LUẬN VĂN
ĐỀ TÀI: VĂN HÓA Ở CỦA HÀN QUỐC
I. KHÁI QUÁT CHUNG:
Đối với bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, ba yếu tố ăn – mặc - ở là
những yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống. Hàn Quốc là một đất nước tự
hào có truyền thống lâu đời thể hiện rõ nét trong cả ba yếu tố kể trên. Trong
đó, yếu tố ở có ít thay đổi nhất so với hai yếu tố còn lại. Đặc biệt là NGÔI
NHÀ – nơi trú ẩn để đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt. Hàn Quốc là một
đất nước có khí hậu khắc nghiệt với mùa đông rất lạnh và mùa hè rất nóng,
địa hình mang nét đặc trưng bởi hệ thống đồi núi đa dạng chiếm khoảng
70% diện tích lãnh thổ. Những ngọn đồi thấp chủ yếu nằm ở phía Nam và
phía Tây, và dần cao lên ở phía Đông và phía Bắc. Vì vậy nhà ở của người
Hàn có những nét độc đáo riêng phù hợp với khí hậu, địa hình mà không đất
nước nào có.
Thời tiền sử, các cư dân đầu tiên của bán đảo Triều Tiên sống trong
các hang động, lều làm bằng đá. Những ngôi nhà này đã có các chức năng
cơ bản như bếp lửa, không gian để làm việc và ngủ. Các nhà nghiên cứu cho
rằng có ba loại nhà tồn tại ở thời tiền sử Triều Tiên là nhà hầm, nhà gỗ và
nhà sàn; nhưng cho đến nay, mới chỉ có những dấu tích của loại nhà hầm là
được tìm thấy. Nhà hầm thường bao gồm một cái hầm sâu 20-150cm, có vỏ
và đất sét bao bọc xung quanh để trách gió mưa, hầu hết đều nằm ở trên đồi.
Nhà gỗ được cấu tạo bằng cách ghép những tấm gỗ lại với nhau. Giữa các
khe hở, người ta trét đất sét để ngăn gió. Những căn nhà như vậy còn tìm
thấy được ở vùng núi ngày nay. Nhà sàn có nguồn gốc từ miền Nam, ban
đầu được xây dựng để làm kho giữ lúa gạo. Kiểu kiến trúc này vẫn còn tồn
tại ở những ngôi nhà có hai gác và chòi canh đứng ở giữa các ruộng dưa và
vuồn cây ăn trái. Đến thời kỳ Tam quốc đã xuất hiện Ondol (온돌), hệ thống
sưởi dưới sàn nhà rất độc đáo của người Hàn. Thời kỳ này một số người vẫn
sống trong nhà hầm, số khác thì sống ở nhà sàn. Qua các thời kỳ sau đó, các
loại nhà này đã phát triển lên thành Hanok, với sàn nhà hình vuông được
chia thành nhà bếp và một phòng khác gợi nhớ lại hình ảnh nhà hầm thời
tiền sử.
Với tinh thần coi trọng triết lý âm dương, ngôi nhà của người Hàn
được thiết kế và xây dựng phù hợp với tính cách giản dị, tự nhiên và hòa hợp
với thiên nhiên. Không chỉ thể hiện truyền thống qua cách xây dựng nhà
cửa, văn hóa của người Hàn còn được thể hiện qua lối sống, nếp sinh hoạt
trong gia đình. Và tất cả những nét văn hóa truyền thống đó vẫn còn được
truyền lại đến ngày nay. Sau khi Hàn Quốc hoàn toàn mở cửa với thế giới
bên ngoài, phong cách kiến trúc Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi phong cách
kiến trúc phương Tây, đã thay đổi một cách nhanh chóng và đa dạng cả về
phong cách.Tuy nhiên trong các ngôi nhà kiểu phương Tây vẫn còn một số
đặc điểm của ngôi nhà Hàn Quốc xưa. Cả các phong tục gia đình cũng được
kế thừa từ thế hệ này đến thế hệ khác, thể hiện sự hòa hợp giữa truyền thống
và hiện đại trong nhà ở của người Hàn Quốc.
II. ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA CỦA NHÀ Ở TRUYỀN THỐNG
HÀN QUỐC:
1. Nhà ở truyền thống:
a) Phân loại:
Theo vùng miền
Nhà truyền thống của Hàn Quốc được gọi là Hanok (한옥). Hanok
được thiết kế độc đáo, tùy theo ý thích của chủ nhân và phù hợp với khí hậu
của từng vùng. Hình dáng nhà có sự khác biệt giữa các vùng miền, như nhà
ở vùng phía Bắc có khí hậu lạnh thì các phòng được xây thành cụm khít với
nhau nhằm tránh gió lùa. Nhà có hình chữ U, hình vuông hoặc hình chữ
điền. Nhà ở miền Nam nóng bức thì được làm theo kiểu hình chữ nhất hoặc
chữ L để thông gió. Nhà ở miền Trung thì có hình dáng giống như ký tự #.
Theo địa vị
Vào thời kỳ tiền hiện đại, ở Hàn Quốc có 2 trường phái kiến trúc
chính, phụ thuộc vào quy mô xây dựng của từng tầng lớp xã hội khác nhau.
Trong đó, phong cách Trung Hoa được thể hiện rõ nét khi xây dựng cung
điện, đền đài, quan phủ. Tầng lớp thượng lưu thường xây nhà lớn, có cấu
trúc chắc chắn và được trang trí nhiều nhưng không được dùng những màu
dùng để trang trí cho cung điện của nhà vua. Những nhà này có mái lợp ngói
có những nét cong uyển chuyển và nổi bật với những mái chìa hơi cao hơn
một chút., và ngói nhà cũng được trang trí. Những ngôi nhà lợp mái ngói
như thế này được gọi là Kiwajip (기와집).
Những nét đặc sắc thì lại nằm ở những ngôi nhà bình thường của
người dân làm bằng gỗ với mái nhà được làm bằng đất sét hoặc rơm rạ, ít
trang trí. Những ngôi nhà có mái làm bằng rơm rạ thì được gọi là Chogajip
(초가집).
Tuy nhiên dù là nhà của ai thì cũng không có ngôi nhà bình thường
nào rộng hơn 99 kan (một đơn vị tính chu vi giữa bốn cột chính được sử
dụng để tính toán kích thước theo những kiến trúc truyền thống). Cấu trúc và
kích cỡ nhà thay đổi tùy theo quy mô, quan hệ xã hội và sự giàu có của gia
đình đó.
b) Đặc điểm:
Vị trí, phương hướng:
Theo truyền thống, nơi cư trú của người dân Hàn Quốc thường được
chọn dựa trên phong thuỷ. Họ tin rằng bất kỳ hình thể xác định nào cũng đều
sản sinh ra lực lượng vô hình của cái tốt và cái xấu. Các nguồn năng lượng
tiêu cực và tích cực (Âm - Dương) phải được đưa vào cân đối. Khi lựa chọn
một địa điểm để xây dựng nhà cửa, người ta có khuynh hướng xem xét ý
nghĩa đặc biệt của môi trường tự nhiên xung quanh. Tiêu chí lựa chọn một
địa điểm tốt để xây dựng là nơi đó có quang cảnh phù hợp giữa "núi và
nước". Mối liên hệ này không chỉ dựa trên những quan điểm thẩm mỹ. Thuật
phong thuỷ đã dạy rằng con người sẽ không thể phát triển đúng đắn cả về trí
tuệ và tình cảm cũng như sẽ không có một cuộc sống tốt đẹp nếu không có
sự hỗ trợ của thiên nhiên. Những nguyên tắc này được áp dụng khi chọn chỗ
cư ngụ cho cả người sống và người chết. Một công trình kiến trúc cần có vị
trí cố định quay mặt về hướng nam (để đón ánh sáng mặt trời nhiều nhất có
thể) và có một ngọn núi ở sau lưng. Theo học thuyết Âm - Dương, lý tưởng
nhất là ngọn núi đó phải có "những đôi cánh" ở cả hai bên để nó có thể bao
bọc cho công trình kiến trúc đó với một dòng suối chảy qua ở phiá trước.
Người ta luôn cố gắng để tránh việc các công trình xây dựng nhân tạo làm
đổ vỡ cảnh quan địa hình thiên nhiên, vì như vậy cũng là phá vỡ sự hoà hợp
với thiên nhiên. Ngoài những nguyên tắc trên thì vị trí của ngôi nhà còn phụ
thuộc vào đất đai, khí hậu, ảnh hưởng của gió và ánh nắng mặt trời v.v.
Cấu trúc:
Văn hóa Hàn Quốc mang tính triết lý phương Đông sâu sắc. Cuộc
sống gia đình được tôn trọng và bảo vệ. Con người sống gần gũi và có quan
hệ mật thiết với thiên nhiên. Vì vậy mà nhà truyền thống của Hàn Quốc từ
vật liệu xây dựng cho đến cấu trúc đều rất gần gũi với thiên nhiên và mang
đậm triết lý Âm - Dương. Yếu tố cân bằng Âm - Dương và ngũ hành phải
đạt đến mức độ chuẩn mực. Trong ngôi nhà truyền thống, người Hàn Quốc
sử dụng hơn 80% nguyên vật liệu từ tự nhiên như đất sét, đất nung và gỗ
Ngoài ra, người ta còn sử dụng đá, rơm rạ và giấy để xây dựng và trang
hoàng cho ngôi nhà. Những nguyên vật liệu này đều có thể tái chế và không
gây ô nhiễm. Điều này cho thấy từ xa xưa, người Hàn Quốc rất chú trọng
đến vấn đề môi trường và đặc biệt dành sự tôn trọng lớn lao đối với thiên
nhiên. Một ngôi nhà truyền thống tiêu biểu gồm có: nền móng, cột, xà
ngang, tường, cửa, mái hiên, mái nhà .v vv. Các nguyên vật liệu chủ yếu
cấu tạo nên ngôi nhà gồm:
- Đá: dùng để làm nền móng cho ngôi nhà, thường thì người ta xây
nền móng cao hơn so với mặt đất.
- Đất sét có tác dụng bọc ngoài để giữ nhiệt, tránh hơi nóng mùa hè và
khí lạnh của mùa đông, vì vậy mà người ta dùng đất sét để xây tường.
- Gỗ: dùng để làm cột, xà ngang, cửa, sàn nhà, mái hiên v vv Mái
hiên với những đường cong uyển chuyển hơi uốn cao lên. Độ dài của mái
hiên có thể điều chỉnh để kiểm soát lượng ánh sáng mặt trời đi vào nhà.
- Giấy (Hanji - một loại giấy được làm theo công thức đặc biệt của
Hàn Quốc, tạo thành sợi từ nguyên liệu thô như vỏ cây dâu tằm): dùng để
làm cửa, sàn nhà
- Rơm: mái nhà, tường
Những ngôi nhà truyền thống thường được xây dựng mà không cần sử
dụng một chiếc đinh vít nào vì được ghép lại với nhau bằng các chốt gỗ. Các
thức như sau: Đầu tiên, người ta tạo khung và dựng cột bằng gỗ rồi làm gạch
từ hỗn hợp đất và cỏ để trát vào khung. Sàn nhà được làm bằng đất cứng
hoặc đá ở dưới, rồi trải một lớp giấy Hanji đã đánh bóng với dầu đậu. Giấy
Hanji còn được sử dụng để dán lên tường, mắc vào trong khung của cửa
trượt và các xương sườn ngang của cửa sổ. Ưu điểm của loại giấy này là
không thấm nước, ánh sáng có thể lọt qua nên khiến cho ngôi nhà đẹp và
thoáng khí hơn. Còn về các phòng thì hơi thấp, tương đối nhỏ, không có
nhiều cửa sổ hay cửa ra vào > vì được xây để bảo vệ cho chủ nhân của nó
khỏi những yếu tố bên ngoài và tối đa hoá sự ấm áp khi sử dụng hệ thống
sưởi Ondol (온돌) vào mùa đông.
Riêng đất sét và rơm thì người ta chủ yếu dùng làm mái nhà. Ở những
ngôi nhà của tầng lớp địa chủ, người ta thường làm mái ngói. Ngói được làm
từ đất sét nên phần mái nhà không bằng phẳng mà có độ dốc nhất định. Kích
thước và hình dạng của ngói ảnh hưởng đến góc của mái nhà và các góc
được xác định bởi điều kiện thời tiết của từng vùng nhất định. Hình dạng và
kích thước khác nhau được sử dụng cho mỗi chỗ khác nhau của mái nhà.
Nếu góc độ được tính chính xác thì mái ngói sẽ dễ dàng cho việc thoát nước
mưa. Những đường cong của mái ngói cho thấy sự độc đáo trong kiến trúc
Hàn Quốc. Còn ở những ngôi nhà của tầng lớp thường dân thì đa phần người
ta lợp mái tranh - loại mái nhà được làm bằng các bó rơm bện chặt lại với
nhau. Những bó rơm này tuy mộc mạc, giản dị, nhưng lại có công dụng điều
hoà khí hậu. Ví dụ như vào mùa hè nắng nóng thì rơm có tác dụng cản sức
nóng gay gắt của mặt trời nhờ không hấp thụ nhiệt, vì vậy mà giữ được sự
mát mẻ cho ngôi nhà; còn vào mùa đông thì rơm có tác dụng cản khí lạnh
bên ngoài nên mang lại sự ấm áp cho ngôi nhà. Ngoài ra, đây là một loại
chất liệu không thấm nước, dễ dàng tìm mua nên được sử dụng rộng rãi
nhất.
Một ngôi nhà truyền thống của Hàn Quốc được chia thành nhiều
phòng, nhiều khu vực khác nhau tuỳ theo mục đích và đối tượng sử dụng, ví
dụ như: sân, nhà bếp, phòng, chuồng ngựa, nhà vệ sinh, vv. Không có sự
phân biệt giữa phòng ngủ và phòng ăn. Mặc dù trong nhà có nhiều thế hệ
cùng chung sống với nhau như ông bà, bố mẹ, con cháu nhưng không gian
giữa các phòng, các khu vực vẫn giữ được sự riêng tư nhất định. Bên cạnh
đó, nó không làm mất đi tính kết nối để các thành viên trong gia đình có thể
dễ dàng giao lưu với nhau. Vì vậy, có thể nói rằng ngôi nhà này có cấu trúc
mang tính chất mở. Cấu trúc mở ở đây là không gian nối nhau giữa các
phòng, các phòng thông ra hiên, ra sân và sân được trải rộng thông thoáng
giữa bầu trời, tường được xây khá thấp, và ở nông thôn có những nhà thậm
chí không xây kín cửa.
Nhà riêng của tầng lớp thượng lưu thời đại Joseon (조선) thường
được chia thành các khu vực cánh trong (anchae - 안채) và cánh ngoài
(sarangchae - 사랑채). Cửa chính liên kết trực tiếp với Sarangchae, còn
Anchae được xây phiá bên trong đằng sau dãy tường gắn liền với cửa trong,
nhằm để nó không được nhìn thấy từ bên ngoài. Cánh trong (anchae - 안채)
là khu vực phòng của nữ giới đặt ở phiá sau nhà và cũng là nơi tụ họp cả gia
đình. Do vậy không có gì ngạc nhiên nếu ta thấy căn phòng này được trang
bị một tủ quần áo, chăn màn và các đồ dùng cá nhân khác. Cánh ngoài
(sarangchae - 사랑채) là khu vực phiá ngoài dành cho nam giới (thường là
chủ gia đình), là nơi tiếp khách của cả nhà. Theo quan niệm của họ thì một
người quý phái có học và nổi tiếng không bao giờ nghĩ việc trang hoàng căn
phòng của mình là cần thiết, vì vậy một vài vật dụng bằng gỗ đơn giản như
bàn học, giá sách cũng là đủ cho căn phòng vốn chủ yếu được sử dụng cho
việc đọc sách và đàm đạo học thuật.
Không gian mở liên kết các phòng với nhau trong một khu vực được
gọi là đại sảnh (daecheong - 대청), khoảng sàn gỗ rộng ở giữa này được gọi
là maru - 마루. Người ta thường sử dụng cái tên Daecheongmaru - 대청마
루 để chỉ không gian này. Daecheong là không gian sinh hoạt của nhiều thế
hệ cùng chung sống trong gia đình. Maru là sàn bằng gỗ được làm không
chạm vào mặt đất để tránh độ ẩm và nhiệt độ trong suốt mùa hè, đặc biệt,
người ta còn cất giữ các loại ngũ cốc ở đây. Sàn gỗ maru được làm thông ra
tận hiên giúp thông gió cho ngôi nhà. Ngoài ra còn có Jangdokchae (장독
채) là một nơi phơi và lưu trữ các loại thực phẩm lên men đựng trong đồ
sành sứ và đất sét. Jangdokchae nằm trong một khu vực gần nhà bếp sạch sẽ.
Vị trí này được chọn vì có thể nhận được rất nhiều ánh nắng mặt trời và
thông gió đủ để bảo quản thực phẩm. Sadang (사당) là một ngôi đền nơi thờ
phụng tổ tiên. Nó được đặt trong khu vực trong cùng của nơi cư trú để tiếp
nhận năng lượng của ngọn núi phiá sau nhà.
Bên cạnh đó, một số phòng còn có hệ thống sưởi dưới sàn Ondol (온
돌) - một hệ thống sưởi độc đáo của người Hàn Quốc và không giống bất cứ
nơi nào trên thế giới. Những ghi chép đầu tiên về hệ thống sưởi này từng
được đề cập đến trong cuốn sách lịch sử ‘Cựu Đường Thư’ của Trung Quốc.
Ở phần viết về nước Goguryeo, một trong những đất nước nằm trên bán đảo
Hàn Quốc xưa kia, có đoạn miêu tả: “Người Goguryeo làm nền nhà bằng
đất. Họ tạo nên một hệ thống đường ngầm dưới nền nhà dẫn đến các phòng.
Khi đốt lửa ở miệng đường ngầm thì các căn phòng sẽ được sưởi ấm.” Qua
đây, chúng ta có thể biết được người Hàn đã bắt đầu sử dụng hệ thống sưởi
sàn Ondol từ giữa thế kỉ thứ 7. Nhiệt độ tỏa lên từ hệ thống sưởi giúp xua
tan khí lạnh và giữ nhiệt cho cơ thể con người trong mùa đông giá buốt. Mặt
khác, sau khi làn khói tan biến đi, không khí bị đốt nóng sẽ vẫn còn lưu lại
trong ống khói, không khí này lại một lần nữa tiếp thêm nhiệt lượng cho
ngôi nhà. Chính vì cấu trúc nhà như vậy nên người Hàn dần hình thành văn
hóa sinh hoạt trên sàn nhà.
Đầu tiên, hệ thống ondol được sử dụng ở miền Bắc, vùng phương
Nam ấm áp hơn nên ondol thường được dùng với sàn nhà bằng gỗ. Để tăng
hiệu suất của hệ thống sưởi, người Hàn đã rất trí tuệ khi biết cách làm giảm
độ ẩm của đất bằng cách xây sàn nhà cách mặt đất 3-5 bậc thang. Điều này
giúp cho sàn nhà tránh bị ẩm thấp và giữ được hơi ấm được lâu hơn. Nhờ đó
họ có thể tránh được cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông. So với Phương
Tây, người ta thường tránh tận dụng sàn nhà vì sự lạnh lẽo của nó, nên họ
thích ngồi trên ghế và ngủ trên giường còn khi nhắc đến Hàn Quốc thì người
ta thường đề cập đến văn hoá sinh hoạt trên sàn nhà. Nhờ hệ thống sưởi
ondol mà ban đêm người ta có thể trải chăn mền ra để ngủ mà vẫn có đủ độ
ấm và ban ngày thì kê bàn để cho sinh hoạt ăn uống. Do đó người ta cần
phải cởi giày trước khi vào nhà để giữ cho sàn nhà sạch sẽ nhất có thể.
Hệ thống sưởi sàn Ondol và khoảng sàn Maru là hai điểm đặc biệt của
một ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc. Hệ thống sưởi sàn Ondol giúp sưởi
ấm ngôi nhà vào mùa đông lạnh giá còn khoảng sàn Maru lại giúp làm mát
cho ngôi nhà vào mùa hè nóng bức. Trong cùng một ngôi nhà nhưng lại sở
hữu hai hình thái kiến trúc vô cùng hữu ích và độc đáo, điều này ta chỉ có
thể bắt gặp trong ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc.
Nghệ thuật trang trí
Thông thường người Hàn Quốc thích trang trí đơn giản hơn là sự tô
vẽ khoa trương, sặc sỡ. Kiến trúc Hàn Quốc truyền thống hầu như không đề
cao sự phô trương về quy mô cũng như cách thức trang trí. Các căn phòng
thường khá nhỏ và được trang trí giản dị. Người ta ưa chuộng những họa tiết
tự nhiên như những đường vân và màu sắc tự nhiên trên thớ gỗ. Tiêu biểu
cho quan điểm thẩm mỹ này là kiến trúc Sarangchae (사랑채). Do ảnh
hưởng từ tư tưởng Nho giáo nên một người quý phái và có học không bao
giờ nghĩ việc trang hoàng căn phòng của mình là cần thiết vì thế trong phòng
thường chỉ có một vài vật dụng bằng gỗ đơn giản, một bức tranh phong cảnh
nhỏ vẽ bằng mực nước và vài thứ đồ gốm. Những họa tiết được trang trí
nhiều trên bìa sách, giấy dán tường là ánh chớp và hoa phong lan, bên cạnh
đó còn có hoa cúc, cá, chim, mây, rùa, bướm…
• Cá: Vì cá là loại động vật đẻ nhiều trứng nên hình ảnh cá thường
chứa đựng mong ước sinh được nhiều con. Hình ảnh cá cũng
thường được sử dụng để trang trí cửa hoặc là đồ gỗ trong nhà vì cá
ngủ mà mắt vẫn mở nên nó sẽ như thần giữ cửa trong nhà giúp gia
chủ đề phòng kẻ trộm. Cuối cùng là vì cá sống trong nước nên
những kiến trúc công cộng thường dùng biểu tượng cá như là một
biểu tượng để phòng chống hỏa hoạn.
• Cá chép: bắt nguồn từ truyền thuyết cá chép hóa rồng mà người ta
thường sử dụng biểu tượng cá chép để thể hiện mong ước vượt qua
các khoa cử và đỗ đạt làm quan
• Mười biểu tượng trường thọ gồm 10 vật như: sếu, rùa, hươu, nấm
bất tử, cây thông, đá, nước, núi, mây, mặt trời
• Cây mận thường nở hoa vào đầu mùa xuân sau khi chịu đựng một
mùa đông dài giá rét nên chúng tượng trưng cho sự hồi xuân và tái
sinh
• Quả lựu có nhiều hạt tượng trưng cho mong ước sinh được nhiều
con
• Hoa sen là biểu tượng của Phật giáo. Ý nghĩa của nó về mặt tinh
thần là con người có thể vượt qua mọi nỗi đau của cuốc sống để
đạt đến cõi niết bàn như bông hoa sen dù ở trong đầm lầy nhưng
vẫn nở những bông hoa tuyệt đẹp và thơm ngát. Hình ảnh hoa sen
thường được tìm thấy ở những công trình Phật giáo
• Hình tam giác: Vì nó giống với hình ảnh con ve sầu có khả năng
lột xác rồi “tái sinh” nên người Triều Tiên nghĩ hình tam giác là
biểu tượng của linh hồn vĩnh cửu.
• Tứ thần: Chu Tước (hướng nam), Bạch Hổ (hướng bắc), Huyền Vũ
(hướng đông), Thanh Long (hướng Tây)
Mặc dù rất ưa chuộng sự đơn giản và đơn sắc nhưng người Hàn Quốc
lại trang trí mái hiên và sườn chính các cung điện và đền thờ theo nhiều
màu sắc khác nhau thể hiện rõ nhất qua nghệ thuật Dancheong (단청).
Dangcheong là hình trang trí màu sắc trên nóc các tòa nhà và là những hình
trang trí thể hiện vẻ đẹp và giá trị nghệ thuật đích thực. Dangcheong gồm có
năm màu: đỏ, xanh, vàng, đen và trắng. Bên cạnh chức năng trang trí,
dangcheong còn được dùng vào những mục đích thực tế. Dangcheong được
dùng để bảo vệ bề mặt tòa nhà và che đi những vết thô ráp trong chất liệu
được sử dụng, đồng thời nhấn mạnh đặc điểm và thể hiện phẩm cấp của tòa
nhà hay đối tượng nào đó. Dancheong có ở hầu hết mọi tòa nhà truyền
thống, bao gồm cả đền chùa bất kể chúng nằm ở Seoul hay các tỉnh khác.
Vật dụng trong gia đình
Đồ gỗ phát triển do truyền thống người dân Hàn Quốc thích ngồi hoặc
ngủ trên các tấm nệm trên sàn nhà. Tuy nhiên trong ngôi nhà truyền thống,
đỗ gỗ rất ít, vật quan trọng nhất thường có là chiếc trương gỗ để đựng đồ
dùng và bức bình phong được trạm trổ công phu. Đồ gỗ Hàn Quốc được đặc
trưng bởi thiết kế đơn giản, cấu trúc không phức tạp và thực dụng. Những
nghệ nhân đồ gỗ thường chú ý đến cả những phần ít nhìn thấy và coi trọng
sự pha trộn hoàn thiện giữa tính thẩm mỹ và sự chắc chắn. Họ luôn tìm cách
làm giảm việc dùng đinh ốc mà thay vào đó là dùng kĩ thuật ghép các bộ
phận ăn khớp với nhau – gọi là mộng (이음새). Đây là cách ghép theo
nguyên lí âm dương, phần lồi ra được gọi là lưỡi (턱) và phần lõm vào gọi là
rãnh (홈). Kĩ thuật này được dùng cho mọi đồ mộc truyền thống trong nhà từ
rương, hòm cho đến bàn ghế… tạo nên sự liên kết rất chắc chắn nhưng cũng
rất linh hoạt do có thể tháo lắp dễ dàng.
Những thớ gỗ và cấu trúc của các loại gỗ thường khác nhau và người
ta lợi dụng điều này để sáng tạo thành những món đồ gỗ trang trí rất đẹp, sau
đó chúng được đánh bóng bằng dầu để hoàn thiện chứ không dùng sơn.
Ngoài ra người ta còn trang trí bằng kĩ thuật Hwagak (화각). Hwagak là kỹ
thuật sử dụng sừng bò để trang trí rương hòm, những chiếc hộp hay những
đồ vật dành cho phụ nữ. Những đồ vật này rất phổ biến trong cuốc sống và
do sự đặc sắc và rực rỡ của chúng nên thường chỉ dành cho phụ nữ. Để làm
ra tác phẩm Hwagak người ta luộc sừng bò, sau đó thái mỏng, mài nhẵn rồi
đánh bóng. Những hình ảnh được khắc lên đó bằng mực màu trộn keo làm
bằng da bò sau đó chúng được dán lên bề mặt gỗ. Tuy nhiên do thời tiết ở
Hàn Quốc rất khắc nghiệt nên những tác phẩm này có độ bền không lâu.
Một số vật dụng phổ biến trong nhà truyền thống của người Triều
Tiên:
• Ban da-ji – 반반반 – là một cái rương bằng gỗ với nắp ở phía trên,
thường được chạm khắc thêm các chi tiết bằng sắt đen
• Yak-jang – 반반 – là tủ thuốc gồm nhiều ngăn kéo nhỏ để đựng các
loại thuốc và thảo dược khác nhau
• Dwi-ju – 반반 – rương gạo, là một vật dụng quan trọng trong bếp, có
nắp mở ở phía trên và thường có khóa để an toàn
• Seo-an – 반반 – là một loại bàn viết có những ngăn kéo nhỏ để đựng
mốt số vật dụng cần thiết
• Gwe – 반 – là một cái rương nhỏ hình chữ nhật dùng để đựng thư từ,
sách và tiền
• Pyeong-sang – 반반 – là một loại ghế bành thường được dùng để ngồi
đọc sách hoặc nghỉ trưa vào mùa hè
• Juk bu-in – 죽부인- Jukbuin là một loại gối được đan từ những lát
tre mỏng và được sử dụng vào những ngày hè để giúp ta ngủ ngon khi
thời tiết quá nóng bức. Khi ngủ người ta thường ôm vòng quanh gối,
vì bên trong gối rỗng nên không khí thổi qua gối giúp làm mát và
giảm nhiệt khi ta ngủ
• Che –체 – Chuyện kể rằng vào đêm Giao thừa có một con quỷ tên là
Yagwang (야광) sẽ đến vào buổi tối là lấy trộm một đôi giày ở trong
nhà và người nào bị con quỷ lấy trộm giày sẽ bị xui xẻo cả năm. Vì
muốn tránh được điều nay nên người Triều Tiên cất tất cả giày vào
trong nhà và sao một cái Che ở bên ngoài. Cái Che hình tròn và được
đan bằng nan, con quỷ ngay khi nhìn thấy cái Che treo ngoài nhà sẽ
bắt đầu đếm số lỗ trên đó cho đến khi mặt trời mọc, con quỷ sẽ biến
mất.
• Han-ji –한지 – là loại giấy thủ công truyền thống của Triều Tiên
được làm từ vỏ cây dâu tằm. Thời kì đầu Hanji là loại giấy duy nhất
được sử dụng để ghi chép. Về sau bởi vì những họa tiết và hoa văn
trên giấy mà Hanji còn được sử dụng để trang trí đồ nội thất trong
nhà, làm đèn lồng và trang trí tường hoặc sàn nhà.
Như vậy ta có thể thấy nghệ thuật trang trí trong nhà ở của người Hàn
Quốc tuy khá đơn giản nhưng rất đặc trưng bởi sự tinh tế và hòa hợp
với tự nhiên qua các hình ảnh thiên nhiên mang tính biểu tượng cao.
Ngoài ra các các tư tưởng Phật giáo, Shaman giáo, Lão giáo và Nho giáo
và đặc biệt là triết lí âm dương – ngũ hành đã ảnh hưởng rất nhiều đến
các họa tiết và phong cách trang trí của người Hàn Quốc.
c) So sánh với nhà ở truyền thống Việt Nam
Điểm tương đồng:
Nét đặc trưng nhất trong phong cách ở của người Việt Nam và Hàn
Quốc truyền thống là sống hoà hợp với thiên nhiên và cây cỏ. Ở vùng đồng
bằng quanh nhà đều có cây cỏ, hàng rào dâm bụt có nhiều ở vùng Bắc Bộ
Việt Nam cùng với luỹ tre làng tạo ra nét riêng của nông thôn nước ta. Nông
thôn Hàn Quốc cũng tương tự như vậy, hoa Mu-kung (giống hoa dâm bụt ở
Việt Nam) cũng được trồng rất nhiều quanh nhà và cung chính là quốc hoa
của Hàn Quốc. Cây tre Hàn Quốc tuy không mọc dày thành luỹ như ở nước
ta nhưng cũng không phải là ít.
Điểm giống nhau rõ nét tiếp theo là nhà đều quay về hướng nam hoặc
đông nam để tránh ánh nắng mùa hè và gió lạnh mùa đông. Với đa số nông
dân nghèo nói chung vách nhà đắp hoặc trát bằng đất, trên mái lợp cỏ gianh
hoặc rạ. Với số ít nhà giàu thì nhà làm bằng gỗ, mái lợp ngói. Nhà làm theo
hình chữ L hoặc chữ U, giữa có sân, đây là phối cảnh chung ngôi nhà truyền
thống Hàn Quốc. Nhà ở Việt Nam cũng tương tự như vậy. Một ngôi nhà
thường có ba gian, hai chái cộng với nhà ngang tạo thành chữ L, trước nhà
có một cái sân. Ở vùng sơn cước, nhà Hàn Quốc và Hàn Quốc đều coi trọng
vị trí địa lí và phong thủy nên thường tựa lưng vào núi, quay hướng nam
hoặc đông nam, xung quanh nhiều cây cối.Ngoài ra cách thức kiến trúc của
nhà Việt Nam và Hàn Quốc cũng có rất nhiều điểm tương đồng, thể hiện rõ
qua cách liên kết các chi tiết trong ngôi nhà hoặc đồ gỗ bằng mộng giúp cho
các bộ phận vừa gắn bó chặt chẽ lại vừa cơ động, linh hoạt. Và ngay cả việc
dùng ngói âm dương viên sấp viên ngửa để lợp mái nhà cũng khá giống
nhau.
Điểm khác biệt
Do khu vực cư trú của người Việt Nam chủ yếu là vùng sông nước và
khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm nên ngôi nhà của Việt Nam chủ yếu là nhà sàn để
ứng phó với ngập lụt, lũ rừng và tránh côn trùng, thú dữ. Còn ở Triều Tiên
cũng có nhà sàn nhưng chỉ xuất hiện ở một số vùng phía nam còn đa phần
sàn nhà của một ngôi nhà truyền thống Hanok thường cách mặt đất 3-5 bậc
thang để đặt hệ thống sưởi sàn Ondol bên dưới, giúp sưởi ấm vào mùa đông
giá rét.
Tuy kiến trúc của cả Việt Nam và Triều Tiên đều là kiến trúc mở
nhưng về mặt cấu trúc tiêu chuẩn của một ngôi nhà thì Việt Nam là nhà cao
cửa rộng để tạo không gian thoáng mát, hòa hợp với tự nhiên trong khi ở
Triều Tiên là nhà hơi thấp, các phòng tương đối nhỏ và không có nhiều cửa
sổ hay cửa ra vào để tránh cái lạnh vào mùa đông. Về hình thức kiến trúc
nhà truyền thống Triều Tiên thường chia thành nhiều buồng, các phòng ngăn
cách bằng cửa kéo với chấn song gỗ, còn nhà ở Việt Nam thường có 3 hoặc
5 gian và không chia thành nhiều phòng nhỏ biệt lập, gian giữa là nơi đặt
bàn thờ gia tiên ở phía trong và phía ngoài là bộ bàn ghế tiếp khách.Người
Việt có quan niệm ‘đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại’, nên gian chính là bộ mặt
của chủ nhà, lại là nơi thờ cúng của tổ tiên nên được bài trí hết sức công phu
so với các gian bên cạnh. Trong khi đó ở Triều Tiên nhà thờ thường xây ở
phía sau, phòng của phụ nữ (anbang - 안방) được đặt ở phía sau nhà và là
nơi tụ họp của cả gia đình còn phần phía trước của gian nhà (sarangbang -
사랑방) là nơi ở của người chủ gia đình vfa cũng là nơi tiếp khách của cả
nhà. Nếu người chủ là người có học, phòng của người đó sẽ được trang bị
một bàn học, giá sách, sách và một vài cái đệm.
Nhìn chung văn hóa ở của người Triều Tiên và người Việt Nam có rất
nhiều điểm tương đồng do ảnh hưởng mạnh mẽ từ triết lí âm dương – ngũ
hành của người Á Đông. Tuy nhiên cũng có một số điểm khác biệt đặc trưng
do sự khác biệt về tính cách cũng như khí hậu và địa hình của hai đất nước
2. Những nét thay đổi trong văn hóa ở:
a) Văn hóa căn hộ chung cư:
Nguyên nhân:
Kể từ những năm 1960, trong quá trình theo đuổi công nghiệp hóa và
đô thị hóa, Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy sự phát triển các đề án cho phép
phá bỏ các tòa nhà cũ xưa, thay thế bằng các công trình mới, các căn hộ
chung cư nhằm đáp ứng như cầu mĩ quan và nhà ở.
Diễn tiến:
Đến cuối thập niên 1960, kiểu nhà cửa ở Hàn Quốc bắt đầu thay đổi
nhanh chóng khi các tòa nhà căn hộ kiểu phương Tây bắt đầu được xây
dựng. Những khu căn hộ cao tầng mọc lên như nấm trên khắp đất nước từ
thập niên 1970. Sự bùng nổ của dạng thái đô thị nhà phố (townhouse) đã
mang lại sự thay đổi trong nền văn hóa nhà ở thiên về căn hộ chung cư của
Hàn Quốc (HQ). Số lượng căn hộ chung cư hiện chiếm tỉ trọng lớn hơn
nhiều trong cơ cấu thị trường nhà ở tại HQ so với các nước khác.
Thị phần căn hộ chung cư đã từ 13,5% trong năm 1985 tăng đến
37,5% trong năm 1995 và 53% trong năm 2005. Nếu vào năm 1979, số gia
đình sống trong những ngôi nhà đơn lẻ vẫn còn chiếm ưu thế trên thị trường
nhà ở xây mới, thì năm ngoái chỉ còn chưa tới 30.000 ngôi nhà đơn lẻ được
xây dựng so với hơn 400.000 căn hộ chung cư.
Trong khi đó, Nhật Bản với các điều kiện địa lý tương tự HQ, số căn
hộ chung cư chỉ chiếm 20% thị trường nhà ở, chưa bằng phân nửa HQ. Một
số người bi quan tin rằng loại nhà gia đình đơn lẻ sẽ biến mất nếu xu hướng
này tiếp tục. Trong cuốn sách về HQ có tựa đề Cộng hòa của những căn hộ
chung cư, nhà địa lý Pháp Valérie Gelézeau thú nhận bà không hiểu tại sao
các tầng lớp trung lưu, thậm chí thượng lưu, tại HQ đều thích sống trong
những căn hộ chung cư mà theo bà, chúng là biểu tượng của những khu ổ
chuột dành cho dân nhập cư và những gia đình có thu nhập thấp như tại
Pháp. Vào thập niên 1960 và 1970, các căn hộ chung cư là nơi ở của các
thành phần thu nhập thấp tại HQ, nhưng bây giờ tầng lớp trung và thượng
lưu chiếm đa số. Các căn hộ chung cư được xây dựng hàng loạt không chỉ
tại trung tâm thủ đô Seoul mà còn ở ngoài rìa thủ đô và tại các tỉnh thành
khác, nơi giá đất rẻ hơn. Mục tiêu ban đầu của việc xây dựng chung cư giá
rẻ đã không còn từ lâu rồi, khi các nhà thầu xây dựng tập trung xây các tòa
chung cư chọc trời, hiện đại.
Nguyên nhân do đâu người dân HQ quay sang yêu chuộng căn hộ
chung cư một cách cuồng nhiệt? Một lý do: mua một căn hộ chung cư là một
trong những phương cách hữu hiệu nhất để thể hiện sự giàu có và chắc chắn
có lời. Theo Gelézeau, sự thống trị của căn hộ chung cư có một phần do
chính sách ấn định giá căn hộ chung cư của chính phủ lên các nhà thầu xây
dựng vào những năm 1970, 1980, đã giúp đẩy giá căn hộ lên cao và giúp các
chủ căn hộ có thêm một số lợi nhuận khi bán nhà.
Theo lý thuyết kinh tế, việc xuống giá của những ngôi nhà đơn lẻ sống
chung nhiều thế hệ gia đình hoặc một gia đình là điều tự nhiên. Khi nhà cửa
trở thành phương tiện thể hiện tài sản dễ thấy nhất, người HQ sẽ bán những
ngôi nhà riêng lẻ để chuyển đến những nơi ở mà giá căn hộ có xu hướng
tăng lên từng tháng. Hệ quả là năm 2006 có đến 19% ngôi nhà đang ở được
buôn bán tại HQ so với 5% tại những nước tiến bộ. Dù một số người tin rằng
đến một lúc nào đó những người giàu sẽ chia tay với căn hộ chung cư để trở
về với loại nhà riêng lẻ, thì nhiều người được hỏi vẫn khẳng định họ thích
sống trong những căn hộ chung cư chứ không chỉ vì đầu cơ để bán kiếm lời.
Singapore và Hong Kong là xứ sở của nền văn hóa nhà ở căn hộ
chung cư. Tại Nhật Bản, đất nước vốn có truyền thống sống trong loại nhà
riêng lẻ, nay cũng chứng kiến sự nổi lên của những tòa cao ốc chung cư ở
các đô thị. Tại một số nước tiên tiến khác, đô thị hóa cũng đi kèm với phát
triển loại nhà căn hộ chung cư trong tình hình quĩ đất ngày càng ít đi. Hiện
các công ty xây dựng HQ đang xuất khẩu nền văn hóa căn hộ chung cư sang
Trung Quốc và Việt Nam. Theo Gelézeau, tại Pháp, những căn hộ chung cư
thường là nhà xây để cho thuê nên rất mau xuống cấp do không được chăm
sóc đúng mức, khiến chúng nhanh chóng trở thành “khu ổ chuột” nhếch
nhác hoặc hang ổ của bọn tội phạm với những cầu thang tối. Còn tại HQ,
những căn hộ chung cư do chính người chủ ở nên thường xuyên được duy tu
bảo dưỡng. Park Jae Ryong, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế
Samsung, nói: “Căn hộ chung cư có lợi thế là ít tốn tiền sửa chữa và tiện
nghi hơn những ngôi nhà riêng lẻ ở nhiều mặt, trong đó có an ninh, phòng
cháy chữa cháy và các sinh hoạt cộng đồng”.
Hệ lụy:
Sự thay đổi không gian sống từ hình thức nhà trệt đất một tầng, các
đại gia đình chuyển sang sống trong những gian nhà chung cư vài chục mét
vuông. Sự thay đổi của môi trường sống này gây ra hiện tượng biến đổi của
hình thức đại gia đình sang hình thức gia đình hạt nhân. Môi trường sống
trong không gian ‘không chạm đất’ cũng như lối sống mới có lẽ khiến nhiều
người già phải thua cuộc trong kế hoạch sống chung với con cái. “Tiếp bước
của quá trình công nghiệp hóa, hình thức gia đình cũng thay đổi từ đại gia
đình sang gia đình hạt nhân và nhà chung cư là hình thức nhà ở khá phù hợp
với gia đình hạt nhân. Tất nhiên một căn nhà chung cư đủ không gian cho
3~4 người cũng tạo ra nhiều biến đổi trong đời sống Không gian sử dụng
chung của cả gia đình bị thu hẹp”
1
. Chỉ cần đơn cử tới những nghi lễ phải
tiến hành trong không gian nhà truyền thống như tang lễ, cưới hỏi, giỗ
chạp khó mà tiến hành trong không gian nhà chung cư. Tất nhiên, sự xuất
hiện của các Trung tâm tổ chức lễ cưới hay các hội trường tổ chức tang lễ
được xây dựng nhưng những yếu tố này cũng lại làm thay đổi sự giao lưu
giữa các thành viên trong gia đình lớn cũng như trong gia đình hạt nhân.
Những cuộc gặp gỡ, trò chuyện cùng chuẩn bị đồ cúng giỗ được thực hiện
ngắn ngủi hoặc bị cắt bởi người ta phải chi trả cho đủ các loại hình dịch vụ
trọn gói. Vai trò là chỗ trú ẩn, nơi mà các thành viên trong gia đình tương trợ
cũng như đùm bọc lẫn nhau không còn có thể duy trì trong môi trường sinh
hoạt mới. Đặc biệt khi chung cư được xây dựng nhiều và trở thành hình thức
nhà ở đại chúng cùng với tâm lý tiện lợi, hiệu quả được đặt lên hàng đầu.
Bảng dưới đây thể hiện sự thay đổi trong cơ cấu gia đình của xã hội
Hàn Quốc trong những năm vừa qua:
Bảng: Phân bố gia đình theo quy mô thành viên
2
1 người 2 người 3 người 4 người 5 người >6 người
1975 4.2 8.3 12.3 16.1 18.3 40.7
1980 4.8 10.5 14.5 20.3 20.0 29.8
1985 6.9 12.3 16.5 25.3 19.5 19.5
1990 9.0 13.8 19.1 29.5 18.8 9.8
Nguồn: Thống kê xã hội Hàn Quốc, 1996
Như vậy chúng ta có thể thấy gia đình với 5 ~ >6 thành viên vào
những năm 1975 chiếm tới 60% dân số trong khi đó tới những năm 1990, tỷ
lệ này giảm xuống còn ~30%. Ngược lại, mô hình gia đình 3 và 4 thành viên
1
Hội nghiên cứu lịch sử Hàn Quốc, 100 năm qua chúng ta đã sống như thế nào? (반
반반 반반 100반 반반반반반 반반반반?) (cuốn 1), tr200, YoksaBiPyongSa, 1998
2
Kim Kwang Dong chủ biên, 2007, Hiểu về lịch sử hiện đại Hàn Quốc, NXB
GyongDeok, tr.224
theo từng năm đều tăng. Gia đình với 2 thành viên cũng tăng theo từng năm
cho thấy sự phát triển của gia đình hạt nhân thay thế cho gia đình đa thế hệ,
nhiều thành viên và gia đình tiểu thành viên (vợ - chồng) cho thấy thực tế
giảm sinh của xã hội Hàn Quốc.
b) Văn hóa nhà riêng:
Phương hướng, vị trí xây dựng:
Xây quay lưng lại ngọn đồi hoặc dốc và quay mặt tiền về hướng Nam
để nhận được nhiều ánh sáng mặt trời nhất có thể.
Vùng ngoại ô thành phố, chuộng những nơi có sông, hồ, biển và núi.
Cấu trúc, trang trí, ý nghĩa:
Nếu như trước đây, trường phái cổ điển với đồ nội thất cổ, cũ, giả cổ
với hình thức và chi tiết cầu kỳ thậm chí rườm rà, được nhiều người tiêu
dùng lựa chọn, thì từ đầu năm 2007 đến nay, trường phái thiết kế hiện đại
với các gam màu tươi sáng, chất liệu đa dạng lại được nhiều kiến trúc sư,
nhà thiết kế nội thất sử dụng
Phong cách kiến trúc - nội thất mang đậm nét văn hóa Á Đông, tuy
nhiên nó cũng mang những đặc trưng riêng biệt. Cấu trúc không gian được
phân vùng quy ước, tuân thủ theo một trật tự của vị thế theo không gian chủ
đạo. Địa hình cảnh quan được đánh giá theo cảm quan của con người - chủ
thể công trình.
Phong cách thiết kế sử dụng những gam màu đa dạng nhưng màu chủ
đạo vẫn là các gam màu sáng trang nhã như trắng, vàng nhạt…, chất liệu
phong phú, mang tính thẩm mỹ cao. Có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa
phong cách cổ điển và hiện đại, mang đến cho ngôi nhà của bạn sự tiện nghi,
với công năng sử dụng hợp lý, sang trọng và lịch sự.
Hiện nay, phong cách thiết kế nội thất Hàn Quốc đã mang một hơi thở
mới cho những thiết kế nội thất bản địa, tạo nên sự cách tân mới mẻ, mang
lại một diện mạo mới cho những ngôi nhà hiện đại.
Phòng khách thường bao gồm 1 bộ sofa. Chất liệu của sofa có thể
bằng da hoặc micro fiber, nỉ… Những năm gần đây Sofa bằng chất liệu da
nhập khẩu từ Ý cũng rất được ưa chuộng vì ưu điểm bền và tính sang trọng.
(Với sofa chất liệu nỉ thì giá thành thấp hơn, nhưng cũng có những đặc tính
riêng: linh động trong việc giặt tẩy, người sử dụng dễ dàng tháo ra để giặt
hoặc đôi khi thay đổi vỏ nỉ mới để tạo cảm giác mới lạ cho phòng khách
trong một thời gian dai sử dụng mà không cần phải thay đổi cả bộ sofa.
Ngoài ra sử dụng sofa nỉ cũng mang một phong cách rất hiện đại bởi vẻ đơn
giản nhung vẫn mềm mại của từng chất liệu.)
Một trong những ưu điểm của kiến trúc là phòng khách sẽ trông rất
thoáng do cách thiết kế mở rộng. Phòng khách được thông suốt với phòng
đọc hoặc phòng ăn, phòng trà. Đôi khi chỉ được ngăn cách bằng một tấm
bình phong kính mờ khiêm không gian trở nên thông thoáng mà lại tiếp
kiệm được khoảng không gian.
Phòng khách và phòng đọc có thể được thông nhau bằng cách tạo sàn
nhà cấp bậc (phòng khách có thể thấp hơn phòng ăn hai bậc thang, nhưng
vẫn vẫn chung một không gian.
3. Các yếu tố truyền thống ảnh hưởng đến nhà ở hiện đại
Nhà của người Hàn Quốc, kể cả cũ hay mới, đều được xây để bảo vệ
chủ nhân của nó khỏi những yếu tố bên ngoài. Trần hơi thấp, các phòng
tương đối nhỏ và không có nhiều cửa sổ hay cửa ra vào.
Mục tiêu xây dựng chính: giữ ấm. Một số phòng có sàn ondol, tức là
sàn nhà được sưởi ấm từ bên dưới. hệ thống sưởi này rất quen thuộc trong
đời sống của người Hàn Quốc và thậm chí còn trở thành mốt. Một số các
ngôi nhà xây theo kiểu phương Tây trong những năm gần đây có một số
phòng được trang bị hệ thống sưới kiểu này. Tương tự như vậy, nhiều người
Hàn Quốc vẫn thích ngồi và nằm trên đệm và thảm dầy được trải dưới sàn
nhà.
Cho tới hiện nay, vẫn có rất ít nhà có ghế và giường. Mọi sinh hoạt
đều diễn ra trên sàn nhà (ăn, ngủ, trò chuyện…). Vì mọi sinh hoạt đều diễn
ra trên sàn nhà nên người Hàn luôn bỏ dép trước khi bước vào nhà.
Thiết kế và xây dựng mang tính mở, tiếp nhận ánh sáng triệt để và hòa
hợp với thiên nhiên.
III. TỔNG KẾT:
Nhìn chung nhà truyền thống của người Hàn Quốc, gần như không
thay đổi từ thời Tam Quốc cho tới cuối Triều đại Joseon (1392-1910). Nhà
của người dân thường được chọn xây dựa trên phong thủy. Phong thuỷ cũng
ảnh hưởng đến hình dáng công trình, đến hướng của mặt tiền nhà và vật liệu
dùng để xây dựng. Cách bố trí nhà phần lớn tùy thuộc vào từng vùng và điều
kiện của từng gia đình. Hệ thống sưởi sàn (ondol) đã được sử dụng tại Hàn
Quốc từ thời tiền sử cho đến tận ngày nay. Các vật liệu xây dựng chủ yếu là
gỗ, đất sét, gạch, đá, và lá tranh. Ngày nay phần đông dân thành thị hiện
đang sống tại chung cư, nhà gạch kết cấu bê tông cốt thép. Tuy vậy, nhà kiểu
truyền thống vẫn thịnh hành ở các vùng nông thôn với vật liệu chủ yếu là đất
sét và gỗ.
Kể từ những năm 1960, trong quá trình theo đuổi công nghiệp hóa và
đô thị hóa, Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy sự phát triển các đề án; một số tòa
nhà cũ rất đẹp bị phá bỏ, thay thế bằng các công trình mới, các khu hộ chung
cư dẫn đến sự thay đổi về văn hóa nhà ở của người Hàn. Tuy vậy, trong
những năm gần đây, đã có các cuộc thảo luận tích cực về vấn đề này khi
quan niệm tồn tại từ lâu đời về việc hài hòa hóa các công trình với thiên
nhiên đang được hồi sinh./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tài liệu mạng
Sách
Hàn Quốc đất nước và con người, 2010. NXB. Thời đại
Trần Thị Thu Lương (2011), Đặc trưng Văn hóa Hàn Quốc từ truyền thống
đến hiện đại. NXB. Tổng hợp TP.HCM
Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB. Giáo dục.
Kim Kwang Dong chủ biên (2007), Hiểu về lịch sử hiện đại Hàn Quốc.
NXB. GyongDeok
YoksaBiPyongSa (1998), 100 năm qua chúng ta đã sống như thế nào? (우
리는 지난 100 년 동안어떻게 살았을까?) (cuốn 1). Hội nghiên cứu lịch sử
Hàn Quốc
DANH SÁCH THÀNH VIÊN VÀ PHÂN CÔNG.
- Bùi Thanh Phương. MSSV: 0956110181
-> I. KHÁI QUÁT CHUNG + II.1a.Phân loại.
- Lê Vũ Phương Thảo. MSSV: 0956110213
-> II.1b. Đặc điểm: (vị trí, phương hướng, cấu trúc)
- Ngô Thị Thúy Hằng (nhóm trưởng) MSSV:0956110061
-> II.1b. Đặc điểm: (trang trí) + II.1c
- Phạm Thị Xuân Đài. MSSV: 0956110044
-> II.2. Những nét thay đổi trong văn hóa ở + III. Kết luận.