Tải bản đầy đủ (.docx) (3 trang)

Phát triển công nghiệp xanh là giải pháp tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (49.6 KB, 3 trang )

Phát triển công nghiệp xanh là giải pháp tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển
dâng
TS.Đỗ Hữu Hào
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam
Hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu không còn là dự báo mà đã trở thành mối đe
dọa gây ra nhiều thảm họa và tai biến thiên nhiên trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong những
quốc gia được dự báo là sẽ bị tác động nghiêm trọng nhất do BĐKH và mực nước biển dâng. Việt
Nam là nước đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, nên không thuộc nhóm các nước
phải cam kết cắt giảm khí nhà kính. Nhưng xét về lợi ích toàn cầu và quốc gia lâu dài, chúng ta
nên chủ động nghiên cứu chiến lược phát triển công nghiệp xanh phù hợp với mục tiêu phát triển
kinh tế - xã hội, nhằm đạt 3 mục tiêu: xóa đói giảm nghèo, giảm phát thải và chủ động ứng phó với
BĐKH.
Đến nay, việc sản xuất và tiêu thụ năng lượng ở nước ta chủ yếu do sử dụng nhiên liệu hóa
thạch như than đá, dầu và khí thiên nhiên. Nhưng việc sử dụng năng lượng hóa thạch lại là một
trong những nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính. Nguồn năng lượng hóa thạch được hình
thành từ các vật liệu hữu cơ có chứa nguyên tố cácbon, nên khi đốt cháy chúng sẽ tạo ra năng
lượng để sử dụng, đồng thời thải vào khí quyển một lượng lớn khí CO2. Ngoài ra, trong thành
phần của nhiên liệu hóa thạch ngoài cácbon và hyđrô còn nhiều nguyên tố khác như S, N... và khi
đốt cháy còn tạo ra các khí thải độc hại vào môi trường như H2S, NOx, SOx. Vì thế, giảm phát
thải khí nhà kính thực chất là giảm phát thải khí CO2, từ đó mới có khái niệm "phát triển kinh
tế/công nghiệp cácbon thấp". Nhưng khái niệm này không thể hiện đầy đủ và tổng hợp các giải
pháp bảo vệ môi trường nói chung, mà chỉ nhấn mạnh việc giảm thiểu phát thải CO2, vì vậy trong
vài năm lại đây, xuất hiện thêm khái niệm mới "phát triển kinh tế/công nghiệp xanh". Trong khuôn
khổ bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến phạm vi hẹp hơn, đó là "phát triển công nghiệp xanh", đây
là giải pháp tích cực ứng phó với BĐKH và nước biển dâng
Công nghiệp xanh là gì?
Thuật ngữ "công nghiệp xanh" xuất hiện chưa lâu, nhưng đã được hầu hết các quốc gia sử
dụng và có nhiều hội nghị quốc tế bàn về vấn đề này. Đặc biệt, công nghiệp xanh hiện được ứng
dụng và phát triển mạnh ở Mỹ, Trung Quốc, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản,
Hàn Quốc, Braxin... Hiện nay, định nghĩa cụ thể về công nghiệp xanh chưa thống nhất, nhưng có
thể hiểu là: Công nghiệp xanh là nền công nghiệp thân thiện với môi trường, là nền công nghiệp


sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường và giúp cho các điều kiện tự nhiên của môi
trường tốt hơn, trong toàn bộ quá trình sản xuất nó giảm thiểu tối đa tác động xấu tới môi trường.
Ngoài ra, công nghiệp xanh còn bao hàm cả việc tái sử dụng các chất thải, các chất thải năng
lượng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng và nguồn tài nguyên thiên nhiên khác (khoáng
sản, gỗ tự nhiên...), hạn chế sử dụng hóa chất độc hại (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo quản
thực phẩm...) bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến để khắc phục và kiểm soát ô nhiễm môi
trường.
Từ khái niệm về công nghiệp xanh, nội hàm của nó có thể tổng hợp vào 4 nhóm vấn đề
chính sau: Các sản phẩm xanh; Năng lượng mới và tái tạo (phát thải CO2 thấp); Dịch vụ xanh;
Môi trường bền vững.
Các sản phẩm xanh là các sản phẩm của công nghiệp xanh, được chế tạo bằng cách giảm
thiểu tác động xấu tới môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn nguyên liệu đầu vào như sử dụng tiết
kiệm và hiệu quả năng lượng, tiết kiệm và bảo đảm bền vững nguồn nước, tái sử dụng rác thải
công nghiệp. Các sản phẩm xanh thường được sử dụng trong các lĩnh vực: Xây dựng; Giao thông
vận tải; Các sản phẩm tiêu dùng; Sản xuất công nghiệp; Sản xuất nông -lâm - ngư nghiệp.
Năng lượng mới và tái tạo bao gồm công nghiệp có liên quan đến việc sản xuất ra năng
lượng từ nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước, mặt trời, gió, địa nhiệt, sinh khối... Ngoài ra còn
sử dụng tất cả các loại rác thải để đốt và thu hồi nhiệt như biomas, đồng sinh nhiệt...
Dịch vụ xanh là công nghiệp và các ngành nghề liên quan tới việc tạo ra các dịch vụ giúp
xây dựng và phát triển công nghiệp xanh thông qua việc áp dụng các sản phẩm xanh và công nghệ
xanh trong các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng, sản xuất nông -lâm - ngư nghiệp và tái sử dụng rác
thải cũng như quản lý rác thải.
Môi trường bền vững bao gồm các ngành công nghiệp liên quan đến bảo đảm bền vững cho
khí quyển, nguồn nước và đất đai, bao gồm cả việc kiểm soát phát thải khí, xử lý nước và nước
thải công nghiệp bảo đảm nguồn nước bền vững cho con người, quản lý và cải tạo đất đai, sử dụng
và xử lý thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón hữu cơ (ít phân hóa học) và an toàn môi trường
trong nuôi trồng, đánh bắt thủy - hải sản...
Tại sao công nghiệp xanh là giải pháp tích cực ứng phó với BĐKH và ngăn ngừa mực nước
biển dâng?
Nguồn năng lượng hóa thạch rất quan trọng đối với sự phát triển của loài người, nhưng cũng

là nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính. Khi bị đốt cháy nhiên liệu hóa thạch tạo ra lượng khí
thải cácbon điôxit rất lớn. Để giảm thiểu BĐKH phải bảo đảm lượng phát thải cácbon điôxit từ
nguồn năng lượng hóa thạch không quá 14,5 GT/năm, nhưng hiện nay đã vượt gấp đôi con số này
và vẫn trên đà gia tăng. Trong khi đó, công nghiệp xanh hướng tới giảm dần sử dụng nguồn năng
lượng hóa thạch và chuyển dần sang năng lượng mới, tái tạo - là nguồn năng lượng sạch, không
gây ô nhiễm môi trường, ít phát thải khí cácbon và các khí độc hại khác. Xét về lợi ích toàn cầu,
phát triển ngành năng lượng cácbon thấp góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính vào bầu khí
quyển, làm chậm lại quá trình nóng lên toàn cầu, giảm mực nước biển dâng.
Tuy nhiên, để từng bước tiến tới nền công nghiệp xanh, mà vẫn bảo đảm an ninh năng lượng
và cung cấp đủ nguyên liệu cho nền kinh tế thì trước mắt phải ứng dụng đồng bộ và hệ thống các
giải pháp trên cơ sở áp dụng công nghệ cao. Theo đó, tập trung vào một số việc sau: Sử dụng tiết
kiệm và hiệu quả các dạng năng lượng hóa thạch, từng bước chuyển sang năng lượng mới tái tạo.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến để khai thác, chế biến và sử dụng than đá có hiệu quả nhất, ô nhiễm
thấp. Đồng thời, áp dụng chu kỳ kết hợp khí hóa thích hợp để sản xuất điện, năng lượng, nhiên
liệu và nguyên liệu hóa chất ít ô nhiễm và giảm thiểu CO2; Trong lĩnh vực giao thông vận tải
chuyển nhanh sang sử dụng nhiên liệu sinh học, sử dụng nhiên liệu hyđrô, phát triển ô tô điện, ô tô
hybrid, hoặc flex-fuel. Phát triển công nghệ sản xuất nhiên liệu tổng hợp từ nguyên liệu chứa
cácbon như than, sinh khối; Chuyển sang công nghệ than sạch, đây là giải pháp quan trọng giảm
phát thải cácbon trong thế kỷ này. Sử dụng công nghệ than sạch mang tính quyết định trong việc
chuyển sang nền kinh tế cácbon thấp. Trong khi chưa giảm phát thải khí cácbon có thể áp dụng
công nghệ thu hồi và lưu trữ cácbon. Tìm kiếm thăm dò nguồn nhiên liệu mới như hyđrát mêtan để
thay thế cho dầu khí.
Việc chuyển đổi dần từ nền công nghiệp truyền thống sử dụng năng lượng hóa thạch là chủ
yếu sang nền công nghiệp cácbon thấp và phát triển công nghiệp xanh là bước tiến mới quan trọng
của nhân loại. Do đó, sẽ ngăn ngừa được BĐKH toàn cầu và mực nước biển dâng. Về lợi ích quốc
gia, việc phát triển công nghiệp xanh sẽ giúp tiết kiệm đầu vào năng lượng, nguyên liệu, tăng hiệu
suất sử dụng, giảm nhập khẩu nhiên liệu, đồng thời giảm gánh nặng nhập siêu cho nền kinh tế, tạo
nhiều việc làm mới góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm môi trường bền vững cho con cháu
mai sau.
TCMT 04/2012

×