Tải bản đầy đủ (.pdf) (18 trang)

Bí quyết ôn thi tốt nghiệp PTTH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (149.06 KB, 18 trang )

BÍ QUYẾT ÔN THI
THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
** MÔN VĂN
Để thi môn Văn đạt điểm cao

Trước hết học sinh (HS) phải nắm chắc cấu trúc đề thi (do Bộ GD-ĐT ban hành) vì
cấu trúc đề thi không chỉ thể hiện rõ dạng thức đề thi mà còn bao gồm phạm vi
kiến thức cụ thể cần ôn tập.
Theo đó, mỗi đề thi đều có hai phần: phần chung (bao gồm một câu hỏi yêu cầu tái
hiện kiến thức và một câu yêu cầu HS viết bài văn nghị luận xã hội ngắn); phần
riêng (yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học). Kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung
vào các đơn vị kiến thức cơ bản của chương trình lớp 12, kỳ thi ĐH-CĐ sẽ bao
gồm cả một phần chương trình lớp 11 (không có văn học nước ngoài). Thời gian
quy định làm bài với kỳ thi tốt nghiệp THPT là 150 phút, với ĐH-CĐ là 180 phút.
Ở phần chung: HS cần chú ý các phần kiến thức giao nhau của hai chương trình
(Cơ bản - Nâng cao). Đối với câu hỏi yêu cầu tái hiện kiến thức, phải nắm chắc
những kiến thức khái quát về giai đoạn, tác gia văn học cũng như những kiến thức
cụ thể trong những bài học về tác phẩm văn học Việt Nam (hoàn cảnh sáng tác, giá
trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm hoặc đoạn trích ).
Riêng phần kiến thức về ba tác giả, tác phẩm văn học nước ngoài ở kỳ thi tốt
nghiệp THPT, HS cần nắm được những nét chính về tiểu sử, sự nghiệp sáng tác và
những kiến thức về tác phẩm (tóm tắt tác phẩm, đoạn trích, giá trị nội dung - nghệ
thuật, các chi tiết tiêu biểu ). Câu trả lời tái hiện kiến thức cần được trình bày
ngắn gọn, rõ ràng, có thể gạch đầu dòng chứ không nhất thiết phải trình bày thành
một đoạn văn. Đối với câu yêu cầu HS viết bài văn nghị luận xã hội ngắn, cần chú
ý dung lượng (400 từ với tốt nghiệp THPT, 600 từ với kỳ thi ĐH-CĐ). Thực tế cho
thấy, nhiều HS còn khá lúng túng đối với dạng đề này. Các em cần xác định ngay
từ đầu những bước (thao tác) cơ bản của dạng đề nghị luận xã hội về hiện tượng
đời sống hoặc tư tưởng đạo lý. Đầu tiên cần làm rõ vấn đề nghị luận (qua giải
thích, phân tích, chứng minh) rồi mới bàn luận (khẳng định ý kiến, bàn luận mở
rộng, liên hệ thực tế ). Dẫn chứng thực tế cho dạng đề này là cần thiết nhưng


không nên lạm dụng, tránh tình trạng dài dòng, lan man.
Ở phần riêng: HS chú ý các dạng đề nghị luận văn học (về tác phẩm - đoạn trích
thơ, văn xuôi; nghị luận về một ý kiến bàn về văn học). Cần thể hiện trong bài làm
những hiểu biết khái quát về tác giả, tác phẩm (nên để ở phần đầu của bài viết)
cũng như đánh giá, nhận xét, nâng cao vấn đề (nên để ở cuối bài viết). Trước khi
bắt tay vào làm bài văn, nhất thiết phải lập dàn ý đại cương đề hình dung hệ thống
lập luận (luận điểm, luận cứ, trình tự sắp xếp các ý ). Để đáp ứng được yêu cầu
của đề thi ĐH-CĐ, khi làm bài, cần vận dụng kiến thức văn học sử, lý luận văn học
vì đây là kiến thức công cụ giúp các em kiến giải, vận dụng khi đứng trước một
hiện tượng văn học.
Thạc sĩ Triệu Thị Huệ (Tổ trưởng tổ Văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong,
TP.HCM)


MÔN TOÁN
Để đạt điểm cao môn Toán

Khi gặp các bài toán đòi hỏi phải vận dụng nhiều kiến thức, học sinh cần bình tĩnh.
Nên đọc kỹ đề, phân tích các giả thiết, các kiến thức liên quan đến giả thiết và kết
luận để tìm ra mối liên hệ giữa giả thiết và kết luận, từ đó đề ra các hướng giải cho
bài toán. Thực hiện các hướng giải đã đưa ra và chọn lời giải tốt nhất.
Các em cũng nên tự làm cho mình một đề cương ôn tập rồi tiến hành ôn tập theo
từng chủ đề. Mỗi một chủ đề các em cần: Hệ thống các kiến thức cơ bản; tóm tắt
phương pháp giải của các dạng bài tập; ghi chú những sai sót thường mắc phải.
Cần ôn tập theo cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT vì qua các kỳ thi tốt nghiệp THPT
và tuyển sinh ĐH-CĐ các năm qua, đề thi Bộ ra đúng với cấu trúc đã ban hành.
Khi ôn tập, các em cần lưu ý những phần kiến thức như:

Về giải tích


1. Khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị các hàm số: bậc ba, bậc 4 trùng phương và
hàm hữu tỷ bậc 1/bậc 1 thật thành thạo. Một số bài toán liên quan đến khảo sát
hàm số như: Viết phương trình tiếp tuyến, biện luận sự tương giao giữa hai đường,
biện luận số nghiệm của phương trình bằng đồ thị, điều kiện để hàm số tăng hay
giảm trên một tập cho trước, điều kiện để hàm số có cực trị Tìm giá trị lớn nhất,
giá trị nhỏ nhất của hàm số trên tập hợp X cho trước
2. Phương trình, bất phương trình mũ và lô-ga-rit: Cần nắm vững các công thức
biến đổi mũ, lô-ga-rit và cách giải các phương trình, bất phương trình cơ bản như:
đưa về cùng cơ số; đặt ẩn phụ; mũ hóa hay lô-ga-rit hóa
3. Nguyên hàm, tích phân và ứng dụng: Tìm nguyên hàm của các hàm số cơ bản;
tính các tích phân dạng cơ bản (lưu ý tích phân của f(x) = sinmx.cosnx, các tích
phân từng phần thường gặp); tính diện tích hình phẳng; tính thể tích hình tròn xoay
quanh trục Ox.
4. Số phức: Biết tìm phần thực - phần ảo - môđun của số phức. Tìm số phức liên
hợp. Làm thành thạo các phép toán cộng, trừ, nhân chia số phức. Nắm vững cách
giải phương trình bậc hai với hệ số thực

Về hình học không gian

1. Các công thức tính thể tích khối đa diện: Luyện tập làm các bài toán tính thể tích
của: tứ diện; của các hình chóp: đều; có đáy là hình vuông, hình chữ nhật, hình
thang và một cạnh bên vuông góc đáy; có đáy là hình vuông, hình chữ nhật, hình
thang và một mặt bên vuông góc đáy; của các hình lăng trụ: đứng, có hình chiếu
của một đỉnh thuộc đáy này là một điểm đặc biệt của đáy kia.
2. Nắm các công thức tính diện tích xung quanh, thể tích của mặt cầu, mặt trụ, mặt
nón. Tập trung vào các bài toán tính diện tích xung quanh; tìm tâm và bán kính của
mặt cầu ngoại tiếp hình chóp.

Về hình học giải tích


1. Tọa độ điểm và véc-tơ: Nắm cách tìm các điểm đặc biệt trong tam giác, trong tứ
diện. Các công thức tính thể tích tứ diện, diện tích tam giác.
2. Nắm vững cách lập phương trình mặt phẳng trong các trường hợp cơ bản sau: đi
qua ba điểm; đi qua một điểm và vuông góc với một đường thẳng; đi qua một điểm
và song song với một mặt phẳng; đi qua một điểm và song song với hai đường
thẳng; chứa một đường thẳng và vuông góc với một mặt phẳng; chứa hai đường
thẳng song song; đi qua một đường thẳng và song song với một đường thẳng khác;
đi qua một điểm và qua một đường thẳng. Nắm các công thức tính khoảng cách từ
điểm đến mặt phẳng; giữa hai mặt phẳng song song, xét vị trí tương đối của hai
mặt phẳng.
3. Nắm vững cách lập phương trình đường thẳng trong các trường hợp cơ bản sau:
đi qua hai điểm; đi qua một điểm và vuông góc với một mặt phẳng; đi qua một
điểm và song song một đường thẳng; đi qua một điểm và vuông góc với hai đường
thẳng Cách xét vị trí giữa hai đường thẳng; giữa một đường thẳng và một mặt
phẳng. Biết tìm hình chiếu của điểm trên đường thẳng; trên mặt phẳng.
4. Với mặt cầu cần nắm được cách lập phương trình mặt cầu trong các trường hợp
thường gặp: đi qua 4 đỉnh của một tứ diện; có tâm và tiếp xúc với một mặt phẳng;
qua ba điểm và có tâm nằm trên một mặt phẳng; qua hai điểm và tâm thuộc một
đường thẳng. Nắm vững cách tìm tâm và bán kính của đường tròn giao tuyến giữa
mặt phẳng và mặt cầu.
Trong quá trình ôn tập, các em cũng nên bám sát tài liệu Chuẩn kiến thức và kỹ
năng môn Toán của Bộ GD-ĐT.
Muốn đạt kết quả tốt trong các kỳ thi, các em nên tập cho mình thói quen cẩn thận.
Cần đọc kỹ đề, xác định đâu là các câu hỏi quen thuộc và dễ thực hiện (ưu tiên giải
trước), còn các câu hỏi khó sẽ giải quyết sau. Thứ tự các câu hỏi được giải là tùy
theo khả năng giải quyết của thí sinh, không nên bị lệ thuộc vào thứ tự trong đề
bài. Trong đề thi, mỗi câu hỏi đều có một chướng ngại đòi hỏi phải suy luận một
chút thì mới vượt qua, do đó các em cần tỉnh táo để tìm ra hướng giải tốt nhất.
Trình bày lời giải rõ ràng, không làm tắt, viết tắt dễ bị giám khảo trừ điểm. Làm
xong câu nào cần xem lại cho kỹ để biết mình có sai sót gì không và đánh dấu các

câu đã làm rồi, tránh trường hợp làm sót câu hỏi
Thạc sĩ Nguyễn Duy Hiếu (Tổ trưởng tổ Toán trường THPT chuyên Lê Hồng Phong,TP.HCM)

MÔN ANH
Để đạt điểm cao môn Tiếng Anh

Đối với môn Tiếng Anh, học sinh cần nắm vững kiến thức căn bản như cách dùng
các thì, sự hòa hợp giữa các thì, thụ động cách, câu gián tiếp, mệnh đề tính từ,
mệnh đề danh từ, mệnh đề trạng từ Trong trường hợp các em mất căn bản, nên
nhờ sinh viên hoặc giáo viên có kinh nghiệm kèm riêng để bổ sung ngay kiến thức.
Bên cạnh đó, thường xuyên làm bài tập để ôn luyện các kiến thức là cách để nhớ
sâu. Nếu là bài tập dạng trắc nghiệm, các em phải tự lý giải cho việc chọn lựa các
câu trả lời của mình. Tránh tình trạng chọn câu trả lời một cách hú họa, vừa mất
thời gian, vừa không hiệu quả. Ghi chú câu hỏi thuộc các phần văn phạm không
biết, không hiểu rõ để nhờ bạn hoặc thầy cô hỗ trợ. Việc làm này sẽ giúp các em
nhớ từ vựng, giới từ và các điểm văn phạm đã học.
Ngoài ra, các em sưu tầm các đề thi học kỳ, tốt nghiệp THPT và ĐH - CĐ của các
năm học trước để nắm vững dạng đề thi. Trong lúc làm các đề thi này, các em nên
tự canh giờ, làm bài nghiêm túc như khi đi thi. Sau đó so kết quả làm bài với đáp
án, tự chấm bài, ghi chú những phần lỗi sai để xem lại hoặc nhờ bạn bè, thầy cô
giải thích.
Đặc biệt, học sinh nên đọc thêm các bài đọc có nội dung liên quan với các bài
khóa. Cụ thể: Đối với thi tốt nghiệp THPT là các đề tài trong sách giáo khoa lớp
12, đối với thi đại học là các đề tài trong sách giáo khoa THPT để mở rộng kiến
thức, vốn từ, củng cố văn phạm và rèn kỹ năng đọc hiểu. Vì đề thi nào cũng có
phần đọc hiểu gồm 5 hoặc 10 câu chiếm từ 1 đến 1,5 điểm. Để tăng cường về kỹ
năng này, học sinh có thể tham khảo chiến lược làm bài đọc hiểu trong các sách
luyện thi TOEFL hoặc IELTS.
Thông thường khi làm bài thi, học sinh hay mắc sai về giới từ đặc biệt là các giới
từ cực kỳ quen thuộc như: on Monday, On 2th September, leave London, leave for

London Tiếp theo là sai về cấu trúc câu đơn giản như there is, there are, sự hòa
hợp giữa các thì, sự hòa hợp giữa chủ từ và động từ, cách dùng động từ khiếm
khuyết Về phân chia thời lượng làm bài, các em hay dừng quá lâu ở mỗi câu, mất
nhiều thời gian cho phần đầu của đề thi (trắc nghiệm) và không
đủ thời gian làm các câu hỏi phần sau (đôi khi dễ hơn). Như vậy các em bị mất
điểm sẽ rất uổng.
Tóm lại, vì là môn thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan nên các em không
nên học tủ.
Tốt nhất là thường xuyên làm các bài thi thử và canh giờ, trung bình phút cho một
câu hỏi. Nếu đã hết một phút mà các em vẫn chưa chọn được câu trả lời, các em
nên đánh dấu câu hỏi đó, làm sang câu kế tiếp. Khi làm xong bài sẽ quay lại các
câu đã đánh dấu. Trường hợp không đủ giờ để suy nghĩ cho các câu khó, các em
nên chọn theo trực giác - một "chiêu" rất quen thuộc khi làm bài trắc nghiệm.
Lê Thị Kim Loan (Tổ trưởng Tổ tiếng Anh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM)

………………………………………………………….

THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC – CAO ĐẲNG

Bí quyết ôn thi của các thủ khoa

Để có điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, nhiều thủ khoa của các
trường ĐH lớn đã có những bí quyết học tập rất bổ ích. Kinh nghiệm của họ
sẽ là bài học quý dành cho thí sinh (TS) trong kỳ thi sắp tới.

Chịu khó làm bài tập

Đây là kinh nghiệm của hầu hết các thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ năm
2009 khi nói về bí quyết thành công của mình. Nguyễn Thị Thảo - Á khoa khối
D1, ĐH Hải Phòng, cho rằng quan trọng nhất là phải chịu khó làm bài tập, vì làm

nhiều sẽ vỡ ra khá nhiều điều cần thiết. Nguyễn Tiến Dũng, thủ khoa khối A
trường Đại học Luật Hà Nội cũng nhấn mạnh làm nhiều và thành thạo nhiều dạng
bài tập để có kỹ năng phân loại các dạng bài là chìa khóa để tìm được cách giải tối
ưu. Ngô Chí Hiếu - thủ khoa Đại học Bách khoa TP.HCM với số điểm 30/30 lưu ý:
khi giải dạng bài tập nào cần nắm chắc dạng đó, tránh làm bài tràn lan (cần phân
biệt giải nhiều dạng bài tập với giải nhiều đề thi).

Nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa

Nguyễn Tiến Dũng cho biết, học bất kỳ một môn học nào, việc đầu tiên là nắm
chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, từ đó mới đào sâu và mở rộng ra
những kiến thức liên quan. Với môn Vật lý, để ghi nhớ được phần lý thuyết được
cho là rất khó đối với không ít học sinh, Dũng chọn cách tìm hiểu bản chất của các
hiện tượng, sau đó mới học thuộc. Ngô Chí Hiếu đưa ra bí quyết không bị "lạc
đường " trong lúc ôn thi bằng cách bám sát vào tài liệu về cấu trúc đề thi ĐH của
Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, trước khi mua tài liệu tham khảo, cần hỏi ý kiến thầy cô và
nên chọn loại sách có cách sắp xếp các dạng bài tập theo từng chương như sách
giáo khoa để thuận tiện khi ôn thi.
Hiếu lưu ý: trên mạng có nhiều trang web giúp học sinh giải nhanh đề và bài thi
trắc nghiệm. Tuy nhiên, các bạn cần xác định chắc chắn cách học phù hợp với
mình. Hiếu rút ra công thức: thành công = nắm vững lý thuyết + chăm chỉ làm
nhiều dạng bài tập.

Biết cách kiểm tra kiến thức

Thủ khoa trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, Phạm Mạnh Cường là một trong 11
thí sinh trên cả nước đạt điểm số tuyệt đối 30/30. Cách học của Cường thuộc
diện "cổ điển", tức là tích lũy kiến thức từ từ, chắc chắn. Cường nói rằng kiến thức
được xây dựng như một công trình, phải bắt đầu từ những viên gạch thì mới có
một công trình bền vững.

Theo Lê Văn Huỳnh - thủ khoa khối A trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà
Nội), cách đơn giản và dễ thực hiện nhất là viết ra giấy những kiến thức, những
điều cần ghi nhớ. Điều này giúp nhớ nhanh và lâu hơn. Quách Đăng Hưng - Á
khoa ĐH Ngoại thương và ĐH Y Hà Nội có một nguyên tắc: buổi tối trước khi đi
ngủ dành từ 20 phút tới 1 giờ để làm bài kiểm tra trực tuyến kiến thức vừa học
hoặc vừa ôn luyện.
Vũ Thơ


Để thi trắc nghiệm đạt điểm cao

Những câu hỏi dạng trắc nghiệm thường được cài “bẫy”. Các giáo viên nhiều
kinh nghiệm sẽ giúp thí sinh (TS) biết cách vượt qua những trở ngại này.

Môn Sinh: Chú ý các câu “cài bẫy”

Môn này thi theo hình thức trắc nghiệm nên TS cần ghi nhớ các quy định khi làm
bài thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, cần đọc kỹ để xác định đúng câu hỏi,
gạch chân các từ "đúng", "sai", "không" vì có rất nhiều "bẫy" trong phần này.
Nếu đọc không kỹ chắc chắn sẽ dễ "sập bẫy".
Với câu hỏi yêu cầu tìm phương án "đúng", khi chưa xác định được chắc chắn câu
trả lời, TS nên dùng phép loại trừ các câu sai để chọn đáp án chính xác và ngược
lại, loại trừ các câu "đúng" để tìm một câu "sai" phù hợp với đề.
Với những câu vận dụng tính toán, giải bài tập thì làm nháp nhanh và không cần
qua các bước như bài tự luận. Chú ý học thuộc một số công thức cơ bản để giải
nhanh và chính xác.
Khi chuyển các câu đã làm từ đề thi sang phiếu thi, phải hết sức cẩn thận để tránh
nhầm lẫn, tô kín ô tròn (để máy quét không bỏ sót). Các câu còn lại nếu không kịp
thời gian xác định đáp án thì tốt hơn cả nên áp dụng xác suất theo linh cảm đúng
của mình.

Ths. Võ Quốc Hiển Giảng viên khoa Công nghệ sinh học trường ĐH Phương
Đông - Hà Nội

Môn Tiếng Anh: Các “chiến lược” đạt điểm cao

Phần đọc hiểu: Đề thi Tiếng Anh thường có từ 1 đến 2 bài đọc, chiếm tỷ lệ điểm từ
20-30% trên tổng điểm. Nhiều TS mất điểm oan khi làm bài đọc do một số lỗi sau:
cố tìm hiểu chi tiết nội dung của bài viết thay vì cần hiểu ý chính, thông tin câu hỏi
có sẵn trong bài hoặc những đáp án lựa chọn cho sẵn. Dành quá nhiều thời gian
cho tìm hiểu, phán đoán ý nghĩa của từ vựng thay vì hiểu ý chính của câu và của
đoạn để tìm ra ngay đáp án phù hợp. Làm theo thứ tự câu hỏi thay vì lựa chọn câu
hỏi và đáp án phù hợp với nội dung để hoàn thành. Chỉ đọc lướt ý của câu hỏi mà
không chú trọng vào nghĩa phủ định của các từ, dẫn đến việc hiểu nhầm nội dung
câu hỏi. Những dạng câu hỏi này hay xuất hiện phần phủ định ở cuối câu dùng với
liên từ như: but, except, excluding hoặc cụm từ: not true, not correct, not
mentioned, do(es)not refer
Phần câu hỏi ngữ âm: Phần thi này chỉ có 5 câu nhưng lại chiếm tỷ lệ xấp xỉ 10%
tổng điểm bài thi. Khi làm phần này, nếu TS không đọc bật hơi (phát thành tiếng)
các từ vựng thì khó xác định được dấu trọng âm, hoặc tìm ra cách đọc khác nhau
giữa các từ cho sẵn.
Chọn phương án sát nghĩa với câu cho sẵn: Phần thi này đòi hỏi kỹ năng viết
câu đúng của TS, thường chiếm tỷ lệ từ 8-15% tổng điểm. Muốn làm tốt, TS cần
lưu ý: phần lớn các câu cho sẵn được mặc định ở các dạng câu giao tiếp, hội thoại
nên khi chuyển ý (sang dạng bị động/chủ động; câu trực tiếp/gián tiếp) thường sử
dụng văn viết, do đó về cơ bản thì cấu trúc câu, chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ cũng
thay đổi theo. Câu hỏi có sử dụng các câu trần thuật, mệnh lệnh thức, câu cầu
khiến hoặc câu cảm thán khiến cho ý nghĩa của câu bị thay đổi, các động từ thường
được sử dụng để thay thế như: ordered, forced, demanded, requested, suggested,
warned, advised TS cần dùng tư duy và suy luận logic để hiểu rõ định dạng câu,
phân tích các mệnh đề chính, qua đó tìm ra ý nghĩa của câu, so sánh với các đáp án

tương đồng phù hợp.
Ths. Nguyễn Danh Huy Giảng viên mạng trực tuyến Global Education

Ôn thi ĐH khối C

Là những môn học bài nhưng thí sinh (TS) cũng cần có phương pháp ôn tập
khoa học và “mẹo” làm bài mới có thể đạt kết quả cao.


Môn Văn: Chú ý cách làm bài nghị luận xã hội

Theo cấu trúc đề thi năm 2010 của Bộ GD-ĐT, môn Văn có câu hỏi về kiểu bài
nghị luận xã hội. Hai dạng bài cụ thể là: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý và nghị
luận về một hiện tượng đời sống. Dung lượng bài viết quy định khoảng 600 từ.
Để làm tốt kiểu bài nghị luận xã hội, TS không chỉ biết vận dụng thao tác cơ bản
của bài văn nghị luận (như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh,
bác bỏ ) mà còn phải trang bị cho mình kiến thức về đời sống xã hội. Bài làm nhất
thiết phải có dẫn chứng thực tế tuy nhiên cần tránh tình trạng lạm dụng dẫn chứng
mà bỏ qua các bước đi khác của quá trình lập luận.
TS cần làm rõ vấn đề nghị luận, sau đó mới đi vào đánh giá, bàn luận, rút ra bài
học cho bản thân. Thực tế cho thấy, nhiều TS mới chỉ dừng lại ở việc làm rõ vấn
đề nghị luận mà coi nhẹ khâu thứ hai, vốn được coi là phần trọng tâm của bài văn
nghị luận.
Thạc sĩ Triệu Thị Huệ
- Trưởng bộ môn Văn - trường THPT chuyên Lê Hồng Phong,TP.HCM



Môn Lịch sử: Nắm các sự kiện có hệ thống


Khi ôn tập, học sinh (HS) cần phải nắm vững toàn bộ những kiến thức cơ bản của
chương trình bằng cách chia theo từng giai đoạn lịch sử. Bên cạnh đó, HS phải có
kỹ năng khái quát, so sánh, liên hệ, lập bảng thống kê để tổng hợp các sự kiện,
trình bày một cách có hệ thống các sự kiện trong từng giai đoạn lịch sử. Từ đó, dễ
dàng giải thích các sự kiện, liên hệ thực tế
Để bài làm thi môn Lịch sử đạt kết quả cao, nên vạch đề cương sơ lược cho mỗi
câu trước khi làm bài. Chú ý số điểm của mỗi câu để phân phối thời gian hợp lý.
Tránh những lỗi thường gặp như câu văn lủng củng, viết sai chính tả, trình bày
không rõ ràng, viết lan man, lập luận thiếu logic, rời rạc, không tập trung vào chủ
đề của câu hỏi Tránh những sai sót về địa danh, tên nhân vật lịch sử, niên đại
Nguyễn Tiến Vinh - giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - TP.HCM


Môn Địa lý: Nên lập dàn ý tổng quát

Đề thi luôn có 1 câu kỹ năng 3 điểm, các em cần phải rèn luyện kỹ năng vẽ, nhất là
vẽ lược đồ Việt Nam. Trong kỳ thi ĐH-CĐ, đề thi thường yêu cầu TS phải biết vẽ
lược đồ Việt Nam với chiều dài bằng tờ giấy thi.
Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, TS không được sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam.
Về cách làm bài, TS nên đọc kỹ đề ít nhất 3 lần, gạch chân ý chính, sau đó lập dàn
bài tổng quát để bài làm đầy đủ theo đúng trình tự và nên xuống dòng sau mỗi ý.
Không viết tắt, không dùng các ký hiệu như mũi tên, vòng tròn, hoa thị Chọn câu
dễ, câu ngắn làm trước.
Đọc lại bài trước khi nộp, nếu thấy sai chỉ cần gạch chéo, tránh tô, xóa. Nếu thấy
thiếu, không viết chen vào vì nhiều khi chữ nhỏ quá hoặc các dòng chèn vào nhau
khó đọc. Tốt nhất làm bổ sung ở bên dưới, nhớ ghi câu số mấy và ghi thêm chữ bổ
sung (ví dụ: câu 3 bổ sung). Khi chấm đến phần cuối, giám khảo sẽ cho điểm bổ
sung vào câu đó.
Trần Văn Quang - tổ trưởng Địa lý trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa -
TP.HCM

B.Thanh (ghi)

…………………………………………….
HỌC THI ĐỢT I

Giúp thí sinh làm bài thi đại học đạt điểm cao

Môn Toán: Thực hiện nguyên lý “3 Đ”

Nguyên lý này được cô đọng và theo thứ tự: "Đúng – Đủ – Đẹp".
Đúng chiến lược làm bài: Thực hiện theo nguyên lý: "Hết nạc vạc đến xương" tức
câu quen thuộc hoặc dễ làm trước, câu khó làm sau. Nếu câu khó bạn bỏ qua,
không làm ra hoặc làm sai thì nguy cơ trượt đại học không lớn (bạn chỉ thua rất ít
người làm được câu khó) nhưng nếu câu dễ bạn không giải được, làm sai, làm
không đến nơi đến chốn thì bạn rất dễ trượt (vì bạn sẽ thua hàng vạn người làm
được câu dễ). Đúng đáp số: Nếu bài làm có đáp số đúng, bố cục ổn thì giáo viên
chấm lần 1 có thể cho điểm tối đa và đánh ký hiệu để dễ thống nhất điểm với giáo
viên chấm lần 2. Nếu đáp số sai thì thường giáo viên sẽ tìm điểm sai gần nhất để
chấm cho nhanh. Vì vậy đúng đáp số là rất quan trọng thậm chí có nhiều người lập
luận chưa chính xác nhưng vẫn được điểm tối đa. Đúng chương trình SGK: Làm
đúng đáp số nhưng bạn phải dùng kiến thức đã học trong chương trình SGK. Đúng
thời gian: Có nhiều TS không biết phân bố thời gian, trình bày quá cẩn thận dẫn
đến có câu đã giải xong trên giấy nháp nhưng hết thời gian để viết vào bài thi.
Cũng có nhiều TS làm bài nhanh nhưng không xem lại bài kỹ nên bị mất điểm
đáng tiếc.
Đủ các câu hỏi: TS cần điều tiết thời gian để làm hết các câu hỏi theo trình tự từ dễ
đến khó, tránh tốn quá nhiều thời gian cho một câu hỏi để không còn giờ suy nghĩ
câu khác. Trình bày đầy đủ: Do thang điểm chi tiết đến 0,25 nên những bài có lập
luận đầy đủ sẽ dễ đạt điểm tối đa.
Tìm lời giải đẹp: Khi gặp một bài toán, bạn cần ưu tiên cách giải cơ bản để xử lý

nhanh mà không nên loay hoay mất thời gian tìm cách giải đẹp. Tuy nhiên ở một
số bài toán đẳng cấp cần một đường lối giải thông minh, ngắn gọn. Trình bày đẹp:
Mặc dù trong môn Toán yếu tố đẹp bị xem nhẹ hơn rất nhiều so với yếu tố đúng,
nhưng nếu 2 bài thi có nội dung tương tự nhau thì bài có trình bày đẹp dễ được
điểm cao hơn từ 0,5 đến 1 điểm.
Giáo viên Trần Phương - Giảng viên môn Toán, Trung tâm hỗ trợ phát triển
tài năng, Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam


Môn Vật lý: Ôn nhanh các kiến thức trọng điểm

Thời gian này học sinh (HS) cần nhanh chóng tóm tắt, tổng hợp lại một cách hệ
thống phần lý thuyết và rèn luyện thật kỹ các dạng bài tập cơ bản trong SGK.
Trong quá trình ôn tập HS cần bám sát cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT vì nội dung
đề thi sẽ xoay quanh những vấn đề nêu trong cấu trúc này.

Đối với câu hỏi trắc nghiệm về lý thuyết, đề thi sẽ khai thác tối đa các hiện tượng,
khái niệm hoặc công thức mà HS do chưa nắm kỹ dễ bị nhầm lẫn. Chẳng hạn: Khái
niệm cùng pha, lệch pha giữa các đại lượng vật lý; các khái niệm dao động điều
hoà, dao động tuần hoàn, dao động cưỡng bức, dao động tắt dần, dao động riêng,
dao động duy trì; tính chất và tác dụng của các bức xạ không nhìn thấy; tính chất
và ứng dụng của các loại sóng vô tuyến điện; các hiện tượng tán sắc, giao thoa ánh
sáng, hiện tượng quang điện, quang dẫn, hiện tượng phóng xạ
Sau đó, HS nên bắt đầu việc luyện giải các bài tập tự luận ở các dạng cơ bản theo
từng chủ đề.
Khi làm bài, TS cần đọc kỹ phần dẫn của câu hỏi, tránh các "bẫy" gây nhiễu.
Không được bỏ sót một từ nào của phần dẫn để nắm thật chắc nội dung mà đề bài
yêu cầu trả lời. Cân nhắc để chọn đúng phương án trả lời. Chú ý tới các từ phủ
định như “không”, “không đúng”, “sai”…. Đọc tất cả bốn phương án trình bày
trong phần lựa chọn. Cần tránh những trường hợp vừa đọc được một

phương án đã cảm thấy đúng ngay và không đọc các phương án tiếp theo. Phải biết
tạm bỏ qua những câu "rắc rối", để chuyển sang làm những câu khác "dễ hơn" rồi
quay trở lại làm những câu đó sau. Không bỏ sót hoặc để trống bất kỳ câu nào. Khi
thời gian làm bài thi gần hết mà còn một số câu chưa giải quyết xong, nên quyết
đoán nhanh phương án trả lời cho tất cả các câu, nhưng cũng đừng bỏ qua "quy
luật xác suất" trong việc chọn phương án trả lời trắc nghiệm.

Giáo viên Nguyễn Đức Hiệp -Trưởng dự án Giáo dục trực tuyến Mạng Việt
Nam GO.VN
Vũ thơ-B.Thanh (ghi)

HỌC THI ĐỢT II

Để làm bài thi hiệu quả thi tuyển sinh ĐH đợt 2

Môn Sinh: Xem kỹ phần toán xác suất

Theo thầy Trần Ngọc Danh -Tổ trưởng tổ Sinh trường THPT chuyên Lê Hồng
Phong, TP.HCM thì độ khó phần bài tập của đề thi tăng dần từng năm. Đề thi môn
Sinh học sẽ có từ 25 - 30 bài tập và phân hóa cao. Cả thầy Danh và thầy Nguyễn
Lâm Quang Thoại - trường THPT Marie Curie - TP.HCM, đều khẳng định trọng
tâm sẽ ở chương 1 (Đột biến) và chương 2 (Các quy luật di truyền), Trong đó, phần
di truyền sẽ chiếm khoảng 30 câu, phần tiến hóa chiếm khoảng 10 câu và phần sinh
thái 10 câu. Phần di truyền, TS phải xem kỹ và nắm thật vững việc áp dụng toán
xác suất cơ bản.

Môn Toán: Cố lấy điểm tối đa phần khảo sát hàm

Thầy Phạm Hồng Hải - giáo viên Toán trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, cho
biết: “Đề thi sẽ ra phần khảo sát hàm số và vấn đề liên quan. Phần này, TS phải

quyết tâm kiếm điểm tối đa vì dễ lấy điểm nhất. Ở phần tự chọn, cần phải hệ thống
lại kiến thức thật chắc để làm được câu lượng giác, vì câu này cũng dễ lấy điểm”.
Thầy Hải lưu ý thêm khi làm môn Toán, TS cần viết ra các bước trung gian, mỗi
câu làm xong phải kiểm tra kết quả ngay. TS phải trình bày đến nơi đến chốn và sử
dụng chính xác các ký hiệu.

Môn Hóa: Nên xem phần chuyển dịch cân bằng

Thạc sĩ Đặng Văn Thành - trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM)
khuyên: “Đề thi môn Hóa khối A của đợt 1 cho thấy chương trình trải đều. Vì thế,
đến thời điểm này, TS không nên chú ý đến những bài tập dạng mới nữa, mà cần
xem lại SGK để nắm chắc kiến thức, nhắm vào phần suy luận. TS nên để ý kỹ phần
chuyển dịch cân bằng. Đề thi đợt 1 vừa rồi có vài câu hơi lạ. Nhưng kinh nghiệm
cho thấy đối với các câu khó như vậy, TS nên nhìn vào đáp án vì đáp án đã là gợi
ý khoảng 30% câu trả lời rồi”.

Môn Văn: Ôn kỹ phần văn học Việt Nam hiện đại

Có nhiều kinh nghiệm, PGS-TS Trần Hữu Tá - Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu -
Giảng dạy văn học TP.HCM nhận xét: Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT có sự đổi
mới trong cách ra đề Văn kỳ thi ĐH-CĐ, có cả nghị luận văn học lẫn nghị luận xã
hội. Trong những câu nghị luận văn học, bên cạnh việc kiểm tra kiến thức còn có
câu kiểm tra kỹ năng viết như phân tích, bình giảng. Năm nay, chắc chắn đề Văn
cũng sẽ đầy đủ những câu như vậy. Do đó, TS cần nắm vững những nội dung cơ
bản về tác giả - tác phẩm, cũng như chú ý đến kỹ năng phân tích, đánh giá, liên
tưởng để bài viết được sâu hơn. Đề Văn sẽ rơi chủ yếu vào kiến thức từ học kỳ 2
lớp 11 và toàn bộ kiến thức lớp 12, TS chú ý học tốt phần Văn học Việt Nam hiện
đại.

Môn Sử: Sẽ khó hơn năm trước


Thầy Đoàn Danh Đào - giáo viên luyện thi tại TP.HCM - dự đoán đề Sử năm nay
có khả năng sẽ khó hơn năm ngoái. Phần lịch sử Việt Nam, TS nên chú ý giai đoạn
kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975 và 3 phong trào cách mạng 1930 - 1931, 1936
- 1939, 1939 - 1945. Lịch sử thế giới nên ôn tập về sự kiện Hội nghị Yalta (Liên
Xô cũ) tháng 2.1945. Ngoài ra, lưu ý phần quan hệ quốc tế và cuộc cách mạng
khoa học công nghệ.

Môn Địa: Cần làm tốt các dạng câu hỏi lý thuyết

Cô Châu Thị Nguyệt - cựu giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
TP.HCM, dặn dò: “Ở phần chung, các em cần nắm chắc kiến thức địa lý tự nhiên,
địa lý dân cư, địa lý các vùng kinh tế. Trong phần riêng, lưu ý nội dung về chất
lượng cuộc sống (phần Địa lý dân cư), tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (Địa
lý kinh tế - Chuyển dịch cơ cấu kinh tế), vấn đề lương thực, thực phẩm ở đồng
bằng sông Cửu Long (Địa lý kinh tế - Địa lý các vùng kinh tế)

Môn Anh văn: Chú ý cụm từ cố định

Theo thầy Nguyễn Hoàng Đỉnh - giáo viên luyện thi môn Anh văn, thì: “TS cần
chú ý đến cụm từ cố định vì theo tôi đề sẽ ra phần này và phần viết lại câu có nghĩa
tương đương”.

Nằm trong chương trình, không có trọng tâm

PV Thanh Niên đã trao đổi với ông Ngô Kim Khôi (ảnh) - Phó vụ trưởng Vụ Giáo
dục ĐH (Bộ GD-ĐT) về những lưu ý dành cho TS.
* Theo ông, TS cần lưu ý gì về đề thi của đợt 2?
- Về đề thi đợt 2, tôi lưu ý rằng nội dung nằm trong chương trình và SGK, không
có trọng tâm, trọng điểm. Vì thế, nếu TS có mang theo tài liệu vào phòng thi cũng

sẽ không thể sử dụng được mà còn bị lập biên bản đình chỉ thi.
* Thưa ông, đợt 1 vừa qua, những TS bị xử lý kỷ luật chủ yếu mắc những lỗi gì?
Ông có lưu ý gì cho TS dự thi đợt 2?
- Cả 3 buổi thi trong đợt 1 có 104 trường hợp TS vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật,
trong đó có 18 bị khiển trách, 5 cảnh cáo và 81 bị đình chỉ thi. Trong số TS bị đình
chỉ thi, có xấp xỉ 70% trường hợp do mang điện thoại di động vào phòng thi. Vì
vậy, ngay sau khi kết thúc đợt 1, Bộ GD-ĐT đã có công điện gửi Hội đồng tuyển
sinh các ĐH, học viện và các trường ĐH yêu cầu cán bộ coi thi phải phổ biến kỹ
quy chế tuyển sinh cho TS trong buổi làm thủ tục dự thi ngày 8.7. Nhắc nhở TS
tuyệt đối không được mang điện thoại di động vào phòng thi. * Quy chế cho phép
TS được mang giấy nháp vào phòng thi. Vậy làm thế nào để kiểm soát được giấy
nháp và tài liệu, thưa ông?
- Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu Hội đồng tuyển sinh các trường thực hiện nghiêm
túc, đúng quy định việc ký giấy thi và giấy nháp của TS. Cụ thể: Với các môn thi
tự luận, cán bộ coi thi thứ nhất ký vào giấy thi và giấy nháp của TS, sau khi TS đã
ghi đầy đủ họ tên, số báo danh và các mục cần thiết khác. Các môn thi trắc nghiệm,
cả hai cán bộ coi thi ký vào phiếu trả lời trắc nghiệm và giấy nháp trước khi phát
cho TS. Đối với các trường đã chuẩn bị đầy đủ giấy thi và giấy nháp thì TS không
được mang theo giấy nháp riêng vào phòng thi. Giấy nháp phải có chữ ký của cán
bộ coi thi mới hợp lệ. Nếu cán bộ coi thi quên không ký thì TS phải yêu cầu ký,
nếu không, giấy nháp đó sẽ bị xem là tài liệu mang trái phép vào phòng thi.
Vũ Thơ
(thực hiện)

Kinh nghiệm thi môn năng khiếu

Ở một số ngành, ngoài các môn thi theo đề chung của Bộ GD-ĐT còn đòi hỏi
thí sinh phải có những năng khiếu đặc thù.

Thi trở thành “kiến”


Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM có ngành Kiến trúc công trình và Quy hoạch đô thị
cùng thi khối V. Trong đó, môn Toán, Lý thi theo đề chung khối A, còn môn năng
khiếu là Vẽ mỹ thuật (vẽ đầu tượng).
Dụng cụ cần được chuẩn bị gồm: bút chì đen, gôm, que đo, băng keo, bảng nhỏ (30
- 40 cm). Ngoài ra, giấy và ghế ngồi do nhà trường chuẩn bị sẵn. Bước vào phòng
thi, dựa theo mẫu tượng có sẵn mà thí sinh thể hiện bài thi của mình.
Với khối H thi vào ngành Mỹ thuật công nghiệp và Thiết kế nội - ngoại thất, ngoài
môn Văn thi theo đề chung khối C còn có 2 môn năng khiếu: Vẽ hình họa mỹ thuật
và Vẽ trang trí màu. Cũng như môn Vẽ mỹ thuật, các bước thực hiện môn Vẽ hình
họa mỹ thuật cũng yêu cầu thể hiện về cấu trúc, tỷ lệ, hình, khối, chất liệu. Tuy
nhiên cái khác là ở sự đòi hỏi cao hơn ở đề mẫu với tính chất động của người thật.
Môn Vẽ trang trí màu lại đòi hỏi kiểm tra kiến thức về trang trí và màu sắc. Nếu
như vẽ hình họa lý tính hơn, cần có cách nhìn chuẩn xác, bao quát và toàn diện hơn
để vẽ đúng đề mẫu, thì Vẽ trang trí màu lại kiểm tra về khía cạnh tư duy trang trí,
cảm nhận màu và phối màu. Thí sinh cần chuẩn bị hộp màu (poster colour), cọ vẽ,
bảng, dụng cụ pha màu (palette), ống đựng nước, giấy can (còn trắng tinh)
Lời khuyên dành cho thí sinh thi các môn năng khiếu này, thạc sĩ Mai Quế Vũ,
Trưởng khoa Mỹ thuật trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cho rằng: “Cũng như các
môn học khác, thí sinh cần bình tĩnh đọc kỹ đề, nhận diện đúng đề trước khi giải
quyết bài thi theo các bước đã được học.Điều cần tránh ở thí sinh là nhìn đề mẫu
và vẽ như chép. Đây là môn năng khiếu đòi hỏi sự sáng tạo cá nhân. Tuy nhiên, để
làm tốt bài thi thí sinh phải cần có sự chuẩn bị kỹ càng và bài bản
về kiến thức chuyên môn cũng như rèn luyện thường xuyên để có những kỹ năng
cần thiết”.

Nhập vai ca sĩ

Một trong những ngành “nóng” của trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM là
Thanh nhạc, chuyên đào tạo ca sĩ nhạc nhẹ. Thí sinh phải trải qua môn năng khiếu

là hát 2 bài tự chọn và xướng âm. Trong đó, đề thi xướng âm sẽ đưa ra một đoạn
nhạc chừng 3 - 4 dòng (tương đương khoảng 15 - 20 ô nhịp) để thí sinh nhìn vào
hát đúng cao độ, trường độ, tiết tấu, nốt nhạc mà không có nhạc cụ hỗ trợ.
Với phần thi hát, thí sinh phải nhập vai làm ca sĩ để trực tiếp trình diễn trước ban
giám khảo với sự hỗ trợ của nhạc đệm. Không chỉ thể hiện chất giọng mà thí sinh
cần cho giám khảo thấy cả phong cách điệu bộ và ngoại hình.
Trong khi ngành Nhiếp ảnh thuộc lĩnh vực tạo hình, năng khiếu thể hiện là chụp
ảnh và hình họa. Trong đó, môn chụp hình có đề thi chung kèm theo các bộ mẫu
vật (trái cây, hình tròn, hình tam giác, tượng ) để thí sinh tự sắp xếp và chụp trong
thời gian 10 phút. Thí sinh tự mang theo máy ảnh của mình, chụp xong file ảnh
(phim) sẽ được mang đi rửa để chấm bài. Với cách này, đề thi kiểm tra năng khiếu
tạo hình, cách cảm nhận hình khối trong hội họa, sắp xếp bố cục, lấy ánh sáng,
khẩu độ, góc nhìn, đồng thời là “cái hồn” mà thí sinh muốn thể hiện qua tác phẩm.
Ngành Sư phạm giáo dục đặc biệt (trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM) cũng đòi
hỏi người học thi phải có những năng khiếu đa dạng về nhạc, múa và đọc diễn
cảm. Trong phần thi nhạc, ngoài hát một bài tự chọn thí sinh còn phải trải qua phần
thi thẩm âm. Nếu thí sinh không tự múa một bài tự chọn thì có thể nhờ ban giám
khảo múa trước và thí sinh làm theo, tuy nhiên nếu có sự chuẩn bị trước thí sinh sẽ
chủ động hơn.
Ngoài ra, ban giám khảo có thể hỏi một vài câu hỏi tình huống để kiểm tra thêm về
sở thích, hứng thú và sự yêu nghề của thí sinh. Bà Nguyễn Thị Phương Nga, Phó
hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM cho biết: “Với loại câu hỏi phụ
này, mặc dù không có trong biểu điểm cứng nhưng thí sinh vẫn có thể
được thưởng tối đa 1 điểm nếu câu trả lời cho thấy sự tâm huyết và gắn bó với
nghề”.
Hà Ánh



Ôn thi tại nhà


Khác với số đông thí sinh (TS) luôn tìm đến các trung tâm, lò luyện thi cấp
tốc, một bộ phận TS đã chọn cách ôn thi tại nhà.

Nhớ lâu và làm chủ được bản thân

Bạn Lương Xuân Phát (Q.Gò Vấp, TP.HCM) học khối A, đăng ký thi vào ngành
Kế toán của trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết: “Dù có điều kiện nhưng em
vẫn chọn cách tự ôn. Học ở nhà em có thể làm chủ thời gian, sắp xếp lịch ôn phù
hợp với mình. Bình thường em chia đều thời gian học cho cả 3 môn, nhưng khi cần
em sẽ tập trung vào môn mà mình cảm thấy yếu”.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với học sinh ôn thi tại nhà đó là sự tự
tin và tính độc lập. Rất tự tin vào bản thân, Nguyễn Trường Xuân (Q.12, TP.HCM)
thi trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ: “Nếu không có kiến thức nền
vững vàng thì dù có ôn ở các trung tâm, lò luyện thi lớn cũng chưa chắc đạt kết quả
cao. Ngược lại khi ôn ở nhà, mình có thể biết kiến thức của mình còn hổng chỗ nào
để tập trung ôn tập, bổ sung. Hơn nữa, với những đề khó nếu cố gắng giải được thì
mình sẽ nhớ rất lâu”.
Trong khi các bạn cùng lớp đua nhau đăng ký vào các trung tâm để luyện thi, Mai
Ngọc Toan (huyện Từ Liêm, Hà Nội) lại chọn cách đi riêng. “Thay vì đăng ký ôn ở
trung tâm, em dùng số tiền đó mua thêm các bộ đề, tài liệu tham khảo về nhà tự ôn.
Những chỗ không hiểu, em sẽ hỏi thầy cô cũ hoặc nhờ bạn chỉ giùm”.
“Việc ôn thi ĐH được ví như đi làm kinh doanh. Chúng ta không thể kinh doanh
thành công trong ngày một ngày hai, và đi thi ĐH cũng vậy. Kiến thức cần được
tích lũy trong quá trình liên tục suốt 3 năm học THPT. Thời gian một tháng còn lại
này chỉ nên tập trung vào hệ thống lại những gì mình đã có. Trên nền tảng kiến
thức ấy, học sinh sẽ vận dụng vào để giải bài tập” - ông Ngô Quang Thức - Giám
đốc Trung tâm gia sư Quang Thức, Q.12, TP.HCM, chia sẻ.
Học nhóm cũng là một lựa chọn tốt cho học sinh tự ôn. Quá trình thảo luận và làm
bài tập các bạn sẽ bổ sung được kiến thức cho nhau. Mặc dù vậy, các bạn

cũng có một chút lo lắng vì nếu không nghiêm túc và không có kế hoạch cụ thể thì
rất khó đạt kết quả khi ôn tại nhà.

Phụ huynh ủng hộ

Khác với tâm lý muốn con đi đến các trung tâm luyện thi cho yên tâm, nhiều bậc
phụ huynh đã có cách nhìn khác về vấn đề này. Cô Nguyễn Ngọc Hoa (mẹ của
Lương Xuân Phát) cho biết: “Thấy báo chí phản ánh tình trạng giáo viên ở các
trung tâm, lò luyện thi thường dạy theo kiểu “cấp tốc” nên tôi không mấy tin
tưởng. Phát cũng chăm chỉ và có ý thức học tập nên tôi để Phát tự ôn ở nhà. Hơn
nữa để con học ôn ở nhà, tôi cũng dễ chăm sóc hơn”.
Năm 2008, tự học ở nhà và thi vào Học viện Tài chính Hà Nội với số điểm tương
đối cao, năm nay Mai Ngọc Toản (quê ở Thanh Hóa) cũng đã định hướng cho em
trai tự học như mình. “Được mình động viên và chia sẻ kinh nghiệm nên em mình
khá tự tin để ôn thi tại nhà”, Toản chia sẻ thêm.
Còn Lương Thị Sâm, sinh viên năm 2, khoa Giáo dục chính trị (ĐH Sư phạm):
“Mình học khối C, kiến thức chủ yếu trong sách giáo khoa. Trước khi thi ĐH,
mình đọc lại bài học trong vở mà cô giáo cho ghi trên lớp, đồng thời đọc thêm tài
liệu và giải đề. Năm đó, mình thi được 18,5 điểm (ĐH) và 21 điểm (CĐ)”.
Trường hợp của Nguyễn Minh Toàn (quê Quảng Ngãi) cũng là một ví dụ cho hiệu
quả của việc tự ôn. Năm 2008, Toàn đăng ký thi khối A, ngành Địa chất, trường
ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. “Lúc đầu mình cũng có đăng ký đi ôn ở trung
tâm, nhưng sau khi ôn được nửa tháng thì mình nghỉ và chuyển qua ôn ở nhà. Khi
mình nghỉ ôn thi ở trung tâm, gia đình cũng hơi lo nhưng sau đó mình đã chứng
minh bằng kết quả đậu ĐH năm đó”.
Box: Ý kiến
* “Ôn thi tại nhà sau khi thi tốt nghiệp cũng là một lựa chọn tốt cho các bạn chuẩn
bị thi vào đại học. TS cần nắm vững các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, tập
giải các đề thi và cân đối thời gian để có thể kiểm soát được khả năng của mình.
Chuẩn bị đầy đủ tài liệu cần thiết: sách, báo, bộ đề, internet , hỏi thầy cô, bạn bè

những chỗ còn thắc mắc. Phân chia thời gian ôn tập hợp lý, tránh tình trạng chỉ ôn
những môn, phần kiến thức mà mình thích. Cân đối thời gian giữa học và giải trí
để tránh tình trạng căng thẳng”. Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng (Giáo viên Ngữ văn
trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7, TP.HCM)


* “TS nào đủ nghị lực, tự giác học tập thì không nên đến các lớp luyện thi cấp tốc.
Vì chỉ với thời gian chưa đầy 1 tháng, giáo viên dạy rất nhanh nên không thể thay
đổi được bản chất năng lực học tập của các em. Nếu các em tập trung học bài ở nhà
thì sẽ tiết kiệm được thời gian hơn nhiều. Đến các trung tâm luyện thi cấp tốc, TS
chỉ có lợi thế duy nhất là có nơi tập trung suốt mấy tiếng. Bên cạnh đó, thi thoảng,
TS sẽ gặp những giáo viên có lời giải hay, ngắn gọn giúp tiết kiệm thời gian khi
làm bài Tuy nhiên, do gần 90% TS hiện nay thiếu tính tự giác và do tâm lý, TS
coi luyện thi cấp tốc là một liều thuốc an thần trước khi bước vào kỳ thi nên các
trung tâm luyện thi vẫn đông”. Ông Phạm Hồng Danh (Giám đốc Trung tâm
luyện thi Vĩnh Viễn, TP.HCM)
Thanh Quý - Bích Thanh (ghi)

Đa dạng cách thức ôn thi

* Vũ Thơ

Lên web học thi
Đây là hình thức học tập tiết kiệm thời gian và chi phí, mỗi bài giảng trên mạng
giá từ 2.000-5.000 đồng. Có lẽ vì những tiện ích này mà nhiều trang web đã ra đời
để đáp ứng nhu cầu của TS. Một số trang web còn tổ chức thi thử ĐH với mô hình
trực tuyến nhằm giúp TS có cơ hội kiểm tra, rà soát kiến thức và làm quen với
không khí phòng thi. Tuy nhiên, muốn luyện thi qua mạng đạt hiệu quả, TS cần
phải có một số kinh nghiệm. Thầy Trần Phương- giảng viên trang web
www.hocmai.vn cho biết, để ôn luyện thi có hiệu quả, TS cần thực hiện theo các

bước sau: Bước 1: Chọn giáo viên có thương hiệu giảng dạy ôn luyện thi ĐH trên
một số trang web phổ biến. Bước 2: Đăng ký thẻ thành viên (mua thẻ bằng tài
khoản). Bước 3: Mua giáo trình của giáo viên giảng dạy theo nội dung đăng tải
trên mạng. Bước 4: Mỗi khi học, học sinh phải mở giáo trình, tài liệu và bật đoạn
băng nghe bài giảng tương ứng. Bước 5: Làm các bài tập về nhà. Bước 6: Làm một
số đề kiểm tra theo hướng dẫn từ trang web.

Tự học vẫn đạt kết quả cao
Những năm gần đây càng ngày càng có nhiều TS ở khu vực 2 nông thôn thi đỗ
ĐH. Hầu hết những TS này thành công là do quá trình tự học. Tuy nhiên không
phải ai cũng biết cách tự học để đạt hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Thân, tác giả cuốn
“Tìm hiểu các trường ĐH qua các số liệu tuyển sinh” cho biết: “Để ôn tập đạt hiệu
quả, TS cần lưu ý một số nguyên tắc. Thứ nhất, phải học toàn bộ chương trình,
không học tủ, học lệch vì trong các năm gần đây đề thi ra theo hưởng tổng hợp, đòi
hỏi TS phải học đầy đủ các kiến thức của cả năm lớp 10, lớp 11 mới có thể làm
được. Thứ hai, phải nắm chắc tất cả các kiến thức đã được trình bày trong SGK,
kiến thức của từng bài, từng chương. Để làm được điều này, các em phải làm tất cả
các bài tập trong SGK; một số sách tham khảo và đề thi các năm trước Đồng thời
để kiến thức thực sự là của mình TS phải biết hệ thống hóa và “chốt” kiến thức”.
Ông Thân nhấn mạnh: “Cách học tốt nhất là sau khi học ở trường rồi thì nên sắp
xếp thời gian tự học ở nhà, biến kiến thức đã được dạy thành kiến thức của mình,
tự mình nghiền ngẫm, tự mình cầm bút viết ra các công thức thì mới khắc sâu vào
trí nhớ được”.

V.T.
Một số website tổ chức học tập và ôn thi ĐH, CĐ trực tuyến: www.dethi.com.
www.onthi.com; www.hocmai.vn; www.truongtructuyen.vn;
www.thitructuyen.com; www.edu.net.vn www.truongthi.com.vn;
www.abconline.vn; www.leuchong.com…









×