1
Một số thành tựu về cải thiện giống cây rừng
ở nước ta trong những năm gần đây
GS. Lê Đình Khả, TS. Hà Huy Thịnh
I. Mở đầu.
Công tác giống cây rừng ở nước ta được bắt đầu từ năm 1930 khi các nhà lâm nghiệp
người Pháp xây dựng một số điểm khảo nghiệm cho một số loài cây trồng rừng ở
nước ta. Sau đó, trong những năm 1950 - 1960 các khảo nghiệm cho bộ giống 18
loài bạch đàn, 15 loài thông và một số loài keo đã được tiến hành tại vùng núi Đà Lạt
mà đến nay đã thành một số loài có giá trị như Eucalyptus microcorys và E. grandis
cao 60m với đường kính 55 - 60 cm. Tuy vậy, do điều kiện chiến tranh nên trong
một thời gian dài công tác giống chỉ dừng lại ở bảo quản hạt giống và xây dựng rừng
giống là chính.
2
Sau năm 1975, đặc biệt là từ năm 1980, hoạt động cải thiện giống cây rừng mới được
đẩy mạnh trong cả nước. Các hoạt động trong thời gian đầu chủ yếu là khảo nghiệm
loài và xuất xứ. Sau đó là các hoạt động về chọn lọc cây trội, xây dựng rừng giống
và vườn giống. Những hoạt động nổi bật gần đây là phát hiện và nghiên cứu các
giống lai tự nhiên, tạo giống lai nhân tạo, nhân giống hom và nuôi cây mô phân sinh,
cũng như ứng dụng chỉ thị phân tử vào cải thiện giống cây rừng. Những hoạt động
này vừa thể hiện sự nỗ lực của những người làm công tác giống ở nước ta vừa là kết
quả của sự hợp tác quốc tế.
Cải thiện giống từ chỗ chỉ được tiến hành ở một số cơ quan nghiên cứu, đến nay đã
được tiến hành ở nhiều cơ quan nghien cứu và sản xuất như Trung tâm nghiên cứu
giống cây rừng và một số cơ sở khác của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam,
Trung tâm nghiên cứu cây nguyên liệu giấy Phù Ninh, các cơ sở của Công ty giống
lâm nghiệp trung ương, Nông lâm trường Yên Lập (Quảng Ninh), Trung tâm bảo vệ
rừng số 2 (Thanh Hoá) và nhiều cơ sở khác trong cả nước.
Thành tựu về cải thiện giống trong những năm gân đây vừa là sự áp dụng những
thành tựu mới của các nước khác vừa là sự kế thừa những nghiên cứu đã được xây
dựng trước đây mà đến nay mới có thể thấy rõ kết quả.
II. Một số thành tựu về cải thiện giống cây rừng.
3
1. Các loài cây và xuất xứ có triển vọng.
Từ các khảo nghiệm loài và xuất xứ trong những năm trước đây đến nay đã thấy
được một số loài cây thật sự có giá trị kinh tế hoặc phòng hộ và những xuất xứ có
triển vọng nhất của chúng nhằm phục vụ các chương trình trồng rừng trong cả nước.
Đó là một số xuất xứ thuộc các loài keo vùng thấp như Keo tai tượng (Acacia
mangium), Keo lá tràm (A. auriculiformis), Keo lá liềm (A. crassicarpa), Keo vùng
cao (như Keo đen A. mearnsii), Keo chịu hạn cho vùng cát khô hạn Ninh Thuận,
Bình Thuận (như A. difficilis, A. tumida, A. torulosa), cùng các loài Bạch đàn vùng
thấp (như E. urophylla, E. cloeziana, E. tereticornis, E. camaldulensis), Bạch đàn
vùng cao (như E. grandis, E. microcorys và E. urophylla). Các xuất xứ có triển vọng
được chọn trong nhóm thông là các loài Thông caribê (như Pinus caribaea var.
hondurensis), Thông ba lá (P. kesiya), Thông nhựa (P. merkusii). Thành tựu nổi bật
là một số xuất xứ được chọn của một số loài tràm có sinh trưởng nhanh gấp 2 lần
loài tràm của ta (như loài Melaleuca leucadendra) hoặc có nhiều tinh dầu (như M.
internifolia) cho vùng ngập phèn ở đồng bắng Cửu Long.
Nhiều giống trong số này đã được gây trồng trên diện rộng ở nhiều nơi trong cả
nước, trong đó một số giống đã được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật.
4
2. Các cây trội được chọn, các rừng giống và vườn giống được xây dựng.
Hàng loạt cây trội đã được chọn trong nước và ngoài nước làm cây giống để xây
dựng rừng giống và vườn giống hoặc khảo nghiệm hậu thế hay khảo nghiệm dòng vô
tính trong những năm qua. Trong đó có thể kể đến vườn giống Thông ba lá của Công
ty giống ở vùng Đà Lạt, hơn 100 cây trội của Thông ba lá và các khảo nghiệm hậu
thế của chúng tại vùng Đà Lạt và Kon Tum do Trung tâm lâm sinh Lâm Đồng xây
dựng.
Gần đây, hơn 50 ha vườn giống trong hệ thống vườn giống FORTIP đã được xây
dựng. Đây là những vườn giống do Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng phối hợp
với các đơn vị khác xây dựng cho các loài cây trồng rừng chủ yếu như Keo tai tượng,
Keo lá tràm, Keo lá liềm, Bạch đàn urô và Bạch đàn caman. Mỗi vườn gồm 140 -
160 gia đình là những cây trội được chọn từ những xuất xứ tốt nhất trong vùng. Đây
vừa là nguồn cung cấp giống quan trọng cho cả nước vừa là nơi có thể chọn ra những
cây giống cho các loại vườn giống thế hệ mới.
Bước chuyển rõ rệt của chọn giống Thông nhựa là việc chọn giống theo tính trạng
trực tiếp là sản lượng nhựa (SLN). Nhờ áp dụng phương pháp vi chích mà Trung tâm
nghiên cứu giống cây rừng đã chọn được 120 cây trội trong một số tỉnh có lượng
nhựa cao gấp 3 lần lượng nhựa trung bình. Đến thế hệ cây ghép SLN vẫn cao gấp đôi
giống sản xuất đại trà.
5
3. Giống Keo lai và một số giống Bạch đàn và Phi lao có năng suất cao được gây
trồng trên diện rộng.
Có thể nói thành tựu nổi bật nhất trong công tác giống ở nước ta là việc Trung tâm
nghiên cứu giống cây rừng phối hợp với các đơn vị khác phát hiện, nghiên cứu một
cách toàn diện, khảo nghiệm và đưa vào sử dụng giống lai tự nhiên giữa Keo tai
tượng và Keo lá tràm (gọi tắt là Keo lai). Những dòng Keo lai được chọn và đánh giá
qua khảo nghiệm như BV5, BV10, BV16, BV32 và BV33 không những có thân cây
thẳng đẹp, cành nhánh nhỏ, cho năng suất cao gấp 1,5 - 3 lần các loài keo bố mẹ mà
còn có tiềm năng bột giấy cao hơn và đặc biệt là có khả năng cải tạo đất cao hơn rất
nhiều so với các loài keo bố mẹ (Lê Đình Khả, 1999). Giống Keo lai đang là một
trong những giống cây trồng rừng chủ yếu ở nước ta. Đến nay hơn 10.000 ha Keo lai
đã được gây trồng trong cả nước.
Bên cạnh giống Keo lai là các dòng Bạch đàn urophylla như U6 nhập từ Trung Quốc
(Xí nghiệp giống thành phố Hồ Chí Minh), các dòng PN2, PN14 do Trung tâm cây
nguyên liệu giấy Phù Ninh chọn tạo. Ngoài ra, còn có các dòng Phi lao 701 và 601
được nhập của Trung Quốc (Trung tâm bảo vệ rừng số 2, Thanh Hoá) cũng là những
giống có năng suất cao, thích hợp với vùng cát ven biển.
6
4. Một số giống lai nhân tạo ở Bạch đàn và Keo được đưa vào khảo nghiệm.
Giống lai tự nhiên giữa Bạch đàn trắng và Bạch đàn đỏ (gọi là Bạch đàn lẫn) được
phát hiện trước đây có năng suất cao gấp 2 - 3 lần giống bố mẹ (Lê Đình Khả, 1970),
cũng như các giống Bạch đàn lai khác trên thế giới và Keo lai trong những năm gần
đây có năng suất rất cao đã gợi lên vấn đề lai giống nhân tạo cho Bạch đàn và Keo.
Trong các năm 1996 - 2000 Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng đã lai giống và tạo
được hơn 50 tổ hợp lai thuận nghịch giữa các loài Bạch đàn urô (U), Bạch đàn trắng
caman (C) và Bạch đàn liễu (E). Qua khảo nghiệm 2 - 3 năm tại Ba Vì và một số nơi
khác đã chọn được một số cây trội trong 8 tổ hợp lai thuộc các nhóm tổ hợp UC, UE,
EU và UU có năng suất gấp 1,5 - 3 lần các giống sản xuất tốt nhất của các loài bố
mẹ, đồng thời có thân cây đẹp và không bị sâu bệnh. Những giống lai này đã được
công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật để tiếp tục khảo nghiệm trên diện rộng.
Ngoài ra, chúng ta đã tạo được hàng chục tổ hợp lai trong loài, lai khác loài và lai ba
ở Keo tai tượng và Keo lá tràm. Qua khảo nghiệm bước đầu đã chọn được một số
cây lai tốt nhất để nhân giống sinh dưỡng và tiếp tục khảo nghiệm.
7
Lai giống là một hướng đi mới rất có triển vọng trong những năm sắp tới.
5. Nhân giống hom và nuôi cấy mô phân sinh được áp dụng rộng rãi.
Tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong những năm gần đây là kỹ thuật nhân
giống hom và nuôi cấy mô phân sinh. Nhân giống hom hiện đang được áp dụng ở
nhiều nơi để sản xuất giống keo lai, các dòng bạch đàn ưu trội, các dòng phi lao 701
và 601 và một số giống tràm được lựa chọn. Có thể nói nhân giống hom là một trong
những kỹ thuật được áp dụng nhanh và phổ biến nhất trong những năm gần đây, tạo
thành một phong trào nhân giống mới trong ngành lâm nghiệp.
Cùng với nhân giống hom là sự áp dụng kỹ thuật nuôi cấy mô phân sinh cho Keo lai,
các dòng bạch đàn ưu trội và một số loài cây khác ở một số cơ quan có điều kiện như
Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng, Trung tâm nghiên cứu cây nguyên liệu giấy
Phù Ninh, Nông Lâm trường Yên Lập, Xí nghiệp giống lâm nghiệp thành phố Hồ
Chí Minh cùng một số cơ sở khác của Trường Đại học và Viện khoa học lâm nghiệp
Việt Nam.
8
Nuôi cấy mô phân sinh tuy tốn kém và đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, song lại có tác
dụng trẻ hoá cao độ vật liệu giống nên phối hợp với nhân giống hom tạo thành công
nghệ mô-hom đang được áp dụng ở một số cơ sở nghiên cứu và sản xuất lâm nghiệp
ở nước ta.
6. Công nghệ tế bào và chỉ thị phân tử bắt đầu được áp dụng trong cải thiện
giống cây rừng ở nước ta.
ứng dụng chính của công nghệ tế bào trong cải thiện giống cây rừng là nuôi cấy mô
phân sinh. Tuy vậy, hiện nay một số nước đã ứng dụng công nghệ này vào việc
chuyển gen (transgene) cho một số loài cây rừng để tăng năng suất, tăng chất lượng
và tính chống chịu của giống.
Từ năm 1998 Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng đã hợp tác với Viện Nghiên cứu
lâm nghiệp thuộc Công ty giấy Oji của Nhật nghiên cứu biến nạp gen làm giảm hàm
lượng lignin (hoặc đơn giản hoá quá trình chế biến lignin) ở Bạch đàn trắng. Từ năm
2000 Trung tâm lại có hợp tác với Khoa lâm nghiệp của CSIRO ứng dụng chỉ thị
phân tử trong việc xác định các dòng Keo lai và Keo lá tràm tốt nhất đã lựa chọn,
cũng như trong nghiên cứu chọn giống Keo tai tượng.
9
III. Kết luận.
Giống là một trong những nhân tố quan trọng nhất của trồng rừng thâm canh. Không
có giống được cải thiện theo mục tiêu kinh tế thì không thể đưa năng suất rừng lên
cao.
Cải thiện giống cây rừng ở nước ta đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong
những năm qua. Đó là đã chọn được một số loài cây và xuất xứ có triển vọng nhất
cho một số vùng sinh thái chính, chọn được cây trội và xây dựng một số vườn giống
cho một số loài cây trồng rừng chủ yếu, cũng như các thành tựu về lai tạo và sử dụng
giống lai, về nhân giống hom và nuôi cấy mô phân sinh.
Những giống mới thật sự có ý nghĩa vừa qua là các giống keo chịu hạn cho vùng cát
khô hạn ven biển, các giống tràm cho vùng ngập phèn ở miền Nam, các cây trội có
lượng nhựa cao của Thông nhựa, các giống Keo lai, Bạch đàn lai, các giống Bạch
đàn U6, PN2, PN14 và các giống phi lao 701, 601.
10
Mặc dầu công tác giống vẫn chưa đáp ứng yêu cầu to lớn của sản xuất, song biết sử
dụng giống mới và kỹ thuật nhân giống tiên tiến phối hợp với các biện pháp thâm
canh thích hợp chắc chắn chúng ta sẽ đẩy mạnh công tác cải thiện giống cây rừng,
góp phần tích cực vào việc tăng năng suất rừng trồng trong thời gian tới.
11
Summary
Some achievements of forest tree improvement
in our country for recent years
Significant achievements of forest tree improvement in our country for recent years
were as follow: 1 - Some tree species with promising provenances were selected for
some main ecological regions (particularly acacia species for dry-zone and
Melaleuca leucadendra for waterlogged sulphate acid soils); 2 - Plus trees were
selected and some seed orchards were established for some main planting species
(particularly Pinus merkusii with high resin yield); 3 - Natural acacia hybrid clones
and clones of Eucalypt and Casuarina were tested and planted in large scale; 4 -
Some artificial hybrid combinations having high productivity of eucalypt and acacia
were created and tested; 5 - Micropropagation and cutting propagation were applied
in many research and production units. Tree breeding is significantly contributed to
improve productivity of plantations.