Cây hương đá cổ - biểu
tượng quý giá của văn
hóa Việt Nam
Cây hương đá có hình dáng lạ với những dòng chữ cổ từ hơn
300 năm trước, nay vẫn sừng sững như thi gan cùng tuế
nguyệt.
Cây hương thiên đài ấy cùng với một loạt những sắc phong
cổ xưa còn lưu lại đã tái hiện hoàn chỉnh khung cảnh cổ xưa,
nơi sớm có dấu chân người Việt cổ.
Cây hương đá cổ ở khuôn viên chùa Lũng Kinh.
Thi gan cùng tuế nguyệt
Cây hương có dáng vuông thành sắc cạnh ấy cao tới hơn 2
mét, hiện nằm trong khuôn viên ngôi chùa cổ Lũng Kinh
(huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Sau nhiều lần nâng nền đổ đất cải tạo sân chùa, một phần của
cây hương bị chìm dưới lòng đất, nay chỉ còn hơn 1 mét nhô
lên phía trên. Về hình thức, đây là một cây hương đá tứ diện
có kích cỡ lớn.
Qua hàng trăm năm nhưng cây hương đá vẫn như thi gan
cùng tuế nguyệt, các nét khắc chạm vẫn còn sắc nét. Mỗi mặt
thân cây hương rộng khoảng 23cm, để trơn không trang trí
hoa văn mà chỉ khắc ghi bằng chữ Hán có xen lẫn chữ Nôm.
Chữ viết chân phương, sắc nét. Nội dung chép về thời điểm
xây dựng chùa Lũng Kinh, từ cách đây hơn 300 năm. Thời
gian xây dựng được chép trên tấm bia thân trụ là cây hương
Thiên đài với nội dung: "Lệ triều Long Đức vạn vạn niên tứ
tức - Ất Mão, mạnh xuân, cốc nhật 1735 Cẩn sự tá lang
Trung sơn huyện".
Mặt chính cây hương đá chỉ khắc một dòng
Mặt bên cạnh dày đặc 5 dòng chữ san sát nhau
Cây hương cổ quý được những người thợ khắc đá tài hoa xưa
làm bằng một thanh đá nguyên khối, trên đỉnh cây hương
được tạo hình bát hương có dáng tựa đóa hoa sen có 7 cánh
(là bình hương hình cúng Phật). Các cạnh cây hương được
tạo khuôn thành gờ nổi, lòng bào phẳng đều có khắc chữ
Hán, Nôm, có mặt khắc kín 5 dòng, mặt chính thì chỉ khắc
một dòng chữ dài cùng vài nét phụ thêm phía dưới.
Ông Lê Thiên Mệnh- Phó ban Quản lý di tích làng, kể rằng:
"Cây hương đá là niềm tự hào của dân làng. Ngay từ thuở
trước, vào những ngày lễ trọng đại, các cụ bô lão trong làng
đã làm lễ dâng hương ở cây hương thiên đài để tỏ lòng thành
kính. Các vị sư thầy trong chùa cũng ngày đêm nhang khói.
Cây hương đá trong chùa cổ được coi như tâm điểm tín
ngưỡng của người làng xưa".
Qua hàng trăm năm tồn tại, cây thiên hương làm từ đá xanh
vẫn còn nguyên vẹn, trở thành một trong những biểu tượng
quý giá về văn hóa Việt Nam nhiều thế kỷ trước. Không chỉ
mang giá trị tín ngưỡng, văn hóa tâm linh mà cây hương
thiên đài còn là một tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp của người
Việt xưa.
Nhiều sắc phong quý được lưu giữ nơi đây
Song hành cùng sắc phong quý…
Không chỉ lưu giữ trong mình cây hương thiên đài quý, ngôi
chùa Lũng Kinh ngày nay còn lưu giữ được tấm bia hậu
Cảnh Hưng năm thứ 5 (1740); quả chuông đúc từ năm Cảnh
Thịnh ngũ niên (1797) và chiếc khánh đúc năm Minh Mệnh
thứ 21 (1840).
Nơi đây cũng chính là mảnh đất cổ xưa được người Việt cổ
về tụ cư từ khá sớm, ngay từ thời Hùng Vương dựng nước
Văn Lang. Trước triều Lê, nơi đây được gọi là trang Quách
Xá. Cũng từ thuở xưa, chùa Lũng Kinh nằm trong quần thể
văn hóa gồm văn chỉ hàng huyện (vốn là nơi các quan ngày
xưa lễ trời) và quán, đình.
Đình làng Lũng Kinh từ thuở xưa có tên gọi đình làng Hoa
Kinh đã thờ Trình đô hộ - Trình Tích, vốn người quê Nghệ
An. Vào đời Vua Hùng Vương thứ 18, Hùng Duệ Vương đã
có công đánh quân Thục góp phần giữ gìn bờ cõi nước Văn
Lang. Ngày nay, chứng tích ấy vẫn còn lưu truyền mãi trong
câu ca ở làng: “Từ Nghệ An cất quân đánh Thục/Đất Lũng
Đình mang vó dáng Người/Công lao hãn mã, giúp đời/Phù
Hùng niên kỷ, sáng ngời danh nhân”.
Có những sắc phong đã bị mục nát theo thời gian
Ông Lê Thiên Cải- Bí thư Chi bộ xã Lũng Kinh kể: "Theo
truyền tích xưa chép lại, thì ngôi đình là nơi linh thiêng hiếm
thấy. Tương truyền rằng khi đuổi quân Thục đến Lũng Kinh,
ngài Trình đô hộ bèn cho quân dừng chân nghỉ ngơi, cắm trại
tại Cổng Vịt. Dân làng Lũng Kinh bèn mở tiệc khao quân.
Bữa tiệc có cháo sen, canh bầu, các tướng ăn thấy ngon
miệng, người khỏe khoắn hẳn lên. Thấy vậy, ông bèn truyền
lại rằng: Nhà nào có cụ già nên nấu cháo cho các cụ ăn, cháo
vừa dễ ăn lại vừa tốt cho sức khỏe.
Cũng từ đó, khi các cụ trong làng lên thượng thọ, con cháu
bèn tổ chức khao thọ, nấu cháo mời anh em trong họ và
người thân quen để mừng các cụ sống thọ". Cũng từ ấy, nơi
đây xuất hiện câu ca như đánh dấu bữa tiệc canh bầu: “Kẻ
gối có tiệc Nu Na/Kẻ Trôi có tiệc tháng ba canh bầu”. Dân
làng Lũng Kinh cảm phục ông, bèn tôn ông là Thành hoàng
làng và xây đình thờ cúng. Hàng năm, vào ngày 12 tháng 3
âm lịch là tổ chức lễ kỷ niệm dâng hương, cúng tế theo tục lệ
đều có bát cháo canh bầu.
Bức hoành phi Thánh cung vạn tuế được cho là còn nguyên
bản
Đình làng Lũng Kinh ngày nay còn lưu giữ hàng chục sắc
phong cổ quý hiếm, trong đó sắc phong cổ nhất là từ thời Lê
Trung Hưng (triều đại nhà Lê Trung Hưng kéo dài từ 1533 -
1789). Nhưng còn nguyên vẹn nhất là hai sắc phong của triều
Tây Sơn (1778 - 1802), còn lại nhiều sắc phong qua thời gian
đã bị mục nát, thủng, rách nhiều chỗ. Ông Đàm Bá Mão (Ban
Quản lý di tích đình làng Lũng Kinh) cho hay: "Hiện có 4 sắc
phong từ các thời Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định, Duy Tân
mà chúng tôi đang gửi lên nhờ Viện Hán Nôm dịch nghĩa để
củng cố thêm các di tích, tái hiện phần nào lịch sử của vùng
đất cổ xưa này".