Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Làm thế nào để cứu các máy móc điện tử bị vào nước

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (100.24 KB, 3 trang )

Làm thế nào để cứu các máy móc điện tử
bị vào nước?
Trong quá trình sử dụng các thiết bị điện tử, có lẽ một số bạn cũng đã từng một
(hoặc vài) lần làm đổ nước/dung dịch lỏng lên trên chiếc máy của mình, hay tệ
hơn nữa là đánh rơi nó vào vũng nước, xô chậu các loại. Điều đó không có nghĩa
là thiết bị của chúng ta đã hoàn toàn "tiêu tùng", vẫn còn đó một chút cơ may để
khắc phục sai lầm và giúp máy móc hoạt động lại sau khi chúng ta lỡ cho chúng
"tắm". Bên dưới là một số bước bạn cần làm nếu rơi vào tình huống này, hy vọng
nó sẽ giúp ích được mọi người.
1. Ngắt nguồn điện ngay lập tức
Ngay khi bạn vừa nhận ra rằng chiếc máy của mình bị vào nước, hãy bình tĩnh
ngắt nguồn điện của nó nhanh nhất có thể. Nếu máy của bạn có pin tháo rời thì
hãy rút nó ra ngay, còn với những máy dùng pin gắn liền thì cần nhanh chóng tắt
nguồn. Nếu máy đã bị tắt khi bạn phát hiện ra nó, ĐỪNG CỐ MỞ NGUỒN LÊN
LẠI ĐỂ KIỂM TRA XEM MÁY CÒN CHẠY HAY KHÔNG vì điều đó có thể
dẫn đến hiện tượng đoản mạch, cháy chip, Nếu máy chỉ bị vô nước đơn thuần
thì cơ may "sống sót" cao hơn, nhưng một khi bạn thử mở lên lại thì xác suất đó
giảm xuống rất nhanh. Mình đã có một người bạn gặp tình trạng tương tự, đó là
chiếc máy ảnh NEX của cô ấy bị vào nước, cô ấy không tắt nguồn ngay mà thử
mở lên lại hai ba lần. Kết quả: toàn bộ bo mạch và hầu hết chip, IC bị hỏng, và
thợ bảo hành nói rằng máy bị chết là do cố gắng bật lại, chứ nước không gây ảnh
hưởng gì nhiều.
2. Tháo rời các bộ phận
Sau khi đã rút nguồn/tháo pin, bạn cần gỡ tất cả những thứ có thể gỡ được, ví dụ
như nắp sau điện thoại, thẻ SD, thẻ SIM, các nút đậy cổng tai nghe/nguồn/USB,
Mục đích của việc này là để nước bay hơi nhanh nhất có thể, nhưng bạn hãy cẩn
thận đừng làm gãy vỡ thiết bị của mình nhé.
3. Hút nước ra
Nếu bạn có một cái máy hút bụi cỡ nhỏ (loại dùng để vệ sinh laptop) thì thật tốt.
Bạn có thể kiếm nó dễ dàng ở những cửa hàng bán đồ vi tính với giá từ 50.000
đồng đến vài trăm ngàn đồng tùy chất lượng. Nhưng bạn nhớ hỏi người bán xem


loại nào hút được nước, vì có một số dòng sản phẩm không đủ mạnh để hút dung
dịch lỏng.
Hãy hút chất lỏng và hơi ẩm ra càng nhiều càng tốt, có thể tận dụng hút ở những
khe nhỏ trên thiết bị nữa. Đừng quên làm chuyện tương tự cho các cổng kết nối
trên máy, và ở mỗi cổng như vậy bạn cần chịu khó hút khoảng 5 phút nhé. Trước
đây mình từng làm đổ khoảng một ca nước lên phần dưới chiếc iPhone của mình,
mình dùng máy hút để vệ sinh và để khô thì khoảng vài chục phút sau máy có thể
chạy lên lại và hoạt động bình thường.
4. Làm khô thiết bị
Có nhiều cách để làm máy khô nhanh sau khi bị vào nước, một trong những cách
nhanh gọn đó là bạn đặt thiết bị vào trong một tô gạo khô (chưa nấu thành cơm
nhé!). Ngoài ra, theo biên tập viên của trang Gizmodo, nếu bạn có bánh ăn sáng
(cereal) thì cũng có thể dùng được vì nó hút chất lỏng còn nhanh hơn gạo nữa.
Lấy một cái hộp khô, đổ cereal/gạo vào rồi để đó chừng hai ngày. Lâu lâu bạn hãy
xoay trở chiếc máy của mình. Cách dùng gạo mình đã thành công một vài lần với
smartphone và máy ảnh.
5. Thử mở lên lại xem sao
Sau khoảng 48 giờ, lấy thiết bị của bạn ra khỏi tô gạo. Nếu bạn thấy một số dấu
hiệu rằng chất lỏng vẫn còn kẹt trong máy (như một lớp hơi nước bám trên màn
hình chẳng hạn), hãy bỏ máy vào lại chỗ để gạo và làm khô thêm một thời gian
nữa. Còn nếu máy đã khô rồi, lắp pin vào và cầu nguyện rằng máy sẽ chạy được.
Còn nếu bạn không may mắn như thế thì nên đem ra trạm bảo hành hoặc các cửa
hàng sửa chữa điện tử để các thợ kĩ thuật xem xét.
Ngoài ra, một số trang web và bài thủ thủ thuật nói là bạn có thể dùng silicagel để
làm khô máy (những hạt tròn tròn trắng trắng đựng trong các bịch nhỏ, hay còn
gọi là gói hút ẩm). Tất nhiên cách này cũng sẽ hiệu quả, nhưng với điều kiện là
những viên silicagel vẫn chưa đạt mức độ hút cực đại của nó, bằng không thì cũng
vô ích mà thôi. Bên cạnh đó, có một sản phẩm mang tên Bheestie Bag cũng có tác
dụng hút ẩm cho điện thoại, máy ảnh, tablet, Bạn có thể mua nó để dành dùng,
nhưng mình chưa được thử qua nên không chắc là hiệu quả cao như thế nào.

NHỮNG VIỆC KHÔNG NÊN LÀM:
o Dùng máy sấy tóc hay lò nướng: đừng bao giờ làm như vậy bởi sức nóng
quá cao có thể làm chảy những mối hàn, bo mạch hay các linh kiện bên
trong máy. Lúc đó tình trạng còn tệ hơn gấp nhiều lần.
o Lò vi sóng: đừng nhé các bạn, nếu các bạn không muốn mình có một món
ăn mới.
o Lắc máy: nghe thì có vẻ hợp lí đấy, nhưng chỉ có tác dụng nếu nước bám
bên ngoài, ở phần vỏ. Nếu bạn lắc thì có thể nước sẽ lại đi ngược vào
trong sâu hơn, khiến việc làm khô của chúng ta trở nên khó khăn hơn. Hãy
dùng khăn lau nhẹ chúng là được.

×