Tải bản đầy đủ (.docx) (2 trang)

Thơ ca Việt Nam miêu tả non sông gấm vóc đất nước

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (59.32 KB, 2 trang )

Đề bài: Thơ ca Việt Nam miêu tả non sông gấm vóc đất nước
Cảnh sắc non sông đất nước luôn là một đề tài bất tận trong các sáng tác thơ ca Việt
Nam. Có biết bao nhà thơ, nhà văn vì say đắm trước cảnh đẹp quê hương mình mà viết nên
những tác phẩm bất hủ, để đời. Từ thơ ca trung đại đến hiện đại, chúng ta đã bắt gặp biết bao
những tác phẩm như thế.
Ngay từ thời trung đại, thơ ca Việt Nam đã trở nên đa dạng sắc màu với những bài thơ
viết về phong cảnh thiên nhiên, đất nước của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Bà Huyện Thanh
Quan Trần Nhân Tông vì đắm mình trong vẻ đẹp yên bình, êm ả của vùng quê Thiên Trường
mà viết nên “Thiên Trường vãn vọng”. Bài thơ tuy chỉ có bốn câu những đã khắc họa thật sắc
nét một bức tranh giản dị, đơn sơ mà tuyệt đẹp. Toàn bộ cảnh sắc thơ mộng được vị vua thu
gọn vào trong từng câu chữ, đặc biệt là ở bốn chữ “bán vô bán hữu” (nửa như có nửa như
không). Dường như vào lúc chiều tàn, khung cảnh thiên nhiên nơi phủ Thiên Trường trở nên
mờ ảo hơn, lúc ẩn lúc hiện, chìm dần vào sương khói. Giữa cảnh sương khói mờ ảo đó, nhà
thơ bắt gặp hình ảnh mục đồng dắt trâu về, cò trắng từng đôi sà xuống cánh đồng trong tiếng
sáo văng vẳng của trẻ chăn trâu. Hình ảnh mục đồng, cò trắng, cùng tiếng sáo vốn là những gì
hết sức thân thuộc nơi thôn quê dân dã. Ấy vậy mà lại khiến vị vua cao quý rung động và viết
nên những dòng thơ. Điều đó chứng tỏ ông là một người có tâm hồn luôn gắn bó máu thịt với
quê hương, xứ sở mình. Bài thơ khép lại nhưng lắng đọng cảm xúc trong lòng người đọc vì
tác giả đã khắc họa nên quang cảnh thanh bình yên ả - một nét đẹp không thể thiếu trong
những cảnh đẹp của non sông Việt Nam.
Tạm biệt cảnh thôn quê yên bình, chúng ta tìm thấy sự trong trẻo và thanh khiết qua
cảnh thiên nhiên trong “Côn Sơn ca” của Nguyễn Trãi. Thi sĩ đã sử dụng thật khéo léo biện
pháp tu từ so sánh với tiếng suối và đá rêu xanh: “Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như
tiếng đàn cầm bên tai / Côn Sơn có đá rêu phơi / Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm”. Tiếng
suối chảy suốt ngày đêm được ví với tiếng đàn cầm êm dịu còn đá rêu phơi lại được ví với
chiếu êm. Qua cách ví von độc đáo này, ta cảm nhận được Nguyễn Trãi là một người rất sành
âm nhạc và cũng rất yêu mến thiên nhiên vì chỉ khi rất yêu thiên nhiên, thi sĩ mới có thể sáng
tạo nên những câu thơ tinh tế đến vậy. Tiếng suối, đá rêu, cùng rừng thông, bóng trúc là
những hình ảnh quen thuộc của Côn Sơn nhưng qua cách nói của Nguyễn Trãi, người đọc có
cảm giác nơi đây như chốn bồng lai tiên cảnh cho thi nhân ngồi “ngâm thơ nhàn”. Bài thơ đã
vẽ nên một Côn Sơn thật thoáng đạt, thanh tĩnh mà nên thơ. Đây cũng là một trong những


cảnh sắc đặc biệt cuốn hút của non sông đất Việt.
Người đọc cũng bị cuốn hút bởi vẻ đẹp chiều tà trong “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện
Thanh Quan. Khác với “Côn Sơn Ca”- bức tranh về một thiên nhiên đầy sức sống tươi mát,
“Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan lại khắc họa cảnh thiên nhiên hết sức hoang sơ,
tĩnh lặng vào lúc "xế tà". Đây chính là thời điểm dễ gợi nỗi buồn cho lòng người. Cảnh chiều
được nữ sĩ miêu tả với nhiều chi tiết đa dạng: cỏ cây, hoa lá, dãy núi, con sông, chợ, mấy túp
nhà, tiếng chim, vài chú tiều Điệp ngữ "chen" được lặp lại hai lần trong câu thơ “Cỏ cây
1
chen đá, lá chen hoa” cho thấy sức sống hoang dã, mãnh liệt của những loại cây cỏ và sự um
tùm rậm rạp của thiên nhiên. Đâu đó vọng lại trong sự tĩnh lặng là tiếng chim cuốc, chim đa
đa càng làm bức tranh chiều thêm sinh động nhưng vẫn mang nét buồn phảng phất. Giữa
khung cảnh hùng vĩ non nước, nhà thơ nảy sinh tâm trạng cô đơn khi thấy “lác đác” mấy túp
nhà đơn sơ và vài chú tiều. Tính từ “lác đác”, “lom khom” được sử dụng khéo kéo càng làm
tăng hiệu quả nghệ thuật của nó. Bài thơ đã gửi đến người đọc một bức tranh thiên nhiên với
núi đèo bát ngát nhưng hoang sơ vắng lặng, hòa trong tâm trạng cô đơn bâng khuâng của tác
giả. Những cảnh đẹp trong thơ trung đại được các thi sĩ khắc họa hết sức tinh tế và đa dạng
cho thấy thiên nhiên nước ta vô cùng phong phú, nhiều màu sắc.
Không chỉ xuất hiện trong thơ trung đại, cảnh sắc non sông gấm vóc Việt Nam còn xuất
hiện đầy mới mẻ trong những vần thơ hiện đại. Với “Cảnh khuya”, Hồ Chí Minh đã dẫn
người đọc vào thế giới Việt Bắc lúc đêm khuya. Cũng vẫn tiếng suối, ánh trăng của rừng núi
đã xuất hiện rất nhiều trong thơ trung đại nhưng bằng lối diễn đạt mới mẻ Hồ Chí Minh đã
khắc họa một Việt Bắc đầy thơ mộng huyền ảo. Nếu tiếng suối của Nguyễn Trãi trong “Côn
Sơn ca” được so sánh với tiếng đàn cầm thì tiếng suối của Hồ Chí Minh trong “Cảnh khuya”
lại được so sánh với tiếng hát xa. Giữa một bên là tiếng nhạc cụ và một bên là tiếng con người
thì quả nhiên tiếng hát mang lại cảm giác gần gũi, ấm áp hơn giữa rừng khuya hoang vắng.
Đặc biệt câu thơ “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” được Bác vẽ nên đẹp như một bức tranh.
Ánh trăng lồng vào vòm lá cổ thụ tạo nên những mảng tối đậm nhạt khác nhau gợi một bức
tranh nhiều tầng lớp, đường nét, hình khối. Hai câu thơ vừa lung linh huyền ảo vừa cổ kính,
trang nghiêm, khắc họa hình ảnh Việt Bắc về khuya thật đẹp và nên thơ.
Cũng vẫn với ánh trăng, Hồ Chí Minh đã lại vẽ nên một bức họa khác trong “Rằm tháng

Giêng”. Bài thơ là cảnh đêm trăng thơ mộng trên sông nước ở núi rừng Việt Bắc. Ánh trăng
trong “Rằm tháng Giêng” là vầng trăng xuân “lồng lộng” giữa một bầu trời xuân trong trẻo,
cao rộng. Đặc biệt, điệp từ “xuân” trong câu thơ “Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”
được lặp lại ba lần, làm cho sắc xuân dường như đã bao phủ cả trời đất, thấm cả vào sông
nước, vào mây trời. Kết lại bài thơ là một hình ảnh hết sức thi vị “Khuya về bát ngát trăng
ngân đầy thuyền”. Hình ảnh con thuyền trở vị lãnh tụ lướt đi nhẹ nhàng, chở đầy ánh trăng
hứa hẹn cuộc kháng chiến sẽ có một mùa gặt đầy bội thu trên cánh đồng tương lai đất nước.
Từ đây, ta thấy phong thái ung dung, lạc quan toát lên từ người chiến sĩ - thi sĩ cách mạng.
Bài thơ nhẹ nhàng, thơ mộng vừa khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên sông núi đất nước, vừa nói lên
vẻ đẹp tâm hồn ở vị lãnh tụ kính yêu.
Cảnh đẹp quê hương đất nước Việt Nam qua nhiều thế hệ vẫn giữ nguyên được nét mộc
mạc, đơn sơ, thanh khiết nhưng cũng vô cùng lung linh, mộng ảo, quyến rũ của nó. Qua thơ
ca, người đọc không chỉ hiểu thêm về những cảnh đẹp mình chưa được đặt chân tới mà còn
thêm yêu, thêm trân trọng, nâng niu những món quà mà tạo hóa ban cho ấy.
2

×