Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

nghiên cứu triết học một số đặc điểm trong ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở nước ta hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.11 MB, 13 trang )








Nghiên cứu triết học
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TRONG Ý THỨC PHÁP
LUẬT CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CẤP CƠ SỞ Ở
NƯỚC TA HIỆN NAY















MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TRONG Ý THỨC PHÁP LUẬT CỦA ĐỘI NGŨ CÁN
BỘ CẤP CƠ SỞ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY


NGỌ VĂN NHÂN (*)



Ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở có vai trò quan trọng
trong việc triển khai, thực hiện, đưa pháp luật vào đời sống xã hội
cơ sở. Nhìn chung, ý thức pháp luật của họ có những đặc điểm sau:
thứ nhất, là sự hoà quyện, đan xen, gắn bó khăng khít giữa ý thức
pháp luật cá nhân và ý thức pháp luật của nhóm xã hội; thứ hai,
mang các đặc trưng của ý thức pháp luật nghề nghiệp; thứ ba, là sự
phản ánh trực tiếp thực tiễn đời sống pháp luật trên địa bàn các xã,
phường, thị trấn.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xã hội công
dân là hai mặt gắn bó khăng khít của quá trình dân chủ hóa đời sống
xã hội. Nó đòi hỏi trách nhiệm cao không chỉ từ phía nhà nước, mà
còn chủ yếu là của đội ngũ cán bộ các cấp và của đông đảo người
dân trong xã hội; trong đó, việc tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng
cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân có tầm quan trọng hàng
đầu. Hiểu biết pháp luật ngày càng đúng đắn, đầy đủ sẽ góp phần
làm tăng niềm tin của dân đối với nhà nước, pháp luật và hiệu quả
công tác của đội ngũ cán bộ các cấp, tạo cơ sở định hướng cho hành
vi pháp luật của công dân. Muốn duy trì, bảo vệ trật tự, kỷ cương xã
hội thì trước tiên, phải xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật ngày càng
cao, hình thành một cách vững chắc trong xã hội thói quen sống và
làm việc theo pháp luật cho mọi công dân.
Chính vì lẽ đó, ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở (cán
bộ chuyên trách và không chuyên trách đang trực tiếp tham gia tổ
chức, điều hành và quản lý các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa,
xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn) có vai trò quan trọng trong
việc triển khai, thực hiện và đưa pháp luật vào đời sống xã hội cơ sở,
nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn của bản thân đội ngũ cán bộ
này; từ đó, tạo niềm tin vững chắc của người dân vào tính công bằng

và nghiêm minh của pháp luật.
Ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở có những nội dung cụ
thể, bao gồm năng lực nhận thức các quy phạm pháp luật, trình độ
hiểu biết pháp luật; tình cảm, thái độ đối với pháp luật; hành vi pháp
luật và lối sống theo pháp luật của họ. Chúng được biểu hiện ra
trong quá trình thụ lý, giải quyết các công việc chuyên môn thuộc
phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mỗi cán bộ cơ sở. Bên cạnh việc
mang các đặc điểm của ý thức pháp luật nói chung, ý thức pháp luật
của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở còn có những đặc điểm riêng. Từ sự
khái quát các nghiên cứu, khảo sát thực tế, trong phạm vi bài viết
này, chúng tôi bước đầu nêu ra và phân tích một số đặc điểm trong ý
thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở nước ta hiện nay.
1. Ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở là sự hòa
quyện, đan xen, gắn bó khăng khít giữa ý thức pháp luật của cá
nhân và ý thức pháp luật của nhóm xã hội
Căn cứ vào chủ thể của ý thức pháp luật, ý thức pháp luật được chia
thành ý thức pháp luật cá nhân, ý thức pháp luật của nhóm xã hội và
ý thức pháp luật xã hội. Ý thức pháp luật của cán bộ cấp cơ sở, trước
hết, thuộc về ý thức pháp luật cá nhân. Ý thức pháp luật cá nhân ở
mỗi cán bộ xã, phường, thị trấn phản ánh những tư tưởng, quan
điểm, tâm lý, tình cảm, thái độ của họ về pháp luật và đối với pháp
luật. Ý thức đó được hình thành và phát triển do sự tác động của các
yếu tố xã hội (điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục ) và
của các điều kiện, hoàn cảnh riêng của từng người (môi trường sống,
công việc được giao, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn,
hiểu biết xã hội ). Mỗi cán bộ cấp cơ sở, khi tham gia vào đời sống
pháp luật của xã hội, trước hết, với tư cách một cá nhân - thành viên
của xã hội nói chung, của một cộng đồng dân cư nói riêng.
Với tư cách một công dân, mỗi cán bộ cấp cơ sở phải chịu sự chi
phối, điều chỉnh của các quy phạm pháp luật, phải tôn trọng và tuân

thủ pháp luật; trên cơ sở đó, hình thành tình cảm, tâm lý pháp luật,
nhận thức và ý thức pháp luật. Quá trình hình thành và phát triển ý
thức pháp luật của mỗi cán bộ tuân theo con đường chung của quá
trình nhận thức. Nó xuất phát từ quá trình nhận thức cảm tính, thể
hiện ở những xúc cảm, tâm trạng, thái độ, tình cảm của mỗi người
trước những sự kiện, hiện tượng pháp luật diễn ra trong đời sống xã
hội hàng ngày. Tiếp theo là quá trình nhận thức lý tính với sự hình
thành và ngày càng hoàn thiện những khái niệm pháp luật, phán
đoán về các tình huống pháp luật hay những quan điểm, quan niệm
về các vấn đề pháp luật.
Ý thức pháp luật của cán bộ cơ sở, khi đã hình thành, bao giờ cũng
có nội dung cụ thể. Đó là thái độ, sự đánh giá của mỗi người đối với
pháp luật, là quan niệm về quyền và nghĩa vụ, về tính hợp pháp hay
không hợp pháp của hành vi ứng xử. Đến lượt mình, nội dung của ý
thức pháp luật cá nhân lại là cơ sở chỉ đạo hoạt động thực tiễn (hành
vi pháp luật) của họ. Hành vi pháp luật của cán bộ cấp cơ sở cũng
diễn ra trong môi trường điều chỉnh của pháp luật do Nhà nước xây
dựng và ban hành. Trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong quá
trình thực hiện công việc chuyên môn theo thẩm quyền được giao,
mỗi cán bộ cấp cơ sở phải tự điều chỉnh hành vi ứng xử của mình
sao cho phù hợp với cái được phép, cái không được phép hay cái bắt
buộc phải thực hiện theo đúng các nguyên tắc, quy định của pháp
luật và chịu trách nhiệm cá nhân đối với hành vi đó. Trên phương
diện này, ý thức pháp luật của mỗi cán bộ cấp cơ sở là ý thức pháp
luật cá nhân, mang đầy đủ các đặc điểm, tính chất của ý thức pháp
luật cá nhân.
Mặt khác, với tư cách một cán bộ, mỗi cán bộ cấp cơ sở lại tham gia
vào nhóm xã hội đặc thù - đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Nhóm xã hội
này là một tập hợp người có những nét tương đồng về đặc điểm, tính
chất của hoạt động chuyên môn, đặc trưng của công việc. Đội ngũ

cán bộ cấp cơ sở là những người thay mặt Nhà nước trong việc triển
khai, đưa pháp luật vào đời sống xã hội cơ sở, giải quyết những công
việc có liên quan đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể và của công
dân trên một địa bàn dân cư nhất định. Các cán bộ cấp xã, phường,
thị trấn có những tình cảm, nhận thức, thái độ tương đối giống nhau
ở một mức độ nhất định về pháp luật và đối với pháp luật. Điểm
chung của họ là cùng hoạt động trong phạm vi một xã, phường, thị
trấn; cùng có vị thế xã hội là cán bộ cấp cơ sở; cùng chịu sự tác động
của các phong tục, tập quán, lề thói, nếp sống, áp lực của dư luận xã
hội trên địa bàn, cùng chia sẻ khó khăn, vướng mắc và rút ra những
kinh nghiệm trong quá trình giải quyết công việc chuyên môn… Từ
đó, các cán bộ cấp cơ sở có những tình cảm, suy nghĩ, thái độ, nhận
thức tương đối giống nhau trước các sự kiện, hiện tượng pháp luật.
Đây chính là những nét đặc trưng trong ý thức pháp luật của nhóm
xã hội. Với ý nghĩa đó, ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ
sở thuộc về ý thức pháp luật của nhóm xã hội.
Như vậy, ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở là sự hòa
quyện, đan xen, gắn bó khăng khít giữa ý thức pháp luật cá nhân và
ý thức pháp luật của nhóm xã hội. Tuy nhiên, nếu ý thức pháp luật
của đội ngũ này chỉ dừng lại ở cấp độ ý thức pháp luật cá nhân và
nhóm xã hội thì họ chưa thể đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ được
giao. Là những người trực tiếp thực thi pháp luật trên địa bàn xã,
phường, thị trấn, ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở cần
phát triển theo hướng ngày càng nâng lên ngang tầm với ý thức
pháp luật xã hội. Đây cũng là một yêu cầu khách quan trong tiến
trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta
hiện nay.
2. Ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở mang các đặc
trưng của ý thức pháp luật nghề nghiệp
Có thể nói, ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở là sự thể

hiện những đặc trưng của ý thức pháp luật nghề nghiệp. Ý thức pháp
luật nghề nghiệp là ý thức của các luật gia, các nhà chức trách, các
cán bộ, công chức mà nghề nghiệp của họ có liên quan đến việc
hoạch định chính sách pháp luật, nghiên cứu, xây dựng và tổ chức
thực hiện pháp luật. Ý thức pháp luật nghề nghiệp là sự kết hợp hài hoà
của những yếu tố thuộc hệ tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật. Nó
không chỉ biểu hiện ở trình độ hiểu biết cao về pháp luật, mà còn phản
ánh trình độ nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng và áp dụng pháp luật vào việc
giải quyết các công việc thực tiễn của mỗi người.
Cần nhìn nhận ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở là ý
thức pháp luật nghề nghiệp, vì hoạt động chuyên môn của đội ngũ
này có liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức thực hiện pháp luật
và áp dụng pháp luật vào thực tiễn đời sống xã hội cơ sở. Chính
quyền xã, phường, thị trấn là cấp cơ sở, là khâu cuối cùng quản lý,
điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội, trực tiếp giải quyết các vấn
đề có liên quan đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân dựa trên các
nguyên tắc, quy định của pháp luật. Mọi chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có thực sự đi vào đời
sống cơ sở hay không, có phát huy được vai trò và hiệu lực hay
không, phần lớn đều phải dựa vào hoạt động của bộ máy chính
quyền cấp xã, phường, thị trấn. Sự hoạt động của bộ máy chính
quyền cấp cơ sở và hiệu quả của nó, suy cho cùng, lại được thể hiện
ra ở công tác chuyên môn và hiệu quả hoạt động chuyên môn của
đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; trong đó, trước hết phải kể tới đội ngũ cán
bộ lãnh đạo, cán bộ tư pháp, cán bộ địa chính Trong công việc
hàng ngày, đội ngũ này thường gặp và phải giải quyết các công việc
rất cụ thể mà hầu hết, có liên quan đến pháp luật.
Thực tiễn cho thấy, việc giải quyết những sự việc, sự kiện pháp lý
trong đời sống xã hội cơ sở có ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của cả
Nhà nước và của nhân dân; do đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ cấp xã,

phường, thị trấn phải có một trình độ hiểu biết pháp luật, kỹ năng áp
dụng pháp luật và có ý thức pháp luật ở trình độ cao. Theo đó, ý thức
pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở cũng mang đầy đủ những
nét đặc trưng của ý thức pháp luật nghề nghiệp. Tuy nhiên, để đạt
tới ý thức pháp luật nghề nghiệp ở trình độ cao, đòi hỏi đội ngũ cán
bộ cấp cơ sở còn phải nỗ lực và phấn đấu rất nhiều. Một mặt, ý thức
pháp luật nghề nghiệp biểu hiện ở trình độ hiểu biết cao về pháp luật
nên đội ngũ cán bộ cấp cơ sở cần được đào tạo bài bản, trang bị kiến
thức pháp luật ở trình độ cử nhân; mỗi người phải thường xuyên tự
cập nhật thông tin pháp luật mới. Mặt khác, ý thức pháp luật nghề
nghiệp phản ánh trình độ nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng và áp dụng
pháp luật vào việc giải quyết các công việc của thực tiễn đời sống xã
hội ở cấp cơ sở, do đó, đội ngũ cán bộ cơ sở cần thường xuyên trau
dồi chuyên môn, nghiệp vụ, tự học hỏi, tìm ra những biện pháp tốt
nhất để áp dụng pháp luật một cách có hiệu quả.
3. Ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở là sự phản ánh
trực tiếp thực tiễn đời sống pháp luật trên địa bàn các xã,
phường, thị trấn
Ý thức pháp luật là sự phản ánh tồn tại xã hội từ góc độ pháp luật.
Khi trong xã hội xuất hiện những sự kiện, hiện tượng xã hội mà nhu
cầu khách quan đòi hỏi phải có những quy phạm pháp luật để điều
tiết các quan hệ xã hội, phương thức ứng xử của nhà nước, của các
tổ chức xã hội và các công dân nhằm củng cố và bảo vệ trật tự xã
hội, thì những nhận thức, hiểu biết về pháp luật cũng nảy sinh, phát
triển; từ đó, hình thành ý thức pháp luật. Như vậy, ý thức pháp luật
là sự phản ánh đời sống xã hội ở những khía cạnh có liên quan đến
pháp luật, như hệ thống pháp luật, tình trạng pháp chế, hoạt động tổ
chức, thi hành và áp dụng pháp luật, thái độ của các tầng lớp nhân
dân đối với pháp luật. Sự phản ánh này không chỉ phụ thuộc vào
thực tiễn đời sống xã hội (khách thể của sự phản ánh), mà còn phụ

thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan khác (thuộc về chủ thể phản ánh)
như trình độ nhận thức, các yếu tố tâm lý, việc tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật… Đó là chức năng phản ánh của ý thức
pháp luật nói chung.
Khi ý thức pháp luật trong xã hội gắn liền với một chủ thể nhất định
(cộng đồng dân cư, nhóm nghề nghiệp, tầng lớp xã hội cụ thể…) thì
sự phản ánh đó không còn là chung chung mà mang trong mình
những sắc thái, diện mạo đặc trưng cho nhóm nghề nghiệp, cộng
đồng dân cư đó. Cũng như vậy, ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ
cấp cơ sở ở nước ta hiện nay là sự phản ánh trực tiếp thực tiễn đời
sống pháp luật trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Sự phản ánh đó
thể hiện trên các khía cạnh: thực trạng trình độ hiểu biết pháp luật của
đội ngũ cán bộ cơ sở; hoạt động tổ chức, thực hiện và áp dụng pháp
luật của đội ngũ này. Về vấn đề này, nhìn chung, có thể thấy:
Thứ nhất, trình độ tri thức, hiểu biết pháp luật của đội ngũ cán bộ
cơ sở ở nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế. Trình độ tri thức, hiểu
biết pháp luật của cán bộ cấp cơ sở là một nội dung quan trọng thể
hiện ý thức pháp luật của họ, nói lên khả năng nhận thức trong lĩnh
vực pháp luật và hình thành những tư tưởng, quan điểm đúng đắn về
pháp luật của họ. Chính vì vậy, đại đa số cán bộ cấp cơ sở và người
dân được hỏi ý kiến đều cho rằng, tri thức, hiểu biết pháp luật rất
cần thiết và cần thiết đối với hoạt động chuyên môn của đội ngũ cán
bộ cấp cơ sở. Biết là cần thiết như vậy, nhưng thực tế cho thấy, trình
độ kiến thức pháp luật của cán bộ cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu
của thực tiễn đời sống pháp luật cơ sở. Kết quả điều tra xã hội học ở
Hà Nội cho thấy, số cán bộ cấp xã ngoại thành có trình độ cao đẳng
và đại học ngành luật chiếm tỷ lệ 25,89% trong số những người
được hỏi; tỷ lệ tương ứng ở cấp phường trong nội thành là 54,23%;
tính trung bình là 40,06%(1). Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nơi hội
tụ đầy đủ nhất các điều kiện thuận lợi cho việc học tập, đào tạo cử

nhân luật mà tỷ lệ chỉ chiếm như vậy; suy rộng ra, trên phạm vi cả
nước, tỷ lệ đó có lẽ còn thấp hơn nhiều. Thực trạng đó cho thấy, trình
độ hiểu biết pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở còn thấp, chưa
đáp ứng được yêu cầu của những công việc có liên quan đến pháp luật
mà họ phải giải quyết hàng ngày. Yêu cầu cấp bách đang đặt ra từ
thực tế ở nước ta hiện nay là phải đào tạo, trang bị kiến thức pháp luật
cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho
họ.
Thứ hai, ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở biểu hiện ở
hoạt động tổ chức, thực hiện và áp dụng pháp luật của họ. Cán bộ
cấp cơ sở là những người tiếp xúc trực tiếp và giải quyết công việc
với dân, nơi cuối cùng tiếp nhận, tổ chức và thực hiện đường lối,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nói cách khác, pháp
luật muốn đi vào đời sống xã hội cơ sở, trở thành pháp luật trong
hành động, thì cần phải thông qua hoạt động chuyên môn của đội
ngũ cán bộ cấp cơ sở. Áp dụng pháp luật là quá trình vận dụng cái
chung (các quy phạm pháp luật) để xem xét, đánh giá cái riêng, cái
cụ thể. Trong thực tiễn đời sống xã hội ở cơ sở, cái riêng, cái cụ thể
lại rất đa dạng, phong phú và không kém phần phức tạp, đòi hỏi đội
ngũ cán bộ cấp xã, phường, thị trấn phải biết cách phân tích cái
riêng, tìm ra cái chung để áp dụng. Theo kết quả điều tra xã hội học,
hiện nay, đa số cán bộ cấp cơ sở đã có được quan điểm đúng đắn là
giải quyết công việc chuyên môn dựa theo các nguyên tắc, quy định
của pháp luật (74,70%). Bên cạnh đó, còn một bộ phận đáng kể có
thói quen làm việc chủ yếu dựa vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp
trên (20,32%), dựa vào kinh nghiệm của bản thân (3,78%) hoặc dựa
theo ý kiến của đa số nhân dân địa phương (1,20%) do chịu sức ép
của dư luận xã hội.
Thứ ba, tình cảm, niềm tin đối với pháp luật của người dân các xã,
phường, thị trấn là tấm gương phản chiếu ý thức pháp luật của đội

ngũ cán bộ cấp cơ sở. Để đánh giá ý thức pháp luật của đội ngũ cán
bộ này, chúng ta có thể tìm hiểu tình cảm, niềm tin đối với pháp luật
của người dân các xã, phường, thị trấn. Thực tế cho thấy, đối với
nhiều người dân sống trên địa bàn các xã, phường, thị trấn, vì rất
nhiều lý do mà họ không biết đến những Bộ luật, Đạo luật do Nhà
nước ban hành, càng không biết đến những văn bản pháp quy của
các cấp chính quyền địa phương. Khi đó, niềm tin đối với pháp luật
của họ hầu như dồn vào những biểu hiện về ý thức, hành vi và cách
giải quyết công việc có liên quan đến pháp luật của đội ngũ cán bộ
cấp cơ sở. Tất cả những yếu tố, như thói quen trong sinh hoạt, cách
thức giao tiếp, thái độ khi giải quyết công việc, hành vi ứng xử, năng
lực chuyên môn, hiểu biết pháp luật… của cán bộ cấp cơ sở trong
cuộc sống hàng ngày đều có thể trở thành tiêu chí để người dân đánh
giá về ý thức pháp luật của họ.
Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, đại đa số người dân các xã,
phường, thị trấn rất tin tưởng và tin tưởng vào pháp luật (84,04%).
Những lý do chính khiến họ tin tưởng vào pháp luật là vì pháp luật
luôn được cán bộ cơ sở đề cao trong khi giải quyết công việc
(30,86%); vì cán bộ xã luôn quan tâm lắng nghe ý kiến, nguyện vọng
của dân (36,85%) và vì lợi ích của dân luôn được cán bộ xã tôn
trọng và giải quyết thoả đáng (32,12%). Ngoài ra, cũng còn một bộ
phận nhân dân thiếu niềm tin đối với pháp luật là vì các quy định của
pháp luật chưa thực sự được cán bộ cơ sở coi trọng. Phần lớn người
dân được hỏi (80,97%) cảm thấy rất hài lòng và hài lòng với cách
giải quyết công việc của cán bộ cấp cơ sở. Điều đó chứng tỏ đội ngũ
cán bộ cấp cơ sở làm việc có hiệu quả và nhận được sự đồng tình,
ủng hộ của đa số người dân trên địa bàn. Sự hài lòng của người dân
về hiệu quả giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ cơ sở phụ thuộc
nhiều vào thái độ của cán bộ khi tiếp xúc và giải quyết công việc của
dân. Họ cảm thấy hài lòng do phần lớn cán bộ cơ sở có thái độ niềm

nở, vui vẻ, nhiệt tình khi tiếp dân. Chính thái độ đó được nhân dân
đánh giá rất cao, dù công việc được giải quyết hay chưa thì người dân
vẫn vui lòng; ngược lại, dù có được việc nhưng thái độ của cán bộ cơ
sở lạnh nhạt, quan cách hay trịch thượng thì người dân vẫn không
thích.
Những đặc điểm trên đây được chúng tôi khái quát, rút ra từ sự khảo
sát thực nghiệm, tìm hiểu về thực trạng ý thức pháp luật của đội ngũ
cán bộ cấp cơ sở. Có thể còn những đặc điểm khác chưa được đề cập
đến. Chúng tôi hy vọng sẽ có các tác giả khác nghiên cứu thêm, hoặc
sẽ có dịp trở lại đề tài này khi có điều kiện; vì dù sao, đây mới chỉ là
kết quả nghiên cứu bước đầu về đề tài này. Song qua đó cũng cho
thấy vai trò quan trọng của ý thức pháp luật của cán bộ cấp cơ sở
trong việc đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống nói riêng, xây dựng
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nói chung. Vì
thế, việc nâng cao ý thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở,
đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam hiện nay, thiết nghĩ, là cần
thiết./.
(*) Thạc sĩ triết học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
(1) Các số liệu trong bài viết được dẫn từ nguồn: Ủy ban nhân dân
thành phố Hà Nội. Kết quả xử lý phiếu thăm dò dư luận xã hội (mẫu
phiếu dùng cho cán bộ và nhân dân các xã khu vực ngoại thành Hà
Nội). Đề tài: “Tác động của dư luận xã hội đối với ý thức pháp luật
của đội ngũ cán bộ cấp xã trên địa bàn Hà Nội”, Hà Nội, 2005.











×