CẢNH BÁO TÌNH TRẠNG THANH THIẾU NIÊN PHẠM TỘI
Trong 5 năm trở lại đây, tình hình trẻ em phạm tội có giảm, tuy nhiên diễn biến còn khá
phức tạp. Đặc biệt tính chất của tội phạm ngày càng nguy hiểm, trẻ em mắc phải những
tội phạm nghiêm trọng như cướp của, giết người, vận chuyển ma túy.
Năm qua, riêng trẻ em dưới 14 tuổi có 7000 vụ vi phạm, chiếm đến 70% tội phạm vị thành niên dưới
18 tuổi. Con số này là một lời cảnh báo về tình trạng trẻ em nhỏ tuổi phạm tội.
Muôn nẻo đường dẫn đến tội lỗi
Ngồi đối diện với chúng tôi trong trại giam Ngọc Lý thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo
dục, trường giáo dưỡng - Bộ Công an là một thiếu niên mảnh dẻ, người quản giáo giới thiệu tên là
Trần Hữu Kiên (sinh năm 1989).
- Kiên phạm tội gì?
- Dạ, em tội giết người.
Tiếng nói nhỏ, hơi ngập ngừng. Khuôn mặt có vẻ quá hiền với đối tượng từng cướp đi mạng sống một
người.
Lẽ ra cậu học sinh trường cấp II Trung Nghĩa, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên ấy sẽ như bao bạn bè ở làng
quê thuần nông, tiếp nối những năm tháng học trò trong trẻo nếu không có cái ngày định mệnh –
19/6/2003. Giờ đây, sau hơn 2 năm, khi kể cho chúng tôi nghe, em vẫn không cắt nghĩa nổi tại sao lại
xảy ra hành động như vậy. Cả gia đình em, bố mẹ suốt ngày chỉ biết có việc đồng áng nuôi 4 đứa con
ăn học, và cả thầy cô cũng không thể hiểu tại sao người học sinh vốn hiền lành ấy lại gây ra sự việc
khủng khiếp như vậy. Sự việc bắt đầu trong một lần đi học, cậu bạn ngổ ngáo cùng lớp gây gổ với
Kiên, đang cầm con dao dọc giấy trong tay, Kiên đâm bạn một nhát vào bụng, làm cậu bạn tử vong.
Trước đó hai người không có mâu thuẫn gì…
- Vào trại cải tạo như thế này, Kiên nghĩ gì?
- Chỉ do một chút sơ xuất mà phải đi trại với mức án cao, em chỉ biết cố gắng cải tạo để sớm trở về
gia đình và có nhắn nhủ là những thanh niên cùng tuổi ở ngoài xã hội cần biết cố gắng không đánh
nhau! Chỉ một chút sơ xuất mà bây giờ phải gánh chịu một hậu quả lớn, khiến cho bố mẹ hết sức đau
khổ….
Chỉ trong một lúc không kiềm chế, nhát dao ấy đã lấy đi cuộc sống của một học sinh và một phần
tương lai của một thiếu niên khác. Trước khi chia tay chúng tôi, Trần Hữu Kiên nói: Nhớ lại hành vi
phạm tội của mình, em lại day dứt khi nhớ đến những giọt nước mắt lăn dài của mẹ khi Công an đến
bắt, khi nghe toà xử và ngày tiễn em vào trại. Chiều đông, bóng Kiên lầm lũi trở về buồng giam, án
phạt 96 tháng tù giam là dài, song có lẽ hậu quả của nó sẽ ám ảnh Kiên lâu hơn.
Cũng đang thụ án tại trại giam Ngọc Lý còn có 120 đối tượng vị thành niên khác. 48 tháng tù giam, đó
là bản án dành cho Nguyễn Xuân Long (sinh năm 1988, ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc) vì tội cướp tài sản.
Cậu thiếu niên có khuôn mặt tròn mập mạp ấy hồn nhiên kể về gia đình, về quê hương và khoe “5 chị
em quý nhau lắm… quê cháu không phải thành phố nhưng nhiều hàng quán lắm”…
Khi tôi hỏi vì sao lại đi cướp, cậu bé nói “do chơi điện tử”. Chỉ vì ham chơi điện tử, nhất là khi trò chơi
điện tử trực tuyến (game online) xuất hiện, Long đã thường xuyên lui tới hàng internet để theo đuổi
các trò chơi ảo, tốn tiền thật. Mỗi ngày chơi điện tử hết 20 – 30 ngàn đồng, số tiền ấy em xin bố mẹ
với đủ lý do, sau thì vay bạn bè… Nhưng với tốc độ “chơi” như vậy nên số tiền vay chẳng đủ, tiền nợ
chủ quán lên hơn trăm nghìn. Do không có tiền trả nợ, tối 15 và 16/6/2004, Long cùng nhóm bạn chặn
cướp xe máy.
Nhóm thanh thiếu niên đó gồm 9 người, lớn nhất sinh năm 1981, nhỏ nhất sinh năm 1990, rủ đi nhau
đi cướp lấy tiền tiêu! Đang thiếu tiền trả nợ, đêm đó không muốn về nhà nên Nguyễn Xuân Long đi
theo bạn xấu.
“Cả bọn mang 1 con dao và 2 ống tuýp ra đường chặn xe máy. Dao thằng Tùng mang nhưng cháu
cầm. Khi gặp đối tượng thì đe doạ, người ta đưa tiền cho thì về luôn…”- Long kể.
- Bố mẹ có biết Long đi cướp không?
- Bố mẹ cháu không biết hành vi của cháu. Một thời gian sau khi Công an huyện xuống bắt thì mới
biết… Cháu ân hận vì đã dại dột và cháu sẽ quyết tâm cải tạo tốt để sớm trở về.
Trường hợp vi phạm pháp luật chỉ vì ham chơi điện tử, ham mê vào “chat” như Nguyễn Xuân Long
không phải ít. Đầu tháng 12/2005, Công an phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã bắt
giữ một nhóm trẻ em hư tuổi từ 13 – 15 thường xuyên uy hiếp, cưỡng đoạt tài sản của học sinh là
Nguyễn Đức Vinh (sinh năm 1992, trú tại phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng), Lê Bá Lâm (sinh
năm 1991, nhà ở khu bãi rác Thành Công, quận Đống Đa), Lê Trung Hiếu (sinh năm 1990, ở phường
Bạch Mai) và Nguyễn Anh Dũng (sinh năm 1992, nhà ở Bãi rác Thành Công). Vì sao các em này
phạm pháp? Qua điều tra của Cơ quan Công an, các đối tượng này thường chơi điện tử, hút thuốc lá.
Mỗi lần cưỡng đoạt, trấn được tiền, xe thì cả bọn chia 2 nhóm - một nhóm đi bán xe, một nhóm ra cửa
hàng điện tử trên phố Minh Khai đợi. Trong nhóm 4 trẻ này, Vinh và Hiếu đang phải sống dựa vào họ
hàng vì bố mẹ đang thụ án tù. Còn Lê Bá Lâm và Nguyễn Anh Dũng thì gia đình đều nghèo, mải làm
ăn nên có khi con bỏ đi mấy ngày bố mẹ không biết…
Nguyên nhân và giải pháp
Trong 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xẩy ra 197 vụ vị thành niên phạm tội với 310 đối
tượng. Số vụ việc trẻ vị thành niên phạm tội tăng nhiều. Nếu năm 2000 toàn tỉnh có 9 vụ với 16 đối
tượng gây án thì đến năm 2003 là 19 vụ - 38 đối tượng; năm 2004 xẩy ra 152 vụ với 179 đối tượng.
Đáng chú ý là tính chất, hành vi vi phạm ngày càng táo bạo và nghiêm trọng hơn. Tuổi của các đối
tượng phạm tội có nguy cơ trẻ hoá, có đến 35 em dưới 14 tuổi (chiếm 11%), 83 em từ 14 – 16 tuổi…
Điều đó đã tác động trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Anh Giàng Seo Vần, Phó Bí thư tỉnh Đoàn Lào Cai cho biết: công tác giáo dục, quản lý thanh thiếu
niên ở đây còn nhiều khó khăn. Nếu như các anh được cung cấp những loại tài liệu trực quan nhiều
hơn như sách, báo, tranh ảnh, đặc biệt là các tờ rơi hay băng video, băng cassette bằng tiếng dân tộc
thì việc tuyên truyền thanh thiếu niên hiểu biết pháp luật sẽ tốt hơn. Là tỉnh miền núi biên giới nên ở
Lào Cai nguyên nhân dẫn đến tình trạng vị thành niên phạm tội không giống như ở vùng xuôi. Có
trường hợp học xong lớp 9, không có điều kiện học lên cao hơn mà nghề thì chưa có, do thường tụ
tập ở trung tâm cụm xã để chơi bời thiếu tiền để trả cho các quán, các em tiếp tay cho bọn tội phạm
như vận chuyển ma tuý thuê… Hay chỉ vì xích mích nhỏ mà các em dùng hung khí đánh nhau gây
nguy hại đến tính mạng.
Thượng tá Đào Xuân Hanh - trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội cho rằng, để
quản lý thanh thiếu niên hư, nhất là số đã bỏ học thì Chính quyền, các đoàn thể cần tạo điều kiện cho
các em được học nghề; tạo ra những điểm vui chơi lành mạnh để thu hút các em, hạn chế các em
đua đòi, vi phạm pháp luật.
Nói về nguyên nhân vị thành niên phạm tội, ông Nguyễn Đình Thiết- Vụ trưởng Vụ Trẻ em (Ủy ban
Dân số Gia đình và Trẻ em) cho rằng: có nguyên nhân rất cơ bản là các em không được gia đình giáo
dục, giám sát đến nơi đến chốn. Thực tế những em phạm tội thường thiếu sự giám sát của gia đình.
Cũng có thể gia đình khó khăn, bố mẹ phải kiếm sống nên thiếu quan tâm tới con; và cũng không loại
trừ những gia đình khá giả, bố mẹ quá quan tâm đến làm ăn kinh tế mà không dành thời gian để chăm
sóc con em mình. Một số em bỏ học, không đến trường cho nên nhận thức và khả năng tiếp thu của
các em cũng hạn chế, dễ dẫn tới phạm tội.
Thậm chí đôi khi việc bùng nổ các phương tiện nghe nhìn - giải trí nhưng kiểm soát không chặt chẽ
như hiện nay cũng là một nguyên nhân khiến các em phạm tội, ví dụ như các em có điều kiện tiếp xúc
với nhiều văn hoá lạ, văn hoá độc hại qua internet. Bản thân các em càng trẻ, càng không ý thức
được việc mình làm nên hành động phạm tội của các em dẫn đến hiệu quả rất nghiêm trọng.
Theo ông Nguyễn Đình Thiết, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em có nhiều chương trình để bảo vệ,
chăm sóc và giáo dục Trẻ em, trong đó có chương trình khá tổng quát là Chương trình hành động
quốc gia Vì trẻ em từ năm 2001 – 2010, trong đó có việc phong chống tội phạm trẻ em, bảo vệ trẻ em.
“Gần đây chúng tôi có chương trình hưởng ứng lời kêu gọi của Đại hội đồng Liên hợp Quốc để xây
dựng một thế giới phù hợp với trẻ em. Ở Việt Nam chúng ta kêu gọi xây dựng môi trường, xây dựng
xã phường phù hợp với trẻ em, và nhấn mạnh vào việc xây dựng môi trường tốt đẹp, trong lành để trẻ
em được phát triển bình thường. Điều này rất quan trọng vì đôi khi chúng ta nhấn mạnh nhiều vào
học tập, vào đạo đức mà môi trường xung quanh chưa tốt thì trẻ em dễ bị cám dỗ. Các em chưa suy
nghĩ được sâu sắc, nên dễ bị lôi kéo…”.
Ông Thiết cho rằng, muốn hạn chế được trẻ em vi phạm pháp luật hay phạm tội cũng như để bảo vệ
trẻ em tốt hơn thì trước hết phải đề cao vai trò của gia đình. Bộ Chính trị đã có chỉ thị về kiện toàn xây
dựng gia đình, chúng ta cũng đã có chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam và đã tổ chức nhiều hoạt
động liên quan đến gia đình… Đối với trẻ em, vai trò của gia đình có tính chất quyết định và là vai trò
đầu tiên, trên hết, sau đó là nhà trường và xã hội. Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đang xây dựng
một chiến lược bảo vệ trẻ em trong giai đoạn mới từ 2006 – 2010 và đến tầm nhìn 2020, nếu được
Chính phủ phê duyệt thì đây là một trong những cơ sở pháp lý để bảo vệ trẻ em tốt hơn.
Theo một thống kê của thạc sĩ Trần Đức Châm, (công tác tại Học viện An ninh nhân dân - Bộ Công
an) thì số trẻ em phạm tội hình sự có nguyên nhân chính là từ gia đình: tại trường giáo dưỡng số 2 -
Bộ Công an có 60 – 70% em vi phạm pháp luật là do gia đình không giáo dục nghiêm khắc; ở trại
giam Thanh Xuân - Bộ Công an thì 57% phạm nhân ở tuổi thanh thiếu niên hay bị bố mẹ mắng chửi,
hay có người thân nghiện hút, cờ bạc… Những em thiếu sự quan tâm của bố mẹ sẽ dễ bị lôi kéo vào
các hoạt động phạm pháp. Hoặc các em sẽ dễ tái phạm tội nếu sau khi hết thời gian giáo dục cải tạo
về địa phương mà không được quan tâm, quản lý.
Mỗi gia đình cần quan tâm chăm sóc hơn đến con em mình, thực sự là chỗ dựa đầu tiên của các em,
đặc biệt là trong lứa tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ hơn của các ngành, đoàn
thể liên quan cũng như chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, hạn
chế nguy cơ phạm tội trong lứa tuổi này./.