BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Nguyễn Thị Thu
CĂN CỨ ĐỊA CÁCH MẠNG Ở CỦ CHI
TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ
CỨU NƯỚC (1954 - 1975)
Chuyên ngành : Lịch sử Việt Nam
Mã số : 60 22 54
LU
ẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. HÀ MINH HỒNG
Thaønh phoá Hoà Chí Minh - 2009
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa qua đã để lại cho dân tộc ta nhiều bài học kinh
nghiệm quí giá. Trong đó, bài học về xây dựng hậu phương kháng chiến có ý nghĩa quan trọng.
Như V.I. Lênin từng nói: “Muốn tiến hành chiến tranh một cách nghiêm chỉnh, phải có một hậu
phương được tổ chức vững chắc”[49, tr. 90].
Trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, có một nội dung quan trọng là vấn đề căn cứ địa và hậu
phương. Căn cứ địa là nơi đứng chân xây dựng, là nguồn cung cấp, tiếp tế, là bàn đạp tiến công
của các lực lượng vũ trang cách mạng trong khởi nghĩa vũ trang. Hậu phương là chỗ dựa, là nguồn
chi viện nhân lực, vật lực và cổ vũ về tinh thần cho tiền tuyến đánh giặc, là nhân tố thường xuyên
quyết định thắng lợi của chiến tranh.
Tiếp thu học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác-Lênin và kế thừa truyền thống đấu tranh chống
ngoại xâm của cha ông ta trong lịch sử, Đảng ta luôn đặt vấn đề xây dựng hậu phương lên hàng
quan trọng bậc nhất, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, nên đã nhân lên gấp
bội sức mạnh của một dân tộc nhỏ bé, kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, nhưng đủ sức đánh bại kẻ
thù là một cường quốc. Một trong những chìa khóa tạo nên sức mạnh của hậu phương chiến tranh
Việt Nam là vấn đề xây dựng căn cứ địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn khởi nghĩa
phải có căn cứ địa, muốn kháng chiến phải có hậu phương” [28, tr. 360].
Từ thực tiễn Việt Nam – một nước đất không rộng, người không đông, nền kinh tế nông
nghiệp lạc hậu phải chống lại những tên đế quốc có nền công nghiệp và khoa học kỹ thuật phát
triển, có tiềm lực kinh tế và quân sự to lớn, Hồ Chí Minh xác định: “thắng lợi phải đi đôi với
trường kỳ, kháng chiến càng lâu dài và ác liệt, càng phải huy động cao nhất sức người, sức của
của căn cứ địa, hậu phương. Vì vậy, nhất thiết phải xây dựng căn cứ, hậu phương vững mạnh,
toàn diện về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa…” [28,
tr. 378].
Trên cơ sở lý luận đó, căn cứ địa đã được xây dựng và phát triển mạnh mẽ, rộng khắp toàn
miền Nam, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, miền Đông Nam Bộ là chiến trường tranh chấp
chính giữa ta và địch. Nhưng có lẽ Củ Chi là nơi được địch chú ý hơn hết vì “cái vị trí đặc biệt, cái
thế đứng lợi hại của Củ Chi về mặt quân sự đối với sự sống còn của chế độ Sài Gòn” [84, tr. 18].
Vì vậy, trong suốt 21 năm, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã dồn về đây những nỗ lực cao nhất để đè
bẹp cuộc kháng chiến. Nhưng cuối cùng, lực lượng kháng chiến đã giành thắng lợi. Trong thắng
lợi đó có vai trò to lớn của căn cứ địa Củ Chi với tư cách là hậu phương tại chỗ. Vậy, căn cứ địa
Củ Chi đã được xây dựng, bảo vệ và phát huy vai trò như thế nào trong cuộc kháng chiến trên địa
bàn? Đã có một số công trình nghiên cứu lịch sử quân sự nói chung và về căn cứ địa ở Củ Chi nói
riêng đề cập đến vấn đề này, nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào phản ánh được toàn diện,
có hệ thống căn cứ địa ở Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ. Là người con của Củ Chi, đang
giảng dạy Lịch Sử cho thế hệ trẻ, bản thân tôi thấy cần thiết đi sâu tìm hiểu về vấn đề này nhằm
góp phần làm rõ hơn một mảng quan trọng của lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên
địa bàn mình đang sinh sống. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, kiên cường
chống giặc ngoại xâm của dân tộc cho thế hệ trẻ ngày nay.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Do tầm quan trọng của vấn đề hậu phương – căn cứ địa trong chiến tranh nên đề tài này đã
được sự quan tâm nghiên cứu rộng rãi của các lãnh tụ, tướng lĩnh, các cơ quan nghiên cứu khoa
học, các nhà khoa học… Những tác phẩm, bài viết, luận án…đề cập đến vấn đề căn cứ địa ngày
càng nhiều hơn, nội dung sâu sắc hơn.
Trong các tác phẩm “Mấy vấn đề về đường lối quân sự của Đảng ta”, (Nhà xuất bản Sự Thật,
Hà Nội, 1970) và “Đường lối quân sự của Đảng là ngọn cờ trăm trận trăm thắng của chiến tranh
nhân dân ở nước ta” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1973), Đại tướng Võ Nguyên
Giáp trình bày về căn cứ địa dưới góc độ lý luận, giải quyết một số vấn đề: Khái niệm căn cứ địa,
các hình thức phát triển từ thấp đến cao của căn cứ địa, cơ sở để xây dựng và vai trò của căn cứ địa
trong chiến tranh giải phóng.
Sau năm 1975, do nhu cầu bảo vệ tổ quốc, đề tài căn cứ địa được tiếp tục nghiên cứu trên cả
hai bình diện: lý luận, tổng kết và viết lịch sử.
Về lý luận, xuất hiện nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội, đáng chú
ý là các bài của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng: “ Vài suy nghĩ về hậu phương chiến tranh nhân
dân Việt Nam” (Tạp chí lịch sử quân sự số 3 năm 1993) và của nhà nghiên cứu Sử học Văn Tạo: “
Căn cứ địa cách mạng – truyền thống và hiện tại” (Tạp chí lịch sử quân sự số 4 năm 1995). Các
bài viết này tiếp tục làm rõ những vấn đề lý luận về căn cứ địa như: khái niệm, nguồn gốc, tính
chất, đặc điểm …nêu bật những đặc trưng của căn cứ địa ở Việt Nam nói chung và trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ nói riêng.
Về tổng kết, có một số công trình quan trọng. Tổng kết chung của cả nước có sách: “ Hậu
phương chiến tranh nhân dân Việt Nam (1945 – 1975) ( Bộ quốc phòng – Viện lịch sử quân sự
Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997), sách “ Hậu phương lớn, tiền tuyến lớn
trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975) (Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội,
2005)…Bên cạnh đó có sách “ Tổng kết công tác hậu cần chiến trường Nam Bộ - Cực Nam Trung
Bộ (B2) trong kháng chiến chống Mỹ” (Tổng cục hậu cần, 1986) có liên quan nhiều đến vấn đề
căn cứ.
Ngoài các tổng kết chung, một số căn cứ địa trên địa bàn miền Đông Nam Bộ cũng được quan
tâm, nghiên cứu trong các công trình tổng kết hoặc viết lịch sử như: “Chiến khu Rừng Sác”, “Lịch
sử Chiến khu Đ”,…Riêng cuốn sách “Chiến khu ở miền Đông Nam Bộ (1945 – 1954)” của tác giả
Hồ Sơn Đài (Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1996) và luận án tiến sĩ lịch sử “ Căn cứ địa
ở miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975)” của Trần Thị Nhung (năm
2001) đã nghiên cứu một cách khái quát và có hệ thống về toàn bộ căn cứ địa miền Đông Nam Bộ
trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đem lại những kiến thức bổ ích và những bài học về
phương pháp cho việc nghiên cứu.
Qua đó, có thể thấy đã có khá nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm…đề cập đến một số mặt
lý luận và thực tiễn của việc xây dựng căn cứ địa ở các thời kỳ và các địa phương cụ thể. Qua các
nghiên cứu này, các tác giả đã lý giải về khái niệm căn cứ địa, về chức năng hoạt động, nội dung
xây dựng và vai trò của căn cứ địa đối với sự nghiệp kháng chiến nói chung và kháng chiến chống
Mỹ nói riêng, đưa ra một số đặc trưng của căn cứ địa ở Việt Nam, các kiến thức về một số căn cứ
địa cụ thể.
Riêng về Củ Chi, có một số sách, tài liệu có đề cập đến đề tài này như: Sách “Lịch sử Sài Gòn
- Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến” (1945- 1975) (Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1994);
sách “ Sơ thảo lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Củ Chi
( 1930-1975)” (Ban chấp hành Đảng bộ huyện Củ Chi, 1985) và sách “ Lịch sử lực lượng vũ trang
nhân dân huyện Củ Chi (1945- 2005)” (Ban chỉ huy quân sự huyện Củ Chi, Nhà xuất bản Quân
đội nhân dân, 2006), sách “ Bến Dược – vùng đất lửa” của tác giả Nguyễn Văn Tào (Nhà xuất bản
Văn Nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, 1994), sách “Củ Chi - huyện anh hùng” của tác giả Phạm
Cường ( Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh). Năm 2008, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Củ
Chi xuất bản sách “ Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của đảng bộ và nhân dân huyện Củ
Chi” (Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh)…Các công trình trên đã phán ánh khá
đầy đủ, toàn diện về cuộc kháng chiến chống Mỹ của Đảng Bộ và nhân dân Củ Chi nói riêng, của
quân khu Sài Gòn – Gia Định… nói chung trên địa bàn Củ Chi. Tuy nhiên, chưa có công trình nào
nghiên cứu về căn cứ địa ở Củ Chi một cách toàn diện và có hệ thống. Với luận văn này, tôi sẽ tiếp
tục quá trình tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về căn cứ địa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu
nước trên địa bàn Củ Chi.
3. Ðối tượng và phạm vi nghiên cứu
Trong luận văn này, tôi tập trung nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển và các hoạt động
chức năng của căn cứ địa ở Củ Chi trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Từ đó, rút
ra những đặc điểm và đánh giá vai trò của nó đối với tiến trình chung của cuộc kháng chiến.
Phạm vi thời gian nghiên cứu được tính từ sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết đến khi
chính quyền Sài Gòn sụp đổ và miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Không gian đề cập của luận văn là vùng đất Củ Chi - huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí
Minh ngày nay.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là lý luận về cách
mạng giải phóng dân tộc và căn cứ địa để làm cơ sở nghiên cứu. Về phương pháp chuyên ngành,
luận văn vận dụng phương pháp lịch sử là chủ yếu, kết hợp với phương pháp lôgic để dựng lại
toàn bộ quá trình hình thành, phát triển và các hoạt động chức năng của căn cứ địa ở Củ Chi với tất
cả những diễn biến, sự kiện điển hình một cách chân thực như nó từng có.
Ngoài ra, luận văn còn sử dụng các phương pháp khác như: phương pháp liên ngành, tiếp xúc
các nhân chứng lịch sử, phương pháp so sánh lịch sử, phương pháp tổng hợp, trên cơ sở khảo cứu
các nguồn tư liệu… để nghiên cứu và trình bày luận văn.
5. Ý nghĩa và đóng góp của luận văn
Trên cơ sở tiếp thu những kết quả của các công trình nghiên cứu trước, luận văn góp phần dựng
lại toàn bộ quá trình hình thành, phát triển và những hoạt động của căn cứ địa ở Củ Chi trong tiến
trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ và Đảng bộ địa
phương các cấp. Từ đó, thấy được những giá trị và kinh nghiệm mà nó để lại, bổ sung thêm vào
những mảng còn trống trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại, đặc biệt là lịch sử địa phương;
góp phần vào nghiên cứu về chiến tranh cách mạng nói chung, về căn cứ địa trong chiến tranh
cách mạng nói riêng.
Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể được sử dụng giảng dạy lịch sử địa phương ở Củ Chi,
giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Từ đó, khơi dậy ý thức giữ gìn, bảo tồn các
khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay.
6. Bố cục của luận văn
- Mở đầu (7 trang).
- Nội dung chính của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Khái quát về căn cứ địa và sự tái lập căn cứ địa cách mạng ở Củ Chi khi bước vào
kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1960) (31 trang).
Chương 2: Quá trình phát triển và hoạt động của căn cứ địa cách mạng ở Củ Chi (1961 -
1975) (41trang).
Chương 3: Đặc điểm, vai trò của căn cứ địa cách mạng ở Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ
(1954 – 1975) (27 trang).
- Kết luận (4 trang)
- Tài liệu tham khảo (11 trang).
- Phụ lục (38 trang).
Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ CĂN CỨ ĐỊA VÀ SỰ TÁI LẬP CĂN CỨ ĐỊA CÁCH MẠNG Ở CỦ CHI
KHI BƯỚC VÀO KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ
(1954 – 1960)
1.1. Khái quát về căn cứ địa
Từ điển bách khoa Việt Nam giải thích căn cứ địa cách mạng là “vùng được chọn để làm bàn
đạp xây dựng và phát triển phong trào cách mạng rộng ra các vùng khác. Căn cứ địa cách mạng
phải có khả năng tạo được những cơ sở chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội và địa lý thuận lợi cho
đấu tranh cách mạng và chiến tranh cách mạng. Xây dựng căn cứ địa cách mạng phải bắt đầu từ
xây dựng cơ sở chính trị, cơ sở vũ trang, xây dựng chính quyền cách mạng để trên cơ sở đó từng
bước xây dựng kinh tế, xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển của cách mạng… Ở Việt Nam, trong
cách mạng giải phóng dân tộc đã xây dựng được một số căn cứ địa cách mạng làm chỗ dựa cho
cách mạng phát triển ra cả nước như các căn cứ địa Việt Bắc, Đồng Tháp Mười, U Minh…” [63,
tr. 371].
Bàn về căn cứ địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Đội du kích trong lúc hoạt động đánh quân thù cần có một vài nơi đứng chân làm cơ sở. Tại
nơi ấy, đội du kích tích trữ lương thực, thuốc đạn, lâu lâu về đó nghỉ ngơi, luyện tập. Nơi ấy phải
có địa thế hiểm yếu che chở và quần chúng cảm tình ủng hộ.
Đội du kích hoạt động phát triển nhiều thì chỗ cơ sở nhỏ đầu tiên ấy có thể trở nên căn cứ địa
vững vàng, nhất là sau khi đội du kích đánh đuổi được quân giặc và thành lập chính quyền cách
mạng trong địa phương. Chưa thành lập được chính quyền địa phương thì căn cứ địa khó thành
lập và không thể củng cố được.
Có chính quyền cách mạng của địa phương, có căn cứ địa vững vàng, đội du kích nhờ đó mà
phát triển lực lượng và hóa ra quân chính quy”[71, tr. 504].
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tác phẩm “Mấy vấn đề về đường lối quân sự của Đảng ta”
lý giải “căn cứ địa cách mạng là những vùng giải phóng xuất hiện trong vòng vây của địch, cách
mạng dựa vào đó để tích lũy và phát triển lực lượng của mình về mọi mặt, tạo thành những trận
địa vững chắc về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, lấy đó làm nơi xuất phát để mở rộng dần ra,
cuối cùng tiến lên đánh bại kẻ thù lớn mạnh, giải phóng hoàn toàn đất nước. Căn cứ địa là chỗ
đứng chân của cách mạng, đồng thời là chỗ dựa để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đẩy
mạnh đấu trang vũ trang cách mạng; trên ý nghĩa đó, nó cũng là hậu phương của chiến tranh
cách mạng” [49, tr. 90].
Trong chiến tranh cách mạng ở nước ta, ngoài các căn cứ địa cách mạng, còn có một số vùng
(xã, ấp…) chưa được giải phóng hoàn toàn, cũng có những khu vực cho du kích xã đứng chân
trong các ấp đã được giải phóng. Những khu vực này được gọi là các căn cứ lõm, tức là các căn cứ
ăn sâu hay nằm lọt giữa vùng tạm chiếm của địch, có khi còn được gọi là các căn cứ du kích hoặc
lõm du kích [76, tr. 54].
Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước hành động khủng bố, trả thù của
Mỹ - Diệm, cách mạng miền Nam bị tổn thất về tổ chức và lực lượng ngày càng nặng. Quần chúng
cách mạng bị kìm kẹp, khống chế gắt gao. Nhiều nơi đảng viên phải rút vào hoạt động bí mật,
chuyển vùng…Một số địa phương, cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng chuyển vào các căn
cứ kháng chiến cũ ở rừng núi, bưng biền, tổ chức sản xuất tự túc và tự vệ. Miền rừng núi Khu 5,
Tây Nam Bộ, Tây Nguyên xuất hiện các “trại bí mật”. Ở chiến khu Đ, Dương Minh Châu (miền
Đông Nam Bộ) hình thành “làng chiến đấu”, “làng thoát ly”. Vùng Đồng Tháp Mười ra đời các
“túi dân tản cư”. Sâu trong miệt rừng U Minh thuộc Tây Nam Bộ có các “làng rừng”. Vùng đồng
bào S.Tiêng có các “làng Độc Lập”… Đó là những hình thức khác nhau, là cơ sở ban đầu hình
thành các căn cứ địa trong giai đoạn đầu kháng chiến chống Mỹ [29, tr. 188].
Khi qui mô và cường độ cuộc chiến tranh tăng lên thì căn cứ địa cũng phát triển rộng khắp.
Tùy theo điều kiện tự nhiên, xã hội, địa hình… mà căn cứ địa được xây dựng dưới nhiều hình
thức. Ở miền rừng núi Đông Nam Bộ, lợi dụng địa hình có rừng rậm, hiểm trở, lực lượng cách
mạng đã khôi phục 2 căn cứ địa lớn đã có từ thời kháng chiến chống Pháp là Chiến khu Đ và chiến
khu Dương Minh Châu, phát triển thành căn cứ Đông Bắc và Tây Bắc Sài Gòn, thành các căn cứ
chiến lược của cả Nam Bộ.
Bên cạnh căn cứ vùng rừng núi, ở miền Trung và Tây Nam Bộ nước ta còn có các căn cứ từ
thời kháng chiến chống Pháp như căn cứ Đồng Tháp Mười, là vùng đồng nước mênh mông vào
mùa mưa hoặc dạng rừng tràm, đước ngập nước như căn cứ U Minh.
Căn cứ Rừng Sác cũng là một căn cứ nổi tiếng từ thời chống Pháp. Là một vùng rừng ngập
mặn, nằm ở phía Đông Nam thành phố Sài Gòn. Tại đây, hàng trăm sông rạch lớn nhỏ dọc ngang
chằng chịt như mạng nhện, chia cắt Rừng Sác thành hàng nghìn đảo triều lớn nhỏ, thoắt chìm thoắt
nổi theo nước thủy triều. Phủ lên Rừng Sác đủ các loại cây rừng ngập mặn, đan níu nhau tầng tầng
lớp lớp. Sông rạch, đảo triều, rừng cây làm cho Rừng Sác trở thành một khu vực cực kỳ hiểm trở,
lại nằm sát cạnh thành phố Sài Gòn và ôm gọn đường giao thông thủy chiến lược nối Sài Gòn ra
quốc tế [41, tr. 77-78].
Ở những vùng không có địa thế hiểm yếu, lực lượng cách mạng cũng sáng tạo ra một dạng căn
cứ độc đáo để bảo tồn và phát triển lực lượng, đó là căn cứ địa đạo, là “căn cứ chìm”, ngầm trong
lòng đất mà tiêu biểu nhất là căn cứ địa đạo ở Củ Chi.
Ngoài ra, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, các gia đình cơ sở cách mạng ở nội thành thành
phố Sài Gòn trở thành nơi chứa vũ khí, nuôi giấu, trú ém cán bộ, chiến sĩ, nơi đặt chỉ huy sở của
các đội biệt động, nơi tập kết lực lượng và bàn đạp tiến công vào các mục tiêu nội đô trong quá
trình thực hiện Tổng công kích. Những gia đình cơ sở đó đã làm công việc của một căn cứ địa thu
nhỏ, trở thành một dạng phát triển cao của “căn cứ địa lòng dân”, tạo nên một hình thức hoàn toàn
mới về căn cứ địa [76, tr. 92].
Như vậy, căn cứ địa ở nước ta nói chung, ở Nam Bộ nói riêng đa dang về hình thức. Tùy điều
kiện tự nhiên, xã hội, địa hình mà từng nơi, Đảng bộ các cấp đã lãnh đạo nhân dân xây dựng căn
cứ địa với dạng thức phù hợp, tạo nên sự phong phú, đa dạng về các loại hình căn cứ địa ở nước ta.
1.2. Căn cứ địa cách mạng ở Củ Chi trước khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ
1.2.1. Những điều kiện xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Củ Chi
1.2.1.1. Điều kiện tự nhiên và xã hội
Củ chi là huyện nông nghiệp ngoại thành nằm về phía Tây- Bắc của thành phố Hồ Chí Minh.
Thị trấn Củ Chi cách trung tâm thành phố 35 km theo quốc lộ 22. Củ Chi nằm trong vành đai xanh
của thành phố với tổng diện tích tự nhiên là 42.856 ha.
Củ Chi là vùng đất tiếp giáp của bốn tỉnh miền Đông Nam Bộ. Phía Bắc- Tây Bắc giáp huyện
Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh. Phía Đông - Đông Bắc giáp huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, ngăn
cách bởi con sông Sài Gòn. Phía Tây - Tây Nam giáp huyện Đức Hòa tỉnh Long An, ranh giới tự
nhiên là kênh đào Thầy Cai. Phía Nam giáp huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh [9, tr. 10].
Với vị trí như vậy, Củ Chi là cửa ngõ Tây Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Trong chiến tranh,
đối với địch, Củ Chi là một khu vực vành đai then chốt bảo vệ cơ quan đầu não và bộ máy chiến
tranh của chúng ở Sài Gòn. Đối với lực lượng cách mạng, đây là bàn đạp tấn công vào đầu não của
kẻ thù. Vì vậy, Củ Chi được cả địch và lực lượng cách mạng coi là một địa bàn chiến lược quan
trọng.
Do là vùng đất tiếp nối giữa đồng bằng và cao nguyên Đông Nam Bộ nên địa hình Củ Chi cơ
bản là đồng bằng, rãi rác có một ít đồi chồi. Độ cao địa hình Củ Chi từ 0 đến 20 mét so với mặt
nước biển, nghiêng dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam.
Thổ nhưỡng của Củ Chi có thể phân ra 3 loại chủ yếu:
- Vùng bưng trũng: tập trung ở các xã phía Tây Nam, phía Nam và ven sông Sài Gòn, có độ cao
trung bình từ 1-2 mét, thường bị ngập úng vào những tháng cuối mùa mưa, chiếm 1/2 diện tích
toàn huyện. Đây là vùng đất nông nghiệp chủ yếu sản xuất lúa và rau màu các loại.
- Vùng đất triền: cao từ 5-10 mét, là vùng chuyển tiếp giữa gò và bưng trũng, chủ yếu là đất xám
bazan, chiếm 1/4 tổng diện tích và được phân bố trên hầu hết các xã của huyện, trừ các vùng phía
Bắc và ven sông Sài Gòn.
- Vùng đất gò: độ cao từ 10 đến trên 20 mét so với mặt nước biển, thường mặt gò được trải
rộng, bằng phẳng, phân bố trên khu vực các xã: Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây.Vùng gò thích hợp
với việc bảo dưỡng cây rừng và trồng cây công nghiệp như cao su, tre, trúc, tầm vông…
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giá trị của đất Củ Chi còn lớn hơn nữa vì chất
đất khô ráo, cứng chặt, là điều kiện quan trọng để lực lượng cách mạng có thể xây dựng những
đường hầm dài hàng trăm kilômét trong lòng đất, tạo nên căn cứ địa đạo Củ Chi nổi tiếng.
Củ Chi có hệ thống sông ngòi khá thuận lợi. Sông Sài Gòn là con sông lớn nhất chảy qua
huyện, ôm lấy toàn bộ phía Đông với chiều dài 54 kilômét, là ranh giới tự nhiên giữa Củ Chi và
Bến Cát (Bình Dương). Đây là một trong những tuyến vận tải đường thủy quan trọng của miền
Đông Nam Bộ. Trước năm 1975, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã lập ở khúc sông này một cảng
sông, gọi là cảng Phú Cường (thuộc thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương). Hàng chục chiến thuyền
của đơn vị giang thuyền quân đội Việt Nam cộng hòa đóng tại đây đã khống chế, kiểm soát mọi
hoạt động đi lại, vận chuyển của nhân dân trên sông.
Ngoài sông Sài Gòn, Củ Chi còn có nhiều sông, suối và kênh rạch lớn nhỏ. Ở phía Tây huyện
có một nhánh nhỏ của sông Vàm Cỏ Đông chảy vào, nối với huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), có
suối Thai Thai (Phú Mỹ Hưng), suối Hố Bò, rạch Kè, rạch Láng The, rạch Bà Phước, rạch Sơn…
Các con sông, kênh rạch này vừa là nguồn nước sinh hoạt, nước tưới tiêu nông nghiệp, vừa là
những con đường thủy thuận tiện. Trong chiến tranh, các sông, kênh, rạch này là những con đường
liên lạc, vận chuyển vũ khí, hậu cần quan trọng của lực lượng cách mạng.
Củ Chi có mạng lưới đường bộ phong phú. Xuyên qua huyện trên dọc dài 21 kilômét từ thành
phố Hồ Chí Minh ở phía Nam lên Tây Ninh ở hướng Tây Bắc là quốc lộ 1 (nay là quốc lộ 22, còn
gọi là đường Xuyên Á). Đây là con đường chiến lược quan trọng trên hướng Tây Bắc miền Đông
Nam Bộ nối với Campuchia. Trong chiến tranh, địch đã sử dụng con đường này để cơ động lực
lượng, thường xuyên bố trí nhiều đồn bót, tháp canh, trạm kiểm soát để bảo vệ trục lộ và khống
chế các hoạt động vận chuyển của lực lượng cách mạng. Đồng thời, đây là một trong những con
đường độc đạo chạy qua vùng Bắc và Tây Bắc rộng lớn, nên các căn cứ cách mạng tại đây dễ dàng
xác định hướng tiến công càn quét của địch để đối phó. Củ Chi còn có các tỉnh lộ như: Tỉnh lộ 8
chạy ngang qua huyện, nối tỉnh Long An với tỉnh Bình Dương; Tỉnh lộ 15 dài 34 kilômét chạy từ
Hóc Môn lên Bến Súc (Bình Dương); Tỉnh lộ 7 dài 22 kilômét, nối Long An với tỉnh lộ 15; Tỉnh
lộ 9 dài 6,2 kilômét…Ngoài ra, Củ Chi còn có nhiều hương lộ, nối liền các xã, ấp trong huyện.
Như vậy, có thể nói hệ thống giao thông của Củ Chi rất thuận lợi, cả đường thủy lẫn đường bộ,
và cũng vì vậy mà cuộc giành giật giữa lực lượng cách mạng và địch trên địa bàn, trong đó có mục
đích làm chủ các tuyến đường giao thông, cũng trở nên quyết liệt hơn.
Về mặt hành chính, trước năm 1954, Củ Chi bao gồm toàn bộ phần đất của tổng Long Tuy Hạ,
tổng Long Tuy Trung và một phần của tổng Long Tuy Thượng, Bình Thạnh Trung thuộc quận
Hóc Môn, tỉnh Gia Định.
Đến năm 1957, chính quyền Sài Gòn thành lập quận Củ Chi, trực thuộc tỉnh Bình Dương, gồm
14 xã. Năm 1963, để dễ cai trị, kiểm soát và tổ chức lại chiến trường, chính quyền Sài Gòn đã chia
quận Củ Chi ra làm 2 quận: quận Củ Chi thuộc tỉnh Hậu Nghĩa mới thành lập, trụ sở quận lỵ đặt
tại ngã tư quốc lộ 22 và tỉnh lộ 8 và quận Phú Hòa thuộc tỉnh Bình Dương, trụ sở quận lỵ lúc đầu
đặt tại xã Phú Hòa Đông, sau dời về ngã tư Tân Qui (tỉnh lộ 8 và tỉnh lộ 15) [4, tr. 49-50].
Về phía cách mạng, sau năm 1954, Củ Chi vẫn là phần đất thuộc quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định.
Cuối năm 1959, Tỉnh ủy Gia Định đã tách Hóc Môn thành hai quận: Hóc Môn và Củ Chi, thành
lập hai cấp Ủy riêng. Từ đây, Quận ủy Củ Chi trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân
dân trong quận. Đầu năm 1960, Trung ương Cục miền Nam quyết định sáp nhập Gia Định vào Sài
Gòn – Chợ Lớn thành Khu Sài Gòn – Gia Định. Về mặt Đảng, thành Khu ủy Khu Sài Gòn – Gia
Định. Tháng 10 năm 1967, để thực hiện tổng công kích – tổng khởi nghĩa, Trung ương Cục quyết
định giải thể Quân khu Sài Gòn – Gia Định và Quân khu 1 tổ chức lại chiến trường miền Đông; tổ
chức Sài Gòn – Gia Định thành khu trọng điểm. Khu Sài Gòn – Gia Định và một phần các tỉnh lân
cận, lập thành 6 phân khu. Phân khu 1 gồm các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Bến Cát, Dầu
Tiếng (Bình Dương), Trảng Bàng (Tây Ninh). Tháng 10 năm 1968, do địa bàn Củ Chi trở nên hết
sức ác liệt, Phân khu 1 chia Củ Chi thành 2 quận: Nam Chi và Bắc Chi, mỗi địa bàn có 1 Quận ủy,
Quận đội riêng để tiện việc chỉ đạo hoạt động. Đến tháng 9 năm 1972, tình hình thuận lợi, ta thống
nhất lại thành huyện Củ Chi như cũ.
Hiện nay, Củ Chi có một thị trấn và 20 xã, gồm: Thị trấn Củ Chi và các xã: Tân An Hội, Tân
Thông Hội, Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An, Thái Mỹ, Phước Thạnh, Phước Hiệp, Nhuận Đức,
Phạm Văn Cội, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ, An Nhơn Tây, An Phú, Phú Mỹ Hưng, Phú
Hòa Đông, Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông, Trung An, Hòa Phú và Bình Mỹ.
Cư dân Củ Chi biến động nhiều nhất trong khoảng thời gian chiến tranh (1945-1975), đặc biệt
trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), do đây là một trong những vùng chiến sự diễn
ra ác liệt nhất của miền Đông Nam Bộ. Năm 1960, dân số Củ Chi có khoảng 10 vạn người. Đầu
năm 1970, tụt xuống còn khoảng 7 vạn người. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (1973), nhân
dân hy vọng, phấn khởi trở về quê cũ làm ăn, dân số tăng lên đến 13, 14 vạn người.
Người Củ Chi tương đối thuần nhất về dân tộc và tôn giáo. Toàn huyện Củ Chi có 13 dân tộc
sinh sống. Trong đó người Kinh chiếm 99,36% tổng số dân. Kế đến là người Hoa 0,58%, người
Khơme 0,04%. Các dân tộc khác: Tày, Thái, Mường, Nùng, H’Mong, Dao, Chàm, chiếm một tỉ
lệ không đáng kể [4, tr. 43]. Tất cả các dân tộc đều sống bình đẳng, tự do, hòa hợp nhau theo
đường lối chính sách chung về các dân tộc của Đảng và Nhà nước. Các tín đồ theo các tôn giáo
như Phật giáo, Thiên Chúa giáo… cũng không có nhiều. Đa số nhân dân không tín ngưỡng, chỉ
thờ cúng ông bà, tổ tiên. Do vậy, nhà thờ, chùa chiền, thánh thất chỉ rãi rác một vài nơi. Tính chất
thuần nhất của cư dân Củ Chi là một điều kiện thuận lợi để Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định xây dựng
Củ Chi thành căn cứ địa vững chắc trong kháng chiến chống xâm lược. Tuy nhiên, cái gốc để Củ
Chi trở thành vùng “ Đất Thép Thành Đồng” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa qua chính là
lòng yêu nước, truyền thống chống ngoại xâm đã có từ lâu đời trên mảnh đất này.
1.2.1.2. Truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Củ Chi
Tháng 2 năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Nhân dân Gia Định và cả Nam
Bộ không chịu khuất phục, đã đứng lên tự tổ chức các đội nghĩa quân kháng chiến chống xâm lược
khắp nơi, tiêu biểu là cuộc kháng chiến của Trương Định. Sau khi thành Gia Định thất thủ, Trương
Định cùng một số quan quân rút về đồn Thuận Kiều (nay thuộc phường Đông Hưng Tân, quận 12,
thành phố Hồ Chí Minh) để tiếp tục chống Pháp. Nhân dân Củ Chi đã góp công, góp của xây đồn
Thuận Kiều, kho lương lớn nhất phục vụ cho đại đồn Chí Hòa. Trương Định mất, con trai là
Trương Quyền, tiếp tục sự nghiệp của cha, cầm quân chiến đấu. Trương Quyền đã chọn vùng 18
thôn Vườn Trầu làm căn cứ kháng chiến. Nhân dân Củ Chi lại trực tiếp nuôi dưỡng, che chở cho
nghĩa quân hoạt động. Trai tráng Củ Chi tham gia đội nghĩa binh, góp phần tạo nên nhiều chiến
công ngay trên đất quê hương như tiến đánh đồn Rạch Tra, diệt tên trưởng đồn người Pháp…
Đêm 8 tháng 2 năm 1885, nhân dân Hóc Môn nổi dậy dưới sự lãnh đạo của ông Phan Công
Hớn, tiến công dinh quận Hóc Môn. Một cánh quân từ Củ Chi, gồm dân binh các xã Tân Phú
Trung, Phước Vĩnh An… dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Văn Kê, theo trục lộ 22 tiến về thị trấn,
phối hợp với hai cánh quân khác từ Đức Hòa, Chợ Cầu đã chiếm gọn và đốt cháy dinh quận.
Đầu thế kỷ XX, vùng đất Củ Chi có những biến đổi sâu sắc. Công cuộc khai thác thuộc địa của
Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã biến nhiều vùng đất của Nam Bộ nói chung và Củ Chi
nói riêng thành các đồn điền cao su bạt ngàn của tư bản Pháp. Xã hội Củ Chi, ngoài nông dân và
địa chủ, xuất hiện thêm tầng lớp công nhân cao su, đa số là dân phu từ đồng bằng Bắc Bộ và có
một số là nông dân địa phương bị tước đoạt ruộng đất để làm đồn điền. Xuất thân như vậy nên
công nhân cũng như nông dân ở Củ Chi rất gắn bó với nhau và nung nấu tinh thần yêu nước,
kháng Pháp. Thời kỳ này, nhiều tư tưởng cách mạng cấp tiến của các nước Âu, Á bắt đầu du nhập
vào Việt Nam, những người yêu nước Việt Nam tìm kiếm những con đường khác nhau để giải
phóng dân tộc với sự ra đời và vận động của nhiều tổ chức, đảng phái chính trị yêu nước. Những
phong trào có ảnh hưởng nhiều ở vùng đất Củ Chi là các phong trào “Thiên địa hội” do Phan Xích
Long chủ xướng, trong những năm 1913-1916; phong trào Hội kín Nguyễn An Ninh những năm
1924-1929…
Năm 1929, những hạt giống cộng sản bắt đầu đến với đất Củ Chi, đó là đồng chí Lê trọng Mân
và đồng chí Bùi Văn Châu, hai đảng viên của An Nam Cộng sản Đảng. Dựa vào những thành quả
từ phong trào yêu nước của Nguyễn An Ninh, hai đảng viên Mân và Châu đã nhanh chóng gây
dựng được nhiều cơ sở ở các xã Bình Lý, Tân Mỹ (tức Bình Mỹ ngày nay). Sau sự ra đời của
Đảng cộng sản Việt Nam (ngày 3 tháng 2 năm 1930), thì hàng loạt Chi bộ Đảng đã ra đời trên địa
bàn quận như ở các xã Bình Lý, Tân Phú Trung, An Nhơn Tây, Phú Hòa Đông… Các chi bộ này
trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân trong quận.
Tháng 8 năm 1930, nhân dân xã Hòa Phú biểu tình chống sưu cao thuế nặng. Công nhân đồn
điền cao su Mây Sắc (Phú Mỹ Hưng) và đồn điền cao su Chà Vơ (An Nhơn Tây) đấu tranh chống
sa thải, đòi tăng lương. Cuộc đấu tranh diễn ra khá mạnh mẽ buộc hai tên chủ đồn điền phải chấp
nhận yêu sách của công nhân. Đặc biệt, tháng 10 năm 1930, khi có lời kêu gọi của Trung ương
Đảng ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhiều cuộc biểu tình diễn ra ở Tân Mỹ, Bình Lý, Tân Thạnh
Đông, Tân Phú Trung…
Đầu năm 1932, nghiệp đoàn xe ngựa Hóc Môn - Củ Chi đấu tranh phản đối sưu cao thuế nặng.
Ngày 8 tháng 4 năm 1932, hơn 1.400 nông dân Hóc Môn -Củ Chi kéo về huyện lỵ Hóc Môn đấu
tranh trực diện với kẻ thù để chống thuế, chống khủng bố trắng…
Nhìn chung, đến năm 1935, mặc dù bị quân thù tiến hành khủng bố trắng, cơ sở Đảng và các tổ
chức quần chúng ở Củ Chi có bị tổn thất nhưng cán bộ, đảng viên được quần chúng cách mạng che
chở vẫn kiên trì, bám đất, bám dân gây dựng phong trào.
Trong cao trào 1936-1939, vùng 18 thôn Vườn Trầu được chọn làm căn cứ địa của Trung ương
Đảng. Vì vậy, phong trào diễn ra rất sôi nổi dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Gia Định và Quận ủy
Hóc Môn, hàng chục Ủy ban hành động được thành lập ở các làng xã, phân phát truyền đơn, báo
chí, cổ động toàn dân đấu tranh đòi triệu tập “Đại hội Đông Dương”.
Tháng 11 năm 1939, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 tại Bà Điểm – Hóc Môn quyết
định phát triển phong trào cách mạng theo phương hướng chuẩn bị những điều kiện để tiến tới bạo
động làm cách mạng giải phóng dân tộc. Tháng 6 năm 1940, Nhật chiếm Đông Dương, thực dân
Pháp ở Đông Dương đầu hàng. Trước tình hình trên, Xứ ủy Nam kỳ quyết định lãnh đạo nhân dân
khởi nghĩa. Tháng 11 năm 1940, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 7, nhận định tình hình
chưa chín muồi để khởi nghĩa, nên chỉ thị cho Xứ ủy ngưng cuộc khởi nghĩa lại. Nhưng đồng chí
Phan Đăng Lưu từ miền Bắc mang Chỉ thị không vào kịp nên đêm 22 rạng 23 tháng 11 năm 1940,
cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn bùng nổ.
Quận Hóc Môn là trọng điểm của cuộc khởi nghĩa, lực lượng địch ở đây có hai trung đội lính
khố xanh đóng giữ. Quận ủy Hóc Môn đã huy động lực lượng nghĩa quân của 4 tổng, chia làm 4
cánh tiến đánh thị trấn Hóc Môn. Trong 4 cánh quân tham gia khởi nghĩa thì có 3 cánh mà lực
lượng chủ yếu là từ các xã của Củ Chi đảm nhiệm.
Khi nghĩa quân chiếm quận lỵ Hóc môn, địch kéo quân đến phản kích. Trước lực lượng địch
đông và hỏa lực súng ống mạnh, nghĩa quân buộc phải rút khỏi thị trấn. Nhân dân tản về các xã,
còn du kích một cánh rút về vùng Mướp Xanh, Đồng Tháp Mười, một cánh khác gồm 70 nghĩa
quân và 30 khẩu súng rút về rừng Bàu Cúc, Bàu Kính (thuộc các xã Nhuận Đức và Phú Hòa
Đông). Cánh quân này lưu lại 3 ngày, được nhân dân Củ Chi che giấu, tiếp tế chu đáo. Sau đó, do
sự truy lùng ráo riết của lính Pháp, cánh quân tiếp tục rút về Bàu Đồn, Truông Mít (Tây Ninh).
Cũng có một số du kích không rút khỏi Củ Chi mà đào hầm bí mật (hầm ếch) để ẩn nấp trong sự
đùm bọc của làng xóm, gia đình. Chính từ việc đào hầm ếch mà sau này họ trở thành những người
đầu tiên nẩy ra ý tưởng đào hầm bí mật và địa đạo khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp và
những người trong cánh quân này về sau là nồng cốt xây dựng thành Giải phóng quân liên quận
(Hóc Môn – Bà Điểm – Đức Hòa).
Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Củ Chi có lắng
xuống một thời gian, cơ sở Đảng bị tổn thất nặng nề, cán bộ đảng viên và quần chúng trung kiên
lớp thì bị giết hại, lớp thì bị bắt đưa đi tù đày. Nhưng chỉ sau chưa đầy một năm, cơ sở Đảng ở Củ
Chi được gây dựng lại. Đầu năm 1944, các Chi bộ mới ở các xã: Thái Mỹ, Trung Lập, Nhuận
Đức…được thành lập.
Đầu tháng 8 năm 1945, ở Củ Chi, Hóc Môn cũng như ở những tỉnh, thành khác của Nam Bộ,
nhân dân hừng hực khí thế nổi dậy giành độc lập. Ngày 24 tháng 8 năm 1945, lực lượng Thanh
niên cứu quốc và Thanh niên tiền phong, mà nòng cốt là các đảng viên và du kích trong khởi nghĩa
Nam Kỳ, đã đồng loạt nổi dậy biểu tình, kéo qua các xã trong quận. Hoảng sợ trước khí thế của
quần chúng, một số xã ở Củ Chi như Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, Trung Lập, Nhuận Đức, chính
quyền tay sai bỏ chạy, lực lượng khởi nghĩa tiến vào giành lấy chính quyền. Nhân dân xã Phước
Vĩnh An xông vào đồn giựt súng Nhật đem trang bị cho lực lượng ta. Tại Bến Mương (Nhuận
Đức), một số chị em phụ nữ vào đồn, dùng lý lẽ thiệt hơn buộc Nhật nộp súng. Nhìn chung, các xã
của Củ Chi đều giành được chính quyền trước ngày 24 tháng 8 năm 1945.
1.2.2. Quá trình xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Củ Chi trong cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp (1945 – 1954)
Chỉ một tháng sau ngày cả nước giành độc lập, thực dân Pháp được quân Anh hỗ trợ, đã quay
trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, bắt đầu từ việc tiến chiếm Sài Gòn. Trước tình thế đó, nhiều
cánh quân từ các tỉnh Nam Bộ vừa khẩn cấp thành lập đã kịp về Sài Gòn tham gia chiến đấu, bao
vây quân Pháp ở Sài Gòn. Trong hơn một tháng quân Pháp bị cầm chân ở mặt trận Sài Gòn – Chợ
Lớn, lực lượng kháng chiến Nam Bộ đã kịp vận chuyển được một số máy móc, tài liệu ra khỏi
thành phố, rút lui về các vùng có địa thế, xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài. Thực hiện chủ
trương “lập những khu căn cứ kháng chiến ngay ở ngoại ô, phụ cận Sài Gòn”, “Không rút đi xa,
cố bám đất, bám dân, làm chiến tranh du kích, làm chiến tranh nhân dân” [77, tr. 83] của Tỉnh ủy
Gia Định, hàng loạt căn cứ địa đã lần lượt ra đời, tạo thành một hệ thống chiến khu bao quanh
thành phố như: Chiến khu An Phú Đông, chiến khu Rừng Sác, căn cứ Vườn Thơm… Riêng ở Củ
Chi, có căn cứ Bình Mỹ, căn cứ An Phú Xã và căn cứ khu 5 Hóc Môn.
Căn cứ Bình Mỹ nằm ở phía Bắc thành phố, gồm ba xã Bình Lý, Tân Mỹ, Mỹ Bình (lúc bấy
giờ thuộc quận Hóc Môn) là nơi đứng chân của Quận ủy, Ủy ban kháng chiến hành chánh, Ủy ban
mặt trận Việt Minh và các lực lượng vũ trang quận Hóc Môn, bên cạnh đó còn có 3 đại đội giải
phóng quân liên quận Hóc Môn – Bà Điểm – Đức Hòa. Để bảo vệ căn cứ, nhân dân đắp ụ chiến
đấu và cắm chông dọc các ngã đường dẫn vào. Trong căn cứ, bộ đội, nhân dân đào hầm hào, rào
làng chiến đấu và tổ chức tuần tra canh gác ngày đêm. Nhằm ngăn chặn địch từ xa, nhân dân và du
kích còn đào đường, chặt cây cao su ngăn chặn địch trên các trục lộ. Trên nhánh sông Sài Gòn, du
kích đánh sập cầu Rạch Tra án ngự cửa ngõ vào căn cứ Bình Mỹ.
Căn cứ Khu 5 Hóc Môn thuộc khu vực 5 xã giải phóng: Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, Nhuận
Đức, Trung Lập, Phú Hòa Đông, chạy cặp theo sông Sài Gòn bên bờ hữu ngạn. Phía Tây Bắc nối
liền với căn cứ Trảng Cỏ, Bời Lời (Trảng Bàng, Tây Ninh), kéo dài lên phía Bắc nối với chiến khu
Dương Minh Châu. Phía Đông tiếp giáp căn cứ liên xã An Thành, Phú An, An Điền, Thanh
Tuyền, Long Nguyên, Kiến An (Bến Cát, Thủ Dầu Một). Giữ một vị trí cơ động nối liền với các
căn cứ địa quan trọng, nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn, căn cứ Khu 5 Hóc Môn trở thành
một địa bàn luôn uy hiếp địch. Năm 1946 và nửa đầu năm 1947, căn cứ khu 5 Hóc Môn chỉ mới là
căn cứ của các Chi đội vệ quốc quân 12, 11, Liên quân B và Liên quân 18… Nhưng từ giữa những
năm 1947, do chiến khu An Phú Đông thường xuyên bị địch bao vây, tiến công, nên các cơ quan
của tỉnh Gia Định như Tỉnh ủy, Ủy ban chiến đấu, Mặt trận Việt Minh, công an… đều rút về căn
cứ Khu 5 Hóc Môn đứng chân hoạt động. Vì vậy, căn cứ Khu 5 Hóc Môn được xây dựng vững
chắc hơn để bảo toàn cho các cơ quan, lực lượng vũ trang và nhân dân. Hình thức tổ chức phòng
thủ theo kiểu xã, ấp chiến đấu với hầm chông, cạm bẫy, ụ, ổ chiến đấu, giao thông hào và địa đạo
trở thành cách phòng thủ chủ yếu của căn cứ Khu 5 Hóc Môn. Dựa vào hệ thống phòng thủ này,
bộ đội và dân quân sáng tạo ra những cách đánh rất phong phú. Mỗi khi xuống hầm, các chiến sĩ
rút bỏ cầu thang, bên dưới miệng hầm đã bố trí sẵn các hố chông, cạm bẫy, xung quanh có tên, nỏ
nằm trong các ống tre sẵn sàng bay ra, gươm, lựu đạn đã rút chốt, cây gỗ từ trên cao đập xuống…
tất cả có thể làm thiệt mạng tên lính Pháp nào dám cả gan nhảy vào địa đạo. Gần miệng hầm, các
ngách xung quanh được móc hàm ếch có thể ẩn thân được từng người, tránh được đạn bắn thẳng
của địch, đồng thời cũng là điểm phục kích bất ngờ để tiêu dịêt địch khi chúng tiến vào. Trong địa
đạo có lỗ thông hơi, có chỗ dự trữ đạn, lương thực, giếng ăn… nên từng tiểu đội du kích có thể
bám trụ trong địa đạo chiến đấu nhiều ngày liên tục với kẻ địch đông hơn gấp bội. Căn cứ địa đạo
không chỉ bảo vệ lực lượng tại chỗ mà còn che chở cho rất nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ của các tỉnh
và miền Đông Nam Bộ khi hành quân ngang qua vùng căn cứ. Quân pháp tìm mọi cách để hủy
diệt căn cứ Khu 5 Hóc Môn, chúng liên tục ráo riết tiến công, càn quét nhưng căn cứ vẫn tồn tại
bất khả xâm phạm cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.
Ngoài căn cứ Khu 5 Hóc Môn, ở Củ Chi còn có các hành lang và lõm căn cứ liên xã nối liền
các địa bàn của Củ Chi – Hóc Môn như Tân Mỹ - Bình Lý; Mỹ Bình – Hòa Phú – An Phú Xã; Tân
Phú Trung – Phước Vĩnh An – Tân Thông Hội (vùng này có thời gian là căn cứ chỉ đạo của chủ
tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Sài Gòn – Chợ Lớn Phạm Ngọc Thạch cho đến năm 1950).
Những căn cứ của Củ Chi là chỗ dựa vững chắc để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ở địa
phương.
Tỉnh ủy Gia Định về đứng chân ở An Phú Đông để chỉ đạo cuộc kháng chiến trong toàn tỉnh.
Quận ủy Hóc Môn kêu gọi nhân dân tự vũ trang. Một số đảng viên, du kích Nam Kỳ cũ, có từ 3
đến 5 khẩu súng cũng đứng ra tự thành lập các đơn vị bộ đội. Bộ đội Bảy Sanh, Sáu Sai, Hai
Chiểu, Tô Ký, Hai Bứa, Hai Phần…đóng căn cứ ở An Phú Xã (thuộc Củ Chi).
Ngày 1 tháng 11 năm 1945, Xứ ủy và Tỉnh ủy Gia Định quyết định thống nhất các đơn vị vũ
trang trên vùng Tây Bắc Sài Gòn thành Giải phóng quân liên quận Hóc Môn – Bà Điểm – Đức
Hòa.
Từ các căn cứ ở vùng ven, bộ đội và du kích Hóc Môn liên tục đánh bại các cuộc càn quét của
địch, trong đó, nổi bật nhất là trận Trung Hưng – Ràng (xã Trung Lập) ngày 17 tháng 12 năm
1946.
Sau trận Trung Hưng – Ràng, du kích Củ Chi tổ chức trận đánh vào đồn Thầy Biên (xã Phú
Hòa Đông), còn gọi là trận Binh La (tháng 2 năm 1947). Trận đánh được chuẩn bị rất qui mô, công
phu nhưng cuối cùng không giành được thắng lợi. Tuy vậy, qua trận đánh vỡ lòng này, quân và
dân Phú Hòa Đông nói riêng và Hóc Môn nói chung có thêm nhiều kinh nghiệm quý giá về xây
dựng lực lượng, phát động quần chúng và vận động binh lính trong hàng ngũ địch.
Năm 1947, Mặt trận Việt Minh quận được thành lập. Các tổ chức đoàn thể như hội Phụ nữ cứu
quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên… được củng cố, mở rộng thêm. Sự tổ chức chặt chẽ và lớn
mạnh của Mặt trận và các đoàn thể là chỗ dựa quan trọng để xây dựng và phát triển lực lượng vũ
trang, vì đây là nguồn cung cấp hậu cần và nhân lực cho tất cả các đơn vị. Thông qua sự vận động
của Mặt trận và các đoàn thể, thanh niên các xã ở Củ Chi đều hăng hái gia nhập bộ đội, du kích.
Cuối năm 1947, các xã ở Củ Chi đều xây dựng được đội du kích. Một số xã như Tân An Hội, Tân
Phú Trung, Phước Vĩnh An, Phú Hòa Đông, An Nhơn Tây,… lực lượng du kích phát triển đến
trung đội và được trang bị vũ khí tương đối đầy đủ [9, tr. 59].
Công tác củng cố và phát triển lực lượng mọi mặt, đặt biệt là lực lượng vũ trang đã đem lại
bước phát triển mới cho cuộc kháng chiến ở Củ Chi, Hóc Môn. Lực lượng vũ trang ba thứ quân
của Củ Chi đã lập nhiều thành tích trong chống càn và tiến công tiêu diệt địch.
Phong trào du kích chiến tranh của Củ Chi, Hóc Môn phát triển mạnh, đặc biệt từ năm 1947,
khiến quân Pháp càng ra sức tiến công, càn quét vào vùng giáp ranh Sài Gòn này. Mỗi lần hành
quân, chúng đốt nhà, cướp của, hãm hiếp phụ nữ và bắn giết nhân dân vô tội. Để duy trì được cuộc
chiến đấu và bảo vệ được nhân dân, đầu năm 1946 chi bộ xã Tân Phú Trung do đồng chí Võ Văn
Tạo, nguyên là một chiến sĩ du kích Nam Kỳ, làm bí thư, đã phát động nhân dân toàn xã, đào hầm
bí mật và xây dựng xã, ấp chiến đấu chống giặc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chi bộ, toàn dân xã
Tân Phú Trung cả nam, phụ, lão, ấu mà nồng cốt là dân quân du kích đều tích cực tham gia đào
hầm. Mỗi ngày mọi người đào từ 6 giờ tối đến 1, 2 giờ sáng. Đất mới đào lên được rãi khắp nơi
trong xã để địch không xác định được chỗ nào mới đào. Trong quá trình đào, hầm bí mật được cải
tạo dần. Lúc đầu hầm bí mật chỉ rộng đủ 1, 2 người nấp, sau đó, khoét dài ra 3 đến 5 mét cho
nhìều người cùng ẩn nấp. Từ chỗ không có nắp (chỉ khoét hầm hàm ếch) và không có lỗ thông hơi,
dần dần hầm đã có nắp trổ thẳng lên mặt đất và có lỗ thông hơi nằm trong bụi tre, bụi tầm vông
hoặc ụ mối. Mọi người không chỉ đào hầm quanh nhà, quanh vườn, mà đào cả trong rừng, dưới
những nơi cây cối rậm rạp, âm u. Ban đầu, các hầm chỉ đào riêng lẻ, dần dần để linh hoạt chạy
tránh giặc và chiến đấu, các hầm được kéo dài nối thông với nhau, nối đến các ụ chiến đấu và giao
thông hào, từ nhà này nối sang nhà khác, từ xóm này sang xóm khác. Hệ thống hầm hào, ụ chiến
đấu còn được kết hợp với hầm chông, cạm bẫy tạo nên một thế trận rất lợi hại.
Cùng thời gian với xã Tân Phú Trung, tại xã Phước Vĩnh An, chi bộ do đồng chí Võ Văn Tạo
làm bí thư cũng vận động nhân dân đào địa đạo và xây dựng xã, ấp chiến đấu. Phong trào đào hầm
bí mật, địa đạo phát triển mạnh nhất ở ấp Bà Giã (xã Phước Vĩnh An). Nhân dân thi đua đào địa
đạo với ấp Cây Da (xã Tân Phú Trung) với khẩu hiệu: “đào cho nhanh, đào cho tốt, đào cho
nhiều”.
Giữa năm 1946, đồng chí Tô Ký, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách về quân sự đã đến xem
xét hệ thống đường hầm bí mật ở ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung. Sau chuyến tham quan này, Chi
bộ xã nhận được nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển đường hầm bí mật. Đến năm 1947, các
đường hầm địa đạo được nhân dân xây dựng nối liền ấp Bàu Sim, ấp Cây Da (xã Tân Phú Trung),
với ấp Bà Giã (xã Phước Vĩnh An) dài gần 500 mét. Lực lượng nhân dân và dân quân tham gia
đào địa đạo có lúc tập trung đến 200 người. Nhà ông Mười Thắng (ấp Phước Lợi, xã Phước Vĩnh
An) được vinh dự là điểm nối thông đường hầm đầu tiên của hai xã. Hệ thống địa đạo liên xã đã
xuất hiện kể từ lúc này. Nhờ vậy, chiến tranh du kích ở hai xã có thêm thế chủ động để phát triển
mạnh hơn. Hai ấp Bà Giã và Cây Da trở thành “căn cứ lõm” của Khu 5 Hóc Môn.
Mặc dù quân Pháp đẩy mạnh bình định, càn quét ở miền Đông Nam Bộ trong các năm 1947,
1948, đặc biệt ở các vùng ven Sài gòn, nhưng lực lượng cách mạng vẫn làm chủ phần lớn Củ Chi,
trong đó có những vùng căn cứ vẫn là bất khả xâm phạm với quân Pháp, điển hình như căn cứ Khu
5 Hóc Môn.
Giữa năm 1949, thực hiện sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập bộ đội địa
phương và Hội nghị dân quân toàn Khu 7 về phát triển dân quân du kích và lập các làng, ấp chiến
đấu, trung đội du kích tập trung của quận Hóc Môn chuyển thành trung đội bộ đội địa phương
quận. Lực lượng dân quân du kích các xã tiếp tục được phát triển thêm về số lượng và tăng cường
trang bị bằng vũ khí lấy được của địch và vũ khí tự tạo. Phong trào xây dựng địa đạo và xã, ấp
chiến đấu lan rộng trên toàn Củ Chi, góp phần vào nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch.
Ngày 10 tháng 8 năm 1951, Pháp huy động 7 tiểu đoàn bộ binh Pháp và tay sai, một đại đội
công binh và nhiều xe tăng từ Sài Gòn lên đánh phá vùng căn cứ địa đạo Tân Phú Trung - Tân An
Hội - Phước Vĩnh An. Suốt 15 ngày đêm, 7 tiểu đoàn địch cùng xe tăng bao vây xung quanh căn
cứ, bắn hàng chục ngàn quả đạn đại bác, dùng hơn 2.000 kilôgam bộc phá để phá hủy địa đạo. Bộ
đội địa phương và du kích xã dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Bùi Thanh Vân đã chiến đấu kiên
cường, bám vào thế trận địa đạo, chiến đấu chống trả quyết liệt, tiêu diệt và làm bị thương hàng
trăm tên địch, làm thất bại ý đồ của địch [9, tr. 80].
Sang năm 1953, diễn biến chiến trường chung của cả nước đang thay đổi theo chiều hướng có
lợi cho ta, bộ đội địa phương Hóc Môn tổ chức thành các phân đội vũ trang tuyên truyền tỏa về
các vùng du kích, vùng tạm chiếm để gây dựng cơ sở trong nhân dân, phát triển lực lượng du kích.
Bộ đội Khu, Tỉnh, và bộ đội Quận phối hợp đẩy mạnh hoạt động tác chiến đánh địch càn quét,
giành nhiều thắng lợi vang dội. Nhân dân tích cực hỗ trợ bộ đội, du kích diệt tề, trừ gian, bao vây
đồn bót địch,… Các lõm căn cứ, căn cứ cách mạng ở Củ Chi được củng cố, làm chỗ dựa cho lực
lượng vũ trang hoạt động ngày càng mạnh mẽ hơn, tạo thế và lực góp phần vào thắng lợi của chiến
cuộc Đông Xuân 1953-1954 trên cả nước.
Phát huy truyền thống bất khuất của 18 thôn Vườn Trầu, quân dân Củ Chi đã thể hiện tinh thần
anh dũng và sáng tạo, kiên trì bám đất và bám dân xây dựng địa đạo chiến, làm nồng cốt cho cuộc
chiến tranh nhân dân bám rễ vững chắc và phát triển trên mảnh đất Củ Chi. Chín năm kháng chiến
gian khổ, hy sinh và thắng lợi đã để lại những cơ sở quan trọng và kinh nghiệm quý báu để lực
lượng vũ trang cùng nhân dân Củ Chi tiếp tục vươn lên, trở thành một trong những địa phương đi
đầu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ những năm tiếp theo.
1.3. Củ Chi tái lập căn cứ địa cách mạng trong những năm đấu tranh giữ gìn lực lượng, tiến
tới “Đồng khởi” (1954 – 1960)
1.3.1. Tình hình cách mạng miền Nam sau Hiệp định Giơnevơ và chủ trương mới về vũ trang tự
vệ, xây dựng căn cứ địa
Hiệp định Giơnevơ được ký ngày 21 tháng 7 năm 1954 đã công nhận độc lập, chủ quyền,
thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương. Theo qui định của Hiệp định, tại Việt
Nam, hai bên sẽ đình chiến và tạm thời lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới phân chia khu vực kiểm soát.
Sau 2 năm, Pháp sẽ rút khỏi Việt Nam và hai miền Nam – Bắc sẽ thực hiện tổng tuyển cử thống
nhất đất nước.
Về phía ta, ngày 22 tháng 7 năm 1954, lực lượng vũ trang cách mạng Nam Bộ cùng lực lượng
vũ trang cả nước thực hiện ngừng bắn theo mệnh lệnh của Bộ tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt
Nam. Tháng 9 năm 1954, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp, xác định nhiệm vụ
cách mạng giải phóng dân tộc của ta chưa hoàn thành, cuộc đấu tranh cứu quốc không vì đình
chiến mà kết thúc, mà đang tiếp tục, song về phương châm đấu tranh thì “Phải thay đổi từ đấu
tranh vũ trang chuyển sang đấu tranh chính trị”, mọi “hình thức đấu tranh kịch liệt (như kiểu khởi
nghĩa và chiến tranh du kích) cần phải thay đổi ngay”[77, tr. 285].
Chủ trương này của Đảng được Đảng bộ địa phương nỗ lực thực hiện trong 2 năm đầu sau
Hiệp định (1954-1956). Thời kỳ này, Tỉnh ủy Gia Định đẩy mạnh phong trào quần chúng đấu
tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, bảo vệ hòa bình, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất
đất nước, đòi các quyền dân sinh, dân chủ…mà không vũ trang.
Về phía Mỹ - Diệm, ngay khi Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ, Mỹ đã lo sợ: “Cộng sản kiểm
soát toàn bộ Đông Nam Á sẽ làm cho vị trí của Mỹ ở cái mắt xích gồm các đảo ngoài khơi Thái
Bình Dương trở nên mỏng manh và sẽ phá hoại nghiêm trọng lợi ích an ninh cơ bản của Mỹ ở
Viễn Đông” (Tài liệu mật Bộ quốc phòng Mỹ) [106, tr. 6]. Vì vậy, Pháp không rút khỏi Việt Nam
như tinh thần Hiệp định mà buộc phải chuyển giao quyền lực cho Mỹ. Ngày 23 tháng 10 năm
1955, Ngô Đình Diệm lên ghế “quốc trưởng”, sau đó tuyên bố thành lập chính phủ “Việt Nam
cộng hòa”, lấy Sài Gòn làm “thủ đô”. Ngày 11 tháng 3 năm 1956, Ngô Đình Diệm “trúng cử” tổng
thống Việt Nam cộng hòa trong cuộc bầu cử dân chủ do Mỹ dàn dựng. Những hành động của Mỹ -
Pháp và tay sai Diệm đã đơn phương xóa bỏ tinh thần Hiệp định Giơnevơ và nguyện vọng của
nhân dân Việt Nam về tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Song song với việc thâu tóm quyền lực, Mỹ - Diệm từng bước loại bỏ các đối thủ uy hiếp sự
tồn tại của chính quyền mới được dựng lên ở miền Nam. Từ tháng 4 đến cuối năm 1955, Ngô Đình
Diệm thanh lọc quân đội, loại bỏ những tướng lĩnh cao cấp thân Pháp ra khỏi quân đội. Đồng thời,
vừa dụ dỗ, mua chuộc, vừa tiến công tiêu diệt các lực lượng vũ trang Bình Xuyên, lực lượng vũ
trang giáo phái thân Pháp, Cao Đài, Hòa Hảo,… giành trọn quyền kiểm soát Sài Gòn – Chợ Lớn
và nhiều vùng khác ở Nam Bộ.
Đối với lực lượng cách mạng, Diệm thực hiện chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” với các khẩu
hiệu phản động như: “Tiêu diệt cộng sản tận gốc”, “Thà giết lầm còn hơn bỏ sót”. Cảnh sát và
quân đội Việt Nam cộng hòa đã triển khai các chiến dịch Trương Tấn Bửu (7/1956 - 2/1957),
Nguyễn Trãi (4/1957 - 11/1958), Hồng Châu (7/1958)…đánh phá lực lượng cách mạng. Càn quét,
vây ráp diễn ra hàng ngày, đặc biệt tại các vùng căn cứ cũ của cách mạng. Ở Củ Chi, bộ máy chính
quyền tay sai từ quận đến xã được chấn chỉnh. Cảnh sát, mật vụ, dân vệ, chỉ điểm… nhan nhản
trên đường phố, rình mò khắp mọi ngõ hẻm, tìm bắt đảng viên cộng sản, các cơ sở Đảng, những
người yêu nước… Trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt trước khi bộ đội tập kết ra Bắc, chính
quyền cách mạng đã cấp hàng trăm ngàn héc ta ruộng đất cho nông dân, trong đó có nông dân
ngoại thành Sài Gòn – Gia Định. Nhưng từ đầu năm 1955, Diệm ban hành các dụ số 27 và 57 về
“cải cách điền địa”, truất quyền sở hữu đất đai của dân chuyển về tay chính quyền và địa chủ, bắt
nông dân trở lại chế độ làm khế ước, đóng địa tô. Nguy cơ bị mất hết đất đai mới được cấp khiến
nông dân hết sức phẫn nộ. Nông dân ngoại thành Sài Gòn còn bị đuổi khỏi các vùng đất đang sinh
sống để chính quyền Diệm xây dựng các căn cứ, sân bay, khu dinh điền để tạo vành đai an toàn
cho Sài Gòn . Về quân sự, địch lập các đội bảo an quận, các tiểu đội dân vệ xã, xây dựng thêm đồn
bót, nhất là dọc theo quốc lộ 1 và các tỉnh lộ 7, 8, 15. Cùng với việc giám sát từng nhà, từng người
thông qua các hình thức “liên gia” và bộ máy kềm kẹp từ trung ương đến xóm, ấp, chính quyền
Diệm còn tổ chức “Phong trào cách mạng quốc gia”, “Thanh niên cộng hòa”, “Phụ nữ liên
đới”…để “đoàn kết quốc gia loại trừ cộng sản”. Các gia đình có người thân tập kết hoặc từng đi
theo kháng chiến thường xuyên bị tập trung học tập “tố cộng”, “cải huấn”, “tẩy não”…Phụ nữ bị
buộc phải ly khai chồng, con v.v…Tất cả các thủ đoạn trên đều nhằm làm cho cán bộ, đảng viên
và nhân dân phải sợ hãi, khủng khiếp mà khuất phục.
Ở tỉnh Gia Định, sau năm 1954, Tỉnh ủy thực hiện phân loại đảng viên, khiến số đảng viên còn
hoạt động giảm hẳn. Sau chiến dịch Trương Tấn Bửu, trước tổn thất lớn, Tỉnh ủy chủ trương “điều
lắng”. Những biện pháp đối phó có tính bị động và thúc thủ này của tỉnh không hạn chế được thiệt
hại lại còn làm cho lực lượng của tỉnh bị tổn thất lớn trước sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù.
Vì tuân thủ kỷ luật Đảng, một số đảng viên có súng trong người mà không dám bắn, đành chịu
để địch bắt. Nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt cóc, thủ tiêu. Tháng 4 năm 1956, tên cai tổng Cộng, ác
ôn khét tiếng ở Củ Chi cho tay chân mổ bụng 16 người dân xã Phú Hòa Đông vì “tội” đấu tranh
đòi thi hành Hiệp định [77, tr. 290]. Những vụ sát hại dã man như thế liên tiếp diễn ra, đã làm cho
đảng viên và quần chúng sớm nhận thức được bản chất của kẻ thù và báo trước con đường tất yếu
của nhân dân miền Nam là phải võ trang, chứ không thể đơn thuần đấu lý với kẻ thù được.
Từ tháng 6 năm 1956, trước những hành động phá hoại Hiệp định Giơnevơ, đàn áp những
người cách mạng của chính quyền Mỹ - Diệm, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết về
“Tình hình nhiệm vụ cách mạng miền Nam” xác định hình thức đấu tranh phổ biến ở miền Nam
trong giai đoạn này là đấu tranh chính trị, không phải đấu tranh vũ trang, nhưng chỉ rõ: “Như thế
không có nghĩa không dùng võ trang tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định”, “cần thiết phải
củng cố các lực lượng vũ trang và bán vũ trang hiện có và xây dựng các căn cứ làm chỗ dựa”[77,
tr. 297]. Chỉ thị cho thấy Bộ Chính trị đã sớm nhìn thấy khuynh hướng phát triển tất yếu của cách
mạng miền Nam. Tuy nhiên, việc phổ biến tinh thần nghị quyết từ trên xuống tới Chi bộ là việc
hết sức gay go, thậm chí Nghị quyết không đến được từng khu vực quan trọng của Nam Bộ, trong
đó có Sài Gòn – Gia Định, cho nên lực lượng cách mạng đã bị hao tổn nhiều.
Từ thực tiễn tổn thất to lớn của các Đảng bộ và nhân dân miền Nam, Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo
chuyển hướng, “trong chừng mực nào đó cần phải có lực lượng tự vệ và vũ trang tuyên truyền để
hổ trợ cho đấu tranh chính trị và tiến tới sau này phát triển lực lượng đó để đánh đổ ngụy
quyền”[77, tr. 297]. Xứ ủy xác định: “Con đường tất yếu của cách mạng miền Nam là bạo lực,
chủ trương tích cực xây dựng lực lượng vũ trang tuyên truyền, lập các đội vũ trang bí mật, xây
dựng căn cứ rừng núi…” [77, tr. 298]. Nghị quyết 6 Bộ Chính trị tháng 12 năm 1956 là cái mốc
đánh dấu việc chính thức tái lập lực lượng vũ trang và các căn cứ địa kháng chiến ở Nam Bộ nói
chung và Củ Chi nói riêng.
Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ có hiệu lực, bộ đội ta rút khỏi các căn cứ, tập kết ra Bắc. Vì
vậy, sau tháng 7 năm 1954, các căn cứ không còn những hoạt động kháng chiến. Trong khi đó, các
chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” của Mỹ - Diệm đã khiến cho nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sĩ,
cơ sở cách mạng… không còn sống trong dân được nữa, buộc phải rút vào các vùng căn cứ cũ thời
kháng chiến chống Pháp để tránh né sự khủng bố. Ở Củ Chi, việc xây dựng căn cứ, đào hầm bí
mật, địa đạo được xúc tiến, nhất là phát triển hệ thống địa đạo ở Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An
và các xã phía Bắc quận như: Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, Trung Lập…để làm nơi đứng chân
của các cơ quan và chỗ dựa để các đơn vị vũ trang xây dựng lực lượng và chiến đấu chống địch
khủng bố, càn quét.
Từ năm 1955, một bộ phận của Tỉnh ủy Gia Định đóng cơ quan tại nhà bà Võ Thị Khâu ở ấp
Ba Sòng (xã An Nhơn Tây), gồm các đồng chí: Sáu Thấm, Tám Gân, Thuần, Thả.
Năm 1956, các đồng chí lãnh đạo của Liên Tỉnh ủy miền Đông như: Tư Trường, Bảy Khánh,
Sáu Khiêm, Tư Hùng được bố trí ăn ở và làm việc tại nhà bà Chín Gốc, bà Tư Mài và ông Sáu
Xẳng tại ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây.
Năm 1957, địa bàn của Liên Tỉnh ủy miền Đông được mở rộng ra khu vực quốc lộ 1 (quốc lộ
22 ngày nay). Căn cứ của Liên Tỉnh ủy được xây dựng tại ấp Đồng Lớn (nhà bà Hai Kiểu, nhà anh
Tám Xu, nhà anh Út Khi), xã Trung Lập. Ở ấp Ràng (xã Trung Lập), các đồng chí lãnh đạo như:
Sáu Khiêm, Trọng Tuyển, Hai Bình, Ba Cát, Tư Hùng cũng đứng chân hoạt động tại nhà anh Tư
Túc, nhà bà Đen, được nhân dân che giấu, bảo vệ. Trong thời gian này, Chi bộ đã chọn ra 8 đồng
chí đảng viên và đoàn viên để đào hầm gắn liền với hệ thống địa đạo: 1 hầm giành cho Văn phòng
Tỉnh ủy Gia Định làm nơi cất giấu tài liệu (ở rừng nhà ông Ba Lên), 2 hầm làm nơi hội nghị của
Tỉnh ủy (ở rừng phía sau nhà anh Thành). Ngoài ra, còn nhiều hầm bí mật trong nhà, trong vườn
tre, trúc… như ở nhà bà Hai Mành, bà Võ Thị Khâu cũng được gấp rút xây dựng để nuôi giấu cán
bộ, làm nơi chôn vũ khí. Trong rừng nhà ông Võ Văn Mãi còn có hộp thư bí mật, trực tiếp bỏ và
lấy thư hàng ngày là anh Tư Bên, nguyên là Quận đội phó Quận đội Hóc Môn và đồng chí Nguyễn
Văn Quyết, đảng viên Chi bộ ấp Ba Sòng. Như vậy, một số ấp của xã An Nhơn Tây, Trung Lập là
nơi đứng chân đầu tiên, là chỗ dựa để Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh, từng bước xây dựng lực
lượng kháng chiến, là nhân tố khởi đầu của hậu phương tại chỗ trên địa bàn Củ Chi.
Nối tiếp truyền thống trong kháng chiến chống Pháp, Củ Chi sớm xuất hiện và phát triển lực
lượng vũ trang tự vệ. Hầu hết mỗi xã có 2 tổ tự vệ, có nơi lên tới tiểu đội vũ trang và bán vũ trang.
Đến năm 1957, các xã Phú Hòa Đông, An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Phú Mỹ Hưng, Trung Lập
…lập được các tổ du kích và tự vệ từ 3 đến 7 người, trang bị bằng những vật dụng thô sơ, hoạt
động dưới danh nghĩa là các đội chống trộm cướp để bảo vệ Đảng, cán bộ, trừng trị những tên ác
ôn khét tiếng chuyên rình mò, lùng bắt cán bộ, hỗ trợ quần chúng đấu tranh chống đuổi nhà, cướp
đất, chống bắn pháo bừa bãi, đòi tự do đi lại, làm ăn. Nhờ có các đội vũ trang và bán vũ trang này,
một số cơ sở Đảng được an toàn, vai trò lãnh đạo của Đảng vẫn xuyên suốt từ trên xuống tới xã,
ấp.
Như vậy, việc tổ chức lực lượng vũ trang và khôi phục lại các căn cứ cũ thời kháng chiến
chống Pháp đã có tác dụng hạn chế một phần sự khủng bố của địch, chuẩn bị điều kiện để tiến lên
kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Hoạt động diệt ác, ngăn chặn khủng bố của địch
được đẩy mạnh,… đã làm cho tình hình an ninh của địch ngày càng bất ổn. Tuy nhiên, cho tới thời
gian này, hoạt động vũ trang mới được nhen nhóm nên chưa rộng khắp, ta chưa có cơ sở vững
chắc và điều kiện để đẩy mạnh phong trào đấu tranh vũ trang để thực sự hỗ trợ cho đấu tranh chính
trị của quần chúng diễn ra sôi động và liên tục.
1.3.2. Phong trào “Đồng khởi” và sự hình thành khu căn cứ cách mạng ở Củ Chi
Tháng 4 năm 1959, “Quốc hội” của Diệm thông qua Luật 10/59 (ban hành ngày 6 tháng 5 năm
1959) về thành lập các “Tòa án quân sự đặc biệt”. Theo luật 10/59, tội chỉ xử có 2 mức: tử hình và
khổ sai chung thân. Ở Củ Chi, máy chém của Diệm đặt giữa các chợ Trung Hòa, Tân An Hội với
lời đe dọa: “Ai liên quan đến cộng sản sẽ mất đầu”. Cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng
bị tổn thất lớn lao chưa từng có. Cho đến năm 1959, ở Củ Chi đã có 500 người bị moi gan, mổ
bụng, 600 người bị dồn vào bao bố cột đá dìm xuống sông, 150 người bị buộc vào sau xe ô tô kéo
trên đường đá…Toàn bộ số cán bộ ở Củ Chi bị bắt, bị giết lên đến 75% [76, tr. 310].
Từ thực tế tổn thất này, ta có thể thấy rằng: “Do khuyết điểm bọc lộ lực luợng trong cao trào
đấu tranh chính trị, khi địch đã lộ mặt phát xít, ta không kịp chuyển hướng tổ chức và lâm vào thế
bị động” [77, tr. 311]. Tháng 11 và 12 năm 1959, Trung ương Cục họp bàn thực hiện Nghị quyết
15, quyết định đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh vũ trang hỗ trợ đấu tranh chính trị nhằm chuyển thế
cách mạng đồng loạt trên nhiều xã, ấp ở Nam Bộ.
Cuối năm 1959, Xứ ủy đã cử đồng chí Võ Văn Kiệt và cả một tập thể cán bộ Đảng bổ sung về
thành phố, với trách nhiệm quan trọng nhất lúc này là nhanh chóng khôi phục lại lực lượng cách
mạng ở thành phố. Theo đề nghị của đồng chí Võ Văn Kiệt, Xứ ủy chấp thuận giải thể Khu Sài
Gòn – Chợ Lớn và tỉnh Gia Định, lập thành Khu Sài Gòn – Gia Định, tạo thế liên hoàn nông thôn -
đô thị. Địa bàn một số quận, huyện cũng được tổ chức lại. Trong đó, quận Hóc Môn được chia
thành 2 quận Hóc Môn và Củ Chi. Cơ quan lãnh đạo và chỉ huy Khu Sài Gòn – Gia Định đứng
chân tại vùng Hố Bò, xã Phú Mỹ Hưng. Do nằm sát nách Sài Gòn nên căn cứ của Khu ủy, Quân
khu Sài Gòn – Gia Định được xây dựng thành căn cứ địa đạo. Hình thức căn cứ địa đạo này đã
xuất hiện ở Củ Chi từ những năm 1947, 1948 trong kháng chiến chống Pháp, nhưng chỉ mới gồm
một số đoạn ngắn, nay được xây dựng qui mô hơn, khoa học hơn, tạo thành một hệ thống liên
hoàn giữa các xã, đủ sức chứa hàng ngàn con người làm việc, sinh hoạt và chiến đấu. Từ căn cứ
này, các cán bộ, đảng viên bung ra đi gây dựng, khôi phục lại cơ sở, phát triển lực lượng chính trị.
Tháng 10 năm 1959, các cấp ủy cơ sở đã sinh hoạt, tập hợp các chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên
đủ để thành lập một tiểu đội vũ trang. Vì quân số có 13 người nên lấy số hiệu 13 để đặt tên.
Tháng 12 năm 1959, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định thành lập trung đội vũ trang đầu tiên của Khu
tại Củ Chi. Để che mắt địch, trung đội lấy tên Cao – Hòa – Bình (Cao Đài – Hòa Hảo – Bình
Xuyên), đội lốt danh nghĩa giáo phái để hoạt động. Vũ khí của trung đội gồm 70 khẩu súng vừa