Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

Tiểu luận văn học các dân tộc Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (139.77 KB, 11 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA VIỆT NAM HỌC VÀ TIẾNG VIỆT
BÀI TIỂU LUẬN CUỐI KỲ
MÔN: VĂN HỌC CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM
CHỦ ĐỀ: MỘT NHẬN THỨC VỀ TRUYỆN THƠ
Đề tài: Xây dựng nhân vật dì ghẻ trong truyện thơ Nôm Tày – Nùng qua
khảo sát truyện thơ Quảng Tân – Ngọc Lương và truyện thơ Trần Châu
Giảng viên : Bùi Thị Thiên Thai
Sinh viên thực hiện : Đào Thị Thơm
MSSV : 11030836
Lớp : K56 – Việt Nam học
Hà Nội – 2013
ĐẶT VẤN ĐỀ
Truyện thơ là những truyện kể bằng thơ, biểu hiện cảm nghĩ bằng ngôn ngữ
giàu hình ảnh, cảm xúc, chứa đựng những vấn đề xã hội có sự kết hợp của yếu tố tự sự
với yếu tố trữ tình, dung lượng lớn, mang tính cố sự của truyện kể dân gian, biểu hiện
dưới hình thức thơ ca với màu sắc trữ tình rõ nét.
Sự xuất hiện của truyện thơ trong lòng xã hội đầy mâu thuẫn của các dân tộc
thiểu số là tất yếu khi mà bản thân các sáng tác văn học dân gian khác như thần thoại,
truyện cổ tích hay sử thi chưa đáp ứng được. Có lẽ bản thân truyện thơ ra đời đã mang
trong đó là sự dung hợp giữa những sáng tác dân gian với những sáng tác cá nhân với
tư tưởng rõ ràng của những tác giả khuyết danh trong xã hội mâu thuẫn đó. Vì vậy
truyện thơ vừa có tính chất của văn học dân gian lại vừa có tính chất của văn học bác
học, vừa có thể lưu hành bằng hình thức truyền miệng, vừa lưu hành thông qua văn
bản thành văn. Nói tóm lại, truyện thơ các dân tộc chính là dấu gạch nối giữa văn học
thành văn và văn học dân gian. Với kho tàng truyện thơ vô cùng phong phú và đa dạng
về đề tài như: Nam Kim – Thị Đan, Chim Sáo, Nàng Kim Quế, Trần Châu, Quảng Tân
– Ngọc Lương, Lưu Đài – Hán Xuân,…của dân tộc Tày – Nùng; Út Lót – Hồ Liêu,
Nàng Nga – Hai Mối,…của người Mường; Người H’Mông có Tiếng hát làm dâu,
Nàng Dợ - Chà Tăng, ; Dân tộc Thái có Xống chụ xon xao, Khun Lú – Nàng Ủa,…


Sự hấp dẫn, và thu hút của truyện thơ không phải ở cách đặt tên cho tác phẩm
mà là ở cách xử lý đề tài tác phẩm thông qua nhưng câu truyện được kể bằng thơ có
kết cấu cốt truyện, nội dung rõ ràng, và đặc biệt là qua việc khắc họa tâm trạng, diễn
biến tâm lý của nhân vật trong tác phẩm. Việc xây dựng nhân vật chính là nét đặc sắc
vượt ra ngoài qui phạm của văn học dân gian, điều đó được thể hiện ở trong mỗi kiểu
đề tài của truyện thơ dù mang ít hay nhiều yếu tố tự sự hoặc trữ tình. Ở đó là sự hiện
diện của hai tuyến nhân vật rõ ràng, đai diện cho từng cá tính nhân vật. Các tuyến nhân
vật được xây dựng trong truyện thơ với ý nghĩa vô cùng rộng lớn nhằm giải quyết chủ
đề của tác phẩm. Khi đọc một số truyện nôm Tày – Nùng, điều dễ nhận thấy nhất là ở
các tác phẩm theo đề tài chính nghĩa, diễn biến dựa trên môt cốt truyện rõ ràng với
những sự việc theo trình tự nhất định được thể hiện thông qua hai tuyến nhân vật cụ
thể là chính diện và phản diện của tác phẩm, phần lớn những nhân vật phản diện được
xây dựng lên nhằm nâng cao tầm vóc của nhân vật chính diện để tạo nên những bi kịch
buộc nhân vật chính phải trải qua theo một trình tự kết cấu cốt truyện định sẵn. Hình
ảnh người dì ghẻ xuất hiện trong truyện thơ Nôm Tày – Nùng mang ý nghĩa vô cùng
rộng lớn không chỉ là đại diện cho loại hình nhân vật nhất định mà còn vượt ra ngoài
tác phẩm là đại diện cho cả một xã hội với nhiều xung đột khác nhau. Truyện thơ Nôm
Tày – Nùng mang đề tài chính nghĩa với chức năng giáo dục dưới sự sáng tạo của các
tác giả khuyết danh đã kế thừa cách xây dựng hình ảnh về nhân vật dì ghẻ trong truyện
cổ tích để khắc họa nhân vật của mình có những nét đặc trưng riêng của từng tác phẩm
đó là sự xuất hiện của nhân vật Thị Tương trong Quảng Tân – Ngọc Lương hay hình
ảnh người dì ghẻ Thị Lương trong Trần Châu. Từ việc xây dựng nhân vật dì ghẻ trong
truyện Thơ Nôm Tày – Nùng cũng khiến bản thân tôi suy nghĩ về sự ảnh hưởng ít
nhiều của thể loại truyện cổ tích đến các tác phẩm truyện thơ Nôm nhất định. Hơn nữa,
trong từng tác phẩm cụ thể thì sự hiện diện của nhân vật dì ghẻ là không giống nhau,
điều đó càng thúc đẩy bản thân muốn tìm hiểu về cách xây dựng nhân vật dì ghẻ trong
từng tác phẩm. Đồng thời qua việc khắc họa nhân vật dì ghẻ của các tác giả khuyết
danh có thể tìm ra những nét vượt ra khỏi quỹ đạo của những sáng tác văn học dân
gian để tiến gần đến quỹ đạo của văn học thành văn thông qua tìm hiểu sự ảnh hưởng
của truyện cổ tích đối với truyện thơ Nôm Tày – Nùng.

Với những nhận thức trên, tôi tiến hành thực hiện đề tài: “Xây dựng nhân vật dì
ghẻ trong truyện thơ Nôm Tày – Nùng qua khảo sát truyện thơ Quảng Tân – Ngọc
Lương và truyện thơ Trần Châu”.
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT TRUYỆN THƠ NÔM TÀY - NÙNG
1.1. Những vấn đề liên quan
Trong di sản Hán Nôm Việt được lưu giữ hiện nay, chủ yếu là sách Hán Nôm
của người Kinh còn những tài liệu và sách vở Hán Nôm của các dân tộc thiểu số thì có
rất ít. Trong số ít đó thì đáng kể hơn cả là mảng sách Nôm Tày – Nùng và trong nội bộ
nguồ sách đó chiếm ưu thế hơn cả là mảng sách văn học dân gian như: Truyện cổ tích,
truyện cười, tục ngữ ca dao, những điệu sli, lượn…nổi bật trong số đó là cả kho tàng
truyện thơ Nôm có thể kể ra như: Lưu Đài – Hán Xuân, Nàng Kim Quế, Nam Kim –
Thị Đan, Quảng Tân – Ngọc Lương, Trần Châu, Đính Quân
Điều đặc biệt trong truyện thơ Nôm Tày – Nùng là sự xuất hiện của kiểu chữ viết
“Nôm” nó thể hiện ở sự tiếp xúc văn hóa qua việc ghi âm lại ngôn ngữ bằng chữ Nôm
Tày qua sự ảnh hưởng của chữ Nôm Việt, đó là điều dễ nhận thấy trong quá trình giao
lưu tiếp xúc văn hóa, ngôn ngữ và nó đã ảnh hưởng tới việc xuất hiện của truyện thơ
Nôm có thể là sự kết hợp giữa nguồn gốc nội sinh của nền văn hóa tộc người với yếu
tố ngoại lai trong quá trình tiếp xúc. Truyện thơ Nôm Tày – Nùng có sự liên quan giữa
văn học truyền miệng với văn học tiếp xúc văn học bác học qua cách thể hiện văn vần
theo thể thơ thất ngôn có vần chân, cùng với những tác giả khuyết danh thuộc tầng lớp
nho sĩ bình dân nên ngôn từ thể hiện tư tưởng đã trau truốt và sinh động hơn. Truyện
thơ Nôm Tày – Nùng thuộc vào nhóm truyện thơ thiên về khuynh hướng thuyết giáo
đạo đức của loại truyện Nôm Việt mang nhiều yếu tố tự sự được thể hiện thông qua
cốt truyện và hệ thống nhân vật và vẫn dựa theo kết cấu cốt truyện theo quỹ đạo của
một tác phẩm văn học dân gian, việc xây dựng nhân vật thành tuyến nhân vật có sự
xung đột với nhau đã góp phần nêu rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Một trong số
nhiều nhân vật có mặt trong truyện thơ Nôm Tày – Nùng là nhân vật dì ghẻ có thể là
tuyến nhân vật trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra bi kịch và làm nổi bật tư tưởng chủ đề tác
phẩm.
Trong phạm vi bài viết của mình, tôi xin nhấn mạnh vào việc xây dựng nhân vật

dì ghẻ trong truyện thơ Nôm Tày – Nùng qua tìm hiểu hai truyện thơ: Quảng Tân –
Ngọc Lương và Trần Châu.
1.2. Tóm tắt tác phẩm
1.2.1. Truyện thơ Quảng Tân – Ngọc Lương
Quảng Tân – Ngọc Lương là một truyện thơ Nôm viết về đề tài dì ghẻ con chồng
nổi bật cho loại đề tài chính nghĩa với yếu tố tự sự dân gian nổi bật. Quảng Tân –
Ngọc Lương là hai anh em ruột mồ côi mẹ từ nhỏ. Tình hình đó buộc Vũ Kim – cha
của Quảng Tân – Ngọc Lương lấy vợ kế là Thị Tương. Ban đầu Thị Tương tỏ ra là
người có tình có nghĩa, thương con chồng như máu mủ. Sau khi Vũ Kim phải đi dẹp
giặc thì Thị Tương ở nhà sinh lòng hoa nguyệt, bạc đãi con chồng, sợ việc gian dâm
của mình bị bại lộ, Thị mưu giết cả hai con chồng nhưng không nổi, hai anh em trải
qua nhiều gian lao nguy hiểm nhưng sau cùng vẫn được đoàn tụ với cha. Mọi chuyện
gian dâm, ác nghiệt của dì ghẻ Thị Tương bị vỡ lở và bị trừng trị thích đáng.
Qua nội dung tóm tắt có thể thấy được tư tưởng chủ đề của tác phẩm rất rõ ràng:
Người dì ghẻ độc ác với con chồng và bị trừng trị thích đáng. Tư tưởng đó xuyên suốt
tác phẩm với nội dung cốt truyện và tình tiết truyện éo le, qua cách xây dựng, khắc họa
nhân vật với diễn biến tâm trạng phức tạp đã tạo sự hấp dẫn cho người đọc.
1.2.2. Truyện Trần Châu
Trần Châu sớm mồ côi mẹ, bố phải đi đánh giặc xa, ở nhà chàng được người mẹ
kế là Thị Lương nuôi nấng dạy dỗ chu đáo. Không may bố chàng bị bệnh mất, Thị
Lương đi tìm hài cốt chồng vắng nhà nhưng lại bị tên sát nhân họ Lý mưu giết. Ở nhà
Trần Châu bị họ hàng hãm hại nhằm chiếm đoạt tài sản và được Ngọc Hoàng cứu giúp
và trở thành con nuôi của một bà lão tốt bụng họ Mã. Nhờ chăm chỉ học hành, Trần
Châu đỗ trạng nguyên và được đức vua gả công chúa Quyển Vương cho nhưng rồi
chàng lại bị kẻ tình địch là Lý Tướng hãm hại, bị đức vua sai chém đầu để trị tội, song
lại được Ngọc Hoàng cứu thoát lần nữa. Trong khi ấy Nàng Quyển Vương, vợ chàng
vẫn một lòng một dạ tin yêu chồng, nàng tự vẫn để giữ vẹn lòng chung thủy với chồng
và được Long Vương cứu thoát chết. Trải qua nhiều biến đổi đất nước bị giặc Tần
Vương xâm chiếm, vua cha phải chạy trốn. Trần Châu xuất hiện cầm quân đánh tan
giặc ngoại xâm.Thắng lợi chàng lên làm vua, xét công tội thưởng phạt công minh.

Được Trời, Phật giúp, Trần Châu xin Long Vương cho Quyển Vương trở lại trần gian,
vợ chồng đoàn tụ sống trong hạnh phúc.
Nội dung tư tưởng của truyện Trần Châu là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa người
thiện kẻ ác, giữa chính và tà nhưng cuối cùng chính nghĩa cũng thắng được gian tà.
CHƯƠNG 2: XÂY DỰNG NHÂN VẬT DÌ GHẺ QUA HAI TÁC PHẨM TRUYỆN
THƠ NÔM TÀY – NÙNG, QUẢNG TÂN – NGỌC LƯƠNG VÀ TRẦN CHÂU
2.1. Nguồn gốc xuất hiện của nhân vật dì ghẻ trong truyện thơ Nôm Tày – Nùng
Các tác giả khuyết danh đã rất sáng tạo trong việc kế thừa hệ thống nhân vật
trong kho tàng truyện cổ tích để xây dựng vào truyện thơ để thể hiện chủ đề tác phẩm.
Trong số đó là xây dựng nhân vật dì ghẻ theo motif chung ảnh hưởng của truyện cổ
tích thì đó là nhân vật thuộc vào loại nhân vật phản diện (rất ít thuộc vào tuyến nhân
vật chính diện – Thị Lương trong Trần Châu) đối lập với nhân vật chính diện trong tác
phẩm và vượt ra ngoài truyện thơ là những khía cạnh liên quan đến xã hội tộc người
lúc bấy giờ. Việc khai thác đề tài xung đột dì ghẻ con chồng không phải chỉ tồn tại
trong thời gian phiếm chỉ trong truyện cổ tích thì ở trong truyện thơ nó lại là đặc hữu.
Theo giáo sư Nguyễn Tấn Đắc “Xung đột dì ghẻ con chồng là một hiện tượng
đặc hữu và tiêu biểu trong xã hội phụ hệ, nó gần giống như xung đột mẹ chồng nàng
dâu, trong xã hội phụ hệ con cái thuộc về người cha, nếu như người cha sống với một
người vợ kế thì chúng phải ở chung với một người đàn bà xa lạ đối với mình. Chính lý
do đó gây ra xung đột tình cảm thường trực giữa người dì ghẻ và con chồng và khi có
tranh chấp về quyền lợi thì xung đột đó có thể rất gay gắt….” Điều đó thể hiện rõ xã
hội đương thời trong truyện thơ dân tộc Tày Nùng có xung đột giữa dì ghẻ con chồng.
Hơn thế nữa trong không gian xã hội, khi mọi người đều chăm chỉ lao động hoặc do
hoàn cảnh hoặc do yếu tố tâm lý nào đó tác động mà sinh lòng thiện, lòng ác khác
nhau, về bản chất thì người thiện vẫn là người thiện, kẻ ác vẫn là kẻ ác chính điều đó
quy định diễn biến tâm trạng nhân vật dì ghẻ theo tình tiết trong truyện thơ điển hình
là nhân vật Thị Tương trong Quảng Tân – Ngọc Lương, và ngược lại là nhân vật Thị
Lương Trong Trần Châu.
2.2. Về xây dựng nhân vật dì ghẻ trong truyện thơ Nôm Tày – Nùng
Người dì ghẻ Thị Tương trong Quảng Tân – Ngọc Lương xuất hiện ban đầu là

một người tình nghĩa không chỉ với con chồng mà với làng xóm cũng biết điều:
“Thị Tương vừa tuổi xuân phận gái
Cũng biết lo liệu tới mọi điều
Con chồng, chị biết yêu biết xót
Với xóm làng đủ nết kính nhường
Ở trong nhà sáng gương làm mẹ”
Song, trong khoảng thời gian Vũ Kim xuất binh dẹp giặc, cuộc sống phòng the
thiếu thốn, Thị sinh lòng gian dâm:
“Ngày đêm sống phòng hương vui thú
Lòng Thị tham trăng gió nhiều nơi
Nghĩa vợ chồng Thị coi phai nhạt
Buồng riêng khách thậm thọt ngày đêm”
Sợ sự việc bại lộ, Thị dần hiện ra là kẻ “bạc nghĩa lắm lòng”, Thị dùng mọi hành
động vũ lực dối với con chồng “Roi vọt đánh cho một trận nên thân”/ “đến bữa giấu
cơm cất bát” … Đó là những hành động bạc đãi con chồng quen thuộc trong cuộc
sống hiện thực song khi vào truyện thơ thì nó đã được trau truốt hơn nhưng vẫn giữ
được ý tứ câu thơ. Đến đây, diễn biến tâm trạng của nhân vật dì ghẻ đã hoàn toàn thay
đổi từ một người có tình có nghĩa chuyển sang bạc nghĩa lắm lòng.
Trước sự bạc đãi của dì ghẻ, Quảng Tân – Ngọc Lương bỏ đi biệt. Thị vội đi
khắp chốn tìm tòi, quyết tìm cho ra, rắp tâm của Thị một lần nữa được tác giả khắc họa
một cách sâu sắc:
“Thấy chúng ta đòn cho mươi trận
Cho chết đi cái giống điêu ngoa
Vùi sâu xác bãi xa nuôi cỏ
Hoặc cho về đất đỏ chôn đi”
Khi Thị tìm ra con chồng trong nhà Trưởng giả thì bộ mặt giả tạo của Thị hiện
ra “con con, mẹ mẹ” Thị nói:
“Không vừa lòng mẹ quở đôi câu
Hai con chớ làm đau lòng mẹ
Về họp sum một thể ở nhà

Chớ lang thang thành ra hèn mạt
Núi rừng xa ngàn dặm, phúc may
Hổ không bắt nay con còn sống
Mẹ cố vượt núi thẳm tím con
“khoắn mà” con ơi, hồn mau lại”
Nhưng ai ngờ: “ Dè đâu vừa về đến nhà trong
Dì căm uất đầy lòng khôn chứa
Mưu toan hại con trẻ nay mai
Nuôi chi loài “phj pjai” đáng ghét”
Từ những suy nghĩ đó thúc đẩy thị nhanh chóng thực hiện động cơ hãm hại con
chồng:
“Thị Tương liền cởi lặng thắt lưng
Tay dìm gáy Quảng Tân xuống cát
Chân đạp lưng trói chặt thân con

Thị Tương quăng xác trôi mặt nước
Trở lại nhà như không xảy việc”
Và với Ngọc Lương: “Đến vực thẳm núi dựng đán cao
Thoạt nhìn đã bạt xiêu hồn vía
Thị Tương liền xốc bế lấy ngay
“Mày phải chết, phen này khó sống”
Nói xong ném trẻ xuống đán cao”
Nhân vật Thị Tương trong truyện được xây dựng thuộc vào tuyến nhân vật phản
diện, gian tà, là nhân vật trực tiếp tạo ra xung đột và bi kịch cho nhân vật chính. Tuy
nhiên, tác phẩm không dừng ở đó mà đã đưa ra tình tiết của sự trở lại của Quảng Tân,
Ngọc Lương để nói ra nỗi oan uổng khổ cực của mình, buộc Thị phải nhận lấy hình
phạt thích đáng, cái chết của Thị Tương được thực hiện bởi yếu tố siêu nhiên, chi tiết
này làm ta gợi nhớ tới một số câu truyện cổ tích với cái kết được thực hiện bởi yếu tố
siêu nhiên như “Lấy chồng Dê” của dân tộc Kinh….
“Tự nhiên trời nổi cơn sấm sét

Sét trời nổ đánh chết Thị Tương
Chưa kịp xử, trời ban lệnh trước
Chắc trời cũng biết được người gian”
Trong từng chương, từng đoạn của tác phẩm hình ảnh của người dì ghẻ hiện ra có
tính cách nhất định và bị biến đổi theo diễn biến của cốt truyện, cùng với nhân vật
chính diện nêu nên chủ đề mà được thể hiện ở lời thơ kết:
“Con chồng vợ cả vẫn là con
Mẹ trước mẹ sau đều là mẹ
Ai ăn ở lối lẽ chia phân
Tận mắt thấy Thị Tương càng rõ…
Đặt truyện chon am nữ đời sau
Biết đời trẻ cơ cầu chìm nổi
Truyện dì ghẻ gian dối giết con
Ăn ở phải chọn đường phải trái
Đọc truyện này nghĩ mãi đời sau”
Nếu như thành ngữ “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời gì ghẻ có thương con
chồng” đúng với việc xây dựng hình ảnh nhân vật Thị Tương trong truyện thơ Quảng
Tân – Ngọc Lương. Thì nó lại ngược lại với nhân vật dì ghẻ Thị Lương trong truyện
thơ Trần Châu.
Trong khá nhiều sáng tác văn học của dân tộc Kinh cũng như của dân tộc thiểu
số xây dựng nhân vật dì ghẻ luôn là nhân vật phản diện độc ác, thì ở trong Trần Châu,
Thị Lương là người dì ghẻ mẫu mực thông hiểu đạo nghĩa, nhân luân:
“Lời rằng dì ghẻ tiếp đời sau
Về biết có vừa lòng nhau chăng tá
Kẻo truyện đời thiên hạ cười chê
Họ Phạm xưa cũng vì dì ghẻ
Xem con côi tàn tệ không thương
Thị Đài cướp lầu trang trưởng lão
Chuyện bắt chuột đốt ráo cả kho
Bụt sai tướng cứu cho mới thoát

Chuyện đời còn truyền đạt thế gian
Vẫn đồn đại con chồng mẹ ghẻ
Không chê thiếp hèn hạ ăn xin
Gái theo chồng dĩ nhiên có số
Tơ hồng xe gặp gỡ ơn người”
Đồng thời tác giả cũng sắp xếp cho nhân vật rơi vào cảnh làm người mẹ kế trong
cảnh chồng đánh giặc phương xa ở nhà nuôi nấng con chồng. Nếu như Thị Tương
trong Quảng Tân - Ngọc Lương sinh lòng gian dâm thì ở Thị Lương:
“Chàng đi việc thiên hạ đế vương
Em ở lại trông nom gia thất
Việc nhà thu xếp sửa sang
Đạo tam tong tao khang nghĩa nặng
Việc cửa nhà cáng đáng mặc em”
Hay: “Việc cửa nhà tảo tần em nhận
Chàng cứ đi đừng bận lòng chi
Con chồng có khác gì con đẻ
Dẫu nhà hết gạo sẽ xin ăn
Không để con đói cơm nhịn mặc
Chằng ra đi dẹp giặc chớ buồn
Em đau phải buôn chồng giống ấy
Thế gian thường nói vậy, mẹ sau
Bụng người không như nhau tất cả”
Trong dạy dỗ Trần Châu:“Làm người phải khôn tinh ngay thẳng
Đừng có lòng tục phạm điều nào
Kẻo người nói mẹ sau không bảo
Làm người phải khôn khéo mọi điều
Quân tử nhi trung tiêu biết trọng”
Nếu như xây dựng dì ghẻ chỉ dừng ở đây thì tác phẩm không có gì đặc sắc, Thị
Lương cũng bộc bạch tâm trạng mình theo từng tình tiết nhưng nếu không tạo ra bi
kịch cho nhân vật chính thì tác phẩm như một câu truyện kể dân gian bình thường.

Điều đó khiến tác giả để cho nhân vật chính nghĩa như Thị Lương phải chết đi để tăng
tính bi kịch cho câu truyện, song cái chết đó là sự tiếc thương của vạn vật:
“Thị Lương chết hóa xác mất thân
Ong kiến kêu thương nàng phận rủi
Giữa ngày có người mới qua đường
Thấy nàng với đống xương lăn lóc
Mọi người nhìn thân ngọc xót xa”
Việc xây dựng nhân vật dì ghẻ Thị Lương khác hẳn với hình ảnh của người dì
ghẻ ngoài đời thực, đó là cả một dụng ý lớn của tác giả, dụng ý nêu gương giáo dục
chân thành và phải biết quý trọng đạo nghĩa, tin vào bản chất tốt đẹp của con người.
CHƯƠNG 3: ẢNH HƯỞNG TRONG CÁCH XÂY DỰNG NHÂN VẬT Ở
TRUYỆN CỔ TÍCH ĐỐI VỚI TRUYỆN THƠ NÔM TÀY – NÙNG
QUA NHÂN VẬT DÌ GHẺ
Truyện thơ đã kế thừa hàng loạt các nhân vật quen thuộc trong truyện cổ tích để
xây dựng nhân vật của mình thành các tuyến nhân vật rõ ràng, trong đó tiêu biểu là
nhân vật dì ghẻ.
Trước hết, sự xuất hiện của người dì ghẻ không phải là ngẫu nhiên, mà nó liên
quan đến chế độ xã hội đang tồn tại trong đó – dì ghẻ là sản phẩm của xã hội phụ
quyền trong hôn nhân ngoài huyết thống của dân tộc Tày Nùng. Việc xây dựng nhân
vật dì ghẻ để thể hiện tư tưởng của phạm trù xã hội trong truyện thơ.
Nhân vật dì ghẻ ở cả truyện thơ và truyện cổ tích đều có gì đó na ná giống nhau,
thường mang tính cách, mang phẩm chất như nhau. Nhưng nếu như trong truyện cổ
tích chỉ kể lại sự kiện, hành động của nhân vật mà không có lời phân tích mổ xẻ tâm lý
nhân vật diễn biến ra sao trong cảnh ngộ, trước sự cố như thế nào. Thì ngược lại
truyện thơ đã làm được điều đó – chính điều này đã chứng tỏ truyện thơ vượt ra ngoài
quy phạm của văn học dân gian, song vì cách kể, cách bố trí nhân vật theo tuyến tính
nên nó vẫn tồn tại trong quỹ đạo của văn học dân gian.
KẾT LUẬN
Thông qua nhân vật dì ghẻ trong tìm hiểu hai tác phẩm truyện thơ Nôm Quảng
Tân – Ngọc Lương và Trần Châu đều được xây dựng rất chân thật, sinh động phù hợp

với hoàn cảnh xuất hiện, và qua nhân vật ta cũng thấy rõ được chủ đề tư tưởng của tác
phẩm truyện thơ Nôm Tày – Nùng thể hiện: Chính thắng tà, thiện thắng ác.
Mặc dù việc khắc họa hai hình tượng nhân vật dì ghẻ trong hai tác phẩm hoàn
toàn khác nhau dường như không liên quan tới nhau, nhưng ở phạm vi chuẩn mực xã
hội thì đó là hai hình ảnh đối lập nhau. Cả hai nhân vật đó tồn tại trong bối cảnh giống
nhau, cách xây dựng hành động, tâm lý nhân vật khác nhau nhưng đều mang trong
mình tư tưởng giáo dục là như nhau mà nó được thể hiện ở những lời kết của cả hai
tác phẩm trên.
Dù cách khắc họa nhân vật là khác nhau, tính cách khác nhau nhưng qua nhân
vật dì ghẻ, ta cũng thấy được sự vượt bậc của truyện thơ so với các sáng tác văn học
dân gian khác ở ngôn từ, ở những diến biến tâm trạng nhân vật, ở nội dung của cốt
truyện…. Qua hình ảnh dì ghẻ nói riêng người đọc cũng phần nào mường tượng được
về xã hội đầy mâu thuẫn, xung đột của các dân tộc ít người mà ở đây là dân tộc Tày –
Nùng.

×