Tải bản đầy đủ (.doc) (83 trang)

CHỢ VIỀNG PHỦ TRÊN QUÊ HƯƠNG VỤ BẢN, NAM ĐỊNH: TRUYỀN THỐNG VÀ LỊCH SỬ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.77 MB, 83 trang )

MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt, chợ không chỉ là trung tâm
buôn bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa mang đậm dấu
ấn của cả một cộng đồng dân cư. Đặc biệt có những phiên chợ, mỗi năm chỉ
họp một lần vào dịp giáp tết hay đúng vào ngày tết. Dẫu xa xôi, cách trở, bận
rộn mấy, người ta cũng đến để du xuân, cầu duyên, cầu tài lộc hay đơn giản
chỉ là dịp gặp gỡ, thăm hỏi, chúc tết lẫn nhau. Chợ một phiên họp khi tết đến
xuân về đã vượt ra ngoài ý nghĩa kinh tế thông thường để trở thành một thú
vui ngày xuân, một cách giao duyên đầu năm mới, một lễ hội truyền thống
của người Việt ta.
Trên mọi miền đất nước, ở nhiều địa phương đã xuất hiện hình thức
chợ một phiên độc đáo này với những màu sắc đặc trưng riêng cho từng vùng
quê khác nhau. Có thể kể ra như chợ Đồng ở Hà Nam họp ngày 24 tháng
chạp, chợ Cưới ở Vĩnh Phúc họp ngày 25 tháng chạp, chợ Gò Trường Úc ở
Bình Định họp ngày mồng 1 tết, chợ Gà ở Bắc Ninh họp đêm mồng 4 tết. Hay
ở cố đô Huế có chợ Gia Lạc vốn là một phiên chợ hoàng tộc do Định Viễn
Công Nguyễn Phước Bình, con thứ tư của vua Gia Long lập ra từ thời Minh
Mạng vào tết nguyên đán Bính Tuất năm 1826. Chợ xuân Gia Lạc họp đông
vui trong cả 3 ngày mồng 1, mồng 2, mồng 3 tết. Dù có tên gọi khác nhau
nhưng những phiên chợ một năm một lần vào dịp tết này có một điểm chung.
Đó không chỉ là nơi mua sắm mà còn là nơi hò hẹn, gặp gỡ tâm tình của
những đôi trai gái tìm duyên, là nơi sinh hoạt văn hóa dân gian, cầu chúc
những điều may mắn tốt lành đến trong năm mới.
Với vị trí trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ, vùng đất Nam Định nay –
Thiên Trường xưa có một chiều dài lịch sử, một bề dày văn hóa đã góp phần
không nhỏ vào kho tàng văn hóa Việt Nam. Toàn tỉnh hiện có 1655 di tích
lịch sử văn hoá, hàng trăm vùng văn hoá dân gian cổ truyền, hàng trăm lễ hội
truyền thống, trong đó có lễ hội mang tính quốc gia hay vùng miền rộng lớn
như: lễ hội Đền Trần, lễ hội Phủ Dầy , nhiều làng nghề thủ công làm ra


1
những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao: chạm khắc, sơn mài, rèn, đúc kim
loại. Trước kia Nam Định đã có trường thi quốc gia và ngày nay nơi đây vẫn
được coi là vùng đất học, đất văn, sản sinh người tài cho đất nước.
Huyện Vụ Bản là một miền đất cổ nằm ở phía tây bắc tỉnh Nam Định,
“có lịch sử phát triển từ lâu đời, lưu đậm dấu ấn văn hóa văn minh của vùng
đồng bằng châu thổ sông Hồng” [2; 413]. Người dân Vụ Bản hiếu học, cần
cù lao động, kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh chống thiên tai, chống
giặc ngoại xâm, có tinh thần tự lực tự cường và ý thức cộng đồng sâu sắc,
luôn kế thừa và phát huy truyền thống cha ông, làm vẻ vang cho quê hương
đất nước. Chính tại nơi đây còn bảo tồn và lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa
vật thể và phi vật thể độc đáo trong kho tàng văn hóa Việt Nam nói chung và
Nam Định nói riêng, “tiêu biểu là quần thể kiến trúc Phủ Dầy gắn liền với tín
ngưỡng thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một nữ thần trong hệ thống tứ bất
tử tồn tại lâu bền trong trong thần điện Việt Nam” [9; 312].
Chợ Viềng Phủ ở huyện Vụ Bản là sản phẩm, đứa con được kết tinh và
khai sinh ra từ miền quê ấy, phản ánh một cách rõ nét những đặc trưng lịch
sử, văn hóa của địa phương. Đây là phiên chợ chỉ họp một năm một lần duy
nhất vào đêm mồng 7, ngày mồng 8 tháng giêng âm lịch và từ lâu đã trở thành
ngày hội đầu xuân của cả vùng. Dù cuộc sống có đổi thay nhưng trong tâm
thức nhiều người, đi chợ Viềng đầu xuân vẫn là một thói quen không thể
thiếu, một tập tục truyền thống.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại nhiều bề bộn ngày nay, không phải
ai cũng biết tới chợ Viềng và hiểu rõ những nét độc đáo vốn có của phiên chợ
này. Hơn nữa, cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế, quy
mô chợ Viềng cũng được mở rộng nhưng cùng với đó, nhiều nét đẹp truyền
thống của chợ Viềng đang bị mai một theo thời gian, nhiều hoạt động bị
thương mại hóa hoặc biến đổi theo chiều hướng không tích cực.
Nghị quyết trung ương V khóa VIII (1996) của Đảng cộng sản Việt
Nam đã đặt ra yêu cầu bức thiết cần “xây dựng và phát triển một nền văn hóa

tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các
2
lễ hội truyền thống, trong đó có chợ Viềng Phủ ở Vụ Bản, Nam Định càng trở
nên rất cần thiết và đáng trân trọng.
Là một người con của quê hương Vụ Bản, tôi mong muốn được góp
chút sức nhỏ bé của mình để giới thiệu ngày hội truyền thống chợ Viềng tới
đông đảo du khách trong nước và cùng với chính quyền địa phương giữ gìn,
phát huy những nét đẹp của ngày hội rất đặc biệt này, đáp ứng nhu cầu văn
hóa tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, còn do lòng yêu thích của bản thân muốn tìm hiểu sâu
rộng hơn về vốn văn hóa cổ truyền của quê hương, tôi đã lựa chọn đề tài
“Chợ Viềng Phủ trên quê hương Vụ Bản, Nam Định: truyền thống và lịch sử”
cho khóa luận tốt nghiệp của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Chợ Viềng là một loại hình sinh hoạt văn hóa hết sức độc đáo và là
niềm tự hào của người dân Nam Định. Nam Định có tới 5 chợ Viềng song
được biết đến nhiều nhất là chợ Viềng Phủ ở Vụ Bản và chợ Viềng Chùa ở thị
trấn Nam Giang, Nam Trực, đặc biệt chợ Viềng Phủ. Tuy nhiên, cho đến nay
vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu đầy đủ về nó. Đề tài chợ Viềng
Phủ có được một số tác giả quan tâm đề cập nhưng phần lớn mới dừng lại ở
những bài cảm nhận, bài viết nhỏ lẻ đăng tải trên các báo hay nằm trong công
trình nghiên cứu nào đó.
Các bài viết, công trình nghiên cứu tiêu biểu liên quan đến đề tài chợ
Viềng Phủ:
Trước hết phải kể đến các cuốn địa chí Nam Định qua các thời kỳ như
“Nam Định tỉnh địa dư chí” của Nguyễn Như, tự Ôn Ngọc, hiệu Nhuệ Khê
soạn vào năm Thành Thái thứ 5 (1893), “Nam Định tỉnh địa dư chí lược tân
biên” của một học giả, nhà giáo, nhà văn hóa nổi tiếng người Nam Định, Tiến
sĩ Tam giáp Khiếu Năng Tĩnh viết năm 1915. Các tác phẩm trên đều có đề
cập đến địa danh Thiên Bản – Vụ Bản và chợ Viềng Phủ nhưng với tư cách là

một quyển địa chí của toàn tỉnh nên nó chỉ giới thiệu vắn tắt những nội dung
3
trên. Tuy nhiên, đây vẫn là những tài liệu quan trọng hàng đầu, làm cơ sở
đáng tin cậy cho đề tài.
Cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Vụ Bản (1930 – 2000)” xuất bản năm
2000 có khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ ở địa phương từ đấu tranh
giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám 1945 đến hai cuộc kháng
chiến chống Pháp, chống Mỹ và sự nghiệp đổi mới ngày nay. Chương I của
cuốn sách “Những truyền thống lịch sử lâu đời về mảnh đất và con người Vụ
Bản” được các tác giả dành để giới thiệu tới bạn đọc những nét lớn về lịch sử,
vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội Vụ Bản. Chợ Viềng
được nhắc đến trong phần này là một nét đẹp văn hóa của địa phương, được
chính quyền các cấp quan tâm chú ý qua công tác tổ chức hàng năm.
Năm 2001, Nguyễn Quang Lê đã chủ biên cuốn “Khảo sát thực trạng
văn hóa lễ hội truyền thống của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ”. Trong
chương VII “khảo sát thực trạng văn hóa lễ hội về Thánh Mẫu Liễu Hạnh (lễ
hội Phủ Dầy)”, các tác giả đã giới thiệu về môi trường hình thành lễ hội ở Phủ
Dầy, nhân vật được thờ phụng và khu di tích Phủ Dầy; đặc biệt hội chợ Viềng
được giới thiệu là một ngày hội lớn tạo không khí hội hè sôi động cho cả vùng
đất này.
Năm 2003, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Uỷ bản nhân dân tỉnh Nam
Định đã chỉ đạo biên soạn cuốn “Địa chí Nam Định”. Đây là công trình
nghiên cứu tổng hợp về địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa Nam Định qua các
thời kỳ lịch sử, có giới thiệu khá đầy đủ về vùng đất Thiên Bản – Vụ Bản và
khái quát về hội chợ Viềng trong phần “văn hóa”.
Cũng vào năm 2003, trong cuốn “Lễ hội cổ truyền ở Nam Định”, nhà
nghiên cứu Hồ Đức Thọ đã đề cập đến quá trình hình thành, phát triển lễ hội
ở Nam Định và giới thiệu đến bạn đọc 40 lễ hội tiêu biểu của quê hương như:
hội Phủ Giầy, hội đền Trần, hội chùa Đại Bi, hội chùa Keo làng Hành
Thiện… Trong phần viết về hội chợ Viềng, tác giả đã lý giải tên gọi chợ

Viềng, giới thiệu sơ lược những mặt hàng được bày bán, trò chơi dân gian
4
mang ý nghĩa phồn thực độc đáo đồng thời nhấn mạnh tính chất cầu may của
phiên chợ này.
Năm 2010, tác giả Hồ Đức Thọ sưu tầm, biên soạn cuốn “Huyền tích
Thánh mẫu Liễu Hạnh và di sản văn hóa lễ hội Phủ Giầy”. Hội chợ Viềng được
đề cập là một sinh hoạt văn hóa dân gian trữ tình đáng trân trọng, có mối liên hệ
đặc biệt với quần thể di tích Phủ Giầy và hội Phủ Giầy. Tuy nhiên, đây chỉ một
nội dung nhỏ trong cuốn sách nên tác giả chỉ đưa ra giả thuyết về nguồn gốc sự
ra đời chợ Viềng Phủ đồng thời khái quát một số nét về địa điểm họp chợ, các
mặt hàng được bày bán cũng như phong tục của người đi chợ.
Tác giả Bùi Văn Tam – một nhà nghiên cứu của quê hương Vụ Bản
năm 2010 đã xuất bản cuốn “Văn hóa làng trên đất Thiên Bản vùng đồng
bằng sông Hồng”. Như tên sách được đặt, trong tập khảo cứu này, tác giả đi
sâu vào văn hóa làng ở một miền quê có lịch sử lâu đời ở phía nam đồng bằng
sông Hồng. Hội chợ Viềng được tác giả giới thiệu là hội lớn nằm trong hội
làng ngày xuân của làng Kẻ Dầy (nay là làng Tiên Hương và Vân Cát, xã Kim
Thái, huyện Vụ Bản). Chợ chính thức mở vào ngày mồng 8 tháng giêng, là tín
hiệu mở đầu một mùa sản xuất mới của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng
Bắc Bộ.
Ngoài ra còn rất nhiều bài viết khác trên các trang báo giấy hay báo mạng
cũng giới thiệu về chợ Viềng mỗi dịp phiên chợ này diễn ra. Tiêu biểu như:
“Chợ Viềng xuân, nét đẹp văn hóa vùng Thiên Bản xưa” của tác giả Đức Linh
đăng trên báo Nam Hà số xuân Bính Tý (1996); “Chợ Viềng xuân Vụ Bản nhìn
từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế” của tác giả Phạm Văn Đại trên báo Nam Định số
số 725 (2003); “Thú chơi chợ Viềng ở Vụ Bản và hội chợ Viềng” của tác giả
Bùi Văn Tam trên tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 2 (2006)…
Trong nguồn tài liệu mà tác giả đã tìm hiểu và thu thập được thì trên
đây là đều là những bài viết hay và có giá trị. Tuy nhiên, phần viết liên quan
đến đề tài chợ Viềng Phủ chỉ chiếm một dung lượng khiêm tốn và nội dung

còn mang tính chất sơ lược, khái quát. Song mỗi bài đều có một giá trị riêng
5
và nó sẽ là nguồn tài liệu hữu ích phục vụ việc tìm hiểu chợ Viềng Phủ một
cách toàn diện hơn, nghiêm túc hơn.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài là chợ Viềng Phủ diễn ra hàng
năm ở huyện Vụ Bản vào đêm mồng 7, ngày mồng 8 tháng giêng âm lịch, đây
là một nét đẹp, thú vui đầu xuân độc đáo chỉ có ở Nam Định.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Về không gian: đề tài tập trung tìm hiểu chợ Viềng Phủ trong phạm vi
huyện Vụ Bản, đặc biệt là từ Trung Thành, qua Kim Thái đến thị trấn Gôi.
Về thời gian: đề tài có giới hạn thời gian tìm hiểu kéo dài từ khi chợ
Viềng Phủ ra đời cho đến ngày nay (năm 2014).
4. Mục đích, nhiệm vụ của khóa luận
Thông qua việc khái quát về vùng đất Thiên Bản - Vụ Bản, đề tài đi sâu
vào tìm hiểu phiên chợ Viềng Phủ truyền thống với các khía cạnh chủ yếu: sự
hình thành, tên gọi chợ Viềng Phủ, thời gian, không gian tổ chức, đặc biệt là
các hoạt động đa dạng diễn ra trong thời gian hội chợ như hoạt động trao đổi
mua bán, tín ngưỡng, tôn giáo hay vui chơi, giải trí.
Từ đó nhằm mục đích làm nổi bật lên những độc đáo của chợ Viềng mà
không nơi nào có được, thể hiện phần nào nét đẹp văn hóa đặc sắc của người
dân Nam Định. Đồng thời rút ra một số nhận xét về chợ và sự thay đổi của
chợ thời nay, đánh giá tác động của chợ đến đời sống nhân dân địa phương,
đưa ra kiến nghị cần thiết góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị truyền
thống của chợ Viềng Phủ.
5. Cơ sở phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu và nguồn tài liệu
5.1. Cơ sở phương pháp luận
Đề tài được thực hiện dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của nhà nước, của Đảng

Cộng Sản Việt Nam về các vấn đề văn hóa, đặc biệt là sự nghiệp bảo tồn, phát
huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
6
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài được thực hiện thông qua việc tổng hợp nhiều phương pháp
nghiên cứu của bộ môn như: phương pháp lịch sử, phương pháp logic,
phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu các nguồn tư liệu…
Trong đó, phương pháp lịch sử và phương pháp logic là chủ yếu.
Dùng phương pháp lịch sử khi nghiên cứu về chợ Viềng Phủ, tác giả
đặt đối tượng trong mối quan hệ với thời gian và không gian diễn ra hội chợ.
Dùng phương pháp logic để thấy được hội chợ Viềng phát triển theo
quy luật khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người.
Ngoài ra, tác giả còn đi điền dã, khảo sát, nghiên cứu và tham dự để
hiểu được những nét độc đáo của chợ Viềng Phủ.
5.3. Nguồn tài liệu
Đề tài được hoàn thành trên cơ sở tác giả đã thu thập, tìm hiểu, phân
tích nhiều nguồn tài liệu khác nhau như:
Tài liệu thành văn: Các cuốn địa chí Nam Định qua các thời kỳ; các
công trình nghiên cứu khác có liên quan đến đề tài; các bài viết đăng tải trên
các báo, tạp chí.
Tư liệu vật chất: các đền, chùa, lăng, phủ và một số văn bia tại địa
phương.
Tư liệu truyền miệng qua việc tiếp xúc với một số cán bộ văn hóa và
người dân địa phương.
Các trang web liên quan.
6. Đóng góp của khóa luận
- Thông qua việc tìm hiểu về cơ sở hình thành, sự ra đời, tên gọi, các
hoạt động của người tham gia chợ Viềng Phủ thuộc địa phận huyện Vụ Bản,
tỉnh Nam Định, đề tài làm sáng tỏ nét đẹp độc đáo của phiên chợ truyền thống
ở miền quê văn hiến này. Đồng thời khẳng định đi chợ Viềng mỗi dịp tết đến

xuân về là một hoạt động văn hóa tinh thần thường niên không thể thiếu trong
đời sống người dân địa phương nói riêng và nhân dân nhiều vùng miền trên cả
nước nói chung.
7
- Tìm hiểu chợ Viềng Phủ góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy những
giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương cũng như dân tộc.
- Đề tài còn là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc quan tâm
và phục vụ công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương.
7. Cấu trúc của khóa luận
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, phần nội
dung chính của khóa luận được chia làm 3 chương:
Chương 1: Khái quát về vùng đất Thiên Bản – Vụ Bản và sự ra đời chợ
Viềng Phủ.
Chương 2: Hoạt động trong chợ Viềng Phủ.
Chương 3: Những thay đổi của chợ Viềng Phủ xưa và nay. Tác động
của chợ đến đời sống nhân dân địa phương.
8
NỘI DUNG
Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ VÙNG ĐẤT THIÊN BẢN – VỤ BẢN VÀ
SỰ RA ĐỜI CHỢ VIỀNG PHỦ
1.1. Khái quát về vùng đất Thiên Bản – Vụ Bản
1.1.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
Vụ Bản là một trong 10 huyện, thành phố của tỉnh Nam Định, nằm ở
phía tây bắc tỉnh với diện tích tự nhiên khoảng 14.766 ha. Huyện nằm kẹp
giữa sông Đào và sông Ba Sát chạy dài theo hướng bắc nam. Phía bắc tiếp
giáp với huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định; phía đông tiếp giáp với
huyện Nam Trực ngăn cách bởi sông Đào; phía nam tiếp giáp với huyện Ý
Yên; phía tây bắc tiếp giáp với huyện Bình Lục (Hà Nam) và tây nam tiếp
giáp với huyện Ý Yên đều ngăn cách bởi con sông Ba Sát. Vị trí này làm cho
giao thông ở Vụ Bản hết sức thuận lợi. Từ đầu thế kỷ XX đã có đường xe lửa

xuyên Việt đi qua Vụ Bản, người dân có thể lên tàu ở ga Nam Định hoặc ga
Gôi. Đường bộ càng thuận tiện hơn khi đường 12 (nay được nâng cấp là quốc
lộ 38b), đường 10 nối liền Nam Định với Ninh Bình, đường 56 là con đường
dịch mã xưa nay đã được nâng cấp thành quốc lộ 37b tạo nên sự giao lưu
thuận tiện với các vùng trong tỉnh và với tỉnh bạn. Từ trung tâm huyện lỵ Vụ
Bản (thị trấn Gôi) ra thành phố Nam Định là 15 km, sang thành phố Ninh
Bình là 13 km.
Nằm gọn ở khu vực trung tâm phía nam đồng bằng sông Hồng nhưng
địa hình Vụ Bản không hoàn toàn bằng phẳng. Dọc phía nam đường 12 và
đường 10 là hai dải đất cao, tạo thành những cánh đồng màu và đồng chiêm
trũng xen kẽ. Phía tây huyện lại đột ngột nổi lên 6 ngọn núi đất lẫn đá chạy
dài theo hướng bắc nam là núi Ngăm, núi An Thái (còn gọi là núi Tiên
Hương), núi Báng, núi Lê, núi Gôi và núi Hổ. Điều kỳ thú hơn nữa là Vụ Bản
đã có núi lại có sông uốn khúc, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình. Các sông
Đào, sông Cốc, sông Vĩnh Giang, sông Ba Sát… là nơi cung cấp nguồn nước
phục vụ phát triển nông nghiệp đồng thời là đường thủy quan trọng của huyện
Vụ Bản.
9
Vụ Bản mang đặc trưng chung của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với
hai mùa rõ rệt. Mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, khí hậu biến đổi mạnh. Mùa
đông lạnh, nửa đầu thời tiết tương đối khô, nửa cuối thì ẩm ướt. Nhiệt độ
trung bình năm là 23,7°C, độ ẩm không khí trung bình khá cao, trên 80%.
Lượng mưa trung bình 1757 mm/năm, tập trung vào mùa hạ. Hàng năm nơi
đây chịu ảnh hưởng của hai luồng gió chính là gió mùa đông nam vào mùa hè,
và gió mùa đông bắc thổi vào mùa đông.
Theo hệ thống phân loại đất Việt Nam thì đất Vụ Bản có độ phì trung
bình trên hai loại địa hình đồng chiêm trũng và vùng đất cao, có thể bố trí
được nhiều loại cây thuộc nhóm cây lương thực, cây công nghiệp.
Như vậy, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên ở Vụ Bản khá thuận lợi cho
phát triển kinh tế, đặc biệt kinh tế nông nghiệp và phù hợp với cuộc sống của

con người. Do đó, nơi đây từ xa xưa người Việt cổ đã về sinh sống, cho đến
nay vẫn còn lưu lại nhiều địa danh Kẻ Dầy, Kẻ Báng, Kẻ Hầu… là những tên
gọi gắn với thời kỳ đất nước Văn Lang của các vua Hùng.
1.1.2. Địa giới hành chính qua các thời kỳ
Vụ Bản – nguyên là huyện Thiên Bản trước kia, là “một vùng đất cổ
được hình thành bởi phù sa bồi đắp trong quá trình biển lùi thuộc kỷ Hô lô
xen (từ bảy ngàn năm về trước) và phù sa sông Hồng, sông Đáy từ thượng
nguồn trôi về” [24; 93]. Trải qua hàng mấy nghìn năm biến thiên của lịch sử
dân tộc, địa danh, địa giới của huyện đã có nhiều thay đổi.
Thời Hùng Vương, huyện nằm sát biển với tên gọi là Bình Chương
thuộc bộ Lục Hải (một trong 15 bộ của nước Văn Lang), thời Hán thuộc quận
Giao Chỉ. Trước thời Lý – Trần, đất này nằm trong huyện Hiển Khánh. Thời
Lý, địa danh Thiên Bản bắt đầu xuất hiện, nằm trong phủ Ứng Phong, đời
Trần là huyện Thiên Bản thuộc phủ Kiến Hưng, lộ Hoàng Giang. Năm 1407,
bọn đô hộ nhà Minh đổi là huyện Yên Bản thuộc phủ Kiến Bình. Đến thời Lê
lấy lại tên Thiên Bản thuộc phủ Nghĩa Hưng. Năm Tự Đức thứ 14 (1861) mới
đổi thành huyện Vụ Bản thuộc phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
10
Từ trước đến nay, Vụ Bản là huyện ít có sự xáo trộn địa giới nhất trong
số các huyện của tỉnh Nam Định. “Huyện Vụ Bản ngày nay bao gồm hầu hết
huyện Thiên Bản và một phần nhỏ huyện Nam Trực xưa” [21; 69]. Đầu thế kỷ
XIX, huyện Thiên Bản gồm 10 tổng: An Cự, Bảo Ngũ, Đăng Côi, Đồng Đội,
Hào Kiệt, Hiển Khánh, Hoàng Lão, Hổ Sơn, Thiên Bản, Trình Xuyên với 92
xã, thôn, phường, trang, trại. Thời Tự Đức (1847 – 1883) gồm 10 tổng, 86 xã,
thôn, phường, trại. Đến năm Thành Thái thứ 5 (1893), tổng Thi Liệu nguyên
là Đô Liệu của huyện Nam Chân (Nam Trực ngày nay) được sáp nhập vào
huyện Vụ Bản, cùng với một phần tổng Trình Xuyên thành lập tổng Trình
Xuyên Hạ. Phần còn lại của tổng Trình Xuyên thành lập tổng Trình Xuyên
Thượng. Từ đây cho tới đầu thế kỷ XX, Vụ Bản gồm 11 tổng: An Cự, Bảo
Ngũ, Đồng Đội, Hào Kiệt, Hiển Khánh, Hổ Sơn, La Xá, Phú Lão, Trình

Xuyên Hạ, Trình Xuyên Thượng, Vân Côi với 95 xã, thôn. Hầu hết các tổng,
xã, thôn trên nay đều thuộc huyện Vụ Bản (trừ tổng Thiên Bản sau bị cắt sang
huyện Bình Lục và huyện Mỹ Lộc).
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
ra đời, Quốc hội và Chính phủ xóa bỏ cấp phủ và tổng, mở rộng cấp xã, nhỏ
hơn tổng nhưng lớn hơn xã trước kia. Thời kỳ này huyện Vụ Bản thành lập 28
xã trên cơ sở sáp nhập nhiều xã, làng cũ và đặt tên mới. Đó là các xã Quang
Trung, Trung Thành, Đồng Tâm, Nhất Trí, Liên Minh, Liên Hòa, Cốc Thành,
Tân Thành, Khánh Lão, Đồng Minh, Thụy Hòa, Kim Thái, Đại An, Liên
Phương, Tân Dân, Cộng Hòa, Thuận Thành, Duy Tân, Lục Hợp, Minh Tân,
Hưng Đạo, Bảo Xuyên, Trùng Khánh, Thanh Lôi, Vĩnh Hào, Hùng Vương,
Tam Hòa, Lê Lợi.
Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, đổi tên các xã trên theo nguyên tắc
hoặc có chữ “Vụ” đầu hoặc có chữ “Bản” đầu. Đến ngày 2 – 7 – 1957, Uỷ
ban hành chính Liên khu III ra quyết định đổi tên tất cả các xã thuộc huyện
Vụ Bản trở lại tên gọi trong thời kỳ đầu sau cách mạng tháng Tám. Sau này,
tiếp tục có sự điều chỉnh địa giới hành chính và tên gọi các xã trong những
thập niên cuối thế kỷ XX. “Tên gọi các xã hiện nay về cơ bản theo tên gọi
11
thời kỳ đầu sau cách mạng tháng Tám (trừ một số xã mới sáp nhập). Hiện
nay, Vụ Bản là huyện duy nhất trong các huyện của Nam Định mà tên gọi các
xã không có chữ đầu tên huyện” [21; 73].
Lỵ sở huyện Thiên Bản trước kia đặt tại địa phận hai xã Thái La (tổng
Bảo Ngũ) và Châu Bạc (tổng Đồng Đội). Vốn là lỵ sở của phủ Nghĩa Hưng,
đến năm Tự Đức thứ 5 (1852) đổi làm lỵ sở của huyện Vụ Bản. Huyện lỵ của
huyện Vụ Bản sau này cũng đặt tại đây. Ngày 1 – 4 – 1986, Hội đồng bộ
trưởng ra quyết định số 34 – HĐBT thành tập thị trấn Gôi (huyện lỵ của
huyện Vụ Bản) với 485,5 ha diện tích tự nhiên của xã Tam Thanh, dân số
5.832 người.
Hiện nay, huyện Vụ Bản có 18 đơn vị hành chính gồm thị trấn Gôi và

17 xã: Cộng Hòa, Đại An, Đại Thắng, Hiển Khánh, Hợp Hưng, Kim Thái,
Liên Bảo, Liên Minh, Minh Tân, Minh Thuận, Quang Trung, Tam Thanh,
Tân Khánh, Tân Thành, Thành Lợi, Trung Thành, Vĩnh Hào); tổng diện tích
tự nhiên theo đơn vị hành chính là 14.766,23 ha.
1.1.2. Vài nét về kinh tế - văn hóa - xã hội
Kinh tế:
Điều kiện tự nhiên có núi, có sông giữa đồng bằng đã tạo thuận lợi cho
cư dân nguyên thủy về đây sinh sống. Trải qua hàng mấy ngàn năm, cư dân ở
các nơi tiếp tục men theo bờ biển, theo triền sông Hồng, sông Đáy về đây
khai phá, bồi trúc, quai đê lấn biển, biến các vùng sình lầy hoang vu, cói lác
rậm rạp thành ruộng đất phì nhiêu. Do đó, nơi đây từ rất sớm đã trở thành một
vùng nông nghiệp trù phú của đồng bằng Bắc Bộ. Không phải ngẫu nhiên mà
các vua Lý – Trần đã đặt tên cho huyện là Thiên Bản. Theo các nhà nho thì
tên gọi này ngụ ý “Nông giả ư thiên hạ chi bản dã” có nghĩa là “nghề nông là
gốc của thiên hạ vậy”. Sự quan tâm tới nông nghiệp của vùng đất này còn
được thể hiện qua việc “các vua Lý – Trần chọn đất Hướng Nghĩa (nay thuộc
xã Minh Thuận) lập hành cung Ứng Phong để hàng năm vua về làm lễ tịch
điền tế Thần Nông – Hậu Tắc, cầu mong một năm thái bình thịnh trị, hòa cốc
phong đăng” [23; 14].
12
Ngày nay, trong cơ cấu nông nghiệp Vụ Bản, trồng trọt vẫn là nghề chủ
yếu của địa phương. Diện tích đất nông nghiệp khoảng 8.000 ha phân bố trên
hai loại địa hình chính là đồng chiêm trũng và vùng đất cao nên có thể bố trí
được nhiều loại cây thuộc nhóm cây lương thực, cây công nghiệp. Người dân
tăng cường luân canh, xen canh, gối vụ hợp lý để có kết quả kinh tế cao,
không những trồng hai vụ xuân, hè thu mà còn phát triển cả vụ đông, nhất là
vụ đông trên đất hai mùa lúa để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trong các loại
cây trồng, lúa chiếm vị trí quan trọng nhất. Vụ Bản nằm trong vùng trồng lúa
xuất khẩu quan trọng của tỉnh. Ngoài ra còn có các loại cây màu, phổ biến
như khoai lang, khoai tây, ngô, đậu tương… Đặc biệt từ năm 1981 trở đi, lạc

được xác định là cây xuất khẩu chủ lực của huyện nên các cấp ủy đảng đã chỉ
đạo tập trung thâm canh mở rộng diện tích cây lạc. Bên cạnh đó, chăn nuôi
tồn tại song song với trồng trọt nhưng đây không phải là thế mạnh của huyện.
Vụ Bản có nhiều nghề thủ công truyền thống với lịch sử lâu đời, đến
nay vẫn duy trì và phát triển. Làng rèn Bảo Ngũ (Quang Trung) là một trong
hai làng rèn nổi tiếng nhất ở Nam Định (còn lại là làng Vân Chàng, Nam
Giang, Nam Trực). Đây là nơi đã từng rèn đúc vũ khí cho nghĩa binh của Đào
Thị Qúy trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và các nghĩa sĩ Cần Vương
chống Pháp của Đàm Trí Trạch cuối thế kỷ XIX. Nghề làm sơn then, sơn mài
của làng Hổ Sơn (Liên Minh) nổi tiếng trong cả nước có từ thời Trần. Thời
Nguyễn, làng phải tuyển lính tất tượng vào làm trong các quan xưởng của nhà
vua. Nhiều làng làm nghề dệt vải, dệt tơ tằm nổi tiếng như các làng Vân Cát,
Qủa Linh, Bảo Ngũ. “Nghề dệt ở Qủa Linh - Thành Lợi đã trở thành trung
tâm của tiểu khu kéo sợi dệt của ba xã liền nhau là Kim Thái, Thành Lợi,
Trung Thành. Tiểu khu dệt sợi này là một trong những tiểu vùng dệt vải, kéo
sợi lớn nhất của nông thôn Nam Định” [21; 432]. Nghề gò đồng thau có
truyền thống xa xưa ở làng Bàn Kết (Tân Khánh). Nghề chạm đá ở làng Thái
La (Trung Thành) còn để lại nhiều công trình đồ sộ ở các văn chỉ, các đền
miếu trong huyện. Làng Tiên Hào (Vĩnh Hào) có nghề làm gối mây nay đang
phát triển các mặt hàng mây tre đan phong phú. Làng Hào Kiệt (Liên Minh)
13
giỏi nghề thêu, nghề làm lọng, có nhiều nghệ nhân tài giỏi thêu kim tuyến chỉ
màu cung cấp sản phẩm mỹ nghệ cho các thành phố lớn…
Trên cơ sở sự phát triển của nông nghiệp, thủ công nghiệp, nền kinh tế
hàng hóa nơi đây sớm phát triển, chợ ra đời nhằm phục vụ nhu cầu trao đổi
buôn bán của cư dân trong huyện. Có thể kể ra các chợ lớn như: chợ Sại, chợ
Hầu, chợ Dần, chợ Gạo, chợ Si… Lại còn có nhiều chợ khác chỉ họp chớp
nhoáng vào sớm mai hay chiều tối ở đầu làng, ở bến bãi để trao đổi sản phẩm
tiêu dùng hằng ngày. Một hiện tượng đáng chú ý ở vùng đất Thiên Bản – Vụ
Bản là sự “xuất hiện nhiều làng buôn, tiêu biểu là Cao Phương (Liên Bảo)

buôn thuốc Bắc, làng Cố Bản buôn thuốc Nam, làng Hào Kiệt, Lương Kiệt,
Qủa Linh, Bách Cốc buôn tạp hóa, bánh kẹo, buôn vải…” [2; 16].
Văn hóa – Xã hội:
Vụ Bản nằm trong địa bàn Nam Định là một trong những tỉnh có cư
dân đông đúc nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ. Theo số liệu thống kê năm 2011,
dân số Vụ Bản là 129.616 người, trong đó tổng số lao động là 63.658. Mật độ
dân số trung bình là 880 người/km². Đối tượng sinh sống tại huyện chủ yếu là
người dân tộc Kinh, theo hai tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chúa giáo.
Thiên Bản - Vụ Bản là mảnh đất còn bảo tồn được nền văn hóa đậm đà
bản sắc dân tộc lâu đời. Đặc biệt nơi đây là một miền đất cổ vốn sống về nông
nghiệp. “Vì thế, nền văn hóa của các làng Thiên Bản rất xa xưa, về tín
ngưỡng, về văn học, nghệ thuật, phong tục, tập quán đậm nét dân gian, đậm
đà tính chất của một vùng đồng bằng có núi non, sông nước, mang tính chất
của nền văn hóa nông nghiệp rõ rệt” [14; 12].
Nằm trong vùng châu thổ sông Hồng, Vụ Bản là mảnh đất linh thiêng
còn lưu giữ được nhiều dấu ấn gắn liền với sự phát triển của nền văn minh
Đại Việt. Các phát hiện khảo cổ học đã tìm ra hàng trăm công cụ đồ đá mài,
đồ gốm, đặc biệt là hai chiếc trống đồng đào ở chân núi Gôi năm 1903 có niên
đại cách đây trên hai nghìn năm, cho thấy cư dân nguyên thủy ở đây có trình
độ thẩm mỹ khá cao. Đầu làng Hướng Nghĩa (Minh Thuận) còn có nhiều phế
tích của hành cung Ứng Phong, nơi các vua Lý – Trần về làm lễ tịch điền.
14
Điều đáng chú ý là đã khai quật được một ngôi mộ chôn theo mô hình dinh
thự của quý tộc Trần bằng đất nung ở Hiển Khánh đã hé mở cho việc nghiên
cứu kiến trúc thời Trần.
Vụ Bản còn bảo tồn được nhiều công trình kiến trúc điêu khắc thời Lê
– Nguyễn với hàng chục ngôi đình, đền cao to, kiến trúc bề thế, cổ kính như:
đình Hướng Nghĩa, đình Tiểu Cốc, đình Tổ Cầu, đình Bảy Giáp, đình ông
Khổng, đền Lương Trạng nguyên… Một trong những công trình có ý nghĩa
văn hóa – tín ngưỡng đặc biệt là quần thể kiến trúc Phủ Dầy, gắn liền với tín

ngưỡng thờ Đức Thánh Mẫu, là một nữ thần trong hệ thống tứ bất tử tồn tại
lâu bền trong thần điện Việt Nam. Ở đây có bộ ba kiến trúc liên quan chặt chẽ
tới Mẫu Liễu Hạnh là phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và lăng Chúa Liễu đã
được công nhận là “di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số
09/VHQĐ ngày 21/2/1975” [6; 15].
Về đời sống tinh thần và tâm linh, ở Vụ Bản còn lưu giữ được nhiều
phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nguyên sơ. Nhiều làng còn
lưu giữ tục thờ các lực lượng siêu nhiên có tác động đến đời sống cư dân nông
nghiệp trồng lúa nước. Nhưng phần lớn cộng đồng cư dân ở đây thường thờ
những người có công với nước, giúp dân gây dựng hương ấp, dẫn dắt sản
xuất, mở mang văn hóa; các vị thần bảo vệ dân trước thiên tai, địch họa,
chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập quê hương. Các làng Cố Bản (Đại
Thắng), Mỹ Trung (Thành Lợi) thờ các thần Bắc Nhạc, Đông Hải, Tây Hải là
ba trong số 50 người con của mẹ Âu Cơ theo cha Lạc Long Quân xuống biển.
Nhiều làng thờ Long Vương, Thủy Tề, thần Độc Cước, thần giếng nước, các
thần trông coi mùa màng như Thần Nông, Hậu Tắc, Câu Mang… Tục thờ nữ
thần, thờ Mẫu rất đậm nét, tiêu biểu là thờ Mẫu Liễu Hạnh ở quần thể Phủ
Dầy và nhiều làng trong huyện.
Tục thờ cúng tổ tiên, dòng họ là tín ngưỡng phổ biến nhất trong dân
gian, là tập tục cổ truyền có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phát huy truyền thống
gia đình, dòng họ, tăng cường tình đoàn kết, thương yêu nhau. Hàng năm các
15
họ tổ chức lễ họ để con cháu đến bái yết tổ đường, vui chung gặp mặt nhận họ
hàng thứ bậc.
Vụ Bản là vùng đất của các lễ hội. Lễ hội làng thường được tổ chức
vào mùa xuân và mùa thu. “Các trò đấu vật, đấu võ, chơi cờ, chơi đu… hầu
như làng nào cũng có. Ngoài ra mỗi làng còn có trò chơi riêng như: thi nấu
cơm ở Thượng Linh, Bối La, Thái La, Bối Hạ… Làng Xứng có hội kết rơm
thành kiệu, cổng chào, tứ linh… Hội Hoa Trượng kéo chữ bằng gậy ở Phủ
Dầy (Kim Thái). Làng Qủa Linh ba năm một lần vào đám (các năm Dần,

Thân, Tỵ, Hợi) kỷ niệm nhà Trần đánh thắng quân Nguyên mà làng có đội
thuyền lương phục vụ chiến trường, gọi là hội Thái Bình xướng ca. Làng Hổ
Sơn có lệ bầu quan một ngày, tổ chức thi đọc chúc ước trong hội” [9; 314].
Đặc biệt hội Phủ Dầy hàng năm đã đi vào dân gian với câu ca “tháng tám giỗ
Cha, tháng ba giỗ Mẹ” (Cha là Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Mẹ là Đức Thánh
Liễu Hạnh) là sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà sắc thái văn
hóa địa phương và bản sắc văn hóa dân tộc, được nhân dân cả nước đón nhận.
Vụ Bản là một miền quê của thi ca như lời thơ Nguyễn Bính viết:
“Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát/ Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ”. Câu
tục ngữ “bánh Gôi, xôi Báng, rượu Hầu” tương truyền có từ thời vua Hùng
dựng nước. Các làn điệu dân ca như hát chèo là hình thức văn nghệ chủ yếu
trong các dịp hội hè. “Điều đáng chú ý là hát chầu văn gắn với tín ngưỡng
thờ Mẫu. Âm nhạc đã đưa con người vào thần điện và giao cảm với đấng
thần linh tối thượng” [9; 314]. Từ những giá trị văn hóa đó mà lễ hội Phủ
Dầy và nghi lễ chầu văn của người Việt đã được công nhận là di sản văn hóa
phi vật thể quốc gia theo quyết định số 30884/QĐ - BVHTTDT ngày
9/9/2013. Đặc biệt là nghi lễ chầu văn của người Việt đang được trình lên các
cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và UNESCO công nhận là di sản văn
hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong thời gian tới.
Đất Vụ Bản còn lưu truyền nhiều chuyện thần tiên ly kỳ, chuyện cổ dân
gian về núi sông, truyền thuyết hình thành làng xã. Tiêu biểu hơn cả là huyền
thoại về “Thiên Bản lục kỳ” tồn tại suốt mấy trăm năm nay, là biểu tượng văn
16
hóa dân gian của miền Sơn Nam. “Thiên Bản lục kỳ” là sáu sự lạ trên đất
Thiên Bản, được lưu tồn trong dân gian dưới dạng truyện cổ. Ngay thần tích
còn lưu giữ được cũng được viết dưới dạng truyền kỳ. Vì thế, người kể thường
thêm thắt tình tiết, làm cho câu chuyện thêm phong phú nhưng cốt lõi câu
chuyện vẫn không thay đổi” [14; 49]. Đó là chuyện thần Tam Ranh (thần trẻ
con) Sừng, Sỏ, Sắt ở làng rèn Bảo Ngũ đánh đuổi ma tà quỷ quái hay sách
nhiễu, hãm hại nhân dân; thần Cường Bạo ở làng Bối La dám chống trời, mưu

trí đánh bại cả thiên lôi, thủy thần nhà trời. Đó là Liễu Hạnh công chúa, người
làng Kẻ Dầy, ba lần sinh hóa, giữ trọn niềm hiếu nghĩa, thủy chung, nhân ái,
được coi là “Mẫu nghi thiên hạ” (bà mẹ mẫu mực trong thiên hạ). Một người
phụ nữ tài ba nữa là bà Trịnh Thái phi Trần Thị Ngọc Đài ở làng Thông Khê
– vợ chúa Trịnh Tráng, mẹ của chúa Trịnh Tạc, hát hay múa giỏi, có nhiều
công lao giúp dân làm ăn, đã dựng nên hội “hoa trượng” (kéo gậy hoa) đặc
sắc ở Phủ Dầy. Đó còn là Hòa quận công Ngô Đình Điền người làng Bảo Ngũ
đã dùng phép lạ chống thủy quái, đắp đê ngăn lũ cho dân, bảo vệ mùa màng.
Sự kỳ lạ thứ sáu hiện đang có sự tranh cãi. Một số người cho rằng đó là
thần Lữ gia, thừa tướng Nam Việt “đánh nhau với quân Hán bị chém mất
đầu nhưng còn chạy về được tới núi Gôi mới ngã ngựa chết, thường hiển rõ
linh ứng nên dân lập đền thờ” [10; 44]. Nhiều người lại khẳng định sự kỳ lạ
thứ sáu là “trạng nguyên Lương Thế Vinh, thần đồng làng Cao Phương, học
rộng tài cao, thông minh hơn người, đem hết trí lực phò vua giúp nước” [2;
20].
Không thể nêu hết tiềm năng văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng
đất cổ xưa này nhưng điều chúng ta đều thấy được chủ nhân của tài sản văn
hóa đó chính là con người Vụ Bản từ xưa tới nay. Các nguồn sử liệu và ký tức
dân gian đã cho biết đây “là mảnh đất văn vật của miền Sơn Nam có truyền
thống hiếu học, thời nào cũng có người đỗ đạt cao, có danh vọng lớn” [24;
94]. Tác giả Nguyễn Ôn Ngọc trong cuốn “Nam Định tỉnh địa dư chí” (1893),
phần “phong tục” đất này đã ghi nhận: “Thứ nhất nghề nông, thứ hai nghề
học. Từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê đến nay các bậc Trạng nguyên, Bảng nhãn,
17
Thám hoa, Tiến sĩ, Cử nhân cứ nối tiếp nhau. Đến bản triều ta (tức triều
Nguyễn) văn học hạt này tuy không bằng các triều trước nhưng nhân dân vẫn
ham chuộng nghề thi cử, nên khoa nào cũng có người thi đậu” [10; 42].
Trong lịch sử nền giáo dục Nho học nước nhà, huyện có 13 tiến sĩ và 3
phó bảng, là một trong những huyện khoa bảng của đất Nam Định. Có bốn
làng học tiêu biểu là làng Cao Phương, làng Cựu Hào, làng Lương Kiệt và

làng Bách Cốc. Đặc biệt làng Cao Phương là quê hương Trạng Lường nổi
tiếng Lương Thế Vinh. Ông đậu Trạng nguyên khoa Qúy Mùi (1463), được
đánh giá là “một con người tài hoa danh vọng vượt bậc” (nhà bác học Lê Qúy
Đôn). “Làm quan cương trực gặp việc dám nói thẳng, các văn từ bang giao
thời ấy phần nhiều là của ông soạn thảo” [22; 34]. Ông giữ chức Sái phu,
chuyên phê bình sửa chữa thơ văn trong Tao đàn nhị thập bát tú. Không
những thế, ông còn là tác giả cuốn “Đại thành toán pháp” - cuốn sách giáo
khoa toán đầu tiên ở nước ta và cuốn “Hỷ phường phả lục” – cuốn sách lý
luận đầu tiên về nghệ thuật sân khấu chèo ở nước ta. Khi ông mất, vua Lê
Thánh Tông thương tiếc, làm bài thơ điếu ông với câu kết đầy ý nghĩa:
“Khuất ngón tay dài cái thế
Lấy ai làm Trạng nước Nam ta”
Trong thế kỷ XX, miền đất này là nơi “đã sản sinh ra Trần Huy Liệu,
Nguyễn Bính, Văn Cao, Nguyễn Cơ Thạch, Vũ Tú Nam, Bùi Huy Đáp… Đó là
những người con Vụ Bản có đóng góp nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật, sử
học, văn học – nghệ thuật… cho nước nhà, làm rạng danh cho vùng đất có bề
dày văn hóa truyền thống này” [9; 316].
Như vậy, những nét lớn về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lịch sử hình
thành vùng đất Thiên Bản – Vụ Bản và kinh tế, văn hóa, xã hội nơi đây đã tạo
ra môi trường cần thiết và quan trọng cho sự hình thành các sinh hoạt văn hóa
cộng đồng, trong đó có chợ Viềng Phủ.
1.2. Sự ra đời chợ Viềng Phủ
1.2.1. Cơ sở ra đời
18
Chợ Viềng là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đầu xuân độc
đáo được gìn giữ từ lâu đời của người dân Nam Định. “Chợ Viềng năm có
một phiên”. Thế nên bất chấp cái rét ngọt của miền Bắc mỗi dịp đầu xuân,
hàng vạn du khách vẫn nườm nượp kéo nhau về tụ họp ở đây để cầu mong
những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với gia đình và người thân trong năm
mới. Điều đặc biệt nữa là Nam Định hiện có tới 5 chợ Viềng họp ở 5 địa điểm

khác nhau. Đó là chợ Viềng Vụ Bản gần quần thể di tích Phủ Dầy (còn gọi là
chợ Viềng Phủ); chợ Viềng Nam Giang, Nam Trực gần chùa Đại Bi thờ thiền
sư Từ Đạo Hạnh thời Lý (còn gọi là chợ Viềng Chùa). Ngoài ra còn có chợ
Viềng Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng nằm trong khu vực đền thờ Triệu Quang
Phục; chợ Viềng Mỹ Trung, Mỹ Lộc gần khu đền Trần – chùa Tháp song hiện
nay chợ này chỉ tồn tại về mặt địa danh còn hoạt động thì mai một. Mấy năm
gần đây xuất hiện thêm chợ Viềng ở Yên Thắng, Ý Yên. Mỗi chợ đều có nét
độc đáo riêng nhưng được nhiều người biết đến và đông vui hơn cả thì phải
nói đến chợ Viềng Phủ.
Chợ Viềng Phủ ra đời trên một miền đất cổ mà nhiều địa danh có từ
thuở vua Hùng dựng nước. Với vị trí nằm ở phía nam đồng bằng châu thổ
sông Hồng, địa hình khá bằng phẳng, đất đai tương đối màu mỡ, giao thông
thuận tiện nên nơi đây đã có con người về sinh tụ từ bốn ngàn năm trước. Trải
qua thời gian, họ khai phá vùng sình lầy ven biển thành những trang ấp, làng
xóm trù phú, cư dân đông đúc. Ngay cái tên huyện Thiên Bản cũng nói lên ý
nghĩa sâu xa là đất này giỏi về nông nghiệp. Không những thế, nơi đây còn có
nhiều nghề thủ công cổ truyền với nhiều làng nghề nổi tiếng: làng rèn Bảo
Ngũ (Quang Trung), sơn mài Hổ Sơn (Liên Minh), dệt vải Qủa Linh (Thành
Lợi), đục chạm đá Thái La (Trung Thành), mây tre đan (Vĩnh Hào)… Sự phát
triển của sức sản xuất đã tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa phát
triển, nhiều chợ lớn trong vùng xuất hiện nhằm phục vụ nhu cầu trao đổi buôn
bán của cư dân trong huyện như chợ Dần, chợ Gạo, chợ Gôi…
Sự hình thành chợ Viềng Phủ còn trên cơ sở mối liên hệ mật thiết với
các yếu tố văn hóa địa phương, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu và khu di tích
19
Phủ Dầy. Chợ ra đời trên mảnh đất “Thiên Bản lục kỳ” từ lâu đã nức tiếng là
địa linh nhân kiệt, đất văn vật của xứ Sơn Nam xưa. Nơi đây còn lưu truyền
huyền tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh “là một người con gái tài sắc vẹn toàn, thể
hiện lòng hiếu nghĩa, tình yêu chung thủy và sự thiện tâm cứu thế, được nhân
dân đương thời và người đời sau sùng mộ, được vua chúa thời Lê – Trịnh và

nhà Nguyễn sùng kính, tôn hiệu là Liễu Hạnh công chúa, đề cao là Chế
Thắng Hòa Diệu Đại Vương, Thiên Hạ Mẫu Nghi, cho mở rộng đền phủ để
thờ phụng bà” [14; 89].
Mẫu được phụng thờ khắp mọi miền đất nước nhưng Phủ Dầy mới
được coi là phủ chính. Phủ Dầy bắt nguồn từ tên cổ của Kẻ Dầy, sau này có
tên chữ là An Thái. Vân Cát quê Mẫu là một làng của xã An Thái, đời Gia
Long do phát triển sinh sống ra phía bắc ngày càng đông đúc nên xin tách
thành một xã mới gọi là xã Vân Cát. Còn xã An Thái năm Tự Đức thứ 14
(1860) được đổi tên là xã Tiên Hương. Từ năm 1947, Vân Cát và Tiên Hương
thành hai thôn thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản.
Ở Phủ Dầy có chứa đựng biết bao giá trị văn hóa dân tộc, từ tín ngưỡng
thờ tự, lễ hội dân gian, phong tục tập quán đến các di cảo Hán Nôm… phản
ánh sinh động một sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng thuần Việt tiêu biểu. Ngày
nay, nhiều giá trị văn hóa ở Phủ Dầy đã được công nhận là di sản văn hóa vật
thể (phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Mẫu) và di sản văn hóa phi vật thể
(lễ hội Phủ Dầy và nghi lễ chầu văn của người Việt) cấp quốc gia.
Có thể nói, chính mảnh đất và con người Thiên Bản – Vụ Bản đã tạo ra
những cơ sở, tiền đề hết sức cơ bản và quan trọng cho sự hình thành chợ
Viềng Phủ - một phiên chợ đặc biệt của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Trước kia, việc đi lại khó khăn, hàng hóa khan hiếm nên người ta phải
chờ cả năm để đi chợ Viềng mua sắm, trao đổi cây con giống, nông cụ, hàng
hóa. Sau đó, kinh tế ổn định, đời sống người dân no đủ, sung túc làm nảy sinh
nhu cầu giao lưu văn hóa tinh thần giữa các cộng đồng dân cư. Vì vậy, khi
bánh chưng đã bớt xanh, khi cánh hoa đào đã rực nở, người ta lại nô nức trẩy
hội chợ Viềng. Đi chợ Viềng đã trở thành “một thú vui – thú chơi chợ của
20
dân Vụ Bản” [13; 61], một cách giao duyên đầu năm mới. Người ta đi chợ
không chỉ mua bán hàng hóa mà còn nhằm mục đích du xuân, gặp gỡ bạn bè,
điều vốn rất hiếm hoi đối với những người nông dân quanh năm bán mặt cho
đất, bán lưng cho trời. Nhưng có lẽ quan trọng hơn, đi chợ Viềng lễ thánh

Mẫu đầu xuân hay mua sắm sản vật còn là để cầu may, cầu phúc, cầu lộc, cầu
tài, cầu cho mưa thuận gió hòa, trong ấm ngoài êm, mọi sự sinh sôi, nảy nở.
1.2.2. Thời gian ra đời
Ca dao cổ miền Thiên Bản xưa còn ghi:
“Mồng một chơi cửa chơi nhà
Mồng hai chơi điếm, mồng ba chơi đình
Mồng bốn chơi chợ Quả Linh
Mồng năm chợ Trình, mồng sáu chợ Gôi
Bỏ qua mồng bảy ra thôi
Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng
Ngày xuân lễ thánh mua hàng
Dắt nhau vui vẻ có nàng có anh” [22; 152].
Bài ca dao không nói rõ chợ Viềng ở miền quê nào, nhưng qua những
địa danh mà bài ca dao nói tới như chợ Quả Linh (tức chợ Gạo), chợ Trình,
chợ Gôi thì ai cũng có thể nhận biết được đây là chợ Viềng Phủ. Bởi lẽ đây
đều là những chợ lớn nằm ở các thị tứ đông vui trên đất Thiên Bản cũ, nay là
huyện Vụ Bản.
Người ta không xác định được thời điểm ra đời của bài ca dao, chỉ biết
rằng nó được lưu truyền từ xa xưa. Còn chợ Viềng có từ bao giờ? Có lẽ cũng
đã có từ rất lâu rồi nhưng về thời điểm chính xác thì chưa ai khẳng định.
Theo các cụ phụ lão, “tương truyền chợ Viềng gắn liền với việc thờ
ông Khổng Lồ đời Lý, là ông tổ nghề đúc đồng nước ta” [13; 62]. Ông Khổng
Lồ là nhân vật do dân gian sáng tạo ra vì sự nhầm lẫn, đồng nhất về sự tích
của hai thiền sư Dương Không Lộ (1016 – 1094) và Nguyễn Minh Không
(1066 – 1141), tuy sống cách nhau nửa thế kỷ nhưng đều đi tu, đều giỏi chữa
bệnh và đều được triều Lý phong Quốc sư. Sách “Nam Định địa chí” cho
21
rằng: “Cả hai người đều bị nhập vào truyền thuyết dân gian về ông Khổng Lồ
đúc chuông gọi là Khổng Minh Không” [21; 830]. Sự tích “Sư Khổng Lồ đúc
chuông” có kể việc ông lên phương Bắc, chữa khỏi bệnh cho thái tử, không

nhận vàng bạc vua ban mà chỉ xin một túi đồng. Nhà vua sai người đưa ông
vào kho. Ông đã thu 10 kho đồng của vua mà túi vẫn chưa đầy. Về nước, ông
đem đồng quyên được ở Bắc quốc ra đúc tứ đại khí là chuông, vạc, tượng,
tháp đồng lớn. Từ đó, nhân dân suy tôn ông là tổ nghề đúc đồng, sau khi ông
mất được nhân dân thờ phụng.
Đình Ông Khổng ở làng Vân Cát xưa, nay thuộc thôn Tiên Hương và
nằm gần đối diện với phủ Tiên Hương. Sách “Nam Định tỉnh địa dư chí” viết
cuối thế kỷ XIX trong mục “cổ tích” của huyện Vụ Bản có ghi: “Xã Tiên
Hương có một ngôi đình tục truyền là do thánh Khổng Lồ dựng lên, rường
cột rất to lớn, trải lâu đời vẫn không hư hỏng, dân xã thờ thánh ở đấy” [10;
43]. Vị trí đình Ông Khổng trong đời sống thôn quê còn được khẳng định với
việc “xưa kia khi mở hội xuân vào các ngày 6, 7, 8, 9 tháng giêng thì các
thần trong làng, trong xã bất kể vua, thành hoàng, thánh mẫu đều rước về
đây tế hội đồng” [18; 216].
Cũng theo các cụ già kể lại, thuở nhỏ thánh Khổng Lồ làm nghề chài
lưới, thường đi đơm đó ở các cửa sông, về chiều đem cá bán ở các chợ thôn
quê. Phải chăng ở đất Thiên Bản, từ chợ cổ xưa, nơi “ông đã đến bán cá vào
một dịp đầu xuân nào đó mà hình thành nên chợ Viềng” [18; 215]. Để nhớ ơn
ông tổ làng nghề, ngay từ xưa, trong hội chợ Viềng hàng năm, dân đúc đồng
Tống Xá (huyện Ý Yên) cùng dân rèn Bảo Ngũ (Quang Trung) và thợ rèn
nhiều nơi khác thường “bày la liệt đồ đồng và đồ sắt trước đình ông Khổng
để bán, trước đó đều vào làm lễ trong đình” [11; 94].
Nếu theo thuyết này, trước khi có Phủ Dầy và tên gọi chợ Viềng Phủ đã
có tiền thân của chợ trước đó ở vùng đất Kẻ Dầy. Đó là chợ Viềng gắn liền
với tín ngưỡng thờ tổ nghề đúc đồng, có thể ra đời từ thời Lý ( tức khoảng thế
kỷ XI, XII). Phiên chợ này được duy trì hàng năm và ngày càng phát triển
22
mạnh mẽ, trở thành chợ Viềng Phủ sau này khi xuất hiện tín ngưỡng thờ Mẫu
Liễu Hạnh và di tích Phủ Dầy.
Truyện xưa kể Mẫu Liễu Hạnh vốn là con gái Ngọc Hoàng, vì phạm lỗi

đánh vỡ chén ngọc trong hội đào tiên nên bị giáng xuống trần gian, năm 1434
hạ trần vào nhà họ Phạm ở làng Nấp tức Quảng Nạp, nay thuộc xã Yên Đồng,
huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Mẫu là người có nhan sắc nhưng khước từ
nhân duyên, ở vậy phụng dưỡng cha mẹ, giúp đỡ dân nghèo, làm nhiều việc
phúc, đến năm 40 tuổi thì mất.
Khoảng năm 1557, Người giáng sinh lần hai vào gia đình họ Lê ở Vân
Cát, Kẻ Dầy, đất Thiên Bản (nay là xã Kim Thái, huyện Vụ Bản). Khi ra đời
được cha mẹ đặt tên là Lê Thị Thắng, năm 18 tuổi lấy chồng là Trần Đào
Lang cùng xã. Ba năm sau thời gian chung sống hạnh phúc, Người bị gọi về
trời. Nhưng vì vẫn nặng tình thương cha mẹ, chồng con, vấn vương duyên
trần nên được Ngọc Hoàng cho phép, Người đi lại dưới hạ giới chăm sóc cha
mẹ, khuyên nhủ chồng con rồi du ngoạn đó đây, làm nhiều việc thiện.
Lần thứ ba vào năm 1609, Mẫu giáng sinh ở Tây Mỗ, Thanh Hóa (có
tài liệu ghi là ở Kẻ Sỏi, Nghệ An) đã tìm gặp và lấy chồng là Mai Sinh, là
kiếp sau của Đào Lang.
Chuyện đời Mẫu hư hư, thực thực nhưng lại hết sức hòa hợp với cuộc
sống. Mẫu ba lần sinh hóa mà vẫn giữ trọn niềm hiếu nghĩa, thủy chung, nhân
ái. Nhưng có thể nói lần đầu hạ trần năm 1434 là tiền duyên của Mẫu; lần thứ
ba năm 1609 là hậu thời. Hai giai đoạn này không có sự đậm đà cốt truyện,
hiển hách anh linh cũng như sự sùng bái tín ngưỡng bằng lần giáng sinh thứ
hai ở Vân Cát năm 1557. Dân làng Vân Cát mến mộ Người bởi đức độ cũng
như sự hiển linh nên đã “kính cẩn lập đền, mở phủ tôn thờ” [16; 10].
Theo các nguồn tài liệu, trong khu di tích Phủ Dầy, phủ Tiên Hương
được xây dựng sớm nhất, “vào cuối thế kỷ XVI, di tích chỉ được làm bằng
tranh tre” [21; 817]. Trải qua nhiều thế kỷ tu sửa, xây dựng, Phủ Dầy đã trở
thành một công trình kiến trúc tôn giáo phong phú, đa dạng với hơn 20 đền,
phủ, chùa, lăng…, xứng tầm một trung tâm thờ Mẫu lớn nhất nước ta.
23
Như vậy, chợ Viềng Vụ Bản có nguồn gốc từ rất xa xưa, có thể ra đời
vào thời Lý (thế kỷ XII, XIII) gắn liền với việc thờ ông tổ nghề đúc đồng. Rồi

khi huyền tích Thánh Mẫu phát triển vào thế kỷ XVI, chợ đó cũng phát triển
theo, trở thành phiên chợ Viềng Phủ nổi tiếng ngày nay.
1.2.3. Tên gọi chợ
Chợ Viềng Phủ là hội chợ vui xuân truyền thống, mang sắc thái văn
hóa dân gian của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ. Xưa nay chợ
có nhiều cách gọi tên khác nhau.
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam đã tìm thấy trong thư viện Hán Nôm
Việt Nam cuốn “Đồng Đội tổng, An Thái xã tục lệ” do ông Trần Văn Giai
viết ngày 15 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 3 (1850). Theo đó thì “chợ Viềng
là một chợ lớn, năm có một phiên, tục hiệu Thiên Tiên Thị, tục danh là chợ
Viềng” [12; 114].
“Nam Định tỉnh địa dư chí lược tân biên” của Khiếu Năng Tĩnh viết
vào đầu thế kỷ XX trong phần “thương mại” kể ra hai chợ lớn của huyện Vụ
Bản, trong đó có “chợ Tiên Hương (tục gọi là chợ Phủ hay chợ Viềng)
thường họp vào ngày 8 tháng giêng, bốn phương tụ hội mua bán đủ các loại,
thường có thịt bò” [22; 155].
Trong văn bia “Vụ Bản huyện đồng huyện cung trí lệ điền tiền tại Vân
Cát, tục hiệu phủ Dầy bi ký” (Cả huyện Vụ Bản tiến cúng tiền ruộng lệ ở Phủ
Vân Cát, tục gọi là Phủ Dầy) do đốc học Hải Phòng Nguyễn Văn Tính viết mùa
xuân năm Khải Định thứ 6 (1921) có ghi: “Hàng năm cứ đến mùa xuân tháng
giêng, hàng hóa các nơi tốt đẹp các nơi tụ hội về chợ trời” [15; 180].
Các tác giả “Địa chí Nam Định” (2003) khi nhắc đến hội chợ Viềng
Nam Định có kể ra “chợ Viềng Kim Thái hay còn gọi là chợ Phủ” [21; 676].
Có thể thấy, trong tâm thức dân gian, chợ Viềng có ý nghĩa như chợ của
thần tiên trên trời nên gọi “Thiên Tiên Thị” hay “chợ trời” là điều hợp lý. Bên
cạnh đó, tên gọi chợ ở các làng quê Việt Nam thường gắn liền với địa danh nơi
họp chợ nên nói “chợ Tiên Hương”, “chợ Phủ”, “chợ Viềng Phủ” hay “chợ
Viềng Kim Thái” là điều dễ hiểu. Dù có nhiều tên gọi như vậy nhưng “chợ
24

×