Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Mấy vấn đề trong phân cấp quản lý trong công tác thuyên chuyển, tiếp nhận công chức, viên chức giữa các tỉnh, thành phố

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (80.98 KB, 3 trang )

MẤY VẤN ĐỀ TRONG PHÂN CẤP QUẢN LÝ
TRONG CÔNG TÁC THUYÊN CHUYỂN, TIẾP NHẬN
CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC GIỮA CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ
NGUYỄN KIẾN PHÚC
Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương
Thực trạng và nguyên nhân
Kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có tốc độ phát triển cao
đòi hỏi năng lực quản lý hành chính nhà nuớc cần được cải thiện và nâng cao hơn
nữa, trong đó tăng cường phân cấp quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương
nhằm phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm
của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, thực hiện các nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội trên địa bàn là rất cần thiết.
Ngày 30/6/2004 Chính phủ đã ra Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP về việc tiếp tục đẩy
mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương. Trên tinh thần đó, việc phân cấp quản lý nhà nước về công tác tổ chức giữa
trung ương và địa phương đã được triển khai và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy
nhiên tình trạng phân cấp quản lý không đồng bộ và không thống nhất giữa các địa phương
đã gây trở ngại và khó khăn đối với một số mặt công tác, đơn cử như công tác điều động,
thuyên chuyển công chức, viên chức giữa các tỉnh, thành phố.
Hiện tại, việc phân cấp quản lý đối với công tác điều động, thuyên chuyển công
chức, viên chức của từng tỉnh, thành phố được thực hiện tuỳ theo phân cấp chung của
tỉnh, thành phố đó nhưng nhìn chung vẫn theo một trong các mô hình sau:
- Phân cấp quản lý kết hợp chức vụ và đối tượng quản lý (cán bộ, công chức,
viên chức). Tùy theo mức độ phân cấp quản lý sẽ có các hướng:
+ Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thuyên chuyển, điều động, tiếp nhận công chức,
viên chức giữ các chức vụ lãnh đạo do UBND tỉnh bổ nhiệm; Giám đốc Sở Nội vụ quyết
định thuyên chuyển, điều động, tiếp nhận công chức, viên chức trên toàn địa bàn tỉnh. Mô
hình này được thực hiện ở một số tỉnh, thành phố chưa có phân cấp quản lý cán bộ, công
chức hoặc phân cấp không mạnh, bao gồm hầu hết các địa phương hiện nay.
+ Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thuyên chuyển, điều động, tiếp nhận công
chức, viên chức giữ các chức vụ lãnh đạo do UBND tỉnh bổ nhiệm; Giám đốc Sở Nội


vụ quyết định thuyên chuyển, điều động, tiếp nhận công chức; Thủ trưởng cơ quan,
đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định việc thuyên chuyển, điều động,
tiếp nhận viên chức. Mô hình này được thực hiện ở một số tỉnh, thành phố có phân
cấp quản lý cán bộ, công chức khá mạnh, theo đó quản lý viên chức sẽ phân cấp cho
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định. Một số
tỉnh đã thực hiện theo mô hình này như Đồng Nai, Tây Ninh, Thanh Hóa..
- Phân cấp quản lý kết hợp chức vụ, ngạch và đối tượng quản lý công chức,
viên chức. Mô hình này kết hợp thêm quản lý theo ngạch công chức, viên chức theo
hướng ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương do UBND tỉnh quyết định sau khi
có văn bản thỏa thuận với Bộ Nội vụ; ngạch chuyên viên chính và tương đương do
UBND tỉnh quyết định hoặc ủy quyền Giám đốc Sở Nội vụ quyết định; chuyên viên
và tương đương do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện
quyết định hoặc thỏa thuận với Giám đốc Sở Nội vụ trước khi quyết định (tùy địa
phương phân cấp).
Chính vì mỗi địa phương triển khai phân cấp quản lý cán bộ, công chức ở
những thời điểm khác nhau và mức độ phân cấp, nội dung phân cấp cũng khác nhau
đã gây nên tình trạng không đồng bộ và không thống nhất. Theo đó, việc quản lý cán
bộ, công chức theo phân cấp trong nội bộ tỉnh, thành phố có thể thực hiện tương đối
ổn định nhưng nếu phát sinh quan hệ với các tỉnh, thành phố có phân cấp khác sẽ gây
nên rất nhiều khó khăn. Một số bất cập cụ thể trong công tác thuyên chuyển, tiếp nhận
giữa các tỉnh, thành phố:
- Không đồng nhất cơ quan có thẩm quyển chuyển ra ngoài tỉnh và cơ quan tiếp nhận.
Nếu hai tỉnh phân cấp khác nhau sẽ dẫn đến quan hệ công tác không đồng nhất giữa hai cơ
quan đại diện quyền thuyên chuyển, tiếp nhận của hai tỉnh. Ví dụ một giáo viên tiểu học muốn
chuyển ra khỏi tỉnh thì thẩm quyền thuyên thuyển của tỉnh đó và cơ quan tiếp nhận của tỉnh
cần chuyển đến có khả năng do một trong các cơ quan sau đây thực hiện:
+ Sở Nội vụ tỉnh, thành (nếu chưa phân cấp hoặc phân cấp không mạnh)
+ Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh, thành phố (nếu phân cấp giáo dục về Sở Giáo
dục và Đào tạo thống nhất quản lý)
+ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện X (nếu phân cấp quản lý giáo dục từ

THCS trở xuống về UBND huyện quản lý)
Theo đó, để biết chính xác cơ quan nào có thẩm quyền thuyên chuyển, tiếp
nhận thì phải xem phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đó. Như
vậy để làm tốt công tác thuyên chuyển, tiếp nhận cần phải xác định chính xác thẩm
quyền thuyên chuyển, tiếp nhận của mỗi tỉnh, điều này đồng nghĩa với việc cần phải
biết hết quy định về phân cấp của cả 64 tỉnh, thành phố.
- Không đồng nhất trong quy trình giải quyết. Mỗi tỉnh quy định mỗi quy trình
cũng sẽ gây khó khăn rất nhiều cho một cá nhân khi liên hệ chuyển công tác mà không
phải cá nhân nào cũng có thể biết trước quy trình để thực hiện đúng. Như vậy sẽ gây lãng
phí về thời gian, chi phí đi lại để liên hệ giải quyết công việc, bổ sung hồ sơ.
- Không đồng bộ trong thời hạn giải quyết công việc. Mỗi tỉnh quy định thời hạn giải
quyết khác nhau sẽ dẫn đến khó khăn cho việc giải quyết thuyên chuyển, tiếp nhận. Ví dụ,
tỉnh A quy định thời hạn nhận hồ sơ tiếp nhận giáo viên ngoài tỉnh là trước ngày 15/6 hàng
năm. Tỉnh B lại quy định thời hạn cho giáo viên liên hệ chuyển công tác ngoài tỉnh sau ngày
1/7, như vậy giáo viên tỉnh B sẽ không bao giờ nộp được hồ sơ chuyển công tác về tỉnh A
đúng hạn nếu tuân thủ theo quy định của hai tỉnh.
Thực trạng các tỉnh phân cấp không đồng nhất (có tỉnh chưa phân cấp, có tỉnh phân
cấp yếu, có tỉnh phân cấp mạnh) và nội dung, quy trình trái ngược nhau đã gây rất nhiều khó
khăn cho cá nhân có nhu cầu chuyển công tác và cả các cơ quan giải quyết công việc.
Giải pháp
Nguyên nhân của tình trạng trên là do phân cấp quản lý không thống nhất và
đồng bộ. Như vậy, để giải quyết các bất cập trên thì cần thiết phải có các giải pháp:
- Trước hết, cần phải có văn bản hướng dẫn phân cấp, cụ thể theo định hướng
phân cấp mạnh một số mặt công tác quản lý viên chức; thống nhất cơ quan có thẩm
quyền quản lý công chức, qua đó xác định rõ cơ quan có thẩm quyền giải quyết
thuyên chuyển, tiếp nhận trong cả nước.
- Để bảo đảm tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của
chính quyền địa phương, các tỉnh tùy thuộc vào tình hình thực tế của mình có thể quy
định thêm các điều kiện tiếp nhận, thuyên chuyển của tỉnh mình nhưng vẫn phải bảo đảm
tuân thu theo các quy định của trung ương về cơ quan, trình tự, thời hạn giải quyết.

- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thuyên chuyển, tiếp nhận phải niêm yết
công khai, đầy đủ thủ tục hành chính về công tác thuyên chuyển, tiếp nhận, về hồ sơ,
quy trình và thời gian thực hiện.
- Đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa một số ngành, lĩnh vực nhất là giáo dục
và y tế vốn chiếm số lượng viên chức rất lớn. Khi xã hội hóa hoàn chỉnh, công tác
thuyên chuyển đối với các đối tượng này sẽ được bãi bỏ, thay vào đó là các công tác
hợp đồng, xếp lương theo năng lực...
- Việc thực hiện phân cấp quản lý công chức, viên chức phải được tiến hành
từng bước, khi phân cấp càng sâu, càng mạnh thì phải đi đôi với tăng cường chức
năng kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức, viên chức cấp
tỉnh nhằm bảo đảm thực hiện đúng các nguyên tắc quản lý.
Như vậy, các tỉnh, thành phố dựa vào các quy định của trung ương để ban hành
phân cấp quản lý công chức, viên chức hợp lý, vừa tạo sự thống nhất và đồng bộ trên
cả nước vừa bảo đảm tính chủ động, tự chủ của địa phương, khi đó công tác tổ chức
nói chung và công tác thuyên chuyển, tiếp nhận nói riêng mới đi vào nề nếp và đạt
được hiệu quả cao hơn./.

×