Doanh nghiệp học được
gì từ những cuộc biểu
tình
Các doanh nghiệp nhỏ cũng
có thể đúc kết được nhiều điều cho mình từ những cuộc biểu tình. Dẹp qua
những tư tưởng bài bác, chê bai hay tán dương, chúng ta hãy thử nhìn các
cuộc biểu tình ở góc độ kinh doanh để rút ra kinh nghiệm cho mình
Biểu tình, biểu tình và lại biểu tình. Muôn hình, vạn trạng các kiểu biểu tình.
Người thì ủng hộ, người thì phản đối, mỗi người đều có cách nhìn nhận khác
nhau về biểu tình. Thế nhưng, trong con mắt những chuyên gia, các cuộc
biểu tình luôn ẩn chứa những bài học đầy ý nghĩa. Và nói thì nghe buồn
cười, nhưng các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể đúc kết được nhiều điều cho
mình từ những cuộc biểu tình. Dẹp qua những tư tưởng bài bác, chê bai hay
tán dương, chúng ta hãy thử nhìn các cuộc biểu tình ở góc độ kinh doanh để
rút ra kinh nghiệm cho mình.
1. Chiếm phố Wall (Làm khách hàng hài lòng)
Chuyện người biểu tình đứng về phía nào và mục tiêu của họ là gì thì có thể
còn gây nhiều tranh cãi, nhưng một điều rất rõ ràng là: họ không hài lòng.
Bất kể nguồn cơn của cuộc biểu tình phố Wall là gì nhưng việc mọi người
liên minh chống lại nó rút cuộc là vì sự bất mãn mà nó đã gây ra cho họ.Và
bất kể "phố Wall" giải thích thế nào thì những người biểu tình này vẫn
không ngừng oán trách và hướng dư luận xấu về nó.
Một doanh nhân phải nhận thức rất rõ rằng sự hài lòng của khách hàng là
mục tiêu tối quan trọng trong kinh doanh. Những khách hàng không hài
lòng luôn có nhiều cách để làm cho người khác biết về sự không hài lòng
của họ và việc này sớm hay muộn cũng sẽ làm doanh nghiệp tiêu tan. Tất
nhiên, doanh nghiệp không thể thỏa mãn yêu cầu của tất cả mọi người,
nhưng họ cũng sẽ phải rất thận trọng để có những biện pháp cần thiết nhằm
dập tắt những lời chỉ trích trước khi chúng lan rộng.
2. NBA đóng cửa (Lập kế hoạch cẩn thận và đừng đặt cược quá nhiều
vào tương lai)
Các ông chủ của Liên đoàn Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) đã làm ăn thua lỗ
từ nhiều năm nay nhưng bất kể điều đó, họ vẫn tiếp tục bỏ tiền ra với hy
vọng là lợi nhuận cuối cùng sẽ tăng để bù đắp những thâm hụt trước dây.
Thế nhưng nền kinh tế lại rơi vào suy thoái và giờ thì NBA đã phải đóng cửa
(rất có thể ngay cả khi khi không xảy ra suy thoái kinh tế, NBA cũng sẽ phải
đóng cửa). Với cơ cấu kinh tế không khả thi, những ông chủ của NBA đã
phải nhấn nút "reset" cho doanh nghiệp mình và chưa biết đến bao giờ thì
doanh nghiệp ấy có thể hoạt động trở lại.
Đôi khi những người chủ doanh nghiệp cứ chạy trên mép bờ vực mà không
nhận ra rằng chỉ một cú vấp là họ có thể rơi xuống vực. Tất nhiên, khi bắt
đầu kinh doanh, liều lĩnh đôi khi cũng là cần thiết nhưng bạn không thể cứ
liều lĩnh mãi. Hãy đặt mục tiêu rõ ràng để biết khi nào thì bước tránh sang
bên và khi nào thì dấn tới. Và trong quá trình kinh doanh, hãy luôn chuẩn bị
sẵn trong đầu những chiến lược thoái lui để tránh đi đến bước đường cùng.
3. Từ Netflix sang Qwickster và lại quay lại Netflix (Thông điệp phải
ngắn gọn và giản đơn)
Để duy trì hoạt động kinh doanh, Netflix đã phải tách riêng dịch vụ cho thuê
DVD và instant streaming đồng thời tăng giá cả hai dịch vụ này. Chỉ riêng
thay đổi này thôi cũng đã khiến khách hàng của Netflix cảm thấy phiền toái.
Thế nhưng công ty mạng này gây thêm sự hoang mang không cần thiết khi
chuyển tên của dịch vụ DVD thành Qwickster. Có thể việc đổi tên là vì mục
tiêu bí mật nào đó nhưng rõ ràng về mặt kinh doanh, nó là một sai lầm và
Netflix đã phải nhanh chóng rút lại cái tên Qwickster.
Doanh nghiệp nhỏ phải luôn giữ cho thông điệp của mình thật đơn giản và
dễ "nuốt" nếu không muốn làm khách hàng chán. Xã hội đang hướng đến
những gì "ăn liền" và điều này có thể thấy qua Twitter: nếu một điều gì đó
không thể nói gọn trong 140 ký tự thì tức là điều đó chẳng đáng nói. Nên
tránh đưa ra nhiều thông điệp một lúc vì như thế sẽ gây hoang mang cho
khách hàng.
4. Vụ kiện ngân hàng Bank of America và chi nhánh Countrywide
Mortgage (Quảng cáo không đúng sự thật chẳng bao giờ cũng là ý
tưởng hay cả)
Mới đây, bang California đã yêu cầu tòa án điều tra vụ Bank of America và
chi nhánh của ngân hàng này – Countrywide Mortgate – lừa bán chứng
khoán thế chấp dưới chuẩn cho các nhà đầu tư. Không chỉ bị mắc kẹt với
món nợ khổng lồ, Bank of America còn có nguy cơ bị phạt hành chính và xử
lý hình sự vì hành vi lừa đảo các nhà đầu tư.
Doanh nghiệp có quyền được quảng cáo thoải mái sản phẩm/dịch vụ của
mình với công chúng. Thế nhưng khi khách hàng đã nhìn tận mặt mà bạn
vẫn tiếp tục hứa hươu hứa vượn thì luật pháp sẽ không còn đứng về phía bạn
nữa. Vì vậy, hãy để những cái không ngon cho mình ăn và cố gắng cải thiện
sản phẩm thay vì đưa ra những lời cam đoan sai sự thật cho những sản phẩm
không tương xứng.
5. Châu Âu phá sản (Theo dõi các báo cáo tài chính của doanh nghiệp
mình và tránh nợ nần chồng chất)
Hy Lạp đã đánh cược mọi thứ để rồi trắng tay. Ailen, Thổ Nhĩ Kỳ và có thể
cả Italia cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Sau nhiều năm tiêu tiền đi vay mà
nền kinh tế vẫn lao dốc, chính phủ các nước châu Âu này đều đang phải đối
mặt với nguy cơ vỡ nợ. May mà họ vẫn còn có những ông anh giàu có ra tay
cứu nguy gần hết (liệu các ông anh này có đủ giàu để giải cứu hết tất cả hay
không thì phải chờ thời gian trả lời).
Với doanh nghiệp nhỏ, có thể chẳng có ông anh hay bà chị giàu có nào gần
bên để mà bấu víu. Vì thế doanh nghiệp không nên vay nợ cho đến chết với
hy vọng rằng vận mệnh của họ sẽ thay đổi khi nền kinh tế khởi sắc. Vay nợ
là cần thiết, nhưng như đã nói ở trên, doanh nghiệp phải biết khi nào thì thắt
lưng buộc bụng và khi nào thì chi tiêu mạnh tay. Hãy thường xuyên kiểm tra
tình hình tài chính của mình để biết phải cắt giảm ở đâu, lúc nào và ưu tiên
chi cái gì.