Sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ nhỏ
- thế nào là đúng?
Dùng kháng sinh là hình thức hỗ trợ một cách đắc lực cho
cơ thể chống lại tác nhân gây nhiễm trùng, cụ thể là vi
khuẩn hoặc vi nấm chứ không phải tác nhân gây nhiễm
trùng là virut, như trong bệnh viêm gan virut, sởi, thủy
đậu, HIV/AIDS, Herpes Trừ trường hợp bị nhiễm trùng
bởi virut nhưng có bội nhiễm thêm vi khuẩn (viêm phế
quản - phổi sau cúm, thủy đậu gây nhiễm trùng da ) thì
mới cần dùng đến kháng sinh. Để biết khi nào nên sử
dụng kháng sinh cho trẻ cần hiểu rõ kháng sinh.
Kháng sinh là gì?
Kháng sinh là một vũ khí lợi hại để chữa các bệnh nhiễm
khuẩn. Kháng sinh là một chất mà ngay ở nồng độ thấp
nhất cũng có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển
của vi khuẩn (vi nấm). Tuy nhiên, chúng ta cần thấy hết
những phản ứng và tác phụ của nó đối với người bệnh
nhất là đối với trẻ em.
Trẻ nhỏ dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Nhiều cháu
được cứu sống nhờ có các loại thuốc kháng sinh. Song
không vì thế mà lạm dụng, ngược lại, phải hết sức thận
trọng khi dùng thuốc kháng sinh cho trẻ nhỏ, bởi khi mới
sinh ra, nhiều cơ quan trong cơ thể của trẻ chưa phát triển
đầy đủ, chức năng hoạt động của các cơ quan cũng chưa
hoàn chỉnh. Mặt khác sự phân phối kháng sinh trong cơ
thể cũng khác người lớn vì tỷ lệ nước trong cơ thể trẻ
nhiều hơn, do đó liều lượng, cách dùng thuốc phải rất thận
trọng.
Khi nào thì dùng kháng sinh cho trẻ?
Hiện nay vẫn còn có hiện tượng tự mua thuốc để điều trị
cho trẻ cho dù không biết trẻ bị bệnh gì, nghĩa là người
mẹ cứ thấy con mình ho, hắt hơi, sổ mũi hoặc hơi sốt
(thậm chí người mẹ cũng không cặp nhiệt độ để đo nhiệt
độ cho trẻ mà chỉ phỏng đoán hoặc sờ vào trán con rồi
nghĩ là cháu có sốt mà thôi). Vì vậy muốn biết trẻ có nên
dùng thuốc kháng sinh hay không nhất thiết phải có ý
kiến của bác sĩ, nếu có điều kiện đi khám bác sĩ chuyên
khoa nhi thì càng tốt.
Chỉ dùng kháng sinh cho trẻ khi bác sĩ thấy cháu có các
triệu chứng lâm sàng về nhiễm trùng nghi do vi khuẩn
(hoặc vi nấm), ví dụ có dấu hiệu viêm nhiễm như sưng,
nóng, đỏ, đau trong một số bệnh viêm cơ, áp-xe cơ hoặc
trong các bệnh về đường hô hấp (viêm phế quản - phổi ),
trong các bệnh về tai, mũi, họng như VA, amidan, viêm
tai hoặc mắc bệnh do virut nhưng có bội nhiễm thêm vi
khuẩn như viêm phế quản sau sởi, nhiễm trùng da do thủy
đậu.
Ngoài các triệu chứng lâm sàng thì một số chỉ số về cận
lâm sàng cũng đóng góp một cách đáng kể giúp thầy
thuốc lâm sàng chẩn đoán bệnh nhiễm khuẩn một cách
chính xác hơn để có hướng dùng kháng sinh hay không.
Ví dụ như tốc độ lắng máu, chỉ số bạch cầu trung tính,
tiểu cầu hoặc cấy máu tìm vi khuẩn trong các trường hợp
nghi nhiễm trùng huyết do vi khuẩn (vi nấm). Khi bác sĩ
đã tìm ra nguyên nhân và chẩn đoán chắc chắn trẻ có mắc
bệnh nhiễm khuẩn thì lúc đó bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể
dùng thuốc kháng sinh gì, mỗi ngày dùng bao nhiêu là đủ,
thuốc đó dùng bằng cách nào (uống, tiêm hay đặt hậu
môn ). Khi đã có đơn của bác sĩ người mẹ cần tuân thủ
dùng đúng chỉ định, tuyệt đối không tự ý đổi tên thuốc
(việc này có thể gặp ở một số quầy thuốc tư nhân, dược sĩ
muốn bán được loại thuốc mình có cho nên cứ tư vấn theo
hướng đó để bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân mua
thuốc của mình bất chấp người bệnh đã có đơn của bác
sĩ).
Để đề phòng trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh không
hiệu quả hoặc hiệu quả kém bởi một lý do nào đó, ví dụ vi
khuẩn đã kháng lại thuốc kháng sinh đó chẳng hạn hoặc
loại thuốc đó không phù hợp như uống vào buồn nôn,
thậm chí bị dị ứng thì cần đến gặp lại bác sĩ đã khám và
kê đơn để được tư vấn thêm và có hướng xử lý thích hợp.
Tuyệt đối không tự tiện đổi thuốc