Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

HỘI HỌA NGUYỄN SÁNG-TÀI NĂNG VÀ TÌNH CẢM MÃNH LIỆT ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (143.39 KB, 7 trang )





HỘI HỌA NGUYỄN SÁNG-TÀI NĂNG VÀ TÌNH
CẢM MÃNH LIỆT



Hội họa Nguyễn Sáng, về mặt Nghệ thuật, biểu hiện sự khác biệt trên hai phương
diện: Chủ thể sáng tạo và điều kiện đầu tư.
Bản thân ông là một trong số ít những người đáng kính trọng nhất về tài năng thiên
bẩm kết hợp với lao động nghệ thuật quên mình. Niềm đam mê hội họa cũng như
sự nhạy bén thẩm mỹ thể hiện trong từng bức tranh. Nét tài hoa và tình cảm mãnh
liệt lộ ra trong mỗi vệt màu, hình khối. Đó là cá tính sáng tạo duy nhất, chỉ có ở
Nguyễn Sáng.
Xuất thân của Nguyễn Sáng đem đến cho các tác phẩm của ông một làn gió lạ.
Ông sinh tại Mỹ Tho năm 1923. Học 3 năm tại trường Mỹ Thuật Gia Định, Sài
Gòn (sau là Trường Mỹ Thuật thực nghiệm, nay trở thành Đại Học Mỹ Thuật
Thành Phố Hồ Chí Minh). Sau, ông ra Bắc, học trường Mỹ Thuật Đông Dương
(nay là Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội) từ 1940-1945 rồi tham gia kháng chiến. Sinh ở
miền Nam nhưng sống gần năm mươi năm với miền Bắc, tranh ông có nét sảng
khoái phóng khoáng của người Nam bộ, nhưng lại đậm chắc vẻ sang quý Bắc Hà.
Điều này thể hiện rõ trong các tác phẩm của ông. Đặc biệt là ở những sáng tác sơn
mài.
Ngắm tranh Nguyễn Sáng vẽ về bất cứ đề tài nào, ta đều thấy những hình tượng thị
giác đã được nâng tầm thành ý tưởng nghệ thuật. Những vệt bút sảng khoái, gam
màu đầy xúc cảm trong Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, bố cục tinh tế trong Kiều
chỉ có thể là kết quả của quá trình rèn luyện nghiêm túc cộng với một phong cách
sáng tác hiện đại. Có thể nói không ngoa Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ là một
trong những bức tranh đẹp nhất, gợi cảm nhất về đề tài Cách Mạng. Đặc biệt, ông


vẽ rất nhiều tranh chân dung. Mỗi chân dung đều là một tác phẩm nghệ thuật giá trị
bởi khả năng diễn tả và sự tiết giảm kỹ càng các yếu tố biểu đạt. Ông đi theo lôgic
của cảm xúc. Nếu so với thực tế là các họa sĩ Việt Nam ít vẽ tranh chân dung, đây
là một điểm khác biệt nữa của Nguyễn Sáng. Nó chứng tỏ việc miêu tả số phận
bằng ngôn ngữ hội họa là sở trường của riêng ông.
Dù sống giữa bom đạn chiến tranh hay trong những thời khắc hòa bình, ông đều
vững vàng bản lĩnh sáng tác năng động. Ông bỏ qua những cung cách kể lể xu thời
trong hội họa của mình, chỉ giữ những xúc cảm tươi mới. Nhờ vậy người xem
tranh có những rung động mãnh liệt và ấn tượng ngay. Trong những họa sĩ Việt
Nam thời bấy giờ, ông gần với Picasso hơn cả. Cách tạo hình chắc, khỏe. Màu tiết
giảm tối đa nhưng rất nhiều sắc khiến cho tranh ông trở nên hiện đại. Hiện đại
mà vẫn đậm chất dân tộc, vì lối bố cục ông thường dùng không câu nệ về không
gian, dễ làm liên tưởng tới tranh Hàng Trống, Đông Hồ. ảnh hưởng Picasso theo
lối riêng, giỏi về xử lý những mảng hình mạnh mẽ, ông đi sâu khai thác hình thức
này và trở nên một bậc thầy.
Năm 1984, Nguyễn Sáng trưng bày triển lãm cá nhân duy nhất của ông với 140 tác
phẩm. Đó là một khối lượng công việc lớn. Lúc ấy rất hiếm họa sĩ Việt Nam có
nhiều tranh như vậy, bởi những lý do khách quan thời hậu chiến. Bạn bè, đồng
nghiệp của ông kể rằng, nhiều khi để có một bức tranh, ông kiên nhẫn tìm hình cả
ngàn lần bằng phấn lên nền gạch (theo Hội họa Nguyễn Sáng - 1996 - Sở VHTT)
và họ nhận xét: ông không có tranh xấu. Điều này cho thấy ông dồn rất nhiều tâm
sức cho tác phẩm, nhờ đó tranh ông vượt lên phía trước vì sự khác biệt của điều
kiện đầu tư.
Có thể thấy các bức tranh của Nguyễn Sáng rất phong phú về đề tài thể loại. Trong
từng nét vẽ đều mang nặng những tính toán, nghiên cứu nghiêm túc của tác giả.
Theo nhà phê bình Thái Bá Vân, Nguyễn Sáng coi tất cả những gì ông vẽ ra là
ngang nhau, như tình thương đầy đủ và công bằng của một người mẹ đã sinh ra
nhiều đứa con vậy. Tận tụy là thế với nghệ thuật, ông không màng lợi danh, sống
một đời nghèo khổ, thiếu thốn. Tuy nhiên, tranh ông lúc nào cũng lộng lẫy vàng
son. Chất liệu sơn mài vốn khó làm chủ, vậy mà ông đã cùng Nguyễn Gia Trí trở

thành một trong số những họa sĩ thành công nhất ở thể loại này. Trong tay ông, sơn
mài truyền thống đã thành ngôn ngữ nghệ thuật linh động dùng diễn tả cảm xúc.
Không tiếc trí lực, vật chất, ông đẩy sơn mài tới sự thực chất, thuần túy nhất của
chất liệu và tạo hình. Nhìn những bức tranh như Thiếu nữ bên hoa sen, Thổi sáo,
Cô gái, ta thấy thần thái dân tộc của sơn mài Việt hiện ra khác hẳn sơn mài Nhật
Bản. Đó là nhờ những tìm tòi kỳ công của Nguyễn Sáng. Làm việc và tích lũy kinh
nghiệm không ngừng để gia tăng năng lực sáng tạo, hội họa Nguyễn Sáng được
biểu đạt rất gãy gọn và đi thẳng vào trái tim người xem. Tất cả các tác phẩm có
chất lượng đồng đều, đẹp nổi bật như những bông hoa sáng rực trên bầu trời hội
hoạ Việt Nam, và sáng mãi.
Gần hai mươi năm đã đi qua kể từ khi họa sĩ Nguyễn Sáng về cõi vĩnh hằng, nhìn
lại tranh ông, ta vẫn nhận ra những yếu tố mới mẻ và độc đáo. Có thể đặt bức Chân
dung ông Lê Đại Chúc bên cạnh tranh của một họa sĩ đương đại mà không đoán
chắc được ai hiện đại hơn. Tranh của ông có cội rễ từ truyền thống dân tộc nhưng
ảnh hưởng nét bộc trực, mạnh mẽ từ các họa sĩ Châu Âu khoảng năm 15-40 thế kỷ
trước, cho nên đẹp một vẻ không thể bị lẫn lộn. Ông đã chỉ đường cho lớp người
sau hướng về nghệ thuật dân tộc nhưng yêu mến hiện đại và trở nên hiện đại. Giá
như Nguyễn Sáng có cơ hội ra nước ngoài giao lưu nhiều như thế hệ trẻ bây giờ,
hẳn nghệ thuật của ông còn thăng hoa hơn thế, và biết đâu, bản đồ hội họa thế giới
sẽ điểm nét son “Việt Nam”.
Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Nguyễn Sáng nổi bật tính độc đáo riêng biệt.
Trong những bậc thầy hội họa Việt Nam, nếu Bùi Xuân Phái thiên về nét lãng mạn
Hà Thành, Nguyễn Tư Nghiêm dùng ngôn ngữ thẩm mỹ gợi ý thì Nguyễn Sáng lôi
cuốn ta bằng toàn bộ phong cách đặc trưng. Cũng theo quy luật của cái đẹp vượt
trội, của tình cảm, cảm xúc, chủ thể vô hình tượng hóa, nhưng tính cá nhân duy
nhất được định hình rõ hơn cả.
Nếu nói tác phẩm nghệ thuật là những giá trị được thử thách qua thời gian, không
gian thì tranh cửa Nguyễn Sáng là minh chứng hùng hồn. Tranh ông hiện có mặt
trong nhiều bộ sưu tập đắt giá trên khắp thế giới. Ngày nay, những họa sĩ trẻ vẫn
tiếp tục nghiên cứu ông trên con đường nghệ thuật của mình, không phải để bắt

chước mà để mở lối đi riêng, xác định phong cách nghệ thuật riêng như cách ông
đã làm và thành công vượt bực.

×