Quy trình kỹ thuật trồng sắn đạt năng suất cao, bền
vững cho vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (p2)
IX. Thu hoạch và bảo quản
Thu hoạch sắn đúng thời điểm (thường tùy theo chu kỳ sinh trưởng của từng
loại giống), khi hàm lượng tinh bột trong củ đạt từ 27 - 30%, hoặc khi cây đã
rụng gần hết lá ngọn (còn lại khoảng 7 - 10 lá) và lá đã chuyển từ màu xanh
sang vàng nhạt. Có nhiều phương pháp thu hoạch khác nhau: bằng cơ giới,
bằng các dụng cụ thủ công và nhổ trực tiếp bằng tay. Thu hoạch đến đâu cần
vận chuyển ngay đến các cơ sở chế biến, tránh để lâu hoặc phơi nắng ngoài
đồng làm giảm hàm lượng và chất lượng tinh bột trong củ.
X. Một số giống sắn khuyến nông ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên
1. Giống KM94
KM94 (đối chứng 1) là giống sắn công nghiệp được trồng phổ biến nhất của
Việt Nam. KM94 là con lai của tổ hợp lai Rayong1 x Rayong90 (chung
nguồn gốc bố mẹ với giống sắn KU50 - Kasetsart University 50 của Thái
Lan). Giống được chuyên gia CIAT, tiến sỹ Kazuo Kawano trực tiếp mang
dòng vào Việt Nam trong nguồn gen khảo nghiệm Liên Á. Trung tâm
Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc đã chọn dòng và khảo
nghiệm DUS từ năm 1989 đến năm 1991; khảo nghiệm VCU từ năm 1991
đến 1994. Giống sắn KM94 được công nhận quốc gia năm 1995. KM94
thuộc nhóm sắn đắng, thân cong ở phần gốc, ngọn tím, không phân nhánh ở
vùng đồng bằng nhưng lại phân nhánh cấp một ở những tỉnh miền núi; giống
ít bị nhiễm bệnh cháy lá, củ đồng đều, thịt củ màu trắng, năng suất củ tươi
28,1 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 27,4 - 29%, thời gian thu hoạch 10 - 12
tháng sau trồng.
2. Giống KM140
KM140 là con lai của tổ hợp lai KM98-1 x KM36 do Trung tâm Nghiên cứu
Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc lai tạo và giới thiệu. Giống có đặc
điểm: Thời gian thu hoạch hợp lý từ 7 - 9 tháng sau khi trồng, sớm hơn so
với giống KM94 từ 1 - 3 tháng; Năng suất củ tươi 34 tấn/ha, năng suất tinh
bột 9.45 tấn/ha, cao hơn so với năng suất củ tươi của đối chứng KM94 28.1
tấn/ha (vượt 21%), năng suất tinh bột 7,62 tấn/ha; Hàm lượng tinh bột
26,1% đến 28,5%; hàm lượng HCN 105,9 mg/kg vật chất khô; Thân thẳng,
nhặt mắt không phân nhánh ở vùng Đông Nam Bộ, phân nhánh nhẹ ở Tây
Nguyên và các tỉnh miền Bắc, thích hợp với điều kiện sinh thái Việt Nam;
Dạng củ đồng đều, thịt củ màu trắng, thích hợp với chế biến; Ít nhiễm sâu
bệnh, thích nghi nhiều vùng sinh thái.
(*)Nhược điểm:
Thời gian giữ bột ngắn hơn so với giống sắn KM94 (nếu thu hoạch muộn
hơn 10 tháng sau trồng thì hàm lượng tinh bột thấp hơn KM94).
KM1140 là giống sắn cao sản nên chỉ thích hợp với điều kiện thâm canh.
Giống KM140 hiện đã được trồng rộng rãi ở nhiều tỉnh: Đồng Nai, Tây Ninh,
Bình Phước, Đắc Nông, Bình Thuận, Bình Định, Gia Lai, Quảng Ngãi, Thừa
Thiên Huế, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái và Lào Cai với diện
tích hàng trăm nghìn hecta.
3. Giống KM98-5
Giống sắn KM98 - 5 là con lai của tổ hợp lai Rayong90 x KM98-1 do Trung
tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc lai tạo và tuyển chọn.
Giống sắn KM98-5 có các đặc điểm:
Năng suất củ tươi bình quân đạt 32,39 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 27,0%,
năng suất tinh bột 8,68 tấn/ha, tỷ lệ chất khô 40,1% và chỉ số thu hoạch
56,5%. Dạng củ đồng đều, thịt củ màu trắng, thích hợp với chế biến và thị
trường. Thời gian thu hoạch thích hợp từ 7 - 10 tháng sau trồng. Thân cong
ở phần gốc, nhặt mắt, phân nhánh và ra hoa đồng loạt ở vùng Đông Nam Bộ
và Tây Nguyên. Hàm lượng HCN 163,7mg/kg vật chất khô. Nhiễm nhẹ
bệnh đốm lá (Cercospora hanningsii), thích nghi sinh thái hẹp hơn so với
giống KM94 và KM140.
4. Giống SM937-26
Giống sắn SM937 - 26 có nguồn gốc từ CIAT Colombia, do Trung tâm
Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc nhập nội tuyển chọn và
giới thiệu. Giống SM937-26 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận
giống sản xuất thử năm 1996. Giống sắn SM997-26 có đặc điểm:
Năng suất củ tươi bình quân đạt 34,00 tấn/ ha, hàm lượng tinh bột 27,0 –
30%; Năng suất tinh bột 9,72 tấn/ha, tỷ lệ chất khô 42,1% và chỉ số thu
hoạch 62,5%. Dạng củ đồng đều, thịt củ màu trắng, thích hợp với chế biến
và thị trường. Thời gian thu hoạch thích hợp từ 9 - 11 tháng sau trồng. Thân
thẳng, nhặt mắt. Nhiễm nhẹ bệnh đốm lá (Cercospora hanningsii), thích nghi
sinh thái hẹp hơn so với giống KM94 và KM140.