Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tiếp cận sản xuất sạch hơn & một số kinh nghiệm thực hiện sản xuất sạch hơn của Ấn Độ pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (103.51 KB, 5 trang )

Tiếp cận sản xuất sạch hơn & một số kinh nghiệm thực hiện sản xuất sạch hơn của Ấn Độ


Vào ngày 3/12/1907, trong bài diễn văn đọc
trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Roosevelt đã nhắn
gởi một thông điệp đến các công dân Mỹ: “Lãng phí
và phá hoại các nguồn tài nguyên của chúng ta thay
vì tăng sự hữu ích của chúng sẽ phá hủy thịnh
vượng mà chúng ta có trách nhiệm truyền đạt cho
con cháu, mở rộng và phát triển…”. Có thể sẽ không
ai nhớ đến thông điệp này và ý nghĩa của nó nếu
như 77 năm sau, vào ngày 3/12/1984 xảy ra một sự
cố môi trường nghiêm trọng: một đám mây khí methyl isocyanate chết người ròi
rỉ từ nhà máy Bhopal (Ấn Độ) của Công ty Union Carbide (Mỹ) làm hơn 3.000
người chết và hơn 25.000 người bị thương. Hiện nay, trên khắp thế giới và cả
Việt Nam, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là mối quan tâm hàng đầu của chính
quyền và các tổ chức quốc tế do những tác động xấu của chúng làm suy giảm
nặng nề đến chất lượng môi trường tự nhiên và chất lượng cuộc sống con
người. Trong các hoạt động của con người thì hoạt động công nghiệp và các
sản phẩm thải ra từ các nhà máy là hoạt động và là những tác nhân gây ô nhiễm
nhiều nhất đến môi trường. Chất thải từ hoạt động công nghiệp có thể là khí thải,
nước thải, rác thải, chất thải độc hại, các sản phẩm bị lỗi, thất thoát trong quá
trình sản suất, sử dụng năng lượng và nước vượt định mức, sử dụng nguyên
liệu thô không hiệu quả. Nguyên nhân làm phát sinh chất thải liên quan đến khía
cạnh nội vi của nhà máy (tay nghề công nhân, qui trình và năng lực quản lý…);
do công tác lựa chọn và chất lượng của nguyên liệu đầu vào chưa đảm bảo;
công tác kiểm soát quy trình chưa chặt chẽ; thiết bị sử dụng và công nghệ áp
dụng cho sản xuất có khiếm khuyết; đặc tính sản phẩm; nguyên liệu, sản phẩm
trung gian, thành phẩm bị lãng phí; thất thoát năng lượng; hoặc sai sót trong
quản lý.



Bảo vệ môi trường khỏi sự ô nhiễm liên quan đến việc tiêu thụ, sản xuất
và phân phối hàng hóa bắt đầu bằng cách tiếp cận ra lệnh và kiểm soát
(command-and-control approach). Tại các nước đã phát triển, các tiêu chuẩn
phát thải ô nhiễm được xây dựng và cưỡng chế áp dụng. Một số hóa chất bị
cấm sử dụng trong các sản phẩm và trong quy trình sản xuất. Các yêu cầu về
báo cáo môi trường trên phạm vi rộng được đặt ra đối với nhà máy. Các quy
định tại địa phương được thông qua cấm thải một số loại chất thải vào bãi rác.
Các cộng đồng được yêu cầu xây dựng hệ thống xử lý nước thải và bãi chôn lấp
rác an toàn. Để đối phó với thời hạn pháp lý, các nhà máy phải mua các thiết bị
kiểm soát ô nhiễm để lắp vào cuối đường ống và ống khói để giảm thể tích chất
thải và tính độc hại. Họ phải thuê các nhà thầu có giấy phép thải bỏ chất thải độc
hại và trả lệ phí ngày càng cao hơn đối với các chất thải còn lại. Các cơ chế
pháp lý có phạm vi bao quát lớn được thiết lập để phát triển và cưỡng chế hệ
thống ra lệnh-và-kiểm soát này. Hệ thống đã hoạt động - và vẫn còn hoạt động
mở rộng hơn nữa - do các nước phát triển có chính quyền địa phương và quốc
gia vững mạnh, công nghệ tương đối tiên tiến, và một cộng đồng mà cả hai phía
đều trông đợi về chất lượng môi trường và đủ giàu có để trả cho các chi phí môi
trường.

Nhưng những điều kiện này không áp dụng được cho nhiều khu vực trên
thế giới, bao gồm nhiều quốc gia châu Á. Kiểm soát ô nhiễm, sử dụng công nghệ
xử lý cuối đường ống để giảm thể tích và tính độc hại của ô nhiễm thì đa phần
không thể áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ tại các nước đang phát triển.
Trong những năm 80, nhiều quốc gia đang phát triển đã đi theo các tiêu chuẩn
bảo vệ môi trường được ban hành dựa trên giới hạn phát thải và hạn chế đối với
việc sử dụng hóa chất. Tuy nhiên, thiếu ý chí chính trị, nguồn tài chính và năng
lực pháp lý để cưỡng chế áp dụng tiêu chuẩn, và sự tin tưởng sai lầm rằng bảo
vệ môi trường là một chướng ngại đối với phát triển kinh tế, có nghĩa là cách tiếp
cận ra lệnh-và-kiểm soát đã không thành công đáng kể trong việc giảm thiểu ô

nhiễm tại phần lớn các nước đang phát triển.

Chương trình Nghị sự thế kỷ 21 đã nhận thức rằng cần một cách tiếp cận
mới để ngăn ngừa ô nhiễm công nghiệp: “Một sự thừa nhận đang tăng lên rằng
các hoạt động sản xuất, công nghệ và quản lý sử dụng tài nguyên một cách
không hiệu quả hình thành nên các chất thải không được tái sử dụng, thải chất
thải có những tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường và sản xuất
ra các sản phẩm mà khi sử dụng lại gây ra thêm các tác động và khó tái chế.
Các hoạt động này cần được thay thế bằng công nghệ, kỹ thuật tốt, các thực
hành quản lý và bí quyết giúp giảm thiểu chất thải thông trong suốt toàn bộ quy
trình sản phẩm. Khái niệm Sản xuất sạch hơn-SXSH (cleaner production) gợi ý
phấn đấu cho hiệu quả tối ưu ở từng giai đoạn của chu trình sản phẩm. Kết quả
nhận được sẽ cải thiện sự cạnh tranh toàn diện của doanh nghiệp…Chính
quyền, nhà kinh doanh và nhà máy, bao gồm sự hợp tác ngoài phạm vi quốc gia,
nên đặt mục tiêu tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên, bao gồm tăng cường
hoạt động tái sử dụng và tái chế chất thải, và giảm số lượng chất thải thải ra trên
đơn vị đầu ra kinh tế (unit of economic output)”.[1]

Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (United Nations Environment
Programme) định nghĩa SXSH như là một sự áp dụng liên tục một chiến lược
môi trường ngăn ngừa tổng hợp vào các quy trình, sản phẩm và các dịch
vụ để tăng hiệu quả tổng thể và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi
trường.

Khái niệm SXSH được hình thành đầu tiên trên toàn thế giới vào khoảng
năm 1990 bởi Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP-United Nations
Environmental Programme). SXSH còn có những tên gọi khác như: ‘ngăn ngừa
ô nhiễm” (pollution prevention); “giảm thiểu chất thải” (waste reduction); “công
nghệ sạch hơn” (cleaner technology); “giảm thiểu chất thải” (waste minimization);
‘giảm chất thải tại nguồn” (waste reduction at source),…Thực tế, tất cả đều mang

ý nghĩa như nhau. Mục tiêu cao nhất vẫn là nhằm giảm việc phát sinh ra chất
thải, khí thải. Các cơ quan khác nhau chuộng dùng những thuật ngữ khác nhau.
Ví dụ: Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc-UNEP (United Nations
Environment Programme) dùng thuật ngữ SXSH; Cơ quan Bảo vệ Môi trường
Mỹ-EPA (Environment Protection Agency) dùng từ ngăn ngừa ô nhiễm; còn Tổ
chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc-UNIDO (United Nations Industrial
Development Organization) thích dùng từ Giảm thiểu ô nhiễm. Cũng vào thời
điểm này, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Ngăn ngừa Ô nhiễm (Pollution
Prevention Act), đạo luật này được thiết lập để xác định ngăn ngừa ô nhiễm là
ưu tiên hàng đầu đối với công tác quản lý ô nhiễm tại Mỹ.

Nói một cách đơn giản, SXSH có thể hiểu như là một cách tiếp cận mới
để giảm hoặc hạn chế xả hoặc phát thải vào môi trường, bao gồm tất các các
chất ô nhiễm, độc hại hoặc không độc hại, có quy định và không có quy định, liên
thông tất cả môi trường và từ tất cả môi trường, và từ tất cả các nguồn. SXSH
có thể đạt được bằng cách giảm sản sinh chất thải tại nguồn (giảm tại nguồn)
hoặc tái sử dụng chất thải.

Trên thực tế, việc triển khai và áp dụng SXSH không dễ dàng do những
thông tin không chính xác khi nói về SXSH. Các doanh nghiệp thường viện dẫn
lý do đây là công việc có tiềm năng hạn chế, hoặc cần công nghệ phức tạp và
tính chuyên nghiệp; cần nhân lực được đào tạo và có kỹ năng; cần nguồn tài
chính lớn; phải dừng hoạt động sản xuất dài ngày hoặc cần mặt bằng. Đôi khi đó
lại là sự e ngại về việc có thể gia tăng chi phí sản xuất; cần tự động hóa toàn bộ
dây chuyền sản xuất hoặc chỉ những công ty, tập đoàn lớn như Bayer, Dupont,
mới cần áp dụng.

Nhờ sự hỗ trợ về tài chính của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy
Điển –SIDA (Swedish International Development Agency) và hỗ trợ về kỹ thuật
của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc-UNIDO (United Nations

Industrial Development Organization), TP.HCM đã tiếp cận với SXSH từ năm
1996 thông qua việc triển khai dự án “Giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp tại
TP.HCM” qua 3 giai đoạn và kết thúc vào cuối năm 2004. Tháng 7/2004, một
chuyến học tập kinh nghiệm về áp dụng SXSH tại Ấn Độ đã được thực hiện
trong khuôn khổ của dự án. Đoàn công tác đã được tiếp xúc và tận mắt chứng
kiến những kết quả ấn tượng do áp dụng SXSH đem lại cho các doanh nghiệp
Ấn Độ tại nhiều địa phương. Dưới đây chỉ xin giới thiệu 2 kết quả điển hình:

(1) Công ty liên doanh HERO HONDA Motors (Ấn Độ: 55%, Nhật:45%)-
đặt tại Dhruhera- sản xuất xe gắn máy hiệu HERO HONDA với doanh số hằng
năm trên 1 tỷ đô la Mỹ, có 4.000 công nhân. Công ty có chiến lược phát triển bền
vững với các chính sách môi trường, chính sách an toàn và chính sách năng
lượng. Công ty tiếp cận với SXSH từ năm 1999, đến năm 2004 đã áp dụng
thành công SXSH trên toàn bộ các dây chuyền sản xuất của công ty. Các giải
pháp SXSH áp dụng tại đây rất đa dạng: thay đổi quy trình sản xuất, giảm lượng
hóa chất sử dụng; điều chỉnh thiết bị sản xuất; thay thế hệ thống thông gió
cưỡng bức bằng hệ thống thông gió tự nhiên trên mái đồng thời tiết kiệm năng
lượng thắp sáng bằng hệ thống cảm ứng nhận biết khi có công nhân vận hành
mới bật lên và tự thắp sáng theo chế độ định giờ và thay đổi độ chiếu sáng (lux)
theo thời tiết); thu hồi dầu thải; thu hồi nước mưa tái sử dụng để tưới cây, rửa
sân; thay thế bao bì sử dụng một lần rồi bỏ bằng loại bao bì sử dụng nhiều lần
(thay thế các thùng cạc-tông đựng phụ tùng xe dùng một lần rồi bỏ bằng các
khay chứa bằng nhựa dùng nhiều lần). SXSH giúp công ty giảm tiêu thụ nguyên
liệu sản xuất (điện, nước, hóa chất, dầu nhớt,…) làm giảm giá thành sản xuất và
chi phí xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất và tăng năng suất lao
động.

Do đây là công ty liên doanh có quy định rất nghiêm ngặt và chặt chẽ nên
đoàn công tác chỉ được nghe trình bày tóm tắt các kết quả thực hiện mà không
được cung cấp các số liệu cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất của công ty.

Khi đi tham quan nhà máy, đoàn cũng không được phép chụp hình tại các công
đoạn sản xuất có áp dụng SXSH.

(2) Công ty Tehri Pulp and Paper Limited (bang
Musaffarnagar): nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp với công suất
500 tấn/ngày (1992: 20 tấn/ngày). Năm 1993, nhà máy tham gia làm trình
diễn về SXSH do UNIDO mời với sự hướng dẫn kỹ thuật của các chuyên
gia của Trung tâm Năng suất Quốc gia Ấn Độ (National Productivity
Council India-NPC) và tham gia khóa tập huấn về SXSH tại New Dehli do
NPC thực hiện. Năm 1995, nhà máy thực hiện SXSH với tên gọi mới “Tổ
hợp SXSH” (Cleaner Production Circles: tạm dịch là “Tổ hợp SXSH”):
Tehri cùng với 2 nhà máy sản xuất giấy và bột giấy khác thành lập nên một
tổ hợp SXSH, cùng trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và kinh doanh, quản
lý và sử dụng nguồn tài nguyên và giảm thiểu chất thải phát sinh trong quá
trình sản xuất. Kết quả: giảm 50% lượng nước tiêu thụ; hiệu suất tiêu thụ
nguyên liệu thô tăng 18%; năng lượng tiêu thụ (điện, dầu) giảm 26%; tiêu
thụ hợi giảm 10%; tải lượng ô nhiễm giảm 40%. Thông qua tiếp cận và áp
dụng SXSH, Tehri được phổ biến công nghệ mới và đã áp dụng công nghệ
đồng phát nhiệt điện (cogeneration), sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như
bã mía, rơm rạ, trấu làm chất đốt thay vì dùng dầu FO hoặc DO để sản xuất
ra nhiệt, hơi và phát điện tự cung cấp cho hoạt động sản xuất của mình
(không mua điện từ lưới điện quốc gia) giúp giảm giá thành sản xuất. Hiện
nhà máy đầu tư thêm các thiết bị sản xuất với trị giá 500.000 USD từ tiền
tiết kiệm được do áp dụng SXSH.

SXSH thực sự đem lại hiệu quả rất lớn cho các doanh nghiệp Ấn Độ, xét
về cả khía cạnh kinh tế, quản lý và môi trường. Doanh nghiệp áp dụng SXSH
giúp cho nhà nước giảm gánh nặng về quản lý môi trường, cải thiện môi trường
lao động, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường gây ra cho hoạt động sản xuất. Áp
dụng SXSH cũng tạo nên một động lực thúc đẩy để các nhà sản xuất và cung

cấp thiết bị, hóa chất, nguyên vật liệu sản xuất nghiên cứu cải tiến sản phẩm của
mình để cung cấp các sản phẩm tốt hơn và hiệu quả hơn cho các khách hàng
của mình. Một nhận xét của các thành viên trong đoàn công tác là hoạt động
SXSH tại Ấn Độ không có sự tài trợ nào của nhà nước mà chỉ thông qua quảng
bá của Trung tâm Sản Xuất Sạch Quốc gia Ấn Độ và các dự án trình diển do
UNIDO tài trợ. Hiệu ứng lan rộng nhanh chóng và sâu rộng của hoạt động này
nhờ vào tinh thần cầu tiến và hợp tác rất tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp
Ấn Độ.

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia về SXSH của UNIDO và khảo
sát thực tế tại Tp. Hồ Chí Minh, hơn 50% chất thải có thể tránh được bằng
các biện pháp quản lý đơn giản và các thay đổi nhỏ trong quy trình sản xuất,
và hơn 65% rào cản để áp dụng SXSH lại liên quan đến động cơ và thái độ
hợp tác của lãnh đạo, nhân viên trong nhà máy! Hy vọng một ngày không
xa, SXSH cũng sẽ đem đến những lợi ích thiết thực và hiệu quả cho các
doanh nghiệp của TP. HCM.



[1] Báo cáo của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Phát triển. Phần 30.1-
30.30, Strengthening the role of business and industry. United Nations, 1992.


Thạc sĩ Đỗ Hoàng Oanh
Phó trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp
Sở Tài nguyên và Môi trường


×