Nghiên cứu triết học
Đề tài: " VỀ QUAN ĐIỂM VÀ TIÊU
CHUẨN THỰC TIỄN "
VỀ QUAN ĐIỂM VÀ TIÊU CHUẨN THỰC TIỄN (*)
NGÔ NGUYÊN LƯƠNG (**)
Trong bài viết này, tác giả đã phân tích và luận chứng để làm rõ rằng, quan
điểm thực tiễn là quan điểm cơ bản và quan trọng nhất trong triết học Mác.
Nêu ra quan điểm thực tiễn cũng chính là nêu ra nhận thức luận, giá trị luận
và phương pháp luận đúng đắn. Trên cơ sở khẳng định thực tiễn là tiêu chuẩn
và là con đường duy nhất để kiểm nghiệm chân lý, tác giả nhấn mạnh rằng,
trong quá trình kiên trì và vận dụng lý luận, cần thường xuyên nghiên cứu tình
hình mới, vấn đề mới, thông qua sự tổng kết, khái quát thực tiễn mới để bổ
sung, làm phong phú và phát triển thêm lý luận, thúc đẩy sự phát triển của lý
luận.
Năm 1978, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc hội thảo có quy mô lớn với chủ
đề “Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý”. Qua hội thảo
này, sự trói buộc của tệ sùng bái cá nhân và quan điểm “Hai nguyên tắc” đã bị
phá bỏ (1). Điều đó thể hiện đường lối tư tưởng và đường lối chính trị của
Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc sửa chữa những sai sót, cũng như khắc
phục những sai lầm của Mao Trạch Đông những năm cuối đời. Thông qua việc
giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, dưới sự dẫn dắt của đường lối tư tưởng
của chủ nghĩa Mác, Đảng Cộng sản Trung Quốc mới có thể xây dựng được
một con đường phát triển chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, mới có
thể thực hiện được bước nhảy vọt mang tính lịch sử lần thứ hai trong việc kết
hợp những nguyên lý phổ biến của triết học Mác với thực tế Trung Quốc, hình
thành nên lý luận Đặng Tiểu Bình, đồng thời giúp cho công cuộc cải cách, mở
cửa và sự nghiệp hiện đại hoá thu được những thành tựu to lớn được thế giới
công nhận. Quán triệt tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XV, giương cao ngọn
cờ lý luận của Đặng Tiểu Bình, đối với quá trình thúc đẩy một cách toàn diện
sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc trong thế kỷ
XXI, chúng ta cần phải kiên trì vấn đề giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị để
phát hiện, giải quyết những vấn đề và tình hình mới nảy sinh trong con đường
phát triển trước mắt. Để tăng cường sự kiên trì và nhất quán đối với tiêu chuẩn
thực tiễn, cần phải tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu triết học đối với quan điểm thực
tiễn; đồng thời, tăng cường hơn nữa sự lý giải khoa học đối với tiêu chuẩn thực
tiễn.
I. Quan điểm thực tiễn là quan điểm cơ bản và quan trọng nhất trong triết học
Mác. Toàn bộ hệ thống lý luận của triết học Mác đã được xây dựng trên hòn đá
tảng thực tiễn. Chỉ khi có quan điểm thực tiễn khoa học mới có thể hình thành
nên thế giới quan, phương pháp luận, nhận thức luận, giá trị quan của triết học
Mác. Triết học Mác luôn chứa đựng những tính chất, như tính phát triển, tính
biện chứng, tính duy vật. Trong lịch sử triết học, triết học Mác là sự thống nhất
mang tính cách mạng, như sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật và phương
pháp biện chứng, giữa quan điểm tự nhiên và quan điểm lịch sử, giữa thế giới
quan và phương pháp luận, giữa lý luận về chân lý và lý luận về giá trị, v.v
Tất cả những điều đó đều có nguồn gốc từ quan điểm thực tiễn cũng như sự lý
giải khoa học đối với thực tiễn. Do vậy, xuất phát từ ý nghĩa của việc nhấn
mạnh vai trò quan trọng của thực tiễn trong triết học Mác, chúng ta có thể
khẳng định, triết học Mác là một chủ nghĩa duy vật thực tiễn triết học, một triết
học thực tiễn biện chứng, cũng có thể nói ngắn gọn là thực tiễn luận triết học.
Triết học Mác theo mô hình của I.V.Xtalin chỉ giải thích thực tiễn là phạm trù
của nhận thức luận và do vậy, về cơ bản là không phù hợp với tinh thần của
C.Mác trong “Luận cương về L.Phoiơbắc”. Luận cương này của C.Mác không
đơn thuần chỉ đề cập đến vấn đề nhận thức luận, mà còn liên quan đến các lĩnh
vực lý luận khác của triết học Mác.
Quan điểm thực tiễn trong triết học Mác sở dĩ có vai trò quan trọng như vậy là
do chính đặc điểm của thực tiễn quyết định. Thực tiễn, theo quan niệm của
C.Mác, là hoạt động cảm tính của con người, hoạt động có tính đối tượng và là
sự thống nhất giữa hoạt động cải tạo hoàn cảnh với hoạt động của con người
hoặc với hoạt động tự cải tạo của con người. Theo quan điểm của Mao Trạch
Đông, thực tiễn là hoạt động chủ quan đối với khách quan. Do vậy, thực tiễn là
quá trình tác động tương hỗ lẫn nhau giữa chủ thể và khách thể, quá trình trao
đổi qua lại của vật chất, năng lượng và thông tin. Do quá trình tác động và trao
đổi qua lại lẫn nhau mà chủ thể và khách thể đều có sự biến đổi, khách thể hoá
chủ thể và chủ thể hoá khách thể. C.Mác đã chỉ ra rằng, “khuyết điểm chủ yếu
của toàn bộ chủ nghĩa duy vật từ trước đến nay – kể cả chủ nghĩa duy vật của
Phoiơbắc – là sự vật, hiện thực, cái cảm giác được chỉ được nhận thức dưới
hình thức khách thể hay hình thức trực quan, chứ không được nhận thức là
hoạt động cảm giác của con người, là thực tiễn”(2). Như vậy, thực tiễn vừa có
tính khách quan, vừa có tính chủ quan. Nếu xem xét thực tiễn như một quá
trình thực hiện mục đích và lợi ích của chủ thể, như một quá trình nhận thức và
cải tạo năng động của chủ thể đối với khách thể, thì thực tiễn có tính chủ thể;
còn nếu xem xét thực tiễn như một quá trình tác động qua lại giữa lực lượng
vật chất của chủ thể với lực lượng vật chất của khách thể, hay từ góc độ chủ
thể tất yếu phải nhận thức và vận dụng quy luật khách quan, thì thực tiễn vốn
có tính khách quan. Nếu tách rời hai yếu tố trên, chỉ nói đến cái này mà không
nói đến cái kia, thì sẽ không thể lý giải một cách đầy đủ và đúng đắn về thực
tiễn. Đương nhiên, quá trình thực tiễn không phải là quá trình hành động một
cách mù quáng, coi thường tính khách quan, tính quy luật của chủ thể; đồng
thời, cũng không phải là một quá trình mà chủ thể có thái độ tiêu cực, bị động
và hoàn toàn không đóng vai trò gì đối với tính quy luật, tính khách quan của
khách thể. Trước đặc tính tồn tại khách quan của khách thể, chủ thể phải thừa
nhận tính đối tượng, tính khách thể, tính khách quan của thực tiễn; phủ nhận
tính khách quan của khách thể tất yếu sẽ dẫn đến phủ nhận tính định hướng đối
tượng khách quan của hoạt động thực tiễn. Nếu giải thích thực tiễn là hoạt
động không có tính định hướng đối tượng khách quan thì chẳng khác gì giải
thích sản xuất giống như hoạt động của người diễn viên biểu diễn khai hoang,
trồng trọt trên sân khấu. Đối tượng khách quan có thể trở thành khách thể hay
không, điều đó còn tuỳ thuộc vào việc chủ thể có xuất phát từ yêu cầu nhận
thức và cải tạo của mình hay không để “rút” nó (khách thể - ND) ra trong mối
liên hệ với thế giới khách quan. Tuy nhiên, khi sự vật khách quan trở thành
khách thể thì không thể giải thích là nó đã mất đi tính quy luật tự thân, mất đi
tính khách quan. Khi các sự vật khách quan trở thành đối tượng nhận thức và
cải tạo của chủ thể, chúng vẫn mang tính khách quan và tồn tại độc lập với chủ
thể, vẫn là một bộ phận của tự nhiên; con người và xã hội loài người hình
thành cùng với sự xuất hiện của thực tiễn lao động và phát triển cùng với thực
tiễn lao động. Nói tóm lại, không thể giải thích thực tiễn như một quá trình
tuần hoàn, khép kín của chủ thể tự nhận thức, tự hoạt động mà không có sự
tham gia của đối tượng khách quan. Thực tiễn chắc chắn không phải là “bức
tường” cản trở con người và tự nhiên, cản trở khách thể và chủ thể; ngược lại,
nó là chiếc cầu nối, là trung gian để gắn kết con người với tự nhiên, chủ thể với
khách thể. Việc nhìn nhận con người như là thể chế của khách thể, đề cao tính
chủ thể của con người, nhấn mạnh tính chủ thể của thực tiễn là cần thiết.
Nhưng, việc phát huy tính chủ thể của con người nhất thiết phải dựa trên cơ sở
nhận thức và vận dụng quy luật khách quan. Quá trình thực tiễn chắc chắn là
một quá trình thống nhất giữa tính chủ thể và tính khách thể, giữa tính hợp
mục đích và tính hợp quy luật.
Đi sâu nghiên cứu quá trình thực tiễn, chúng ta còn nhận thấy rằng, trong quá
trình này, giữa chủ thể và khách thể luôn nảy sinh ba loại quan hệ, tác dụng và
quá trình: một là, quá trình nhận thức bị nhận thức, hay là quá trình trao đổi
thông tin, nó trả lời vấn đề khách thể là gì, hoặc vấn đề chủ thể nhận thức
khách thể có phù hợp với bản tính của khách thể hay không, đồng thời giải
quyết trên góc độ nhận thức luận vấn đề chân lý và sai lầm. Hai là, quá trình
đánh giá và bị đánh giá; nó giải đáp vấn đề hoạt động của khách thể, chủ thể và
kết quả của nó đối với ý nghĩa và giá trị của chủ thể, hoặc vấn đề chủ thể có
thể thực hiện được yêu cầu và mục đích của khách thể hay không, đồng thời
giải quyết trên góc độ giá trị luận vấn đề khẳng định hay phủ định tính giá trị,
lợi hay hại, thiện hay ác. Ba là, quá trình tác dụng và phản tác dụng, trong đó
chủ thể căn cứ vào việc nhận thức khách thể và đòi hỏi giá trị đối với khách
thể, vận dụng các phương pháp, công cụ, phương tiện nhất định để cải tạo
khách thể. Quá trình này giải quyết vấn đề chủ thể cải tạo khách thể như thế
nào. Đây chính là vấn đề “có thể tiến hành và không thể tiến hành” (“khả hành
bất khả hành”) ở phương diện phương pháp luận và vấn đề phương pháp vừa
đúng vừa sai. Nếu chủ thể không phải là một cá thể đơn nhất, mà là nhiều cá
thể hợp thành quần thể hay xã hội, thì về mặt phương pháp luận, ngoài vấn đề
làm thế nào để cải tạo khách thể, còn có vấn đề làm thế nào để tổ chức các cá
thể thành một chỉnh thể. Điều này liên quan đến các kết cấu quyền lực, kết cấu
lợi ích, kết cấu chức năng, v.v. giữa các cá thể, hay chính là vấn đề “giao tiếp”
và “hình thức giao tiếp” mà C.Mác đã nói đến. Do đó, có thể thấy rằng, quá
trình thực tiễn không chỉ nảy sinh trong mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể,
mà còn phát sinh trong quan hệ giao tiếp giữa các chủ thể với nhau; nó không
chỉ nảy sinh trong quá trình nhận thức thế giới, mà còn nảy sinh trong quá trình
cải tạo thế giới, thậm chí cả trong vấn đề tổ chức, quản lý của bản thân chủ thể.
Quá trình thực tiễn luôn yêu cầu đối tượng hoá, vật hoá nhận thức; xác định
mục đích, phương pháp cải tạo khách thể để phục vụ chủ thể. Đó cũng chính là
quá trình sinh tồn và phát triển tự thân của chủ thể. Do vậy, việc phân tích thực
tiễn tất yếu sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề nhận thức luận, giá trị luận và phương
pháp luận. Nêu ra quan điểm thực tiễn khoa học cũng chính là nêu ra nhận thức
luận, giá trị luận, phương pháp luận đúng đắn. Thế giới quan là kết quả nhận
thức thế giới của chủ thể, khi đã có quan điểm thực tiễn và nhận thức luận
khoa học thì cũng có thể hình thành nên thế giới quan khoa học.
II. Trong quá trình thực tiễn tất yếu nảy sinh các vấn đề trên ba phương diện
nhận thức luận, giá trị luận và phương pháp luận. Nhưng điều đó không có
nghĩa là chủ thể có thể giải quyết một cách đúng đắn các vấn đề đó và cũng
không có nghĩa là giữa các phương diện trên luôn có sự điều hoà thống nhất.
Việc các phương diện đó thuộc về ba lĩnh vực khác nhau đã nói lên sự khác
biệt giữa chúng. Sự phân chia chân - giả trên góc độ nhận thức luận không
tương ứng với sự phân chia lợi - hại trên góc độ giá trị luận và cũng không
tương ứng với sự phân chia đúng - sai trên góc độ phương pháp. Trên góc độ
nhận thức, chân lý phản ánh quy luật khách quan, nhưng quy luật khách quan
có thể có ích và cũng có thể có hại đối với chủ thể. Nhận thức được chân lý
không hoàn toàn có nghĩa là tìm thấy phương pháp vận dụng chúng trong thực
tiễn. Việc truy tìm sự phù hợp với chân lý của quy luật khách quan trên góc độ
giá trị của chủ thể không tương đồng với trên góc độ nhận thức và cũng không
hoàn toàn có nghĩa là đã tìm được phương pháp truy tìm giá trị trong thực tiễn.
Thế nhưng, quá trình thực tiễn đòi hỏi ba phương diện đã nêu trên tất yếu phải
tồn tại trong sự tác động qua lại và chế ước lẫn nhau. Một nhận thức nếu không
dựa vào thực tiễn chỉ có ảnh hưởng đến con người trên lĩnh vực tinh thần, tư
tưởng; nhưng, một khi dựa vào thực tiễn, hoạt động thực tiễn mà nó chỉ đạo thì
nhất định, nó sẽ có ảnh hưởng tốt hay xấu đến con người trên góc độ giá trị.
Khi một nhận thức được vận dụng trong thực tiễn, nó luôn đòi hỏi con người
phải vận dụng nhận thức này vào phương pháp, cách thức, kỹ thuật của thực
tiễn. Vậy là, trong quá trình thực tiễn, chủ thể sẽ tiến hành những sự kết hợp
khác nhau giữa chân - giả trên góc độ nhận thức, giữa lợi - hại trên góc độ giá
trị, giữa đúng - sai trên góc độ phương pháp. Sự kết hợp giữa chân lý ở góc độ
nhận thức với thiện ở góc độ giá trị và đúng ở góc độ phương pháp; giữa sai
lầm ở góc độ nhận thức với ác ở góc độ giá trị và sai ở góc độ phương pháp, đó
là hai cực trong sự kết hợp giữa ba yếu tố trên và giữa hai cực đó còn có rất
nhiều trường hợp kết hợp khác. Các sự kết hợp khác nhau sẽ dẫn đến các hoạt
động thực tiễn khác nhau và đưa đến những kết quả khác nhau. Nhận thức mà
thiếu hoạt động thực tiễn mang tính chân lý, phương pháp mà thiếu hoạt động
thực tiễn mang tính khả thi đều làm cho hoạt động thực tiễn không đạt được
mục đích đặt ra và dẫn đến thất bại. Một khi có sự chỉ đạo của nhận thức chân
lý, thì cũng có thể có phương pháp tiến hành. Nhưng nếu mục tiêu giá trị
không hợp lý và dù hoạt động thực tiễn có thể thành công, thì điều đó cũng sẽ
mang đến cho chủ thể sự ảnh hưởng giá trị của tính bất lợi và tính phủ định.
Một khi có sự nhận thức chân lý, có sự định hướng giá trị và nếu như, về mặt
phương pháp, có thể thực hiện được nhưng không phải là tốt nhất, thì có thể
xuất hiện loại hoạt động thực tiễn làm lãng phí tài nguyên và mang lại hiệu quả
thấp. Vấn đề ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chẳng hạn như áp dụng kỹ thuật
năng lượng hạt nhân, v.v. luôn chứa đựng những mâu thuẫn giữa chân lý, giá
trị và phương pháp. Nếu đưa nhân tố không gian, thời gian vào để xem xét,
chúng ta sẽ nhận thấy chân lý, giá trị, phương pháp cũng như quan hệ qua lại
giữa chúng cũng biến đổi cùng với sự biến đổi của không gian và thời gian.
Chân lý trên góc độ nhận thức trong phạm vi không gian và thời gian xác định,
tính khẳng định trên góc độ giá trị, tính hiệu quả và tính khả thi trên góc độ
phương pháp sẽ thay đổi cùng với sự biến đổi trong phạm vi không gian, thời
gian. Trong điều kiện không gian và thời gian không xác định, vấn đề chân lý và
sai lầm ở góc độ nhận thức, phủ định và khẳng định ở góc độ giá trị, hiệu quả
hay không hiệu quả, khả thi hay không khả thi ở góc độ phương pháp không
những có thể trở thành vấn đề không thể xác định được, mà quan hệ giữa chúng
cũng trở nên phức tạp hơn.
Hoạt động thực tiễn cải tạo xã hội không giống với hoạt động thực tiễn cải tạo
tự nhiên, bởi trong hoạt động thực tiễn này, mối quan hệ giữa chân lý, giá trị
và phương pháp luôn biểu hiện tính phức tạp mới. Quan hệ xã hội giữa người
với người, về bản chất, là quá trình con người làm thế nào có thể kết hợp hoạt
động một cách có hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, kinh tế, bất kể là ở giai
đoạn lịch sử nào. Sự kết hợp giữa người với người có thể phân thành hai loại
vừa khác biệt, vừa liên hệ. Một loại do tính chất và đặc điểm của lực lượng sản
xuất trong một giai đoạn lịch sử nhất định quyết định sự phân định vai trò,
chức năng của hệ thống. Một loại là sự kết hợp lợi ích trong hệ thống lợi ích,
quan hệ xã hội của con người; do đó, nó có thể phân thành hai kiểu quan hệ:
quan hệ chức năng và quan hệ lợi ích. Quy luật diễn biến của quan hệ xã hội
chính là quan hệ chức năng, quan hệ lợi ích cũng như mối quan hệ giữa hai cái
đó. Do vậy, quan hệ lợi ích không chỉ là vấn đề giá trị, mà còn là vấn đề nhận
thức và phương pháp. Khi xem xét quan hệ giữa người với người, chúng ta cần
phải xây dựng một quan hệ lợi ích như thế nào để có thể có lợi nhất đối với sự
phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Đây chính là vấn đề
nhận thức luận, mà đối với việc tiến hành nhận thức về một loại quan hệ lợi ích
nào, thì cũng có thể có chân lý và sai lầm ở đó. Xem xét việc con người rốt
cuộc phải xây dựng quan hệ lợi ích như thế nào để có lợi cho sự phát triển của
bản thân con người chính là vấn đề giá trị. Đối với mỗi loại quan hệ lợi ích, sự
đánh giá có thể được phân thành thiện hoặc ác, có lợi hay không có lợi. Xem
xét các quan hệ lợi ích thông qua phương thức nào để tạo lập và biến đổi chính
là vấn đề phương pháp; nó được phân thành phương pháp khả thi và phương
pháp không khả thi, phương pháp đúng và phương pháp sai. Ở đây, trong kết
cấu của quan hệ xã hội, vấn đề chân lý, lợi ích, phương pháp gắn bó mật thiết
với nhau, không thể tách rời. Tính phức tạp của vấn đề còn do sự phát triển của
nhân loại trong một giai đoạn lịch sử khá dài.
Trong vấn đề giai cấp xã hội được chủ nghĩa Mác đề cập, giữa các thành viên
trong xã hội, giữa các giai cấp, giữa các thành viên xã hội với các giai cấp xã
hội và chỉnh thể xã hội, giữa yêu cầu phát triển xã hội trước mắt và yêu cầu
phát triển lâu dài luôn chứa đựng sự khác biệt về lợi ích, luôn có sự đối lập dẫn
đến đối kháng. Sự biến động của quan hệ xã hội và quan hệ lợi ích có thể gây
ra những ảnh hưởng khác nhau đối với các thành viên và giai cấp khác nhau
trong xã hội, tạo nên tình trạng có thành viên, giai cấp được hưởng lợi; có
thành viên, giai cấp chịu tổn thất. Như vậy, trên lĩnh vực nhận thức, những cái
được thừa nhận là chân lý, quy luật ở trong những nhóm lợi ích khác nhau sẽ
nhận được sự đánh giá giá trị khác nhau. Phương pháp cải biến quan hệ lợi ích
cũng sẽ nhận được sự đánh giá khác nhau; những chân lý, giá trị, phương pháp
đã được khẳng định ở nhóm này có thể bị phủ định ở nhóm khác. Nói tóm lại,
trong hoạt động thực tiễn của con người, sự khác biệt và mâu thuẫn (ở một số
trường hợp) của chân lý, giá trị, phương pháp là do nguyên nhân khách quan
của sự không nhất trí giữa nhận thức luận, giá trị luận và phương pháp luận của
con người. Nhưng, mối liên hệ và tính chế ước nội tại của chân lý, giá trị,
phương pháp trong hoạt động thực tiễn lại giúp cho con người có khả năng
khách quan trong việc thống nhất nhận thức luận, giá trị luận với phương pháp
luận.
Chủ thể muốn thành công, có lợi ích, đạt kết quả cao trong hoạt động thực tiễn,
thì nhất thiết phải nhận thấy các vấn đề nhận thức, giá trị và phương pháp là ba
loại vấn đề có sự khác biệt; phải thừa nhận giữa chúng có khả năng nảy sinh sự
bất đồng, không hoà hợp; đồng thời, lại còn phải tiến hành chọn lọc, điều hoà
để cho ba vấn đề đó nhất trí với nhau. Khi lựa chọn trong phạm vi nhận thức,
không những phải lựa chọn nhận thức chân lý, mà còn phải lựa chọn cả cái có
thể mang đến cho chủ thể sự khẳng định giá trị lẫn phương pháp khả thi. Khi
lựa chọn trong phạm vi giá trị, phải lựa chọn cái không những có ích lợi đối
với chủ thể, mà còn có thể nhất trí với nhận thức chân lý và trên góc độ
phương pháp có thể thực hiện được mục tiêu giá trị. Khi lựa chọn trong phạm
vi phương pháp, cần lựa chọn cái không chỉ có tính khả thi, có hiệu quả trong
việc thực hiện mục tiêu giá trị, mà còn phải phù hợp với phương pháp và công
cụ của nhận thức chân lý. Khi con người có thể tiến hành sự lựa chọn và cân
đối điều chỉnh như vừa nói ở trên, lúc đó họ có thể thống nhất nhận thức luận,
giá trị luận và phương pháp luận với nhau. Ngược lại, sẽ dẫn đến sự không
nhất trí, mất cân đối hài hoà, thậm chí sẽ dẫn đến tình trạng tách rời, đối lập giữa
ba yếu tố đó. Nguyên nhân cản trở con người tiến hành chọn lựa và cân đối điều
chỉnh như trên, hay làm cho ba yếu tố đó thống nhất với nhau, có thể thuộc về
nhận thức luận, cũng có thể thuộc về lợi ích, giá trị hay phương pháp. Khi phân
tích những nguyên nhân này, tuyệt đối không được đơn giản hoá.
Sự phân biệt giữa nhận thức luận, giá trị luận và phương pháp luận, sự thừa
nhận giữa chúng có thể tồn tại sự không thống nhất không chỉ giúp chúng ta có
thể phân tích, đánh giá một cách toàn diện các vấn đề phức tạp nảy sinh trong
hoạt động thực tiễn, kết quả hoạt động thực tiễn và nâng cao trình độ, chất
lượng của hoạt động thực tiễn, mà còn có thể đưa ra sự đánh giá khoa học trên
tinh thần thực sự cầu thị đối với các loại học thuyết triết học. Sự đúng đắn của
lý luận triết học trên góc độ nhận thức luận không có nghĩa là trên góc độ giá
trị luận và phương pháp luận, lý luận đó cũng đúng đắn. Tương tự, sự sai lầm
của lý luận triết học trên góc độ nhận thức luận không có nghĩa là nó không hề
có một yếu tố hợp lý nào trên góc độ giá trị luận và phương pháp luận. Quy lý
luận triết học thành lý luận nhận thức, quy lịch sử triết học thành lịch sử đấu
tranh giữa hai đường lối nhận thức của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy
tâm, đó là một nguyên nhân nhận thức cực kỳ quan trọng của những lý luận
triết học phủ định hoặc khẳng định một cách giản đơn đối với lịch sử triết học
trước đây. Song, chúng ta cũng cần phải thấy rằng, do giữa nhận thức luận, giá
trị luận và phương pháp luận luôn có mối quan hệ chế ước lẫn nhau, ảnh
hưởng lẫn nhau, nên những sai lầm trên lĩnh vực nhận thức luận sẽ dẫn đến
những thiếu sót trên lĩnh vực giá trị luận, phương pháp luận và nếu thoát ly
khỏi giá trị luận, phương pháp luận thì cũng rất khó có được nhận thức luận
khoa học.
Biểu hiện nổi bật và quan trọng nhất của cuộc cách mạng mà triết học Mác tiến
hành trong lịch sử triết học là sự thống nhất giữa nhận thức luận, giá trị luận và
phương pháp luận trên nền tảng của quan điểm thực tiễn khoa học. Thực tiễn
vừa là nguồn gốc, vừa là con đường hiện thực duy nhất của nhận thức, giá trị
và phương pháp. Do đó, quan điểm thực tiễn khoa học chính là cơ sở lý luận
chung của nhận thức luận, giá trị luận và phương pháp luận, là một yếu tố quan
trọng để liên kết chúng với nhau. Quá trình thực tiễn là quá trình trong đó, chủ
thể và khách thể, chủ quan và khách quan, lý tưởng và hiện thực, nhận thức và
giá trị, mục đích và phương tiện tác động qua lại lẫn nhau để tạo nên một quá
trình biến đổi từ không nhất trí đến nhất trí và từ đó, thực hiện sự thống nhất
giữa chân lý, giá trị với phương pháp, giữa nhận thức luận, giá trị luận với
phương pháp luận. Chủ nghĩa duy vật lịch sử xem sự phát triển xã hội là một
quá trình phát triển có quy luật, được thúc đẩy bởi mâu thuẫn giữa kiến trúc
thượng tầng và nền tảng kinh tế, giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất
nảy sinh trên cơ sở của lao động thực tiễn. Chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng xem
quá trình đó như một quá trình hoạt động có mục đích của con người, một quá
trình mà con người cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất vượt qua
những trở ngại của tự nhiên và xã hội để không ngừng phát triển, không ngừng
giải phóng bản thân mình; như một quá trình hình thành và phát triển của giá
trị người. Như vậy, trên góc độ nhận thức luận, việc nắm chắc sự phản ánh
chân lý phát triển của xã hội có thể thống nhất với việc nghiên cứu quy luật
hình thành, phát triển của con người trên góc độ giá trị, với quy luật thực hiện
giá trị người thông qua những phương thức nào. Chủ nghĩa duy vật lịch sử đã
tiến hành phân tích một cách biện chứng, duy vật, lịch sử và thực tiễn đối với
mâu thuẫn giữa sự phát triển của cá thể và sự phát triển của loài trong những
giai đoạn lịch sự nhất định, đối với sự phân chia xã hội thành giai cấp và mâu
thuẫn trên góc độ lợi ích, giá trị, sự phát triển của các giai cấp khác nhau; đồng
thời, quy sự đối lập, xung đột trên góc độ lợi ích, giá trị giữa các giai cấp về
mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng với
kiến trúc thượng tầng, tiến hành đánh giá lịch sử từ góc độ phát triển của lực
lượng sản xuất đối với sự mưu cầu lợi ích, giá trị của các giai cấp khác nhau.
Đối với việc phê phán chế độ bóc lột, cũng không thể xuất phát từ giá trị của
con người trừu tượng, phi lịch sử, mà cần phải xuất phát từ yêu cầu phát triển
và thực hiện giá trị của con người trong những điều kiện lịch sử cụ thể; đồng
thời, chỉ ra sự bất công đối với quần chúng của các chế độ bóc lột. Ngoài ra, nó
cũng xuất phát từ những điều kiện lịch sử của sự phát triển lực lượng sản xuất
để tiến hành đánh giá những vấn đề khác của đời sống xã hội. Tóm lại, sự phân
tích giá trị luận trong chủ nghĩa duy vật lịch sử là cụ thể, mang tính lịch sử,
được xây dựng trên cơ sở nhận thức chân lý đối với quy luật lịch sử, do vậy
cũng là một hình thức phân tích nhận thức luận và phương pháp luận. Sự phân
tích phương pháp luận và nhận thức luận trong chủ nghĩa duy vật lịch sử xuất
phát từ chỗ: nhu cầu phát triển của con người trong những điều kiện lịch sử cụ
thể đã thúc đẩy con người hoạt động thực tiễn và do vậy, cũng là một loại phân
tích giá trị luận để từ đó, thống nhất một cách lịch sử cụ thể và thực tiễn nhu
cầu phát triển xã hội với nhu cầu phát triển lực lượng sản xuất và lợi ích của
quần chúng lao động. Vì thế, trong chủ nghĩa duy vật lịch sử, nhận thức luận,
giá trị luận và phương pháp luận là thống nhất với nhau.
VỀ QUAN ĐIỂM VÀ TIÊU CHUẨN THỰC TIỄN (*) tiếp theo
NGÔ NGUYÊN LƯƠNG (**)
III. Hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của vấn đề nhận thức luận, giá trị luận
và phương pháp luận cũng như của việc thống nhất ba lĩnh vực này là
đòi hỏi tất yếu trong quá trình hoạt động thực tiễn. Do vậy, khi bắt đầu
tiến hành bất cứ hoạt động thực tiễn nào, chúng ta cũng cần phải xuất
phát từ ba lĩnh vực này cũng như từ sự thống nhất của chúng. Để hoạt
động thực tiễn có thể được tiến hành một cách tự giác, có mục đích, có
tổ chức, có ý thức thì sự chuẩn bị về mặt lý luận là vô cùng quan trọng
và không thể thiếu được. Phương án thực tiễn trước mắt, về mặt nhận
thức luận, cần phải có tính khoa học; về mặt giá trị luận, cần khẳng định
một cách cụ thể định hướng giá trị; về mặt phương pháp luận, cần có
tính khả thi cao, giúp cho hoạt động thực tiễn sau này được tiến hành
dưới chỉ đạo của những phán đoán tri thức, phán đoán giá trị, phán đoán
chắc chắn đáng tin cậy. Để thực hiện được điều đó, trước tiên phải dựa
trên cơ sở nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng tình hình thực tế của chủ thể
và khách thể nhằm vạch ra các phương án lý tính đối với ba phương
diện trên (phán đoán tri thức, giá trị và công cụ - ND); tiếp theo, cần
phải tiến hành luận chứng một cách nghiêm túc đối với các phương án
lý tính ở trên, chẳng hạn chứng minh các phương án ở góc độ lý luận,
lôgíc hoặc lấy kinh nghiệm thực tiễn trước đây để chứng minh các
phương án đó. Việc giải thích luận điểm “thực tiễn là tiêu chuẩn duy
nhất để kiểm nghiệm chân lý” như là sự phủ định tính tất yếu của việc
trước khi tiến hành hoạt động thực tiễn cần phải chứng minh trên các
góc độ lý luận, lôgíc và kinh nghiệm thực tiễn trước đây đối với các
phương án lý tính của thực tiễn là một sai lầm. Trong giai đoạn này, ý
nghĩa thực tế của tiêu chuẩn chân lý là phải xuất phát từ lý luận đã được
thực tiễn trước đây kiểm nghiệm là đúng đắn, nhưng trong điều kiện
thực tiễn mới vẫn luôn đòi hỏi phải có sự chứng minh về mặt lý luận
mối quan hệ của nó với thực tiễn mới. Do vậy, phủ định tầm quan trọng
và tính tất yếu của sự chứng minh như đã nêu trên đồng nghĩa với việc
phủ định thực tiễn cần phải có sự chỉ đạo của lý luận đúng đắn, với việc
khuyến khích hoạt động thực tiễn mù quáng và như vậy, chủ thể sẽ phải
trả một cái giá mà lẽ ra không đáng phải trả. Trước khi bước vào hoạt
động thực tiễn mà tầm quan trọng và tính phức tạp của nó càng cao thì
việc dựa vào sự chứng minh trên góc độ lý luận, lôgíc và kinh nghiệm
thực tiễn trước đây càng không thể thiếu được. Việc máy tính điện tử
hiện nay có thể bắt chước kinh nghiệm, giả định kinh nghiệm chính là
do đòi hỏi ngày càng phức tạp của thực tiễn hiện đại. Thiết nghĩ, việc
thử vũ khí hạt nhân, phóng tàu vũ trụ hay vệ tinh nhân tạo liệu có thể
tiến hành một cách mù quáng dưới sự chỉ đạo của lý luận chưa được
chứng minh về mặt lý luận, lôgíc hay kinh nghiệm thực tiễn trước đây
hay không? Nếu như vậy, chẳng phải là sẽ dẫn đến những hậu quả tai
hại và tổn thất cực kỳ to lớn trên lĩnh vực kinh tế hay sao? Trong quá
trình chứng minh như trên, khi luận chứng mà xuất hiện sự bất đồng thì
cần phải áp dụng những biện pháp xã hội để giải quyết, như biện pháp
hiệp thương, thiểu số phục tùng đa số sau khi đã biểu quyết một cách
dân chủ, v.v Những hình thức giải quyết như vậy có thể không giống
nhau, nhưng về thực chất, đều dựa vào các hình thức quyền lực xã hội
để giải quyết vấn đề. Quyền lực, đương nhiên, không đồng nghĩa với
chân lý, nhưng bất kỳ lý luận nào, một khi áp dụng vào thực tiễn, đều
không thể tránh khỏi quan hệ qua lại với con người, với quyền lực trong
các hình thức quan hệ đó và phải được quyền lực cấp “tấm giấy thông
hành” mới có thể ứng dụng vào thực tiễn. Bất luận bạn có đồng ý hay
không, thừa nhận hay không, sự thật đều là như vậy. Điều cần phải
nghiên cứu ở đây là, làm thế nào để việc hình thành và sử dụng quyết
sách quyền lực này được xây dựng trên cơ sở khoa học và dân chủ. Nếu
phương án hoạch định lý tính thông qua các hình thức luận chứng,
chứng minh giành được sự phê chuẩn của quyền lực xã hội, thì cũng có
nghĩa là nó đã giành được căn cứ đầy đủ của sự chỉ đạo thực tiễn. Tuy
nhiên, trong bối cảnh này, chúng ta cần phải tỉnh táo nhận ra rằng, các
hình thức luận chứng và sự phê chuẩn của quyền lực xã hội, trên thực tế,
là một sự chứng minh lý tính gián tiếp, cũng giống như việc máy tính
điện tử mô phỏng, bắt chước thực nghiệm vẫn được tiến hành trong điều
kiện mà chủ thể nhận thức được, vẫn nằm trong phạm vi của tư duy, lý
tính; sự phê chuẩn của quyền lực xã hội là một loại phê chuẩn trên góc
độ nhận thức.
Ý nghĩa thực tế hiện nay của quan điểm “thực tiễn là tiêu chuẩn duy
nhất để kiệm nghiệm chân lý” chính là đòi hỏi chúng ta nhận thức được
vấn đề: trước khi bắt tay vào hoạt động thực tiễn, cần phải phát huy tác
dụng của các phương án lý tính để chỉ đạo thực tiễn, đồng thời lại phải
có phương án luận chứng và kiểm nghiệm thực tiễn. Ưu điểm của kinh
nghiệm là tính trực tiếp, nhưng khuyết điểm của nó là tính hạn hẹp; lý
tính khắc phục được tính hạn hẹp của kinh nghiệm, vì nó có tính phổ
biến, nhưng lại có nhược điểm là tính gián tiếp. Thực tiễn vừa có tính
phổ biến, vừa có tính trực tiếp; do đó, nó cao hơn cả kinh nghiệm lẫn lý
tính. Lý tính đóng vai trò là sự phản ánh của chủ thể đối với khách thể,
chỉ có thông qua rất nhiều khách thể trong thực tiễn mới có thể chứng
minh được tính chân lý, tính hiện thực của nó. Do đó, bất luận là trong
phạm vi lý tính được tiến hành luận chứng đầy đủ như thế nào, hay là
thông qua sự phê chuẩn của quyền lực xã hội ra sao thì cuối cùng, các
phương án lý tính vẫn phải thông qua thực tiễn mới có thể được luận
chứng một cách hoàn toàn.
“Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý” – quan điểm
này khi phát huy vai trò cũng phải có những tiền đề của nó. Trước tiên,
lý luận đang còn chờ kiểm nghiệm cần phải chỉ đạo việc cải tạo đối với
lý luận hoạt động thực tiễn của các khách thể nhất định; còn hoạt động
thực tiễn nhất định thì không thể kiểm nghiệm được và không liên quan
gì đến lý luận của nó. Hơn nữa, lý luận đang chờ kiểm nghiệm còn phải
gắn với lý luận của đối tượng thực tiễn; cùng với việc lý luận không có
liên quan gì đến đối tượng thực tiễn, thực tiễn cũng không thể kiểm
nghiệm được. Tiếp theo, lý luận mang tính chân lý được rút ra thông
qua thực tiễn và do kết quả kiệm nghiệm của thực tiễn chỉ là đối với
những đối tượng thực tiễn nào đó mà thôi, nếu tách rời các đối tượng
thực tiễn ấy thì tính chân lý này chỉ còn là tương đối. Chân lý luôn là cụ
thể, vì nó là sự phản ánh của chủ thể nhận thức cụ thể, trong quá trình
thực tiễn cụ thể, đối với các đối tượng cụ thể. Điều này thể hiện quan
điểm “thực tiễn là tiêu chuẩn và con đường duy nhất để kiểm nghiệm
chân lý” khi được áp dụng, luôn xác định một hệ thống cụ thể, bao
gồm: chủ thể – thực tiễn – khách thể trong những điều kiện không gian,
thời gian nhất định. Trong hệ thống này, chủ thể, khách thể, nhận thức
lý tính của chủ thể đối với khách thể, quá trình thực tiễn của chủ thể cải
tạo khách thể và kết quả thực tiễn của nó đều rất rõ ràng, chắc chắn.
Chúng ta có thể trích dẫn một đoạn trong tác phẩm Bàn về thực tiễn của
Mao Trạch Đông để chứng minh cho những điều vừa trình bày ở trên.
Ông viết: “Mọi người trong xã hội tham gia vào cuộc cách mạng trong
thực tiễn của mỗi một quá trình khách quan và trong mỗi một giai đoạn
phát triển (không kể là thực tiễn của quá trình cải tạo tự nhiên hay thực
tiễn của quá trình cải tạo xã hội), do phản ánh quá trình khách quan và
vai trò năng động của chủ thể, giúp cho sự nhận thức của con người
chuyển từ cảm tính đến lý tính, về đại thể, đều tạo nên sự tương ứng với
những tư tưởng, lý luận, phương án hay kế hoạch mang tính nguyên tắc
của quá trình khách quan đó. Nhưng khi tiếp tục áp dụng những tư
tưởng, lý luận, kế hoạch, phương án đó vào thực tiễn quá trình khách
quan đồng nhất, nếu như có thể thực hiện được mục đích đặt ra, nghĩa
là biến những tư tưởng, lý luận, phương án, kế hoạch dự định thành
hiện thực trong thực tiễn của quá trình đồng nhất, hoặc về đại thể, biến
thành hiện thực thì, sự nhận thức đối với quá trình cụ thể này coi như
đã hoàn thành”(3). Chỉ cần đọc kỹ những chỗ chúng tôi in nghiêng là có
thể hiểu được những luận điểm trình bày ở trên. Tiếp tục phân tích
những vấn đề đã nêu trên, chúng ta còn phát hiện thấy, trong quan điểm
“thực tiễn là tiêu chuẩn và con đường duy nhất để kiểm nghiệm chân
lý” luôn tồn tại một mâu thuẫn: khi chuẩn bị tiến hành hoạt động thực
tiễn, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo lý luận một cách đúng đắn, song tính
đúng đắn của lý luận này chỉ có thể được xác định khi quá trình thực
tiễn đó kết thúc và chỉ khi căn cứ vào kết quả thực tiễn mới có thể thẩm
định được. Sự thẩm định đối với quá trình thực tiễn đã kết thúc liệu có
còn ý nghĩa chỉ đạo hiện thực không? Điều này nói lên rằng, sự kiểm
nghiệm thực tiễn vốn có tính trì trệ. Tính phức tạp của sự kiểm nghiệm
thực tiễn còn nằm trong hiện thực, đặc biệt là trong lịch sử xã hội, trong
khi đối tượng thực tiễn là một quá trình không ngừng phát triển trong
không gian và thời gian, khi chủ thể là hàng tỷ quần chúng nhân dân,
còn quá trình thực tiễn thì kéo dài đến mức khó xác định giới hạn thời
gian và không gian. Có thể nói, việc xác định chủ thể, khách thể, quá
trình thực tiễn, kết quả thực tiễn là một vấn đề rất phức tạp, do đó việc
kiểm nghiệm thực tiễn cũng không dễ dàng như đã nói trên góc độ lý
luận; trái lại, trong cuộc sống hiện thực, vấn đề kiểm nghiệm thực tiễn
luôn nảy sinh rất nhiều sự tranh luận. Sở dĩ như vậy là do điều này xuất
phát từ tính phức tạp như đã nêu trên. Sự phức tạp của hoạt động thực
tiễn cũng luôn tạo ra kết quả phức tạp và đa dạng, có một số kết quả
không phải chỉ trong một thời gian ngắn là có thể nhìn thấy được. Theo
đó, kết quả nào của thực tiễn được dùng để làm tiêu chuẩn kiểm nghiệm
chân lý, hay là dùng tổng hoà các kết quả của thực tiễn? Tuy nhiên, sự
tổng hoà thông thường không có tính chắc chắn, mà dùng kết quả
không chắc chắn để tiến hành kiểm nghiệm liệu có thể rút ra được kết
luận đảm bảo chắc chắn hay không? Còn nếu dùng kết quả mang tính
bộ phận của thực tiễn, thì liệu kết quả bộ phận này có thể đưa ra sự
kiểm nghiệm toàn diện đối với toàn bộ hoạt động thực tiễn được hay
không? Dùng kết quả trực tiếp và mới nhất để kiểm nghiệm, nhưng lại
bỏ qua kết quả lâu dài và gián tiếp, thì lúc đó có phải là khoa học
không? Do vậy, tiêu chuẩn thực tiễn vừa là duy nhất, tuyệt đối lại vừa là
cụ thể, có điều kiện và mang tính tương đối. Chính V.I.Lênin đã chỉ rõ:
“Tiêu chuẩn thực tiễn, xét về thực chất không bao giờ có thể xác nhận
hoặc bác bỏ một cách hoàn toàn một biểu tượng nào đó của con người.
Tiêu chuẩn đó cũng khá “không xác định” để không cho phép các hiểu
biết của con người trở thành một cái “tuyệt đối”; đồng thời, nó cũng khá
xác định để có thể tiến hành đấu tranh quyết liệt chống tất cả các thứ
chủ nghĩa duy tâm và bất khả tri”(4). Một số lý luận nhất thời không
thể áp dụng vào thực tiễn, trong điều kiện nhất định của thực tiễn thì
không thể tiến hành kiểm nghiệm chân lý đối với chúng. Nhưng những
lý luận nhất thời không thể áp dụng vào thực tiễn không có nghĩa là mãi
mãi chúng không thể áp dụng được trong thực tiễn. Những lý luận nhất
thời không thể được thực tiễn chứng minh cũng không đồng nghĩa với
lý luận sai lầm; có một số lý luận trừu tượng phải trải qua một quá trình
thực tiễn tương đối dài mới có thể được kiểm nghiệm một cách đầy đủ;
trong một số điều kiện xác định, một lý luận nào đó một hai lần bị thực
tiễn phủ nhận, chưa có nghĩa là lý luận đó đã chết. Nói đến đây, cần
phải chỉ ra rằng, sự thảo luận về tiêu chuẩn thực tiễn đã trình bày trên
đều xoay quanh vấn đề chân lý của nhận thức. Một thời gian dài, trong
triết học, vấn đề tiêu chuẩn thực tiễn cũng đã được tiến hành thảo luận
như vậy. Tuy nhiên, như ở phần đầu bài viết này đã chỉ ra, những phán
đoán lý luận phát huy được tác dụng trong thực tiễn, thì ngoài nội dung
nhận thức luận ra còn có nội dung phương pháp luận và giá trị luận; vì
thế, thực tiễn kiểm nghiệm những phán đoán lý luận không chỉ trên
phương diện nhận thức luận, mà cả trên lĩnh vực giá trị luận và phương
pháp luận. C.Mác đã chỉ ra rằng, tính chân lý, tính hiện thực có thể
được giải thích là kết quả kiệm nghiệm của thực tiễn đối với ba yếu tố
này. Do vậy, chúng ta chắc chắn sẽ có một sự lý giải toàn diện đối với
vấn đề kiểm nghiệm của thực tiễn. Kết quả thực tiễn kiểm nghiệm việc
chỉ đạo hoạt động thực tiễn của nhận thức lý tính, giá trị lý tính, công cụ
lý tính (bao gồm cả lý tính quyền lực), do đó cũng đồng thời kiểm
nghiệm mối quan hệ giữa nhận thức luận, giá trị luận, phương pháp
luận là nhất trí hay không nhất trí để lúc nào đó đưa ra căn cứ cho chủ
thể điều chỉnh, cân đối mối quan hệ này trong quá trình hoạt động tiếp
theo. Trong quá trình thực tiễn - nhận thức - thực tiễn, chủ thể cũng có
thể thực hiện sự thống nhất giữa nhận thức luận, giá trị luận và phương
pháp luận.
Đối với tiêu chuẩn thực tiễn, điều then chốt là ở sự lý giải khoa học và
sự kiên trì nhất quán. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, trong những trường
hợp gặp khó khăn, trắc trở và có thể dẫn đến thất bại, con người thường
chú trọng xuất phát từ thực tế và kiên trì tiêu chuẩn thực tiễn. Nhưng
trên góc độ chỉ đạo lý luận, trong trường hợp thực tiễn đạt được những
thành công và chứng minh tính chân lý, tính hiện thực của nó, con
người rất dễ đi từ sự tin tưởng tới chỗ sùng bái lý luận đó, dẫn đến chủ
nghĩa giáo điều, chủ nghĩa kinh viện, đồng thời cũng dễ bỏ qua tầm
quan trọng của việc xuất phát từ thực tế mà tiêu chuẩn thực tiễn đòi hỏi.
Trong trường hợp này, càng cần phải khiêm tốn, cẩn thận, tránh kiêu
ngạo, nóng vội, kiên trì giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, tất cả đều
phải xuất phát từ thực tế. Thực tiễn là tiêu chuẩn và là con đường duy
nhất để kiểm nghiệm chân lý. Trong quá trình kiên trì và vận dụng lý
luận, đồng thời giúp cho lý luận có thể được thực tiễn mới kiểm
nghiệm, cần phải nghiên cứu tình hình mới, vấn đề mới, thông qua sự
tổng kết, khái quát thực tiễn mới để sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện, làm
phong phú và phát triển thêm lý luận, thúc đẩy sự phát triển của lý
luận.r
Người dịch: ThS. CHU VĂN TUẤN
(Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam)
(*) Bài được đăng trong “Khoa học xã hội Thiên Luật”, số 5, năm 1998.
(**) Giáo sư, Tiến sĩ, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Bắc Kinh,
Trung Quốc.
(1) Tạm dịch là “Hai nguyên tắc”. Đây chính là quan điểm “Lưỡng cá
phàm thị”, là quan điểm do Hoa Quốc Phong đưa ra, xuất hiện lần đầu
tiên vào tháng 2 năm 1977 trên một số báo, tạp chí, như “Nhân dân nhật
báo”, “Báo Giải phóng quân”, Tạp chí “Hồng Kỳ”, v.v Nội dung của
quan điểm này là: phàm điều gì là chủ trương của Mao Chủ tịch, chúng
ta đều phải kiên quyết duy trì thực hiện; phàm điều gì là chỉ thị của Mao
Chủ tịch, chúng ta đều phải trước sau tuân theo – ND.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.3. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà
Nội, 1995, tr.9.
(3) Mao Trạch Đông. Tuyển tập, quyển thượng. Nxb Nhân Dân, Bắc
Kinh, 1986, tr. 132 (tiếng Trung).
(4) V.I.Lênin. Toàn tập, t.18. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 168.