Chăm sóc trẻ sơ sinh
nuôi trong lồng ấp
(NICU)
Nhắc đến các em bé được nuôi trong lồng ấp sau khi ra đời, bạn sẽ nghĩ
ngay đến các bé sinh thiếu tháng, nhưng cả khi sinh đủ tháng, một số
vấn đề sức khoẻ ở trẻ sơ sinh vẫn được chỉ định nuôi ấp trong lồng
trước khi bé đủ sức để nuôi bình thường. Và mọi phụ huynh tương lai
đều cần có sự hiểu biết sẵn sàng về vấn đề này.
Không bà mẹ mang thai nào lại muốn con mình sinh ra được nuôi ấp trong
lồng ấp, nhưng hàng năm vẫn có hàng triệu em bé phải trải qua điều kiện
chăm sóc y tế đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh non yếu vì các lý do bao gồm:
sinh non (trước tuần thai thứ 37), có vấn đề về tim bẩm sinh, các dị tật bẩm
sinh, hơi thở bất thường và nhiễm trùng sơ sinh, cùng một số lý do khác.
Sinh non tháng là lý do phổ biến nhất khiến trẻ ra đời phải được chăm sóc
trong lồng ấp, và tình huống này không hề hiếm gặp. Vậy nên, nếu bạn đang
thai nghén con yêu, sẽ không thừa để tìm hiểu về vấn đề này - chỉ để phòng
xa mà thôi.
Không phải mọi kỹ thuật lồng ấp (NICU) đều như nhau
Tuỳ theo tình trạng của con bạn và trang bị của bệnh viện,
bé sẽ được nuôi ấp theo các cấp độ khác nhau. Ảnh: Inmagine.
Bất kể thai kỳ của bạn có thuộc nhóm nguy cơ cao hay không, tìm hiểu về
bệnh viện phụ sản gần nhất có hệ thống nuôi ấp cho trẻ sơ sinh là một ý nghĩ
khôn ngoan. Kỹ thuật NICU được chia làm 3 cấp độ từ I đến III, phụ thuộc
vào trình độ điều trị và điều kiện trang thiết bị của bệnh viện ở mức nào, các
bệnh viện tuyến trên chắc chắn được trang bị tốt hơn. Bạn có thể hiểu đơn
giản thế này, kỹ thuật NICU cấp độ III là kỹ thuật cao nhất chuyên để chăm
sóc các bé sinh trước tuần thai thứ 32 hoặc sinh ra với các vấn đề sức khoẻ
bẩm sinh nghiêm trọng.
Sự chăm sóc kỹ thuật cao
Hệ thống ống thông, máy thở, kim truyền, lồng và máy giám sát công nghệ
cao có thể trông thật đáng sợ, nhưng chúng góp phần khiến lồng NICU trở
thành nơi an toàn nhất cho một em bé sinh non hoặc bị bệnh. Lồng ấp NICU
(không giống như các loại nôi bình thường) giúp giữ thân nhiệt cho cơ thể
bé. Một ống thông (mũi - dạ dày) cung cấp sữa mẹ hoặc sữa công thức trực
tiếp vào dạ dày bé thông qua lỗ mũi. Phổi chưa hoàn thiện và suy hô hấp là
một lý do phổ biến để bé phải được nuôi trong lồng ấp, bé có thể được cho
chụp mũ oxy - là một chiếc hộp chứa toàn oxy tinh khiết vừa vặn với đầu trẻ
để cung cấp oxy cho trẻ. Các kim và ống truyền giúp cung cấp chất lỏng để
giữ cho bé không bị mất nước đồng thời truyền thuốc vào cơ thể bé. Băng
theo dõi được dán vào da trẻ để ghi nhận những dấu hiệu quan trọng. Tất
nhiên, nếu có bất kỳ tình huống cấp cứu nào xảy ra, bé sẽ được trợ giúp ngay
lập tức. Bác sĩ và y tá phòng chăm sóc đặc biệt là những chuyên gia về chăm
sóc các bệnh nhân nhỏ xíu, ngoài ra các y tá cũng được chỉ định phải theo
dõi đặc biệt bé nào, dù cho họ có thể chăm sóc 4-5 bé cùng lúc.
Đội ngũ y bác sỹ tại phòng chăm sóc đặc biệt chính là nguồn thông tin và
là người hướng dẫn tốt nhất để bạn sẵn sàng chăm sóc con. Ảnh: Inmagine.
Vai trò của cha mẹ
Các ông bố và bà mẹ trẻ của các bé sơ sinh phải nuôi trong lồng ấp thường
cảm thấy bất lực, nhưng vai trò của bố mẹ trong việc chăm sóc bé là rất quan
trọng. Sự tiếp xúc, bé và bế bé là quan trọng không thua kém sự chăm sóc y
tế mà trẻ sơ sinh nhận được. Bạn có thể không được bế con ngay sau khi
sinh do bé cần được chăm sóc y tế ngay tức khắc. Nhưng một khi bé đã an
toàn trong lồng ấp , bạn có thể đến thăm con, chạm vào bé thật nhẹ nhàng
với bàn tay đeo găng. Mỗi lần vào phòng chăm sóc đặc biệt, bạn sẽ phải rửa
tay như thể chuẩn bị phẫu thuật và mặc quần áo bảo vệ vô trùng phủ ra ngoài
quần áo thường để tránh truyền mầm bệnh cho bé. Bạn cũng có thể được yêu
cầu đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn cho bé.
Hãy tạo thói quen cho con bú tại phòng chăm sóc đặc biệt nếu bạn có thể.
Nuôi con bằng sữa mẹ luôn được khuyến khích, dù là bé đang được nuôi ấp
đặc biệt. Cho con bú (bao gồm cả cho con bú sữa mẹ) sẽ giúp hoàn thiện hệ
tiêu hoá, phổi còn non yếu của các bé đồng thời thúc đẩy sự phát triển của
não bộ. Các bé được nuôi bằng sữa mẹ có xu hướng tăng trưởng tốt hơn và
sẽ được về nhà sớm hơn. Cả khi bạn không thể cho con bú mẹ, bạn vẫn có
thể cho con bú bình và tận dụng thời gian đó để gắn kết với con. Dù vậy, hãy
chấp nhận là có những thời điểm bạn sẽ không được vào thăm con, vì đó là
thời gian các bác sĩ kiểm tra tình trạng của bé, thay tã và vệ sinh cho bé. Bạn
cũng có thể tiếp cận với các y bác sĩ ở phòng chăm sóc đặc biệt; họ không
chỉ là nguồn thông tin chính xác nhất về tình hình của con bạn mà còn có thể
giúp bạn hiểu hơn về các thuật ngữ y khoa mà bác sỹ nhi có thể chưa giải
thích cho bạn, họ còn có thể hướng dẫn cho bạn cách chăm sóc em bé sơ
sinh, nhất là các bé yếu ớt hơn bình thường. Tại đây, bạn có thể sẽ có những
kinh nghiệm rất tuyệt vời về việc thay tã, tắm, quấn bọc và cho bé bú.
Bạn có thể làm được gì nữa?
- Vắt sữa cho con. Nếu con bạn quá yếu để bú, bạn có thể vắt sữa ra với máy vắt hoặc
bằng tay để cho bé ăn qua ống thông dạ dày.
- Ôm ấp con. Khi bé đã đủ cứng cáp để có thể bế khỏi lồng ấp, hãy cho bé tiếp xúc da kề
da với ngực của mẹ hoặc bố. Những lợi ích đã được chứng minh khi ấp trẻ sinh non hoặc
bị bệnh bằng phương pháp kangaroo này gồm: giữ nhiệt cho bé, ổn định nhịp tim và điều
hoà hơi thở, tăng thời gian ngủ sâu và thức tỉnh táo, bớt khóc, tăng cân tốt hơn và bú mẹ
tốt hơn.
Phương pháp Kangaroo đem lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khoẻ
và sự phát triển của các bé sinh non và yếu ớt. Ảnh: Corbis.
- May vá và giặt giũ. May và giặt những bộ quần áo hay tã vải nhỏ xíu là
việc nhỏ nhưng lại giúp bạn cảm thấy được chăm sóc con nhiều hơn. Vì trẻ
sinh non có thể rất nhỏ và khó mà tìm được quần áo và tã đúng cỡ cho bé,
bạn có thể may những bộ đồ cỡ đặc biệt này cho con.
- Luôn ở bên con (cả khi bạn không có mặt ở đó). Hãy dán một tấm ảnh gia
đình ở ngoài lồng ấp của con, đó là cách dễ thương để bạn luôn có mặt bên
con bất kể lúc nào. Ngoài ra, hãy cho đội ngũ chăm sóc đặc biệt của con bạn
biết bạn là ai và để lại số điện thoại di động của bạn tại lồng của bé để họ có
thể gọi điện thoại cho bạn bất kỳ lúc nào.
- Kéo dài cảm giác gần gũi. Bạn có thể đem đến cho con một tấm chăn hay
một chú gấu bông từ nhà để bé có thể quen mùi hương của bạn và cảm thấy
được vỗ về trấn an.
- Chăm sóc bản thân. Hãy nhận mọi sự giúp đỡ, hãy tranh thủ nghỉ ngơi và
ra ngoài để ăn và hít thở khí trời.
Cho bé về nhà
Trong khi bạn cảm tưởng thời gian trôi rất chậm khi bé phải nuôi trong lồng
ấp, cuối cùng thì bạn cũng đã có thể đưa con về nhà. Trước đó, đội ngũ y bác
sĩ tại phòng chăm sóc đặc biệt sẽ phải chắc chắn rằng bạn đã biết cách chăm
sóc con, nhất là nếu bé vẫn cần sự chăm sóc đặc biệt. Bạn cũng cần phải học
phương pháp sơ cấp cứu trẻ sơ sinh (quan trọng cho mọi bố mẹ, nhất là
những người lần đầu có con), quản lý thuốc và sử dụng các thiết bị đặc biệt.
Sau cùng, mẹ con bạn sẽ về nhà cùng gia đình, bé sẽ lớn và chiếc lồng ấp sẽ
chỉ còn là kỷ niệm mà thôi.