15 thủ phạm làm bạn
mệt mỏi và cách khắc
phục
Có rất nhiều ngày bạn cảm thấy không muốn nhấc mình ra khỏi giường
để bắt đầu làm việc một chút nào, nhưng bạn không hiểu nguyên nhân
nào khiến mình mệt mỏi như thế. Theo các chuyên gia sức khỏe, dưới
đây là 15 nguyên nhân có thể làm cho cơ thể bạn mệt mỏi, và cách điều
chỉnh.
1. Thiếu ngủ
Một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến bạn thường xuyên cảm thấy
mệt mỏi, ảnh hưởng nhiều đến cả sức khỏe và sự tập trung là: thiếu ngủ.
Trên thực tế rất nhiều người đã vướng vào tình trạng này. Một người trưởng
thành nên ngủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm.
Khắc phục: Hãy đặt giấc ngủ của bạn lên thành ưu tiên, và duy trì một thời
gian biểu đều đặn về giờ đi ngủ. “Đuổi” hết tất cả các loại TV, điện thoại di
động, laptop khỏi phòng ngủ của bạn. Nếu vấn đề của bạn đã đến mức
nghiêm trọng và đã áp dụng các biện pháp thư giãn và tự chữa trị “dân gian”
mà vẫn không ăn thua, hãy đến gặp bác sỹ để được chữa trị.
Thiếu ngủ khiến bạn mệt mỏi (Ảnh: Corbis)
2. Ngủ ngáy
Rất nhiều người nghĩ rằng họ đã ngủ đủ rồi, nhưng thực tế, họ lại đang bị hội
chứng ngưng thở lúc ngủ làm phiền. Tình trạng này tạm thời làm gián đoạn
hơi thở của bạn khi bạn ngủ, và ở mỗi lần gián đoạn như vậy, dù không biết
nhưng bạn đều thức giấc. Và kết quả là bạn bị thiếu ngủ dù cho vẫn ở trên
giường đều đặn và đầy đủ tám tiếng mỗi ngày.
Khắc phục: Hãy giảm cân nếu bạn thừa cân. Bên cạnh đó, bạn cũng cần bỏ
hút thuốc, và dùng đến máy trợ thở CPAP để giúp giữ đường thở thông suốt
vào ban đêm.
3. Thiếu ăn, dẫn đến không đủ năng lượng
Ăn quá ít và ăn những thực phẩm không lành mạnh, không đủ chất dinh
dưỡng cũng là nguyên nhân làm bạn mệt mỏi. Có một chế độ ăn cân bằng sẽ
giúp cho lượng đường trong máu của bạn ở mức bình thường và ngăn chặn
cảm giác lờ đờ, uể oải trong khi làm việc do đường huyết bị tụt xuống.
Khắc phục: Hãy luôn nhớ ăn sáng, và bảo đảm bữa ăn của bạn có đầy đủ
protein và tinh bộ; và bạn đừng lo rằng cầu kỳ như thế làm sao mình thực
hiện được, bởi một bữa sáng với bánh mỳ nướng và trứng là đã đủ rồi. Bạn
cũng hãy chia nhỏ các bữa ăn và luôn trữ bên mình một ít thức ăn vặt lành
mạnh để duy trì năng lượng.
4. Thiếu máu
Thiếu máu là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến phụ nữ mệt mỏi.
Bệnh thiếu máu xảy ra khi cơ thể không có đủ các tế bào hồng cầu cần thiết
để đưa ô xy đến các cơ quan trong cơ thể; bệnh này có thể dễ dàng phát hiện
bằng phương pháp thử máu.
Khắc phục: Nếu bạn thiếu máu do thiếu sắt, hãy uống bổ sung viên sắt và ăn
nhiều thực phẩm chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan, sò ốc, các loại đậu và ngũ
cốc có bổ sung khoáng chất…
Đậu và ngũ cốc rất tốt cho sức khỏe bạn (Ảnh: Corbis)
5. Trầm cảm
Bạn có thể nghĩ trầm cảm chỉ đơn thuần là tâm trạng buồn nản, rối loạn về
cảm xúc, nhưng trầm cảm cũng có nhiều biểu hiện thể chất như mệt mỏi,
đau đầu, ăn không ngon miệng. Nếu bạn cảm thấy mệt và buồn nản thê thảm
đến vài tuần, hãy đi khám bác sỹ.
Khắc phục: Bệnh trầm cảm cần được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý và/
hoặc sử dụng thuốc.
6. Rối loại chức năng tuyến giáp
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng trong cơ thể bạn, nó kiểm soát
sự trao đổi chất – tốc độ cơ thể bạn chuyển hóa “nhiên liệu” thành năng
lượng. Khi tuyến giáp kém hoạt động (suy giáp) và chức năng trao đổi chất
diễn ra quá chậm, bạn có thể cảm thấy kém minh mẫn và tăng cân.
Khắc phục: Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạn bị suy giáp, bác sĩ sẽ
điều trị sẽ kê cho bạn đơn thuốc để cân bằng lại chức năng hoạt động tuyến
giáp.
7. Tiêu thụ quá nhiều chất caffein
Nhiều người trong chúng ta thường uống cà phê để chống lại cảm giác mệt
mỏi và buồn ngủ, quả thật caffein trong cà phê có thể giúp bạn tăng khả
năng tập trung và tỉnh táo. Nhưng nếu tiếp nhận quá nhiều caffein vào cơ
thể, bạn có thể sẽ bị tăng nhịp tim, huyết áp và dễ bồn chồn. Nghiên cứu
cũng cho thấy uống nhiều cà phê có thể khiến một số người bị mệt mỏi hơn.
Khắc phục: Dần dần giảm uống cà phê, trà, sô-cô-la, nước ngọt và bất kỳ đồ
uống nào khác có chứa caffeine bởi cắt giảm đột ngột có thể gây nên sụt
giảm caffein đột ngột và còn khiến bạn mệt hơn.
8. Nhiễm trùng đường tiểu
Bệnh nhiễm trùng đường tiểu (UTI) có thể khiến bạn đau đớn và thường có
cảm giác cần đi tiểu cấp kỳ. Nhưng nhiễm trùng không phải lúc nào cũng có
những biểu hiện rõ rệt mà đôi khi, mệt mỏi có thể là dấu hiệu duy nhất. Bạn
cần xét nghiệm nước tiểu để phát hiện ra bệnh một cách nhanh chóng.
Khắc phục: Bệnh nhiễm trùng đường tiểu có thể được chữa bằng thuốc
kháng sinh, và khi bệnh hết thì cảm giác mệt mỏi cũng sẽ biến mất sau đó
khoảng 1 tuần.
9. Tiểu đường
Đối với những bệnh nhân tiểu đường, lượng đường được cung cấp vào cơ
thể vẫn ở trong máu thay vì chuyển hóa thành năng lượng đưa tới các tế bào
trong cơ thể; và hậu quả là cơ thể bạn ở trong tình trạng thiếu năng lượng để
hoạt động dù vẫn ăn uống đầy đủ. Nếu bạn bị mệt mỏi dài ngày mà không
hiểu vì sao, hãy đi thử lượng đường trong máu.
Khắc phục: Việc điều trị bệnh tiểu đường đòi hỏi nhiều thay đổi trong cách
sống của bạn như ăn kiêng, tập luyện, điều trị bằng insulin và thuốc để giúp
xử lý lượng đường trong cơ thể.
10. Mất nước
Có thể bạn mệt mỏi là do bị thiếu nước. Dù bạn làm việc ngoài trời hay làm
bàn giấy thì cơ thể bạn cũng cần có nước. Nếu bạn khát thì tức là bạn đã
thiếu nước rồi đó.
Khắc phục: Uống nhiều nước trong suốt cả ngày, để nước tiểu của bạn có
màu nhạt. Bạn hãy uống ít nhất hai cốc nước một giờ hoặc hơn trước khi
tham gia vào một hoạt động vận động đã định trước; nhấp những ngụm nhỏ
trong khi tập luyện, và uống thêm hai cốc sau khi tập xong.
Hãy cung cấp đủ nước cho cơ thể để tỉnh táo hơn (Ảnh: Corbis)
11. Bệnh tim
Bạn mệt mỏi khi làm các công việc bình thường như lau nhà, làm vườn… đó
có thể là dấu hiệu cho thấy tim của bạn không đủ sức giúp bạn đáp ứng yêu
cầu của công việc đó. Nếu bạn thấy ngày càng khó hoàn thành những việc
trước đây từng dễ làm, hãy đi khám để hiểu hơn về trái tim mình.
Khắc phục: Thay đổi lối sống, các loại thuốc và một số các thủ thuật y khoa
khác có thể sẽ giúp bạn kiểm soát căn bệnh và lấy lại năng lượng cho cuộc
sống.
12. Rối loạn đồng hồ sinh học do công việc
Làm việc ban đêm hay làm việc theo ca có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh
học của bạn. Bạn cảm thấy mệt mỏi khi cần tỉnh táo, và có thể gặp nhiều khó
khăn trong việc phải ngủ vào ban ngày.
Khắc phục: Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng ban ngày khi bạn cần nghỉ ngơi;
nếu bạn cần nghỉ ngơi, hãy sắp xếp để phòng mình yên tĩnh, tối và mát mẻ.
Nếu bạn vẫn gặp khó khăn, hãy đến gặp bác sỹ để được tư vấn các phương
pháp điều trị phù hợp.
13. Dị ứng thực phẩm
Một số bác sĩ tin rằng dị ứng thực phẩm có thể khiến bạn cảm thấy buồn
ngủ. Nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi sau bữa ăn, hãy cẩn thận nhớ và suy xét
lại xem mình đã ăn những gì và cẩn trọng trong những lần sau. Dị ứng thực
phẩm có thể chưa đủ để khiến bạn ngứa ngáy, nổi mẩn hay có những triệu
chứng phổ biến khác nhưng đã đủ để bạn cảm thấy mệt mỏi.
Khắc phục: Loại trừ từng loại thức ăn trong diện “tình nghi”. Bạn cũng có
thể làm xét nghiệm dị ứng thực phẩm.
14. Mệt mỏi kinh niên
Nếu bạn bị mệt mỏi kéo dài hơn 6 tháng và trầm trọng đến mức không thể
thực hiện được các hoạt động thường ngày thì có thể bạn đã bị hội chứng
mệt mỏi kinh niên hay hội chứng đau nhức toàn thân.
Khắc phục: Hiện tại vẫn chưa có một phương án điều trị nhanh chóng nào
cho hội chứng mệt mỏi kinh niên này. Người bệnh cần kiên nhẫn thay đổi
thói quen sinh hoạt hàng ngày, tạo ra thói quen ngủ tốt hơn và tập luyện nhẹ
nhàng để cải thiện tình hình.
Hãy dành thời gian tập thể thao, vì chính bạn (Ảnh: Corbis)
15. Khắc phục nhanh chứng mệt mỏi
Nếu bạn thường bị mệt mỏi nhẹ nhưng không liên quan gì đến các bệnh lý
thì có thể là do cơ thể bạn ít vận động; và tạo ra cho mình thói quen vận
động là một giải pháp lý tưởng cho bạn trong trường hợp này. Các nghiên
cứu cho thấy cho rằng một người uể oải (không phải vì bệnh lý) có thể nhận
được không ít năng lượng tăng cường từ một chương trình vận động vừa
phải. Trong một nghiên cứu, các đối tượng tham gia đạp xe với tốc độ trung
bình trong 20 phút, 3 lần / tuần sẽ nhận được đủ năng lượng chống mệt mỏi.