Hiệu quả áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái trong giải quyết vấn đề môi trường –
sức khỏe ở Việt Nam
TS. Đỗ Nam Thắng – Phó Viện trưởng
TS.Nguyễn Hải Yến
Viện Khoa học quản lý môi trường
Tiếp cận hệ sinh thái (HST) là phương pháp mới, đặc biệt trong linh vực môi trường - sức
khỏe (MT - SK) ở Việt Nam. Vì vậy, rất cần thiết có nghiên cứu đánh giá hiệu quả của việc áp
dụng phương pháp tiếp cận HST trong giải quyết các vấn đề MT - SK, từ đó rút ra các bài học kinh
nghiệm để mở rộng phạm vi áp dụng ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu hiệu
quả của việc áp dụng cách tiếp cận HST trong giải quyết vấn đề MT - SK của một làng nghề thông
qua phân tích, so sánh chất lượng môi trường và tình trạng bệnh tật trước và sau khi áp dụng cách
tiếp cận hệ sinh thái. Kết quả cho thấy, sau khi áp dụng cách tiếp cận HST, chất lượng môi trường
không khí, nước, đất đã được cải thiện, làm giảm đáng kể các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi
trường. Nghiên cứu cũng cho thấy, cách tiếp cận HST có thể áp dụng thành công để giải quyết các
vấn đề MT - SK ở Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2002, khoảng 24% bệnh tật và 23%
trường hợp tử vong trên thế giới có căn nguyên từ môi trường. Khoảng 80 - 90% trường hợp tiêu
chảy là do ô nhiễm nguồn nước và điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Ở các nước phát triển,
khoảng 15 - 25% ca nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và 5 - 18% ca nhiễm khuẩn đường hô hấp
dưới liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời. Ở các nước đang phát
triển, những tỷ lệ trên thường cao gần gấp đôi, tương ứng là 42% và 24% (WHO, 2006).
Để giải quyết các vấn đề sức khỏe liên quan đến môi trường, có hai cách tiếp cận chính:
Cách tiếp cận y sinh và cách tiếp cận HST. Cách tiếp cận y sinh là sử dụng các biện pháp chẩn
đoán và điều trị một bệnh của một cá nhân cụ thể mà không tính đến mối tương tác của cá thể đó
với môi trường xung quanh. Qua thời gian dài áp dụng, cách tiếp cận y sinh đã bộc lộ nhiều bất
cập, đặc biệt là trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với ngày càng nhiều rủi ro, nguy cơ
từ môi trường đến sức khỏe con người. Cách tiếp cận HST đã được đề xuất nhằm bổ sung cho
cách tiếp cận y sinh.
Phương pháp tiếp cận HST là cách tiếp cận mới, mang tính đa ngành và tổng thể, ban đầu
được xây dựng và phát triển chủ yếu nhằm vào mục tiêu giải quyết các vấn đề môi trường và quản
lý tài nguyên để thay thế cho cách tiếp cận cổ điển theo ngành và lĩnh vực. Cùng với thời gian,
phương pháp tiếp cận HST ngày càng được hoàn thiện và mở rộng khuôn khổ áp dụng sang nhiều
lĩnh vực khác nhau, trong đó có giải quyết vấn đề MT - SK.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Phát triển Quốc tế của Canada (IDRC), cách tiếp cận sinh thái đối
với vấn đề sức khỏe được định nghĩa là "phương pháp nghiên cứu về các tác động đến sức khỏe
con người và chất lượng môi trường trong mối tương quan giữa các thành phần của một HST".
Nói một cách khác, cách tiếp cận HST đối với vấn đề sức khỏe nhằm tìm hiểu "phương thức bảo
vệ và nâng cao sức khỏe của con người thông qua cải tiến cách thức quản lý môi trường". Theo
cách tiếp cận này, HST được nhìn nhận như một công cụ để cải thiện sức khỏe.
Tiếp cận HST trong giải quyết vấn đề sức khỏe con người gồm 3 nội hàm chính: Tính liên
ngành, sự tham gia của các bên liên quan và tính bình đẳng giới (Jean Lebel, 2003). Cách tiếp cận
này tạo ra sự cân bằng giữa quản lý môi trường, các yếu tố kinh tế và cộng đồng, tạo ra sự phát
triển bền vững. Các giải pháp không những có chi phí thấp hơn so với cách biện pháp điều trị y tế
mà còn cải thiện sức khỏe từ nguyên nhân gốc rễ, phòng ngừa bệnh tật, duy trì sức khỏe con người
và môi trường bền vững.
Cho đến nay, việc áp dụng phương pháp tiếp cận HST trong giải quyết các vấn đề MT - SK
đã trở nên phổ biến tại các nước phát triển và một số nước đang phát triển nhằm nâng cao hiệu quả
quản lý của 2 lĩnh vực: MT - SK; Thông qua các giải pháp có tính tổng hợp, liên ngành. Tuy nhiên,
chưa có nhiều nghiên cứu về áp dụng cách tiếp cận này ở Việt Nam, đặc biệt là về hiệu quả của
các tiếp cận HST trong giải quyết vấn đề MT - SK.
2. Mục tiêu và phương pháp nghiên cứu
Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá hiệu quả của việc áp dụng phương pháp tiếp cận
HST trong giải quyết các vấn đề MT - SK tại một làng nghề, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm
để mở rộng phạm vi áp dụng ở Việt Nam.
Năm 2006 - 2007, Cục BVMT, trong khuôn khổ Dự án "Điều tra, thông kê, đánh giá ảnh
huống của ô nhiễm môi trường tới sức khỏe cộng đồng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu và
khuyến cáo tới cộng đồng" đã triển khai thử nghiệm cách tiếp cận HST trong giải quyết các vấn đề
MT - SK tại làng nghề Tông Xá. Chương trình áp dụng một số nguyên lý cơ bản của phương pháp
tiếp cận HST với sự kết hợp của tính liên ngành, sự tham gia của các bên liên quan và tính bình
đẳng giới. Trong quá trình áp dụng, các nhà quản lý (lĩnh vực môi trường, y tế và xã hội các cấp
Trung ương và địa phương) đã phối hợp với các nhà khoa học (các chuyên gia môi trường và các
chuyên gia y tế), các đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) và các nhóm
cộng đồng ở làng Tống Xá cùng triển khai các giải pháp can thiệp cần thiết. Một số giải pháp cụ
thể ở làng nghề Tông Xá trên cơ sở áp dụng phương pháp tiếp cận HST bao gồm: Vệ sinh công
nghiệp và vệ sinh môi trường; Vệ sinh an toàn lao động; Thay đổi công nghệ sản xuất; Thực hiện
các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; Thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng.
Tháng 6/2011, trong khuôn khổ đề tài "Nghiên cứu khả năng áp dụng phương pháp tiếp cận
HST trong giải quyết các vấn đề MT -SK ở Việt Nam", Viện Khoa học quản lý môi trường, Tổng
cục Môi trường đã triển khai các hoạt động điều tra, khảo sát, đo đạc thực địa tại làng nghề Tống
Xá nhằm đánh giá lại mức độ cải thiện về MT -SK, sau khi triển khai Chương trình thử nghiệm
năm 2006 - 2007. Nhóm nghiên cứu trên cơ sở hồi cứu và tổ chức khảo sát tại hiện trường đã tiến
hành điều tra, đánh giá và xác định các khu/vùng sinh thái chịu tác động của hoạt động làng nghề,
xác định mức độ biến đổi môi trường do hoạt động sản xuất làng nghề và những rủi ro tiềm tàng
cũng như hậu quả đối với sức khỏe của các nhóm cộng đồng khác nhau (nhóm dân cư trực tiếp
tham gia hoạt động sản xuất, phụ nữ mang thai, trẻ em, người già, phụ nữ trong độ tuổi lao động
và nam giới trong độ tuổi lao động).
Ngoài việc sử dụng phương pháp đánh giá nhanh, có sự tham gia của cộng đồng (phiếu điều
tra, phỏng vấn trực tiếp), nhóm nghiên cứu đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn lấy mẫu và phân tích
chất lượng môi trường không khí, nước và đất. Các địa điểm lấy mẫu và đo đạc được thiết kế ở
mức độ hợp lý, phù hợp để có thể đánh giá được hiệu quả áp dụng phương pháp tiếp cận HST
trong giải quyết các vấn đề MT - SK ở làng nghề Tống Xá kể từ năm 2006 - 2007 đến nay. Ngoài
ra, nhóm nghiên cứu còn lựa chọn ngẫu nhiên 180 cư dân (năm 2011) và 120 cư dân (quý 1/2012)
đại diện cho các nhóm đối tượng khác nhau về độ tuổi, giới tính và tiến hành thăm, khám tình
trạng sức khỏe để có được các số liệu về ảnh hưởng của hoạt động làng nghề đối với sức khỏe
cộng đồng nơi đây.
3. Đánh giá chất lượng môi trường
Môi trường không khí
Kết quả phân tích mẫu không khí năm 2006 - 2007 tại làng nghề có hàm lượng bụi cao hơn
gần 5 lần so với tiêu chuẩn TCVN 5937:2005. Các kết quả quan trắc môi trường thực hiện năm
2011 cho thấy, so với giai đoạn 2006 - 2007, chất lượng môi trường không khí đã có những tiến
triển tốt. Cụ thể là hàm lượng bụi, SO2, CO và Pb đều nằm trong giới hạn cho phép, hàm lượng
SO2 trong không khí đã giảm gần 2 lần, hàm lượng bụi giảm gần 5 lần, hơi chì trong không khí
cũng giảm 2 lần (Bảng 1).
Môi trường nước
Trong giai đoạn 2006 - 2007, nước thải từ các doanh nghiệp chủ yếu vẫn chưa được xử lý
mà thải thẳng ra mương. Vì vậy, kết quả phân tích chất lượng môi trường cho thấy, hàm lượng kim
loại nặng trong nước sông, mương và ao đều ở mức cao: Ni vượt giới hạn cho phép 8 lần, Cu vượt
giới hạn cho phép 7 lần theo QCVN 24:2009/BTNMT. Chỉ tiêu COD vượt tiêu chuẩn cho phép từ
3,1 lần và chỉ tiêu BOD5 vượt tiêu chuẩn cho phép 3 lần. Các chỉ tiêu BOD5, COD, SS, tổng N,
tổng P và coliform trong nước thải cao hơn giới hạn cho phép nhiều lần ở một số khu vực lấy mẫu.
Kết quả đánh giá chất lượng nước ở các nguồn tiếp nhận nước xả thải từ môi trường thực
hiện năm 2011 cho thấy, không còn dấu hiệu ô nhiễm. So với QCVN 24:2009/BTNMT, các chỉ
tiêu phân tích Pb, BODs, COD, SS, Pb, Ni, Cu Coliform trong các mẫu nước thải thu được đều
nằm trong giới hạn cho phép (Bảng 2).
Môi trường đất
Phân tích chất lượng môi trường đất năm 2006 - 2007 cho thấy, hàm lượng một số kim loại
nặng trong các mẫu trầm tích tại làng nghề Tống Xá vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép theo TCVN
7209 - 2002: Zn vượt ngưỡng cho phép trên 3 lần (609 mg/kg), Pb vượt ngưỡng cho phép gần 2
lần (137 mg/kg).
Điều tra thực địa năm 2011 cho thấy, các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và
giáo dục hành vi cho người dân được triển khai trong giai đoạn 2007 - 2011 đã có những đóng góp
tích cực giúp chính quyền và người dân địa phương quản lý tốt các nguồn chất thải rắn, các nguồn
thải gây ô nhiễm nước và cải thiện môi trường cây xanh trong làng. Các chỉ tiêu phân tích về hàm
lượng kim loại nặng trong đất (Zn, Pb, Cd...) đều nằm trong ngưỡng tiêu chuẩn cho phép (Bảng 3).
4. Đánh giá tình trạng sức khỏe cộng đồng
Trên cơ sở kế thừa các kết quả đánh giá toàn diện về sức khỏe cộng đồng thực hiện năm
2006 - 2007, trong năm 2011 đến quý 1/2012 nhóm nghiên cứu đã tiếp tục thu thập số liệu và tính
toán các chỉ số về sức khỏe cộng đồng của làng Tống Xá. Các kết quả đánh giá này được so sánh
với kết quả trước đây và từ đó rút ra nhận định về hiệu quả triển khai của chương trình thử
nghiệm. Việc phân tích được thực hiện trên cơ sở so sánh tỷ lệ bệnh tật trước và sau khi áp dụng
cách tiếp cận HST. Kết quả điều tra cho thấy, các loại bệnh thường gặp ở địa phương là bệnh hô
hấp, bệnh tai, mũi, họng, bệnh hệ thần kinh và các bệnh về mắt (bảng 4, hình Ì). Đây là các loại
bệnh có căn nguyên và nguồn gốc do phơi nhiễm bởi các yếu tố môi trường. Trên biểu đồ nhận
thấy, từ năm 2006 đến những năm gần đây, các loại bệnh có liên quan trực tiếp đến ô nhiễm như
các bệnh về mắt, tai, mũi, họng và hệ hô hấp đã giảm đi đáng kể. So với năm 2006, kết quả thăm
khám bệnh nhân trong giai đoạn 2011 - 2012 cho thấy, tỷ lệ người dân mắc bệnh hệ hô hấp giảm 2
lần, tỷ lệ mắc bệnh tai, mũi, họng giảm 1,5 lần. Điều này cho thấy, việc áp dụng phương pháp tiếp
cận HST trong giải quyết vấn đề MT - SK đã bước đầu phát huy tác dụng. Riêng tỷ lệ mắc bệnh về
hệ thần kinh có chiều hướng tăng bởi bệnh thần kinh thường là bệnh kinh niên, có liên quan nhiều
tới các ô nhiễm về tiếng ồn và hơi kim loại nặng, đặc biệt là hơi chì, là những yếu tố ô nhiễm do
các hoạt động sản xuất cơ khí, tái chế/đúc kim loại tích tụ trong thời gian dài. Trong trường hợp
của làng nghề Tống Xá, các hoạt động sản xuất làng nghề được mở rộng và đẩy mạnh kể từ cuối
thập niên 1980 và bắt đầu bộc lộ tình trạng ô nhiễm ở mức nghiêm trọng vào giai đoạn 2000 -
2005. Vì vậy, mặc dù đã áp dụng cách tiếp cận HST vào giai đoạn 2007 - 2010 song cũng không
ngăn chặn được tác động của ô nhiễm lên hệ thần kinh. Kết quả là tỷ lệ mắc bệnh thần kinh vẫn có
xu hướng tăng.
Sự chuyển biến theo hướng tích cực về chất lượng môi trường, tình hình sức khỏe cộng
đồng trước và sau thời điểm triển khai các biện pháp can thiệp cho thấy, hiệu quả của việc áp dụng
phương pháp tiếp cận HST trong giải quyết vấn đề MT - SK tại làng nghề.
Tuy nhiên, còn tồn tại một số khó khăn trong việc áp dụng các nguyên tắc của phương pháp
tiếp cận HST trong chương trình thử nghiệm tại làng nghề Tống Xá. Cụ thể là còn tồn tại nhiều
phong tục, tập quán gây trở ngại đôi với việc thu hút sự tham gia của các nhóm cộng đồng, dẫn
đến không đảm bảo được tính bình đẳng khi thực hiện các giải pháp; Hệ thống thống kê, lưu trữ số
liệu về môi trường, súc khỏe ở Việt Nam còn thiếu đồng bộ và không đầy đủ; Trình độ nhận thức
về các vấn đề sinh thái, môi trường, sức khỏe và các mối quan hệ nhân quả giữa chúng của các bên
liên quan không đồng đều, đặc biệt là trình độ nhận thức của các nhóm dễ bị tổn thương (người
nghèo, người có thu nhập thấp, người già và trẻ em).
5. Kết luận
Nghiên cứu cho thấy, cách tiếp cận HST đã có hiệu quả rõ rệt trong giải quyết các vấn đề
MT - SK ở làng nghề Tống Xá, cụ thể, đã cải thiện được chất lượng môi trường và giảm tỷ lệ bệnh
tật liên quan đến ô nhiễm môi trường. Cách tiếp cận sinh thái tạo cơ sở cho việc thu hút sự tham
gia của đại diện tất cả các bên liên quan: Các cơ quan môi trường, y tế, các đoàn thể xã hội...
Thông qua việc áp dụng cách tiếp cận này, các cấp ra quyết định có thể có được những giải pháp
mang tính tổng thể và có tính đến sự tham gia của nhiều bên khác nhau bao gồm cả các cơ quan
chức năng trực tiếp thi hành các nhiệm vụ quản lý của ngành và cả các nhóm cộng đồng. Việc thử
nghiệm cách tiếp cận này ở quy mô nhỏ sẽ giúp đưa ra những gợi ý và đề xuất nhằm cải thiện
chính sách ở cấp vĩ mô và thiết lập nên các cơ chế quản lý mới hiệu quả hơn trên cơ sở tham gia
của nhiều bên. Phương pháp tiếp cận HST cần phải được nhân rộng trong giải quyết các vấn đề
bức xúc về MT - SK hiện nay ở Việt Nam
Tài liệu tham khảo
1. WHO, 2006. Preventing Disease Through Healthy Environments - Towards an estimation
of the environmental burden of disease.
2. Jean Lebel. In -focus Health An Ecosystem Ap-proach. International Development
Reseach Centre. 2003.
TCMT 09/2012