HỘI VẬT LIỆU XÂY DỰNG
VIỆT NAM
___________
Số: 61 /HVLXDVN
V/v: Tình hình sản xuất VLXD
đầu năm 2012 và các kiến nghị
của Hội VLXDVN
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_______________________
Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2012
Kính gửi : Thủ tướng Chính phủ
Đồng Kính gửi : - Bộ trưởng Bộ Xây dựng
- Bộ trưởng Bộ Tài chính
- Bộ trưởng Bộ Công thương
- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Từ năm 2011 đến nay, do tình hình kinh tế đất nước có nhiều khó khăn đã ảnh hưởng tiêu
cực đến hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng
nói riêng. Thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ: đầu tư công bị cắt giảm, các dự
án bất động sản tạm dừng hoặc giãn tiến độ, nhiều công trình xây dựng không có vốn để triển khai,
… đã dẫn đến nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng 5 tháng đầu năm 2012 giảm đáng kể; cùng với
đó, những khó khăn hiện hữu như giá cả nhiên liệu, điện, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, lãi
suất ngân hàng cao, tỷ giá ngoại tệ tăng, chi phí tài chính lên đến 20 – 30%, vốn lưu động thiếu đã
làm cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất, sản phẩm
tồn kho khối lượng lớn, kinh doanh thua lỗ; nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu phá sản.
- Ngành xi măng: 5 tháng đầu năm 2012, sản xuất xi măng đạt khoảng 19 triệu tấn, giảm
16,8% so với cùng kỳ năm 2011 (22,2 triệu tấn), tiêu thụ xi măng đạt khoảng 18,495 triệu tấn giảm
10,6% so với cùng kỳ năm 2011 (20,681 triệu tấn), cộng với lượng tồn lũy kế từ năm 2011, lượng
clanhke, xi măng hiện còn tồn kho khoảng trên 3 triệu tấn (trên 3.000 tỷ đồng). Sản xuất và tiêu
thụ giảm, nhưng ngược lại, năng lực sản xuất của toàn ngành (công suất thiết kế) lại tăng khoảng
10% so với năm 2011, do cao trào đầu tư xi măng đã khởi động từ những năm gần đây. Năm 2012
toàn ngành xi măng có công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, năng lực khai thác dự kiến đạt từ 62
đến 64 triệu tấn, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa năm 2012 dự kiến khoảng 46- 47 triệu tấn,
phấn đấu xuất khẩu 7 - 8 triệu tấn. Tổng cộng là 53 - 54 triệu tấn; sẽ dư thừa khoảng 10 triệu tấn
công suất.
- Ngành Gốm sứ xây dựng: Tồn kho đầu năm 2012 đã tăng lên, nếu tính cả lượng tồn kho
lũy kế tại các đơn vị sản xuất và cả tồn kho từ các đại lý chưa bán hàng tới người tiêu dùng thì
lượng tồn đã tăng lên tới 20% (Hiện tại hàng hóa tồn kho khoảng trên 40 triệu m
2
gạch ốp lát và
trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, tương đương khoảng trên 3.000 tỷ đồng)
- Sản xuất vật liệu xây không nung: Đầu năm 2012, việc tiêu thụ vật liệu xây không nung,
đặc biệt là loại vật liệu xây không nung nhẹ vẫn gặp nhiều khó khăn. Các dây chuyền sản xuất
gạch bê tông nhẹ mới chỉ được khai thác với một tỷ lệ rất thấp, hầu hết sản lượng sản xuất chỉ đạt
20 – 30% công suất. Việc tiêu thụ vật liệu xây không nung nhẹ còn rất hạn chế, chỉ tiêu thụ được
50 – 60% sản lượng. Một số doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm đã phải dừng sản xuất.
- Ngành sản xuất thủy tinh xây dựng, đá ốp lát phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu,
hàng tồn kho lớn, tiêu thụ chậm, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất.
Trước tình hình ngành VLXD gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm,
ngày 8/6/2012 Đoàn Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam đã họp cùng với một số Hiệp Hội ngành
VLXD và một số doanh nghiệp để đánh giá tình hình và kết quả sản xuất kinh doanh của các
doanh nghiệp trong ngành VLXD năm tháng đầu năm 2012 và nhất trí kiến nghị Thủ tướng Chính
phủ và các Bộ một số biện pháp tháo gỡ giúp các doanh nghiệp VLXD vượt qua khó khăn trước
mắt, thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2012 như sau:
1. Kiến nghị Chính phủ.
1.1. Chỉ đạo các Bộ, Ngành và các địa phương nghiêm chỉnh thực hiện Nghị quyết số
13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ và các giải pháp kích cầu, tạo đầu ra cho các sản phẩm
VLXD.
- Chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng (tất cả các loại đường giao
thông nông thôn, tỉnh lộ, quốc lộ, đường đô thị, sân bãi các khu công nghiệp) bằng bê tông xi
măng; như vậy vừa kích cầu tiêu thụ xi măng vừa giảm nhập siêu do giảm nhập khẩu nhựa đường
làm bê tông atsphan, vừa bảo đảm công trình bền vững. Hàng chục năm nay nước ta đã nghiên
cứu, thí điểm, bây giờ đến lúc triển khai xây dựng đại trà.
- Thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định số 567/QĐ-TTg, ngày 28/4/2010 và Chỉ thị số
10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển, sử dụng vật liệu xây không
nung thay thế gạch đất sét nung sẽ giải quyết khó khăn về tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp
sản xuất vật liệu xây không nung đồng thời kích cầu tiêu thụ xi măng.
- Về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay cho người mua nhà ở khu vực đô thị, khu công nghiệp,
mua vật liệu xây dựng để xây nhà ở khu vực nông thôn; đề nghị tiếp tục thực hiện Quyết định số
497/QĐ-TTg, ngày 17/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
1.2. Kiến nghị Quốc hội cho áp dụng thuế suất thuế GTGT các sản phẩm VLXD là 5%
trong năm 2012, thay cho thuế suất 10% hiện hành để kích thích người tiêu dùng, tạo điều kiện
cho các doanh nghiệp tiêu thụ hết hàng tồn kho, thu hồi vốn trả nợ ngân hàng.
1.3. Chỉ đạo Bộ Xây dựng tái cấu trúc ngành công nghiệp xi măng soát xét điều chỉnh Quy
hoạch phát triển công nghiệp xi măng theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg, phù hợp với thực tế tiêu
thụ xi măng hiện nay (năm nay đã thừa 10 triệu tấn xi măng, nếu thực hiện theo Phụ lục số 1
Quyết định 1488 thì năm 2012 sẽ đưa vào sản xuất thêm 7,5 triệu tấn, năm 2013 thêm 9 triệu tấn,
năm 2014 thêm 4,3 triệu tấn đưa tổng công suất lên 90 triệu tấn sẽ thừa công suất trên 25 triệu tấn,
trong đó có nhiều dự án sẽ không có khả năng thực hiện nhưng vẫn chiếm chỗ, gây lãng phí lớn);
ngừng đầu tư các dây chuyền công suất < 2.500 tấn clanhke/ngày, đẩy nhanh tiến độ các dây
chuyền sản xuất clanhke xi măng ở miền Nam và miền Trung; có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các
dự án đầu tư tận dụng nhiệt khí thải để phát điện (đến nay mới có 3 dự án trên 30 dự án phải triển
khai đầu tư)
2. Kiến nghị đối với các Bộ, Ngành:
2.1. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại cơ cấu lại các khoản nợ (giãn
nợ, khoanh lãi các khoản vay đầu tư trước đây) cho các doanh nghiệp để không lâm vào tình trạng
nợ xấu, hạ lãi suất cho vay dưới 12% và nới rộng các quy định về điều kiện vay vốn lưu động để
các doanh nghiệp VLXD khát vốn thực sự vay được vốn với lãi suất thấp để phục vụ sản xuất (đến
nay các doanh nghiệp VLXD chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp)
2.2. Bộ Xây dựng chỉ đạo các địa phương khẩn trương xây dựng và thực hiện lộ trình và
các chế tài xóa bỏ lò gạch thủ công theo chỉ thị số 10/CT-TTg, đưa danh mục các sản phẩm vật
liệu xây không nung vào công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng của Liên Sở Tài chính – Xây
dựng làm cơ sở cho việc lập dự toán, đơn giá công trình.
2.3. Bộ Xây dựng cho xây dựng chương trình xuất nhập khẩu VLXD, khai thác tiềm năng
to lớn của ngành VLXD, năm 2011 kim ngạch xuất khẩu VLXD đạt 766 triệu USD tăng 86% so
với năm 2010, phấn đấu năm 2015 đạt trên 1 tỷ USD và năm 2020 đạt 1,5 – 2 tỷ USD; phối hợp
với các Bộ, Ngành liên quan tổ chức quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu vật liệu xây dựng, hạn chế
nhập khẩu (năm 2011 nhập khẩu 665 triệu USD, riêng thủy tinh xây dựng nhập 115 triệu USD
trong lúc sản phẩm ứ đọng, tồn kho lớn, nhiều nhà máy phải dừng sản xuất), trước hết là chống
nhập lậu, gian lận thương mại, kiểm tra chặt chẽ xuất xứ các vật liệu xây dựng nhập khẩu vào Việt
Nam bao gồm cả vật liệu xây dựng nhập theo các gói thầu EPC của các nhà thầu nước ngoài; quản
lý có hiệu quả việc xuất khẩu vật liệu xây dựng, chấm dứt tình trạng ‘trăm hoa đua nở”, cạnh tranh
không lành mạnh, phân tán, manh mún, tùy tiện, gây thiệt hại lớn cho đất nước.
2.4. Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ chỉ đạo quyết liệt Chương trình Cơ khí
trọng điểm tập trung nghiên cứu chế tạo thiết bị cho ngành VLXD: phụ tùng thay thế cho ngành xi
măng, một số thiêt bị cho hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải, thiết bị sản xuất vật liệu xây
không nung, kích cầu sản xuất, sử dụng thiết bị sản xuất trong nước, thay thế hàng nhập khẩu.
Sớm nghiên cứu xem xét cấp chứng nhận cho 06 loại thiết bị do doanh nghiệp trong nước
tự nghiên cứu, thiết kế, sản xuất: dây chuyền sản xuất gạch polimer 10 triệu viên/năm (viên tiêu
chuẩn) do Công ty CP chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu sản xuất; các dây chuyền
sản xuất gạch xi măng cốt liệu 28, 42, 56, 70 và 84 triệu viên TC/năm do Công ty CP Đoàn Minh
Công sản xuất. Đề nghị Ngân hàng cho vay vốn ưu đãi để đầu tư, chế tạo thiết bị; Bộ Tài chính
xem xét cho miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho sản phẩm cơ khí mới trong 05 năm đầu để cạnh
tranh với thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài.
Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ để xin ý kiến
chỉ đạo, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp VLXD, vượt qua cơn khủng hoảng hiện
nay.
Hội VLXDVN với 120 Hội viên tập thể tiêu biểu và hơn 100 hội viên cá nhân, với chức
năng tư vấn phản biện, giám định xã hội trong toàn quốc của ngành VLXD, Hội sẽ vận động Hội
viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, ứng dụng khoa học công nghệ thúc
đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; tham gia thực hiện tái cơ cấu ngành VLXD; tham
gia hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức xuất nhập khẩu VLXD.
Xin trân trọng cám ơn./.
Nơi nhận:
- Như trên
- Ô. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính
Quốc hội
- Thứ trưởng Bộ XD Nguyễn
Trần Nam (để BC)
- Vụ Kinh tế ngành VP Chính phủ
- Các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội
- Lưu VP Hội
TM ĐOÀN CHỦ TỊCH
HỘI VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
TS. TRẦN VĂN HUYNH (đã ký)
Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam