Số lượng truy cập sẽ tăng lên nhiều nếu trang web của bạn được người truy cập dễ dàng tìm
thấy trong vô vàn những trang web trên mạng. Muốn làm được điều đó, theo nghiên cứu của
Lanta - Total Brand Solution (công ty chuyên cung cấp các giải pháp về thương hiệu có trụ sở
chính tại TP.HCM), trang web của bạn cần nằm ở vị trí từ 1 - 30 trên Google ứng với một từ
khoá nhất định. Bài viết này cung cấp cho bạn 10 yếu tố cơ bản về tối ưu hoá một trang web
với bộ máy tìm kiếm.
1. Xác định cấu trúc website: Trước tiên bạn cần phác họa sơ qua nội dung, các mục chính của
trang web. Từ đó bạn có thể xác định trang web của bạn cần có những gì và hình thức ra sao. Ví dụ,
một trang web về sách kinh tế, bạn cần có những mục riêng cho những loại sách khác nhau như:
tiếp thị, quản trị, tài chính kế toán, luật, xuất nhập khẩu v.v... Tiếp đó bạn lại nghĩ tới những mục
con, như trong sách tiếp thị có tiếp thị cơ bản, tiếp thị quốc tế, nghiên cứu thị trường, quảng cáo,
tiếp thị trực tiếp...
2. Nội dung trang web luôn quan trọng: Bạn cần phải tìm hiểu cách thức mà thị trường sẽ tìm
kiếm sản phẩm của bạn. Cần tìm ra những giả thiết khác nhau, thử nghiệm và điều chỉnh sao cho
hợp lý. Để trang web nằm ở top 10 trong kết quả tìm kiếm, bạn cần phải có sự chuẩn bị kĩ càng và
phương pháp kỹ thuật tốt. Cần quan tâm đến cả hai phương diện: nội dung phải phù hợp với người
truy cập và nội dung đó bố trí như thế nào để phù hợp với bộ máy tìm kiếm.
3. Xác định tiêu đề, từ khoá, và mô tả nội dung trang web: Meta Tags (thẻ siêu dữ liệu) bao gồm
3 loại chủ yếu là tiêu đề, từ khoá và phần mô tả trang web. Tiêu đề được đánh giá là quan trọng
nhất trong 3 loại meta tags. Nó không chỉ giúp thu hút tỉ lệ truy cập thông qua kết quả tìm kiếm mà
còn ảnh hưởng tới bộ máy tìm kiếm với từ khoá hay nhóm từ thích hợp. Nên đặt tiêu đề bao gồm từ
khóa mà bạn muốn định vị cho trang web của mình. Meta tags nên được chọn lựa từ những từ khóa
liên quan đến nội dung trang web và xuất hiện trong phần nội dung. Số lần xuất hiện của từ khóa
trong một trang web không nên quá 3 lần, vì nhiều hơn thì hiệu quả cũng không được cải thiện.
Meta Tags mô tả cũng quan trọng vì nhiều bộ máy tìm kiếm quan tâm đến loại tag này và nó như
một mô tả tổng thể nội dung website giúp người truy cập dễ dàng chọn lựa trang web phù hợp với
nội dung mình cần tìm.
4. Cẩn thận đối với việc sử dụng một số phương pháp kỹ thuật: Điều hết sức quan trọng là bạn
cần thiết kế sao cho "con nhện" (web spider) tìm kiếm có thể tìm
thấy các mục chính một cách dễ dàng nhất. Vì vậy việc lạm dụng các kỹ thuật thiết kế như flash,
frame sẽ gây khó khăn cho bộ máy tìm kiếm đọc dữ liệu của trang web. Vì vậy vị thứ của trang web
cũng sẽ bị hạn chế. Nói cụ thể hơn là khi sử dụng flash hoặc frame, người truy cập sẽ nhìn thấy
được nội dung, nhưng các bộ máy tìm kiếm thì sẽ không thể đọc được nội dung và xem nó như là
một trang trắng.
5. Làm sơ đồ trang web: Thiết kế sơ đồ trang web sẽ giúp ích cho cả người truy cập lẫn các con
nhện tìm kiếm. Cách sắp xếp hợp lý các đường dẫn HTML bao gồm cả từ khóa hiệu quả (ví dụ thay
vì sử dụng từ khóa "quần áo" một cách chung chung nên sử dụng từ khóa phù hợp với một đối
tượng nào đó như "quần áo trẻ em"). Sơ đồ trang web này phải được thiết kế để nối kết toàn bộ
trang web.
6. Giữ cho trang web gọn nhẹ: để góp phần tối ưu hóa bộ máy tìm kiếm, các trang link từ trang
chủ chỉ nên có từ 350 đến 550 từ. Khi nội dung của một trang quá dài, bạn nên chia thành nhiều
trang khác nhau, tuy vậy nên giữ nguyên cách trình bày (layout) ban đầu. Có một số bộ máy tìm
kiếm thường bỏ qua những trang vượt quá 100kb. Vì thế bạn cần tìm cách giảm thiểu dung lượng
của trang web.
7. Luôn đảm bảo tính thống nhất: Thiết kế trang web sao cho những con nhện tìm kiếm được nội
dung một cách dễ dàng. Đối với các hình ảnh trong trang web, bạn nên đặt tên phù hợp với nội
dung của trang web và từ khoá riêng của từng trang. Các mục tiêu về tối ưu hoá bộ máy tìm kiếm
cần được thống nhất xuyên suốt trang web của bạn - mỗi trang cần được xem như một ngõ vào tiềm
năng từ các bộ máy tìm kiếm.
8. Tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh: Thông thường người ta hay tự hoàn chỉnh trang web của mình
để có thứ vị cao hơn. Tuy nhiên, để có hiệu quả cao hơn bạn nên nghiên cứu các trang web có thứ
vị cao cùng với từ khóa của chúng để hiểu được họ đang làm gì và tại sao các trang web này lại có
vị thứ cao. Nên tạo ra một "bảng so sánh đối thủ cạnh tranh", liệt kê một số đối thủ cạnh tranh hàng
đầu với một vài nhóm từ khóa đặc trưng cho thị trường hàng hóa hay dịch vụ kinh doanh của bạn.
9. Xây dựng, đo lường và hiệu chỉnh: Nếu bạn thực sự coi trọng vị trí trang web của bạn trong
các bộ máy tìm kiếm thì bạn cần chuẩn bị một số những thay đổi và điều chỉnh sao cho thật hợp lý.
Và để biết được công việc của bạn có hiệu quả không lại cần một khoảng thời gian tương đối dài,
có thể là 6 tháng. Bạn cần xây dựng trang web với mục tiêu là tạo thuận lợi cho cả những người
truy cập và những con nhện tìm kiếm. Hãy kiểm tra xem bạn có cung cấp đầy đủ thông tin cho
người truy cập và bộ máy tìm kiếm không, xem xét liệu các đối thủ cạnh tranh có làm tốt hơn bạn
không?
10. Nên tập trung vào một số bộ máy tìm kiếm nhất định: Bạn nên thận trọng đối với việc đưa
trang web lên quá nhiều bộ máy tìm kiếm. Để có một thứ vị cao trên một bộ máy tìm kiếm cần phải
có sự hoạch định kĩ lưỡng, định hướng rõ ràng cùng với việc sử dụng các đoạn mã chứ không phải
là việc đăng ký ồ ạt các bộ máy tìm kiếm. Bạn cần biết cách đọc xem bao nhiêu người truy cập
trang web, lượng truy cập thông qua từng bộ máy tìm kiếm.
Nhật Bình - Hồng Đức - Theo PCWolrd Vietnam
Xây dựng một website, doanh nghiệp có thể tăng cường khả năng giao tiếp của bạn với khách
hàng, tăng cường sự tín nhiệm của khách hàng về chất lượng hàng hóa/ dịch vụ và nhãn hiệu
sản phẩm, cung cấp thông tin và phát triển hoạt động bán hàng 24 giờ trong ngày, 07 ngày
trong tuần v.v…
Nói tóm tại, một website tốt có thể giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác thông
qua nhiều kênh tiếp cận, không lệ thuộc nhiều vào không gian và cả thời gian. Tuy nhiên, điều đáng
nói là đã có không ít các doanh nghiệp xây dựng website rồi… bỏ đấy. Lãng phí không ít nguồn lực
rút cục chỉ để cho… oai. Bài viết xin giới thiệu một số kinh nghiệm để tận dụng tốt website doanh
nghiệp.
Nhớ in địa chỉ website trên… name card
Card visit của bạn có tên, số điện thoại liên lạc, địa chỉ công ty và email- đương nhiên rồi! Tuy
nhiên, hãy tăng tính chuyên nghiệp bằng khoảng không dành cho địa chỉ website của doanh nghiệp.
Đối với các đối tác tiềm năng, việc gọi điện trực tiếp để hỏi thông tin từ bạn đôi lúc không phải là
giải pháp. Hãy tạo điều kiện cho họ tìm hiểu thông tin về công ty của bạn một cách tự nhiên và
hoàn toàn khách quan.
Chuyên môn hoá công đoạn “làm mới” trang tin
Người truy nhập vào một website với mục đích tìm kiếm thông tin. Website của bạn sẽ không thể
níu chân người truy nhập nếu không thường xuyên được cập nhật những thông tin mới. Chính vì
vậy, bên cạnh mảng nội dung tự quảng bá, bạn nên khéo léo lồng thêm những mảng thông tin mang
tính thời sự- đặc biệt ưu tiên thông tin có liên quan tới lĩnh vực kinh doanh của mình. Kinh nghiệm,
hãy đầu tư phân công riêng nhân lực trịu trách nhiệm bảo trì, cập nhật thông tin. Trường hợp
UBND tỉnh Nam Định ký hợp đồng với cty tư nhân Elinco để cập nhật website namdinh.gov.vn là
một bài học để các doanh nghiệp xem xét.
Không ngừng tiến hành các hoạt động marketing trực tuyến
Website dù hay đến đâu cũng sẽ chẳng là gì nếu không được nhiều người biết tới. Bên cạnh đó, bạn
có ít cơ hội quảng bá sản phẩm của mình, thúc đẩy tìm kiếm thêm đối tác. Có rất nhiều cách để
website được nhiều người biết tới: quảng cáo qua thư điện tử, qua các diễn đàn (forum) trực tuyến,
qua các công cụ hỗ trợ tìm kiếm (Google, Atla Vista v.v..). Hiện tại, trên mạng tồn tại rất nhiều cá
nhân rao bán danh sách email (mailing list). Tuy nhiên, quảng cáo qua thư điện tử là giải pháp
không nên quá lạm dụng vì rất dễ gây phản cảm (spam).
Website cần ghi rõ thông tin về doanh nghiệp
Địa chỉ công ty, số điện thoại liên lạc là mảng thông tin cần thiết phải xuất hiện trên website của
doanh nghiệp. Bên cạnh việc đảm bảo xác nhận công ty bạn có thực, tạo niềm tin cho người truy
nhập, địa chỉ còn giúp “đưa đường, chỉ lối” cho các đối tác tiềm năng tìm tới bạn. Trong trường
hợp tối ưu, thông tin về doanh nghiệp có thể bao gồm cả email của chủ doanh nghiệp (lãnh đạo
công ty).
Bạn lấy được gì từ khách viếng thăm?
Nếu website có yêu cầu khách hàng đăng ký thành viên (member) để nhận dịch vụ (ví dụ thông tin
cập nhật về sản phẩm mới, trợ giúp kỹ thuật khi mua hàng v.v…), bạn chắc hẳn đã xây dựng được
một cộng đồng khách hàng mới thông qua công cụ thông tin trực tuyến. Trong trường hợp wesite
không yêu cầu đăng ký thành viên, ít nhất quản trị website cũng cho bạn được một danh sách các
thông số kỹ thuật: số khách viếng thăm phân theo từng múi giờ, “định vị” khách hàng (thông qua
địa chỉ IP truy nhập) v.v… Đáng chú ý, nếu khéo léo bạn còn có thể chèn thêm những thông tin
dạng thăm dò (survey) nhằm xác định nhu cầu của khách hàng tiềm năng hoặc ít nhất là những góp
ý của họ đối với website của bạn.
Theo anh Quang Hiểu, chuyên viên Đài Web Công ty Điện toán truyền số liệu khu vực 1 (VDC1)-
đơn vị đã và đang triển khai xây dựng website cho rất nhiều doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp
không quan tâm tới công đoạn thu thập thông tin từ phía khách hàng. Website cần đóng vai trò “cầu
nối” và mang tính tương tác hai chiều đó là quảng bá cho doanh nghiệp của bạn (mang thông tin từ
bạn tới khách hàng) và giúp bạn hiểu hơn về nhu cầu của họ (mang thông tin từ khách hàng tới
bạn).
Thường xuyên sao lưu (backup) dữ liệu
Điểm lưu ý cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng đó là hãy thường xuyên sao lưu
(backup) dữ liệu. Công đoạn này đôi khi phải nhờ tới các nhà cung cấp dịch vụ quản trị website.
Động tác backup có thể phục vụ mục tiêu chính: tái sử dụng khi cần thiết.
Theo vnMedia
Làm thế nào để web của bạn trở nên hiệu quả hơn ?
Đây là những kết quả lấy từ một nghiên cứu định tính về yếu tố tăng hiệu quả của trang web của
University Geogia của Mĩ. Các yếu tố sau được đưa ra:
- Dễ hiểu: design web phải thật dễ hiểu và dễ đọc
- Quy trình dạo website logic: hướng dạo web của người truy cập phải được xác định rõ và
logic nhằm giúp người dạo web dễ học và nắm vững được
- Thông tin cung cấp phù hợp: Công việc này cần bạn thực hiện một nghiên cứu để xác
định rõ thông tin nào mà người truy cập cần khi dạo website.
- Bộ phận trợ giúp người tiêu dùng trực tuyến: bộ phận này phải có ở site của bạn và nhất
là nó phải cập nhật và giải quyết thông tin kịp thời.
- Lấy lòng tin và thể hiện sự an toàn đồng thời các chính sách bảo mật…: tất cả các chính
sách này nhằm mục đích giúp người truy cập có lòng tin để thực hiện giao dịch với doanh
nghiệp của bạn.
- Thời gian tải về: bạn phải tính toán xây dựng server và khả năng thông tin hai chiều của
site bạn nhằm giúp người truy cập có thể có được thông tin một cách nhanh nhất khi truy
cập vào site của bạn.
- Hình ảnh (màu sắc, hình vẽ, bài viết) ưa nhìn và cô đọng.
- Sự sáng tạo thể hiện trong cách tiếp cận dành cho người truy cập web của bạn
- Design của website của bạn nên hướng tới cách thể hiện nhằm gợi cảm xúc tích cực từ
phía khách hàng có kinh nghiệm
- Thông tin bổ sung: ngoài các thông tin sản phẩm của site, bạn nên hướng tới việc có links
cho phép người đọc cập nhật các thông tin kinh tế.
- Tạo những điểm mạnh riêng cho website của bạn: ví dụ như đơn giản hóa hơn các
website cùng loại nhằm giúp khách hàng liên hệ nhanh với công ty bạn.
- Hình ảnh website của bạn phải thể hiện được sự phù hợp với hình ảnh công ty bạn.