Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Mái cong của kiến trúc Việt ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (151.56 KB, 5 trang )

Mái cong của kiến trúc Việt
Mái Việt Nam dốc nghiêng từ đường bờ nóc, tiếp giáp của hai mặt phẳng nghiêng
của mái và tì lên diềm mái. Còn mái Trung Quốc, mặt phẳng nghiêng hơi võng ở giữa.
Nói cách khác mái Việt Nam là mặt phẳng nghiêng còn mái Trung Quốc là mặt cong nằm
nghiêng.

Có lẽ sự khác biệt đó là từ ý đồ thực dụng. Mặt phẳng nghiêng dễ thoát nước và dễ
thi công.
Mái nhà bằng gỗ lợp ngói, dốc nghiêng nghiêng, bốn mái tiếp giáp nhau, cái diềm
mái cong lên ở phần cuối theo kiểu “đầu đao lá mái”.
Đầu đao là cái đòn tay (hoành) hình chữ nhật, đặt nghiêng trên vì kèo ở sát diềm mái
và hớt cong lên ở các góc mái, trên có gắn thêm mảnh ván hình chữ nhật, để đỡ hàng
ngói cuối cùng. Từ ngoài nhìn vào, hình dáng hớt cong lên giống như lưỡi “đao”, một thứ
vũ khí lợi hại thuở xưa. Và lá mái, mặt mái cong cong, uyển chuyển, nhẹ như tàu lá, nhờ
đặc điểm cấu tạo kiến trúc này, mái ngói vẩy cá, ngói mũi hài, ngói ống âm dương… dày
và nặng trên hệ thống cột bề thế, chắc nịch, cong vút lên ở các góc. Hình khối vững chắc
trải ra theo chiều dài, chiều rộng, nhờ nét cong cong tài tình này, mất hẳn dáng lụp xụp
nặng nề, hoà nhịp với thiên nhiên. Nói lên khát vọng con người như muốn cất cánh bay
lên khám phá huyền bí trong mệnh mông vũ trụ. Cố kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện gọi
là “nở hoa đao”.


Công trình trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng, hài hoà trong khối cây xanh đậm. Ngày nay
trên đường phố Bắc Kinh (Trung Quốc) không ít những công trình cao tầng, thật lớn, vẫn
có nhịp điệu mái cong rất dễ chịu.
Nhiều người tưởng dáng mái cong sao chép từ Trung Quốc. Đương nhiên do giao
lưu văn hoá, chịu ảnh hưởng lẫn nhau, nhất là với Trung Quốc, nước láng giềng lớn, văn
hoá sớm phát triển. Nhưng văn hoá Đại Việt đâu có phải vì thế mà xoá nhoà đặc điểm
dân tộc. Hãy thử đi sâu hơn một chút.
Mái cong xuất hiện từ lâu lắm rồi. Có tài liệu nói ở Nhật Bản, Trung Quốc thế kỷ thứ
VII đã thấy hớt nhẹ ở góc mái. Ở ta chưa có nghiên cứu đầy đủ với những luận cứ chính


xác và khoa học, nhưng nhiều lý lẽ để có thể tạm coi sớm hơn nhiều. Cư dân Việt cổ với
nền văn minh Văn Lang, vốn đã thạo nghề sông thuyền có thể là minh chứng. Dựa vào
đó, đoán xét hình dáng cong cong con thuyền lại in dấu trong ngôi nhà thân thuộc. Nhiều
di chỉ khảo cổ thấy những viên cuội một mặt hình người, mặt kia hình ảnh lều nhỏ với hai
cột chống mái hơi cong. Phải chăng từ thời Văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn cách đây hàng
vạn năm, nhà sàn mái cong, dáng dấp con thuyền đã là sản phẩm in dấu Việt cổ?
Qua ngàn vạn năm mái cong đã được thử thách, phối hợp với kiến trúc cổ và đất
nung, cứ thế đi vào tâm hồn tình cảm của người Việt Nam.
Khai thác dáng cong của mái nhà VIệt Nam trong kiến trúc hiện đại, có thể giữ
nguyên hình dáng, có thể cách điệu, vừa tăng hiệu quả thẩm mỹ, vừa uyển chuyển cốt
cách dân tộc, lại giữ vững gạch nối truyền thống: Văn minh Đại Việt – Văn minh Hồ Chí
Minh.
Gần đây với ý thức quay về cội nguồn, nhiều tác giả đã đưa cái mái ngói cong, hoặc
không cong vào cả những công trình cao mấy chục tầng, có người mái không cong,
nhưng cuối bờ nóc, bờ chảy gắn thêm một gờ nhỏ, là một cách điệu cũng dễ nhìn. Tuy
nhiên có nhiều trường hợp không mấy thành công. Có công trình chỉ một lối vào ngày sát
phố đông, làm mái đón sảnh lấn cả ra hè, chỉ riêng quầy đón tiếp ở trong nhà làm các mái
treo lợp ngói ống. Nhưng thô bạo nhất là trụ sở Nhà hát Ca Múa Nhạc Hà Nội, phố
Lương Văn Can. Cả mặt phẳng kính rộng lớn ngay sát hè, được đắp nổi “gác Khuê Văn”
to gần bằng thật, làm mái sảnh cứ như muốn đổ sập xuống đầu khách qua đường. Chao ôi
là khập khiễng!
Cũng không kém phần thô bạo là đầu đao ở mái ngói nhà chính Trung tâm Triển lãm
Văn hoá Nghệ thuật Vân Hồ (Hà Nội). Nó ở tầng 2, to đùng, vươn hẳn ra ngoài không
gian, chọc thẳng vào ngôi nhà 7 tầng chính giữa Bộ Xây dựng. Không chỉ phạm thuật
phong thủy, mà thẩm mỹ kiến trúc cũng không thể chấp nhận, nó chướng cảnh, nghịch
mắt quá, lại ở nơi trung tâm văn hoá!
Có kiến trúc sư khai thác mạnh mẽ dáng mái cong: Nhà hát Chèo, khách sạn Rồng
Vàng trên đường Nghi Tàm (Hà Nội), những chưa phải đã đi vào lòng người, vì nó cổ
kính quá. Cho nên khai thác vốn văn hoá dân tộc vào thẩm mỹ hiện đại đâu phải chuyện
dễ dàng.

Trên đây là bài viết “khảo cứu” về mái cong. Những dòng tiếp theo xin mạn phép
đưa ra đôi điều nông cạn của tác giả về mái cong của thời đại chúng ta.
Ngôi nhà xưa, dù cung điện tôn giáo hay dân gian, do hạn chế kỹ thuật xây dựng, vật
liệu thô sơ, nên đều tổ hợp từ đơn vị “gian”. Nhà ba gian, năm gian, bảy gian… và trên
hết là “thước tầm” kì diệu (có nơi gọi là rui mực). Thanh tre già, cứng, đẹp, trên có khắc
từng đoạn ngắn, người thợ cả bàn bạc với chủ nhà về quy mô ngôi nhà, độ lớn các thành
phần, xuất phát từ chiếc “thước tầm” ấy. Sau được gác lên giữa hai vì kèo sát mái nhà,
như lưu giữ “bản thiết kế”.
Sau này sửa chữa, tôn tạo, chỉ căn cứ vào chiếc thước ấy mà có những kích thước
cần thiết trong ngôi nhà. Nhưng mái cong thì không thấy, hay người viết bài này chưa tìm
thấy được, những quy ước về độ cong, cho nên chỉ dám đưa ra những nhận xét sơ bộ,
chưa đủ cơ sở để khẳng định.
Thời đại hiện nay hầu như mái cong là chỉ dành cho công trình tưởng niệm, công
trình Phật giáo, tín ngưỡng được trùng tu. Có những mái nhà rất nhỏ, mỗi cạnh chỉ dăm
mét, nhưng bốn góc mái thì cong vút, đến nỗi những đường cong ấy gặp nhau là vừa hết
mái, rèm mái không có đoạn thẳng nào. Có những góc mái cong vút lên quá mức, có vẻ
không thuận mắt.
Đền Bến Dược (Củ Chi) thờ các liệt sĩ hy sinh vì tổ quốc là một quần thể lớn, nhiều
mái cong, với độ cong lớn, cũng gây một khó hiểu về cảm thụ thẩm mĩ. Đền Âu Cơ (quần
thể đền thờ Hùng Vương) mới được xây cách đây dăm năm, nhà lớn, độ cong thích hợp,
cân đối. Đền Lạc Long Quân mới khánh thành năm 2009 là một “sáng tạo táo bạo”: Các
thành phần, hoạ tiết ở công trình, kể cả đỉnh trụ biểu đều lấy từ các chi tiết trang trí trên
trống đồng (người đội mũ lông chim, giã gạo…) thay thế cho các hình rồng phượng
truyền thống.
Thiết nghĩ đền Lạc Long Quân khai thác các hoạ tiết này là hợp lí, nhưng nên có
mức độ tuỳ vị trí thích hợp, dễ sa vào lạm dụng. Xin đừng vội sao chép vào các công
trình tưởng niệm ở các nơi khác vì cần có thời gian khảo nghiệm.
Ta có thói quen thấy cái gì mới, lạ, hấp dẫn, dễ thành phong trào. Cung đình Huế,
hầu như ở những công trình còn lại đến ngày nay đều không thấy mái cong. Các mái
phẳng nghiêng, lợp ngói ống, ngói mũi hài rất đẹp, góc mái không vút lên mà chỉ các bờ

nóc, bờ chảy có đắp đổi các hoạ tiết truyền thống đã được chọn lọc. Khuê Văn Các được
cấy thêm vào Văn Miếu, không cong ở góc mái. Nhìn chung, cảm giác truyền thống mà
không nệ cổ lại có dáng hiện đại hơn ở đường nét kỷ hà học, dễ đi vào lòng người đương
đại.
Những năm đầu thập kỉ thứ VI, thế kỉ XX, trái đất chưa “phẳng” như bây giờ, các
kiến trúc sư thế hệ đầu tiên nghiên cứu phương án thiết kế nhà Quốc hội (ở vị trí nhà thi
đấu Quần Ngựa - quận Ba Đình hiện nay), soi bóng xuống mặt nước hồ Tây, hầu như tất
cả đều có mái ngói, rất ít mái cong hoặc chỉ cong nhẹ ở góc mái. Rất tiếc chủ trương xây
nhà Quốc hội phải hoãn lại do chiến tranh.
Hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc cần được đặt ra nghiêm túc dù công trình lớn hay
nhỏ, có thể gọi là tác phẩm. Cần hiểu rằng truyền thống không phải là vĩnh viễn, có
những thay đổi, bổ sung lớn, nhỏ tuỳ tư duy, tuỳ sự việc cụ thể. Nhiều thế kỉ mái cong
vút, đến thế kỉ XIX, XX triều đại nhà Nguyễn, độ cong giảm dần tiến tới phẳng. Bây giờ
nhiều công trình lại quay lại độ cong của những thế kỉ trước, đó là hiện tượng cần được
các nhà kiến trúc suy ngẫm, đừng hình thành công thức, công trình tưởng niệm là có mái
cong.

×