Tải bản đầy đủ (.pdf) (133 trang)

đóng góp của phụ nữ bến tre trong kháng chiến chống mĩ cứu nước (1954 – 1975)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (7.34 MB, 133 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH





Phan Thị Thanh Minh






ĐÓNG GÓP CỦA PHỤ NỮ BẾN TRE TRONG
KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ CỨU NƯỚC
(1954 – 1975)






LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ










Thành phố Hồ Chí Minh – 2010

1
MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu
Trong hơn 20 năm tiến hành cuộc kháng chiến chống Mĩ, quán triệt quan điểm
của chủ nghĩa Mác - Lênin xem “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” và “nhân
dân là người làm ra lịch sử”, Đảng và Nhà nước ta đã huy động tất cả mọi tiềm lực,
sức người, sức của cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Thế trận chiến
tranh nhân dân được phát huy ở mức cao nhất, và tất nhiên trong đó không thể
không kể đến sự tham gia đông đảo của những người phụ nữ - một lực lượng chiếm
trên phần nửa số dân. Trong rất nhiều trường hợp, phụ nữ đã sát cánh cùng nam giới
đứng hàng đầu trên mọi lĩnh vực chiến đấu nhằm đánh đổ chế độ độc tài phát xít
của Mĩ- Diệm, giải phóng dân tộc.
Thực tế này đã được Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ trong trong Nghị quyết về
công tác vận động phụ nữ năm 1930: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một lực
lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng không tham gia vào những cuộc đấu
tranh cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được”[93, 498]. Đến khi cuộc
kháng chiến chống Mĩ bước vào giai đoạn gay go ác liệt thì tầm quan trọng của
những đóng góp của phụ nữ tiếp tục được khẳng định, Nghị quyết số 153 của Ban
Bí thư Trung ương Đảng ngày 10-1-1967 nêu rõ: “Trong sự nghiệp chống Mĩ cứu
nước ngày nay, phụ nữ giữ vai trò ngày càng trọng yếu trên mọi lĩnh vực công tác;
đặc biệt trên mặt trận sản xuất, phục vụ chiến đấu, chiến đấu và phục vụ đời sống
quần chúng, nhất là ở nông thôn, lực lượng phụ nữ ngày càng phát huy vai trò to lớn
của mình” [48, 15].
Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mĩ tiến hành ở Việt Nam được
thực hiện chủ yếu ở miền Nam Việt Nam. Vì vậy, hơn bất cứ nơi nào khác, phụ nữ

miền Nam là những người đã gánh chịu những mất mát, đau thương và hậu quả
nặng nề nhất của cuộc chiến. Thực tế ấy là một cuộc thử thách vô song cho ý chí
can trường của con người, cho sự chung thủy với non sông đất nước, cho sự trung
hậu, đảm đang của người phụ nữ.
2
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, kế thừa truyền thống của Bà Trưng, Bà
Triệu, phụ nữ miền Nam đã cùng với các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống đế
quốc Mĩ xâm lược kéo dài hơn 20 năm. Danh hiệu “anh hùng, bất khuất, trung hậu,
đảm đang” chính là sự ghi nhận công lao của Đảng và Nhà nước ta đối với các mẹ,
các cô, các chị em gái miền Nam.
Trong phong trào phụ nữ Nam Bộ, đóng góp của phụ nữ Bến Tre là một trong
những đóng góp tiêu biểu. Tại đây, lần đầu tiên trong Đồng Khởi năm 1960, đã xuất
hiện một lực lượng hùng hậu gồm hàng ngàn phụ nữ được tổ chức thành đội ngũ
hẳn hoi, tấn công trực diện vào kẻ thù, đã mở đường cho sự hình thành đội quân
chính trị khổng lồ, tức “đội quân tóc dài” ở khắp miền Nam trong những năm sau
đó, và hình ảnh trở thành biểu tượng của phong trào phụ nữ miền Nam được xem
như một “binh chủng” đặc biệt trong kháng chiến chống Mĩ. Cũng từ đây đã ra đời
chiến thuật “ba mũi giáp công” (đánh địch đồng thời bằng chính trị, quân sự và binh
vận) và được nhanh chóng phổ biến thành kinh nghiệm chiến đấu trên một phạm vi
rộng lớn.
Từ thực tế lịch sử chói ngời, sinh động và đặc biệt như thế, có nhiều vấn đề
được đặt ra, mà ý kiến của Giáo sư Phơrăng Đinh-man người Canađa là một điển
hình: “Tôi không hiểu tại sao ở Việt Nam lại có nhiều phụ nữ đánh giặc giỏi, bắn
máy bay Mĩ rất cừ, và ở miền Nam Việt Nam lại có vị Phó tổng tư lệnh là phụ
nữ…” [48, 16]. Thật thú vị khi vị Phó tổng tư lệnh quân đội ấy chính là Nguyễn Thị
Định, một người phụ nữ của Bến Tre. Nhưng đó chỉ là cá nhân một con người cụ
thể, đó có phải là một trong số rất nhiều người phụ nữ Bến Tre hay không ? Trên
thực tế phụ nữ Bến Tre đã làm được những gì để chung tay cùng các tầng lớp nhân
dân trong sự nghiệp chung, họ có đóng góp gì cho kháng chiến tại địa phương và
làm rạng danh phụ nữ miền Nam ? Và những người phụ nữ quê dừa ấy có thật sự

xứng đáng với 8 chữ vàng mà nhà nước đã phong tặng cho phụ nữ miền Nam ? Tìm
hiểu về hoạt động của phụ nữ Bến Tre trong kháng chiến chống Mĩ sẽ làm sáng tỏ
những vấn đề trên.
3
Như vậy, nghiên cứu về đóng góp của phụ nữ Bến Tre trong kháng chiến chống
Mĩ, chúng tôi nhằm:
- Tìm hiểu một cách có hệ thống hoạt động tiêu biểu của phụ nữ Bến Tre ở từng
thời kỳ cụ thể trong suốt 21 năm chiến tranh chống Mĩ.
- Làm rõ sự đóng góp của phụ nữ ở mọi lĩnh vực đối với tỉnh Bến Tre nói riêng
và miền Nam nói chung trong khoảng thời gian đó.
Ở một khía cạnh khác, phụ nữ Bến Tre là một bộ phận đông đảo của nhân dân
Bến Tre, là một bộ phận gắn bó mật thiết với phụ nữ Nam Bộ. Những hoạt động của
họ gắn liền với những biến động lịch sử của tỉnh và các thành phần dân cư khác
trong xã hội. Cho nên nghiên cứu về đóng góp của họ cũng là để hiểu rõ hơn về lịch
sử tỉnh Bến Tre và lịch sử phong trào phụ nữ Nam Bộ nói chung.
Về mặt lý luận, việc tìm hiểu về vai trò của người phụ nữ Bến Tre là tiếp cận
một khía cạnh quan trọng trong việc nghiên cứu về phụ nữ, qua đó thấy được tiềm
năng, những đóng góp của họ trong quá khứ, là cơ sở để hoạch định những chủ
trương chính sách liên quan đến phụ nữ, phát huy sở trường của họ trong hiện tại và
tương lai, và cũng là tạo điều kiện cho chị em thực hiện “nam nữ bình quyền”.
Đề tài nghiên cứu không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn
quan trọng. Việc nghiên cứu lịch sử địa phương và các vùng phía Nam trên thực tế
chưa được chú ý một cách đúng mức. Qua nghiên cứu, ở một mức độ nhất định kết
quả thu được sẽ lấp được khoảng trống về mảng thiếu hụt nói trên.
Về phía bản thân, nghiên cứu vấn đề này giúp tôi nâng cao nhận thức về lịch sử
Việt Nam, bổ sung những kiến thức cần thiết phục vụ cho việc giảng dạy lịch sử địa
phương, đặc biệt là bồi dưỡng tư tưởng tình cảm, niềm tự hào cho thế hệ trẻ trên cơ
sở những giá trị truyền thống của phụ nữ tỉnh nhà và ý thức gìn giữ, phát huy những
giá trị đó.


2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Vấn đề mà luận văn đề cập chỉ là một khía cạnh nhỏ trong mảng nghiên cứu về
lịch sử Bến Tre – đóng góp của phụ nữ trong giai đoạn 1954-1975. Cho nên đối
4
tượng khảo sát chủ yếu của đề tài là đông đảo quần chúng phụ nữ lao động bình
thường, những phụ nữ nhiều khi không để lại tên tuổi, nhưng là những người chiếm
số đông và có vai trò quyết định. Tuy nhiên, một bộ phận phụ nữ anh hùng sẽ được
nhắc tới như là một biểu hiện làm nổi bật những cái chung, họ là những người có
một vai trò và ảnh hưởng nhất định trong lịch sử.
Thời gian nghiên cứu là giai đoạn 1954-1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng của
giai cấp công nhân, lịch sử chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ của họ trong bão táp
cách mạng liên tục trong vòng hơn 20 năm.
Nhưng giới hạn của các giá trị lý luận và thực tiễn của vấn đề không chỉ ngừng
lại quanh phạm trù phụ nữ. “Nói phụ nữ là nói nửa phần của xã hội” [48, 16, trích
lời Hồ Chủ Tịch, tháng 10-1959]. Cho nên giải đáp vấn đề phụ nữ Bến Tre cũng tức
là góp phần quan trọng giải đáp vấn đề xã hội, vấn đề dân tộc ở Bến Tre. Sự hiểu
biết về phụ nữ Bến Tre còn là một cơ sở, một mục đích đối với nhiều người đang có
những yêu cầu hiểu biết cấp bách về xã hội, về con người tại một tỉnh miền Tây
Nam Bộ.
Đề tài chỉ đề cập đến những người phụ nữ trong xã hội. Việc nghiên cứu tách
biệt một thành giới trong nhiều thành giới khác nhau của xã hội là việc cần thiết,
trong điều kiện nội dung đã được xác định của đề tài. Tuy nhiên, từ chỗ này cũng
làm nảy sinh một số khó khăn. Bởi vì, thường không có sự tồn tại và vận động riêng
biệt, độc lập của giới phụ nữ, cũng như của các giới khác trong xã hội.
Khi Hồ Chủ tịch nói “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, thanh niên Việt
Nam là thanh niên anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng” (Lời Hồ chủ
tịch tháng 12.1965) [48, 22] thì Người cũng đã khẳng định vai trò và sự liên quan
chặt chẽ của nhiều thành giới khác nhau trong sự nghiệp chung của dân tộc. Cho
nên, trong khi khảo sát riêng giới phụ nữ, chúng tôi cố gắng đề cập đến trong chừng
mực nhất định những hoàn cảnh lịch sử chung có liên quan và làm cơ sở cho những

hoạt động của phụ nữ, cố gắng tránh những điều chủ quan về mặt phương pháp,
thiên lệch về mặt thái độ nghiên cứu và phiến diện về kết luận khoa học.
Về nội dung, đề tài nói đến những vấn đề chính như sau:
5
- Các hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực chiến đấu và phục vụ chiến đấu, có
thể là trực tiếp tham gia đánh giặc, đấu tranh chính trị hoặc làm công tác binh vận,
hậu phương kháng chiến, chăm lo sản xuất kinh tế, bảo vệ và che chở cản bộ cách
mạng.
- Trong từng giai đoạn cụ thể, hoạt động này có thay đổi tùy theo sự điều chỉnh
chiến lược chiến tranh của Mĩ và chủ trương của Đảng cấp trên và địa phương, mặt
khác, nò còn chịu sự chi phối của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (1960) và
Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam (1961). Tuy nhiên, sự lãnh đạo này là
thống nhất và đều hướng tới một mục tiêu chung.
3. Phương pháp nghiên cứu
Về phương pháp nghiên cứu, trong quá trình thực hiện đề tài, phương pháp cơ
bản mà tôi sử dụng là phương pháp lịch sử. Trên cơ sở phân tích, so sánh các sự
kiện lịch sử, đề tài này cố gắng trình bày các luận điểm trên cơ sở bám sát sự kiện
lịch sử, chân thực, trình bày lịch sử như nó từng có. Đồng thời, để đảm bảo tính hệ
thống, khoa học, chúng tôi kết hợp với phương pháp logíc trong tiến trình thực hiện.
Do đề tài mang tính lịch sử địa phương nên phương pháp điền dã được sử dụng
nhằm tăng tính thực tế của vấn đề nghiên cứu. Qua những chuyến về nguồn, tìm
hiểu về vùng đất - đặc biệt là những nơi có phong trào phụ nữ mạnh như các xã
điểm Đồng khởi và gặp gỡ những con người cụ thể: các bà mẹ Việt Nam anh hùng,
các nhân chứng sống từng tham gia vào đội quân tóc dài ngày ấy, chúng tôi đã thu
thập được nhiều thông tin, nghe nhiều câu chuyện cảm động của các mẹ. Đó chính
là nguồn tư liệu quý giúp tôi thực hiện đề tài.
Ngoài ra, phương pháp tiếp cận hệ thống cũng được sử dụng - đặt phong trào
phụ nữ Bến Tre trong bối cảnh lịch sử miền Nam và Việt Nam những năm 1954-
1975 để từ đó thấy được hoạt động của phụ nữ Bến Tre vừa tham gia và làm phong
phú thêm lịch sử đấu tranh của phụ nữ miền Nam, vừa chịu sự tác động của những

biến chuyển trong tình hình miền Nam và cả nước.


6
4. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến nay, đã có một số tác phẩm và công trình
nghiên cứu của nhiều tác giả viết về phụ nữ Bến Tre ở những mức độ khác nhau.
Trước hết là một số tác phẩm viết về phụ nữ Việt Nam mang tính khái quát và
có liên quan đến đề tài:
Trong Phụ nữ miền Nam nước ta trong phong trào giải phóng dân tộc của
Nguyễn Thị Thập, bên cạnh chương trình và điều lệ của Hội Liên hiệp phụ nữ giải
phóng miền Nam, sau khi vạch rõ chính sách khủng bố và tội ác của Mĩ- ngụy đối
với phụ nữ miền Nam, tác giả đã khái quát sự cống hiến lớn lao của phụ nữ miền
Nam vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, và khẳng định phong trào đấu
tranh yêu nước của phụ nữ miền Nam hiện nay (thời điểm năm 1963) chính là kế
tục sự nghiệp đấu tranh của phụ nữ cả nước trong các thời kỳ cách mạng trước đây.
Mặc dù tác phẩm không viết riêng về phụ nữ Bến Tre, nhưng chúng ta hiểu đó là
một bộ phận khăng khít của phụ nữ Nam Bộ cho nên đây cũng là gợi ý có giá trị để
người viết thực hiện đề tài.
Ở một phạm vi rộng hơn, tác phẩm Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại (1973)
của Lê Thị Nhâm Tuyết cho chúng ta có cái nhìn về người phụ nữ Việt Nam bằng
những nét cơ bản nhất qua các thời kỳ, từ buổi đầu dựng nước đến năm 1973. Tác
giả dành chương V để khai thác mảng về người phụ nữ trong phong trào cách mạng
hiện đại. Không trình bày về phụ nữ tại một địa phương cụ thể nào, nhưng việc
khẳng định vai trò người phụ nữ trong công tác hậu phương và chiến đấu đã khơi
gợi cho tác giả luận văn suy nghĩ mở rộng vấn đề.
Tham luận tại Đại hội phụ nữ Việt Nam lần thứ IV năm 1974 có bài phát biểu
Phụ nữ miền Nam kiên cường bất khuất đuổi Mĩ lật thiệu, giải phóng miền Nam bảo
vệ miền Bắc. Sau khi điểm qua những chính sách mà Mĩ sử dụng đối với đồng bào
miền Nam cùng hậu quả của nó, tác giả khẳng định việc phụ nữ miền Nam vùng lên

chiến đấu quyết liệt là xuất phát từ truyền thống quật khởi của dân tộc, là do phải
sống dưới ách kềm kẹp nặng nề của đế quốc Mĩ và tay sai, và đưa ra những con số
tổng kết thuyết phục về thành tích vẻ vang của phụ nữ miền Nam trong sự nghiệp
7
chống Mĩ; đồng thời bày tỏ tin tưởng vào phụ nữ miền Nam, dưới sự lãnh đạo của
Đảng và Hồ Chủ Tịch, cùng với đồng bào và phụ nữ miền Bắc ruột thịt sẽ vượt mọi
chướng ngại, gian khổ, hoàn thành thống nhất nước nhà. Đây là bài viết có những tư
liệu có giá trị.
Năm 1981 Nguyễn Thị Thập ra mắt tác phẩm mới của mình với tên gọi Lịch sử
phong trào phụ nữ Việt Nam có tính khái quát hơn, bao gồm lịch sử phụ nữ Việt
Nam từ những ngày đầu dựng nước đến kết thúc cuộc chiến tranh giành độc lập
1975. Trong đó tác giả có để cập đến phụ nữ Bến Tre với hình thức đấu tranh chống
càn độc đáo năm 1960, và sự ra đời và đóng góp của “đội quân tóc dài”. Cũng đề
cập tới vấn đề này là quyển Truyền thống cách mạng của phụ nữ thành đồng, do
Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ xuất bản, sau đó in lại năm 2006 lấy tên là Lịch sử phụ nữ
Nam Bộ kháng chiến. Theo các tác giả, chiến thuật “ba mũi giáp công” và tản cư
ngược đã ra đời từ cuộc đồng khởi ở Bến Tre và trong đó vai trò của phụ nữ nổi lên
cao nhất. Ngoài ra, trong chương IV với tiêu đề “Phụ nữ Nam Bộ đấu tranh chống
Mĩ-ngụy”, trong khi dựng lại bức tranh về những người phụ nữ Nam Bộ kháng
chiến, ở nhiều lĩnh vực, nhiều giai đoạn khác nhau, hoạt động của phụ nữ Bến Tre
cũng được chú ý, như: chống Mĩ- Diệm rải chất độc hóa học ở Bến Tre, đấu tranh
vũ trang, lập các đội du kích nữ, công tác binh vận…Tuy nhiên còn ở mức độ khá
khiêm tốn, và như tên gọi của nó, quyển sách tập trung khai thác về hình ảnh chung
của phụ nữ miền Nam.
Cũng nhắc đến phong trào phụ nữ thông qua trình bày tình hình chung là tác
phẩm Lịch sử kháng chiến chống Mĩ cứu nước 1954-1975 gồm 2 tập. Qua đó chúng
ta hiểu rõ hơn về mối liên hệ mật thiết giữa cuộc kháng chiến của phụ nữ Bến Tre
nói riêng, nhân dân Bến Tre nói chung với các địa phương trong cả nước.
Một số tác giả cũng nêu lên vai trò người phụ nữ trong kháng chiến nhưng chủ
yếu là về phụ nữ miền Nam trong các tác phẩm như Binh chủng đặc biệt của đội

quân tóc dài của Tổ sử phụ nữ Nam Bộ, Phụ nữ miền Nam Việt Nam bất khuất,
Phụ nữ Việt Nam những sự kiện đầu tiên và nhất của Trần Nam Tiến, Đội quân
“tóc dài” của Nhà xuất bản phổ thông (1967)…… Một số bài viết mang tính
8
chuyên đề được đăng trên các báo, tạp chí cũng đề cập đến vấn đề ở những góc độ,
mức độ khác nhau, tiêu biểu là Gặp tư lệnh đội quân tóc dài ở binh trạm Trường
Sơn (báo Sự kiện và nhân chứng), Đội quân tóc dài – sự tỏa sáng của những huyền
thoại (Sài Gòn giải phóng)….
Cùng với những công trình nghiên cứu chung, chúng tôi tìm thấy một số tác
phẩm viết riêng về Bến Tre có đề cập đến phong trào phụ nữ ở đây và một tác phẩm
nói về phụ nữ Bến Tre.
Trong tác phẩm viết chung về lịch sử Bến Tre từ năm 1960 đến tổng tiến công
và nổi dậy mùa xuân 1975 với tên gọi Đồng Khởi ở Bến Tre (viết năm 1985), tác
giả Quỳnh Cư có đề cập tới hoạt động của phụ nữ Bến Tre nhưng chủ yếu đi sâu về
đấu tranh cách mạng của nhân dân toàn tỉnh. Luận án phó tiến sĩ Lịch sử của Trần
Quỳnh Cư (1994) chính là sự bổ sung và phát triển nghiên cứu này nhưng phạm vi
được thu hẹp, chỉ tập trung vào đồng khởi năm 1960. Cả hai tác phẩm này đều là
những tư liệu cần thiết và cung cấp cho người viết một số luận điểm có tính chất gợi
ý cần đi sâu.
Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân Bến Tre (1985) là công
trình tổng kết của Ban chỉ huy quân sự tỉnh. Trong đó, xen kẽ giữa nguồn tư liệu
phong phú về lịch sử đấu tranh của nhân dân tỉnh nhà là những trang viết ghi nhận
lại hoạt động của phụ nữ Bến Tre đóng góp cho phong trào đấu tranh tại địa
phương.
Dưới góc độ văn học, tập hồi ký Không còn con đường nào khác sau đó sữa
chữa lấy tên là Nữ chiến sĩ rừng dừa (1986) của đồng chí Nguyễn Thị Định là tiếng
nói của “người trong cuộc” phản ánh đôi nét về phong trào đấu tranh của nhân dân
Bến Tre giai đoạn 1954-1960, và cũng cho chúng ta hiểu phần nào tâm tư tình cảm
của người phụ nữ Bến Tre trong chiến tranh. Huyền thoại quê hương đồng khởi do
Tỉnh ủy Bến Tre biên soạn cũng thuộc dạng hồi ký, đáng kể là bài viết của tác giả

Thanh Giang về đội quân tóc dài.
9
Ngoài ra, một số tác phẩm của các tác giả khác cũng đề cập ở mức độ nhất định
đến vấn đề đang nghiên cứu như Lịch sử hậu cần nhân dân Bến Tre 30 năm kháng
chiến (1945-1975) của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh,
Nhìn chung, việc nghiên cứu về phụ nữ ở khía cạnh những đóng góp cho lịch sử
dân tộc là khá nhiều, nhưng phần lớn là ở phạm vi vùng miền hoặc cả nước. Phong
trào phụ nữ ở từng địa phương riêng lẻ chưa được các nhà nghiên cứu lưu tâm tới,
cho nên còn nhiều khoảng trống ở lĩnh vực này, phong trào phụ nữ Bến Tre cũng
không phải là một ngoại lệ.
Mười năm trở lại đây, tác giả Thạch Phương cùng các cộng sự của ông đã biên
soạn Phụ nữ Bến Tre (2000). Cho đến nay, đây là tác phẩm duy nhất viết riêng về
phụ nữ Bến Tre từ những ngày đầu mới khai hoang lập nghiệp đến hòa bình xây
dựng đất nước. Nếu như phần một là những khái quát về phụ nữ qua các chặng
đường lịch sử thì phần thứ hai của tác phẩm dành trọn cho những gương mặt, những
cuộc đời người phụ nữ tiêu biểu ở Bến Tre. Có thể nói đây là tác phẩm có giá trị
cao, nhiều tư liệu hữu ích giúp người viết thực hiện đề tài này. Tuy nhiên, giai đoạn
kháng chiến chống Mĩ chỉ được đề cập ở chương IV với một số lượng trang viết khá
ít ỏi và còn sơ lược.
Gần đây nhất, nhân kỉ niệm 50 năm ngày Bến Tre Đồng Khởi (17-01-1960), tạp
chí Văn thư lưu trữ Việt Nam có một số bài viết bàn về vấn đề này. Đáng chú ý là
bài viết “Bàn thêm về hình thái khởi nghĩa từng phần ở miền Nam Việt Nam giai
đoạn 1959-1960” của tác giả Hà Minh Hồng và “Đồng Khởi Bến Tre – nét đặc
trưng sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam của Nguyễn Văn Kết. Trong các
bài viết này, các tác giả đều có nhắc đến đóng góp của phụ nữ Bến Tre ở một mức
độ nhất định.
Như vậy, trong các tác phẩm và bài viết được nhắc đến, phụ nữ Bến Tre chỉ
được nghiên cứu lồng vào nội dung về phụ nữ miền Nam hoặc phụ nữ Việt Nam.
Những bài viết chuyên đề tuy có đi sâu vào một vài khía cạnh nào đó nhưng xét trên
bình diện chung của vấn đề đang nghiên cứu thì nó còn mang tính chất tản mạn, rời

rạc, chưa thành hệ thống, chưa phản ánh một cách toàn diện khái quát vấn đề.
10
5. Nguồn sử liệu
Tài liệu sử dụng trong luận văn này được khai thác và tập hợp từ nhiều nguồn
khác nhau:
Về mặt lý luận, chúng tôi dựa vào những văn kiện của Đảng về kháng chiến
chống Mĩ cứu nước, những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của đồng chí Lê
Duẩn:
- Hồ Chí Minh, Về nhiệm vụ chống Mĩ cứu nước.
- Hồ Chí Minh, Tuyển tập.
- Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội
tiến lên giành những thắng lợi mới
- Lê Duẩn, Thư vào Nam
- Một số văn kiện của Đảng về chống Mĩ cứu nước
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sử dụng các tư liệu từ:
- Các luận văn và các công trình nghiên cứu đã được công bố về phong trào cách
mạng của phụ nữ ở miền Nam nói chung và Bến Tre nói riêng.
- Các báo cáo tổng kết của các ban, ngành của tỉnh Bến Tre như: Hội Liên hiệp
phụ nữ, Tỉnh ủy, Tỉnh đội, Ban chỉ huy quân sự, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban
Tổng kết chiến tranh.
- Các tác phẩm văn học là những hồi ký của những người đã từng sống trong
những năm tháng lịch sử và những người đã từng tiếp xúc với họ.
Cuối cùng, kết hợp với những tư liệu thu thập được trong các chuyến điền dã: về
các xã Đồng khởi, các địa phương có phong trào phụ nữ mạnh, gặp gỡ những người
phụ nữ đã từng tham gia trong chiến tranh chống Mĩ để thực hiện đề tài.

6. Đóng góp mới của luận văn
Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, thực hiện đề tài, luận văn đã được hoàn
thành với những đóng góp sau:
- Trình bày một cách có hệ thống về đóng góp của người phụ nữ trong hoàn

cảnh lịch sử đặc biệt: cuộc chiến tranh chống Mĩ ác liệt và kéo dài của cả dân tộc.
11
- Luận văn góp phần làm phong phú thêm tư liệu về lịch sử tỉnh Bến Tre nhìn từ
góc độ cuộc đấu tranh chống ngoại xâm thời hiện đại.
- Thông qua những thành tích của phụ nữ Bến tre, luận văn còn góp phần làm rõ
đặc điểm lịch sử đấu tranh anh hùng của phụ nữ miền Nam.
7. Cấu trúc của luận văn
Luận văn được chia thành 3 chương:
- Chương 1. Khái quát tình hình Bến Tre trước năm 1954. Trong chương này
chúng tôi trình bày vài nét khái quát về đất và người Bến Tre cùng với
truyền thống đấu tranh cách mạng của phụ nữ Bến Tre từ thời thuộc Pháp
đến kết thúc cuộc chiến tranh chống Pháp.
- Chương 2 và chương 3 là phần trọng tâm của luận văn. Trong đó ở chương 2.
Đóng góp của phụ nữ Bến Tre trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954-
1960) chúng tôi cố gắng dựng lại bức tranh về những hoạt động của phụ nữ
Bến Tre trước và trong Đồng Khởi.
- Chương 3: Đóng góp của phụ nữ Bến Tre từ sau Đồng Khởi năm 1960 đến
năm 1975 là những ghi nhận về đóng góp của phụ nữ trong 15 năm cuối của
cuộc đấu tranh chống Mĩ.













12
CHƯƠNG 1. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH BẾN TRE TRƯỚC NĂM 1954

1.1 Những nét chung về đất và người Bến Tre
1.1.1 Vài nét về địa lý lịch sử tỉnh Bến Tre
Bến Tre là một trong 13 tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long, ở phía Đông Nam,
cách thành phố Hồ Chí Minh 86 km, được hợp thành bởi ba cù lao lớn: cù lao An
Hóa, cù lao Minh và cù lao Bảo do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long (sông Tiền,
sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên) bồi tụ qua nhiều thế kỉ.
“Nhìn trên bản đồ, tỉnh Bến Tre có hình rẽ quạt, mà đầu nhọn nằm ở thượng
nguồn, các nhánh sông lớn giống như nan quạt xòe rộng ra ở phía Đông. Diện tích
tự nhiên của tỉnh có 2.315,01km
2
, phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang, có ranh giới
chung là sông Tiền, phía Tây và Nam giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, có ranh
giới chung là sông Cổ Chiên, phía Đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 65
km” [85, 23].
Bến Tre có 7 huyện và 1 thị xã ( Năm 2009 Bến Tre có 8 huyện và 1 thành phố
trực thuộc tỉnh) . Các huyện gồm: Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ
Cày, Chợ Lách, Thạnh Phú, chia thành 115 xã, 811 ấp và một thị xã, 9 thị trấn.
Trong đó, Mỏ Cày là nơi có phong trào cách mạng sôi nổi nhất, các xã Định Thủy,
Phước Hiệp, Bình Khánh là nơi mở đầu của cao trào Đồng Khởi trong toàn tỉnh. Mỏ
Cày cũng là huyện có có nhiều nhất số Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 438 trong tổng
số 1.744 Mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh được công nhận (tính đến năm 1997).
Là tỉnh hẹp nhất so với các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre có diện
tích tự nhiên là 2.224,75 km
2
. Đây là xứ đất bồi, địa hình bằng phẳng, rải rác có
những giồng cát xen lẫn với ruộng vườn. Bến Tre không có rừng lớn, rừng già, chỉ

có rừng chồi với các loại cây mắm, đước, chà là, bần chiếm diện tích 14.286 ha ở
vùng ven biển ngập nước quanh năm. Các khu rừng chính là địa căn cứ cách mạng
trong những năm chống Pháp, chống Mĩ, đặc biệt là giai đoạn cách mạng Bến Tre
gặp nhiều khó khăn do chính sách “tố cộng, diệt cộng” của Mĩ – Diệm.
13
Đất đai Bến Tre được cấu tạo bằng phù sa của sông Cửu Long bồi đắp qua nhiều
thế hệ nên rất màu mỡ. Hàng năm đất còn được bồi ra bởi phù sa của các nhánh
sông Cửu Long nên những cồn như Cồn Hổ, Cồn Lợi ngày càng dính liền vào đất
liền vừa lấn rộng ra biển Đông. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một diện tích ruộng khá
rộng ở ba huyện vùng biển bị nhiễm mặn, gây nhiều khó khăn cho việc trồng lúa.
Diện tích đất nước ngọt chỉ có ở huyện Châu Thành, Chợ Lách, Thị xã và vùng trên
của Mỏ Cày, Giồng Trôm.
Về khí hậu, Bến Tre nằm trong miền khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo nên
nhiệt độ cao, ít biến đổi trong năm, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26
0
C – 27
0
C.
Trong năm không có tháng nào nhiệt độ trung bình dưới 20
0
C; mùa hè, nhiệt độ cao
tới 35
0
.
Tỉnh Bến Tre chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc từ tháng 12 đến tháng 4
năm sau và gió mùa tây nam từ tháng 5 đến tháng 11, tạo nên hai mùa rõ rệt: mùa
gió đông bắc là thời kỳ khô hạn, mùa gió tây nam là thời kỳ mưa ẩm. Lượng mưa
trung bình hàng năm từ 1.250mm – 1.500mm.
Bến Tre có 4 con sông lớn đều chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam:
- Sông Cửa Đại, chảy dọc biên giới phía Bắc tỉnh.

- Sông Ba Lai chảy dọc phía Nam cù lao An Hóa và là ranh giới giữa cù lao
An Hóa và cù lao Bảo.
- Sông Hàm Luông chảy dọc theo phía Nam cù lao Bảo và là ranh giới giữa cù
lao Minh và cù lao Bảo.
- Sông Cổ Chiên chảy dọc theo phía Nam và Tây cù lao Minh cũng là ranh
giới phía Nam của tỉnh.
Ngoài ra còn có các sông, rạch phụ như: sông Bến Tre chảy qua thị xã Bến Tre,
sông Vàm Nước Trong chảy qua Mỏ Cày đổ ra sông Hàm Luông, sông Bang Tra
chảy dọc Tây Nam Mỏ Cày…Một số kinh rạch lớn như rạch Khâu Băng, rạch Cầu
Mống, rạch Vũng Luông, rạch Mĩ Lồng…
Về giao thông vận tải, Bến Tre có một hệ thống đường thủy gồm những con
sông lớn nối từ biển Đông qua các cửa sông chính (cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm
14
Luông và cửa Cổ Chiên), ngược về phía thượng nguồn đến tận biên giới Campuchia
và một hệ thống kênh, rạch chằng chịt đan vào nhau như những mạch máu chảy
khắp ba dải cù lao, rất thuận tiện cho giao thông vận tải cũng như thủy lợi. Tàu bè
từ thành phố Hồ Chí Minh đi về miền Tây và ngược lại đều đi qua đất Bến Tre.
Cùng với hệ thống đường thủy, Bến Tre còn có hệ thống đường bộ:
- Đoạn quốc lộ 60 chạy từ phà Rạch Miễu qua thị xã Bến Tre, qua Phà Hàm
Luông, thị trấn Mỏ Cày, đến phà Cổ Chiên sang tỉnh Trà Vinh.
- Đoạn quốc lộ 57 từ thị trấn Mỏ Cày, qua thị trấn Chợ Lách sang tỉnh Vĩnh
Long.
- Tỉnh lộ 888 nối thị trấn Mỏ Cày – thị trấn Thạnh Phú.
- Tỉnh lộ 885 nối thị xã Bến Tre – thị trấn Giồng Trôm – thị trấn Ba Tri.
- Tỉnh lộ 884 từ ngã ba Tân Thành đến bến phà Tân Phú, tỉnh lộ 882, 883,
887… Chính từ những đặc điểm trên, Bến Tre có một vị trí đặc biệt trong
thời chiến cũng như trong thời bình.
Với hệ thống đường thủy, đường bộ đan chéo nhau chằng chịt như thế, trong
chiến tranh, Bến Tre là một chiến trường dễ bị địch chia cắt, phong tỏa. Nhưng mặt
khác, địa bàn Bến Tre khá thuận lợi cho sự cơ động của du kích trong chiến đấu và

cũng là môi trường cho đặc công thủy hoạt động. Địa hình sông rạch dày đặc, rừng
dừa, bãi mía liên hoàn, rừng chồi ven biển kín đáo là nơi “che bộ đội”, “vây quân
thù”, tạo thuận lợi cho chiến tranh nhân dân phát triển. Tuy nhiên, sự ngăn cách 3
dãy cù lao cũng khiến cho hoạt động phối hợp chiến đấu, chi viện, tiếp tế, chuyển
quân của quân và dân Bến Tre gặp trở ngại không ít.
Do điều kiện đất đai và thời tiết nói trên, Bến Tre sớm hình thành một nền kinh
tế với cơ cấu ngành khá đa dạng, có thể phát triển trồng trọt, chăn nuôi và khai thác
kinh tế biển (nuôi trồng, đánh bắt thủy - hải sản).
Bên cạnh việc trồng lúa, Bến Tre rất có ưu thế về cây công nghiệp, đặc biệt là
dừa. Cuối thế kỉ XIX Bến Tre có khoảng 4.000 ha dừa, năm 1945 có 21.000 ha, như
vậy là chỉ trong vòng nửa thế kỷ diện tích dừa đã tăng lên 5 lần. Trong kháng chiến
chống Pháp, dừa Bến Tre tiếp tục phát triển lên đến 60.000 ha, nhưng qua đến
15
kháng chiến chống Mĩ thì diện tích dừa giảm sút nghiêm trọng. Sau ngày giải
phóng, Bến Tre chỉ còn lại 16.000 ha nhưng sau đó được phục hồi trên 45.000 ha
[83, 8]. Cho đến nay, dừa đã trở thành cây đặc sản số một của đất cù lao Bến Tre,
nâng Bến Tre thành tỉnh có diện tích và sản lượng dừa lớn nhất của đồng bằng sông
Cửu Long và cũng lớn nhất trong cả nước.
Vườn dừa bạt ngàn là phương tiện sống, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho
người dân Bến Tre trong thời bình. Đây cũng chính là nơi che chở cho cán bộ cách
mạng và chiến sĩ ta trong những năm bị khủng bố ác liệt.
Về văn hóa, Bến Tre là một tỉnh có truyền thống văn hóa lâu đời. Tinh thần yêu
nước của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của dân tộc, ảnh hưởng rất sâu
sắc đến nhân dân Bến Tre. Người dân Bến Tre vẫn tự hào với ngòi bút đầy “chất
thép” của cụ Đồ Chiểu “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng
gian bút chẳng tà”. Vùng đất "địa linh nhân kiệt" này còn sinh ra nhiều danh nhân
như: nhà giáo Võ Trường Toản, học giả Phan Thanh Giản - Vị Tiến sĩ đầu tiên của
Nam Kỳ đã để lại cho quê hương một gia tài đồ sộ với hơn 500 bài thơ, bài văn.
Trong lĩnh vực văn nghệ, báo chí, Bến Tre cũng đã sinh ra những người con mà
tên tuổi của họ đã góp phần làm rạng danh nền văn hóa nước nhà. Lịch sử báo chí

Việt Nam đã được khởi đầu bởi những con người có trình độ uyên thâm như:
- Nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký - người làm báo đầu tiên ở Việt Nam, người
thông thạo 27 thứ tiếng nước ngoài (12 ngôn ngữ phương Tây, 15 ngôn ngữ
phương Đông). Trong khoảng thời gian 40 năm (1858 - 1898), Trương Vĩnh
Ký đã để lại cho đời 118 tác phẩm, bao gồm sách nghiên cứu, sưu tầm, dịch,
phiên âm trong đó có hàng chục quyển sách viết bằng Pháp văn.
- Sương Nguyệt Anh, người con gái tài ba của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu -
chủ bút tờ "Nữ Giới Chung" và Lê Hoằng Mưu - chủ bút tờ “Lục Tỉnh Tân
Văn”.
Mảnh đất này còn đóng góp những nghệ sĩ tài năng cho đất nước như:
16
- Nghệ sĩ Nhân dân Lê Long Vân (Ba Vân), người đã toàn tâm toàn ý dâng
trọn cuộc đời cho sân khấu cải lương.
- Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Phi Hoành
- Họa sĩ Lê Văn Đệ
- Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát
- Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, một gương mặt lớn của nền nghệ thuật tạo
hình Việt Nam và tên tuổi của ông đã được đã được giới thiệu trong Bách
khoa toàn thư của châu Âu.
Kế thừa truyền thống văn thơ yêu nước và cách mạng, những thành tựu trên các
lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của cha ông, nhân dân Bến Tre đã đẩy mạnh các hoạt
động thơ ca, văn nghệ, hội họa, mĩ thuật phục vụ cho kháng chiến chống Pháp và
chống Mĩ, chống lại có hiệu quả nền văn hóa nô dịch của bọn xâm lược.

1.1.2 Phụ nữ Bến Tre trong công cuộc khai phá, định cư
Thế kỉ XIII, Châu Đạt Quan, một sứ thần của nhà Nguyên (Trung Hoa) trong
chuyến kinh lý sang kinh đô Ăngco của Chân Lạp bằng đường thủy từ biển ngược
sông Cửu Long di qua vùng đất Nam Bộ ngày nay đã viết “Bắt đầu từ Chân Bồ
(vùng biển Vũng Tàu ngày nay), gần hết cả vùng đều là bụi rậm của rừng thấp,
những cửa rộng của con sông lớn chảy dài hàng trăm dặm…Vào nửa đường trong

sông, thấy những cánh đồng hoang không có một gốc cây. Xa nữa, tầm mắt chỉ thấy
toàn cỏ cây đầy rẫy. Hàng trăm, hàng nghìn trâu rừng tụ họp từng bầy…”
Mãi đến những thập niên cuối thế kỉ XVIII, Lê Quý Đôn còn nhận xét rằng: “Ở
phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, cửa Đại, cửa Tiểu
trở vào, toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm” [86, 11].
Như vậy, vùng Nam Bộ nói chung, vùng đất Bến Tre nói riêng vẫn còn là một
vùng đất hoang vu chưa được khai phá bao nhiêu. Việc khai khẩn ruộng vườn của
cư dân tại chỗ - người Khơme chỉ tập trung trên các giồng đất cao như Sóc Sãi,
giồng Ông Giang, giồng Nâu ở cù lao Bảo; giồng Văn, giồng Võ, Đa Phước, An
Thạnh, Ba Vát ở cù lao Minh.
17
Từ thế kỉ XVII trở đi, bộ mặt vùng đất Bến Tre bắt đầu biến đổi mạnh khi có sự
xuất hiện của một lớp cư dân mới – lưu dân người Việt và lưu dân người Hoa.
Bến Tre tuy nằm phía nam sông Tiền, nhưng lịch sử khai phá của những lưu dân
Việt ở vùng này không muộn hơn vùng Bà Rịa, Mô Xoài hay vùng Đồng Nai, Bến
Nghé là mấy, vì đây là những cù lao lớn, đất đai màu mỡ lại nằm cuối dòng Cửu
Long, cận biển, có những cửa lớn như cửa Đại, cửa Tiểu…
Những lưu dân người Việt đến vùng Bến Tre trong những năm cuối thế kỉ XVII
và thế kỉ XVIII hầu hết là những người từ các tỉnh miền Trung. Họ gồm nhiều thành
phần khác nhau, nhưng đông đảo nhất là những người nông dân nghèo khổ phải
gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến
Trịnh – Nguyễn, nên phải rời bỏ quê hương đi tìm đất sống. Thành phần đông đảo
thứ hai là những người trốn lính hoặc lính đào ngũ, những tù nhân bị lưu đày. Ngoài
ra còn có một bộ phận những người có tiềm lực kinh tế, có óc phiêu lưu mạo hiểm ở
vùng Thuận Quảng – những người mà Lê Quý Đôn gọi là “dân có vật lực” theo lời
kêu gọi của chúa Nguyễn, họ muốn thử thời vận làm giàu, vào đây để mở rộng kinh
doanh tạo nên sản nghiệp mới.
Trong hành trình của mình, những lưu dân Việt chủ yếu đi theo đường biển bằng
phương tiện ghe bầu, bởi vì, trong các thế kỉ XVII-XVIII, đường bộ từ miền Thuận
Quảng vào đất Nam Kỳ còn rất khó khăn, nguy hiểm. Một số đã vào vùng Biên

Hòa, Bến Nghé, Vũng Gù trước đó, nhưng vì chưa tìm được điều kiện thuận lợi để
bám trụ nên phải tiếp tục đi tới và hội tụ về đất Bến Tre. Số người này có thể đã tới
đây bằng hai cách, hoặc di chuyển theo đường bộ, hoặc theo đường thủy.
Những người đến bằng đường biển đã theo cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa
Hàm Luông vào định cư ở những vùng đất cao dọc các con sông lớn, hoặc chọn các
khu đất giồng để khai phá.
Cùng với lưu dân người Việt, vào cuối thế kỉ XVII, trên đất Bến Tre, ít nhất là
cù lao An Hóa còn có số lưu dân người Hoa thuộc nhóm Dương Ngạn Địch. Nhóm
này (cùng với nhóm Trần Thượng Xuyên) vốn là di thần nhà Minh bất phục nhà
Thanh chạy sang Việt Nam xin tị nạn. Khi đến định cư ở Mỹ Tho, có một bộ phận
18
đã vượt sông sang cù lao An Hóa, vùng đối diện với Mỹ Tho, ở các ấp ven sông Ba
Lai thuộc xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành ngày nay.
Với việc chuyển cư diễn ra liên tục, dân cư Bến Tre ngày càng đông đúc. Năm
1779, chính quyền nhà Nguyễn đã đặt Bến Tre thành tổng Tân An (thuộc dinh Long
Hồ) gồm cả cù lao Bảo và cù lao Minh [85].
Đến vùng đất mới, những lưu dân phải bắt tay vào việc mưu sinh tìm cách sống,
mà trước hết là khai phá các vùng đất hoang. Sự nghiệp khai phá được ông bà ta
đúc kết trong câu thành ngữ “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Đây là một công
việc cực nhọc, gian truân đầy nguy hiểm và chứa đựng không ít rủi may. “Phá sơn
lâm” có nghĩa là chặt cây, phá rừng, khai hoang, vỡ đất để làm ra lương thực nuôi
con người. “Đâm hà bá” là làm nghề hạ bạc trên sông nước như chài lưới, giăng
câu, đóng đáy giữa đêm hôm và cả những khi sóng gió. Tất nhiên cả hai công việc
diễn ra trong môi trường thiên nhiên còn rất hoang vu, xa lạ, bí ẩn, đầy thú dữ, rắn
rết đến nỗi “con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh” như người ta thường
nhắc.
Rõ ràng sự nghiệp khai hoang và định cư trên đất Nam Bộ nói chung hay Bến
Tre nói riêng là một công việc cực kỳ gian nan, đầy thử thách, nó đòi hỏi ý chí, lòng
gan dạ, mưu trí cộng với sức mạnh hợp quần của cả cộng đồng mới có thể vượt qua
để tồn tại và phát triển. Dân gian vẫn còn lưu truyền nhiều tấm gương giỏi giang,

dũng cảm của các bậc tiền nhân đi mở đất. Bên cạnh hình ảnh những ông thầy võ,
những nhà sư dũng cảm có khả năng đánh cọp, giết cá sấu, quần chúng đã ngợi ca
“ghi công” các bà bằng những câu chuyện kể, truyền thuyết, bằng các câu hò, câu
lý…Về khả năng chế ngự thiên nhiên, khuất phục cả chúa sơn lâm của phụ nữ, tác
giả Gia Định thành thông chí có viết: “…xứ này có nhiều cá sấu và cọp dữ, nên dân
cư đã thường quen, không sợ hãi, dù trẻ con, đàn bà cầm dao cắt cỏ và đòn xóc cũng
bắt được cọp” [86, 12].
Cách khắc họa tên tuổi những người phụ nữ giỏi giang trong khai hoang, tạo nên
xóm làng, chợ búa chủ yếu chỉ bằng bia miệng nhưng lại có sức bền cùng với thời
gian và in đậm trong ký ức nhân dân Thực tế ngày nay, trên quê hương Bến Tre, từ
19
các xã ở phía cuối các cù lao cho đến bờ biển Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại ta bắt
gặp không ít địa danh mang tên “Bà”.
Về rạch có rạch Bà Khoai, rạch Bà Thầy Vân, rạch Bà Tư Rựa, rạch Bà Nhựt,
rạch Bà Tam, rạch Bà Hiền, rạch Bà Giải… Có đến hơn chục con giồng có diện tích
tương đương với một ấp, một xóm mang tên “Bà” như giồng Bà Nhiên, giồng Bà
Khoai, giồng Bà Trường, giồng Bà Khắc, giồng Bà Tang, giồng Bà Ngãi, giồng Bà
Trương, giồng Bà Thủ…[86, 21]
Có bốn cồn trên sông và ven biển tương đương với một ấp mang tên “Bà”: cồn
Bà Tư (còn gọi là cồn Bà Tư Phò), cồn Bà Tam, cồn Bà Thiếc, cồn Bà Nở (cồn này
nằm trên sông Tiền, nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Có bốn chiếc cầu mang tên “Bà”:
cầu Bà Mụ, cầu Bà Vụ, cầu Bà Ươm, cầu Bà Ba Ngỡi. Ở huyện Bình Đại có chợ
mang tên “Bà” là chợ Bà Khoai, Ba Tri có chợ Bà Hiền.
Điểm lại, số rạch mang tên “Bà” nhiều nhất ở huyện Bình Đại, số giồng mang
tên “Bà” nhiều nhất ở huyện Giồng Trôm và huyện Ba Tri. Ở huyện Mỏ Cày còn có
địa danh đìa Bà Thầy, tên một bà thầy thuốc nam tận tụy với nghề, giàu lòng nhân
ái đã từng cứu sống nhiều người bệnh.
Ngày xưa, còn có một nghề cao quý do phụ nữ độc quyền đảm nhiệm, đó là
nghề hộ sinh (do quan niệm phong kiến nên trước đây đàn ông thường không làm
công việc này). Thuở khai hoang, đất rộng người thưa rất cần nhân lực, việc sinh đẻ

của phụ nữ vừa nhằm đáp ứng nhu cầu sức lao động đồng thời để có người nối dõi,
kế thừa hương lửa cho gia đình. Hộ sinh – một nghề quan trọng là thế nhưng hầu
như không có ai qua trường lớp, mà chỉ qua kinh nghiệm mẹ truyền con nối hoặc bà
truyền cho cháu. Với tấm lòng và kinh nghiệm tích lũy qua năm tháng, có nhiều bà
mụ ngày xưa đã đỡ qua tay mình hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ, góp cho xã hội
những thế hệ kế tục sự nghiệp của cha ông, nhưng nghề mụ chỉ cốt mong sao cho
“mẹ tròn con vuông”, không cầu tiền bạc, không tính ơn nghĩa. Danh tiếng, đức độ
và tài năng của các bà mụ đã được nhân dân huyền thoại hóa qua câu chuyện bà mụ
đỡ đẻ cho con cọp cái và được cọp trả ơn ở Thạnh Phú. Ngày nay, tại thị xã Bến Tre
20
vẫn còn chiếc cầu mang tên cầu Bà Mụ cũng với ý nghĩa ca ngợi, nhớ ơn công lao
của các Bà Mụ.
Đầu thế kỉ XIX, dân số Bến Tre đạt khoảng 10 vạn người [86, 24]. Con số này
mang nhiều ý nghĩa không chỉ liên quan đến sức sản xuất mà cả với vấn đề phát
triển kinh tế, xã hội. Làng mạc lúc này đã nối nhau liền dải, giao thông phát triển,
chợ búa, đình chùa, nhà thờ được xây cất ở nhiều nơi; sản xuất nông nghiệp, ngư
nghiệp phát triển. Cùng với đó là các nghề thủ công mới ra đời. Có nhiều nghề thu
hút đông đảo phụ nữ tham gia hoặc họ có lợi thế nhất như nghề trồng dâu, nuôi tằm,
ươm tơ, dệt lụa. Bàn tay phụ nữ ở đây cũng đã tạo ra những đặc sản nổi tiếng của
xứ cù lao như chiếu Nhơn Thạnh, cau Xẻo Sâu, bánh tráng Mĩ Lồng, bánh phồng
Sơn Đốc…và hàng chục món ăn khác được chế biến với dừa, một loại cây đặc sản
của Bến Tre.
Trên lĩnh vực lưu thông phân phối, ngay từ thời đường bộ chưa phát triển mấy,
chưa có phương tiện vận tải cơ giới, thì việc gánh gồng bằng đôi vai trên những
dặm đường dài hàng chục cây số, hay chèo ghe bơi thuyền trên sông rạch để thu
mua, phân phối những nhu yếu phẩm, phần lớn đều do phụ nữ cáng đáng.
Buổi đầu khai phá, thiết lập làng xã, vai trò người phụ nữ còn thể hiện trong lĩnh
vực trồng người. Theo Chuyên khảo tỉnh Bến Tre, thời phong kiến, trước khi thực
dân Pháp xâm lược, phủ Hoằng Trị (gồm cù lao Minh và cù lao Bảo) lúc ấy có đến
70 trường dạy chữ nho [86, 26]. Điều thú vị là ở đất này không chỉ có ông đồ mà có

cả bà đồ với ý nghĩa là thầy dạy học thực thụ chứ không phải gọi theo danh xưng
của chồng. Trường hợp bà Sương Nguyệt Anh – con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn
Đình Chiểu là một điển hình như thế. Năm 1888, cha mất, bà ở cùng người anh là
Nguyễn Đình Chúc, tham gia dạy học cùng anh. Về sau cùng gia đình anh, chuyển
sang Cái Nứa (Mỹ Tho), rồi dời về Rạch Miễu (Châu Thành – Bến Tre). Tại đây,
sau khi chồng mất, bà mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống
[107].
Những chuyện kể dân gian lại khắc sâu hình ảnh của người phụ nữ vốn được
mệnh danh là vị tổ của nghề ươm tơ, dệt lụa, đã truyền dạy kinh nghiệm sản xuất
21
cho nhân dân ở Ba Tri, đó chính là bà Nguyễn Thị Hậu - vợ ông Thái Hữu Kiểm
(còn gọi là ông già Ba Tri). Lịch sử cũng ghi lại nhiều tấm gương những người phụ
nữ cần mẫn lo chăm lo cho con ăn học: Bà Trần Thị Dưỡng, kế mẫu của Phan
Thanh Giản chắt chiu từng bát gạo, con mắm nuôi con chồng ăn học thành tài (Phan
Thanh Giản mất mẹ lúc 7 tuổi), trở thành vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ dưới thời
phong kiến, làm quan đến bậc đại thần, bà Nguyễn Thị Châu, mẹ của văn hào
Trương Vĩnh Ký, góa chồng lúc Ký mới 6 tuổi, đã nuôi dạy con ăn học thành tài…
Nhìn lại chặng đường lịch sử khai hoang, mở đất đầy gian lao, nhưng thành tựu
đạt được quả là to lớn, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của phụ nữ về sức
lực, tài năng và trí truệ. Đó là lực lượng đắc lực không thể thiếu được bên cạnh nam
giới, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà trên mọi mặt của đời sống. Những tấm
gương tiêu biểu của các mẹ, các chị đã tạo nên giá trị tinh thần to lớn, là ngọn
nguồn, là niềm tin hun đúc tinh thần của các thế hệ con cháu sau này trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

1.2 Truyền thống cách mạng của phụ nữ Bến Tre trước 1954
1.2.1 Thời Pháp thuộc (1867-1945)
Ngày 1-9-1858, hạm đội liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà
Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sau thất bại của kế hoạch đánh
nhanh thắng nhanh, Pháp chuyển hướng tấn công đánh vào Gia Định. Cuộc tổ chức

kháng chiến của quân triều đình thất bại, thành Gia Định bị chiếm, quân đội triều
đình phải rút ra vòng ngoài, đào hào, đắp lũy, tiếp tục cuộc kháng chiến.
Nhân dân Nam Kỳ lúc ấy, mà trực tiếp nhất là các tỉnh Biên Hòa, Định Tường,
Vĩnh Long (trong đó có Bến Tre) đã nô nức góp tiền, góp gạo giúp quân triều đình,
đồng thời tổ chức những nhóm nghĩa quân tham gia chống quân xâm lược, bảo vệ
quê hương.
Chị em phụ nữ cũng nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình cần gánh vác
để cho chồng yên tâm lên đường giết giặc:
Anh đi đánh giặc Lang Sa
22
Để thiếp ở nhà lo tần, lo tảo
Chén cơm, manh áo, nhà cửa ruộng vườn…
Trong thực tế, người phụ nữ không chỉ biết tần tảo, lo chén cơm manh áo, lo
chăm sóc mẹ già, con dại, vừa gánh vác việc nhà thay chồng, mà họ còn đồng thời
chung vai góp sức vào việc tải lương, tải đạn, đào hào, đắp lũy, xây dựng phòng
tuyến chống giặc, đi liên lạc, làm trinh sát…Tuy nhiên, những nhà viết sử thời ấy
thường chỉ ghi chép về hành động anh hùng của phái nam mà ít chú ý đến những
gương sáng, những gương oanh liệt của chị em phụ nữ. (Điều này cũng dễ hiểu, vì
xã hội bị những quan niệm phong kiến chi phối – theo quan niệm đó, vai trò và địa
vị của người phụ nữ không được đề cao). Nguyễn Thông – một người đã từng ghi
chép những truyện anh hùng cũng đã có lần tự trách: “Từ khi người Tây gây hấn ở
Lục tỉnh, sĩ phu và dân chúng đã liều mình đứng lên khẳng khái chịu chết, kể không
xiết được…còn như ở chốn làng xa, ngõ hẻm, những trinh phụ, liệt nữ trung nghĩa
không chịu ô nhục, chống giặc đến chết có mấy chục người. Tiếc rằng thời thế đổi
đời, đường sá cách trở, sự tích không sao biết rõ hết được” [95, 25].
Những người phụ nữ ấy chắc hẳn không mong mình được lưu danh sử sách, họ
hành động như một điều tất yếu phải làm. Có một điều dễ nhận thấy, đó là ngay
trong những ngày đầu, khi thực dân Pháp đặt gót giày xâm lược giày xéo quê
hương, người phụ nữ đã tích cực tham gia cùng với nam giới để bảo vệ từng tấc đất
quê hương, tinh thần yêu nước và đánh giặc giữ nước của người phụ nữ được biểu

hiện từ rất sớm trên vùng đất mới.
Nhưng phải từ năm 1930, với sự ra đời và lãnh đạo của đảng Cộng sản, hoạt
động yêu nước của phụ nữ mới có phương hướng rõ rệt, có tổ chức thành phong
trào thật sự và thành một lực lượng chính trị quan trọng.
Ngày 03-2-1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị đại biểu của ba
tổ chức cộng sản trong nước, họp tại Cửu Long (Trung Quốc) để hợp nhất thành
một Đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam (đến tháng 10-1930, Đảng đổi tên
thành Đảng Cộng sản Đông Dương)
23
Vào cuối tháng 4-1930, ở Bến Tre, chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản được
thành lập tại xã Tân Xuân (Ba Tri) trên cơ sở những đảng viên chuyển từ Hội Việt
Nam cách mạng thanh niên sang và một số đảng viên mới. Chi bộ gồm 11 người,
trong đó có 1 đảng viên nữ là Nguyễn Thị Thâm. Đây cũng là người đảng viên nữ
đầu tiên ở Bến Tre [86, 39].
Hoạt động đầu tiên của phong trào phụ nữ dưới sự lãnh đạo của chi bộ Tân Xuân
là cuộc biểu tình để biểu dương lực lượng nhân kỉ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-
1930. Cuộc biểu tình này đã gây ảnh hưởng tốt trong nhân dân, tạo một khí thế cách
mạng quần chúng sôi nổi. Đến tháng 6-1930 liên ủy Bến Tre – Mỹ Tho được thành
lập theo chỉ đạo của xứ ủy Nam Kỳ. Các tổ chức quần chúng cũng phát triển nhanh
chóng. Sang đầu năm 1931, nhiều cuộc biểu tình quần chúng đòi dân sinh, dân chủ
diễn ra khắp nơi, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia như ở Tân Thủy, Tân Hưng,
Tân Xuân, Bình Thạnh (Ba Tri), Phú Nhuận, Phước Long (Châu Thành), An Thạnh,
Phước Hiệp (Mỏ Cày), An Thạnh, An Quy (Thạnh Phú), Lộc Thuận (An Hóa) và ở
thị xã Bến Tre. [1, 40]
Trong cao trào đấu tranh đòi dân chủ những năm 1936-1939, lực lượng phụ nữ
tham gia khá đông vào các “Ủy ban hành động”, họ đấu tranh đòi tăng lương, đòi
giảm thuế, đòi chia lại đất công điền, buộc điền chủ phải tăng tiền công cấy, công
gặt. Các chị như Nguyễn Thị Hạp ở Sơn Hòa, Đặng Thị Thèn ở thị xã…thuộc lớp
Đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Bến Tre đã có nhiều đóng góp cho phong trào.
Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ do xứ ủy phát động, đêm 22 rạng ngày 23-

11-1940, đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã nổi dậy dưới lá cờ đỏ sao vàng. Cuộc
khởi nghĩa bị đàn áp khốc liệt. Ở Bến Tre có 400 người bị bắt, bị tra khảo, nhục
hình, nhiều đảng viên bị lưu đày, trong đó có nhiều đảng viên nữ [86, 41].
Đặc biệt, trong cách mạng tháng Tám 1945, phụ nữ tham gia tích cực trong Hội
phụ nữ cứu quốc cùng với các đoàn thể, tổ chức quần chúng và Việt Minh tiến hành
tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, mở ra một trang mới trong lịch
sử dân tộc. Đối với riêng giới nữ, cách mạng tháng Tám cũng là mốc đánh dấu thời
kỳ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới, tham gia vào mọi hoạt động, mọi tổ
24
chức xã hội, đem hết khả năng của mình phục vụ đất nước, trước hết là củng cố nền
độc lập mới giành được.
Có thể nhận thấy, trong suốt giai đoạn từ nửa sau thế kỷ XIX cho đến cách mạng
tháng Tám 1945, qua các phong trào yêu nước chống ngoại xâm từ buổi đầu cho
đến các phong trào đấu tranh cho dân sinh, dân chủ và giải phóng dân tộc, phụ nữ
Bến Tre luôn có mặt, kề vai sát cánh cùng các tầng lớp nhân dân trong những lúc
thuận lợi cũng như khó khăn, sớm có mặt trong hàng ngũ những người cộng sản và
đã tỏ ra kiên cường, bất khuất trước mọi sự khủng bố, đàn áp của kẻ thù. Tinh thần
ấy được các thế hệ phụ nữ tiếp tục gìn giữ và phát huy trong giai đoạn kháng chiến
chống Pháp sau này.

1.2.2 Giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945-1954)
Sau cách mạng tháng Tám, những ngày đầu xây dựng và củng cố chính quyền
cách mạng, chị em phụ nữ sôi nổi hưởng ứng “Tuần lễ vàng” và “Quỹ độc lập”.
Nhiều chị em đem cả các tư trang, vật kỉ niệm ngày cưới, của hồi môn đóng góp
vào quỹ kháng chiến. Những hành động cao quý ấy nói lên tấm lòng yêu nước nồng
nàn của người phụ nữ lúc bấy giờ.
Ngày 23-9-1945, Pháp bắt đầu nổ súng tái chiếm Nam Bộ. Ở Bến Tre do địa
hình sông nước cách trở nên bị chiếm muộn hơn, nhưng khoảng thời gian được tự
do chỉ 135 ngày [86, 49]. Và như nhiều nơi khác ở Nam Bộ, nhân dân Bến Tre lại
bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ 2.

Người phụ nữ lại gánh vác công việc hậu phương và tiễn chồng ra trận. Tuy
nhiên, họ không chấp nhận như người “chinh phụ” xưa chỉ biết tần tảo nuôi con và
chờ chồng. Người phụ nữ Nam Bộ nói chung, phụ nữ Bến Tre nói riêng không chỉ
đảm đang việc nhà cho chồng yên tâm đi chiến đấu mà còn đánh giặc ngay tại quê
nhà. Họ tham gia du kích, công tác bố phòng, an ninh làng xóm, đi dân công tải
lương, tải đạn, nuôi giấu cán bộ, làm địch vận và tham gia các sinh hoạt xã hội,
đoàn thể v.v…Hầu hết nữ thanh niên ở thôn ấp đều tham gia vào các đội dân quân
du kích, bảo vệ trật tự an ninh, đánh giặc giữ làng. Họ có mặt trong các ban chỉ huy

×