Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

ÔN TẬP TIẾNG VIỆT HKI (PHẦN 1) doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (87.65 KB, 7 trang )

ÔN TẬP TIẾNG VIỆT HKI (PHẦN 1)

Câu 1: Thế nào là phương châm về lượng, phương châm về chất, phương châm
quan hệ, phương châm cách thức, phương châm lịch sự?
- Phương châm về lượng: khi giao tiếp, cần nói cho có nội dung; nội
dung của lời nói phải đáp ứng yêu cầu của cuộc giao tiếp, không thiếu,
không thừa.
- Phương châm về chất: khi giao tiếp, đừng nói những điều mà mình
không tin là đúng hay không có bằng chứng xác thực.
- Phương châm quan hệ: khi giao tiếp, cần nói đúng vào đề tài giao tiếp,
tránh nói lạc đề.
- Phương châm cách thức: khi giao tiếp, cần chú ý nói ngắn gọn, rành
mạch; tránh cách nói mơ hồ.
- Phương châm lịch sự: khi giao tiếp, cần tế nhị và tôn trọng người
khác.
Câu 2: Theo em, chúng ta phải sử dụng phương châm hội thoại như thế nào
cho đúng với tình huống giao tiếp.

Việc sử dụng các phương châm hội thoại cần phù hợp với đặc điểm của
tình huống giao tiếp như: người nghe (Nói với ai?), thời điểm (Nói khi nào?),
không gian- địa điểm giao tiếp (Nói ở đâu?), mục đích giao tiếp (Nói để làm
gì?)

Câu 3: Em hãy nêu những nguyên nhân có thể dẫn đến việc không tuân thủ
phương châm hội thoại.

Việc không tuân thủ những phương châm hội thoại có thể bắt nguồn từ
những nguyên nhân sau:
- Người nói vô ý, vụng về, thiếu văn hóa giao tiếp.
- Người nói phải ưu tiên cho một phương châm hội thoại hoặc một yêu
cầu khác quan trọng hơn.


- Người nói muốn gây một sự chú ý, để người nghe hiểu câu nói theo một
hàm ý nào đó.

Câu 4: Từ ngữ xưng hô và việc sử dụng từ ngữ xưng hô.

a) Tiếng Việt có một hệ thống từ ngữ xưng hô rất phong phú, tinh tế và
giàu sắc thái biểu cảm.
b) Người nói cần căn cứ vào đối tượng và các đặc điểm khác của tình
huống giao tiếp để xưng hô cho thích hợp.
c) Trong tiếng Việt, xưng hô thường tuân theo phương châm “xưng
khiêm, hô tôn”
Phương châm “xưng khiêm, hô tôn” được hiểu là khi xưng hô, người
nói tự xưng mình một cách khiêm nhường và gọi người đối diện một cách
tôn kính.

Câu 5: Dẫn trực tiếp, dẫn gián tiếp.

Có hai cách dẫn lời nói hay ý nghĩ (lời nói bên trong) của một người,
một nhân vật:
- Dẫn trực tiếp, tức là nhắc lại nguyên văn lời nói hay ý nghĩ của một
người hoặc nhân vật; lời dẫn trực tiếp được đặt trong dấu ngoặc kép.
- Dẫn gián tiếp, tức là thuật lại lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân
vật , có điều chỉnh cho thích hợp; lời dẫn gián tiếp không đặt trong dấu
ngoặc kép.

Câu 6: Sự phát triển của từ vựng.

- Cùng với sự phát triển của xã hội, từ vựng của ngôn ngữ cũng không
ngừng phát triển.
Những cách phát triển từ vựng tiếng Việt:

- Phát triển về nghĩa:
+ Biến đổi nghĩa: nghĩa cũ mất đi, nghĩa mới hình thành.
+ Có hai phương thức chuyển nghĩa chủ yếu: phương thức ẩn dụ và
phương thức hoán dụ.
- Phát triển về số lượng:
+ Tạo từ ngữ mới để làm tăng vốn từ.
+ Mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài. Bộ phận từ mượn quan trọng
nhất trong tiếng Việt là từ mượn tiếng Hán.

Câu 7: Hiện tượng chuyển nghĩa của từ theo phương thức ẩn dụ, hoán dụ với
việc sử dụng các biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ có gì khác nhau?

- Hiện tượng chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ, hoán dụ tạo nên
nghĩa mới thực sự cho từ, các nghĩa này được giải thích trong tự điển.
- Các biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ là cách diễn đạt bằng hình ảnh,
hình tượng mang tính biểu cảm cho câu nói, không tạo ra nghĩa mới cho từ,
chỉ có nghĩa lâm thời trong một ngữ cảnh cụ thể.

Câu 8: Thuật ngữ là gì? Nêu đặc điểm của thuật ngữ.

a) Thuật ngữ là những từ ngữ biểu thị khái niệm khoa học, công nghệ,
thường được dùng trong các văn bản khoa học, công nghệ.
b) Đặc điểm của thuật ngữ:
- Về nguyên tắc, trong một lĩnh vực khoa học, công nghệ nhất định, mỗi
thuật ngữ biểu thị một khái niệm, và ngược lại, mỗi khái niệm chỉ được biểu
thị bằng một thuật ngữ.
- Thuật ngữ không có tính biểu cảm.

Câu 9: Thế nào là trau dồi vốn từ?


Muốn sử dụng tốt tiếng Việt, trước hết cần trau dồi vốn từ:
- Rèn luyện để nắm được đầy đủ và chính xác nghĩa của từ và cách
dùng từ là việc rất quan trọng để trau dồi vốn từ.
- Rèn luyện để biết thêm những từ chưa biết, làm tăng vốn từ là việc
thường xuyên phải làm để trau dồi vốn từ.

Câu 10: Thế nào là từ đơn, từ phức?

1) Từ đơn là từ chỉ có một tiếng.
2) Từ phức là từ gồm hai hoặc nhiều tiếng.
Từ phức có hai loại: Từ ghép và từ láy
a) Từ ghép là một từ phức được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan
hệ với nhau về nghĩa .
- Từ ghép có hai loại: Từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập.
+ Từ ghép chính phụ có tiếng chính và tiếng phụ bổ sung nghĩa cho
tiếng chính. Tiếng chính đứng trước, tiếng phụ đứng sau.
+ Từ ghép đẳng lập có các tiếng bình đẳng về mặt ngữ pháp (không
phân ra tiếng chính, tiếng phụ)
- Nghĩa của từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập.
+ Từ ghép chính phụ có tính chất phân nghĩa. Nghĩa của từ ghép
chính phụ hẹp hơn nghĩa của tiếng chính.
+ Từ ghép đẳng lập có tính chất hợp nghĩa. Nghĩa của từ ghép đẳng
lập khái quát hơn nghĩa của các tiếng tạo nên nó.
b) Từ láy là một loại từ phức, có quan hệ láy âm giữa các tiếng.
- Từ láy có hai loại: Từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận.
+ Ở từ láy toàn bộ, các tiếng lặp lại nhau hoàn toàn; nhưng cũng có
một số trường hợp tiếng đứng trước biến đổi thanh điệu hoặc phụ âm cuối
(để tạo ra một sự hài hòa về âm thanh)
+ Ở từ láy bộ phận, giữa các tiếng có sự giống nhau về phụ âm đầu
hoặc phần vần.

- Nghĩa của từ láy được tạo thành nhờ đặc điểm âm thanh của tiếng và sự
hòa phối âm thanh giữa các tiếng. Trong trường hợp từ láy có tiếng có
nghĩa làm gốc (tiếng gốc) thì nghĩa của từ láy có thể có những sắc thái
riêng so với tiếng gốc như sắc thái biểu cảm, sắc thái giảm nhẹ hoặc nhấn
mạnh,…

×