Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

Quản lý chất thải rắn: Hiện trạng, thách thức và định hướng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (63.18 KB, 5 trang )

Quản lý chất thải rắn: Hiện trạng, thách thức và định hướng
Hoàng Dương Tùng
Nguyễn Văn Thùy
Tổng cục Môi trường
Trong thời gian qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, việc phát
triển các ngành kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp và du lịch, dịch vụ là nguyên nhân phát sinh
ngày càng lớn lượng chất thải. Cùng với quá trình phát sinh về khối lượng là tính phức tạp, sự
nguy hại về tính chất của các loại chất thải. Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra, công tác quản lý
chất thải rắn (CTR) đã từng bước được thay đổi, từ thể chế, chính sách, hệ thống tổ chức quản lý
cho đến các vấn đề về quy hoạch, xã hội hóa công tác quản lý, thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm
cũng như các vấn đề về đầu tư tài chính... nhằm tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả
thục hiện.
1.Thể chế, chính sách về CTR đã được xây dựng cơ bản và đi vào cuộc sống, tuy nhiên, vãn
chưa hoàn thiện cũng như chưa được thực thi triệt để
Trong nhiều năm qua, công tác quản lý CTR đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng
và Nhà nước, thể hiện bằng các chính sách, pháp luật quản lý CTR đã được quy định trong Luật
BVMT 1994, Luật BVMT 2005, Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến
năm 2020 và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Gần đây nhất là Chiến lược
quốc gia về quản lý tổng hợp CTR tới năm 2025 và tầm nhìn tới năm 2050. Theo đó, các chính
sách áp dụng cơ chế quản lý 3T (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế), chính sách xã hội hóa công tác
quản lý CTR sinh hoạt, phát triển công nghiệp, công nghệ xử lý CTR, chính sách về túi ni lông
thân thiện môi trường... đã được khuyến khích phát triển. Các chiến lược, chính sách này đã đặt ra
các mục tiêu cụ thể có ý nghĩa định hướng cho công tác quản lý CTR hiện nay.
Tuy nhiên, kết quả đạt được trên thực tế vẫn còn hạn chế so với yêu cầu của Chiến lược đề
ra, các mục tiêu quản lý CTR đặt ra còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện
cũng như hoàn thành mục tiêu. Nguyên nhân là do một số chính sách được ban hành nhưng thiếu
cơ chế triển khai cũng như văn bản hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc triển khai không hiệu quả hoặc
không thể phù hợp với thực tế. Thêm vào đó, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật quy định
về một số vấn đề then chốt đối với quản lý CTR như nhân lực, bộ máy tổ chức, trình độ, các
hướng dẫn kỹ thuật... vẫn còn thiếu, dẫn đến các hoạt động khó triển khai, đặc biệt đối với công
tác quản lý chất thải nguy hại.


2. Hệ thống tổ chức và phân công trách nhiệm về CTR đang được kiện toàn và phân công
tương đối cụ thể từ Trung ương đến địa phương nhưng vẫn còn phân tán, chồng chéo và nhiều lỗ
hổng
Ở cấp Trung ương, công tác quản lý CTR đã được phân công cho 5 Bộ có liên quan gồm: Bộ
Xây dựng quản lý CTR đô thị, Bộ Công Thương quản lý CTR công nghiệp, Bộ Y tế quản lý CTR
y tế, Bộ NN&PTNT quản lý CTR phát sinh từ hoạt động nông nghiệp và Bộ TN&MT quản lý
CTR nguy hại. Tuy nhiên, cũng chính từ sự phân công cùng với việc thiếu đơn vị đầu mối quản lý
chung đã dẫn đến những chồng chéo trong việc triển khai các chương trình quản lý CTR ở cấp
quốc gia và tương tự ở cấp địa phương. Ngoài ra, hiện nay việc CTR sinh hoạt ở vùng nông thôn,
làng nghề vẫn chưa xác định được đơn vị chịu trách nhiệm quản lý đã cho thấy lỗ hổng trong công
tác quản lý.
Ở cấp địa phương, tùy theo quy định của mỗi địa phương, công tác quản lý CTR được giao
cho Sở Xây dựng (Hà Nội, Hải Phòng, Huế...) hoặc UBND thành phố trực tiếp quản lý (Đà Nẵng,
TP. Hồ Chí Minh). Chính do mô hình quản lý hiện nay mang tính riêng biệt đối với từng đô thị dẫn
đến sự thiếu gắn kết, hợp tác giải quyết các vấn đề mang tính liên vùng, liên tỉnh, công tác quản lý
CTR khó tìm được tiếng nói chung.
3. Quy hoạch CTR theo vùng đã được xây dựng nhưng thiếu quy hoạch ở cấp địa phương
Từ năm 2008, Chính phủ đã ban hành quy hoạch 8 khu xử lý CTR liên vùng, liên tỉnh cho 4
vùng kinh tế trọng điểm nhằm đảm bảo xử lý triệt để, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế chôn
lấp, nâng cao hiệu quả xử lý CTR. Nhưng thực tế cho thấy, việc xây dựng mô hình xử lý CTR liên
vùng/liên tỉnh là không phù hợp với công tác quản lý CTR đô thị mà chỉ phù hợp với công tác
quản lý chất thải nguy hại. Chính vì vậy, việc xem xét, điều chỉnh các quy hoạch, khoanh vi lại
việc xây dựng các khu xử lý chất thải liên vùng/liên tỉnh đối với chất thải nguy hại là thực sự cần
thiết.
Ở cấp địa phương, một vấn đề không thể không nhắc tới đó là, mặc dù Bộ Xây dựng đã ban
hành tài liệu Hướng dẫn kỹ thuật về quy hoạch quản lý CTR cho các đô thị nhưng hầu hết các địa
phương chưa xây dựng quy hoạch quản lý CTR của địa phương dẫn đến thiếu căn cứ để triển khai
các chương trình, dự án cụ thể. Hiện nay, mới chỉ có một vài địa phương lập quy hoạch quản lý
CTR như TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ninh..., một vài địa phương khác mới dừng ở quy
hoạch hệ thống thu gom, xử lý CTR như Thừa Thiên - Huế.

Một vấn đề khác cần quan tâm, đó là các quy hoạch quản lý CTR hiện nay chưa đề cập tới
các bãi chôn lấp CTR đã đóng cửa, trong khi phần lớn các bãi rác này vẫn đang tiếp tục gây ô
nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do trước đây, các bãi rác này đều không được chôn lấp hợp vệ
sinh, sau khi đóng cửa lại được giao cho cơ quan hành chính quản lý. Đơn vị này không đủ chức
năng cũng như năng lực để giám sát, kiểm soát và xử lý ô nhiễm. Chính vì vậy, đây vẫn là những
điểm nóng về môi trường.
4. Sự tham gia của cộng đồng đã có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên, công tác xã hội hóa
quản lý CTR còn yếu
Ở hầu hết các địa phương, Công ty Môi trường đô thị (doanh nghiệp nhà nước) là đơn vị
chịu trách nhiệm chính trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR đô thị của địa phương,
bên cạnh đó là sự tham gia tích cực của hệ thống các công ty dịch vụ công ích quận, huyện, hợp
tác xã và khối doanh nghiệp tư nhân. Có thể kể đến một số doanh nghiệp tư nhân đã thực hiện
thành công và đem lại nhiều hiệu quả và lợi ích cho cộng đồng trong vận chuyển và xử lý CTR
sinh hoạt đô thị như: Công ty TNHH Huy Hoàng (Lạng Sơn), Công ty TNHH Môi trường Đông
Phương (Đắk Lắk), Công ty CP công nghiệp cẩm Phả (Quảng Ninh)... Ở khu vục nông thôn cũng
đã hình thành các tổ đội, hợp tác xã thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt nông thôn.
Bên cạnh sự tham gia của khối các doanh nghiệp, trong những năm gần đây phương thức
quản lý CTR với cách tiếp cận dựa vào cộng đồng cũng đã được nhiều dự án quan tâm thực hiện
và thu được kết quả tốt. Điển hình như mô hình thí điểm thu gom, xử lý rác thải chế biến phân bón
hữu cơ của thôn Tảo Phú (Tam Hồng, Vĩnh Phúc), dự án cải thiện môi trường kênh Chín Tế, chợ
Bà Rén (Bến Tre)...
Tuy nhiên, một thách thức không thể phủ nhận còn tồn tại đối với việc huy động sự tham gia
của cộng đồng đó là, công tác xã hội hóa còn yếu. Vấn đề nảy sinh cả từ phía cộng đồng và chính
quyền. Nhận thức và năng lực của cộng đồng chưa đảm bảo để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ
của mình trong công tác quản lý CTR, đặc biệt là ở khu vực tập trung đông dân nghèo. Ý thức của
người dân đối với việc giữ gìn vệ sinh công cộng còn rất thấp, họ thường xả rác ra đường, cống
rãnh hoặc đổ trộm CTR xây dựng ra bờ sông, các khu vực công cộng... gây tác động tiêu cực đến
vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Ngược lại, về phía các nhà quản lý, vẫn còn thiếu các văn
bản quy định phù hợp nhằm thu hút sự tham gia của các đoàn thể, quần chúng và toàn xã hội, còn
thiếu nhiều chương trình huy động cộng đồng trong quản lý CTR.

5. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đã trở thành một công cụ hữu ích tuy nhiên nguồn lực
còn hạn chế, đặc biệt chưa ngăn chặn được sự gia tăng nhập khẩu trái phép phế liệu
Trong những năm qua, công tác thanh tra, giám sát từ Trung ương đến địa phương vẫn là
nhiệm vụ thường xuyên, được tổ chức hàng năm, chủ yếu tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra
các vấn đề môi trường bức xúc, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng,
kiểm tra công tác BVMT của các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và làng
nghề... Tuy nhiên, do lực lượng còn rất mỏng, không đủ người hoặc không đủ thiết bị cần thiết nên
công tác này đã gặp không ít khó khăn khi giải quyết các vấn đề thực tế. Nổi cộm lên là vấn đề
ngăn chặn hoạt động nhập khẩu trái phép phế liệu chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Nhập khẩu phế liệu đang trở thành một vấn đề lớn. Khối lượng phế thải bị buộc tiêu hủy và
số vụ vi phạm trong xuất nhập khẩu phế thải được phát hiện chỉ là một con số nhỏ so với thực tế.
Điều này đã làm gia tăng gánh nặng cho xử lý và tiêu hủy CTR hiện nay. Chẳng hạn, nếu so sánh
con số 6.200 tấn ắc quy chì phế thải nhập khẩu bị buộc tiêu hủy tới 40.000 tấn ắc quy chì thải xử
lý hàng năm của Việt Nam thì đây hoàn toàn là con số không nhỏ. Vấn đề không còn đơn thuần là
tác động xấu của rác thải phế liệu nhập khẩu đối với môi trường, mà đã trở nên nóng hơn khi tạo
ra dư luận xấu đối với công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra CTR.
6. Nguồn tài chính đầu tư cho quản lý CTR đa dạng nhưng còn thiếu và chưa cấn đối
Nguồn tài chính đầu tư cho công tác quản lý CTR đang ngày càng đa dạng. Nguồn vốn để
đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR và các công trình phụ trợ được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương,
địa phương, vốn tài trợ của nước ngoài, vốn vay dài hạn và các nguồn vốn hợp pháp khác. Với
mức độ khác nhau, các đô thị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã có đầu tư cho công tác quản lý
CTR. Ngoài ra, nguồn huy động vốn từ Quỹ BVMT Việt Nam cũng được kể đến như một nguồn
đầu tư quan trọng, hỗ trợ cho các dự án về xử lý chất thải. Tính đến tháng 11/2011, Quỹ đã cho 24
dự án liên quan đến lĩnh vực xử lý chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, sản xuất sản phẩm
thân thiện với môi trường, xã hội hóa thu gom rác thải... vay tới 260 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, nguồn tài chính đầu tư cho quản lý CTR vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng và
chưa cân đối giữa các lĩnh vực. Đơn cử như nguồn vốn từ Quỹ BVMT hiện nay gặp khá nhiều khó
khăn trong việc huy động các nguồn vốn bổ sung hàng năm, hay tổng thu từ các loại phí dịch vụ
quản lý CTR chỉ đáp ứng được không quá 60% tổng chi phí vận hành, duy tu và bảo dưỡng hệ
thống quản lý. Thêm vào đó, cơ cấu phân bổ ngân sách đang dành hơn 90% cho hoạt động thu

gom và vận chuyển chất thải. Do vậy, chi phí dành cho xử lý, tiêu hủy chất thải hiện nay là rất
thấp.
7. Hợp tác quốc tế đã đa dạng hóa nguồn đầu tư nhưng chưa thực sự phát huy vai trò và hiệu
quả
ODA là một trong những nguồn vốn lớn đối với các dự án môi trường tại Việt Nam nói
chung và các dự án quản lý CTR nói riêng. Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng
Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là những nhà tài trợ lớn, đóng vai trò quan
trọng đối với các dự án quản lý CTR tại Việt Nam. Song song với đó, các dự án/chương trình về
quản lý CTR của Việt Nam cũng tiếp nhận các nguồn tài trợ song phương của các quốc gia như:
Thụy Điển, Thụy Sỹ, Canada, Hàn Quốc... Có thể thấy rằng, các dự án được tài trợ đã và đang
được triển khai khá đa dạng, bao gồm các dự án quy hoạch và cải thiện môi trường đô thị; xây
dựng các chiến lược, kế hoạch về CTR; kiểm soát ô nhiễm và quản lý CTR tại các đô thị; cung cấp
thiết bị xử lý CTR.
Mặc dù nguồn vốn từ các dự án chương trình hợp tác quốc tế khá lớn và đa dạng, tuy nhiên
không phải lúc nào cũng thực sự phát huy hiệu quả. Một số dự án đầu tư về thiết bị và công nghệ
xử lý CTR chưa hiện đại hoặc chưa phù hợp với điều kiện Việt Nam. Một vấn đề còn bỏ ngỏ hiện
nay đó là các chương trình hợp tác quốc tế chưa quan tâm đầu tư đối với lĩnh vực quản lý và xử lý
chất thải nguy hại, mặc dù đây là hướng đầu tư công nghệ cao, rất cần nguồn vốn quốc tế.
Một điều không thể không nhắc tới đó là tính bền vững và hiệu quả của các dự án chương
trình hợp tác quốc tế. Rất nhiều dự án, chương trình khi hết nguồn kinh phí tài trợ cũng đồng nghĩa
với việc kết thúc các hoạt động duy trì kết quả, chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm, phạm vi ứng
dụng nhỏ, chưa trở thành động lực để có thể tiếp tục duy trì, phát triển và nhân rộng.
8. Những định hướng cho giai đoạn tiếp theo
Có thể thấy rằng, những cố gắng trong công tác quản lý CTR đã mang lại nhiều kết quả tích
cực. Tuy nhiên, để công tác quản lý CTR đạt được hiệu quả như mong đợi thì phải tiến hành đồng
bộ nhiều giải pháp. Trách nhiệm nhiệm này thuộc về các cơ quan lập pháp, ban hành các chính
sách là Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chịu trách nhiệm thực thi là các Bộ/ngành và địa
phương.
Đối với vấn đề chính sách, thể chế và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến CTR:
cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế từng giai đoạn các mục tiêu liên quan đến

quản lý CTR trong Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và
Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR tới năm 2025 và tầm nhìn tới năm 2050. Đặc biệt,
sớm xây dựng và ban hành các hướng dẫn, quy định, quy chuẩn về quản lý chất thải nguy hại.
Đối với hệ thống tổ chức quản lý CTR, cần được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương,
phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giữa các Bộ/ngành, xác định rõ cơ quan đầu mối
quản lý nhà nước về CTR ở cấp Trung ương và địa phương. Tăng cường năng lức của bộ máy
quản lý các cấp.
Đối với vấn đề quy hoạch quản lý CTR, cần xem xét, điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR
liên vùng/liên tỉnh theo hướng xây dựng khu xử lý CTR thông thường riêng cho các địa phương,
khu xử lý chất thải nguy hại liên vùng, liên tỉnh. Ở cấp địa phương, cần lập quy hoạch CTR gắn
với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và môi trường.
Đối với vấn đề xã hội hóa công tác quản lý CTR: bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để
đẩy mạnh xã hội hóa quản lý CTR, quản lý dựa vào cộng đồng; tăng cường việc huy động cộng
đồng và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát: cần tăng cường nhân lực cũng như nhân lực
đảm bảo cho công tác thanh tra, giám sát, có chế tài xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp
luật trong quản lý CTR. Đặc biệt, cần siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp nhập khẩu phế
liệu, tăng cường giám sát các hoạt động xử lý chất thải của các đơn vị này; xử lý kiên quyết và
nghiêm minh các hành vi vi phạm, dần tiến tới hạn chế và nghiêm cấm hoạt động nhập khẩu phế
liệu.
Đối với vấn đề đầu tư, tài chính: cần đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn đầu tư cho quản lý, xử
lý CTR; tăng cường vận động tài trợ quốc tế; duy trì tính bền vững của các nguồn đầu tư để đảm
bảo việc vận hành và quy trình các hệ thông thu gom và xử lý CTR được xây dựng.
Đối với vấn đề phát triển công nghệ, ban hành các cơ chế thích hợp để đẩy mạnh phát triển
công nghệ xử lý CTR theo hướng giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử
dụng... và các công nghệ xử lý CTR phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Ngoài ra, cần phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng cho hoạt động phân loại, thu gom, vận
chuyển, xử lý và tái chế CTR sinh hoạt nhằm đẩy mạnh và phát huy hiệu quả hoạt động phân loại
rác thải tại nguồn ở các khu đô thị. Tổng kết, đánh giá các dự án đã triển khai nhằm thực hiện hiệu
quả chương trình Tiết giảm, Tái chế, Tái sử dụng CTR tại các đô thị.

TCMT 08/2012

×