Tải bản đầy đủ (.docx) (112 trang)

LỰA CHỌN VÀ SỬ DỤNG TÁC PHẨM VĂN HỌC DÂN GIAN MƯỜNG ĐỂ GIÁO DỤC VĂN HÓA TRUYỀN THÔNG CHO TRẺ MẪU GIÁO LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.13 MB, 112 trang )

Lêi c¶m ¬n
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hòa Bình nhưng người khơi nguồn
giúp tôi tìm hiểu sâu hơn về con người và truyền thống văn hóa nơi đây để
thực hiện một việc làm có ý nghĩa với quê hương khi lựa chọn đề tài nghiên
cứu này là PGS.TS Lã Thị Bắc Lý.
Với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc, em xin chân thành cảm ơn cô, người
đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ em trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thành
luận văn.
Em xin trân trọng cảm ơn các thầy, cô giáo khoa Giáo dục Mầm non,
trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã giảng dạy, tạo mọi điều kiện cho em học
tập, nghiên cứu.
Xin trân trọng cảm ơn Ban giám hiệu trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình
và bạn bè đồng nghiệp đã tạo điều kiện và giúp đỡ, động viên tôi vượt qua mọi
khó khăn trong học tập.
Xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các học trò của tôi và lời tri ân đến
tập thể giáo viên, các cháu mẫu giáo trường Mầm non Thị trấn Cao Phong,
trường Mầm non xã Nhân Nghĩa và trường Mầm non Mường Bi đã hợp tác,
giúp đỡ tôi trong suốt quá trình khảo sát, thực hiện nhiệm vụ của đề tài.
Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban Giám đốc cùng các đồng chí quản lí các
phòng, ban Thư viện tỉnh Hòa Bình đã cung cấp cho tôi nguồn tài liệu quý
giá để tôi hoàn thiện đề tài NCKH này.
Chân thành cảm ơn các bạn đồng nghiệp là bạn học đã chia sẻ kinh
nghiệm nghiên cứu khoa học, hỗ trợ tôi tìm kiếm tài liệu liên quan đến đề tài.
Cuối cùng, lời cảm ơn chân thành nhất tôi giành cho những người thân đã luôn
khích lệ, động viên tôi vững bước trên con đường học tập, nghiên cứu của mình.
Hà Nội, ngày 2 tháng 10 năm 2013
Tác giả luận văn
Dương Bích Thúy
1
NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT TRONG LUẬN VĂN
CSGD : Chăm sóc giáo dục


ĐC : Đối chứng
GV : Giáo viên
GDVHTT : Giáo dục văn hóa truyền thống
HĐ : Hoạt động
LQTPVH : Làm quen tác phẩm văn học
LQTPVHDG : Làm quen tác phẩm văn học dân gian
MN : Mầm non
MG : Mẫu giáo
TN : Thực nghiệm
TPVH : Tác phẩm văn học
TPVHDG : Tác phẩm văn học dân gian
VHTT : Văn hóa truyền thống
2
MỤC LỤC
PHỤ LỤC
3
PHẦN MỞ ĐẦU
I. Lí do chọn đề tài
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, mỗi quốc gia muốn khẳng định
được vị thế của mình phải bắt đầu khẳng định từ văn hóa dân tộc. Đất nước
Việt Nam, với bề dày lịch sử bốn nghìn năm đã tạo nên một nền VHTT mang
“đậm đà bản sắc dân tộc”. Nền VHTT ấy là niềm tự hào của mỗi người con
đất Việt mà cách chúng ta gần một nghìn năm lịch sử, trong tác phẩm “Bình
Ngô đại cáo”, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã bố cáo với thiên hạ:
…“Nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”…
Nói đến văn hóa không thể không nói đến Văn học với tư cách là một
loại hình nghệ thuật quan trọng. VHDG Mường là vốn di sản VHTT quý báu
của người Mường. Mỗi dân tộc tồn tại và phát triển đều có bản sắc riêng, bản
lĩnh nhất định trong cuộc đấu tranh chống thiên tai, địch họa…Với người

Mường, sáng tác dân gian truyền miệng thể hiện lời ăn, tiếng nói, sinh hoạt,
tập quán… của nhân dân lao động, đó chính là bản sắc riêng, bản sắc trong
cộng đồng văn hóa Việt –Mường
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Văn học dân gian và văn học
bác học là di sản và truyền thống mà ngày nay chúng ta rất cần, là của quý
có thể góp phần làm cho đời sống xã hội của đất nước đang bị ô nhiễm
nghiêm trọng dần dần sẽ trở nên sạch sẽ và lành mạnh, dần dần tốt đẹp và
văn minh…Là nguyện vọng thiết tha và chính đáng của mọi người, mọi gia
đình, của mọi làng bản và phố phường’’(Dẫn theo Hoàng Tuấn Cư, “Tây Bắc
– Hòn ngọc văn hóa cần sớm khai thác và phát huy”[37;11]). Đối với lứa tuổi
MG, các TPVH, đặc biệt là VHDG luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Đến với
các sáng tác này chính là các em được làm quen với di sản VHTT của dân tộc,
được trở về nguồn cội, với cách đối nhân xử thế, lời ăn, tiếng nói, quan hệ
4
tình làng nghĩa xóm…Những giá trị văn hóa ấy làm phong phú thêm hành
trang cho các em bước vào cuộc sống sau này.
Mặt trái của sự phát triển kinh tế hiện nay là một vấn đề khiến dư luận
quan tâm, đặc biệt là những giá trị tinh thần của đời sống xã hội đã có phần “ô
nhiễm”. Mục tiêu của GDMN là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm,
trí tuệ, thẩm mĩ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị
cho trẻ vào học lớp 1. Cũng như một cây non, các em cần phải được vun trồng
và lớn lên trên một mảnh đất mầu mỡ, mảnh đất ấy chính là những tinh hoa
văn hóa mà cha ông ta đã dày công tạo thành truyền thống, các em chính là
những người tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp của
dân tộc. Tuy nhiên, ở các trường MN hiện nay việc sử dụng VHDG để
GDVHTT cho trẻ chưa thực sự được quan tâm, đặc biệt là vấn đề lựa chọn và
sử dụng vốn VHDG của địa phương giúp các em hiểu thêm về mảnh đất địa
lí, truyền thống và phong tục tập quán của quê hương mình còn nhiều vấn đề
đáng bàn.
Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi chọn nghiên cứu đề tài “Lựa

chọn và sử dụng TPVHDG của người Mường để GD VHTT cho trẻ MG”.
II. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
1. Những nghiên cứu về VHTT của người Mường
Trong cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên, thú dữ, phòng chống
thiên tai địch họa…người Mường đã làm nên những trang sử hào hùng với
một nền VHTT giàu bản sắc, phong phú, độc đáo, thu hút sự quan tâm của
nhiều nhà nghiên cứu.
Nghiên cứu về VHTT của người Mường, công trình được xem như một
tài liệu đặt cơ sở, khởi đầu cho nghiên cứu của nhiều tác giả sau này là cuốn
Người Mường, địa lí nhân văn và xã hội học của Tiến sĩ Văn học người Pháp:
5
Jeanne Cuisinier. Với hai phần: Địa lí nhân văn và xã hội học, đây thực sự là
một cuốn “dân tộc chí về người Mường đồ sộ”[58;9].
Các tác phẩm “Người Mường ở Hòa Bình”, “Hoa văn Mường”, “Vũ
trụ luận người Mường” …của tác giả Trần Từ là những tài liệu quý báu tìm
hiểu về VHTT của người Mường Hòa Bình. Tác giả nghiên cứu những chi tiết
hoa văn trên cạp váy người Mường và nhận định: “Cạp váy không chỉ là một
bộ phận trang phục. Nó còn chiếm một vị trí quan trọng bậc nhất trong nghệ
thuật trang trí cổ truyền của dân tộc Mường…”. Những phát hiện của ông là
minh chứng sinh động về tính bản địa của nền văn hoá Đông Sơn, góp phần
khẳng định vai trò chủ nhân quan trọng của cư dân Việt - Mường với nền văn
hóa này. Ông còn là tác giả của một số các bài viết về VHDG của người
Mường, về Mo mường, hình thức tang ca, một phong tục không thể thiếu
trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mường.
Tác giả Bùi Thiện là người có nhiều công trình nghiên cứu và cũng là
người có công lớn trong việc sưu tầm các TPVHDG Mường một cách có hệ
thống. Ông và tác giả Trương Sĩ Hùng đã giới thiệu trọn vẹn tác phẩm “Đẻ
đất đẻ nước” bằng tiếng Việt và tiếng Mường. Trong tác phẩm đồ sộ này, các
tác giả đã chứng minh Đẻ đất đẻ nước mang tầm vóc của một sử thi thần
thoại, là công trình nghệ thuật nổi bật trong các sáng tác dân gian Mường. Tác

phẩm phản ánh trọn vẹn đời sống văn hóa (vật chất, tinh thần) và dựng lại một
thời kì lịch sử hùng tráng trong cuộc vật lộn với thiên nhiên hình thành nên
bản, nên Mường như ngày nay.
Ngoài ra, tác giả Bùi Thiện còn sưu tầm và biên soạn 2 tập “Truyện dân
gian dân tộc Mường”. Có thể nói hai tập truyện này là tài sản quý để có thể
nghiên cứu, tìm hiểu vốn cổ văn học truyền miệng của người Mường.
Các tác giả: Nguyễn Thị Thanh Nga, Trần Thị Mai Lan, Khổng Thị
Kim Anh trên cơ sở tìm hiểu những nét khái quát về người Mường và tổ chức
6
xã hội truyền thống của họ, các tác giả đã đi sâu nghiên cứu các giá trị văn
hóa vật chất (Ăn, uống, hút; trang phục; nhà ở; các sản phẩm từ nghề dệt…)
và văn hóa tinh thần của người Mường (Nghệ thuật dân gian; phong tục tập
quán; lễ hội…). Các tác giả đã nhận định: Tìm hiểu những nét VHTT của
người Mường, chúng ta có dịp làm quen với văn hóa của một dân tộc yêu tự
do, yêu đất nước, có nhân sinh quan trong sáng khi nhìn về vũ trụ và sức
mạnh của con người. Với những ý nghĩa nhân văn cao cả, họ luôn hướng tới
tương lai, chinh phục thiên nhiên, hòa cùng thiên nhiên để tồn tại và phát
triển. Những nghi lễ tộc người đầy lòng nhân ái, những lễ hội dân gian đầy
tính cộng đồng, những áng thơ văn trữ tình… sẽ sống mãi cùng dân tộc
Mường nơi núi rừng Tây Bắc.[34;158]
Nhà báo Nguyễn Hải với những chuyến đi thực tế và công tác ở khắp
các Mường lớn trên đất Hòa Bình là cơ duyên để ông nghiên cứu, chiêm
nghiệm thực tế về VHTT của người Mường trên đất Hòa Bình: Đã nói đến văn
hóa, cho dù văn hóa của một tộc người (cụ thể là người Mường) thì cũng là
vấn đề rất lớn, rất rộng. Vì văn hóa là xã hội, là sinh hoạt, là tất cả những gì
do con người tạo ra… Được sống, làm việc trên đất Mường Hòa Bình, qua
nhiều năm, tôi nghiệm ra rằng những phong tục tập quán của người Mường và
người Kinh giống như một cây mà có hai cành, cành la cành bổng. Cho nên,
việc tìm hiểu văn hóa Mường với tôi thực sự là một công việc lí thú. [17;5-6]
Các tác giả Pierre Grossin[60], Bùi Văn Kín[23], Vũ Ngọc Khánh[26],

Nguyễn Tấn[37;255]… nghiên cứu về người Mường với nhiều phương diện
khác nhau trong đời sống sinh hoạt văn hóa, xã hội. Nhóm tác giả Lê Như
Hoa, Nguyễn Hữu Thức, Nguyễn Tấn Việt [14] nghiên cứu những nét đặc sắc
về văn hóa ứng xử của người Mường xưa và nay…Nhìn chung các nghiên
cứu này đã dựng lại bức chân dung toàn diện về một nền văn hóa Mường giàu
bản sắc.
7
2. Những nghiên cứu về việc sử dụng TPVHDG Mường với GDVHTT
của người Mường cho trẻ MG
Khai thác các TPVHDG Mường nhằm GDVHTT của người Mường
cho trẻ MG trong thực tế ở các trường MN rất ít sử dụng, đặc biệt là các sáng
tác dân gian truyền miệng như như mảng truyện cổ, thơ, ca dao… Trong
chương trình CSGD chỉ một số ít các bài hát dân ca và trò chơi dân gian được
GV một số trường mầm non trên địa bàn sử dụng.
Những nghiên cứu về việc sử dụng TPVHDG Mường nhằm GDVHTT
của người Mường cho trẻ MG rất khiêm tốn. Hiện tại duy nhất có một cuốn
tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho GVMN do Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa
Bình phối hợp với Khoa Mầm non, trường CĐSP Hòa Bình biên soạn. Trong
tài liệu này, các tác giả tập trung sưu tầm, giới thiệu và hướng dẫn học viên
tìm hiểu một số tác phẩm như hát Ru em, đoạn trích Đẻ gà trong Đẻ đất đẻ
nước và truyện cổ các dân tộc thiểu số ở Hòa Bình (dân tộc Mường có Trứng
ngựa, Vì sao người Mường ở nhà sàn, Con trâu thần; dân tộc Thái có Sự tích
con ve sầu và Truyền thuyết chiếc khèn Mông, Hát Che của người Mông…)
[56]
Nhìn chung các tác phẩm được giới thiệu nhằm hướng dẫn học viên
khai thác vốn VHDG các dân tộc miền núi để dạy trẻ ở các trường MN trên
địa bàn tỉnh Hòa Bình với hoạt động chủ đạo là LQTPVH. Các tác giả chưa đi
sâu khai thác các thể loại khác nhau trong kho tàng VHDG Mường nhằm giới
thiệu và giáo dục các giá trị VHTT của người Mường cho trẻ MG.
TPVHDG Mường phản ánh hết sức sinh động những sinh hoạt văn hóa

vật chất và đời sống tinh thần của người Mường cổ. Việc khai thác TPVHDG
Mường nhằm GDVHTT của người Mường cho trẻ MG là việc làm rất có ý
nghĩa. Trong đề tài này, chúng tôi nghiên cứu và đề xuất một số biện pháp sử
8
dụng TPVHDG Mường nhằm GD VHTT của người Mường cho trẻ MG thông
qua nhiều hoạt động giáo dục, trong đó trọng tâm là HĐ LQTPVH.
III. Mục đích nghiên cứu
Lựa chọn tác phẩm và đề xuất một số biện pháp sử dụng VHDG
Mường để GDVHTT của người Mường cho trẻ mẫu giáo
IV. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
1. Khách thể nghiên cứu
Quá trình giáo dục VHTT cho trẻ mẫu giáo
2. Đối tượng nghiên cứu
Lựa chọn và sử dụng TPVHDG Mường để GDVHTT của người
Mường cho trẻ MG.
V. Giả thuyết khoa học
Nếu lựa chọn được các TPVHDG Mường phù hợp và có các biện pháp sử
dụng hợp lí sẽ nâng cao hiệu quả việc GDVHTT của người Mường cho trẻ MG.
VI. Nhiệm vụ nghiên cứu
1. Nghiên cứu cơ sở lí luận của việc lựa chọn và sử dụng TPVHDG
Mường nhằm GDVHTT của người Mường cho trẻ MG.
2. Nghiên cứu thực trạng việc sử dụng TPVHDG Mường để giáo dục
VHTT của người Mường cho trẻ MG ở một số trường MN trên địa bàn tỉnh
Hòa Bình.
3. Lựa chọn những TPVHDG Mường phù hợp với việc GDVHTT của
người Mường cho trẻ MG
4. Đề xuất một số biện pháp sử dụng TPVHDG Mường để GDVHTT
của người Mường cho trẻ mẫu giáo.
5. Tổ chức TN nhằm đánh giá hiệu quả của các biện pháp đã đề xuất.
9

VII. Phạm vi nghiên cứu
1. Phạm vi về trẻ
- Trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi.
2. Phạm vi tác phẩm văn học
- Những tác phẩm hoặc trích đoạn TPVHDG (truyện cổ dân gian, thơ ca
dân gian…) của người Mường phù hợp với sự tiếp nhận của trẻ MG 5 – 6 tuổi.
3. Phạm vi hoạt động
- Tổ chức HĐ LQTPVH (trọng tâm) và một số HĐ giáo dục khác ở
trường MN.
VIII. Phương pháp nghiên cứu
1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lí luận
Thu thập tài liệu, đọc, tổng hợp, phân tích khái quát và hệ thống hóa
các nguồn tài liệu có liên quan đến đề tài nghiên cứu, xây dựng cơ sở lí luận
cho đề tài.
2. Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn
1.1. Phương pháp điều tra bằng phiếu Anket
Sử dụng phiếu thăm dò ý kiến của GV trong một số trường MN trên địa
bàn tỉnh Hòa Bình để tìm hiểu nhận thức của GV về việc lựa chọn và sử dụng
TPVHDG Mường nhằm giáo dục VHTT của người Mường cho trẻ MG.
1.2. Phương pháp đàm thoại
Tiến hành trao đổi, trò chuyện với GV để tìm hiểu về chương trình
CSGD, tìm hiểu các hoạt động và biện pháp GV sử dụng nhằm giáo dục
VHTT của người Mường cũng như việc lựa chọn và sử dụng TPVHDG
Mường đưa vào chương trình CSGD nhằm giáo dục VHTT của người Mường
cho trẻ MG.
10
1.3. Phương pháp quan sát
Dự giờ một số HĐ theo chế độ sinh hoạt tại trường MN nhằm xác định
các biện pháp mà GV tổ chức nhằm GDVHTT của người Mường và quan sát
mức độ hứng thú của trẻ với các giá trị VHTT của người Mường được giới thiệu.

1.4. Phương pháp tổng kết kinh nghiệm
Tổng kết kinh nghiệm của cán bộ quản lí và GV các trường MN trên
địa bàn tỉnh Hòa Bình về việc lựa chọn các TPVHDG Mường đưa vào
chương trình CSGD và các biện pháp nhằm GDVHTT của người Mường cho
trẻ MG thông qua việc sử dụng TPVHDG Mường trong các HĐ giáo dục ở
trường MN.
1.5. Phương pháp thực nghiệm sư phạm
Phương pháp TN sư phạm được sử dụng nhằm kiểm chứng hiệu quả
của các biện pháp đã đề xuất và khẳng định sự phù hợp của kết quả đạt được
với giả thuyết khoa học đề ra.
1.6. Phương pháp xử lí số liệu bằng toán thống kê.
Sử dụng một số công thức toán học để xử lý các số liệu thu được trong
quá trình thực nghiệm.
IX. Đóng góp mới của đề tài
1. Về lí luận
- Xây dựng cơ sở lí luận của việc lựa chọn và sử dụng TPVHDG
Mường để giáo dục VHTT của người Mường cho trẻ mẫu giáo.
2. Về thực tiễn
- Làm rõ thực trạng việc lựa chọn và sử dụng TPVHDG Mường nhằm
GDVHTT của người Mường trong Chương trình CSGD ở trường mầm non.
- Lựa chọn những TPVHDG Mường phù hợp với việc GDVHTT của
người Mường cho trẻ MG.
11
- Đề xuất một số biện pháp sử dụng TPVHDG Mường nhằm GD
VHTT của người Mường cho trẻ mẫu giáo.
X. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần phụ lục và tài liệu tham khảo, luận văn gồm có ba phần:
Phần mở đầu, phần nội dung, phần kết luận và kiến nghị. Phần nội dung gồm
ba chương:
Chương I: Cơ sở lí luận của việc lựa chọn và sử dụng TPVHDG

Mường nhằm GDVHTT của người Mường cho trẻ MG.
Chương II: Thực trạng việc lựa chọn và sử dụng tác phẩm văn học dân
gian của người Mường trong các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Chương III: Lựa chọn và đề xuất một số biện pháp sử dụng TPVHDG
Mường để GDVHTT của người Mường cho trẻ mẫu giáo - Tổ chức thực nghiệm.
12
NỘI DUNG
Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VIỆC LỰA CHỌN VÀ
SỬ DỤNG TPVHDG MƯỜNG ĐỂ GDVHTT CỦA NGƯỜI MƯỜNG
CHO TRẺ MG
1.1. Cơ sở tâm lí học
Đặc điểm xúc cảm, tình cảm của trẻ MG.
Giàu xúc cảm và tình cảm là nét tâm lí nổi bật ở trẻ thơ, đặc biệt là trẻ
em lứa tuổi mẫu giáo. Ở độ tuổi này, xúc cảm, tình cảm phát triển mạnh,
thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lí của trẻ. Các em đặc biệt nhạy
cảm trước sự đổi thay của thế giới xung quanh và xúc động, ngỡ ngàng trước
những điều tưởng chừng như rất đơn giản. Trẻ ngạc nhiên trước vẻ đẹp của
bông hoa nở, hứng thú khi thấy một chiếc lá rơi, chăm chú quan sát một con
kiến tha mồi, một chú chim trời sải cánh… những điều giản dị ấy cũng có thể
làm cho trẻ xúc động một cách sâu sắc.
Xúc cảm, tình cảm của trẻ không chỉ được thể hiện qua trò chơi, qua
các HĐ mà nó còn được bộc lộ rõ nét thông qua việc tiếp xúc với các TPVH.
Chính đặc điểm dễ nhạy cảm, dễ bày tỏ xúc cảm một cách mãnh liệt nên khi
nghe kể chuyện, đọc thơ trẻ có thể dễ dàng hóa thân vào nhân vật trong tác
phẩm. Theo quy luật chung, trẻ tiếp nhận mọi tri thức theo kiểu tư duy trực
quan hình tượng, nghĩa là những thứ mà chúng có thể “mắt thấy, tai nghe”
được. Nhưng riêng đối với TPVH thì trẻ tiếp nhận bằng cả tâm hồn, trái tim
và những tình cảm hết sức hồn nhiên, ngây thơ của mình. Nhà văn Nga
K.Pautopxki, trong tác phẩm “Bông hồng vàng” đã viết: “Trong thời thơ ấu,
tất cả đều khác. Chúng ta đã nhìn thế giới bằng đôi mắt trong sáng và tất cả

đối với chúng dường như đều rực rỡ hơn nhiều. Mặt trời chói lọi hơn, tiếng
sấm vang rền hơn, mưa to hơn và cỏ mọc cao hơn. Cả lòng người cũng rộng
mở hơn, nỗi đau thương cũng sâu sắc hơn và mảnh đất quê hương cũng chứa
13
nhiều bí ẩn hơn gấp hàng nghìn lần”. Chính bởi trẻ thơ nhìn đời bằng cặp
mắt trong trẻo, nên chúng luôn ngạc nhiên và xúc động hay nói như nữ thi sĩ
Xuân Quỳnh: Tấm lòng ấy (trẻ em) là tình thương, là lòng tốt, sự nhạy cảm
phong phú. Khi có được tấm lòng ấy ta có thể nghe được sự giận dữ của cỏ
cây trong cơn bão, nụ cười của những bông hoa mùa xuân, niềm vui của con
chim mẹ khi bay đùa vớ đàn con, sự gắng sức đầy can đảm của chú ngựa kéo
chiếc xe nặng nề lên dốc … Như vậy, trong việc tiếp nhận văn học của trẻ
MG, vấn đề tri thức và kinh nghiệm rất cần, nhưng quan trọng hơn vẫn là cảm
xúc. Đó là năng lực hóa thân của các em với cái nhìn ngây thơ, giản đơn về sự
giống nhau giữa tác phẩm và cuộc sống. Trẻ luôn cho rằng thế giới nghệ thuật
trong TPVH cũng là hiện thực ngoài đời nên dễ dàng đồng cảm và thực lòng
muốn chia sẻ.
Đặc điểm tưởng tượng của trẻ MG.
Trí tưởng tượng của trẻ MG phát triển mạnh mẽ, nhất là lứa tuổi MG
lớn. Trí tưởng tượng bay bổng giúp các em khám phá thế giới và thỏa mãn
nhu cầu nhận thức của bản thân, đặc biệt tâm hồn các em có mối giao cảm kì
lạ với truyện cổ dân gian và tưởng tượng trở thành cầu nối giữa hai thế giới
hiện thực và hư ảo. Các em tin vào thế giới huyền bí, với bao phép lạ và
ngược trở lại, những yếu tố hoang đường ấy làm cho tư duy tưởng tượng phát
triển. Nhà tâm lí học M.Arnauđôp trong cuốn “Tâm lí học sáng tạo văn học”
(1978) đã nhận định “Sáng tác hoang đường thích hợp với tư duy trẻ em -
những người chưa quen với chuyện tầm phào của cuộc sống, chưa được
những kinh nghiệm cay đắng làm cho khôn ngoan…Đối với trẻ em, những gì
làm xúc động mạnh mẽ là phương tiện duy nhất để làm cho trí tưởng tượng
và tính nhạy cảm hoạt động”
Trí tưởng tượng là một phần quan trọng của các quá trình tâm lí, nó góp

phần tích cực vào hoạt động tư duy và nhận thức của trẻ. Tưởng tượng của trẻ
14
gắn chặt với xúc cảm. Đó là quan hệ hai chiều. Tưởng tượng phụ thuộc vào sự
phát triển của cảm xúc, cảm xúc càng sâu sắc thì tưởng tượng càng phát triển
để phụ thuộc với tình cảm đó, và ngược lại, tưởng tượng cũng giữ vai trò
trong việc làm giàu thêm những kinh nghiệm cảm xúc của trẻ. Tưởng tượng
được phát triển thông qua các hoạt động giáo dục. Qua các hoạt động giáo
dục, trẻ xâu chuỗi được các sự kiện bằng trí tưởng tượng phong phú của mình
và tích lũy được vốn biểu tượng trong từng hoạt động, sau đó, trong những
thời điểm và hoàn cảnh cụ thể, trẻ sẽ có những sự liên tưởng cần thiết. Việc
nuôi dưỡng và phát triển trí tưởng tượng là một trong những nhiệm vụ quan
trọng của giáo dục mầm non. Trong đó việc cho tiếp xúc với TPVH mà đặc
biệt là sáng tác thần kì của mảng truyện cổ dân gian giúp ích rất nhiều trong
việc bồi dưỡng trí tưởng tượng cho trẻ.
Đặc điểm tư duy và nhận thức của trẻ MG.
Ở lứa tuổi MG, đặc biệt là độ tuổi MG lớn, tư duy của trẻ đã có một
bước ngoặt cơ bản: đó là sự chuyển tư duy từ bình diện bên ngoài vào bình
diện bên trong. Bên cạnh tư duy trực quan hành động, trẻ mẫu giáo đã biết tư
duy và suy diễn trừu tượng. Đây là điều kiện thuận lợi để cảm thụ tốt hình
tượng nghệ thuật, các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mà các nghệ sĩ dân
gian gửi gắm trong các sáng tác của họ. Trong giai đoạn này, ngôn ngữ của trẻ
đã phát triển, trẻ đã biết sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện để tư duy.
Khi tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật, trẻ không chỉ dừng ở việc nhận biết các
nhân vật, các hình tượng nghệ thuật, thích mô phỏng lời nói, hành động của
các nhân vật, trẻ bắt đầu biết so sánh, phân tích các nhân vật trong tác phẩm,
từ đó nhận thức về nhân vật một cách sâu sắc. Đây cũng chính là điều kiện
thuận lợi để GDVHTT của người Mường cho trẻ MG. Tận dụng điều kiện
này, GV giúp trẻ làm quen các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của người
Mường, giúp các em lĩnh hội được các giá trị tốt đẹp và có thái độ đúng đắn
15

nhằm góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị VHTT tốt đẹp của
dân tộc.
Trẻ MG tư duy một cách cụ thể, gắn liền với những hình ảnh, màu sắc
và âm thanh, do đó tính cụ thể của ngôn ngữ trong tác phẩm có liên quan mật
thiết tới sự tiếp nhận văn học của trẻ. TPVHDG Mường chủ yếu do nhân dân
lao động sáng tác với lối trình diễn giản dị, mộc mạc, ngôn từ cụ thể, dễ hiểu,
các sự kiện diễn ra trong mang mầu sắc li kì, với thời gian xa vời vợi, cái
“ngày xưa” huyền bí nhưng lại hợp với tư duy “vật ngã đồng nhất” ở trẻ em:
ngày xưa các loài vật biết nói tiếng người hay lúa ngô lúc chín tự biết đi về
nhà; Mường trời với Mường đất sát nhau và xa dần là do người dân Mường
dùng chày giã gạo, mỗi lần nâng chày lên để giã thì trời nâng lên một chút và
do người mường ăn ba bữa nên càng giã gạo nhiều hơn kết quả làm cho trời
ngày càng xa đất như ngày nay…
Tóm lại, lứa tuổi MG là lứa tuổi nhạy cảm với cái đẹp và luôn khao
khát được tiếp xúc, khám phá cái đẹp. Vì vậy khi trẻ làm quen với TPVH trẻ
thường bộc lộ cảm xúc một cách trực tiếp, khao khát được nghe kể các câu
truyện cổ dân gian, được chìm đắm vào không gian lộng lẫy, kì ảo, vạn vật là
bầu bạn…. Tuy nhiên, khác với người lớn, trẻ em lứa tuổi MN chỉ có thể đọc
tác phẩm một cách gián tiếp và sự tiếp nhận TPVH của trẻ bị chi phối bởi các
quá trình tâm lí. Chính vì vậy, GV cần phải hiểu những đặc điểm tâm lí rất cơ
bản của trẻ để có thể phát huy được sức mạnh của văn học trong việc giáo dục
trẻ MG nói chung và giáo dục một số giá trị nổi bật trong VHTT của người
Mường nói riêng.
1.2. Cơ sở giáo dục học
Giáo dục VHTT cho trẻ MG cũng giống như các nội dung giáo dục
khác ở trường mầm non, cần phải được tổ chức như một quá trình sư phạm và
tuân theo hệ thống các nguyên tắc, các phương pháp dạy học.
16
Xuyên suốt trong quá trình tổ chức các hoạt động CSGD mầm non hiện
nay là quan điểm dạy học lấy trẻ em làm trung tâm, phát huy tối đa tính tích

cực, chủ động và sáng tạo của người học trong mọi hoạt động; Giáo dục
hướng đến “vùng phát triển gần nhất” và nội dung giáo dục trẻ cần tập trung,
tích hợp trong những chủ đề gần gũi, xuất phát từ cuộc sống thực tiễn của trẻ.
Theo A.N.Leonchiev (Lý thuyết hoạt động) thì nhân cách của trẻ em
chỉ được hình thành và phát triển trong hoạt động, nhà giáo dục phải coi trọng
hoạt động chủ đạo của trẻ từng độ tuổi để lựa chọn nội dung, phương pháp và
hình thức tổ chức khác nhau phù hợp với đặc điểm của trẻ. Quan điểm dạy
học “lấy trẻ em làm trung tâm” và phát huy tính tích cực của trẻ trong hoạt
động luôn được đề cao. Ở đây, trẻ em là người chủ động, tích cực tham gia
các hoạt động trải nghiệm, khám phá còn GV là người giữ vai trò tổ chức,
hướng dẫn trẻ hoạt động trên cơ sở nhu cầu, hứng thú của người học. Việc sử
dụng TPVHDG Mường nhằm GDVHTT của người Mường cho trẻ MG cũng
cần quán triệt quan điểm dạy học này. Để nâng cao được hiệu quả giáo dục,
nhất thiết các nội dung giáo dục VHTT của người Mường phải được tổ chức
trong các hoạt động mà trẻ được trực tiếp khám phá, trải nghiệm. Ví dụ: Trẻ
nghe cô giáo kể trích đoạn về Sự tích rượu cần, đồng thời được khám phá trực
tiếp sinh hoạt văn hóa này trong tiếng cồng chiêng, với các làn điệu dân ca…
những ấn tượng của trẻ về một nét sinh hoạt truyền thống của người Mường
sẽ được khắc sâu hơn.
Lí thuyết dạy học hướng đến “vùng phát triển gần nhất” của
L.X.Vưgôtxki cho rằng dạy học cần thấy trước sự phát triển nhận thức của
trẻ em, bằng cách tiếp cận được “vùng phát triển gần nhất”. Vùng phát triển
gần nhất là giới hạn cao nhất mà trẻ có thể đạt được bằng cách tự làm hoặc có
sự trợ giúp một chút của người lớn. Theo ông, nhà giáo dục là “điểm tựa” của
trẻ trong những lúc cần thiết, tạo điều kiện và cơ hội cho trẻ vươn lên. Ông
17
cũng chứng minh nếu đặt trẻ vào một môi trường kích thích thì trẻ có thể đạt
được những giai đoạn nhận thức nhanh hơn. Vận dụng quan điểm này đối với
việc giáo dục VHTT của người Mường cho trẻ MG thông qua hoạt động
LQTPVH, cô giáo MN trong quá trình tổ chức hoạt động, đặc biệt là để trẻ có

thể khám phá các giá trị VHTT được phản ánh trong hệ thống TPVH, thì cần
xây dựng được một môi trường lớp học chứa đựng các giá trị VHTT của
người Mường hấp dẫn, kích thích hứng thú của trẻ và đồng thời tạo ra các tình
huống, đặt nhiều câu hỏi khuyến khích trẻ phải suy nghĩ để trả lời.
Quan điểm giáo dục tích hợp nhìn nhận thế giới tự nhiên, xã hội và con
người như một chỉnh thể thống nhất, các nội dung CSGD được tích hợp xoay
quanh các chủ đề gần gũi, xuất phát từ chính cuộc sống thực tế của trẻ. Đây
cũng chính là điều kiện thuận lợi để đưa các nội dung giáo dục VHTT của
người Mường vào trong chương trình CSGD trẻ ở các trường MN trong tỉnh
Hòa Bình. Trong đó, hoạt động LQTPVH là một trong những hoạt động
chiếm ưu thế, bởi VHDG Mường chính là lời ăn tiếng nói, nếp nghĩ và phản
ánh chân thực đời sống văn hóa của người Mường với các giá trị đặc sắc về
phong tục tập quán, về văn hóa ứng xử, về những lễ hội mang đậm tính nhân
văn cần được gìn giữ và phát huy.
Thực tiễn đã chứng minh, với trẻ mầm non các TPVHDG đặc biệt là
truyện cổ luôn có sức hấp dẫn kì lạ. Các em dễ tin tưởng vào những điều thần
kì, bay bổng, chân lí đơn giản về sự chiến thắng của cái thiện… Truyện kể
dân gian, âm nhạc và trò chơi dân gian là những món ăn tinh thần không thể
thiếu được với các em. Bởi vậy việc sử dụng TPVHDG Mường làm phương
tiện để giới thiệu và giáo dục VHTT của người Mường là một trong những
con đường giáo dục phù hợp.
Tóm lại, việc sử dụng TPVHDG Mường nhằm giáo dục VHTT của
người Mường cho trẻ MG để đạt được hiệu quả cần phải được tổ chức như
18
một quá trình sư phạm. Trước tiên mỗi nhà trường cần xây dựng được một
môi trường chứa đựng các giá trị VHTT để trẻ có thể HĐ, môi trường này cần
có sự chung tay xây dựng giữa phụ huynh, GV và các cấp quản lí. Bên cạnh
đó, việc tổ chức HĐ cần tuân theo những nguyên tắc và quan điểm giáo dục
hiện đại, trong đó các nội dung giáo dục VHTT phải được lựa chọn phù hợp
với độ tuổi, xuất phát từ chính cuộc sống thực tế của trẻ, thu hút được sự quan

tâm cũng như tạo được tâm thế, tình cảm, xúc cảm của trẻ với các giá trị
VHTT tốt đẹp của dân tộc.
1.3. Văn hóa và văn hóa truyền thống
1.3.1. Khái niệm “Văn hóa”
Văn hóa là sản phẩm của loài người do từng cộng đồng dân tộc và con
người trong quá trình sống, lao động tích lũy nên. Tìm hiểu khái niệm văn hóa
là một vấn đề tương đối phức tạp và còn nhiều bàn cãi. Văn hóa có thể hiểu
theo nhiều phương diện và bình diện khác nhau, bởi bản thân nó có một nội
hàm hết sức phong phú, liên quan đến sự sáng tạo của con người từ cái nhỏ
nhất cho đến cái lớn nhất trên mọi lĩnh vực sinh tồn
Trong từ điển Tiếng Việt, khái niệm “văn hóa” được giải thích với các nghĩa:
1. Tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng
tạo ra trong quá trình lịch sử: kho tàng văn hóa dân tộc; văn hóa phương Tây;
2. Những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống
tinh thần, nói chung: sinh hoạt văn hóa văn nghệ;
3. Tri thức, kiến thức khoa học: học văn hóa; trình độ văn hóa;
4. Trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh: người
thiếu văn hóa; cư xử rất có văn hóa; gia đình văn hóa;
5. Tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần của một thời
kì lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật tìm thấy
19
được có những đặc điểm giống nhau: văn hóa Đông Sơn; văn hóa Sa Huỳnh.
[40;1705]
Trong hội nghị toàn thể khóa 31 họp ngày 02/11/2001, tổ chức
UNESCO đã thông qua bản “Tuyên ngôn phổ quát về Đa dạng văn hóa”,
trong đó có nêu lên định nghĩa chung về văn hóa: “Văn hóa phải nên được
nhìn nhận như một tập hợp những nét khác biệt về đời sống tinh thần, vật
chất, trí tuệ và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm xã hội, nó bao gồm văn
học nghệ thuật, thêm vào là lối sống, phong cách chung sống, hệ giá trị,
truyền thống và tín ngưỡng ” (Dẫn theo Nguyễn Thừa Hỷ, Văn hóa Việt Nam

truyền thống, một góc nhìn [16;9])
Có rất nhiều cách hiểu về khái niệm “văn hóa”, trong phạm vi nghiên
cứu của đề tài, chúng tôi lựa chọn khái niệm “văn hóa” hiểu theo nghĩa chung
và nghĩa riêng của tác giả Nguyễn Thừa Hỷ.
Theo nghĩa chung, văn hóa là toàn bộ phức hợp những mô thức ứng
xử, hệ giá trị và thành tựu của con người – xã hội trong các mối quan hệ với
môi trường thiên nhiên, quần thể cộng đồng và thế giới tâm linh
Theo nghĩa riêng, văn hóa là những nét đặc trưng của đời sống mang
tính phổ biến cho một cộng đồng người, đồng thời là bản sắc khu biệt khi đối
sánh với những cộng đồng người khác. [16;9]
1.3.2. Khái niệm “truyền thống”
Theo từ điển Tiếng Việt, từ “truyền thống” có nghĩa:
+ Danh từ: Thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ,
được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: truyền thống yêu nước; gia đình
có truyền thống hiếu học.
+ Tính từ: có tính chất quen thuộc từ lâu đời, được truyền từ thế hệ này
sang thế hệ khác: trang phục truyền thống; nghề thủ công truyền thống; nghi
lễ truyền thống. [40;1637]
20
Theo tác giả Hà Nhật Thăng, “truyền thống” có một số đặc trưng cơ
bản sau:
+ Đó là những giá trị tinh thần, tư tưởng, tâm lí, đạo đức… tốt đẹp, có tác
dụng củng cố, phát triển quan hệ xã hội, tạo ra sức mạnh cho con người vượt qua
khó khăn trong cuộc sống để phát triển xã hội và hoàn thiện nhân cách.
+ Truyền thống được hình thành một cách tự nhiên, trải qua một thời
gian nhất định của cuộc sống, giao lưu xã hội, hoạt động thực tế… Ví dụ như
truyền thống yêu nước nảy sinh trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giữ
gìn giang sơn của Tổ quốc…
+ Truyền thống là những giá trị được nhiều người thừa nhận là những
giá trị tốt đẹp, cần giữ gìn, phát triển, được mọi người thực hiện như một nhu

cầu tất yếu không cần có sự giám sát của cơ quan pháp luật, những hành vi
của mọi người được điều chỉnh bằng dư luận của cộng đồng xã hội và lương
tâm của mỗi người… Sức mạnh của truyền thống chính là cái sức mạnh của
khả năng tự điều chỉnh của mỗi cá nhân sao cho phù hợp với đòi hỏi của cộng
đồng xã hội…
Như vậy, có thể thấy truyền thống là những tập tục, thói quen và nói
chung là những kinh nghiệm xã hội được hình thành từ lâu đời trong lối sống
và nếp nghĩ của con người, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Truyền thống của dân tộc phản ánh nhiều mặt của cuộc sống xã hội như: đạo
đức, văn hóa, truyền thống lao động xây dựng đất nước, truyền thống làng xã,
truyền thống gia đình…Truyền thống có khả năng điều chỉnh nhận thức tình
cảm, thái độ, ý chí và hành vi của con người trong cuộc sống hàng ngày.
1.3.3. Văn hóa truyền thống (VHTT)
Yếu tố cốt lõi của mỗi nền văn hóa chính là hệ thống những giá trị, hệ
thống giá trị của mỗi nền văn hóa được duy trì bằng truyền thống văn hóa.
21
Giá trị VHTT được truyền lại cho đời sau và trở thành động lực nội sinh phát
triển đất nước.
Vậy VHTT là gì? Theo tác giả Trần Ngọc Thêm: “VHTT là những giá
trị tương đối ổn định (những kinh nghiệm tập thể) thể hiện dưới những khuôn
mẫu xã hội được tích lũy và tái tạo trong cộng đồng người qua không gian và
được cố định hóa dưới dạng những phong tục tập quán, nghi lễ, luật pháp, dư
luận…”
Theo tác giả Trần Văn Giàu: “Giá trị truyền thống được hiểu là những
cái tốt, bởi vì những cái tốt mới được gọi là giá trị. Thậm chí không phải bất
cứ cái gì tốt đều được gọi là giá trị; mà phải là cái tốt cơ bản, phổ biến có
nhiều tác dụng tích cực cho đạo đức, cho sự hướng dẫn nhận định, đánh giá
và dẫn dắt hành động của một dân tộc thì mới mang đầy đủ ý nghĩa của khái
niệm giá trị truyền thống”
VHTT có thể khái quát ở những đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất là tính giá trị (là tính chất cốt yếu của VHTT): Giống như văn
hóa nói chung, VHTT mang tính giá trị. VHTT trở thành một bộ phận thiết
yếu của cuộc sống và góp phần phát triển cuộc sống. VHTT mang tính giá trị
vì nó là chuẩn mực, là thước đo cho hành vi đạo đức, cho những quan hệ ứng
xử giữa người và người trong một cộng đồng, một giai cấp, một quốc gia, một
dân tộc nhất định.
Thứ hai là tính lưu truyền. Văn hóa nảy sinh, phát triển trong suốt chiều
dài lịch sử của dân tộc. Những giá trị của nó được chuyển giao, tiếp nối qua
nhiều thế hệ, được giữ gìn và không ngừng phát huy lên một tầm cao mới.
Thực tiễn lịch sử văn hóa Việt Nam đã chứng minh: qua hàng nghìn năm lịch
sử, các giá trị VHTT Việt Nam như chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn,
ý thức cộng đồng được lưu truyền, phát triển tạo thành một hệ giá trị mới của
dân tộc.
22
Thứ ba là tính ổn định, là một trong những tính chất đặc trưng của
VHTT. Những giá trị của VHTT được gạn lọc, khẳng định qua nhiều thế hệ,
nó trở thành các giá trị chân, thiện, mỹ được lịch sử thừa nhận. Nó là một
trong những hệ giá trị của văn hóa dân tộc, một thành tố ổn định của ý thức xã
hội. VHTT trở thành những khuôn mẫu được cố định hóa dưới dạng nghệ
thuật, phong tục tập quán, nghi lễ, dư luận xã hội, pháp luật. Ở nước ta, truyền
thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”… trở thành những giá trị
ổn định. Nó là những thước đo, khuôn mẫu đánh giá nhân cách con người,
hành vi của mỗi cá nhân và cả cộng đồng xã hội. (Dẫn theo các tác giả Lê
Hữu Ái, Trần Quang Ánh, “Vấn đề giáo dục giá trị VHTT cho sinh viên trong
bối cảnh hiện nay ở nước ta”, tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà
Nẵng, số 5.2008, tr 119 - 120)
Giữa truyền thống và truyền thống văn hóa có mối quan hệ thống nhất
nhưng không đồng nhất. Truyền thống mang trong nó tính hai mặt. Một mặt,
truyền thống góp phần suy tôn, giữ gìn những gì quý giá, là cốt cách, là nền
tảng cho sự phát triển của cộng đồng dân tộc. Ở góc độ này, truyền thống

mang những giá trị tích cực, là chỗ dựa không thể thiếu cho của mỗi dân tộc
trên con đường đi đến tương lai. Tuy nhiên, mặt khác truyền thống còn là nơi
dung dưỡng, duy trì, làm sống lại mặt bảo thủ, lạc hậu khi điều kiện hoàn
cảnh đã thay đổi. Mặt này góp phần tiêu cực: kìm hãm và có ảnh hưởng xấu
đến sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. VHTT là một bộ phận của truyền
thống, là mặt tích cực, mặt giá trị cần phát huy của truyền thống.
Như vậy, nói đến VHTT là nói đến những truyền thống đã được lịch sử đánh
giá, khẳng định ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng trong một giai đoạn nhất định.
1.3.4. Giáo dục VHTT cho trẻ mầm non
Giáo dục VHTT cho trẻ ngay từ lứa tuổi mầm non là việc làm quan
trọng, góp phần hình thành nhân cách và giáo dục toàn diện cho trẻ.
23
Mục tiêu cao nhất của hoạt động văn hóa là vì con người, vì sự phát
triển và hoàn thiện con người. VHTT với hệ thống các giá trị và tính chất cơ
bản thực hiện các chức năng như chức năng nhận thức, chức năng giáo dục,
chức năng thẩm mĩ (chức năng giáo dục được đánh giá là chức năng bao trùm
và quan trọng nhất)… Những chức năng đó đều hướng tới việc bồi dưỡng và
hình thành nhân cách cho cá nhân và cộng đồng: “Văn hóa thực hiện chức
năng giáo dục (giáo dục truyền thống) không chỉ bằng những giá trị ổn định
mà còn bằng những giá trị đang hình thành. Các giá trị đã ổn định và những
giá trị đang hình thành tạo thành một hệ thống chuẩn mực mà con người
hướng tới. Nhờ nó, văn hóa đóng vai trò quyết định trong việc hình thành
nhân cách ở con người, trồng người, dưỡng dục nhân cách. Một đứa trẻ được
sống với cha mẹ sẽ được giáo dục theo truyền thống văn hóa của gia đình
mình được sinh ra; còn nếu bị rơi vào rừng, đứa trẻ ấy sẽ mang tính cách của
loài thú” [54;63]
Đối với trẻ em, giáo dục VHTT là giúp các em lĩnh hội được những
kinh nghiệm lịch sử - xã hội cha ông ta tích lũy qua nhiều thế hệ, ẩn chứa
trong tất cả các sản phẩm, đồ dùng sinh hoạt … gắn bó với môi trường sống
xung quanh trẻ. Đồng thời với việc lĩnh hội tri thức và kinh nghiệm, trẻ cũng

được hình thành thái độ yêu mến, biết trân trọng những thành quả lao động
của cha anh. Các em cũng chính là những nhân tố tiếp tục bổ sung những tri
thức, kinh nghiệm, tạo nên những giá trị mới để tạo thành những giá trị VHTT
truyền lại cho thế hệ sau.
Tóm lại, việc GDVHTT cho trẻ ngay từ lứa tuổi mầm non là việc làm
cần thiết, góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển toàn diện
nhân cách trẻ. Và “GD hành vi văn hóa cho trẻ cần kế thừa những nét tinh
hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đó là cốt cách ứng xử của người Việt Nam cần
được hun đúc vào lối sống của thế hệ trẻ.[47;129]
24
1.3.5. Văn hóa truyền thống của người Mường tỉnh Hòa Bình
Tỉnh Hòa Bình được thành lập cách đây không lâu (1972) nhưng “văn
hóa Hòa Bình” có một bề dày truyền thống đáng tự hào, được khẳng định là
“những giá trị to lớn để lại cho Việt Nam và thế giới”. J.Cuisinier, tiến sĩ văn
học người Pháp, người có công trình “Người Mường địa lí nhân văn và xã hội
học” nổi tiếng đã viết trong lời tựa của cuốn sách trên như sau: “Việc nghiên
cứu người Mường là cần thiết, giống như việc nghiên cứu tỉ mỉ tất cả các dân
tộc khác ở Đông Dương”[58;17]
Theo dòng chảy của lịch sử, người Mường là chủ nhân lâu đời nhất của
mảnh đất Hòa Bình (chiếm trên 60% dân số toàn tỉnh). Từ thời xa xưa, người
Mường đã cư trú ở khắp các huyện thị trên địa bàn tỉnh, nhưng mức độ phân bố
không đồng đều cả về số lượng dân và mật độ phân bố. Các trung tâm trù phú
nhất của người Mường ở Hòa Bình với những cái tên như: Mường Bi, Mường
Vang, Mường Thàng, Mường Động.(Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động)
Nói đến văn hóa Hòa Bình là nhắc đến văn hóa của người Mường trên
đất Hòa Bình. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, dân tộc học, ngôn ngữ học và
văn hóa học… người Mường và người Việt cùng một gốc, tộc Việt – Mường
hình thành từ lâu trong lịch sử Việt Nam. Người Mường ở Hòa Bình không
chỉ gần gũi với người Việt về chủng tộc, tiếng nói và địa lí (kế cận với vùng
đồng bằng Bắc Bộ, nơi cư trú của người Việt), mà các yếu tố văn hóa cũng có

những nét tương đồng. GS Nguyễn Từ Chi, người rất gắn bó và có nhiều công
trình nghiên cứu về văn hóa của người Mường đã khẳng định “Hai dân tộc
này chỉ tách rời nhau vào khoảng cuối thời Bắc thuộc, cuối thế kỉ VIII và IX
thuộc Công nguyên”.
VHTT của người Mường độc đáo và phong phú, một mặt do có sự giao
lưu văn hóa giữa các vùng miền, mặt khác VHTT của người Mường có một
bản sắc riêng, thể hiện trong quan niệm, lối sống, tập tục… đặc biệt nhất là ở
25

×