Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Nghiên cứu khoa học " Bệnh hại keo tai tượng ở Lâm trường Đạ Tẻh tỉnh Lâm Đồng - nguyên nhân gây bệnh và một số biện pháp phòng trừ " pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (161.38 KB, 8 trang )

Bệnh hại keo tai tượng ở Lâm trường Đạ Tẻh tỉnh Lâm Đồng - nguyên nhân gây
bệnh và một số biện pháp phòng trừ
Phạm Quang Thu
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

1. Tình hình chung và những nghiên cứu trước đây:
Lâm trường Đạ Tẻh trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm
Đồng có gần 400 ha rừng trồng, trong đó chủ yếu là rừng trồng keo tai tượng
Acacia mangium và keo lá tràm Acacia auriculiformis. Hầu hết các rừng trồng ở
đây đều được trồng trên các lập địa có tầng đất dày, lượng mưa trung bình hàng
năm lớn. Những năm đầu cây sinh trưởng bình thường. Một vài năm gần đây,
bệnh hại thân, cành gây nứt và bong vỏ làm ngọn cây bị héo và chết, với tỷ lệ bị
bệnh từ 7 đến 59% trên một diện tích bị hại khoảng 118,5 ha (theo số liệu của Lâm
trường Đạ Tẻh). Trước tình hình đó, Lâm trường Đạ Tẻh đã cố gắng trong việc tìm
hiểu nguyên nhân gây bệnh nhằm tìm giải pháp phòng trừ dịch bệnh. Lâm trường
cũng đã nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn và quản lý trong việc
tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.
Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II, thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành điều tra,
lấy mẫu và xác định nguyên nhân gây bệnh cho keo tai tượng ở Đạ Tẻh là do 2
loại nấm ký sinh: Diplodia sp. và Verticillium sp. Nấm bệnh Verticillium thường
gây bệnh héo cho nhiều loại cây trồng nhưng chủ yếu là các loại rau, hoa, cây ăn
quả và cũng có một số loài cây rừng ở một số vùng ôn đới. Khi cây bị nhiễm bệnh,
phần dưới và phía ngoài của tán lá thường bị héo, hoặc một số cành nhỏ bị chết
(George N. Agrios, 1997). Nhưng triệu chứng bị bệnh của rừng keo tai tượng ở Đạ
Tẻh khác với mô tả ở, thường có triệu trứng chết ngọn. Đối với nấm Diplodia sp.
thường gây nên các vết loét trên thân một số loài cây gỗ và thường gây mục các
phiến gỗ có độ ẩm cao (George N. Agrios, 1997). Những triệu chứng này cũng
xuất hiện rất ít trong các khu rừng được tiến hành điều tra và lấy mẫu.
Theo Viện Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xác
định thì nguyên nhân gây bệnh là do nấm Phialophora bubakii (Laxa) Schol-
Schwarz (Xuân Đức, Báo Lâm Đồng, ngày 17 tháng 5 năm 2001). Nấm


Phialophora phần nhiều là các loài nấm thứ cấp, không phải là sinh vật gây bệnh
chính, rất dễ gặp khi tiến hành phân lập từ các tổ chức bị bệnh (Kenneth M. Old,
thông tin cá nhân).
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua đã hợp tác với Khoa
Lâm nghiệp và Lâm sản thuộc Tổ chức Khoa học và Công nghệ Ôxtrâylia nghiên
cứu về bệnh cây bạch đàn và có nhiều đợt điều tra về bệnh hại cây keo và xác định
sinh vật gây bệnh trên nhiều vùng trong cả nước. Đối với các loài keo có 2 loại
bệnh hại chính đã được phát hiện: bệnh hại lá và bệnh hại thân cành. Bệnh hại lá
điển hình gồm những bệnh sau:
- Bệnh phấn trắng do nấm Oidium spp.; thường gây bệnh cho các loài keo ở vườn
ươm và rừng trồng khi còn non.
- Bệnh bồ hóng do nấm Meliola spp.; thường gây bệnh cho các loài keo ở phần
dưới của tán, trong điều kiện bị che sáng và ẩm ướt.
- Bệnh đốm lá do tảo Cephaleuros virescens, thường xuất hiện ở vùng ẩm ướt, tán
lá dày, không thông thoáng.
- Bệnh đốm lá và cháy lá do nấm Cylindrocladium spp., nấm bệnh này gây bệnh
cho nhiều loài keo ở tất cả các bộ phận của cây như rễ, thân, cành và lá.
- Bệnh đốm lá do các loài nấm gây hại: Cercospora sp., Pseudocercospora sp.,
Phaeotrichoconis crotalariae, Collectotrichum gloeosporioides, Pestalotiopsis
spp., Phomopsis spp. và Phyllosticta sp.
Bệnh hại thân cành phát hiện được một số bệnh hại chính sau:
- Bệnh phấn hồng do nấm Corticium salmonicolor.
- Bệnh loét thân cành do nấm Botryosphaeria spp.
Trình bày trên cho thấy kết quả nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn nêu trên
có sự khác biệt với những kết quả nghiên cứu của chúng tôi. Để có cơ sở cho việc
quản lý bệnh hại này, chúng tôi đã điều tra thu mẫu và xác định nguyên nhân gây
bệnh. Bài viết này trình bày trình bày kết quả điều tra, giám định và một số định
hướng giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh.
2. Phương pháp nghiên cứu:


- Định loại nấm thông qua việc mô tả triệu trứng của bệnh ngoài hiện trường.
Quan sát và mô tả tổ chức bị bệnh bằng kính lúp cầm tay. Thu thập mẫu bệnh điển
hình. Quan sát sợi nấm, cơ quan sinh sản của nấm tại phòng thí nghiệm bằng kính
hiển vi soi nổi và kính hiển vi quang học. Trong trường hợp cần thiết tiến hành
phân lập nấm bệnh trên môi trường PDA. Từ những kết quả nghiên cứu về hình
thái, giải phẫu của nấm bệnh đối chiếu với các chuyên khảo về bệnh hại các loài
keo nhiệt đới ở Ôxtrâylia, Đông Nam Châu ávà ấnĐộ của Kenneth M. Old và cộng
sự năm 2000.
- Đánh giá tỷ lệ bị bệnh thông qua ô tiêu chuẩn 10000 m
2
.

3. Kết quả nghiên cứu:

3.1. Mô tả triệu chứng của bệnh:
Bệnh do nấm ký sinh vỏ của cành cây và thân cây. Bệnh thường xuất hiện vào đầu
mùa mưa, dấu hiệu đầu tiên bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy có những
đám màu trắng xuất hiện trên bề mặt vỏ thân cây hay cành cây ở phía bị che bóng
thường ở vị trí từ 1/5 đến 1/4 chiều cao của cây tính từ ngọn. Quan sát bằng kính
lúp cầm tay thấy tổ chức bị bệnh này có nhiều sợi nấm nhỏ, mịn màu trắng mọc
trên bề mặt của vỏ cây. Giai đoạn ngắn sau đó, các sợi nấm ăn sâu vào lớp vỏ,
hình thành nên những mụn rất nhỏ màu hồng da cam trên bề mặt vỏ cây nơi bị
nấm xâm nhiễm do các sợi nấm bất thụ, giá đảm và bào tử hữu tính của nấm. Đến
cuối mùa mưa, lớp màu hồng da cam này nhạt dần và trở thành màu trắng bẩn, vỏ
cây bị nứt ra, để lộ một phần gỗ, sợi nấm xâm nhiễm vào thân, cành cây, toàn bộ
lá của của cây từ chỗ bị nấm xâm nhiễm lên đến ngọn bị héo, chết có màu nâu và
không rụng ngay. Đỉnh ngọn cây bị chết, đổ gẫy, từ chỗ gãy, cây mọc chồi mới.
Những lô bị bệnh nặng, mùa mưa tiếp theo những chồi mới này lại tiếp tục bị
bệnh, thân cây biến dạng, có nhiều chồi ngọn, dẫn đến sinh trưởng chậm hoặc
ngừng sinh trưởng. Trường hợp nặng toàn bộ cây bị chết.

3.2. Một số đặc điểm của cơ quan sinh sản nấm:
Quan sát trên kính hiển vi quang học, giá đảm có 4 bào tử đảm, kích thước của giá
đảm như sau: chiều rộng 13,0mm, chiều dài 60,0 mm, bào tử đảm có hình oval hơi
nhọn một đầu, kích thước 6,0-7,5 x 9,1-11,2 mm.
3.3. Kết quả định loại:
Trên cơ sở triệu trứng của bệnh, hình dạng và kích thước giá đảm và bào tử đảm,
nấm gây bệnh được xác định là:
- Tên bệnh: Bệnh phấn hồng.
- Loài nấm: Corticium salmonicolor Berk. & Br.; Tên khác: Pellicularia
salmonicolor (Berk. & Br.) Dastur.
- Tên chi: Corticium Persoon.
- Họ: Corticiaceae
- Bộ: Aphyllophorales
- Lớp: Hymenomycetes.
- Ngành: Nấm đảm Basidiomycotina.
3.4. Đặc điểm về nấm bệnh:
Cây chủ: Nấm Corticium salmonicolor là một loài nấm ký sinh và gây bệnh với
nhiều loài cây chủ, đặc biệt là các loài cây công nghiệp nhiệt đới như: cây ca cao,
cây chè, cây cà phê, cây điều, cây cao su và rất nhiều loài cây rừng như: cây bạch
đàn, cây keo (Browne, 1968). Loài nấm này thường xâm nhiễm vào cành và thân
cây xuyên qua lớp vỏ, phá huỷ tầng libe làm chết cành và ngọn cây từ vị trí nấm
xâm nhiễm. Cây ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nấm xâm nhiễm.
Phân bố: Nấm gây bệnh mạnh ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và những phần ấm
hơn của vùng ôn đới.
Bệnh dịch học: Bệnh phấn hồng thường gây bệnh cho cây trồng ở những vùng có
lượng mưa cao và xuất hiện vào mùa mưa. Nấm bệnh lây lan và xâm nhiễm vào
cây ở cả 2 giai đoạn: giai đoạn bào tử đảm hữu tính (Basidiospore) và bào tử bụi
(conidia) của giai đoạn vô tính thông qua gió và nước. Quá trình hình thành và nảy
mầm của bào tử trong điều kiện ẩm ướt.
3.5. ảnhhưởng của dịch bệnh tới cây trồng:

Theo những nghiên cứu của nhiều tác giả ở nhiều nước khác nhau trên thế giới
như Malaysia, Indonesia và ấnĐộ, bệnh phấn hồng do nấm Corticium
salmonicolor nhìn chung được xem như ít khi gây nên hậu quả làm cây bị chết. Sự
thiệt hại lớn nhất là làm biến dạng hình dạng thân cây do cây bị gãy ngọn từ vị trí
nấm xâm nhiễm vào thân cây của nấm. Tuy nhiên, một số những nghiên cứu mới
đây cho thấy khi cây bị nhiễm bệnh, không được chăm sóc và phòng chống kịp
thời, cây trồng bị tái xâm nhiễm nhiều lần, cây có thể bị chết.
Theo số liệu điều tra trên ô tiêu chuẩn tại Đạ Tẻh thì tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh (gãy
ngọn) là 92%. Hiện nay, tất các các cây gãy ngọn đều đã mọc chồi trở lại. Một số
cây bị tái xâm nhiễm, chồi ngọn lại bị chết, tỷ lệ 5%. Trong trượng hợp nặng, đối
với những cá thể quá mẫn cảm, vỏ của cây do nấm xâm nhiễm làm chết và bong ra
quá nhiều, cây có thể bị chết song với tỷ lệ không lớn, từ 15-20% số cây trong ô
tiêu chuẩn.
3.6. Phòng trừ và quản lý dịch hại:
Khi bệnh được phát hiện sớm, việc phòng trừ bệnh cũng đạt được hiệu quả cao
bằng việc chọn đúng thuốc diệt nấm. Theo kết quả nghiên cứu của Lim và Khoo
năm 1985 ở Malaysia, sử dụng dung dịch Bordeaux có thành phần và tỷ lệ như
sau: CuSO
4
:CaO:H
2
O = 1:2:10 rất có hiệu quả khi rừng cao su, vườn xoài bị
nhiễm bệnh phấn hồng.
Tuy nhiên, việc phòng trừ các loại dịch bệnh nói chung và bệnh phấn hồng nói
riêng cho các cây rừng thường có chi phí lớn. Một số giải pháp sau đây có thể
được áp dụng:
- Điều tra thường xuyên phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh. Khi bệnh mới
xuất hiện, tỷ lệ bị bệnh còn ít, sử dụng thuốc Bordeaux nồng độ 1% phun hoặc
quét lên các vết bị bệnh.
- Chặt toàn bộ cây bị chết hoặc nhiễm bệnh nặng đưa ra khỏi rừng để tiêu diệt

nguồn xâm nhiễm.
- Không trồng các dòng quá mẫn cảm với bệnh gần các lô trồng cây công nghiệp
như điều và cao su.
- Chiến lược lâu dài và mang lại hiệu quả kinh tế cao là tuyển chọn các dòng, xuất
xứ có khả năng kháng bệnh trồng trên các lập địa có nguy cơ mắc bệnh cao, đặc
biệt những vùng có lượng mưa trên 2000 mm năm.
Tài liệu tham khảo
Brown, F.G. 1968. Pests and Diseases if Forest Plantation Trees: An Annotated
List of the Principal Species occurring in the Bristish Commonwealth. Clarendon
Press, Oxford, 1330p.
Chin, F.H. 1990. Pink Diseases-Its incidence and economic importance in
Saraward, Malaysia, proceedings of the 3
rd
International Conference on plant
Protection in the Tropic. Vol. IV: 156-160.
Kenneth M. Old, Lee Su See, Jyoti K. Sharma Zi Qing Yuan, 2000, A manual of
diseases of tropical acacias in Australia, South-East Asia and India 104p.
Lim T.K. & Khoo, K.C., 1985. Diseases and Disorders of mango in Malaysia.
Tropical Press Sdn. Bhd., 101p.
Summary: In recent years there appeared a disease that caused damage to tree
stems and branches resulted in cracking and peeling of the bark, wilting of tree
tops and dying of the trees. The trees were broken at the places of fungal attack,
usually at 1/5 to 1/4 of the tree length from the top. The ratis of damaged trees is
over 90% in an area of about 118,5ha. The pathological fungus is identified as
Corticium salmonicolor Berk &Br of Corticiaceae family that causes pink disease.
Pink disease is usually found on planted trees in regions with high rainfall and
usually occurs in rainy season. The pathological fungus infests the tree in both
stages: The stage of Basidiospore and the stage of conidia (Vegetative
reproduction) though wind and water. To control the disease Bordeau spraying in
done to young forest in early stage of the disease and selecting provenances highly

resistant to the disease for the sites highly vulnerable.

×