ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA VIỆT NAM HỌC VÀ TIẾNG VIỆT
TIỂU LUẬN GIỮA KỲ
MÔN
MỸ THUẬT VÀ KIẾN TRÚC VIỆT NAM
CHÙA PHẬT TÍCH – NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC, ĐIÊU KHẮC
PHẬT GIÁO ĐỘC ĐÁO THỜI LÝ
Giảng viên hướng dẫn: PGS.TS. Phạm Quốc Sử
Sinh viên thực hiện : Đào Thị Thơm
MSSV : 11030836
Khóa : K56 - Việt Nam học
Hà nội, 2013
MỤC LỤC
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT CHUNG
1.1. Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thời Lý
1.1.1. Bối cảnh
Vào thời Lý, bộ máy nhà nước phong kiến tập quyền được tổ chức chỉnh chu
hơn, là một trong những triều đại mở đầu cho việc xây dựng nền độc lập tự chủ lâu
dài của dân tộc, yêu cầu cần xây dựng một nền độc lập, thống nhất về mọi mặt đã
tạo điều kiện cho sự phát triển về mặt kiến trúc điêu khắc, từ việc xây nhà ở cho
đến những kiến trúc cung đình.
Dưới thời Lý, Phật giáo vô cùng phát triển, hơn nữa, vị vua đầu tiên triều Lý
sống trong chùa, cho nên, tác động từ tư tưởng đạo Phật cùng cũng như sự thích
ứng của Phật giáo trong đời sống tín ngưỡng dân gian. Ở thời kỳ này, rất nhiều
ngôi chùa đã được xây dựng với qui mô lớn, đặc biệt là sự xuất hiện của những
ngôi chùa tháp, trong đó Chùa Phật Tích – Vạn Phúc tự là một minh chứng điển
hình.
Bên cạnh đó, nền kinh tế dưới triều Lý cũng là cơ sở cho sự phát triển đỉnh
cao của nền kiến trúc điêu khắc dân tộc.
1.1.2. Đặc điểm kiến trúc, điêu khắc thời Lý
Trước tình hình phát triển về mọi mặt của triều Lý, đã tạo điều kiện cho sự
phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng của kiến trúc, điêu khắc dân tộc, nó thể
hiện ở:
Những công trình kiến trúc thường mang qui mô rộng lớn như: Kinh thành
Thăng Long, các cung điện, các lầu gác cao lớn…
Bên cạnh đó, những kiến trúc tôn giáo cũng bề thế, nhất là những kiến trúc
Phật giáo với sự mọc lên của nhiều chùa tháp như: Chùa Phật Tích, Chùa Dạm…và
đặc biệt, phần lớn đó là những kiến trúc điêu khắc đá độc đáo.
Kiến trúc, điêu khắc thời Lý hầu hết đều là những công trình nằm ở những vị
trí “đẹp”, nếu như là Kinh thành Thăng Long đó là nơi có vị trí có đầy đủ yếu tố,
song, núi, con người vô cùng thuận lợi, khác xa với kinh đô Hoa Lư; Còn nếu là
những kiến trúc Phật giáo thì phần lớn đều được xây dựng ở khu vực có núi, lấy
núi làm chỗ dựa và đặc biệt đều có hướng quay về hướng nam.
Ngoài ra, dưới thời Lý, những điêu khắc trang trí cũng vô cùng tỉ mỉ và đẹp
mắt, phù hợp với nhãn quan người nghệ nhân thời xưa nhằm đưa công trình kiến
trúc của mình lên một tầm nghệ thuật cao.
1.2. Chùa Phật Tích
1.2.1. Lịch sử hình thành và phát triển của chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích hiệu là Vạn Phúc tự, nằm ở phía Nam núi Phật Tích (hay
còn gọi là núi Lạn Kha) thuộc thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh
Bắc Ninh. Chùa Phật Tích nằm ở địa bàn diễn ra quá trình Phật giáo hóa tín
ngưỡng song song với quá trình tín ngưỡng hóa Phật giáo để Phật giáo Việt Nam
mang màu sắc riêng của văn hóa Việt Nam.
Dựa theo nhiều tài liệu, thì có thể cho rằng, chùa Phật Tích là một trong
những ngôi chùa phát tích của đạo Phật ở Việt Nam, là cái nôi của Phật giáo Việt
Nam, sau đó còn là một trung tâm Nho học khá phát triển.
Chùa Phật Tích được xây dựng năm Đinh Dậu 1057 dưới thời vua Lý Thánh
Tông. Theo văn bia đá “Vạn Phúc Đại Thiền Tự Bi” năm Chính Hòa thứ bảy dưới
thời vua Lê Hy Tông (1686) được đặt ở sân chùa có khắc: “Năm Long Thụy Thái
Bình thứ tư (1057), vua thứ 3 nhà Lý là Lý Thánh Tông đã cho xây dựng ngôi chùa
hiệu Vạn Phúc Tự, cất lên cây tháp quý cao ngàn trượng, lại dựng pho tượng mình
vàng cao 6 thước, cấp cho hơn trăm thửa ruộng xây chùa chẵn trăm tòa. Trên đỉnh
núi mở ra tòa nhà đá, cấp trong điện tự nhiên sáng như ngọc lưu ly, điện ấy đã
rộng là to, sáng sủa lại lớn. Trên bậc thềm đằng trước có bày mười con thú, phía
sau có Ao rồng, gác cao vẽ chim Phượng và sao Ngưu, sao Đẩu sáng lấp lánh, lầu
rộng và tay rồng với tới tận trời cao, cung Quảng vẽ hoa nhị hồng…”. Không
những vậy, trong quá trình tu sửa, tôn tạo ngôi chùa năm 2008, khi khai quật móng
tháp, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những viên gạch nung có khắc “Lý gia đệ
tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”. Từ những công trình khai quật như vậy,
đã xác định rõ hơn về niên đại của ngôi chùa. Chính vì thế, Chùa Phật Tích là một
công trình kiến trúc và điêu khắc độc đáo mang đậm nét của thời Lý. Phật giáo
dưới thời Lý được coi trọng nên vì vậy mà chùa Phật Tích được xem như là một
trong những ngôi chùa có vị trí và vai trò quan trọng, có tính chất quốc gia, vừa là
nơi lễ phật của vua quan, vừa là hành cung cho các vua nghỉ ngơi, tĩnh tâm.
Sang tới thời Trần (1225 – 1400), đạo Phật vẫn tiếp tục phát triển song song
với Nho giáo và Đạo giáo. Chùa Phật Tích là trung tâm của Phật giáo, hội tụ vua
quan, cao tăng và các tín đồ phật tử truyền bá và giảng thuyết. Chùa Phật Tích còn
là trung tâm Nho giáo, là nơi đào tạo, tổ chức các cuộc thi tuyển chọn quan lại. Vua
nhà Trần đã lập một thư viện Lạn Kha, do danh nho Trần Tôn làm viện trưởng để
giảng dạy học trò. Ngoài ra, nhà vua còn cho dựng cung Bảo Hòa, để tập hợp các
văn thần, nho sĩ đến để sáng tác thơ ca.
Sang thời Lê – Trịnh, vào thế kỷ 17 – 18, sau một thời gian đất nước diễn ra
nội chiến thì đạo Phật đã được phục hưng trở lại. Đây cũng là mốc lịch sử quan
trọng của chùa Phật Tích với sự xuất hiện của sư tổ Chuyết Chuyết, là vị sư tổ đầu
tiên của dòng Thiền Lâm Tế ở Việt Nam. Cũng vì vậy, chùa Phật Tích sớm trở
thành “tùng lâm Phật giáo” lớn. Chùa tiếp tục được trùng tu tôn tạo với quy mô
lớn và có giá trị nghệ thuật cao, người có công trong việc tôn tạo này là đệ nhất
cung tần của chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng (1623 – 1657) là bà Trần Thị
Ngọc Am.
Sang tới triều Nguyễn, Phật giáo với sự mở rộng các tông phái của mình thì
các ngôi chùa ở khắp mọi nơi đều được tu sửa trong đó năm 1846, vua Thiệu Trị
triều Nguyễn cũng cho trùng tu lại Chùa.
Sang thế kỷ thứ XX, thời Pháp thuộc, chùa Phật Tích bị phá hủy hoàn toàn
năm 1947; những công trình kiến trúc, điêu khắc đều bị hư hỏng bởi đạn pháo của
quân xâm lược. Tuy nhiên, chùa vẫn lưu giữ được một số cổ vật có giá trị mang
tầm cỡ quốc gia. Sau khi hòa bình lập lại cho đến nay, thì chùa Phật Tích vẫn được
khôi phục và tôn tạo dần. Năm 1959 và năm 1986 chùa được dựng lên khá đơn
giản để làm nơi giữ gìn pho tượng A Di Đà nghìn năm tuổi. Năm 1962, chùa Phật
Tích được xếp hạng là một trong những di tích lịch sử văn hóa đặc biệt cấp quốc
gia, và thường xuyên được tu bổ, tôn tạo và giữ gìn. Vì vậy, ở những giai đoạn sau,
chùa Phật Tích được tiến hành trùng tu một số gian nhà như tòa Tam Bảo, nhà Tổ,
và nhà Mẫu…. Đến năm 2008, trong quá trình tu bổ, chùa đã phát lộ được móng
tháp, được xác định là xây dựng dưới thời Lý, trước công trình khảo cổ như vậy,
chùa được xếp vào dự án, tu sửa với quy mô lớn và là một trong những công trình
kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long.
1.2. Giá trị nghệ thuật của chùa Phật Tích
Vì là chùa được xây dựng dưới thời Lý, vậy nên hầu hết những công trình
nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc ở đây đều mang dáng vẻ độc đáo của nghệ thuật
thời Lý. Đã có khá nhiều tranh luận về niên đại của những cổ vật đó, một phần vì
do lịch sử tồn tại lâu đời, lại do không được ghi chép rõ ràng, phần vì do bị phá
hủy cùng với thời gian, việc xác định cũng gặp khó khăn. Thế nhưng những sáng
tạo nghệ thuật ở chùa Phật Tích cũng là một bằng chứng chứng minh sự dung hợp
giữa những yếu tố ngoại lai với những yếu tố bản địa để tạo thành một hướng sáng
tạo nghệ thuật đầy màu sắc Việt Nam.
Thứ nhất là tượng linh thú gồm 5 cặp: sư tử, ngựa, voi, trâu, tê giác được
xếp đối xứng trước cửa tam bảo. Tượng linh thú hiện vẫn được tiến hành xác định
niên đại, song về cơ bản có phần mang màu sắc của tượng tròn thời Lý.
Thứ hai, đó là pho tượng A Di Đà bằng đá 1000 năm tuổi, là bảo vật quốc
gia, được tạc theo phong cách Ấn Độ, nhưng mang dáng dấp của người Việt Nam,.
Tiếp theo là nền móng tháp được phát hiện cùng với nhiều cổ vật khác như: Đầu
rồng, chim thần, tượng nữ thần mình chim Kinnari có phần giống với nghệ thuật
Chămpa.
Ngoài ra, khoảng hơn 30 ngôi tháp thờ các vị tổ sư đã trụ trì ở chùa Phật
Tích, được xác định là có niên đại dưới thời Lê – Trịnh khoảng thế kỉ 17-18.
Những cổ vật được tìm thấy ở chùa Phật Tích mang giá trị vô cùng quan trọng,
không những để xác định niên đại của ngôi chùa, mà còn xác định được phong
cách nghệ thuật được sử dụng trong những điêu khắc đá ở chùa.
CHƯƠNG 2: MỘT SỐ CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC, ĐIÊU KHẮC PHẬT
GIÁO THỜI LÝ TIÊU BIỂU
Chùa Phật Tích là một trong những ngôi chùa tháp còn giữ được nhiều cổ
vật có đặc điểm kiến trúc, điêu khắc độc đáo của thời Lý. Đó là những sáng tác mỹ
thuật Phật giáo. Tuy nhiên, những sáng tác mỹ thuật này không hoàn toàn mang
màu sắc của Phật giáo Ấn Độ mà ngược lại nó là sự tổng hòa chắt lọc của những
yếu tố văn hóa ngoại lai khác với yếu tố văn hóa bản địa, nó thể hiện sức sáng tạo
nghệ thuật của con người Việt Nam lúc bấy giờ một cách độc đáo và khéo léo. Nó
thể hiện ngay ở những điêu khắc tượng tròn, ở cách bài trí của một ngôi chùa hoặc
ở những hoa văn chạm trổ vô cùng điêu luyện, sống động. Một cái gì đó mang
dáng dấp của hồn người Việt. Dưới đây là một số công trình kiến trúc điêu khắc
độc đáo thể hiện sự khéo léo trong việc kết hợp những yếu tố tôn giáo ngoại lai với
tín ngưỡng bản địa.
2.1. Kiến trúc ngôi chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích được kiến trúc qua ba cấp nền chùa, theo sườn núi Phật Tích
- một kiến trúc tiêu biểu của thời Lý. Các cấp nền chùa thì được ngăn cách bởi một
dãy đá kè hình chữ nhật.
Qua tam quan là bậc nền thứ nhất, đó là sân chùa với 2 dãy hành lang rộng
cùng với vườn hoa mẫu đơn là nơi diễn ra câu chuyện “Từ Thức gặp tiên”.Ở bậc
nền thứ hai là nơi dựng lên chùa Phật Tích với Tam bảo chính điện, phủ chúa, nhà
tổ được bài trí theo kiểu “nội công ngoại quốc”.Nền thứ ba là khu vực tháp đá và
ao rồng (long trì), ao rồng có hình chữ nhật dài 7m, rộng 5m, sâu 2,5m ở phía sau
chùa.
Chùa Phật Tích ở các triều đại khác nhau vẫn giữ kiểu kiến trúc “nội công
ngoại quốc”. Kiểu kiến trúc này được biết đến bao hàm được mọi hình thái tín
ngưỡng và hỗn dung tín ngưỡng với Phật giáo của người Việt qua cách bài trí bàn
thờ như: 7 gian tiền đường để đón tiếp khách, 5 gian Tam bảo thờ phật, phật A Di
Đà,…, 8 gian nhà Tổ, 7 gian thờ Mẫu và hơn nữa Chùa được kiến trúc theo kiểu
“nội công ngoại quốc” cũng mang tính ổn định của những yếu tố văn hóa xã hội cổ
truyền hơn, mặc dù, trong chùa còn xuất hiện của những yếu tố văn hóa khác.
Là một ngôi chùa phản ánh khá đầy đủ các hình thái tín ngưỡng dân gian của
người Việt theo hướng kiến trúc “nội công ngoại quốc”, các ban thờ trong chùa
được bày trí theo lối “tiền Phật hậu Thần”, đã chứng tỏ tín ngưỡng đa thần cũng đã
được hỗn dung với yếu tố Phật giáo.
2.2. Tượng phật A Di Đà
Tượng phật đá A Di Đà có thể được coi là một minh chứng lịch sử “thành -
trụ - hoại - không” của chùa Phật Tích. Với niên đại khoảng 1000 năm tuổi, khi
chùa bị phá hủy trong kháng chiến chống pháp thì pho tượng cũng bị bắn phá gãy
đầu, thân tượng với nham nhở những vết đạn. Dân làng xung quanh đã cất giữ đầu
pho tượng khi chùa được xây dựng lại sau ngày giải phóng thì đầu tượng được
đưa về chùa để chắp sửa hoàn chỉnh.
Tượng đá phật A Di Đà gồm 2 phần: phần tượng được tạc riêng 1 khối đá, ở
thế ngồi tĩnh tọa kiết già, mình tượng cao 1,87m ngồi tọa trên một tòa sen; phần bệ
đá với những chạm chổ điêu luyện, cùng với phần tượng thì tổng thể pho tượng
cao khoảng 2,69m.
Đây là pho tượng thể hiện khá đầy đủ sự hỗn dung, tiếp biến các luồng văn
hóa ngoại lai với yếu tố tín ngưỡng bản địa. Xét ở một góc độ nào đó, nhìn từ tổng
thể những điêu khắc, mỹ thuật dưới thời Lý thì đều có dáng vẻ của con người Việt
trong tạo hình nghệ thuật. Pho tượng đá phật A Di Đà cũng vậy, được chắt lọc từ
yếu tố mẹ qua tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Nữ thần ở Việt Nam thì vẻ đẹp của tượng
Phật cũng lấy từ vẻ đẹp của phái nữ với những đường nét thanh tú, mềm mại. Phật
ngồi ở tư thế thiền, hai tay đặt lên nhau hướng về trước, áo trong chỉ được để lộ ở
phần ngực được thắt đai lưng trước bụng, áo ngoài được điêu khắc như gân lá sen,
bó sát vào người với những đường rủ xuống thướt tha, buông kín hai chân. Khuôn
mặt hình trái xoan hơi bầu bĩnh, phúc hậu, hàng lông mày cong thanh, đôi mắt lim
dim, nụ cười kín đáo, cổ cao ba ngấn và đôi tai dài biểu hiện cho quí tướng.
Nhìn tổng thể thì bức tượng đã có sự tiếp biến đủ mức độ với các luồng văn
hóa của văn hóa Ấn Độ, văn hóa Trung Hoa, ở cách thể hiện những đường nét vô
cùng thanh tú, cao cả mang đầy ý niệm soi rọi nội tâm thanh tịnh và không phải là
một pho tượng bầu bĩnh, phương phi của những tượng Phật đời nhà Đường. Pho
tượng A Di Đà ở chùa Phật Tích lại là hình ảnh của một phái nữ với thân hình
mảnh mai, thon thả, với 2 cánh tay tròn, ngón tay dài mảnh.
Nếu nhìn kỹ toàn bộ pho tượng, thì có thể nhận thấy được sự khác biệt giữa
mình tượng và bệ tượng, phần bệ tượng là đài sen và bệ bát giác, được tạc rất tinh
xảo. Bệ sen là những đóa hoa nở rộ với hình rồng. Bệ bát giác được điêu khắc
những chi tiết sóng nước, với những chùm hoa dây giăng với những người bé xíu
đang leo trèo. Đã tạo nên nét hài hòa khác biệt của pho tượng A Di Đà, một pho
tượng mẫu mực của mỹ thuật thời Lý.
2.3. Tượng Hộ Pháp (Bát bộ kim cương)
Khác với tượng A Di Đà mềm mại, thanh tú và phúc hậu, thì tượng Hộ Pháp
ở chùa Phật Tích lại có vẻ đẹp của một con người mạnh mẽ, kết hợp với vẻ đẹp của
trí tuệ. Tượng được tạc ở thế chống kiếm (mang dáng động), mặc giáp phục theo
kiểu quan võ, trên áo giáp chạm nổi những bông hoa nhỏ với nếp áp tuôn chảy,
dáng tượng rướn về phía trước, dáng áo bay về phía sau như có sự chuyển động
2.4. Tượng Người Chim
Đây là những pho tượng tròn, cỡ trung bình, là sự kết hợp giữa cái đẹp của
con người và vẻ đẹp của chim để tạo nên một nhân vật huyền thoại Kinnari trong
thần thoại Ấn Độ.
Tượng người chim đậu trên đế vương dùng để trang trí mặt ngoài của tháp.
Phần người của tượng được thể hiện với khuôn mặt đầy đặn, hiền từ, lông mày
cong thanh mảnh, hai gò má bầu bĩnh, ngực nở, hai tay đang vỗ trên mặt, chiếc
trống cơm đeo trước ngực, từ hai nách mọc ra đôi cánh chim xòe rộng đuôi dài hất
ngược lên, hai chân cứng khỏe với móng cong sắc, ở phần thân được chạm những
bông hoa nhỏ.
Nhìn toàn diện thì tượng người chim là hình ảnh của thần nhạc công với việc
đeo chiếc trống cơm nhạc cụ trong âm nhạc Phật giáo.
2.5. Chân cột chạm dàn nhạc
Các bệ đá được tìm thấy ở chùa Phật Tích đều cùng một kiểu dáng gồm 2
phần: phần trên mặt tròn đặt trên khối hộp vuông. Mặt trong được điêu khắc theo
hình mẫu của hoa sen nở tung với những cánh sen cong úp. Điều đặc biệt là ở mỗi
cánh sen đều có một đôi rồng chầu uốn mình mềm mại, không vảy, đó là đặc trưng
của rồng thời Lý. Ở giữa là vòng sáng nhọn bốc lên từ đóa sen tượng trưng cho sự
thịnh vượng nơi đất Phật. Hai bên vòng sáng là chạm trổ đối xứng hình những con
người với những nhạc cụ vừa múa vừa tấu nhạc (mỗi bên gồm 5 nhạc công) với
trống cơm, đàn tranh, đàn tì bà, đàn thập lục, tiêu, sáo… Nhạc công trên bức chạm
có một thân hình tròn, khỏe, uốn mình duyên dáng và thướt tha mang màu sắc của
cõi Tiên. Nếu chú ý kĩ thì 10 người có những hành động khác nhau, đặc trưng cho
mỗi nhạc cụ nhưng tổng thể lại, thống nhất trong nhịp điệu.
Những chạm trổ trên bề mặt chân tảng đều được tạc một cách tỉ mỉ với hình
ảnh con sóng dao động. Những tác phẩm này phản ánh trình độ cao của người nghệ
nhân sáng tạo, cũng như nghệ thuật điêu khắc kiến trúc thời Lý.
2.6. Tượng linh thú trước tòa tam bảo
Đây là những pho tượng tròn nguyên khối (trừ con trâu) gồm: Tê giác, trâu,
voi, sư tử, ngựa xếp đối xứng qua cửa dẫn lên bậc thềm thứ 2 của chùa Phật Tích.
Những pho tượng này đều được đặt trên 1 chân tảng lớn, quì trên bệ đá sen, mang
dáng vẻ to tròn như những con vật ngoài đời, nó được thể hiện một cách sống
động. Tuy nhiên, nó lại không có hoa văn trên mình như những điêu khắc tượng đá
khác ở chùa Phật Tích. Và nó là những tượng tròn chưa gặp ở những công trình
kiến trúc ở thời Lý. Những con vật này thực ở ngoài đời, nhưng lại được đưa lên
đài sen. Để lý giải sự tồn tại của những pho tượng thú này, vẫn còn phải nghiên
cứu nhiều.Theo Ông Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng: “Vô tượng ký, 500-600 năm sau
Phật diệt, lúc đó chưa thờ tượng qua hình ảnh con người thì người ta thờ các hiện
tượng, dấu hiệu, biểu hiện của Phật như: Chữ Vạn, hoa sen hay dấu chân hoặc ở
Chùa Phật Tích là sư tử kỵ, Mã kỵ, Ngưu kỵ, Tượng kỵ, Trư kỵ là những loài vật
Phật đã từng cưỡi khi Ngài hành pháp, và vì là biểu tượng của Phật nên tất cả
được đặt trên tòa sen”. Tác giả Chu Quang Trứ trong cuốn “Mỹ thuật Lý Trần, Mỹ
thuật Phật giáo” lại cho rằng ý nghĩa của những con vật này vừa gắn bó với con
người, lại vừa mang màu sắc của Phật giáo: “đã là những con vật của thế giới
Phật giáo thì sư tử tượng trưng cho sức mạnh của trí tuệ, voi tượng trưng cho bồ
tát hạn tự nhiên tự tại, ngựa tượng trưng cho kẻ chở phật pháp đến với chúng sinh,
tê giác tượng trưng cho sức mạnh từ bi”
Ngoài ra còn nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo thời
Lý như: Ao rồng, nền móng tháp và khối lượng gạch đồ sộ… minh chứng cho một
thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc điêu khắc Phật giao.
CHƯƠNG 3. ĐÁNH GIÁ
Có thể nhận thấy về cơ bản, nghệ thuật kiến trúc, điều khắc ở chùa Phật
Tích là sự hỗn dung của văn hóa Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc với những yếu tố
bản địa, vì vậy mà ngôi chùa mang sắc thái riêng của dân tộc ta. Hơn nữa, những
giá trị cổ vật đó còn phản ánh thời kì hưng thịnh của Phật giáo, phản ánh được
trình độ sáng tác của nghệ nhân dưới thời Lý – Trần, nó mang những nét độc đáo
không dập khuôn bất kì những chi tiết nào mà chỉ tiếp thu chọn lọc để phù hợp với
văn hóa bản địa, nó thể hiện tính dân tộc rõ rết, là những điêu khắc mẫu mực,
những điêu khắc của thời kỳ phục hưng văn hóa Đông Sơn trong kỷ nguyên độc
lập.
Dựa vào những đặc điểm về kiến trúc, điêu khắc thời Lý có thể khái quát
những điểm sau về kiến trúc, điêu khắc Phật giáo thời Lý qua Chùa Phật Tích như
sau:
Trước hết, chùa Phật Tích là ngôi chùa Tháp với qui mô lớn, đồ sộ, tuy ngày
nay không còn giữ được những nét kiến trúc xưa, song những giá trị chùa để lại
cũng đủ để ta thấy một nền nghệ thuật kiến trúc phát triển đỉnh cao.
Những công trình kiến trúc, điêu khắc ở Chùa Phật Tích đều mang những
lớp văn hóa hỗn dung từ những yếu tố bản địa với những yếu tố ngoại lai điều đó
thể hiện rõ ở kiến trúc chùa và đặc biệt là những pho tượng được lưu giữ tại đó
nhất là pho tượng Phật A-Di-Đà, những tượng đầu người mình chim….
Bên cạnh đó, từ những điêu khắc trên những kiến trúc, những tượng Phật có
thể thấy được những đặc sắc mang đậm dấu ấn thời Lý như: phần lớn đó đều là
những điêu khắc đá đồ sộ, sử dụng những mô típ chủ đạo như hoa cúc, hoa sen,
song nước, vũ nữ uyển chuyển có vũ đạo, đặc biệt là con rồng – đó là những con
rồng rắn, không vẩy, mềm mại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đức Nùng (cb) (1973), Mỹ thuật thời Lý, Nxb Văn hóa.
2. Chu Quang Trứ (2001),Mỹ thuật Lý – Trần, mỹ thuật Phật giáo, Nxb Đại học
quốc gia Hà Nội.
3. Chu Quang Trứ (1996), Kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam, Nxb mỹ
thuật Hà Nội.
4. Tạp chí nghiên cứu Phật học số 3/2011.
5. Đào Thị Thơm (2013), Nghiên cứu khoa học – Dung hợp tôn giáo và tín ngưỡng
dân gian ở Chùa Phật Tích, Khoa Việt Nam học và Tiếng việt.
6. Tài liệu tham khảo trên Internet,….