Bí mật của những vũ khí
tự chế khiến quân
Nguyên Mông thất đảm
Quân kỵ binh Nguyên Mông dù thiện chiến bậc nhất thế giới
nhưng 3 lần bại chiến trước các binh sĩ nhà Trần
Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của quân, dân thời
Trần, đã đi vào sử sách. Không phải chỉ có ở Việt Nam, mà
nhiều nhà viết sử trên thế giới cũng hết lời ca ngợi.
Bộ sử biên niên viết bằng chữ Ba Tư của nhà sử học nổi tiếng
thế kỷ thứ XIII Ra Sít út Đin (1247-1318) đã từng viết về
nước ta (chữ Ba Tư gọi là Kiafca, Giao Chỉ quốc): "Nước đó
có những vùng khó đi lại và nhiều rừng cây, giáp với
Karajan (Vân Nam), một phần giáp Hinđôstan và biển. ở
nước đó có quốc vương riêng, không thần phục Hãn (Mông
Cổ). Một lần TuGan (Thoát Hoan) đem quân vào nước đó
chiếm lấy các thành thị ven biển và thống trị ở đấy trong một
tuần lễ. Nhưng bỗng nhiên từ biển, từ rừng, từ núi, xuất hiện
những đội quân đánh tan đạo quân của TuGan đang lo cướp
bóc. TuGan trốn thoát và trở lại về đóng ở Lukinfu" (cuộc
kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ thứ XIII -
Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm).
Theo tư liệu lịch sử, quân đội Mông Cổ lúc đó là một đội
quân rất thiện chiến "trăm quân kỵ quay vòng, có thể bọc
được vạn người, nghìn quân kỵ tản ra, có thể dài đến trăm
dặm nên kỵ đội là ưu thế của họ. Hoặc xa, hoặc gần, hoặc
nhiều, hoặc ít, hoặc tụ, hoặc tán, hoặc hiện, hoặc ẩn, đến
như rơi trên trời xuống, đi như chớp giật". Nhưng đội quân
hùng mạnh, thiện chiến đó ba lần tấn công Đại Việt đều bị
thất bại.
Trần Quốc Tuấn, vị tổng chỉ huy quân đội nhà Trần đã từng
nói: “Quân cốt tinh, không cốt đông”. Trong Binh thư Yếu
lược của ông đã chỉ rõ: “Giặc dùng trường trận, ta dùng đoản
binh, lấy đoản binh để ngăn trường trận, lấy trường trận để
chế đoản binh”.
Với sự thiện chiến về thủy quân, tượng binh, bộ binh… cùng
với địa thế hiểm yếu của núi rừng, sông ngòi bao bọc, quân
dân thời Trần đã đánh tan các đạo quân xâm lược Nguyên
Mông do Thoát Hoan chỉ huy. Một câu hỏi được đặt ra: Vậy
quân đội thời Trần được trang bị quần áo, vũ khí như thế nào
để có thể đánh bại được quân xâm lược. Bí mật này đã hé mở
khi tìm hiểu các tư liệu điền dã, thần phả, thần tích ở làng A
Sào (An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).
Độc đáo áo giáp nông dân tự chế
Theo sử sách, binh lính của Hưng Đạo Vương đã từng đóng
quân tại vung Hương A Cảo – A Côi (nay gồm các xã An
Đồng, An Khê, An Thái, An Vũ thuộc huyện Quỳnh Phụ) và
dọc theo bờ sông Hóa ra tới gần cửa biển Đại Bàng (huyện
Thái Thụy, Thái Bình). Binh lính có nhiều nông nô, nô tỳ và
nông dân tham gia. Họ là những người dân nghèo nhưng rất
dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sẵn sàng hy sinh vì độc lập
dân tộc. Vì nghèo nên họ không thể có áo giáp sắt hoặc áo da
như những người lính chính quy được triều đình trang bị.
“Cái khó ló cái khôn”, người nông dân bằng sự sáng tạo của
mình đã tạo cho mình những bộ trang phục, giầy dép, vũ khí
với những nguyên liệu sẵn có, rẻ tiền, dễ chế tác. Trang phục
của họ có độ bền cao mà cung tên, giáo, mác sắc bén của
quân Nguyên Mông cũng khó mà xuyên thủng.
Cụ Trần Duy Thụy (79 tuổi, người làng A Sào) cùng các cụ
già làng cho biết, trước đây trong nhà thờ của gia đình vẫn có
tấm áo giáp (tương truyền là của cụ tổ nhiều đời để lại, được
cất trong một cái hòm gỗ mít và được đặt trang trọng trên bàn
thờ tổ). Mỗi khi có giỗ tổ, cụ Thụy cùng anh em trong dòng
họ vẫn được ông, cha kể cho nghe về cách làm quần áo giáp
và chiến công đánh giặc Nguyên Mông của đội dân binh A
Sào ngày xưa. Theo cụ Thụy, vải áo giáp có màu nâu, ở bên
trong áo có rất nhiều lớp giấy bản, mỗi lớp giấy bản đều được
bọc bởi một lớp vải màn, hoặc vải tơ tằm (loại vải đũi tơ tằm
xấu). Sau đó quét sơn ta và một loại nhựa cây (cây cậy) lên
vải màn hoặc đũi tơ để các lớp vải và giấy dính chặt vào
nhau. Tiếp đó, người ta dùng vải nâu (đũi tơ tằm nhuộm nâu
bằng nước bột cây cậy), khâu các lớp giấy bản đã được bọc
vải vào áo. Đặc điểm ưu việt của loại áo này là rất dầy, nhẹ,
độ xốp cao nhưng rất bền, có thể giúp cho người chiến binh
khi bị trúng tên hoặc trúng gươm, giáo của kẻ địch thì vết
thương cũng không bị vào sâu trong cơ thể.
Ở giữa ngực áo giáp vì không có miếng đồng (tròn) để làm
vật hộ tâm như áo giáp của nước ngoài nên người xưa đã
dùng mây đan dầy nhiều lớp, rồi ghim lại với nhau (thành
hình tròn) và dính vào trước ngực để làm vật hộ tâm.
Cụ Thụy được ông nội và cha cho biết: ” Chiếc áo thờ này là
của cụ tổ lâu đời để lại, cùng với phương pháp chế tác được
giấu trong hòm thờ. Vì thế đã từ bao đời nay trong ban thờ
của gia đình cụ vẫn có áo giáp của tổ tiên để trên ban thờ.
Đơn giản là nếu áo để qua ba bốn đời là mục, thì những
người ở thế hệ tiếp theo phải căn cứ vào bí quyết chế tác áo
giáp của người xưa để lại, mà phục chế đúng như quần áo
cũ”. Đáng tiếc là năm 1953, giặc Pháp đóng đồn ở đền A
Sào, chúng càn quét vào làng, đốt từ đường của gia đình cụ,
nên áo giáp và bí quyết làm áo cũng bị cháy. Cụ Thụy chỉ
còn nhớ được đôi chút về cách chế tác quần áo giáp và giầy
vải.
Bí mật trong đôi giày vải đạp chông gai
Theo các cụ trong làng, đôi giầy dùng cho những người lính
ngày xưa cũng được thiết kế rất gọn nhẹ, có tác dụng tránh
cho bàn chân giảm bớt thương tích nếu bị giáo, kiếm chém
hoặc bị sa vào chông, gai. Cụ Thụy cho biết: Phần bên trong
và bên ngoài của đôi giầy là lớp vải đũi dầy (đũi tơ tằm), đã
được nhuộm nâu kỹ hoặc nhuộm bột cây cậy (giã nhỏ cây
cậy hòa vào nước đun sôi, để nhuộm vải). Phần cốt giữa của
giầy là giấy bản nhiều lớp, được quét bằng chất lấy ra từ cây
cậy, sau đó dùng sơn ta phết lên cho kín mục đích cho nước
khó thấm vào trong, cuối cùng được chằm (khâu) bằng sợi
chỉ gai. Đế giầy được làm rất dầy (khoảng 2 – 3cm). Chiều
cao từ đế lên đến miệng giầy khoảng 30cm.
Ngoài quần, áo, giầy dép, người xưa còn tự chế tạo nón chóp
(mũ đội) bằng sợi mây. Những khe hở của các sợi mây được
lèn chặt bởi lớp bột giấy bản, đã được quệt bột cậy (người
xưa giã nhỏ cây cậy ra, sau đó cho ít nước vào bột cậy đun
sôi, rồi cho bột giấy bản vào đảo đều). Người xưa dùng bột
hỗn hợp đó quét lên các khe hở của mũ mây, sau đó dùng sơn
ta quét lên mũ. Với trí thông minh và tinh thần yêu nước
nồng nàn, những người dân Hương A Côi, A Cảo xưa đã tự
chế tạo cho mình những bộ áo giáp bền chắc, những đôi giầy
nhẹ, dầy, bền bằng những nguyên liệu đơn sơ. Vậy mà họ đã
theo Hưng Đạo Đại Vương vượt sông Hóa đi đánh trận Bạch
Đằng lịch sử và các chiến trận khác, góp phần đuổi bọn xâm
lược Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi Đại Việt.
Tổ 3 người khiến kỵ binh giặc thất kinh
Người già ở A Sào cho biết, giặc Nguyên lúc đó rất mạnh về
kỵ binh, cung nỏ cứng, gươm, dao sắc bén, giáo rất dài. Để
chống lại đội quân kỵ (quân cưỡi ngựa) thiện chiến giáo dài,
gươm sắc của giặc, những người lính của Hưng Đạo Vương
khi xưa thường được biên chế theo các đô (mỗi đội quân có
30 đô. Mỗi đô có từ 30 – 50 người). Khi ra trận, ở mỗi đô
thường được ghép thành tổ ba người. Trong tổ ba người đó
thì có một người cầm khiên mây (khiên được đan bằng mây,
có trát bột giấy hòa lẫn với bột cây cậy, sau đó được vít vào
các lỗ hở của khiên) có nhiệm vụ đỡ giáo, gươm, tên của
giặc. Người lính thứ hai trong tổ ba người sẽ dùng câu liêm
móc, giật chân ngựa hoặc quân giặc cưỡi trên lưng ngựa, làm
cho ngựa ngã hoặc nếu không thì ngựa cũng lồng lên (vì bị
lưỡi câu liêm sắc, giật mạnh làm chân ngựa bị thương), hất
tên giặc đang cưỡi trên mình ngựa xuống đất. Người lính thứ
ba có trách nhiệm dùng giáo hoặc đao, xông vào đâm, chém
tên giặc đã ngã ngựa.
Với cách đánh đơn giản nhưng được luyện tập thành thục,
những người lính đời Trần đã làm khiếp đảm quân giặc và
hạn chế rất nhiều ưu thế của kỵ binh kẻ thù.