I - Gợi dẫn
1. Nguyễn ái Quốc – Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta một sự nghiệp văn chương lớn lao về tầm
vóc, phong phú, đa dạng về thể loại và đặc sắc về phong cách sáng tác. Tác phẩm văn học của Nguyễn ái
Quốc – Hồ Chí Minh được viết bằng tiếng Pháp, tiếng Hán và tiếng Việt. Có thể xếp tác phẩm của Người
vào ba thể loại : văn chính luận, truyện và kí, thơ ca. Mỗi thể loại có một đặc sắc riêng và đều có tác
phẩm thành công. Văn chính luận có Tuyên ngôn Độc lập, truyện kí có Vi hành, thơ có Nhật kí trong tù.
Đặc biệt Người rất quan tâm đến việc viết sao cho phù hợp với đối tượng tiếp nhận. Vì thế tác phẩm của
Người không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật mà còn có sức chiến đấu mạnh mẽ, nó đã thực hiện được
vai trò là vũ khí chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
2. Vi hành là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn ái Quốc, được viết bằng tiếng Pháp, đăng trên báo Nhân
đạo – cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp – số ra ngày 19 - 2 - 1923. Trong tác phẩm này, Nguyễn ái Quốc
sử dụng bút pháp hiện thực phê phán trào phúng rất hợp với sở thích của độc giả Pháp. Tác phẩm được
đăng báo vào đúng dịp vua Khải Định được chính phủ Pháp đưa sang dự cuộc đấu xảo thuộc địa tổ chức
ở Mác-xây. Tác phẩm hướng đến mục đích chính trị : cho nhân dân Pháp và nhân dân thế giới thấy rõ sự
vô dụng của Khải Định, một tên vua bù nhìn, ngu dốt, không phải là kẻ đại diện chân chính cho nhân dân
Việt Nam ; đồng thời vạch trần bộ mặt xảo trá của những kẻ thực dân.
3. Đọc chậm bằng giọng kể chuyện, phân biệt lời thoại thể hiện thái độ châm biếm, đả kích.
II - Kiến thức cơ bản
Vi hành là truyện ngắn xuất sắc trong tập Truyện và kí của Nguyễn ái Quốc. Viết Vi hành, tác giả nhằm
mục đích đả kích tên vua bù nhìn Khải Định, khi y sang Pháp dự cuộc đấu xảo thuộc địa và tập trung phê
phán chế độ thực dân Pháp, tố cáo trực tiếp bản chất xấu xa của chế độ thực dân Pháp ở các nước thuộc
địa.
Truyện ngắn Vi hành viết về chuyến đi “mẫu quốc” của ông vua bù nhìn Khải Định nhằm tán dương quan
thầy, lừa đảo nhân dân và làm những điều xấu xa khác. Mục đích vạch trần bản chất xấu xa và đả kích
một cách toàn diện ông vua bù nhìn Khải Định, đã đặt Nguyễn ái Quốc vào một tình thế vô cùng khó
khăn, trước hết đó là làm sao để miêu tả được một cách trực tiếp và thứ hai là đảm bảo được tính thuyết
phục khách quan. Nếu Nguyễn ái Quốc công khai đả kích Khải Định, thì đó lại là sự đánh giá của người
Việt Nam yêu nước đối với tên vua nô lệ người Việt, và như vậy câu chuyện sẽ mất đi tính thuyết phục
khách quan, mất đi sự hấp dẫn. Đứng trước những khó khăn như vậy, Nguyễn ái Quốc đã sáng tạo những
tình huống độc đáo và sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật độc đáo để “vượt tình thế” (chữ dùng của
Nguyễn Đăng Mạnh) một cách tài tình nhưng câu chuyện vẫn có sức đả kích mạnh mẽ và không mất đi
sức hấp dẫn của nó.
Trước tiên đó là việc tác giả đã tạo ra tình huống nhầm lẫn hết sức độc đáo và thú vị : đôi thanh niên nam
nữ người Pháp đã lầm tưởng tác giả là tên vua Khải Định đang vi hành. Chính tình huống nhầm lẫn này
đã giúp tác giả đưa ra được những nhận xét về Khải Định, vừa châm biếm, vừa mỉa mai phê phán. Và như
vậy những đánh giá, nhìn nhận ấy vừa trực tiếp lại vừa đảm bảo tính chân thực khách quan, bởi đây là
hình ảnh Khải Định qua sự miêu tả, đánh giá của chính người dân Pháp chứ không còn là của tác giả.
Qua cuộc đối thoại của đôi nam nữ người Pháp trên toa xe điện ngầm, độc giả có thể hình dung một cách
đầy đủ nhất về tên vua bù nhìn Khải Định.
Một điều mà độc giả có thể nhận thấy ngay được qua lời của đôi nam nữ thanh niên người Pháp, đó chính
là vẻ hình thức bên ngoài của Khải Định. Một vẻ bề ngoài có thể nói là không giống ai của Khải Định, khi
y xuất hiện trên đất Pháp, nơi mà đã từ lâu không còn chế độ vua chúa, đã khiến y trở nên lố bịch, nhố
nhăng dưới cái nhìn tò mò của người dân Pháp, đó là cái vẻ bề ngoài rất xoàng xĩnh và nhố nhăng với
“vẫn cái mũi tẹt ấy, vẫn đôi mắt xếch ấy, vẫn cái mặt bủng như vỏ chanh”, “cả cái chụp đèn chụp lên cái
đầu quấn khăn, các ngón tay thì đeo đầy những nhẫn. Hơn thế nữa, với cái bộ dạng của một kẻ lúng túng
như gà mắc tóc cùng với đủ cả bộ lụa là, đủ cả bộ hạt cườm trên người thì Khải Định đúng như một gã hề,
một con rối không hơn không kém.
Không chỉ như vậy, đôi nam nữ thanh niên người Pháp còn đem so sánh Khải Định với những trò ở đấu
xảo “một cách rất khôi hài”, “phải trả những nghìn rưởi phơ-răng để xem”, “hôm nay thì chúng mình có
mất tí tiền nào đâu mà được xem vua đang ngay cạnh ?”, và họ còn cho rằng các nhà hát, nhất là các nhà
hát múa rối còn có ý định kí giao kèo thuê hắn. Thật là một sự so sánh vừa hài hước, vừa đầy kịch tính.
Đến đây độc giả có thể thấy được sự miêu tả, đả kích một cách tài tình của tác giả đối với tên vua bù nhìn
Khải Định, hắn hiện lên dưới nhiều góc độ, nhiều khía cạnh qua giọng văn châm biếm, mỉa mai rất nhẹ
nhàng của tác giả. Hình ảnh một vị vua cuối cùng cũng chỉ là một trò giải trí rẻ tiền (dưới con mắt của
người Pháp) không hơn không kém.
Những câu chuyện vi hành của Khải Định không chỉ dừng lại ở đó mà tác giả còn vạch trần mục đích
chuyến đi của Khải Định.
Vi hành vốn là một hành động đẹp của vua chúa thời xưa như chuyện vua Thuấn, vua Pie đã cải trang để
đi vi hành với mục đích cao cả. Còn chuyến vi hành của Khải Định thì sao ? Thực chất đây là một chuyến
đi lén lút, ám muội và hao tốn tiền của phục vụ cho mục đích xấu xa bẩn thỉu. Và ở đây, tác giả đã đặt ra
hàng loạt câu hỏi lấp lửng để giễu cợt và đả kích Khải Định : “Phải chăng là ngài muốn biết dân Pháp,
dưới quyền ngự trị của bạn ngài là A-lếch-xăng Đệ nhất có được sung sướng, có được uống nhiều rượu và
được hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài, hay không ? [ ] Hay là, chán
cảnh làm một ông vua to, bây giờ ngài lại muốn nếm thử cuộc đời của các cậu công tử bé ?”.
Vi hành, ngoài mục đích đả kích một đối tượng cụ thể, là Khải Định, còn phê phán những người dân Pháp
(những người tự nhận là văn minh, khai hoá) và những chính sách, chế độ của thực dân Pháp.
Trước tiên đó là người dân Pháp mà tiêu biểu là đôi nam nữ thanh niên người Pháp, họ tự coi mình là đi
“khai hoá”, nhưng chính họ là những người có lối sống hời hợt, tầm thường và kì thị chủng tộc.
Thứ hai, tác giả còn phê phán chính sách cai trị dã man của thực dân Pháp ở thuộc địa : dùng rượu và
thuốc phiện để đầu độc người dân và làm suy nhược giống nòi.
Mặt khác, tác giả còn vạch trần chế độ mật thám của Pháp, và quốc sách của thực dân Pháp. Đến cả chính
phủ Pháp cũng nhầm lẫn vì vậy đã cho mật thám theo dõi tất cả những ai có màu da vàng và đón tiếp như
thượng khách, đón tiếp một cách “thầm kín, vô tư và hết sức tận tuỵ”. Ngay bản thân tác giả cũng được
đối đãi một cách ân cần như vậy : “Có thể nói là các vị bám lấy đế giày tôi, dính chặt với tôi như hình với
bóng. Và thật tình là các vị cuống cuồng cả lên nếu mất hút tôi chỉ trong dăm phút !”.
Vi hành, ngoài việc tạo tình huống nhầm lẫn độc đáo, thú vị còn là một truyện ngắn có giá trị nghệ thuật,
đó chính là sử dụng hình thức viết thư. Bằng sự sáng tạo này mà tác giả đã dẫn dắt câu chuyện một cách
khéo léo, dí dỏm và rất tài tình. Tất cả những tình huống truyện, những câu chuyện tưởng chừng như
chẳng liên quan gì đến nhau được tác giả thể hiện qua hình thức một bức thư gửi cho cô em họ (có lẽ
cũng là hư cấu), đã làm cho câu chuyện tăng thêm tính chân thật và hấp dẫn hơn với người đọc.
Bên cạnh đó, sử dụng hình thức viết thư còn giúp cho tác giả có thể chuyển cảnh một cách linh hoạt, thời
gian, không gian được dịch chuyển một cách rất thoải mái, từ nhà ga xe điện đến trường đua ngựa rồi đến
cả trên đường phố… Và đặc biệt tài tình, tác giả còn cùng một lúc đả kích, châm biếm nhiều đối tượng
khác, đó là bọn cướp nước xảo trá như thực dân Pháp.
Hình thức viết thư còn tạo cho tác phẩm tính đa giọng điệu và tạo nên tiếng cười với nhiều sắc điệu khác
nhau, từ giọng điệu giễu cợt mát mẻ, phê phán đả kích đến giọng điệu trữ tình tự sự, đã làm nên sự hấp
dẫn đối với người đọc.
Có một điều đáng chú ý nữa đó là đằng sau cái vẻ bông đùa, đằng sau tiếng cười giễu cợt mát mẻ ấy ta
còn thấy bóng dáng của tác giả (nhân vật tôi), với một bản lĩnh kiên cường, một tình cảm, một nỗi đau
trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than, nô lệ.
Tóm lại, bằng tài năng, trí tuệ sắc sảo và bút pháp trào phúng, tác giả đã phê phán, đả kích bộ mặt thật của
tên vua bù nhìn Khải Định và vạch trần bộ mặt thật xảo trá của chế độ thực dân Pháp. Vi hành xứng đáng
là một tác phẩm xuất sắc viết về nội dung chống đế quốc phong kiến trong văn học thế kỉ XX.
III - liên hệ
Truyện Vi hành là một chuỗi những làn roi quất vào Khải Định và nhà cầm quyền thực dân Pháp đang
dùng y làm quảng cáo ; những làn roi này thấm thía, không phải bởi đao to búa lớn, mà vì điểm nhẹ, nh-
ưng trúng huyệt. Tác giả tha hồ nhạo một cách ngộ nghĩnh đồng thời rất đau cái nhố nhăng và tác dụng
giải trí của tên vua bù nhìn, bằng cách như chỉ ghi lại những lời nghe lỏm được giữa đường giữa đôi trai
gái chuyện trò tẩn mẩn… Nào là “ở trường đua, lúng ta lúng túng hơn cơ, có cả cái chụp đèn chụp lên cái
đầu quấn khăn” ; nào là “còn làm mình bật cười hơn nữa cơ, lúc đeo lên người đủ cả chỗ lụa là, đủ cả bộ
hạt cườm” ! Từ giả định rằng bản thân bị tưởng lầm là Khải Định “vi hành” để giễu trực diện và “khách
quan” như thế, tác giả chuyển sang giả định rằng Khải Định cũng có thể vi hành thật để đi ăn chơi đàng
điếm – “tiện việc riêng” – tạo nên một cảnh huống khác để mỉa, thật vừa vui lại vừa sâu cái lạc hậu và cái
ngu si của tên bù nhìn đi đôi với cái trắng trợn của lũ bóc lột : Khải Định vi hành để làm gì vậy ? “Phải
chăng là ngài muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là A-lếch-xăng Đệ nhấtcó được sung
sướng, có được uống nhiều rượu và được hút nhiều thuốc phiện, bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của
ngài, hay không ?”. Thật là bất ngờ và thật là tuyệt diệu cách đả kích chính sách thuế má và ngu dân trung
cổ trắng trợn của thực dân, bằng cách gán cho tên vua An Nam ngu dốt một kiểu nghĩ ngây ngô, hoàn
toàn vô giác trước cái lạc hậu, như thế ! Từ bất ngờ này sang bất ngờ khác : từ giả định rằng Khải Định có
thể vi hành, mà đã vi hành thì dễ lẫn lộn, tác giả có nụ cười mới để tố cáo tên bù nhìn, không phải chỉ bị
người Pháp khinh mà còn bị người Việt Nam ghét ; bằng chứng là nhà chức trách phải cho mật thám bám
sát Việt kiều – trong đó có chính tác giả – thời gian “ngự giá tuần du” ở Pháp : “Cái vui nhất là ngay đến
Chính phủ cũng chẳng nhận ra được khách thật của mình nữa, và để chắc chắn khỏi thất thố trong nhiệm
vụ tiếp tân, Chính phủ bèn đối đãi với tất cả mọi người An Nam vào hàng vua chúa và phái tuỳ tùng đi hộ
giá tuốt !”. ý hay đột ngột tiếp theo ý hay đột ngột, liên hồi, thật hợp đề “vi hành” ; cái lạ là tác giả luôn
luôn có được ý mới, cái lạ cũng lại là văn viết bố trí liên tục mà không gượng, mua vui liên tiếp mà không
nhàm…
(Phạm Huy Thông, Nghiên cứu học tập thơ văn Hồ Chí Minh,
NXB Khoa học xã hội, 1979)