giữa các tương quan tỷ lệ đẹp và khác
biệt nên đã tạo cho ta cảm giác thanh thoát khó quên. Ngói lợp mái chùa vẫn là
ngói mũi hài truyền thống. Trang trí trên mái, bờ nóc, đỉnh mái, đầu đao, là các
chi tiết, hình tượng giản dị, mang sắc thái quen thuộc của truyền thống chùa Việt
cổ, nhưng vẫn thể hiện tinh thần được nét độc đáo của công trình kiến trúc này.
Toàn bộ công trình được đặt lên 48 cột, đặc biệt là các vì, rường, trụ đều được
chạm trổ hoa văn tinh tế. Tuy nhiên đây là công trình kiến trúc cổ tương đối muộn
nên sự trang trí không đến nỗi quá cầu kỳ như thời nhà Lý hay muộn hơn như triều
Lê, nhưng thực sự công trình vẫn tạo cho ta cảm giác sự sắc sảo trong mỗi đường
nét trang trí ở ngôi chùa này. Kiến trúc bao gồm đủ phần tiền đường, hậu cung và
hai dải vũ song song tả hữu.
Quan trọng hơn là cả năm khối kiến trúc này gắn kết với nhau một cách tài tình
trong một tổng hóa với kiến trúc giữa các mái cũng như khoảng cách giữa các gian.
Các vì nhà được dựng lên và nối với nhau bằng các xà ngang và xà ngưỡng, tạo
thành 51 gian nhà trong một tỉ lệ chuẩn mực. Tỷ lệ khoảng cách giữa các vì, xà,
rường, hoành, cột, tạo ra vẻ đẹp hình học tinh tế ở không gian kiến trúc chùa
Quang Long.
Trong thức kiến trúc cổ Việt Nam, chạm trổ họa tiết trang trí cũng là phần rất quan
trọng, nó thể hiện tinh thần của mỗi công trình. So với lối trang trí kiến trúc vẽ
hình và vẽ sơn mầu sặc sỡ, thì họa tiết trang trí cổ ở chùa Quang Long phần nhiều
là chạm trổ sau đó để mộc mầu gỗ hoặc quét sơn ta bảo vệ. Điều đó thể hiện tài
hoa, tri thức và mang đậm nét truyền thống kiến trúc cổ điển của Việt Nam.
Nhưng đặc biệt nhất ở đây là sự kết nối hết sức tài tình của 5 khối kiến trúc 5 nóc
ấy, tạo cho không gian giữa các gian, cũng như quan hệ tỉ lệ, hay các điểm nhấn
trang trí, ngay cả không gian tạo ánh sáng và thoát nước của 5 mái cho dù thiết kế
kiến trúc ở đây có vẻ như vẫn tuân thủ các nguyên tắc cổ điển truyền thống nhưng
vẫn tạo cho ta sự sáng tạo tài tình.
Từ trên cao nhìn xuống ta thấy rõ ngôi chùa được thiết kế 5 nóc, tuy độc đáo
nhưng vẫn mang sắc thái nghệ thuật kiến trúc truyền thống tiêu biểu của Việt Nam,
tựa như kiểu dáng hiếm thấy của công trình kiến trúc cổ Cung Chúc, xã Trung Lập,
Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
Qua công tác điền dã tại đây, nhân dân địa phương cho biết ngôi chùa cổ Quang
Long Tự - Làng Dương Am, xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải
Phòng. Chùa được xây dựng từ thời vua Vĩnh Thịnh thứ 10 (Năm Giáp Ngọ -
1714).
Nhà nghiên cứu sử học Đỗ Phàm cho biết: “Chùa còn 18 vị tượng Phật với đầy đủ
câu đối, đại tự, cửa võng, và có quả chuông đồng cao hơn 1m, đường kính
khoảng 0,6m - chuông được đúc năm mậu ngọ 1798. Chùa Quang Long đã được
trùng tu triều Khải Định năm Nhâm Tuất 1892. Năm 1990 dân làng quê Dương
Am, Trấn Dương động viên nhau hảo tâm công đức tu sửa và tôn tạo”.
Đây thực sự là công trình kiến trúc khá độc đáo không những ở Vĩnh Bảo, Hải
Phòng mà còn là công trình quý hiếm của đất nước. Nếu Quang Long Tự được
chính quyền địa phương và Bộ Văn hóa quan tâm, thì chắc chắn nơi đây sẽ là điểm
nhấn về kiến trúc cổ Việt Nam, làm giàu thêm cho nét đẹp của văn hóa Việt Nam
vốn đặc sắc và phong phú.