TẤM LÒNG VÀNG CỦA NGƯỜI PHỤ
NỮ 'VE CHAI'
“Có lúc cũng sợ họ tưởng mình ăn cắp rồi dựng trò để đòi tiền nhưng tôi
không ngại, mình ngay thẳng mà, nhất quyết tôi chẳng lấy tiền của ai, thế là
họ hiểu mình thôi. Đôi khi lòng tốt cũng bị nghi ngại ”
Dừng lại trước tấm biển 444/34 Đội Cấn. Người phụ nữ nhỏ nhắn đội chiếc nón lá
cũ nhanh nhẹn chạy ra đón tôi.
Chị là Phạm Thị Thúy (42 tuổi)- một người con của xã Xuân Hồng, huyện Xuân
Trường, Nam Định. Ở chung phòng với chị là 5 người phụ nữ cùng quê, trẻ nhất
thì ngoài 20, già nhất cũng gần 50 tuổi. Họ đến ở với nhau vì có chung một nghề:
“Thu mua đồng nát”. Nhưng đặc biệt hơn,
họ sống cùng nhau còn vì họ có chung một tấm lòng.
Nhặt được của rơi trả người bị mất”
Hàng ngày, từ sáng sớm người phụ nữ gầy gò rong ruổi khắp các hang cùng ngõ
hẻm cùng chiếc xe đạp màu đồng thau đã cong vành. Tiếng rao giòn tan “Ai đồng
nhôm sắt vụn không….” lại vang lên khắp trong cùng, ngõ hẻm. Tôi nhận thấy sự
bền bỉ dai dẳng trong con người đó, qua tiếng rao, qua cái dáng dấp đó. Được một
người gọi vào mua hàng, chị nhanh nhẹn chống xe và chạy lại bê chồng giấy loại
cùng mấy tấm bìa catton, chai lọ. Tôi để ý thấy chị rất tỉ mỉ khi xếp đống giấy đặt
lên đĩa cân. “Biết đâu người ta bỏ lẫn giấy tờ gì quan trọng trong đó thì sao” – chị
lí giải cho hành động của mình.
Trong cách nói chuyện của chị, tôi nhận ra hơi thở quen thuộc của đồng quê bởi
những câu trả lời thật thà, vô tư mà vương vấn chút ngậm ngùi. “Mình ít học, còn
biết làm nghề gì được nữa, cũng thấm cái vất vả và nghĩ đến chuyện đổi nghề đấy
chứ”- Chị cười hiền lành nói vậy.
Và một niềm an ủi, cũng như một niềm vui nho nhỏ mà các chị tự tạo ra để cuộc
sống thêm ý nghĩa hơn là “nhặt được của rơi trả người bị mất”. Giống như một cái
duyên, các chị nhiều lần nhặt được khi thì cái ví, khi thì chứng minh thư, giấy tờ
quan trọng khác mà đa phần là của người bị hại - những người bị bọn lưu manh
trộm cắp lấy đi tài sản và để lại mọi vật vô giá trị đối với chúng trong những đống
rác bên đường.
“Có lúc cũng sợ họ tưởng mình ăn cắp rồi dựng trò để đòi tiền nhưng tôi không
ngại, mình ngay thẳng mà, nhất quyết tôi chẳng lấy tiền của ai, thế là họ hiểu mình
thôi. Đôi khi lòng tốt cũng bị nghi ngại ”
Khi được hỏi tại sao các chị lại có những nghĩa cử đẹp đến thế thì mỗi người lại có
một câu trả lời riêng đầy thú vị.
Chị Thúy cười nói: “Mình bị mất mát cái gì cũng nóng ruột muốn tìm lại, thì người
khác cũng thế thôi, nhất là giấy tờ, làm lại tốn thời gian, tiền của lắm. Giữ lại của
người ta thì chẳng có ý nghĩa gì, đem trả lại thì người khác vui mà mình cũng vui”.
Chị N.T.D nói với thái độ bức xúc: “Bây giờ trộm cắp, lừa đảo nhiều lắm. Nhìn
chúng nó lấy của người này, cắp của người kia, rồi lừa lọc thì không chịu được.
Cản thì mình cản sao được, nên cứ để ý thêm một chút, ai rơi cái gì thì nhặt trả lại
cho họ thôi”.
Chị D cũng cho biết, mấy chị em xóm trọ, dù cảnh giác lắm nhưng ai cũng ít nhất
đã một lần bị cắp, bị lừa. Khi thì bị người ta bán cho đồ đểu; khi lại bị bọn trộm
cắp lừa lấy hết tiền. Chỉ là một vài trăm nhưng là số tiền cả tuần các chị đi làm mới
gom góp được.
Khi nói đến những kẻ lưu manh trộm cắp, các chị phẫn nộ lắm. Bởi đa phần đấy là
những thanh thiếu niên “sức dài vai rộng”. “Bọn nó thiếu gì sức lực để lao động,
nhưng cứ thích ăn cắp của người khác, chúng nó thiếu văn hóa lắm, tôi chỉ thương
bố mẹ chúng thôi”- chị Thúy gằn giọng.
Năm nào cũng thế, cứ sau những ngày nông vụ, những người phụ nữ này lại bỏ lại
công việc đồng áng, nhà cửa, con cái để ra đất thành thị “kiếm cớ sinh nhai”.
Theo các chị, ngày nào kiếm được nhiều thì cũng được vài ba trăm ngàn, ngày nào
ít thì 20 - 30 ngàn. Cũng có những hôm đi cả ngày mà chẳng thu mua được gì, nhá
nhem tối mới về mà chân tay mỏi rã rời. “Một cân sắt giờ chỉ có 7 nghìn, bán lại
được 8 nghìn. Rồi lên xuống thất thường nên đồng tiền kiếm ra cũng chẳng cố
định”.
Chia sẻ về cái nghề “đồng nát”, chị Thúy bảo: Ở quê, mọi người chẳng biết già trẻ
hay trai gái, cứ còn khỏe mạnh là tay nải lên đất thị thành hành nghề này với hi
vọng kiếm thêm chút thu nhập. “Thấy người ta đi thì mình cũng đi thôi, có chút
tiền gửi về cho mấy đứa nhỏ là vui lắm rồi, với lại “đồ nghề” cũng đơn giản í mà”.
Thật khó tin được, nghĩa cử đẹp đẽ đó là của những người phụ nữ làm nghề đồng
nát. Họ tự nhận mình ít học, họ thấm thía cái cơ cực và luôn muốn đổi đời nhưng
hành động của họ lại đầy văn hóa, đầy tình người.