Trẻ dưới 2 tuổi không
nên ăn mỳ chính
Cho mỳ chính vào bát cháo, thấy cô con gái hơn 1 tuổi ăn nhiều
hơn so với mọi khi, chị Nga rất phấn khởi. Từ đó, lúc nào bận chị
chỉ nêm chút nước mắm với thìa mỳ chính vào khẩu phần ăn của
con, vẫn thấy bé nuốt ngoan.
Trước đây, mỗi lần cho con ăn thêm cháo (ngoài những bữa sữa) đối
với chị Nga là một cực hình. Dù đã cho vào nồi cháo đủ loại thịt: gà,
bò, lợn và nhiều loại rau củ, nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy thìa chuẩn bị
đưa vào miệng là bé lại mếu máo khóc. Nếu bị ép ăn, bé sẽ áp dụng
cách chống đối là ngậm rất lâu, thậm chí nhè ra.
Một lần, tình cờ mua cháo bán ngoài chợ cho con gái ăn, chị thấy bé
ăn có vẻ ngon miệng hơn mọi khi. Nếm thử thì nhận ra có vị mỳ chính
(bột ngọt) khá đậm trong đó.
Vậy là lần chế biến sau đó, chị cũng thử cho một chút mỳ chính vào
nồi cháo nấu. Kết quả cũng như lần trước. Phấn khởi vì đã có “mẹo”
để dụ con ăn nhiều hơn, chị Nga cho khá đậm mỳ chính vào bát cháo
ở những lần sau. Thậm chí, có ngày bận bịu không đi mua đồ nấu
được, chị chỉ cần nêm tí nước mắm với thìa mỳ chính vào tô cháo của
con mà vẫn thấy bé nuốt vui vẻ. Những ngày bận rộn, quên mua đồ
nấu ăn cho con ngày càng nhiều, những bữa cháo chỉ có mỳ chính tạo
vị ngọt và nước mắm tạo vị mặn đã xuất hiện thường xuyên hơn. Với
lý lẽ cháo chỉ là bữa phụ (bổ sung thêm tinh bột) còn sữa mới là thức
ăn chính giúp cơ thể trẻ phát triển nên chị Nga rất yên tâm với cơ chế
nuôi con đang áp dụng.
“Bí quyết” tạo sự nhàn nhã này đã được chị chia sẻ với một số người
bạn gái cũng trong hoàn cảnh nuôi con mọn.
Liên quan đến việc sử dụng mỳ chính, TS Hoàng Kim Thanh, Giám
đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng
cho biết: "Mặc dù đã có khá nhiều thông tin trái ngược nhau về tác
dụng của mỳ chính đối với cơ thể con người và chưa có nghiên cứu cụ
thể về ảnh hưởng của của mỳ chính đối với trẻ nhỏ. Nhưng chắc chắn
mỳ chính là loại gia vị hoá học, tạo cảm giác ngọt đánh lừa vị giác và
hoàn toàn vô bổ. Nếu dùng với liều lượng quá cao và lâu ngày, người
sử dụng sẽ bị phụ thuộc vào loại gia vị này hay còn gọi là hôi chứng
“nghiện mỳ chính”- món ăn không có mỳ chính cảm thấy nhạt nhẽo,
cứng”.
“Vị giác của trẻ dưới 2 tuổi đang hình thành nên cha mẹ cần hết sức
thận trọng trong quá trình nêm nếm gia vị trong thực phẩm trẻ. Chính
vì vậy, các nhà khoa học đều đưa ra lời khuyên không nên sử dụng mỳ
chính cho trẻ ở độ tuổi này”, TS Thanh nói.
Cũng theo bà Thanh, vì đạt hiệu quả cao trong việc tạo vị ngọt nên mỳ
chính hiện đang bị lạm ở một số gia đình, đặc biệt là ở các nhà hàng
chế biến thức ăn. Tuy nhiên, một số người thường có cảm giác nhức
đầu, buồn nôn khi sử dụng đồ ăn có chứa mỳ chính. Đây là hiện tượng
dí ứng với chất hoá học có trong mỳ chính. Khi gặp hiện tượng này thì
nên ngừng sử dụng ngay.
Các nhà nghiên cứu dinh dưỡng cho biết: "Thời kỳ phát triển ban đầu
rất quan trọng đối với trẻ, nếu không được ăn đủ chất dinh dưỡng và
bổ sung vitamin trẻ thường dễ bị suy dinh dưỡng hoặc mắc một số
chứng bệnh, ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Trẻ chỉ uống sữa không đủ,
nên tập cho cháu ăn các thực phẩm bổ sung khác từ nguồn tự nhiên,
để đảm đủ chất dinh dưỡng, nhất là các vitamin, chất khoáng và chất
xơ có nhiều trong rau quả và khoảng chất từ nhiên.
Ở trường hợp của con gái chị Nga, rõ ràng là bé không phải là trường
hợp biếng ăn, bởi khi gặp món cháo hợp khẩu vị, bé ăn rất ngoan.
Nguyên nhân khiến bé từ chối những món cháo được nấu kỳ công và
giàu chất bổ có thể xuất phát từ cách chế biến.
Bên cạnh đó, trẻ nhỏ thường thích được chuyện trò hoặc có người
hướng dẫn chơi đùa cùng trong khi ăn. Người mẹ cần đóng vai trò
người bạn chơi của trẻ, tạo cảm giác hứng thú hơn là dùng mỳ chính
để đánh lừa vị giác, tạo cảm giác dễ nuốt ở trẻ.