Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

Phong cách kiến trúc Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (358.61 KB, 14 trang )

Phong cách kiến trúc Hà Nội thời kỳ
Pháp thuộc
Sự hiện diện đầu tiên của kiến trúc Pháp ở Hà Nội là từ năm 1803, khi vua Gia
Long cho xây lại thành Hà Nội theo kiểu Vauban dưới sự chỉ đạo của 4 kỹ sư công
binh Pháp.
Tuy nhiên phải đến khi thành lập khu Nhượng địa năm 1875 ở ven sông Hồng (kéo dài từ
phố Phạm Ngũ Lão tới Quân y Viện 108 và bệnh viện Hữu Nghị ngày nay) thì những
công trình phong cách kiến trúc Pháp mới thực sự có dấu ấn tại Hà Nội.

Trải qua gần một thế kỷ (cuối thế kỷ 19 tới nửa đầu thế kỷ 20), kiến trúc thời kỳ Pháp
thuộc với sự phong phú về phong cách đã để lại cho Hà Nội một di sản kiến trúc quý giá.

Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới những phong cách chủ đạo, để lại những
dấu ấn rõ ràng trong kiến trúc thời kỳ này.

1. Phong cách kiến trúc Tiền thực dân

Bảo tàng Lịch sử Quân sự (trước đây là Sở chỉ huy quân đội
Pháp)
Phong cách kiến trúc Tiền thực dân ở Hà Nội bắt đầu hình thành từ chính khu Nhượng
địa với những ngôi nhà làm việc, nhà ở cho sĩ quan và binh lính Pháp.

Với mong muốn có được những không gian phù hợp với chức năng cần thiết nhưng tránh
được cái nóng oi ả mùa hè, các sĩ quan công binh Pháp đã nghĩ ra một hình thức kiến trúc
nhiệt đới thô sơ với các hành lang rộng bao lấy không gian chính.

Sau khi chiếm được thành Hà Nội và biến nó thành Sở chỉ huy quân đội Pháp, các sĩ quan
công binh cũng xây dựng một loạt công trình trong thành nội cũng như trên trục đường
nối khu nhượng địa với Hoàng Thành cũ (nay tuyến phố Tràng Tiền - Tràng Thi - Điện
Biên Phủ) và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm theo phong cách Tiền thực dân.


Các công trình kiến trúc phong cách Tiền thực dân thường có mặt bằng hình chữ nhật
đơn giản có hành lang rộng chạy xung quanh. Nhà thường có hai tầng, sàn tầng hai dùng
dầm đỡ thép hình cuốn gạch ở trên. Mái dốc lợp ngói hoặc tôn.

Tường chắn mái xây gạch dùng để trang trí mặt tiền có một vài hình thức tranh trí đơn
giản như hàng con tiện hoặc đắp xi măng hình hoa lá. Hành lanh quanh nhà được tạo ra
hình thức cuốn vòm hình cung hoặc bán cầu có khoá vòm.

Nhìn chung thì đây là phong cách mang tính công năng duy lý, ít chú trọng về mặt thẩm
mỹ nên không có nhiều giá trị về mặt kiến trúc. Tuy vậy chúng cũng là đại diện cho kiến
trúc Pháp thuộc thời kỳ sơ khởi nên cũng cần được tôn trọng ở một mức độ nhất định.

Một số công trình tiêu biểu: Bảo tàng Lịch sử Quân sự (ảnh 1), Toà thị chính (chỉ còn toà
nhà số 12 Lê Lai), một số nhà điều trị trong khuôn viên Quân y Viện 108 và bệnh viện
Hữu Nghị.

Đặc điểm nhận dạng: Nhà 1-3 tầng, mặt bằng hình chữ nhật, mái dốc lợp ngói hoặc tôn,
có hành lang bao quanh tạo ra hình thức cuốn vòm liên tục.

2. Phong cách kiến trúc Tân Cổ điển
Phủ Chủ tịch (trước đây là Phủ Toàn quyền Đông Dương)
Sau khi cơ bản chinh phục được toàn bộ lãnh thổ Đông Dương, người Pháp đã tiến hành
một công cuộc xây dựng lớn ở Hà Nội nhằm biến nó thành thủ phủ toàn khu vực Đông
Dương.

Những công thự lớn tiêu biểu cho chính quyền thực dân như Phủ Toàn quyền, Dinh
Thống Sứ, Toà án… được xây dựng. Để biểu đạt cho sự uy nghi của chính quyền mới thì
không gì bằng việc sử dụng các hình thức kiến trúc Cổ điển.

Sau này, phong cách Tân-Cổ điển còn ảnh hưởng sang các công trình lớn về kinh tế-văn

hoá ở Hà Nội như ga Hàng Cỏ, trụ sở Công ty hoả xa Đông Dương-Vân Nam, Nhà hát
Thành phố, Viện Radium Đông Dương… và nhiều biệt thự dành cho người Pháp ở Hà
Nội.

Phong cách kiến trúc Tân-Cổ điển ở Hà Nội thời kỳ này không còn là Tân-Cổ điển Pháp
thuần tuý nữa mà mang nhiều màu sắc của chủ nghĩa Triết chung. Mặc dù vẫn sử dụng bố
cục đối xứng nghiêm ngặt, các cấu trúc hình học và tỷ lệ vẫn được tuân thủ, các thức cổ
điển vẫn mang tính áp đảo, song ở nhiều công trình các chi tiết của kiến trúc Phục hưng,
Baroque cũng được sử dụng.

Phong cách kiến trúc Tân-Cổ điển là phong cách kiến trúc áp đảo đối với các công trình
công cộng lớn ở Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc và cũng là phong cách mang dấu ấn mạnh mẽ
nhất của kiến trúc thời kỳ này.

Một số công trình tiêu biểu: Phủ Toàn quyền Đông Dương (ảnh 2), Dinh Thống sứ Bắc
Kỳ, Phủ Thống sứ (12 Ngô Quyền), Ga Hàng Cỏ, Công ty Hoả xa Đông Dương - Vân
Nam (82 Trần Hưng Đạo), Nhà hát lớn, Viện Radium Đông Dương (43 Quán Sứ), khách
sạn Metropole (15 Ngô Quyền).

Đặc điểm nhận dạng: Bố cục cân đối, sử dụng nhiều thức cổ điển, mái dốc lợp ngói tây
hoặc ngói đá, nhiều hình thức trang trí phong phú sử dụng các thức, chi tiết Cổ điển La
Mã, Phục hưng, Baroque.

3. Phong cách kiến trúc địa phương Pháp
Trụ sở Bộ Tư pháp (trước đây là Trường nữ học Pháp)
Từ những năm 1900, một lượng khá lớn người Pháp đã tới Hà Nội làm việc, sinh sống.
Họ mang theo những hoài niệm về quê hương thông qua những công trình kiến trúc nơi
họ đã sống (chủ yếu là các địa phương miền Bắc nước Pháp và vùng Paris) và do vậy
cũng bắt đầu từ thời gian này, một loạt biệt thự, trường học cho người Pháp được xây
dựng theo phong cách kiến trúc địa phương Pháp.


Các công trình phong cách địa phương miền Bắc Pháp có mái với độ dốc lớn, các công
trình phong cách vùng Paris có độ dốc vừa phải có hệ con sơn gỗ đỡ phần mái nhô ra
khỏi tường.

Tuy nhiên cũng phải chú ý rằng kiến trúc phong cách địa phương Pháp xây dựng ở Hà
Nội không giống hoàn toàn ở chính quốc mà đã mang nhiều tính công năng, thực dụng và
dỡ bỏ nhiều những hình thức trang trí nguyên gốc.

Những công trình phong cách địa phương Pháp ở Hà Nội nhìn chung mang đậm tính hồi
cố, duyên dáng, mang nhiều nét kiến trúc các địa phương miền Bắc nước Pháp và vùng
Paris, tuy nhiên đã có những biến đổi nhất định để phù hợp với công năng mới và khí hậu
nhiệt đời Việt Nam.

Một số công trình tiêu biểu: Grand Lycée AIber Sarraut (1B Hoàng Văn Thụ), Petit
Lycée (8 Hai Bà Trưng), Trường nữ học Pháp (58 Trần Phú, ảnh 3) và một số biệt thự tại
khu Ngoại giao đoàn.

Đặc điểm nhận dạng: Nhà 2-3 tầng, mái dốc lợp ngói, có hệ con sơn đỡ mái bằng gỗ
mảnh hình tam giác được tiện khắc công phu, hoạ tiết trang trí không nhiều nhưng khá
tinh tế.

4. Phong cách kiến trúc Art Deco
Ngân hàng Nhà nư
ớc Việt Nam (trước đây là Chi nhánh ngân
hàng Đông Dương)
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các hoạt động kinh tế trở nên nhộn nhịp hơn, một
làn sóng đầu tư của người Pháp, một phần nhỏ của người Hoa và người Việt diễn ra ở Hà
Nội.


Một loạt trụ sở ngân hàng, công ty và nhiều biệt thự tư nhân được xây dựng. Vì đây là
các hoạt động đầu tư tư nhân nên chủ nhân của chúng cũng không cần nhờ tới các kiến
trúc sư “cung đình” như A-H. Vildieu nữa.

Các kiến trúc sư có đầu óc cách tân hơn được trọng dụng và từ đó một phong cách thiết
kế hiện đại, giản dị và thực dụng, phù hợp với xu hướng kiến trúc đang phát triển ở Tây
Âu và Bắc Mỹ thời bấy giờ, phong cách Art Deco, được ứng dụng trong thiết kế nhiều
công trình ở Hà Nội.

Kiến trúc Art Deco bắt đầu phát triển ở Hà Nội từ những năm 1920 và đặc biệt mạnh mẽ
vào những năm 1930. Những công trình xây dựng theo xu hướng này thường sử dụng
những hình khối kinh điển trong bố cục không gian, các khối vuông, chữ nhật kết hợp với
các khối bán trụ tạo ra một hình thức kiến trúc hiện đại và giản dị.

Thêm vào đó là các hoạ tiết trang trí bằng thép uốn hoặc đắp nổi bằng xi măng, thạch cao
với đường nét mềm mại làm giảm bớt sự thô nặng của các khối chủ đạo. Đây cũng là
hình loại kiến trúc được nghiên cứu và có nhiều sự cải biên nhằm tới sự hài hoà với khí
hậu và cảnh quan Hà Nội.

Một số công trình tiêu biểu: Chi nhánh ngân hành Đông Dương (ảnh 4), nhà in IDEO (24
Tràng Tiền), công ty AVIA (39 Trần Hưng Đạo), Bưu điện (6 Đinh Lễ), các toà nhà số
91 Đinh Tiên Hoàng và 31 Tràng Tiền, cùng rất nhiều biệt thự trải từ quận Ba Đình tới
cuối các phố Bà Triệu, Hàng Chuối.

Đặc điểm nhận dạng: Hình khối giản dị mang tính hiện đại, đại đa số là mái bằng, sử
dụng với liều lượng vừa phải các hoạ tiết trang trí trên mặt đứng.

5. Phong cách kiến trúc Đông Dương
Trụ sở Bộ Ngoại giao (trước đây là Sở
Tài chính Đông Dương)

Thập kỷ 1920 ở Hà Nội, sau khi một loạt công trình đại diện cho chính quyền thực dân
theo phong cách Tân Cổ điển được xây dựng và đưa vào sử dụng cho thấy chúng hoàn
toàn không phù hợp với khí hậu cũng như truyền thống thẩm mỹ và cảnh quan ở đây.

Bản thân giới trí thức Pháp ở thuộc địa cũng nhận ra việc áp đặt những giá trị văn hoá từ
chính quốc vào một đô thị bản địa có truyền thống văn hoá lâu đời và rất khó chấp nhận.

Do vậy việc tìm tòi một phong cách kiến trúc vừa có khả năng đáp ứng công năng hiện
đại, vừa phù hợp với khí hậu, cảnh quan và truyền thống văn hoá địa phương được một
loạt kiến trúc sư người Pháp và sau đó là người Việt theo đuổi, từ đó tạo ra một phong
cách kiến trúc kết hợp sau này được gọi là phong cách kiến trúc Đông Dương.

Kiến trúc theo phong cách Đông Dương là những công trình có cấu trúc mặt bằng, hình
khối hoàn toàn theo kiểu Pháp thịnh hành lúc bấy giờ, nhưng đã có sự tìm tòi, biến đổi về
mặt không gian và cấu tạo kiến trúc nhằm tạo ra những công trình có khả năng thích nghi
với điều kiện khí hậu, cảnh quan cũng như truyền thống văn hoá bản địa.

Các kiến trúc sư theo phong cách này thường sử dụng những hình thức và chi tiết kiến
trúc truyền thống Việt Nam, Khmer trong việc tạo nên các bộ mái, ô văng che cửa, cùng
các hoạ tiết trang trí khác.

Nhìn chung đây là phong cách thành công nhất trong việc tạo ra những công trình kiến
trúc đẹp, hiện đại, phù hợp với khí hậu, cảnh quan và văn hoá truyền thống bản địa thời
kỳ Pháp thuộc.

Một số công trình tiêu biểu: Toà nhà chính Đại học Đông Dương (19 Lê Thánh Tông), Sở
Tài chính (ảnh 5), Bảo tàng Louis Finot (*) (1 Phạm Ngũ Lão), Viện Pasteur (1 Y-éc-
xanh), Nhà thờ Cửa Bắc, Câu lạc bộ thuỷ quân (36 Trần Phú).

Đặc điểm nhận dạng: Bố cục mặt bằng hình khồi đăng đối kiểu Châu Âu kinh điển. Sử

dụng nhiều thức cột, mái và các chi tiết kiến trúc cổ truyền Việt Nam và Khmer, hệ thống
cửa lấy ánh sáng và thông gió tự nhiên được chú trọng.

6. Phong cách kiến trúc Pháp - Hoa
Dinh thự số 26 Phan Bội Châu
Kiến trúc phong cách Pháp-Hoa có lẽ cũng xuất phát từ ý tưởng muốn xây dựng những
công trình đáp ứng được công năng hiện đại nhưng vẫn mang màu sắc kiến trúc Á Đông.

Tuy nhiên, khác với các kiến trúc theo phong cách Đông Dương, sử dụng đa phần cách
thức kiến trúc, các yếu tố trang trí Việt Nam và Khmer, các tác giả của các công trình
Pháp-Hoa lại hầu như sử dụng cách thức và yếu tố trang trí cổ điển Trung Hoa.

Kiến trúc phong cách Pháp-Hoa ở Hà nội thể hiện chủ yếu trong các dinh thự và biệt thự.
Các ngôi nhà theo phong cách này thường chỉ có 2 tầng với cách bố trí tổng mặt bằng
theo kiểu nhà chính - nhà phụ, đặc biệt ở các dinh thự thường có vườn trước rất lớn có bố
trí non bộ.

Mái dốc lợp ngói ống, ngói tráng men, bốn góc uốn cong và được trang trí khá cầu kỳ,
con sơn đỡ mái dạng trồng đấu nhiếu lớp. Ở một số công trình có hệ thống cột tròn với
các tai cột ngang. Phần trang trí được chú trọng nhiều với các yếu tố trang trí kiểu Trung
Hoa cổ.

Ở các công trình theo phong cách Pháp - Hoa ít thấy những giải pháp lấy ánh sáng hay
thông gió tự nhiên phù hợp với khí hậu Hà Nội.

Một số công trình tiêu biểu: Dinh Tổng đốc Hoàng Trọng Phu (46 Hoàng Diệu), dinh thự
số 26 Phan Bội Châu (ảnh 6), Nhà hàng Thuỷ Tạ, một số biệt thự trên các phố Phan Đình
Phùng, Quán Thánh, và quanh hồ Thuyền Quang.

Đặc điểm nhận dạng: Nhà chính 2 tầng, mái dốc lợp ngói ống hoặc ngói tráng men, trang

trí cầu kỳ, sử dụng nhiều thức và chi tiết kiến trúc cổ điển Trung Hoa.

7. Phong cách kiến trúc Neo-Gothic
Nhà th
ờ Làng Tám
Phong cách mà chúng tôi gọi là Neo-Gothic với ý nghĩa mong muốn phục hồi Gothic của
những người thiết kế gắn liền với quá trình xây dựng các nhà thờ Công giáo ở Hà Nội.

Năm 1883, lấy cớ chùa Báo Thiên đã cũ nát và ở trong tình trạng nguy hiểm, Tổng đốc
Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã ra lệnh phá huỷ ngôi chùa, khu đất của nhà chùa được Công
sứ M.Bonal nhượng lại cho Hội truyền giáo.

Trên khu đất này, giám mục Puginier với tư cách là người thiết kế và chỉ đạo thi công, đã
xây dựng nhà thờ Saint Joseph còn gọi là Nhà thờ lớn, hoàn thành năm 1888. Cùng với
sự xâm nhập của đạo Thiên Chúa, rất nhiều nhà thờ lớn nhỏ cũng đựơc xây dựng ở các
xứ đạo nội, ngoại thành Hà Nội trong thời gian sau đó.

Đặc điểm của kiến trúc nhà thờ ở Hà Nội đa phần là mô phỏng hình thức kiến trúc Gothic
Pháp nhưng được giản lược rất nhiều. Đó là cách tổ chức mặt bằng hình chữ thập, mặt
đứng ba nhịp, nhịp giữa là lối vào chính, phía trên có cửa sổ “hoa hồng”, hai bên là các
lối vào phụ phía trên là tháp chuông.

Tuy nhiên, khác với các nhà thờ Gothic Pháp sử dụng rất nhiều yếu tố trang trí, kiến trúc
nhà thờ Hà Nội chỉ tổ chức nhiều cửa sổ hình cuốn nhọn kiểu Gothic mà hầu như không
thêm vào các yếu tố trang trí nên trông khá khô khan.

Trong số các công trình Neo-Gothic ở Hà Nội nổi lên một ngôi nhà thờ nhỏ ở quận
Hoàng Mai, nhà thờ Làng Tám, kiến trúc nhà thờ này mang nhiều thần thái Gothic Pháp
với một tỷ lệ khá hài hoà trên mặt đứng, kết hợp với nhiều hoạ tiết trang trí theo phong
cách Gothic dù còn chưa tinh tế.


Nhìn chung thì phong cách Neo - Gothic ở Hà Nội gắn liền với kiến trúc nhà thờ Công
giáo, giá trị về mặt thẩm mỹ chưa cao song lại mang nhiều giá trị về mặt lịch sử và cảnh
quan.

Một số công trình tiêu biểu: Nhà thờ lớn Hà Nội, nhà thờ Làng Tám (ảnh 7), nhà thờ
Hàm Long (Gothic Anh).

Đặc điểm nhận dạng: Mặt đứng ba nhịp với ba cửa vào, phần trung tâm thấp hơn có cửa
sổ “hoa hồng”, hai tháp cao ở hai bên. Bố trí nhiều cửa sổ cuốn nhọn kiểu Gothic, kính
màu được sử dụng rộng rãi.

×