Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Chùa Thầy: Một kiến trúc độc đáo của xứ Đoài, Hà Nội (Hà Tây cũ) potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (289.25 KB, 5 trang )

Chùa Thầy: Một kiến trúc độc đáo
của xứ Đoài, Hà Nội (Hà Tây cũ)
Nằm gọn dưới chân một dải núi đá vôi hình vòng cung nổi lên giữa vùng đồng bằng xã
Sài Sơn, chùa Thầy (Thiên Phúc tự) thuộc địa phận hai thôn Đa Phúc và Thụy Khuê,
huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ, là một vùng non nước hữu tình, cảnh trí như chốn bồng
lai.



Theo lời kể của các cụ già ở địa phương, trước khi Từ Đạo Hạnh đến đây lập chùa thì
ở dưới chân núi có một hồ nước. Phía trước hồ có một doi đất lớn chạy từ khoảng giữa
của dải núi nhô ra như một con rồng đang trườn mình uống nước hồ. Những người hưng
công xây dựng chùa đã đắp cho doi đất rộng thêm ra, đủ để xây dựng một ngôi chùa bề
thế. Người ta cũng ví dãy núi Sài Sơn như một con rồng đang trầm mình, đầu gác lên
thành ngọn Long Đẩu. Hoặc ví Sài Sơn chính là con rồng và ngọn Long Đẩu là viên ngọc
trong miệng rồng.

Không chỉ có lợi thế về tự nhiên mà chùa Thầy còn là nơi quần cư, bốn bề làng xóm
bao bọc khiến chốn Thiền không này trở nên phồn thịnh, đèn hương chăm chút quanh
năm. Với vị trí đắc địa: nằm ven bờ sông Đáy-một trục giao thông chính ngày xưa, chùa
Thầy như một "mắt xích" của chuỗi di tích gồm chùa Long Đẩu, chùa Hoa Phát, chùa
Kim Hoàng, chùa Bối Am lập thành một quần thể kiến trúc thống nhất.Chùa Thầy có
kiến trúc tiền Phật - hậu Thánh - một kiểu thức khá đặc biệt trong Phật giáo Việt Nam
cũng như cả vùng Đông Nam Châu Á nói chung.



Tính đến nay ở vùng đồng bằng sông Hồng có khoảng 15 ngôi chùa tiền Phật - hậu
Thánh nhưng chỉ có 5 chùa có kết cấu mặt bằng đích thực kiểu tiền Phật- hậu Thánh, tức
có kiến trúc riêng để thờ Thánh. Cùng với những ngôi chùa khác như chùa Keo (Thái
Bình và Nam Định), chùa Bối Khê, chùa Tổng (Hà Tây cũ), chùa Thầy là một ví dụ điển


hình cho lối kiến trúc này, tuy nhiên ít nhiều nó lại có những nét độc đáo riêng biệt.



Chùa hiện còn lưu giữ 7 tấm bia đá đều có niên đại vào khoảng thế kỷ 17, trong đó có
một tấm bia "Hưng tạo sự công" dựng năm Dương Đức thứ 7 (1673) nói về việc xây
dựng nơi thờ Thánh và tên người cúng ruộng công đức. Từ niên đại được ghi trên bia đá,
và những vết tích trên kiến trúc, ta có thể hình dung rằng chùa Thầy vốn được xây dựng
trên nền tảng cũ đời Trần, chỉ đến khi có đợt trùng tu lớn vào thế kỷ 17, chùa mới có
dạng "nội công ngoại quốc" như ngày nay. Cũng từ đợt trùng tu này, hai cụm kiến trúc
thờ Phật và thờ Thánh đã được tách thành hai công trình riêng biệt, đánh dấu sự ra đời
chính thức của kiểu thức chùa tiền Phật - hậu Thánh.

Ngày nay, chùa Thầy mặc dầu chùa Phật và điện Thánh đã được tách riêng, nhưng
chúng vẫn được nối với nhau theo kết cấu hình chữ công. Nhưng hầu như không giống
với bất kỳ ngôi chùa "nội công ngoại quốc" khác, cái tài tình của các nhà kiến trúc dân
gian là khi dựng chùa đã làm ẩn mái tòa Thiêu hương nếu ta quan sát từ sân chùa. Do vậy
chúng khiến ta dễ lầm tưởng rằng chùa được bố cục kiểu chữ Tam. Không chỉ ngoại thất,
những kết cấu chi tiết bên trong chùa cũng hết sức đáng lưu tâm. Bộ khung kiến trúc của
chùa được tạo nên bởi kiểu kết cấu hai loại vì kèo, kẻ chuyền và giá chiêng. Đây là một
hình thức tương đối hiếm thấy so với những ngôi chùa cùng loại ở vùng đồng bằng Bắc
Bộ.

Ngoài ra bối cảnh xã hội thế kỷ XVII khi kinh tế phát triển, quyền tự chủ của các làng,
xã trở nên mạnh mẽ hơn. Đây cũng là thời điểm, văn hóa Việt Nam có những sự khẳng
định quyền tự chủ dân tộc trước ngoại bang. Do vậy, người ta đã đặc biệt quan tâm tới
các vị Thánh, không có xuất xứ từ Đạo giáo Trung Hoa, mà là những người có công với
nước, với dân. Do vậy khi được đưa vào thờ trong các ngôi chùa, các vị thánh này không
chỉ được thờ theo kiểu thờ Hậu Phật rất phổ biến trong thế kỷ XVII, mà được thờ như
những vị tổ nghề của cả một vùng đất.


Như truyền thuyết về Dương Không Lộ, khiến cho dân gian coi ông là tổ của nghề đúc
đồng, làm nón, đánh cá, trị thuỷ. Còn Đức Thánh Từ Đạo Hạnh thì không chỉ là một vị
Thiền sư mà còn được xem là ông tổ của nghề múa rối nước. Thế nên, đôi khi việc thờ
Thánh ở đây lại được đặt ở một vị thế cao hơn thờ Phật. Ở chùa Thầy từ việc bài trí nội
thất, cho đến kiến trúc ở điện Thánh đều có phần trọng thị hơn điện Phật. Từ những chiếc
nhang án, cho đến những khám thờ đều được làm rất công phu và có niên đại cổ nhất.


Không chỉ vậy, chùa Thầy còn có tới ba pho tượng Từ Đạo Hạnh. Một được đặt tại nhà
Tổ, một ở ban thờ chính và một đặt trong khám Từ Đạo Hạnh tại Điện Thánh. Trong đó,
pho tượng Từ Đạo Hạnh ở kiếp tu tiên được làm theo hình thức tượng rối đặt trong khám
thờ tại điện Thánh là đáng chú ý hơn cả. Tương truyền, tượng này có những đốt khớp và
một dây xích, khi mở khám ra tượng có thể đứng dậy chào Khám này cũng chỉ được
mở mỗi năm một lần vào dịp lễ hội. Và pho tượng này được tạo tác một cách đặc biệt
như vậy không nằm ngoài mục đích nhằm đề cao vai trò của đức thánh Từ - vị thánh
được nhân dân trong vùng tôn xưng như ông tổ của nghề múa rối nước.

Điều đó cũng lý giải vì sao ngay phía trước chùa có một nhà Thuỷ Đình dùng để làm
buồng trò cho các phường múa rối đến biểu diễn trong mỗi dịp lễ hội. Ngoài ra, ngày
thường chùa thường chỉ mở cửa phụ để du khách thập phương tới dâng hương thẳng vào
điện Thánh mà không phải qua tiền đường thờ Phật. Tại đây Điện Thánh được gọi là chùa
Thượng còn Điện Phật là chùa Trung, cách gọi này cũng có thể xem như một bằng chứng
xác thực cho việc trọng Thánh hơn Phật ở chùa Thầy.


Từ cảnh quan non nước hữu tình, cho đến những truyền thuyết sống động về đức
Thánh Từ Đạo Hạnh, một trong Tứ bất tử của Việt Nam, đã làm cho vùng đất Sài Sơn trở
nên linh thiêng. Và chùa Thầy, một công trình kiến trúc đẹp đẽ hiếm có trở thành một
trung tâm Phật giáo của đồng bằng Bắc bộ, một chốn thiền không để người ta có thể tìm

về.

×