Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Sơn tra - một vị thuốc quý pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (127.2 KB, 8 trang )





Sơn tra - một vị thuốc quý



Sơn tra, dân gian còn gọi là Hồng quả, Sơn lý hồng, Đường lệ tử, Yên chi quả… có
tên khoa học là Crataegus pinnatifida Bunge (sơn tra, bắc sơn tra) hoặc Crataegus
cuneata Sieb. Et Zucc (dã sơn tra, nam sơn tra), vốn là một dược liệu được y học
cổ truyền dùng làm thuốc từ hơn 3000 năm nay.


Theo các y thư cổ như Bản thảo cương mục, Bản thảo kinh sơ, Bản thảo quảng
ngôn, Bản thảo cầu chân, Bản thảo kinh giải, Nhật dụng bản thảo, Tân tu bản thảo,
Dược phẩm hoá nghĩa, Sơn tra vị chua ngọt, tính hơi ấm, vào 3 kinh Tỳ, Vị và Can,
có công dụng tiêu thực hoá tích, hoạt huyết tán ứ, được xếp vào nhóm thuốc Tiêu
thực, thường dùng để chữa các chứng bệnh như thực tích đình trệ, tỳ hư thực trệ,
phúc thống do ứ trở, sán khí, tiết tả do thực tích, bế kinh do huyết ứ, xuất huyết
đường tiêu hoá, lỵ tật… Ví như, sách Bản thảo cương mục viết: “Sơn tra hoá ẩm
thực, tiêu nhục tích, trưng hà, đàm ẩm bĩ mãn thôn toan, trệ huyết thống chướng”
(sơn tra tiêu hoá đồ ăn thức uống, tiêu thịt, khối tích trong bụng, đàm ẩm đình trệ,
chướng bụng đầy hơi, nuốt chua, đau chướng do huyết trệ); sách Bản thảo tái tân
viết: “Sơn tra trị tỳ hư thấp nhiệt, lợi đại tiểu tiện, tiểu nhi nhũ trệ phúc thống”;
sách Y học trung trung tham Tây lục viết: “Sơn tra vị chí toan vi cam, tính bình, vi
hoá ứ huyết yếu dược. Nhân kỳ vị toan nhi vị cam, năng bổ vị toan dịch, cố năng
tiêu hoá thực tích trệ, dĩ nhị nhục tích vưu hiệu” (sơn tra vị rất chua mà hơi ngọt,
tính bình, là vị thuốc tiêu máu ứ quan trọng. Vì vị của nó chua mà hơi ngọt nên
tăng cường chất chua trong dịch vị, có thể làm tiêu thức ăn tích trệ, dùng để trị
chứng cơ bắp mỏi mệt rất có công hiệu).



Tuy nhiên, theo cổ nhân công dụng của Sơn tra còn tuỳ thuộc vào phương thức bào
chế. Sinh sơn tra (quả tươi bỏ hạt, thái mỏng, sấy khô) có tác dụng hoạt huyết hoá
ứ, tiêu thực rất mạnh, thường dùng để chữa bế kinh do huyết ứ, đau bụng do ứ trệ
sau khi sinh nở, cao huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh lý động mạch vành, sán
khí… Sơn tra sao (dùng lửa vừa phải sao cho đến khi dược liệu chuyển màu sẫm
hơn) vị chua giảm bớt, có tác dụng hoà vị, tiêu thực hoá tích, thường dùng để chữa
trị rối loạn tiêu hoá, thức ăn đình trệ chậm tiêu. Tiêu sơn tra (dùng lửa vừa phải sao
cho đến khi mặt ngoài dược liệu chuyển màu đen, bên trong có màu vàng thẫm) vị
chua giảm nhiều, có thêm vị đắng, có tác dụng tiêu thực, chỉ tả khá mạnh, thường
dùng để chữa đi lỏng do thương thực. Sơn tra thán (dùng lửa mạnh sao cháy đen cả
trong và ngoài) vị đắng, sáp, có công dụng thu sáp, chỉ tả và chỉ huyết khá mạnh,
thường dùng để trị đi lỏng do tỳ hư thực trệ, lỵ trực khuẩn, xuất huyết dạ dày,
ruột…

Về thành phần hoá học, thịt quả sơn tra tươi chứa 0,7% chất đạm, 0,2% chất béo,
22% chất đường, có các acid hữu cơ như crategolic acid, malic acid, oxalic acid,
succinic acid, acetic acid, citric acid, ursolic acid, linoleic acid, linolenic acid,
palmitic acid, oleic acid, stearic acid, giàu vitamin C (0,03% - 0,1%, đứng hàng thứ
tư trong các loại hoa quả giàu vitamin C), vitamin B2 (đứng hàng đầu trong các
loại hoa quả, ngang với chuối tiêu), caroten (đứng thứ hai trong các loại hoa quả)
và Canxi (mỗi 100g sơn tra có chứa 85mg Canxi thuộc loại cao nhất trong các loài
hoa quả). Ngoài ra, sơn tra còn chứa Chì, sắt, tanin, acetylcholine, phytosterrin.

Trong mười năm gần đây, dưới ánh sáng của những nghiên cứu hiện đại, các nhà
khoa học ngày càng nhận thấy sơn tra có tác dụng dược lý khá phong phú như:

(1) Nâng cao năng lực hoạt động của hệ tiêu hoá (thúc đẩy bài tiết dịch vị và dịch
mật, gia tăng hoạt tính của các men tiêu hoá như amylolytic enzyme, lipolytic
enzyme…, điều tiết sự co bóp của cơ trơn dạ dày và ruột.


(2) Ức chế một số vi khuẩn như trực khuẩn lỵ, coli, than, bạch hầu, thương hàn, mủ
xanh và tụ cầu vàng; sơn tra sao đen có khả năng hấp thụ các chất hoại tử và độc tố
của vi khuẩn, làm giảm kích ứng thành ruột và làm giảm nhu động ruột nhờ đó mà
có tác dụng giảm đau, chỉ lỵ và cầm đi lỏng.

(3) Hạ mỡ máu, đặc biệt là cholesterol, ức chế sự lắng động của chất mỡ ở thành
mạch, vì thế có tác dụng dự phòng tích cực quá trình tiến triển của bệnh vữa xơ
động mạch.

(4) Hạ huyết áp, làm giãn và gia tăng lưu lượng động mạch vành tim, giảm thấp
lượng oxy tiêu thụ của cơ tim, qua đó nâng cao năng lực hoạt động của hệ tim
mạch và phòng chống hữu hiệu các bệnh lý thuộc động mạch vành.

(5) Chống ngưng tập tiểu cầu.

(6) Tăng cường sức miễn dịch của cơ thể.

(7) Lợi tiểu.

(8) Làm giãn phế quản, thúc đẩy hoạt động của hệ vi nhung mao ở thành phế quản
nhờ đó mà có tác dụng hoá đờm bình suyễn.

(9) Điều hoà kinh nguyệt, giảm đau và làm cho tử cung hồi phục nhanh sau khi
sinh nở.

(10) Trấn tĩnh, an thần

(11) Chống oxy hoá, bảo hộ tế bào gan.


(12) Phòng chống ung thư.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu tác dụng dược lý và kế thừa kinh nghiệm của
người xưa, trong lâm sàng người ta đã sử dụng sơn tra để điều trị khá nhiều mặt
bệnh như rối loạn lipid máu, vữa xơ động mạch, cao huyết áp, cơn đau thắt ngực,
nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, bệnh Ke-shan, tiểu đường, béo phì, lỵ trực
khuẩn cấp tính, viêm ruột cấp tính, viêm gan, bệnh giun sán, viêm cầu thận cấp và
mạn tính, đái dưỡng chấp, viêm túi mật, rối loạn tiêu hoá do ăn quá nhiều thịt,
thiếu canxi, trẻ em suy dinh dưỡng, bế kinh, sản hậu ứ trệ đau bụng, viêm da, mày
đay…

Ở ta, trên thực tế, không có sơn tra loài Crataegus (sơn tra thật). Trước đây, sơn tra
hoàn toàn nhập của Trung Quốc, nhưng nhiều năm gần đây ta dùng quả của cây
chua chát (Malus doumeri (Bois) Chev. hay Docynia doumeri (Bois) Schneid) và
cây táo mèo (Docynia india (Mall) Dec.) để thay thế. Mặc dù cả hai loại này cũng
được bán sang Trung Quốc với tên sơn tra nhưng do nguồn gốc khác nhau nên rất
cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và khoa học. Đáng tiếc là, cho đến nay, các
công trình khảo sát toàn diện về hai cây này còn quá thưa thớt. Trên thị trường
đông dược hiện tại có một số thành phẩm của ta được quảng cáo là chế từ sơn tra
với công dụng làm giảm mỡ máu, chống béo phì… chẳng biết có phải là loài sơn
tra thật hay không ?

×