Một số ý kiến đề xuất về công tác quy hoạch,
tổ chức và quản lý vùng đệm hiện nay ở Việt Nam
Võ Nguyên Huân
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
HIện nay ở Việt Nam có nhiều cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ hoặc một phần nhiệm vụ
quản lý rừng và đất lâm nghiệp trong vùng đệm, dẫn tới có sự chồng chéo về nhiệm vụ
và quyền hạn, gây nên sự lẫn lộn và không rõ ràng giữa tất cả các bên liên quan. Bài
báo này đề cập đến vấn đề cấp thiêt hiện nay là phải xây dựng những tiêu chí để xác
định và quy hoạch vùng đệm, cơ sở để xây dựng dự án đầu tư vùng đệm và thiết lập
Ban quản lý dự án để phối hợp hoạt động giữa các bên liên quan trong công tác quản
lý vùng đệm.
1. Những tiêu chí để xác định và quy hoạch vùng đệm.
Xây dựng vùng đệm nhằm mục đích bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế xã
hội. Một số vấn đề được đặt ra ở đây là: những khu bảo tồn nào thì cần xây dựng vùng
đệm? Nếu có vùng đệm thì vị trí vùng đệm ở đâu? Quy mô vùng đệm như thế
nào?…Đó là những tiêu chí để xác định và quy hoạch vùng đệm. Vấn đề này chúng tôi
có các khuyến nghị sau:
- Những KBT cần các dự án phát triển vùng đệm.
+ Tất cả các vườn quốc gia
+Những KBT chịu nhiều áp lực của dân số.
Theo khuyến nghị này thì những KBT không có hoặc ít có áp lực dân số, những
KBT mà quy mô diện tích quá nhỏ thì chưa cần có dự án phát triển vùng đệm.
- Ví trí vùng đệm: vùng đệm là vùng nằm ngoài liền kề KBT và bao quanh
KBT.
- Ranh giới vùng đệm: có ranh giới phía bên trong và ranh giới phía bên ngoài
vùng đệm.
Ranh giới phía bên trong vùng đệm là ranh giới giữa KBT và vùng đất bao
quanh KBT.
Ranh giới phía bên ngoài vùng đệm là ranh giới giữa vùng đất bao quanh KBT
với vùng đất không trực tiếp bao quanh KBT, ranh giới đó được xác định bởi các mốc
tự nhiên hoặc do con người tạo ra như: vách núi, đường mòn, đường ôtô, đường sắt,
đường sông, các con suối, hồ chứa nước…
- Quy mô vùng đệm: quy mô vùng đệm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như:
+ Mục tiêu KBT và mục tiêu phát triển vùng đệm.
+ Khả năng đất đai.
+ Hệ thống sử dụng đất truyền thống (chẳng hạn như canh tác luân canh nương
rẫy cần có diện tích vùng đệm lớn).
+ Số lượng loài và những hệ sinh thái cần được bảo vệ trong KBT (chẳng hạn
các loài thú lớn cần một không gian mở rộng để sinh sống thì diện tích vùng đệm phải
lớn).
+ Tính đa dạng sinh học của vùng đệm.
+ áp lực dân số lên tài nguyên KBT (áp lực dân số lớn thì vùng đệm phải lớn
hoặc phải có qui định chặt chẽ hơn).
+ Kết quả đàm phán giữa các bên tham gia quản lý vùng đệm (KBT, chính
quyền địa phương, cộng đồng…).
+ Nguồn tài chính đầu tư cho vùng đệm.
- Tính khả thi về sinh thái:
Có một số loài thực vật và động vật được phân bố rộng, vì vậy vùng đệm có thể
là một phần mở rộng của hệ sinh thái hoặc có chức năng như một hành lang cho sự di
cư các loài
- Tính khả thi về kinh tế:
Thiết lập một vùng đệm để bảo vệ tốt hơn KBT có lợi ích xã hội và giá trị môi
trường to lớn. Tính khả thi về kinh tế của một vùng đệm được đánh giá trên cơ sở
những chi phí và lợi ích của việc thiết lập vùng đệm và so sánh kết quả với trường hợp
mà vùng đệm không được thiết lập.
2.Vai trò và trách nhiệm trong tương lai của các bên có liên quan, mối
quan hệ hợp tác theo chiều ngang và chiều dọc trong quản lý vùng đệm và KBT.
Kết hợp giữa ngành (theo chiều dọc) và lãnh thổ (theo chiều ngang) là nguyên
tắc quan trọng của quản lý kinh tế. Sự kết hợp đó là do thống nhất hai mặt của phân
công lao động xã hội: phân công lao động theo ngành gắn liền với phân công lao động
theo lãnh thổ. Sự kết hợp đó là yếu tố khách quan, là yêu cầu thường xuyên và lâu dài
của quản lý kinh tế – xã hội. Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất càng cao, thì
việc tổ chức sản xuất lãnh thổ càng phức tạp, yêu cầu kết hợp giữa ngành và lãnh thổ
càng trở nên cấp thiết.
Sự kết hợp này làm cho việc bố trí phát triển của ngành phù hợp với yêu cầu
phát triển của vùng, tạo khả năng của vùng có thể tác động đến sự phát triển của
ngành. Nó không chỉ làm cho các ngành trong vùng kết hợp với nhau thành một tổng
thể sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy nhau cùng phát triển, mà còn tạo điều kiện cho hoạt động
của các ngành chuyên môn hóa và phát triển tổng hợp trong vùng.
Thực tế ở nhiều địa phương đã chỉ ra rằng nếu sự kết hợp giữa ngành và lãnh
thổ không thực hiện tốt thì không chỉ gây lãng phí trong sử dụng tài nguyên, đất đai,
hạn chế hiệu quả đầu tư, gây mất cân đối nghiêm trọng trong sản xuất và đời sống, mà
còn gây nên tình trạng trì trệ, kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất trong vùng.
Do đó, thực hiện tốt việc liên kết giữa ngành và lãnh thổ trong phân công sản xuất (cân
đối lãnh thổ), trong tổ chức đời sống dân cư là hết sức cần thiết và là một tất yếu khách
quan.
Sự kết hợp theo ngành và lãnh thổ trong quản lý KBT và vùng đệm là sự kết
hợp giữa các bên liên quan gồm chính quyền địa phương các cấp, ban quản lý KBT,
các lâm trường, trạm, trại lâm nghiệp….trong quản lý rừng và đất rừng. Tuy rằng các
bên liên quan có trách nhiệm và quyền hạn khác nhau, nhưng nếu họ hoạt động riêng
rẽ thì chắc chắn mục tiêu bảo tồn và phát triển sẽ không thể đạt được một cách trọn
vẹn, mà cần có mối quan hệ bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên, đặc
biệt là tài nguyên rừng.
Để có mối quan hệ hợp tác tốt trong việc quản lý KBT và vùng đệm, các bên
liên quan cần bàn bạc để xác định những vấn đề sau:
Phải xác định rõ ranh giới rừng và đất rừng thuộc quyền sử dụng của các thành
phần kinh tế khác nhau trong vùng đệm. Chủ rừng phải đăng ký với cơ quan quản lý
Nhà nước về rừng ở cấp hành chính thấp nhất.
Lập hồ sơ quản lý rừng và đất rừng rõ ràng, thống nhất.
Chủ rừng phải thực thi kế hoạch quản lý rừng bền vững.
Xác định rõ ràng chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của mỗi bên có liên
quan.
Xác định rõ lợi ích của mỗi bên liên quan.
Thỏa thuận về các ưu tiên trong quản lý và kế hoạch quản lý.
Các thủ tục giải quyết tranh chấp, thương lượng giữa các bên.
Quy chế về việc theo dõi, đánh giá và xem xét các thỏa thuận tổng hợp tác.
Về vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan (chủ yếu là chính quyền địa
phương, Ban quản lý KBT và các lâm trường) trong quản lý KBT và vùng đệm như
sau:
(1) Vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương.
- Chính quyền địa phương có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát và điều hòa mọi hoạt
động của các lâm trường và KBT trong vùng đệm;
- Quản lý và chỉ đạo việc phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng dân cư trong
vùng đệm;
- Xây dựng nội dung giáo dục cộng đồng và phối hợp với Ban quản lý KBT để có
hình thức thực hiện một cách sáng tạo, thích hợp với tập quán và phong tục của
nhân dân địa phương;
- Tham gia với vai trò có tính chất quyết định với Chính phủ, Bộ NN& PTNT về sự
phát triển của KBT, của các lâm trường ở địa phương trong việc phân bố lực lượng
sản xuất, phân vùng, quy hoạch, kiến nghị mở rộng hay thu hẹp các lâm trường và
KBT nằm trên lãnh thổ của mình;
- Quản lý thống nhất việc xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và
KBT trong vùng đệm;
- Chính quyền địa phương được quyền triệu tập hội nghị vùng gồm đại diện các lâm
trường, trạm trại và KBT trên lãnh thổ để bàn bạc phối hợp. Hội nghị được tiến
hành hàng năm hoặc cũng có thể triệu tập bất thường. Hội nghị sẽ thảo luận vấn đề
do địa phương chuẩn bị trước như:
+ Các biện pháp hợp lý hóa giữa các lâm trường, trạm, trại và KBT trong vùng
đệm.
+ Về sự phối hợp, hợp tác giữa các lâm trường, trạm, trại và KBT trong vùng
đệm;
+ Các biện pháp sử dụng hợp lý sức lao động, đất đai, tài nguyên rừng và bảo
vệ môi trường;
+ Sự phối hợp giữa các lâm trường, trạm, trại và KBT trong tổ chức đời sống
của dân cư trong vùng đệm.
- Chính quyền địa phương chăm lo đảm bảo các nhiệm vụ quản lý xã hội, an ninh,
quốc phòng…trên địa bàn; đồng thời là chỗ dựa để các lâm trường, trạm, trại và
KBT quản lý, bảo vệ và sản xuất kinh doanh, không can thiệp trực tiếp vào sản
xuất kinh doanh của các đơn vị kể trên.
- Cần tăng cường năng lực quản lý rừng và đất lâm nghiệp của các cấp chính quyền
địa phương như quy định trong luật Bảo vệ và phát triển rừng và quyết định
245/1998/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ.
(2) Vai trò và trách nhiệm của Ban quản lý KBT:
- Ban quản lý KBT là tổ chức sự nghiệp kinh tế được Ngân sách Nhà nước cấp kinh
phí để hoạt động theo nhiệm vụ quản lý, bảo vệ phát triển rừng, quản lý rừng theo
quy chế rừng đặc dụng.
- Ban quản lý rừng đặc dụng có nhiệm vụ thực hiện các công tác lâm nghiệp theo chỉ
tiêu kế hoạch Nhà nước giao và quản lý các khu rừng có nhiệm vụ phục vụ các lợi
ích xã hội là chủ yếu.
- Bản quản lý rừng đặc dụng cần xây dựng phương án quản lý, bảo vệ, phát triển
rừng đặc dụng đúng mục đích của nó. Phương án phải coi trọng nội dung tạo công
việc làm cho dân cư trên địa bàn, vì họ là thành viên không thể thiếu được trong
quá trình quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng.
- Ban quản lý rừng đặc dụng cùng với các lâm trường trong vùng đệm cung cấp dịch
vụ đầu vào và thực hiện các dịch vụ đầu ra cho các hộ thành viên, tổ chức liên kết
giữa các hộ thành viên với tổ chức cộng đồng làng bản, dòng họ để tiện việc quản
lý bảo vệ rừng được giao. Giúp dân xây dựng các mô hình vườn rừng, trại rừng,
hình thành các làng sinh thái trong vùng đệm.
(3) Vai trò và trách nhiệm của các lâm trường trong vùng đệm.
Lâm trường được Nhà nước giao cho 1 diện tích rừng và đất rừng nhất định,
một số vốn cố định và vốn lưu động để kinh doanh. Lâm trường phải sử dụng 3 yếu tố
rừng, lao động, tiền vốn để tổ chức sản xuất kinh doanh lâm nghiệp có hiệu quả và bền
vững.
- Các lâm trường quốc doanh phải coi các hộ nông dân sống trong địa bàn là các hộ
thành viên của lâm trường. Lâm trường giao khoán rừng và đất rừng cho các hộ
thành viên và tổ chức họ sản xuất theo phương thức nông lâm kết hợp. Lâm trường
làm dịch vụ đầu vào cho các hộ về vốn, kỹ thuật, tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho các
hộ. Lâm trường có nghĩa vụ nộp các loại thuế cho Nhà nước theo đúng pháp luật và
phân định rõ trách nhiệm của các hộ cùng với lâm trường thực hiện những nghĩa vụ
này. Lâm trường tổ chức quản lý rừng, trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp, tổ
chức chế biến và quản lý các nông lâm sản, tổ chức tiêu thụ các sản phẩm, đa dạng
hóa ngành nghề- kinh doanh phù hợp với đặc điểm của lâm trường.
- Lâm trường có trách nhiệm cùng với ban quản lý rừng đặc dụng và chính quyền địa
phương thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch được phân định cho các bên trong dự án
vùng đệm, xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở phúc lợi y tế, trường học… nhằm phát
triển kinh tế – xã hội trong vùng đệm.
Để tạo điều kiện cho lâm trường hoạt động tốt trong vùng đệm, đề nghị Nhà
nước thay đổi chính sách tài chính hiện hành. Theo chính sách tài chính hiện nay thì
các lâm trường bán gỗ phải nộp toàn bộ tiền bán cây đứng vào ngân sách Nhà nước,
sau đó Nhà nước cân đối lại cho lâm trường như một đơn vị hành chính sự nghiệp.
Điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho lâm trường khi hoạt động theo cơ chế thị
trường, làm cho lâm trường không chủ động được trong sản xuất kinh doanh theo luật
Bảo vệ và phát triển rừng cũng như quy chế quản lý rừng sản xuất đã quy định.
3.Cơ sở xây dựng các dự án đầu tư vùng đệm và cơ chế quản lý.
- Cơ sở để xây dựng các dự án đầu tư vùng đệm như sau:
+ Chỉ xây dựng dự án đầu tư vùng đệm đối với những KBT quan trọng, khi mà
KBT đã có luận chứng kinh tế kỹ thuật được phê duyệt.
+ Có ranh giới vùng đệm được xác định rõ ràng trên bản đồ cũng như trên thực
địa.
+ Đã có quy hoạch sử dụng đất vùng đệm được phê duyệt.
+ Đã giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế trong vùng đệm và đã có
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
+ Đã thống kê được các loài thực vật và động vật quan trọng nhất trong vùng
đệm cần được bảo tồn và bảo vệ.
+ Đã xác định được những vùng nhạy cảm, dễ bị tổn thương để có cơ chế quản
lý, đầu tư thích hợp.
+ Đã xác định được các nhân tố ảnh hưởng tới thu nhập của nhân dân vùng
đệm.
- Cơ chế quản lý
Dự án đầu tư KBT và dự án đầu tư vùng đệm đều phải do 1 cơ quan xây dựng.
Hai dự án này được trình và phê duyệt cùng một lúc. Chính dự án phát triển kinh tế –
xã hội vùng đệm, nếu chỉ đầu tư xây dựng KBT mà không đầu tư xây dựng vùng đệm
thì kết quả khó đạt được như mong muốn.
Để thực hiện tốt dự án phát triển kinh tế – xã hội vùng đệm, nên thành lập Ban
điều hành và Ban quản lý dự án. Ban điều hành dự án bao gồm đại diện chính quyền
cấp cao nhất ở các địa phương có vùng đệm, đại diện các lâm trường trong vùng đệm
và đại diện Ban quản lý KBT. Ban quản lý kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ của Ban quản lý
dự án đầu tư vùng đệm.
Ban quản lý dự án đầu tư vùng đệm chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban
điều hành dự án.
Ban quản lý KBT kiêm nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư vùng đệm có nhiều
thuận lợi như:
- Tăng cường được quyền hạn và trách nhiệm của Ban quản lý KBT trong vùng đệm.
- Có quan hệ chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan và cộng
đồng dân cư trong vùng đệm.
- Tạo điều kiện để Ban quản lý KBT kiểm soát được việc sử dụng đa dạng sinh học
trong vùng đệm.
Giảm biên chế, tổ chức gọn nhẹ, không cồng kềnh, giảm kinh phí quản lý hành
chính.
Tất cả các chương trình, dự án của các ngành, các cấp trong nước và của các tổ
chức quốc tế có liên quan tới vùng đệm đều phải thông qua và có ý kiến của Ban điều
hành và Ban quản lý vùng đệm để điều phối các nguồn vốn đầu tư một cách hợp lý.
Tốt nhất nên tập trung các nguồn vốn đầu tư về một đầu mối (chẳng hạn Ban quản lý
dự án vùng đệm) để quản lý, tránh đầu tư chồng chéo, thất thoát, lãng phí vốn.
Ban điều hành và Ban quản lý dự án vùng đệm có quyền từ chối chương trình
hoặc dự án nào có ảnh hưởng không tốt tới bảo vệ đa dạng sinh học trong KBT cũng
như vùng đệm.
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định 187/1999/QĐ- TTg ngày 16/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc
đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý lâm trường quốc doanh.
2. Lâm nghiệp Việt Nam (1945- 2000):”Quá trình phát triển và những bài học kinh
nghiệm” Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội – 2001.
3. Quyết định 245/1998/QĐ- TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc
thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp.
Summary
Proposals are made by the author for the buffer zones to be established in certain
nature reserves; location, boundary and size of the buffer zone. The author mentions at
the same time the role and responsibility of local authorities, Management boards of
the nature reserves and the State Forest enterprises in the management of the nature
reserves and the buffer zones as well as the base for formulating investment projects of
the buffer zones and project management mechanism.