Tải bản đầy đủ (.pdf) (262 trang)

Lịch sử Tự nhiên Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.65 MB, 262 trang )

Lịch sử Tự nhiên Việt Nam
Biên tập bởi:
Eleanor J. Sterling
Lịch sử Tự nhiên Việt Nam
Biên tập bởi:
Eleanor J. Sterling
Các tác giả:
sterling
Lê Đức Minh
Phiên bản trực tuyến:
/>MỤC LỤC
1. Lời nói đầu
2. Giới thiệu về Việt Nam
3. Con người và Môi trường
4. Địa Sinh Học của Việt Nam
5. Môi trường sống ở Việt Nam
6. Khu hệ động vật của Việt Nam
7. Miền Bắc Việt Nam Sự kết thúc của dãy Himalaya
8. Miền Trung Việt Nam và dãy Trường Sơn từ vùng núi ẩm ướt đến các khu rừng khô
ráo
9. Miền Nam Việt Nam Sức mạnh của sông Mê Kông
10. Các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học của Việt Nam
11. Bảo tồn Tương lai của môi trường sống ở Việt Nam
12. Tài liệu tham khảo
13. Phụ lục
Tham gia đóng góp
1/260
Lời nói đầu
Cái tên Việt Nam đã một thời gợi lên những hình ảnh của những người lính đang đổ mồ
hôi tại các khu rừng rậm nhiệt đới, những người dân làng mặc quần áo bằng vải sặc sỡ
và đội nón, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn có trâu đi cầy và có lẽ là các trạm nghỉ


thời thuộc địa được làm trên các vùng núi gồ ghề. Đối với những người quen thuộc hơn
với khung cảnh hiện nay của đất nước thì những hình ảnh phần lớn về vùng nông thôn
và mang tính lịch sử này đã bị thay thế bởi những cảm nhận về những đường phố đông
đúc tại thành phố và những con đường mới được xây dựng trong một nền kinh tế đang
phát triển nhanh chóng.
Ẩn giấu đằng sau những hoạt động náo nhiệt của con người là môi trường sống của Việt
Nam: các loài thực vật và động vật, sông biển và các châu thổ, núi và đồi, các sinh cảnh
và các hệ sinh thái. Cuốn sách này tập trung vào đa dạng sinh học, tức là các sinh vật ở
tất cả các dạng khác nhau của chúng, của Việt Nam. Các vùng tự nhiên của Việt Nam
có nhiều loài và phần nhiều trong số này không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên trái
đất. Việc nghiên cứu vẫn đang tiếp tục để khám phá các loài động thực vật mới giúp làm
tăng vị thế của Việt Nam trong công cuộc bảo tồn toàn cầu.
Cuốn sách Lịch Sử Tự Nhiên của Việt Nam có nguồn gốc từ những nỗ lực nghiên cứu
và bảo tồn do nhân viên của Trung tâm đa dạng sinh học và bảo tồn tại Bảo tàng lịch sử
tự nhiên của Mỹ thực hiện (<>). Vào năm 1995, Bộ nông
nghiệp và phát triển nông thôn của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã quyết
định tăng mạng lưới các vùng đất có rừng được bảo vệ trong nước. Kể từ năm 1997,
Trung tâm đã cùng làm việc với các nhóm nghiên cứu quốc tế và các nhà khoa học Việt
Nam để nhằm cố vấn cho chính phủ vị trí để đặt các khu bảo tồn mới và giải quyết
những ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học và mối quan hệ của những người dân địa
phương với đất và các tài nguyên khác.
Khi thực hiện chương trình nghiên cứu này, chúng tôi không tìm được những nguồn
cung cấp những thông tin khái quát và toàn diện về lịch sử tự nhiên của đất nước cho
các nhà khoa học, những người quản lý bảo tồn hoặc chỉ là những người muốn tìm hiểu.
Những thông tin quan trọng nằm rải rác trong nhiều loại sách và bài báo (phần nhiều
trong số này là từ thời kỳ đầu của thế kỷ 20), trong các bản báo cáo ít được phổ biến
và các bản thảo và các danh lục chưa ông bố cũng như dưới dạng kiến thức của các nhà
khoa học. Tài liệu khoa học hiện có được viết bằng nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng
Việt Nam, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga và tiếng Anh. Đây là một thử thách
thậm chí đối với cả những người thông thạo nhiều ngôn ngữ.

Trong cuốn sách này, chúng tôi sử dụng những nguồn tài liệu này để mô tả tính đa dạng
và phân bố của các loài động vật hiện có của Việt Nam và tìm hiểu nguồn gốc tiến hóa
2/260
của chúng trong điều kiện địa chất khí hậu và lịch sử phức tạp của Đông Nam Á. Chúng
tôi mở rộng ra ngoài phạm vi kể chuyện thường thấy ở những cuốn sách về lịch sử tự
nhiên bằng cách nói thêm về những mối đe dọa đối với nguồn tài nguyên của đất nước.
Như ở tất cả những nước khác, những hoạt động của con người đe dọa đa dạng sinh học
của Việt Nam và nếu xem xét kỹ lưỡng chúng đều có thể được coi là mối đe dọa và
thách thức đối với việc bảo tồn.
Trong chương 1, chúng tôi cung cấp thông tin khái quát về môi trường tự nhiên và văn
hóa của Việt Nam và giới thiệu những chủ đề chính sẽ được đề cập trong phần còn lại
của cuốn sách. Chương 2 mô tả lịch sử của con người ở Việt Nam và mối quan hệ giữa
con người và môi trường. Chương 3 tìm hiểu nguồn gốc tiến hóa tạo nên sự đa dạng ở
Việt Nam trong bối cảnh môi trường tự nhiên biến động của khu vực. Chương 4 cung
cấp thông tin khái quát về khu hệ thực vật và môi trường sống của đất nước và chương
5 nói về các nhóm động vật của Việt Nam. Chương 6, 7 và 8 theo thứ tự mô tả đa dạng
sinh học của miền Bắc (Bắc Bộ), miền Trung (Trung Bộ và miền Nam (Nam Bộ) của
Việt Nam. Việc sắp xếp theo vùng địa lý như vậy nêu bật sự khác nhau đáng kể về mặt
sinh học cũng như văn hóa giữa các vùng này. Từng chương về các vùng địa lý sẽ mô tả
địa hình, thời tiết, đa dạng về dân tộc cũng như các sinh cảnh, thực vật và động vật đặc
trưng của khu vực và đưa ra những gợi ý về địa điểm quan sát thiên nhiên Việt Nam.
Chương 9 đề cập đến các mối đe dọa trước đây cũng như hiện nay đối với đa dạng sinh
học của Việt Nam và chương10 tổng kết những nỗ lực đang được thực hiện để làm giảm
những mối đe dọa này.
Trong toàn bộ cuốn sách, các loài động thực vật của Việt Nam được thể hiện chủ yếu
bằng các hình vẽ bằng màu nước. Nhiều loài trong số này ít khi quan sát được và ít được
các bảo tàng động vật và thực vật thu mẫu và càng ít khi được chụp ảnh trong tự nhiên.
Họa sĩ, tiến sĩ Joyce A. Powzyk, đã dựa vào những bản mô tả ban đầu về các loài này,
những bản khắc trước đây, các mẫu vật của bảo tàng, tài liệu hướng dẫn thực địa, số
lượng ít ỏi những bức ảnh và ý kiến chung của các chuyên gia để thể hiện các loài động

vật và thực vật này một cách chính xác nhất.
Kinh nghiệm của Joyce Powzyk phản ảnh một chủ đề quan trọng xuyên suốt cuốn sách
đó là đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn còn chưa được hiểu biết một cách cặn kẽ. Mặc
dù nhiều đợt khảo sát đã được tiến hành từ giữa thế kỷ 19, việc nghiên cứu về khu hệ
động thực vật của Việt Nam đã giảm xuống mức tối thiểu trong cuộc chiến tranh Đông
Dương đầu tiên bắt đầu ngay sau chiến tranh thế giới thứ 2 và kéo dài đến năm 1954 và
cuộc chiến tranh Đông Dương thứ hai (còn có tên là cuộc chiến tranh Việt Nam và được
gọi là cuộc chiến tranh Mỹ-Việt Nam trong cuốn sách này), kéo dài từ năm 1955 đến
năm 1975. Bắt đầu từ đầu những năm 1990, những thông tin khoa học mới lại xuất hiện
nhiều tại Việt Nam và đôi khi khởi xướng việc kiểm chứng những kết luận trước đây.
Phần lịch sử tự nhiên được đề cập ở đây phản ánh những kiến thức đã được công bố và
vẫn còn nhiều thiếu sót.
3/260
Cuối cùng, một lời cảnh báo cho những người hy vọng quan sát được sự phong phú của
động vật và thực vật hoang dã được mô tả trong cuốn sách này khi họ tham quan Việt
Nam. Nhiều khu vực của Việt Nam rất đẹp, tuy nhiên không có khu rừng nào của Việt
Nam có thể được coi là nguyên sinh và rất ít những khu rừng tự nhiên vẫn còn tương đối
ít bị tác động. Con người đã sống ở Việt Nam trong hàng nghìn năm và thậm chí những
khu vực cách biệt nhất cũng chỉ cách những nơi định cư gần nhất của con người vài ngày
đi bộ. Những khu vực tự nhiên còn lại trên thực tế chỉ còn là các hòn đảo tách biệt trong
một biển nơi cư trú của con người. Những vùng tự nhiên này thường nằm ở các khu vực
nhậy cảm vì chính trị nằm dọc theo biên giới của đất nước nơi sự tiếp cận bị hạn chế và
vẫn còn mìn chưa nổ. Do đó, khả năng quan sát được Saola (Pseudoryx nghetinhensis)
hoặc thậm chí loài phổ biến hơn nhiều như loài hoẵng (Muntiacus muntjak) sống trong
rừng là rất ít. Tuy nhiên Việt Nam vẫn là một nơi đáng chú ý, về mặt sinh học, địa chất
và văn hoá, và có nhiều điều về vẻ đẹp, lịch sử, và đa dạng sinh học trong quá khứ cũng
như hiện tại để chia sẻ với những người du lịch.
Quy ước về ngôn ngữ, tên và ngày tháng
Những câu hỏi về việc sử dụng tên thích hợp cho cả địa danh và tên người thường xuyên
xuất hiện khi chúng tôi viết cuốn sách này. Chúng tôi đã cố gắng sử dụng những tên

quen thuộc và tiêu chuẩn trong khi đó tránh những tên có ý nghĩa hoặc ngữ cảnh quá
tiêu cực.
Tên có thể không rõ ràng hoặc gây nhầm lẫn. Những nhà địa lý phương Tây có lẽ đã
dùng thuật ngữ Đông Dương vào cuối những năm 1700 hoặc đầu những năm 1800. Mặc
dù được định nghĩa trong Từ điển tiếng Anh Oxford là khu vực nằm giữa Ấn Độ và
Trung Quốc, Đông Dương thường được coi là bao gồm 3 nước Việt Nam, Cộng hoà Dân
chủ Nhân dân Lào (Lào) và Campuchia như được sử dụng trong cuốn sách này. (Đối
với khu vực lớn hơn bao gồm Myanmar, Thái Lan và bán đảo Mãlai chúng tôi sử dụng
tên lục địa Đông Nam Á). Thuật ngữ Đông Dương ám chỉ Việt Nam là một vùng không
có chính trị và văn hóa trước khi có sự ảnh hưởng của Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này
không đúng sự thật: những nghiên cứu khảo cổ đã cho thấy rõ là những mạng lưới buôn
bán phức tạp tại những khu vực này đã tồn tại trước khi việc buôn bán với Trung Quốc
và Ấn Độ gây ảnh hưởng đến khu vực này.
Một số tên có nguồn gốc từ thời thuộc địa có thể gây xúc phạm đối với người Việt Nam.
Cái tên tiếng Anh rất hay được sử dụng cho dãy núi lớn của Việt Nam, dãy Trường Sơn,
có nguồn gốc từ thuật ngữ An Nam, bắt nguồn từ Ngân nam trong tiếng Trung Quốc.
Dịch ra từ này có nghĩa là “phương Nam bị đô hộ” hoặc “miền Nam thanh bình” và xuất
hiện trong thời kỳ người Trung Quốc xâm lược Việt Nam vào đầu thế kỷ 17. Chúng tôi
đã thay thế những tên Việt Nam khi có thể được. Người Pháp thường sử dụng thuật ngữ
Tonkin, Annam và Cochinchina cho miền Bắc, miền Trung và miền Nam của Việt Nam;
những nhà điểu học vẫn sử dụng những tên này. Các thuật ngữ tương tự của người Việt
Nam là Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.
4/260
Những tên thích hợp, cho cả địa danh và con người, có sự khác nhau giữa tiếng Việt và
tiếng Anh hiện nay. Người Việt Nam vẫn giữ gốc tên của địa danh và con người từ tiếng
Trung Quốc: xu hướng tách một từ thành các phần riêng biệt (tương đương với các ký
hiệu) tượng trưng cho các phần mang ý nghĩa của nó. Do đó, Vietnam được viết là Việt
Nam, Hanoi là Hà Nội và Danang là Đà Nẵng. Trong cuốn sách này, chúng tôi dùng
theo các quy ước của người Việt Nam cho các tên địa danh trừ Vietnam và Hanoi vì việc
sử dụng chúng trong một thời gian dài ở phương Tây đã thay thế cách viết ban đầu của

chúng. Tuy nhiên, những tên khác được sử dụng như chúng được viết trên những bản đồ
và từ điển địa lý của Việt Nam. Đối với các tên địa danh của Việt Nam, ngoại trừ Fan Xi
Pan (Phan Si Pan), chúng tôi sử dụng theo Bản đồ Quốc gia Việt Nam (Đặng Hùng Võ,
1996). Trong trường hợp tên người, người Việt Nam sử dụng trình tự ngược so với hầu
hết những quy ước về tên của phương Tây. Họ đặt tên họ đầu tiên, tên gọi cuối cùng và
tên đệm, thường là theo gia đình, ở giữa. Tất cả tên của người Việt Nam được viết hoàn
toàn theo kiểu Việt Nam.
Bản thân tên Vietnam đã được sử dụng trong gần 2 thế kỷ. Vào đầu thế kỷ 19, vua Gia
Long đã đặt tên đất nước là “Nam Việt” và đề nghị hoàng đế Trung Quốc thông qua.
Hoàng đế Trung Quốc trả lời là Nam Việt quá giống với “Nam Việt Đông” một vương
quốc của Trung Quốc cổ đại và để tránh sự nhầm lẫn (và tranh chấp về lãnh thổ có thể
xảy ra), ông ta đã gợi ý đảo ngược tên này thành Việt Nam, có nghĩa nghĩa là “người
phương Nam”.
Đối với ngày tháng trong lịch sử, chúng tôi sử dụng quy ước “thời công nguyên” (C.E.)
và ‘trước công nguyên” (B.C.E) theo thứ tự tương đương với A.D. và B.C.
Những quy ước về hệ thống phân loại
Loài là đơn vị cơ bản đối với việc phân loại thế giới sinh vật. Câu hỏi chính xác cái gì
cấu tạo thành loài, hay vấn đề về loài, vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi nhất trong sinh học
và hoàn toàn không có sự nhất trí. Bất chấp thực tế này, phần lớn các nhà sinh học đều
nhất trí về hai thuộc tính của loài. Thứ nhất, họ đồng ý rằng loài là những đơn vị thực
được xác định bởi những khác biệt có thể đo đạc được về mặt đặc điểm như màu sắc,
kích thước và tập tính. Điều này có nghĩa là loài không phải là những thực thể nhân tạo
được tạo ra do mong muốn của bản thân con người nhằm phân loại thế giới xung quanh
chúng ta. Thứ hai, họ đồng ý rằng loài là một hoặc nhiều nhóm tiến hóa có quan hệ họ
hàng gần gũi và có hạn chế trong việc trao đổi GEN giữa những nhóm này và những
nhóm khác. Mặc dù sự bất đồng giữa các nhà sinh học có lẽ mang nhiều tính hàn lâm,
những khác biệt giữa các định nghĩa về loài phản ánh những quá trình tiến hóa phức tạp
mà từ đó tạo ra sự đa dạng của sinh vật.
Để đặt tên loài, các nhà khoa học vẫn chủ yếu dựa vào phương pháp đặt tên kép. Hệ
thống này đầu tiên được nhà thực vật người Thụy Điển thế kỷ 18 Carolus Linnaeus phát

triển. Trong hệ thống này, sự kết hợp 2 tên, tên giống và tên loài (ví dụ như Panthera
5/260
tigris), là đặc trưng cho mỗi loài (trong trường hợp này là hổ). Theo quy ước cả hai tên
đều được viết nghiêng và khi nhiều loài trong cùng một giống được viết ra tên giống
được viết tắt ở tất cả các tên trừ tên đầu tiên. Giống là bậc phân loại tiếp theo phía trên
loài trong thứ bậc phân loại để nhóm các sinh vật vào những tập hợp lớn hơn. Loài có
chung một tập hợp những đặc tính được nhóm vào thành một giống, nhiều giống vào
một họ, nhiều họ và một bộ, nhiều bộ vào một lớp, nhiều lớp vào một ngành (hoặc nhóm
đối với các loài thực vật) và cuối cùng nhiều ngành/nhóm vào một giới. Mục đích của
mỗi cấp phân loại là tập hợp tất cả những loài con cháu của một nhóm tiến hóa duy nhất
nằm trong nhóm này.
Một cấp bậc nữa tồn tại bên dưới loài là phân loài, đôi khi được gọi là các dạng địa lý.
Cũng như đối với loài, định nghĩa về phân loài cũng thay đổi. Thông thường nhất nó
là một hoặc nhiều quần thể chiếm giữ một phần phạm vi phân bố của một loài và có
những khác biệt dễ nhận thấy so với các quần thể khác của loài này. Điều này có nghĩa
là những quần thể này khác nhau nhưng chưa đủ để có thể coi là một loài mới. Nhiều
nhà sinh học nghiên cứu những mối quan hệ về tiến hóa bỏ qua việc phân loại phân loài
vì cho là không thể sử dụng được do nó quá linh hoạt và nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên,
phân loài rất hữu ích đối với việc lập bản đồ đa dạng sinh học và để nhận biết những
quần thể quan trọng cho những nỗ lực bảo tồn. Chúng đôi khi có thể đại diện cho những
loài trước đây chưa được biết.
Việc phân loại một sinh vật tại bất kỳ một cấp bậc nào không cố định và có thể thay đổi.
Những phát hiện mới và những nghiên cứu đang tiến hành về mối quan hệ tiến hóa sử
dụng những kỹ thuật về hình thái, tập tính và (ngày càng nhiều) di truyền có thể dẫn đến
việc phân loại lại và thay đổi tên. Để đảm bảo sự rõ ràng trong cuốn sách này, khi có thể
chúng tôi chọn ra một tập hợp chuẩn những tài liệu tham khảo cho cả tên thông thường
và tên khoa học. Tên khoa học của các loài thú dựa vào Corbet và Hill (1992), ngoại
trừ các loài linh trưởng (Brandon-Jones và cộng sự, 2004). Những tên thông thường của
các loài thú dựa vào Duckworth và Pine (2003). Tên khoa học của các loài chim dựa
vào Inskipp và cộng sự (1996); tên thông thường dựa vào Robson và cộng sự (2000). Hệ

thống phân loại lưỡng cư dựa vào Frost (2002); hệ thống phân loại bò sát dựa vào Uetz
và cộng sự (2004). Các loài thực vật, cá và động vật không xương sống thiếu những tài
liệu tổng quan đầy đủ về hệ thống phân loại trong khu vực. Trong trường hợp này, chúng
tôi dựa vào lời khuyên của các chuyên gia và một số những công trình nghiên cứu đã
xuất bản. Chúng tôi tham khảo những tài liệu có liên quan và đã được đồng nghiệp góp
ý nhằm sửa đổi lại các nhóm phân loại và hệ thống phân loại cũng như những tên thông
thường của những loài được mô tả sau ngày xuất bản của tài liệu tham khảo chuẩn.
Những quy ước về tình trạng bảo tồn
Tình trạng bảo tồn toàn cầu của loài là một hệ thống phân loại khác liên tục thay đổi
và trong phần này chúng tôi dựa vào những đánh giá về khả năng tuyệt chủng toàn cầu
Hiệp hội bảo tồn thế giới (IUCN), gọi là Danh sách đỏ của IUCN. Nhiều nhóm chuyên
6/260
gia đánh giá từng loài, sử dụng thông tin về kích thước của quần thể và tốc độ suy giảm
và mức độ sinh cảnh bị chia nhỏ bên trong phạm vi phân bố của chúng để xếp chúng
vào 3 mức độ đe dọa phụ thuộc vào khả năng bị tuyệt chủng trong thiên nhiên: cực kỳ
nguy cấp (rủi ro cực kỳ cao), bị đe dọa (rủi ro rất cao) và gần nguy cấp (rủi ro cao). Các
chuyên gia cũng có thể xếp một loài vào loại gần bị đe dọa nếu nó chắc chắn sẽ đủ điều
kiện để ra nhập nhóm bị đe dọa trong tương lai gần và vào loại thiếu thông tin nếu thông
tin về tình trạng quần thể hoặc phân bố không đủ để đưa ra kết luận. Các hạng mục cuối
cùng – tuyệt chủng và tuyệt chủng trong tự nhiên – có thể tự giải thích được qua tên của
chúng. Ở mức độ quốc gia, Việt Nam đã gia nhập những nước khác trong việc xuất bản
những đánh giá về bảo tồn ở trong nước dưới dạng Sách đỏ cho thực vật và động vật.
Công cụ chính để kiểm soát việc buôn bán động vật và thực vật hoang dã ở mức quốc tế
là Công ước Quốc tế về Buôn bán Động vật và Thực vật hoang dã (CITES). Được đưa ra
vào năm 1975, công ước này đòi hỏi các nước thành viên ủy quyền việc buôn bán quốc
tế đối với các loài được coi là bị đe dọa thông qua một hệ thống giấy phép nhập và xuất
khẩu. Các loài được CITES xếp vào loại bị đe dọa do việc buôn bán được liệt kê trong
các phụ lục tùy theo mức độ cần được bảo vệ. Những loài được liệt kê trong phụ lục 1
bị đe dọa tuyệt chủng và việc buôn bán thương mại quốc tế nhìn chung bị cấm; đối với
những loài trong phụ lục 2, chúng hiện tại không nhất thiết bị đe dọa tuyệt chủng nhưng

rủi ro sẽ tăng lên nếu việc buôn bán không được kiểm soát. Việt Nam đã trở thành nước
thành viên của công ước này vào năm 1993.
7/260
Giới thiệu về Việt Nam
Việt Nam, tên chính thức là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là một vùng lãnh thổ
có rất nhiều phong cảnh tự nhiên hùng vĩ và phong phú vào bậc nhất trên thế giới. Nó
bao gồm những vùng châu thổ rộng lớn, những dãy núi đá vôi bị bào mòn tuyệt đẹp, núi
rừng quanh năm mây phủ, những khu rừng ven biển với những đụn cát đỏ và rừng xen
kẽ trảng cỏ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn chưa được nghiên cứu kỹ so với những nước
khác có độ đa dạng sinh học cao. Tính từ giữa thế kỷ 20, chiến tranh và các bất ổn chính
trị đã khiến việc nghiên cứu trở nên khó khăn và rất nhiều vùng trên đất nước không thể
tiếp cận được. Bất luận những khó khăn trên, vì một số lý do đa dạng sinh học của Việt
Nam thu hút sự chú ý của các nhà khoa học: đất nước này có độ đa dạng về các loài
mang tầm quan trọng toàn cầu. Từ năm 1992, các nhà khoa học đã mô tả một số lượng
rất lớn các loài mới, còn các loài đặc hữu chỉ tìm thấy ở Việt Nam (hoặc trong một số
trường hợp ở các vùng lân cận) lại chiếm một tỷ lệ cao.
Việt Nam cũng là nơi rất đa dạng về mặt văn hóa. Các nhà khoa học đã thống kê được
54 nhóm dân tộc tại Việt Nam. Trong cuốn sách này, chúng tôi sử dụng hệ thống phân
chia dân tộc đã được công bố theo tài liệu của các chuyên gia xây dựng nên hệ thống
này). Người Việt (hay người Kinh) có có số lượng nhiều nhất, chiếm hơn 85 phần trăm
dân số. Sau người Việt, các nhóm dân tộc khác, mà mỗi nhóm có khoảng 1 triệu người
(như dân tộc Tầy, Thái, Mường, Hoa, và Khơ Me) cho tới nhóm chỉ có vài trăm người
(như người O’du và Ro’mam) (hình 1; phụ lục 1). Các nhà ngôn ngữ học phân chia các
nhóm dân tộc của Việt Nam thành 8 nhóm tiếng nói thuộc 5 họ ngôn ngữ, những ngôn
ngữ này bao trùm tất cả các ngôn ngữ hiện có ở Đông Nam Á nằm ở phía Nam sông
Trường Giang ở Trung Quốc (bảng 1). Do phân bố rộng rãi ở khắp các vùng trên đất
nước, các nhóm dân tộc có các phong tục pha trộn, bao gồm xăm, nhuộm răng đen, nhai
trầu, thờ cúng động vật, vật tổ, và các nghi lễ và lễ hội khác nhau thể hiện sự trao đổi
sâu rộng về văn hóa giữa các nhóm dân tộc tại Việt Nam và các nhóm dân tộc sống ở
các nơi khác trong vùng Đông Nam Á.

Địa hình
Địa hình đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự phân bố của các loài động và thực
vật cũng như đối với tác động qua lại giữa con người và môi trường. Với diện tích đất
liền 330,591 km2, Việt Nam nhỏ hơn hai phần ba diện tích của Thái Lan, gần bằng diện
tích nước Đức, và bằng khoảng ba phần tư diện tích tiểu bang California. Đất nước uốn
cong giống như chiếc đồng hồ cát, mở rộng về phía hai châu thổ nằm ở phía Bắc và phía
Nam và nằm giữa là dải hẹp miền trung có chỗ chỉ rộng có 50km. Biên giới phía bắc của
Việt Nam giáp với hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc ngay phía dưới
của đường biên giới phía Bắc của khu vực nhiệt đới (23
o
30’) và tận cùng phía Nam giáp
8/260
với vịnh Thái Lan. Việt Nam có biên giới với Lào và Campuchia về phía Tây và giáp
với biển Đông (còn gọi là biển Nam Trung Quốc) về phía đông.
Những mô tả về địa hình của Việt Nam thường nhấn mạnh đến phần đồi núi chiếm ba
phần tư diện tích của đất nước, mặc dù một tỉ lệ lớn của phần địa hình này nằm ở độ cao
trung bình. Một phần tư diện tích của đất nước nằm ở độ cao dưới 20m, chủ yếu là hai
khu vực châu thổ và dải đồng bằng hẹp dọc ven biển Đông tại miền trung, trong khi một
phần tư khác nằm ở độ cao trên 626m. Một nửa còn lại bao gồm đồi và dốc ở độ cao
thấp hơn.
Vùng núi của Việt Nam nằm ở miền Bắc và miền Trung của đất nước. Dãy Hoàng
Liên Sơn, nằm ở phía Tây của sông Hồng, là phần tận cùng phía Đông Nam của dãy
Himalaya. Nó chạy từ hướng Tây Bắc sang Đông Nam song song với dòng chảy của
sông Hồng. Đỉnh núi cao nhất của Việt Nam làFan Xi Păng, nằm trong khu vực này và
có độ cao 3.143m so với mực nước biển. Một vài dãy núi nhỏ hơn nằm ở phía Đông
Bắc của Việt Nam, bao gồm cao nguyên Việt Bắc và Bắc Sơn (hình 3) và các vùng đá
vôi lớn cũng xuất hiện tại đây. Các vùng cao nguyên miền Trung của Việt Nam thuộc
dãy Trường Sơn (còn gọi là Annamite) có chiều dài 1.200km từ 20 độ vĩ bắc chạy dọc
theo biên giới với Lào ở phía Tây và kết thúc ở phía nam của cao nguyên Đà Lạt tại phía
Nam của miền Trung.

Hai vùng châu thổ lớn của Việt Nam, châu thổ sông Hồng ở phía Bắc và châu thổ sông
Mê Kông ở phía Nam, có lẽ đây là hai vùng địa hình được biết đến nhiều nhất. Cả hai
đều nằm ở độ cao trung bình chỉ vài mét trên mực nước biển, ở đây có dân số rất đông
cũng như chủ yếu làm nông nghiệp. Hai vùng châu thổ này khác nhau rất nhiều về chế
độ nước, về thời gian và mức độ lũ lụt, và quần thể động vật và thực vật. Sự khác biệt
này bắt nguồn từ những khác nhau về mặt địa chất cũng như khí hậu giữa hai vùng và
từ đặc tính của hai con sông chảy qua hai châu thổ này. Vùng ven bờ đất liền Việt Nam
là vùng nước nông rất rộng lớn, hay vùng thềm lục địa ngập nước (một phần của vùng
thềm lục địa Sunda) và hàng nghìn đảo nằm rải rác dọc theo bờ biển từ Bắc đến Nam.
Các vùng đảo, Hoàng Sa và Trường Sa, khu vực còn đang tranh chấp giữa Việt Nam,
Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Philippines nằm trên biển Đông giữa Việt Nam và
Philippines (xem trang đầu). Những đảo không có người ở này, chủ yếu là vùng trồi san
hô, có thể chứa phía dưới chúng các mỏ dầu với trữ lượng lớn.
Khí hậu
Do hình dạng, địa hình, và vị trí nằm dọc theo rìa đất liền phía Đông Nam của châu Á,
Việt Nam có rất nhiều chế độ khí hậu khác nhau. Vùng Đông Nam Á gắn liền với khí
hậu gió mùa, hệ thống gió chính đổi ngược chiều theo mùa. Kiểu lưu thông gió mùa
năng động này tạo ra hai mùa chính, mùa đông lạnh, khô và mùa hè nóng, ẩm. Nằm giữa
hai mùa là các giai đoạn chuyển tiếp ngắn.
9/260
Mùa gió của mùa đông bắt đầu vào giữa tháng 11 và kéo dài đến tận cuối tháng 3. Trong
thời gian này, gió mùa bắt nguồn từ vùng lạnh có áp suất cao nằm ở phía Đông của lục
địa châu Á và đi xuống phía Nam về phía vùng nóng và áp suất thấp ở châu Úc (hình
4a). Các luồng khí đi từ cực này đi qua Siberia và Trung Quốc mang theo không khí
lạnh xuống phía Bắc Việt Nam. Tháng 4 và tháng 5 là hai tháng chuyển tiếp sang mùa
gió của mùa hè. Mùa gió này kéo dài đến cuối tháng 9. Trong mùa hè, gió mùa từ vùng
áp suất cao ở phía Tây Nam mang không khí ẩm từ Ấn Độ Dương và vịnh Thái Lan đi
vào nội địa của Trung Quốc (hình 4b). Nó gây ra mưa lớn ở Việt Nam, đặc biệt ở vùng
núi. Tháng 10 và tháng 11 đánh dấu sự kết thúc của mùa mưa và chuyển tiếp tới một
mùa đông khác. Sự khác biệt lớn về lượng mưa và thời gian mưa giữa các vùng khác

nhau của Việt Nam chủ yếu là do các hình thức lưu thông khí này (hình 5).
Địa hình của Việt Nam ảnh hưởng đến nhiệt độ, độ ẩm và các chế độ mưa với mức độ
khác nhau. Ở mức độ địa phương, khi độ cao địa hình tăng lên, nhiệt độ giảm và nước
sẽ biến thành dạng sương, sương mù, mưa và sương đọng lại tạo thành các vùng mát
hơn và ẩm hơn như trên đỉnh đồi và các sườn núi cao hơn. Ở mức độ vùng rộng lớn hơn,
đồi và núi có ảnh hưởng đến khí hậu thông qua hiệu ứng che bóng mưa. Hiệu ứng này
xảy ra khi các đám mây mang khí ẩm bay lên phía sườn núi có gió thổi như sườn phía
Đông của dãy Trường Sơn. Khi lên cao gặp không khí lạnh, khí ẩm biến thành mưa. Khi
luồng khí khô còn lại đi xuống phía dưới, nó bị nén lại và nóng lên, gây ra hiệu ứng khô
ở sườn núi và vùng đồng bằng phía bên kia của dãy núi.
Khí hậu đóng vai trò rất quan trọng trong việc phân bố của quần thể động vật và thực
vật trong một vùng nhất định. Cả mùa khô kéo dài và đặc biệt là mùa đông lạnh giá
gây áp lực lên động vật và thực vật và tạo ra các biên giới về mặt khí hậu cho các loài
không thể sống trong các điều kiện này. Ở miền Bắc Việt Nam, từ biên giới với Trung
Quốc cho tới 18
o
vĩ bắc (khoảng đèo Ngang), cả nhiệt độ lẫn lượng mưa đều thay đổi
rất nhiều theo mùa. Mùa đông lạnh và ẩm kèm theo mưa nhỏ rải rác kéo dài từ tháng 11
đến tháng 4, và sương giá thường xuyên xuất hiện ở các vùng núi cao. Tùy thuộc vào
từng địa điểm, các chu kỳ khô có thể kéo dài từ không cho đến sáu tháng. Mùa hè nóng,
oi bức và mưa nhiều kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Các tháng nóng nhất ở phía Bắc
là tháng 6, tháng 7, và tháng 8, khi độ ẩm đạt từ 80 đến 100%. Tiếp xuống phía Nam
(tới 16
o
vĩ bắc), nhiệt độ ít thay đổi theo mùa hơn và thời gian của mùa mưa cũng thay
đổi, đặc biệt là giữa vùng ven biển và đất liền. Mùa đông mát, kèm theo mưa kéo dài từ
mùa hè qua mùa thu và sang mùa đông và mùa khô kéo dài từ không cho đến ba tháng.
Quanh khu vực ven biển của thành phố Huế, mùa lạnh kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3,
kèm theo mưa phùn thường xuyên và kéo dài đến một tuần.
Tại các vùng đất liền phía Nam cho đến châu thổ sông Mê Kông, nhiệt độ ít chịu sự thay

đổi theo mùa hơn so với các vùng phía Bắc có mưa vào mùa hè và mùa khô kéo dài từ
không đến năm tháng. Trên vùng cao nguyên miền Trung, nhiệt độ thấp hơn và ẩm hơn,
với mùa khô chỉ kéo dài có 3 tháng. Các vùng ven biển có mùa mưa vào mùa thu và
đông (tháng 9 đến tháng 1) tiếp nối bằng mùa khô có thể kéo dài đến bảy tháng. Đi xa
10/260
hơn về phía Nam của châu thổ sông Mê Kông, nhiệt độ khá nóng và ổn định trong cả
năm. Mùa hè có mưa từ tháng 5 đến tháng 10, trong đó mưa nhiều nhất vào tháng 7 và
tháng 8. Mùa khô có thể kéo dài từ hai đến sáu tháng. Thời điểm nóng nhất là từ tháng
3 đến tháng 5, trong đó tháng 5 có độ ẩm cao.
Khí hậu cũng ảnh hưởng đến các vùng biển, với các dòng hải lưu lạnh chuyển động dọc
theo các bờ biển từ Đông Bắc xuống Tây Nam và dòng hải lưu ấm chuyển động từ Tây
Nam lên Đông Bắc. Phía nam của đèo Hải Vân (khoảng 16
o
vĩ bắc), nước biển luôn
giữ ở mức 20
o
C quanh năm. Ngược lại, nhiệt độ nước biển ở phía Bắc có thể xuống tới
13
o
C vào mùa đông.
Đa Dạng Sinh Học của Việt Nam
Việt Nam nằm ở phía bắc của vùng chuyển tiếp sinh học nổi tiếng – đôi khi được gọi
là Wallacea – là cầu nối giữa hai quần thể động vật và thực vật khác nhau của châu Á
và châu Úc. Bên trong Việt Nam, sự chuyển tiếp diễn ra tại các độ cao khác nhau và
tại các vĩ độ địa lý khác nhau. Ví dụ, phía Đông của sông Hồng, thực vật và động vật
của vùng núi đá vôi phía Tây Bắc của Việt Nam giống với khu hệ động thực vật của
Nam Trung Quốc. Về phía Tây của sông Hồng, dãy Hoàng Liên Sơn giống với vùng cận
nhiệt đới chân núi phía Đông Nam của dãy Himalaya; vào mùa xuân, biển hoa đỗ quyên
hồng vàng và trắng (chi Rhododendron) trang điểm sườn núi phía trên của nó. Trái lại,
thảm thực vật phía Nam của Việt Nam lại giống với vùng đồng bằng nhiệt đới của lục

địa Đông Nam Á vì có rừng cây rụng lá một mùa và các quần thể của đầm lầy than bùn.
Dãy Trường Sơn ở miền Trung là vùng chuyển tiếp giữa những quần thể cận nhiệt đới
và nhiệt đới này. Vùng này có rất nhiều loài đặc hữu.
Các loài mới
Hòa bình mang lại rất nhiều lợi ích như tăng khả năng tiếp cận đến các vùng biên giới
của quốc gia và các vùng được bảo vệ mà trước đây các nhà khoa học chỉ được tiếp cận
một cách hạn chế. Một phần vì sự nhậy cảm về chính trị, những vùng này lưu giữ phần
lớn các khu rừng còn lại của Việt Nam. Sự ổn định về chính trị đi kèm với chính sách
mở cửa hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài và các nhóm nghiên cứu hỗn hợp đa
quốc gia đã đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu đa dạng sinh học của Việt
Nam (khung 1).
Kết quả là, kể từ thập kỷ cuối của thế kỷ 20, các nhà khoa học đã khám phá được những
điều kỳ diệu. Những phát hiện của họ bao gồm cả những loài chưa từng được biết đến
trong khoa học cũng như một số lượng lớn những loài đã biết nhưng chưa được ghi
nhận tại Việt Nam (xem các phần phụ lục 3 và 4). Một trong những khám phá đầu tiên
và lý thú nhất là phát hiện ra không chỉ một loài mới mà cả một giống mới của thú có
móng guốc, Saola (Pseudoryx nghetinhensis; khung 2). Việc phát hiện loài bò hoang dã
11/260
trông giống như linh dương này tại Việt Nam và nước láng giềng Lào vào năm 1992 đã
gây được sự chú ý trên toàn thế giới bởi vì đây là loài động vật sống trên cạn lớn nhất
thế giới được tìm thấy kể từ năm 1937, khi các nhà khoa học mô tả con Kouprey (Bos
sauveli), một loài thú móng guốc khác ở Đông Nam Á. Cũng như Saola, nhiều động vật
có vú khác được mô tả vào năm 1992 có kích thước cơ thể rất lớn, như ba loài hươu mới,
Hươu sao (Tragulus versicolor), Mang lớn (Muntiacus vuquangensis), và Mang Trường
Sơn (M. truongsonensis) và một phân loài Voọc Chân xám (Pygathrixnemaeus cinerea),
một số người cho là đây là loài mới (P. cinerea).
Những loài mới khác gồm có Dơi muỗi (Myotis annamiticus), Chuột chù Núi
(Chodsigoa caovansunga), và Thỏ vằn (Nesolagus timminsi). Họ hàng gần gũi nhất của
loài này chỉ có phân bố hẹp ở đảo Sumatra của Indonesia. Ba loài chim mới, đều là
chim khướu, được phát hiện tại cao nguyên miền trung Kon Tum từ năm 1999: Khướu

vằn Đầu đen (Actinodura sodangorum), Khướu Ngọc Linh (Garrulax ngoclinhensis), và
Khướu Kon Ka Kinh (G. konkakinhensis). Những loài mới được tìm thấy tại Việt Nam
trong thời gian từ năm 1992 đến năm 2004 bao gồm 3 loài rùa, 15 loài thằn lằn, 4 loài
rắn, 31 loài ếch, và hơn 45 loài cá. Rất nhiều loài mới của các nhóm sinh vật ít được
nghiên cứu hơn đã được mô tả: từ năm 2000 đến năm 2002, các nhà khoa học đã mô tả
hơn 500 loài động vật không xương sống, và các chuyên gia ước tính là Việt Nam còn
có hàng nghìn loài chưa được khoa học biết đến. Nhữngphát hiện về thực vật bao gồm
hơn 200 loài thực vật có mạch, trong đó có loài thông rất đặc biệt, Bách tán Vàng Việt
Nam (Xanthocyparis vietnamensis).
Những khám phá này đi kèm theo việc tái phát hiện những loài được cho là đã tuyệt
chủng. Năm 1988, một người thợ săn địa phương đã bắn chết một cá thể cái trưởng
thành của phân loài Tê Giác Một sừng (Rhinoceros sondaicus annaniticus) tại tỉnh Lâm
Đồng, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 130km về hướng đông bắc. Tê Giác Một
sừng là loài tê giác hiếm nhất; quần thể duy nhất được biết nằm bên ngoài Việt Nam
có 50 đến 60 cá thể thuộc một loài phụ khác (R. s. sondaicus) phân bố tại vùng tây
nam của đảo Java. Sau đó các nhà khoa học đã xác nhận một quần thể gồm có 5 đến 8
cá thể sống dọc theo sông Đồng Nai tại vườn Quốc gia Cát Tiên. Ba loài thú được tái
phát hiện lần đầu tiên tại Đông Nam Á kể từ khi chúng được mô tả và thu mẫu: Lợn
Heude (Sus bucculentus; mô tả tại Việt Nam năm 1891, phát hiện lại tại Lào năm 1997),
Mang Roosevelts (Muntiacus rooseveltorum; mô tả năm 1929, phát hiện lại năm 1999
đều ở Lào), và voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus; mô tả năm 1912, phát hiện
lại năm 1992, đều ở Việt Nam). Hai loài chim đặc hữu tại Việt Nam cũng đã được tái
phát hiện: Gà lôi Mào trắng (Lophura edwardsi) và Mi Langbian (Crocias langbianis).
Khướu Mun (Stachyris herbeti) được ghi nhận tại Việt Nam vào năm 1995, đây là lần
đầu tiên loài này được bắt gặp kể từ khi nó được mô tả tại Lào vào năm 1920.
Mỗi loài được phát hiện (hoặc phát hiện lại) là một đóng góp cụ thể cho việc nghiên cứu
đa dạng sinh học của Việt Nam. Tuy nhiên, tập hợp các danh sách liệt kê các loài mới
hoặc phát hiện lại chỉ là một trong những phương pháp mô tả đa dạng sinh học của đất
12/260
nước. Những danh sách này không nêu lên những loài cần đặc biệt quan tâm, chẳng hạn

như loài đặc hữu hoặc bị đe dọa. Những danh sách này là sự đánh giá hoàn toàn sai lệch
khi cần so sánh đa dạng sinh học giữa các vùng khác nhau. Để thống kê đầy đủ hơn khu
hệ động và thực vật hiện nay của Việt Nam, các nhà khoa học cần sử dụng hai cách tính
độ đa dạng sinh học khác: sự phong phú về loài và tính đặc hữu.
Khung 1
Lịch sử nghiên cứu về đa dạng sinh học
Nghiên cứu về đa dạng sinh học của Việt Nam có thể chia ra thành ba giai đoạn, những
giai đoạn này phản ánh những mốc sự kiện quan trọng trong lịch sử của đất nước: (1)
trước năm 1954; (2) từ năm 1954 đến năm 1975; và (3) từ năm 1976 đến nay. Trước năm
1954 hầu hết những nghiên cứu về đa dạng sinh học đều được thực hiện bởi các nhà khoa
học nước ngoài. Trong số họ có Cecil Boden-Kloss, Herbert Stevens, Jean Delacour, các
thành viên của đoàn thám hiểm Kelley-Roosvelts, J. Lewis Bonhote, Oldfield Thomas,
và René Bourret. Những mẫu vật họ thu thập được chủ yếu được giữ tại các bảo tàng tại
Paris, Chicago, New York, và Luân Đôn.
Vào năm 1954, khi miền Bắc Việt Nam giành được độc lập từ người Pháp, các nhà khoa
học Việt Nam bắt đầu tiến hành nghiên cứu về đa dạng sinh học. Cho đến năm 1960,
hầu hết những nghiên cứu về đa dạng sinh học đều do một nhóm nhỏ các nhà khoa học
thực hiện trên một phạm vi nhỏ. Kết quả của những nghiên cứu này được sử dụng cho
việc giảng dạy ở các trường đại học và các cơ quan khác. Trong những năm 60, chính
phủ Việt Nam có những bước đi chính thức đầu tiên trong việc bảo tồn thiên nhiên bằng
việc ban hành những điều luật về bảo vệ một số khu rừng và một vài loài quý hiếm, như
voi châu Á (Elephas maximus) và hổ (Panthera tigris). Các nhà lãnh đạo địa phương
cũng ban hành các quy định về bảo vệ, và Cúc Phương, vườn quốc gia đầu tiên ở miền
Bắc Việt Nam, được thành lập vào năm 1962. Trong cùng năm này, nghiên cứu sinh học
lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô lớn với sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu,
bao gồm khoa sinh trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Viện Quy hoạch rừng, Viện Nông
nghiệp, và Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước. Nghiên cứu sinh học được tiến hành
rộng rãi ở miền Bắc Việt Nam, và nhiều mẫu động và thực vật được thu thập và giữ tại
các bảo tàng và các vườn thực vật tại Việt Nam. Một trong những nhà khoa học Việt
Nam đầu tiên tiến hành những nghiên cứu quan trọng về khu hệ động vật trong nước

là Đào Văn Tiến. Ông đã xuất bản hơn bảy mươi cuốn sách và bài báo trong vòng hơn
20 năm. Những nhà khoa học khác được ông truyền cho sự say mê nghiên cứu gồm có
Thái Văn Tr(Ch)ừng, Võ Quý, Dương Hữu Thời, Mai Đình Yên, Lê Hiền Hào, Nguyễn
Thanh, Đặng Huy Huỳnh, Vũ Đình Tuấn, Đỗ Ngọc Quang, và Cao Văn Sung.
Thời điểm kết thúc chiến tranh với Mỹ năm 1975 đánh dấu sự khởi đầu giai đoạn thứ ba
trong nghiên cứu về đa dạng sinh học tại Việt Nam. Từ năm 1976 đến năm 1980, chính
phủ Việt Nam khởi xướng một chương trình nghiên cứu và đánh giá các tài nguyên sinh
13/260
học và đa dạng sinh học tập trung vào phát triển kinh tế xã hội tại cao nguyên miền
Trung, Tây Nguyên (bao gồm Kon Tum, Play Ku, và cao nguyên Đắc Lắc).Trong những
năm 1980, một loạt các nỗ lực đã được thực hiện nhằm đảm bảo rằng việc bảo tồn được
dựa trên cơ sở khoa học vững chắc hơn. Một chương trình quốc gia đã được thành lập
để nghiên cứu các vấn đề về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên. Vào thời kỳ đầu
của thập kỷ này, nghiên cứu về đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật tập trung vào
các hệ sinh thái quan trọng như rừng ngập mặn và các môi trường sống trong rừng khác,
và các nhà khoa học đã hoàn thiện thêm những hiểu biết và nhận thức về phân loại về
thực vật. Kể từ năm 1987, một nhóm các cơ quan nghiên cứu đã tham gia vào việc bảo
vệ và giám sát chung đối với các hệ sinh thái trong cả nước. Bắt đầu vào năm 1991, hai
cơ quan nghiên cứu về hải dương học có trụ sở tại Hải Phòng và Nha Trang đã tập trung
vào nghiên cứu biển và sử dụng tài nguyên biển, và các dự án về Các khu Bảo tồn trên
biển đã bắt đầu xuất hiện tại mức độ địa phương. Bắt đầu vào đầu những năm 1990, các
nhà khoa học Việt Nam đã có những tiến bộ lớn trong việc tìm hiểu đa dạng của đất
nước. Thông qua việc hợp tác với các cơ quan và chuyên gia quốc tế, những nhà khoa
học này sẽ nâng cao hiểu biết về đa dạng của sự sống và những quá trình sinh học cơ
bản và sẽ đề ra các kế hoạch bảo tồn đúng đắn.
Lê Xuân Cảnh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh Vật, Hà Nội
Sự phong phú về loài
Thuật ngữ sự phong phú về loài ám chỉ đến số lượng loài được ghi nhận ở một vùng hay
một khu vực địa lý nhất định, chẳng hạn như một diện tích lấy mẫu, một khu bảo tồn
thiên nhiên, một nước, hoặc một lục địa. So sánh những số lượng này giữa các quốc gia

sẽ dễ bị nhầm lẫn do sự khác nhau về diện tích của các quốc gia và sự mở rộng các cuộc
khảo sát. Nếu xét về mặt diện tích, Việt Nam là một quốc gia có sự phong phú về loài
cao. Vào thời điểm bước sang thế kỷ 21, Việt Nam được xếp vào một trong 25 quốc gia
trên thế giới đứng đầu về số lượng loài thực vật, chim, và thú trên một đơn vị diện tích.
Giá trị về sự phong phú loài thường thấp hơn số lượng thực của những loài hiện có, bởi
vì gần như không thể nào thu thập và định loại tất cả các sinh vật trong một vùng có diện
tích lớn. Xu hướng không đánh giá đầy đủ số lượng loài này là đặc thù cho những quốc
gia như Việt Nam. Ở đây, những đợt điều tra vẫn nhanh chóng phát hiện thêm những
sinh vật mới để đưa vào danh các loài đã biết. Bên cạnh các loài nấm và động vật không
xương sống, thực vật của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất do sự thống kê không đầy
đủ. Các nhà thực vật ước tính rằng có khoảng 13,000 loài thực vật có mạch phân bố tại
Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có không đến 10,000 được ghi nhận. Xu hướng
nghiên cứu đang tăng nhanh khiến cho những ước tính về đa dạng sinh học thay đổi liên
tục. Từ năm 1999 đến năm 2004, số lượng lưỡng cư (Bộ không Đuôi: ếch và cóc; Bộ có
Đuôi: cá cóc và Sa giông; Bộ không Chân: ếch giun) phân bố tại Việt Nam tăng từ 100
đến 157, tăng 57% về sự phong phú loài.
14/260
Việt Nam có mức độ đa dạng cao ở những nhóm có sự phong phú về loài đạt mức cao
nhất tại châu Á. Đông Nam Á được biết đến nhiều nhất vì mức độ đa dạng của chim
khướu, với tổng số 200 loài chim hót thuộc họ khướu Timaliidae. Khu hệ chim của Việt
Nam gồm có gần hai phần ba là các loài khướu của Đông Nam Á thuộc hai nhóm chính:
67 % (26 trong số 39) là khướu (phân họ Garrulacinae) và 64% (76 trong số 119) là phân
tộc khướu (Timaliini). Rùa nước ngọt và rùa cạn có mức độ đa dạng cao tập trung ở lục
địa châu Á. Cho đến nay, 89 loài bản địa đã được liệt kê. Trong số này, Việt Nam có
29 loài, và được xếp vào một trong 5 nước có sự phong phú về loài cao nhất sau những
quốc gia có diện tích lớn hơn là Trung Quốc, Ấn Độ, Miến Điện, và Indonesia. Việt
Nam cũng là nơi có sự phong phú về các loài thiên tuế cao nhất (các họ Cycadaceae,
Stangeriaceae, và Zamiaceae). Đây là nhánh tiến hoá cổ nhất của thực vật có hạt và là
nhóm cần có mức độ quan tâm bảo vệ cao. Việt Nam có 24 loài, nhiều hơn tất cả các
nước châu Á khác (kể cả Trung Quốc cũng chỉ có 21 loài). Con số này tương đương với

38% tổng số các loài thiên tuế của châu Á và 8% tổng số các loài trên thế giới.
Do những đánh giá về sự phong phú loài khi coi tất cả các loài đều như nhau: hiếm và
phổ biến, đặc hữu và phân bố rộng, những con số này chỉ mang tính thống kê các loài
có trong một khu vực được quan tâm nghiên cứu. Khi mô tả đa dạng sinh học của một
quốc gia, các nhà khoa học còn quan tâm đến các khía cạnh đặc biệt của nó.
Tính đặc hữu
Một số lượng lớn các loài của Việt Nam là loài đặc hữu. Một số đặc hữu trong nước,
trong khi đó một số khác đặc hữu tại những vùng nhỏ kéo dài sang cả những quốc gia
lân cận. Thuật ngữ loài có phạm vi phân bố hẹp thường phù hợp với việc mô tả những
sinh vật có phạm vi phân bố nhỏ có thể vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ, bởi vì thuật ngữ
này nhấn mạnh đến phạm vi phân bố chứ không phải vị trí của vùng phân bố tương ứng
với biên giới của quốc gia.
Tính đặc hữu không phân bố đồng đều trong các nhóm động vật và thực vật tại Việt
Nam. Một số nhóm nổi bật vì tỷ lệ đặc hữu về loài cao (xem phần phụ lục 2). Hầu hết
27 loài và phân loài linh trưởng của Việt Nam (19 loài và 8 phân loài) có phạm vi phân
bố hẹp. Hơn một phần tư (7 loài) là đặc hữu của Việt Nam, bao gồm 2 loài là đặc hữu
của đảo và 4 loài voọc đại diện cho 3 giống riêng biệt (Trachypithecus, Pygathrix và
Rhinopithecus). Bảy loài khác phân bố hẹptrong những vùng nhỏ nằm giữa Việt Nam và
các nước lân cận như Lào và Campuchia và 2 loàicó phân bố kéo dài đến phía bắc Đông
Nam Á và vượt qua biên giới Trung Quốc đến phía Nam của tỉnh Quảng Tây và Quảng
Đông. Trong số các loài khướu, 5 loài chỉ có ở Việt Nam, còn 7 loài khác có phạm vi
phân bố nằm giữa Lào và Việt Nam và một số loài khác sang tận Campuchia. Mức độ
đặc hữu cao ở thực vật có mạch được thể hiện ở thiên tuế, trong đó, hơn một nửa (13
trong số 24 loài) là đặc hữu của Việt Nam, còn ở phong lan, có 19% số loài của họ này
chỉ phân bố ở Việt Nam và 16% chỉ có phân bố tại Đông Nam Á.
15/260
Tính đặc hữu không phân bố đồng đều trong các hệ sinh thái tại Việt Nam. Các đảo
trong khu vực Côn Đảo nằm ngoài khơi của bờ biển Đông Nam và Vịnh Hạ Long (kể
cả đảo Cát Bà) ở miền Bắc là nơi tụ họp các loài thú, bò sát, cá và thực vật rất đặc biệt,
bao gồm cả thiên tuế và cọ. Điều này không phải là bất bình thường: việc các quần thể

nằm trên đảo bị tách khỏi các quần thể trên đất liền thường thúc đẩy sự tiến hoá của các
dạng đặc biệt. Những điều kiện sinh thái không thuận lợi cũng giúp hình thành các loài
đặc hữu thích nghi với các điều kiện địa phương. Những dãy núi đá vôi bị bào mòn chứa
ít nước với tầng đất mỏng và cằn cỗi là những khu vực có độ đặc hữu về thực vật cao,
đặc biệt là phong lan mọc trên đá (sống trên đá) và sống phụ sinh (mọc trên các thực
vật khác). Các loài đặc hữu như thân mềm, bò sát, cá sống trong hang, còn nhóm Voọc
Francois (Trachypithecus francoisi) cũng sống tập trung trên dạng địa hình này. Những
núi đá vôi nằm trơ trọi giữa vùng đồng bằng như những đảo có môi trường sống thích
hợp thường có những nhóm loài khác nhau.
Những vùng có mức độ đặc hữu cao dường như không thực sự tách biệt hoặc gắn liền
với sự khác biệt lớn về sinh thái, địa chất hoặc khí hậu. Trường Sơn là một vùng như
vậy. Các loài mang và các loài thú lớn khác được phát hiện gần đây trong vùng núi này
là những loài có phạm vi phân bố hẹp. Ba loài khướu núi được mô tả gần đây cũng có
các đặc điểm tương tự. Voọc chân Đỏ, Xám và Đen (giống Pygathrix) cũng hầu như có
phân bố hẹp trong các khu rừng thường xanh hoặc bán thường xanh. Những ghi nhân
mới này trùng hợp với những bằng chứng trước đây về tính đặc hữu cao của Trường
Sơn, gồm có Gà lôi Mào trắng (1896), Khướu Đầu đen (Garrulax milleti:1919), Ếch
cây Trung Bộ (Rhacophorus annamensis: 1924), và Thông Lá dẹt (Pinus krempf: 1921).
Trường Sơn là dãy núi dài có độ cao trung bình và chủ yếu được bao phủ bằng rừng
thường xanh và không có các điều kiện bất lợi cũng như đặc biệt nào. Nó cũng không
thực sự tách biệt khỏi các vùng núi và môi trường sống tương tự khác, đặc biệt đối với
những loài di chuyển nhiều như chim. Mức độ đặc hữu cao hiện nay của Trường Sơn
có thể phản ánh những rào cản về khí hậu, môi trường sống và địa chất trong quá khứ
mà đến nay không còn tồn tại nữa. Những nghiên cứu về ếch và phong lan đưa ra giả
thuyết là miền Bắc Việt Nam và vùng lân cận phía Nam Trung Quốc có thể là một vùng
có mức độ đặc hữu cao khác.
Số lượng lớn những loài đặc hữu tại Việt Nam thật là kỳ lạ. Tuy nhiên, điều này cũng có
thể tạo ra sự nhầm lẫn về thực tế phân bố của đa dạng sinh học. Đặc biệt đối với những
loài mới được phát hiện và những loài nằm trong những nhóm ít được biết đến. Nếu tiếp
tục điều tra, một số loài đặc hữu chỉ được biết đến ở một hoặc hai địa điểm có thể sẽ

trở thành có phân bố rộng hoặc là loài phổ biến. Những đợt điều tra ở các vùng vúi phía
Đông Bắc Việt Nam cho thấy quần thể ếch nằm về phía Tây của sông Hồng, mà nhiều
nhà khoa học cho rằng là đặc hữu của vùng này, trên thực tế lại có chung một số loài với
quần thể nằm ở phía Đông.
Các nhà sinh học đã dựa vào nhiều phương pháp nghiên cứu, bao gồm những phương
pháp điều tra thực địa mới, như sử dụng ảnh viễn thám (xem khung 18), kỹ thuật phân
16/260
tích GEN để khám phá và lập bản đồ đa dạng sinh học của Việt Nam. Những kỹ thuật
mới xuất hiện như đặt bẫy chụp ảnh là các công cụ nghiên cứu quan trọng trong điều tra
thực địa những loài có kích thước lớn và khó quan sát, đặ biệt ở vùng xa xôi (như Saola
và hổ, Panthera tigris). Các nhà khoa học đặt máy chụp ảnh có thiết bị phát hiện chuyển
động tại vùng nghiên cứu; khi có động vật đi qua, bẫy này nó sẽ làm thiết bị sẽ tự động
phát hiện và máy ảnh sẽ chụp ảnh (hình 7). Kỹ thuật này đặc biệt có lợi cho việc thu
thập thông tin đối với các động vật hoạt động về đêm, có mật độ thấp, và/hoặc khó quan
sát. Các nhà khoa học sử dụng các hình ảnh chụp được để nghi nhận sự có mặt của một
loài nhất định, khi các cá thể được định loại cụ thể, và để thu thập thông tin về mật độ
và sự di chuyển của các cá thể. Vào cuối những năm 1990, các nhà khoa học của Viện
Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã sử dụng các bẫy chụp ảnh để phát lại hiện loài Rái
cá Mũi lông (Lutra sumatrana), một loài đã từng được cho là tuyệt chủng tại Việt Nam
(xem khung 14).
Việt Nam hiện nay
Sự quan tâm đặc biệt đối với tài nguyên sinh vật của Việt Nam trùng hợp với sức ép
đang gia tăng đối với tài nguyên thiên nhiên của đất nước, chủ yếu do dân số lớn 80 triệu
người và đang tăng nhanh cộng thêm nền kinh tế thị trường mở cửa. Việt Nam đang trải
qua thời kỳ chuyển đổi về kinh tế và chính trị trong những thập kỷ gần đây, chính sự
phát triển này có tác động quan trọng đối với đa dạng sinh học của đất nước. Vào năm
1986, nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới, một động thái có suy tính trước
và từng bước chuyển từ hoạt động do nhà nước quản lý tiến tới cá nhân chịu trách nhiệm
trong nông nghiệp và ở mức độ lớn hơn đối với các hoạt động thương mại. Các doanh
nghiệp cỡ nhỏ bắt đầu tăng nhanh vào cuối những năm 1980, và nhà nước thận trọng

trong việc tìm kiếm vốn đầu tư nước ngoài. Việc mở rộng nền kinh tế thị trường đã thay
đổi đời sống hàng ngày tại Việt Nam, mang lại mức độ phồn vinh mới và mức tiêu thụ
chưa từng có. Nó đồng thời cũng làm tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo
và có khả năng tác động nghiêm trọng đến các cộng đồng thiểu số tại các vùng nông
thôn.
Phát triển kinh tế đã làm gia tăng những nhu cầu đối với tài nguyên thiên nhiên của Việt
Nam. Nhu cầu về gỗ, chất đốt, cháy rừng, xung đột vũ trang, và các hoạt đông du canh,
chuyển đổi với quy mô lớn sang trồng cây xuất khẩu và với mật độ dân số và loại cao
nhất ở Đông Nam Á đã gây ra tỷ lệ phá rừng rất cao tại Việt Nam. Với những lý do về
kỹ thuật, chính trị, và ý nghĩa của nó, những đánh giá chính xác về diện tích rừng bao
phủ hoàn toàn chỉ có tính tạm thời. Những ước tính về diện tích đất có rừng bao phủ một
phần (gồm cả rừng ngập mặn) nằm trong khoảng từ 17.4% đến 27.5% diện tích cả nước.
Tuy nhiên, chỉ có một phần nhỏ trong số này có thể được coi là rừng ở trạng thái tốt.
Chính phủ đã cố gắng vượt qua những vấn đề gây ra bởi mật độ dân số cao, đặc biệt là
ở vùngchâu thổ sông Hồng và sông Mê Kông. Đáng tiếc là người dân ở vùng đồng bằng
thường được chuyển đến những vùng có mật độ dân số thấp hơn và môi trường ít bị
xuống cấp hơn như các vùng cao nguyên ở miền Trung Việt Nam, điều này làm tăng tốc
17/260
độ tàn phá môi trường ở những vùng mới này. Những khu rừng tự nhiên còn lại của Việt
Nam hiện nay chủ yếu chỉ còn phân bố ở các vùng núi biệt lập ít được nghiên cứu nhưng
nhiều khả năng có độ phong phú về loài và tính đặc hữu cao. Những thị trường buôn bán
các loài động vật và thực vật tại địa phương và trên phạm vi quốc tế, môi trường sống
tiếp tục bị chia nhỏ, du nhập của các loài ngoại lai và sự ô nhiễm đang đe doạ phần đa
dạng sinh học còn lại của Việt Nam.
Như vậy, Việt Nam đang đứng trước thời điểm quyết định trong việc khám phá và bảo
tồn đa dạng sinh học của đất nước. Vào năm 1995, chính phủ đã quyết định giải quyết
các vấn đề về khai thác quá mức và làm mất môi trường sống bằng việc tăng mạnh diện
tích của hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn. Chính phủ đã quyết định tăng diện
tích rừng trong các vườn quốc gia và khu bảo tồn từ 1.3 triệu hecta (hay là 4% diện tích
đất) lên đến 2 triệu hecta (hay là 6%) và loại bỏ những vùng bị xuống cấp và có giá trị

bảo tồn thấp ra khỏi hệ thống này. Những nỗ lực tương tự cũng đang được mở rộng cho
các hệ sinh thái khác, như hệ sinh thái biển.
Những thách thức trong thời kỳ đầu của thế kỷ 21 là tìm cách bảo vệ phần đa dạng sinh
học quý giá còn lại của Việt Nam trong khi vẫn đảm bảo được nhu cầu của dân số đang
gia tăng.
Khung 2
Các nhà sinh học Việt Nam và nước ngoài đã tìm thấy các mẫu vật đi săn thuộc về một
loài thú lớn chưa định loại được treo trên mái nhà của dân địa phương trong một chuyến
đi khảo sát thực địa tại khu bảo tồn Vụ Quang miền Trung Việt Nam vào năm 1992.
Nghiên cứu trong những năm sau đó đã giúp thu thập được 20 mẫu vật không đầy đủ,
gồm có 3 bộ da hoàn chỉnh và 2 xương sọ, cùng một số bức ảnh chụp được nhờ máy
ảnh điều khiển từ xa. Kiểm tra những bằng chứng này giúp các nhà khoa học mô tả một
loài mới, Saola (Pseudoryx nghetinhensis). Tên giống của Saola ám chỉ đến cái sừng hơi
cong uốn ra phía sau, gần với linh dương sừng kiếm (giống Oryx), một nhóm nhỏ thuộc
linh dương thích nghi với cuộc sống ở những vùng khô cằn ở châu Phi và Ả Rập. Saola
chỉ có họ hàng xa với nhóm động vật này (hình 6). Tên loài ám chỉ vùng phân bố đầu
tiên được biết đến thuộc địa bàn tỉnh có tên cũ là Nghệ Tĩnh. Các cộng đồng cư dân địa
phương đã biết đến loại động vật này từ lâu và gọi nó là Saola (sao có nghĩa là con suốt
và la có nghĩa là cột) bởi vì sừng dài của nó giống với hai cột nhọn nằm song song ở
trên đầu, thường được dùng trong các máy quay sợi tại địa phương.
Cân nặng từ 85 đến 100kg, Saola trông chắc nịch với bộ lông chủ yếu mầu nâu và thẫm
hơn về phía sau và có các đốm trắng trên mặt, mông và mắt cá. Các tuyến lớn khác
thường nằm ở bên dưới mắt và mũi được che dưới phần da cơ mà Saola có thể đẩy lên
đẩy xuống. Những tuyến này tiết ra chất nhớt có mùi hăng mà Saola có thể sử dụng
trong việc liên lạc. Những phân tích di truyền chỉ ra rằng Saola là một thành viên cổ đại
18/260
của phân họ Bò (Bovinae) mặc dù những đặc điểm bên ngoài và các đặc điểm về xương
sọ lại giống với dê hoặc sơn dương (Caprinae).
Saola chỉ phân bố ở chân núi của dãy Trường Sơn, nơi nó có phạm vi phân bố thuộc
hàng nhỏ nhất thế giới trong số các loài thú. Nó cũng không phân bố đồng đều trong

vùng được biết, mà rải rác ở các khu nhỏ. Mặc dù số lượng quần thể chưa được biết, các
nhà khoa học ước tính trong khoảng vài trăm cá thể.
Mặc dù được quan tâm theo dõi nhiều, các nhà khoa học vẫn chưa nhìn thấy Saola trong
môi trường tự nhiên. Hầu hết các thông tin về sinh thái và tập tính của Saola đều thu
được từ thợ săn và các nhà khoa học có một số kinh nghiêm ít ỏi khi nuôi Saola. Saola
có lẽ ưa thích các suối nhỏ và dốc trong rừng thường xanh ẩm ướt. Những quần thể nhỏ,
có thể từ 1 đến 3 cá thể, có lẽ đây là các nhóm gia đình. Những mối đe dọa đối với Saola
bao gồm việc săn bắn, đánh bẫy không chủ ý và việc mất rừng. Những nỗ lực nhằm nuôi
Saola cho đẻ đều thất bại, bởi vì tất cả các cá thể đều chết khi bị bắt hoặc trong khi nuôi.
19/260
Con người và Môi trường
Tại Việt Nam, những tác động qua lại phức tạp giữa con người và môi trường đã kéo dài
hàng nghìn năm. Lần theo tiến trình và quá trình phát triển phức tạp trong thời gian dài
như vậy không hề dễ dàng. Các học giả vẫn đang khám phá thời tiền sử ở Đông Nam Á.
Do đó kiến thức về những liên hệ ban đầu giữa con người và môi trường tự nhiên giống
như một tập truyện cổ rách nát, mực bị ố hay bị mất nhiều trang.
Lịch sử sơ khai nhất được thể hiện qua các bằng chứng về khảo cổ học và các truyền
thuyết truyền miệng, như các truyện kể thần thoại và truyện cổ tích. Dù sau này khi được
viết lại và thêm thắt vào, những truyện thần thoại và cổ tích này thường là những nguồn
thông tin duy nhất về thời tiền sử. Trong lịch sử, những học giả và nhà thám hiểm người
Trung Quốc và châu Âu là những người ghi chép chính về cuộc sống tại Việt Nam. Họ
đã bị thu hút bởi các vua chúa, cung điện, đền chùa, và thường bỏ qua các hoạt động và
các mối quan tâm lo lắng của quần chúng nhân dân. Những văn bản của người Trung
Quốc đề cập đến các vấn đề trên quan điểm của kẻ ngoại xâm, thường xuyên coi nhẹ
lịch sử trước thời Trung Quốc và các phong tục địa phương. Tương tự, những ghi chép
của các học giả châu Âu cũng bị bóp méo bởi vì họ thường không nhận thức được đâu
là nghệ thuật tiên tiến và các loại hình văn hoá thuộc về những người bản xứ. Trong một
số trường hợp họ thậm chí còn dựng lên lịch sử phức tạp mô tả các dạng nghệ thuật đồ
đồng của Đông Nam Á có nguồn gốc từ châu Âu. Đáng ngạc nhiên là khi các học giả
Việt Nam tiếp nhận công việc xây dựng lịch sử, họ cố gắng đẩy lùi ngày xuất hiện của

dân tộc, nhà nước, và nền văn hoá Việt Nam đầu tiên đôi khi quá mức. Tuy nhiên, một
điều rõ ràng là các phần của Việt Nam (đáng chú ý là châu thổ sông Hồng) nằm trong số
những khu vực có môi trường thiên nhiên liên tục bị biến đổi lâu đời nhất trên thế giới .
Lịch sử sơ khai
Lịch sử Việt Nam bắt nguồn từ miền Bắc. Những dấu vết đầu tiên của người hiện đại tại
Việt Nam, được tìm thấy tại khu vực của tỉnh Thanh Hoá hiện nay, có thể có niên đại từ
30.000 năm trước đây. Tuy nhiên, các nhà khoa học còn chưa nhất trí về thời điểm này
do có sự khác nhau giữa các phương pháp xác định thời gian và cách diễn giải kết quả.
Các bằng chứng đã được công nhận cho rằng con người đã sống trong hang và những
nơi chú ẩn bằng đá nằm trong khu vực núi đá vôi nằm ở châu thổ sông Hồng trong
khoảng thời gian từ 18.000 đến 9.000 năm trước đây. Mặc dù nguồn gốc của những
người này vẫn còn chưa rõ ràng, những nhà nhân chủng học cho rằng một số trong số
họ thuộc nhóm Mã Lai – Pôlinêdi, hậu duệ của những người sống trên các đảo tại Đông
Nam Á và Thái Bìng Dương. Các dụng cụ, đồ dùng, lò sưởi, vỏ trai, xương, tranh vẽ
bằng đất đỏ tìm thấy tại các hang ở miền Bắc Việt Nam cho thấy đây là các trung tâm
văn hoá đã định hình. Trong thời điểm này, con người thường đẽo các dụng cụ từ đá chứ
không phải từ xương hoặc sừng. Săn bắn và hái lượm là các hoạt động chính. Không có
20/260
bằng chứng về nông nghiệp hoặc thuần hoá động vật, có thể có một ngoại lệ là chó. Con
người săn bắn thú có móng guốc bao gồm bò hoang dã (giống bò, Bos) và tê giác (có
thể là Tê Giác Một sừng, Rhinoceros sondaicus), Voi châu Á (Elephas maximus), gấu
(giống gấu, Ursus), và linh trưởng (bộ Primates), và bắt cá và động vật có vỏ như tôm,
cua, hến.
Khoảng 10.000 đến 8000 năm trước công nguyên, các cộng đồng đánh cá phát triển dọc
theo bờ biển tại khu vực tỉnh Nghệ An hiện nay, được thể hiện qua các gò (gọi là đống)
tạo nên bởi các vỏ sò bỏ đi cao từ 5-6 mét và rộng hàng trăm mét vuông. Các đống này
cũng có xương của thú có móng guốc và chó. Các dụng cụ bằng đá tại các vùng ven
biển cũng như vỏ trai sò trong các hang đá nằm sâu trong đất liền chứng tỏ có sự mua
bán trao đổi giữa các vùng vào thời kỳ này. Đáng tiếc là, không có thêm nhiều thông tin
khác về các nền văn hoá này. Mực nước biển tăng sau thời kỳ băng hà và trầm tích đi

cùng nó đã nhấn chìm rất nhiều vùng ven biển, xoá đi tất cả các bằng chứng về nơi ở
của con người.
Việc đưa cây vào trồng trọt và sự xuất hiện của nông nghiệp đã có tác dụng to lớn và
lâu dài lên con người và môi trường trên thế giới. Những bằng chứng đầu tiên của việc
trồng lúa ở châu Á xuất hiện tại khu vực bao gồm phía Nam của Trung Quốc, phía Bắc
của Thái Lan, và phía Bắc của Việt Nam. Con người có lẽ đã thuần dưỡng cây lúa rồi
sau đó chính thức đưa vào trồng trọt ở châu Á trên châu thổ sông Trường Giang khoảng
6.400 năm trước công nguyên, và các cộng đồng về phía Nam, tại Việt Nam ngày nay,
bắt đầu trồng lúa khoảng từ 3.000 đến 2.000 năm trước công nguyên.
Vào cuối thời kỳ đồ đá mới, khoảng 2.000 năm trước công nguyên, những người từ vùng
mà ngày nay là Nam Trung Quốc di cư đến Đông Nam Á, pha trộn với người bản xứ
và văn hoá của họ. Vào thời điểm này, phần lớn châu thổ sông Hồng vẫn bị ngập trong
nước biển từ hàng nghìn năm và nước biển cũng bắt đầu rút xuống. Ở vùng chân núi
bao quanh châu thổ và vùng cao nguyên về phía Nam, một nền văn hoá riêng biệt bắt
đầu được hình thành. Con người ở những vùng này bắt đầu trồng lúa ở vùng trung du và
vùng đồng bằng, thay đổi kỹ thuật trồng trọt tùy theo từng loại đất khác nhau ở những
độ cao khác nhau.
Đến nay kỹ thuật làm đất trồng lúa của họ vẫn chưa được biết. Sự khác biệt rất lớn về kỹ
thuật trồng lúa hiện nay giữa vùng trung du và đồng bằng có thể giúp làm sáng tỏ những
biến đổi về môi trường trước đây do những người Việt Nam đầu tiên gây ra. Ngày nay,
những người nông dân ở vùng đồng bằng phát quang thực vật hiện có và biến vùng đất
ngập nước, trảng cỏ, hoặc rừng ở vùng đồng bằng thành ruộng lúa. Bờ ruộng bằng đất
dày giúp giữ nước trong ruộng lúa. Nông nghiệp lúa nước là công việc rất nặng nhọc,
đòi hỏi có tổ chức xã hội và hợp tác ở mức độ cao trong việc cấy lúa, kiểm soát sâu
bệnh, điều hoà mực nước, và thu hoạch. Mối liên kết chặt chẽ trong gia đình thường là
nền tảng trong việc hợp tác sản xuất nông nghiệp.
21/260
Tại các vùng trung du, người nông dân trồng lúa cạn, tưới tiêu dựa vào mưa. Sử dụng
kỹ thuật thường gọi là du canh du cư, người nông dân phát quang đất cho việc trồng trọt
và thu hoạch mùa màng trong vài năm cho đến khi đất không còn chất dinh dưỡng. Sau

đó họ bỏ đất hoang để cho đất hồi phục lại và có khả tiếp tục phục vụ việc trồng trọt.
Có hàng trăm, hoặc có thể hàng nghìn, loại du canh khác nhau, phụ thuộc vào các yếu
tố như thời gian khu vực đó được trồng trọt, thời gian bị bỏ hoang, mức độ đất bị xuống
cấp, loại cây trồng, diện tích của vùng trồng trọt, và người nào trong cộng đồng được
quyền trồng và thu hoạch. Các hệ thống du canh khác nhau có tác dụng khác nhau lên
môi trường tự nhiên và lên các quá trình tái sinh của rừng.
Dấu vết còn lại của các khu vực trồng trọt nông nghiệp cũng có thể làm sáng tỏ sự tương
tác giữa con người và môi trường vào thời kỳ sơ khai ở Việt Nam. Các bằng chứng về
khảo cổ học có niên đại từ lúc bắt đầu của thời kỳ trồng lúa gợi ý là những người sống
bên ngoài thiên nhiên ở miền Trung Việt Nam, thuộc tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, sản xuất
dìu, dao, dụng cụ đánh bóng, cuốc bằng đá và đồ gốm theo kiểu khác hẳn so với các
vùng khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, không có thêm thông tin nào khác về họ cũng như
các phương pháp làm nông nghiệp của họ. Về phía Nam, nằm trong lưu vực của sông
Đồng Nai ngay phía bắc của thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, có những bằng chứng
rõ ràng về nông nghiệp trồng lúa vào thời kỳ đồ đá mới tại xấp xỉ 50 khu vực. Văn hoá
Đồng Nai trồng lúa nương (lúa khô) và có thể là khởi thủy của nền văn hoá Ốc Eo xuất
hiện tại châu thổ sông Mê Kông và thế kỷ đầu tiên của thời kỳ này.
Khi nông nghiệp và thuần hóa động vật được coi trọng hơn so với săn bắn và hái lượm,
con người ngày càng trở nên ít di chuyển và những nhu cầu cho cuộc sống hàng ngày
bắt đầu có tác dụng rộng lớn hơn lên môi trường tại địa phương. Để đáp ứng được các
nhu cầu về nông nghiệp, con người trên khắp đất nước bắt đầu chặt cây và phát quang
một diện tích lớn. Họ săn bắn động vật bằng ống thổi và bắt đầu thuần hoá vật nuôi. Khi
nghề gốm phát triển, nó làm tăng tác động lên môi trường xung quanh. Mặc dù đồ gốm
ban đầu có thể chỉ được nung nhẹ, khi men và các phần hoàn thiện khác trở nên dày hơn
và tinh vi hơn, nhiệt độ lò nung cần nóng hơn và do đó cần nhiều nhiên liệu hơn.
Hai nền văn hoá quan trọng và đặc biệt, Đông Sơn và Sa Huỳnh, phát triển ở Việt Nam
giữa thời kỳ 1.000 năm trước công nguyên và bắt đầu công nguyên. Văn hoá Đông Sơn,
được đặt tên theo một địa danh ở tỉnh Thanh Hoá nơi các trống đồng nổi tiếng được tìm
thấy, hưng thịnh vào khoảng 3.000 năm trước công nguyên. Các nhà khảo cổ học tìm
thấy các cổ vật Đông Sơn tại rất nhiều nơi ở Đông Nam Á và Trung Quốc, cho thấy

mạng lưới trao đổi buôn bán rộng lớn, nhưng đáng chú ý nhất là từ Việt Nam, đặc biệt
là từ các thung lũng sông Hồng, sông Mã, và sông Cả. Các hình trang trí trên trống thể
hiện việc nhận thức và sử dụng môi trường trong thời kỳ này. Các hình minh hoạ mô tả
mặt trời, các đàn dê, chim nước, và con người mặc áo choàng trang chí bằng lông chim
nước. Nhiều các cổ vật khác cung cấp bằng chứng về sự tiếp tục phát triển của nông
nghiệp trồng lúa, bao gồm cả lưỡi cày bằng đồng, các lưỡi và liềm cắt cỏ, tranh miêu tả
con người đang trồng và giã gạo.
22/260
Vào cuối thiên niên kỷ đầu tiên trước công nguyên, một nền văn minh đáng chú ý khác
là nền văn hoá Sa Huỳnh, phát triển tại khu vực giữa đèo Ngang và vùng biên giới của
tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày nay trên lưu vực của sông Đồng Nai. Các hoạt động
kinh tế chủ yếu của nền văn hoá này là trồng lúa và các cây có hạt khác trên đất đồi hoặc
đất phẳng và đánh cá. Tuy nhiên săn bắn động vật rừng cũng có thể đóng vai trò quan
trọng. Các hoa tai bằng ngọc có niên đại khoảng 2.000 năm trước đây thuộc về nền văn
hoá Sa Huỳnh, có vẽ đầu con vật có thể là của Saola (Pseudoryx nghetinhensis). Mặc
dù loài này mới chỉ được các nhà khoa học biết tới 1992, những người dân địa phương
đã biết nó trong hàng nghìn năm. Các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi về mối liên hệ về
văn hoá Sa Huỳnh và vương quốc Chăm Pa được hình thành ở cùng đồng bằng ven biển
Việt Nam trong thế kỷ đầu tiên sau công nguyên.
Sự phát triển của một nhà nước
Các nhà sử học Việt Nam cho rằng nhà nước đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Bắc Ninh nằm
ở phía Bắc Hà Nội khoảng 2.000 năm trước đây. Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân
là chúa, con cháu của thần rồng, cưới Âu Cơ là tiên và đẻ ra 100 người con trai. Sau
này khi hai người chia tay, 50 người con theo mẹ lên núi và tất cả những người con còn
lại trừ một người theo bố xuống vùng đồng bằng và vùng ven biển về phía Nam. Một
số nhà khảo cổ học giải thích truyền thuyết này là sự đánh dấu hình thức cưới xin giữa
những người chuyên đi biển và những người sống trong lục địa hoặc giữa những người
vùng cao và người vùng đồng bằng để tạo ra nhà nước Việt Nam. Truyền thuyết này còn
nói rằng người con còn lại trở thành người sáng lập ra các vua Hùng của nhà nước Văn
Lang. Mặc dù Thần Rồng và Tiên Chúa vẫn còn là truyền thuyết, các bằng chứng về

khảo cổ học ủng hộ sự tồn tại của nhà nước Văn Lang, xuất hiện vào khoảng 700 năm
trước công nguyên ở miền Bắc Việt Nam. Theo truyền thuyết, 18 vua Hùng sau đó cai
trị đất nước, tổ chức xã hội theo chế độ phong kiến với sự giúp đỡ của các viên chức dân
sự và quân sự. Nhà nước này ngày nay cũng đóng vai trò là biểu tượng, và có lẽ là do lý
tưởng hóa, của sự quản lý tốt nhà nước.
Cũng theo truyền thuyết này, vua Hùng thứ 18 có một người con gái xinh đẹp là Mỵ
Nương. Hai chàng trai cầu hôn dạm hỏi nàng: Sơn Tinh (Thần Núi) và Thuỷ Tinh (Thần
Nước). Vua hứa gả con gái mình cho ai đến trước cùng với các lễ vật đám cưới cần thiết.
Sơn Tinh đã thắng và mang người con gái lên núi. Thuỷ Tinh tức giận dâng nước lên để
tấn công núi, nhưng Sơn Tinh và vợ mới cưới chỉ đơn giản di chuyển lên núi cao hơn
và Thuỷ Tinh phải rút lui. Các trận lụt hàng năm có thể tàn phá vùng châu thổ thấp ở
miền Bắc được cho là bắt nguồn từ trận đánh mang tính lịch sử này. Truyền thuyết này
phản ánh cuộc đấu tranh liên tục để kiểm soát nước của châu thổ sông Hồng, một vùng
đất chắc chắn đã đóng góp cho sự phát triển của các cộng đồng tập trung. Quản lý nước
hiệu quả nhất khi các cá nhân tụ họp lại với nhau.
Vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên, nhóm người Lạc Việt của nhà nước Văn Lang
sát nhập vào nhóm Âu Việt (tổ tiên của các nhóm dân tộc thiểu số vùng cao tại miền
23/260

×