Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Đình nguyên Vương Hữu Phu với bài đình đối doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (185.63 KB, 9 trang )

Đình nguyên Vương Hữu Phu với bài đình đối
Đình nguyên Vương Hữu Phu (1880-1941), còn có tên là Vương Đình Thụy, huý
Vi Tử, sinh ngày mồng 5 tháng chạp năm Canh Thìn (1880) tại thôn Long Vân, xã
Vân Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình có nhiều người đỗ
đạt. Thân phụ là cụ Vương Danh Thân, cử nhân khoa Giáp Tý (1864), làm quan
đến chức Giám sát ngự sử. Anh ruột là cụ Vương Đình Trân (sau đổi là Vương
Đình Trác), đỗ Phó bảng khoa Ất Mùi (1895), làm quan đến chức Tri phủ. Thuở vị
thành niên, ông khác người vì tính khí ngang tàng, bị cha kèm cặp bắt học hành
ráo riết, về sau, cha gửi cho theo học với cụ đầu xứ nổi tiếng thời ấy là Đinh Văn
Uyển ở huyện Nghi Lộc.
1. Vài nét về thân thế và con người Vương Hữu Phu
Đình nguyên Vương Hữu Phu (1880-1941), còn có tên là Vương Đình Thụy,
huý Vi Tử, sinh ngày mồng 5 tháng chạp năm Canh Thìn (1880) tại thôn Long
Vân, xã Vân Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình có nhiều
người đỗ đạt. Thân phụ là cụ Vương Danh Thân, cử nhân khoa Giáp Tý (1864),
làm quan đến chức Giám sát ngự sử. Anh ruột là cụ Vương Đình Trân (sau đổi là
Vương Đình Trác), đỗ Phó bảng khoa Ất Mùi (1895), làm quan đến chức Tri phủ.
Thuở vị thành niên, ông khác người vì tính khí ngang tàng, bị cha kèm cặp bắt
học hành ráo riết, về sau, cha gửi cho theo học với cụ đầu xứ nổi tiếng thời ấy là
Đinh Văn Uyển ở huyện Nghi Lộc. Vương Hữu Phu là bạn tâm phúc với nhà
hoạt động cách mạng nổi tiếng sau này trong phong trào Đông du của Phan Bội
Châu là Đặng Thái Thân (có biệt hiệu là Ngư Hải). Ông Vương Đình Quang, con
trai thứ hai của cụ, người đã từng làm thư ký toà soạn cho báo Tiếng Dân của cụ
Huỳnh Thúc Kháng, có kể lại theo lời người anh họ Vương Đình Viên là cụ Phu
đã trốn mẹ định xuất dương sang Nhật và để lại một bức thư, bà mẹ cho người
đuổi theo bảo: “Hãy trở về chôn mẹ rồi hãy đi”. Vốn là người con chí hiếu, nên
cụ đành trở về gặp mẹ, bà mẹ bảo: “Chữ hiếu chưa xong nói chi đến chữ trung!”.
Ông thân sinh của Vương Hữu Phu chỉ đậu cử nhân nên lấy làm buồn là gia tộc
mình chưa ai đỗ đại khoa và coi đó là điều bất hiếu, suốt đời không quên. Đến khi
lâm chung vẫn ao ước điều này nên đã di chúc nói lên tâm sự của mình mong được
con cháu nối chí. Cha mất sớm, nhưng nhờ bà mẹ rất nghiêm khắc, chăm lo rèn


dạy, động viên nên cụ đã có ý chí thi đậu đại khoa để thoả lòng mong mỏi của cha
mẹ. Cụ đậu Á khoa (thứ hai) thi Hương, Hội nguyên (đậu đầu thi Hội) và Đình
nguyên (đầu kỳ thi Đình). Tuy đậu đạt cao nhưng cụ không muốn ra làm quan với
một triều đình đã mất chủ quyền. Song chiều ý mẹ muốn con mình đã có khoa (thi
đỗ) phải có hoạn (làm quan) nên buộc lòng cụ phải theo khoá học ở trường Hậu bổ
(trường đào tạo quan trường) ở Huế. Ở trường này bọn Pháp buộc phải học tiếng
Pháp, tiếng của nước thù địch, lại phải học dưới sự điều khiển của các giáo sư
người Pháp. Đây là một sự nhẫn nhục lớn trong thời gian 3 năm đối với cụ. Nhà
trường phát cho mỗi học viên một khối lượng sách lớn, nhưng cụ không mấy khi
đụng đến các sách ấy. Tuy vậy, do rất thông minh nên cụ vẫn hiểu và sử dụng
được tiếng Pháp. Một lần giáo sư Le Breton hỏi một câu tiếng Pháp: “Aimez vous
le Francaise?” (Anh có yêu nước Pháp không?) Cụ cũng đáp lại bằng tiếng Pháp:
“J
,
aime bien mon Patrie!” (Tôi chỉ yêu Tổ quốc tôi!). Cụ Phan Võ, quê xã Nhân
Thành, Yên Thành (thân sinh giáo sư Phan Ngọc) đỗ Phó bảng cùng khoa với cụ,
nghe vậy rất lấy làm thích thú. Cụ Phan Võ từng khen: ông Vương Hữu Phu rất
thông minh, không học mà bằng mấy người chăm học, chỉ liếc qua bài vở là thuộc
hết. Câu trả lời của cụ không làm hài lòng người Pháp. Vì thế, ra trường cụ bị đẩy
vào làm tri huyện Tân Định, một huyện miền núi thuộc tỉnh Khánh Hoà, rừng
thiêng nước độc, ai bị đẩy đi làm quan ở đây coi như đi đày biệt xứ. Làm quan bất
đắc dĩ nên mỗi ngày cụ chỉ làm một buổi, buổi còn lại đi săn bắn. Giữa lúc đó, cụ
bị bệnh đau chân, phải nằm bệnh viện suốt một năm, cuối cùng phải cắt đi 3 ngón
chân mới khỏi. Sau đó, cụ được triệu về Huế, lần lượt sung vào Quốc sử quán và
Tàng cổ viện với hàm Thị độc học sĩ. Do đó, dân địa phương thường gọi là cụ Thị
(theo phẩm hàm) hoặc cụ Đình (theo đỗ đạt). Đến đây mùi làm quan đã trải, ở lại
nhục hơn vinh nên cụ viết đơn từ chức. Bấy giờ cụ mới 40 tuổi. Về nhà, cụ lập chí
học Đông y, vốn thông minh lại có quyết tâm cao, dày công nghiên cứu nên chẳng
bao lâu cụ đã trở thành một lương y nổi tiếng ở quê. Cụ lại có lòng nhân từ, sẵn
sàng giúp đỡ vô tư cho bệnh nhân nghèo nên nhiều người biết ơn và ca ngợi. Vốn

ghét Pháp, cụ không muốn cho con học theo khoa cử, nên các con chỉ được cụ cho
phép học hết bậc tiểu học để biết chữ quốc ngữ, nhưng sau đó các con cụ đều bằng
con đường tự học mà vươn lên. Người con cả trở thành một công chức về giao
thông công chánh, sau một thời gian công tác, được thưởng hàm hàn lâm. Trong
khi nhiều gia đình có người được hàm ấy thì mổ bò, giết lợn ăn mừng, riêng nhà
cụ thì không. Những người quen biết đến chúc mừng “quan hàn” thì cụ bảo: “Ở
nhà đói, hắn đi làm kiếm ăn, hàn với hơ chi! Xin bà con cứ kêu hắn là Cả Tiếu
như trước”. Vì thế, ông vẫn được gọi là Cả Tiếu đến mãi về sau. Còn 2 người con
trai sinh sau (ông Dung và ông Giản), cụ dạy cho học chữ Hán và nghề thuốc nên
đều trở thành những thầy thuốc Đông y giỏi, ông Dung mất sớm, ông Giản làm
thầy thuốc Đông y ở bệnh viện Diễn Châu trong kháng chiến chống Mỹ, sau hoà
bình về công tác ở bệnh viện Nam Đàn cho đến khi nghỉ hưu, hiện nay đã hơn 90
tuổi. Sinh thời vì chữ hiếu, cụ không tham gia hoạt động cách mạng được, sau khi
mẹ mất đúng vào lúc cụ Phan Bội Châu bị giặc bắt và đem về giam lỏng ở Huế, cụ
sinh chán nản, sức khoẻ lại kém nên cụ đã ngỏ ý cho 2 con là ông Tiếu (con cả) và
ông Quang (con thứ) theo ông Đặng Thái Thuyến (là con chí sĩ Đặng Thái Thân)
đi ra nước ngoài hoạt động cách mạng, tuy nhiên sau đó ông Thuyến bị Pháp bắt,
chưa kịp đưa hai ông đi theo. Ở Nam Đàn còn có nhiều giai thoại về cụ như ăn
mặc không chuộng hình thức, có khi quá xuềnh xoàng dễ dãi. Hồi cụ đang làm tri
huyện Tân Định, lúc đó ông Quang còn nhỏ, một hôm được mẹ mặc cho bộ đồ
mới, hý hửng chạy ra công đường, bị cụ trừng mắt bảo đem đốt đi, bắt phải thay
bộ đồ cũ và sau đó trách cụ bà làm hư con. Sau này ông Quang mới hiểu tâm sự
của cha là bản thân người làm quan nô lệ đã cảm thấy nhục nhã thì cậu ấm con
quan còn nước gì mà hãnh diện! Cố Chắt Đoàn ở Nam Giang, hồi Pháp thuộc làm
nghề kéo xe có kể chuyện lại: “Tính cụ ăn mặc xuềnh xoàng không có chi là trau
tria. Đi ngoài đường đố ai biết là ông quan Đình nguyên. Hồi cụ thi đỗ, dân huyện
cờ trống rước từ tỉnh về linh đình lắm nhưng khi qua Hữu Biệt (tên cũ của Nam
Giang), dân làng mời cụ vào đình nghỉ, vì trong đình có bày biện tiếp đón, nhưng
cụ từ chối, chỉ nghỉ tạm ngoài nhà hàng. Khi ra đi cụ bảo cuốn cờ đi cho mau.
Một lần cụ thuê xe tôi từ Vinh về Sa Nam. Qua Cổng Chốt, có một người ăn mặc

rách rưới, chân băng bó, đi nhắc, nói với tôi xin đi kèm. Vì kính trọng cụ Đình, tôi
nói: “Chân anh hôi thối như thế không thể ngồi chung với cụ lớn”. Nhưng cụ nói:
“Người ta đau cứ cho người ta đi, vả lại ông cũng được thêm tiền”. Tôi đòi anh ta
phải trả 5 hào. Anh im lặng, lưỡng lự. Cụ nói: “Người ta nghèo khổ lấy 3 hào
thôi”. Tôi để anh ngồi chung với cụ. Đi đến chùa Sày
(1)
, anh ta xuống chỉ trả 1
hào và bảo: “Xin ông, tôi đi nhà thương
(2)
về hết cả tiền”. Tôi sừng sộ chửi mắng
thậm tệ thì cụ bảo: “Được rồi, thiếu 2 hào của ông, tôi trả cho”. Về đến Sa Nam
cụ trả thêm 2 hào nhưng tôi không nhận”. Cố Xuân thời trước cũng làm nghề kéo
xe thì kể lại: “Một lần cụ đi xe tôi từ Vinh về, đến cầu Mưỡu
(3)
trời đổ mưa, cụ
phải nghỉ lại nhà hàng. Trời tạnh thì đã tối. Tôi kéo xe về đây (Nam Giang), mời
cụ đến mấy nhà giàu, nhà quan trong xã để nghỉ đêm cho tiện. Tôi nghĩ nếu cụ đến
các nhà đó họ sẽ cảm thấy vinh dự và đón tiếp long trọng. Nhưng cụ không đồng ý
và đòi nghỉ lại nhà tôi, mà nhà tôi thì nhà tranh vách đất không có chỗ nằm cho ra
trò. Cụ hỏi: “Có trứng gà không?” Tôi thưa: “Thịt cá thì không có nhưng trứng
gà thì có”. Cụ bảo nấu cơm và hấp cho cụ quả trứng. Khi dọn cơm, tôi có vay
hàng xóm đĩa thịt và tráng đĩa trứng. Nhưng cụ chỉ ăn cơm với quả trứng hấp bóc
ra dầm nước mắm. Suốt đêm cụ ngủ trên chiếc chõng tre”.
Cụ Vương Hữu Phu giáo dục con cái rất nghiêm. Do căm thù giặc Pháp, cụ
không chỉ không hợp tác với bọn quan lại Pháp mà còn cực đoan đến mức không
cho con cái được học tiếng Pháp và mặc đồ Tây. Ông Vương Đình Quang kể lại
trong cuốn “Tiểu truyện Vương Hữu Phu”: “Mặc dù đã lớn, đi làm ăn xa, mỗi khi
về thăm gia đình, chúng tôi không bao giờ quên mấy điều nghiêm cấm: Không
được nói tiếng Pháp với nhau và với bạn bè; Không được mặc Âu phục, dù chỉ đội
chiếc mũ như người Pháp thường dùng; Không được dùng các thứ hàng của Pháp

như xà phòng thơm, nước hoa…”.
Tuy vậy, các con cái cụ đều tự học thành tài, ngoài hai ông con cả và thứ hai,
ông Vương Tử Huề (con trai thứ ba) tự học đỗ tú tài triết, sau Cách mạng tháng
Tám giữ chức Chủ tịch lâm thời huyện Nam Đàn, trong kháng chiến chống Pháp
làm hiệu trưởng trường tư thục Tân Dân ở Nam Đàn, một trường cấp 2 có nhiều
giáo viên và học sinh sau này nổi tiếng như GSTS Nguyễn Văn Trương, GSVS
Đinh Ngọc Lân, GSVS Đào Vọng Đức…
2. Bài văn Đình đối
Khoa thi năm Canh Tuất (1910), có 4 tiến sĩ là Vương Hữu Phu, Nguyễn Sĩ
Giác (Thanh Trì - Hà Đông, nay thuộc Hà Nội), Nguyễn Hàm (Triệu Phong -
Quảng Trị), Bùi Hữu Tuỵ (Nam Đàn - Nghệ An), như vậy có 4 tiến sĩ thì riêng
Nam Đàn đã có 2; Phó bảng có 19 người, trong đó có cụ Phan Võ, cụ Hoàng Tăng
Bí (thân sinh GS Hoàng Minh Giám), riêng Nghệ An có 5 người. Khoa thi này vị
vua trẻ yêu nước là Duy Tân chủ trì nhưng bên cạnh đã có sự hiện diện của người
Pháp. Đề thi Đình đối vua ra gồm 229 chữ, được dịch như sau:
“Thừa mệnh trời mở vận, Hoàng đế chế sách rằng: Trời sinh ra dân, ắt có
người nổi trội hơn đồng loại để làm vua, làm thầy, với trách nhiệm nhận biết sớm
các việc. Tuy nhiên, không phải một người tự mình có thể làm được điều đó, mà
cần có nhiều người đồng thời sinh ra hoặc xen kẽ nhau xuất hiện, cùng nhau sửa
sang, cùng nhau khám phá, rồi đạo lý mới sáng tỏ, giáo hoá mới hình thành, vua
dựa vào đây để cai trị, thầy dựa vào đây để dạy dỗ. Sự hưng thịnh của các đời
Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Thương, Chu
(4)
đều xuất phát từ đó vậy. Từ khi nhà
Chu dời đô về phía đông, 5 kẻ hùng bá lần lượt nổi lên. Bấy giờ, số tài giỏi có
mười mấy người, nghĩa là về quy mô chỉ đủ dùng cho một nước, có phải do khí
vận mà khiến ra như thế chăng? Hoặc có người nói, từ Tam đại
(5)
về sau, biết đạo
làm vua đại khái có một vài người, còn biết đạo làm thầy thì tuyệt nhiên không có.

Xem Hán Văn đế
(6)
là một bậc vua hiền, nhưng Giả Nghị
(7)
thì tài cán không được
là bao; Đường Thái tông
(8)
là một vị vua sáng suốt, nhưng Ngụy Trưng
(9)
thì học
vấn pha tạp, cố nhiên là chuyện không đáng bàn. Trường hợp khác Chu, Trình
(10)

vào các năm Hy Ninh, Nguyên Hựu
(11)
; Chu Văn Công
(12)
vào các năm Càn, Thuần,
Khánh Nguyên
(13)
, cho đến Chân Văn Trung
(14)
vào năm Đoan Bình
(15)
nữa đều
không thể giúp cho vua họ thực hiện hết trách nhiệm của vua, của thầy, như thế
phải chăng là những người đó chưa làm tròn bổn phận của họ? Nước Việt ta từ
Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê về đạo làm vua, làm thầy, ai được, ai chưa được? Làm
người bề tôi, vũ công và văn học, ai giỏi và ai kém? Xét cho cùng cái đạo Nghiêu,
Thuấn, Chu, Khổng còn mãi ở nước ta là do đâu? Các cường quốc Thái Tây chính

trị và giáo dục ngày càng rõ ràng, các kết quả phú cường vốn có những nguyên
nhân nếu tìm sẽ thấy đều được nói kỹ càng đầy đủ trong sách Chu lễ
(16)
, vậy có thể
quy về một mối được không? Trẫm còn thơ bé
(16)
, kính vâng phó thác, bên ngoài
thì có các quan đại thần bảo hộ, tình hữu nghị ngày một chân thành, bên trong có
các quan Phụ chính đồng lòng giúp rập, tin rằng ta có thể trị vì đất nước như điều
tổ tiên tôn kính của ta đang trông mong. Hiện thời trong dân gian chưa khỏi cảnh
xin ăn, nơi đầm lớn, rừng sâu còn nghe tiếng trộm cướp, phải chăng đường lối
giúp dân làm giàu và giáo hoá dân còn chưa thoả đáng? Quản Tử
(17)
nói:“Cơm áo
đủ thì biết vinh nhục, kho lẫm đầy thì biết lễ tiết”. Nay muốn bọn gian quỷ không
trỗi dậy, công thương được hưng khởi lên, vùng ven biển ven núi, ruộng nương
được khai khẩn hết, mọi nhà đều hay, đều biết, việc giáo hoá có thể thi hành rộng
rãi. Suy nghĩ cho sâu làm sao sửa trị được như thế? Kẻ sĩ quân tử rộng đường
khai thác cổ kim, biết sâu nghĩa vụ, hãy trình bày hết ý mình, không phù phiếm,
không giấu giếm, trẫm sẽ ban khen, tiếp thu mà thi hành vậy”.
Bài văn của cụ Vương Hữu Phu có 3.475 chữ, lập luận chặt chẽ, phân tích đầy
đủ và sắc sảo các vấn đề mà nhà vua hỏi tới, có các dẫn chứng phong phú, súc tích
về những việc làm tốt và chưa tốt của người xưa, dẫn chứng đầy đủ theo sử cũ của
Trung Quốc và của nước nhà, thể hiện kiến thức sâu rộng không những về Đông
vốn đã thuộc làu trong kinh sử, còn tường tận về phương Tây. Đơn cử một số đoạn
văn sau đây: “Nói về giáo dục, thì nước Đức có 21 trường đại học, nước Mỹ có
229 trường. ( ) Thần lại trộm thấy ở nước ta lâu nay khoản lương cho thầy, dân
tuỳ tình hình mà cấp, sử dụng người dạy học trò thì căn cứ vào đạo đức chứ chưa
dựa vào chuyên môn mà chọn, nghĩa là vẫn như trước vậy! Bộ Học nên nắm việc
khảo hạch cuối cùng để chọn bằng tốt nghiệp như kiểu học có chương trình của

nước Anh gồm 16 môn thi, hay nước Đức gồm 18 khoá trình vốn có. ( ) Nói về
chính trị nước Anh chia thành 18 bộ có quan đại thần thống quản mọi việc. Về
chính sách an dân thì không nước nào là không mở rộng. (…) Muốn mở rộng dân
trí, thần mong Bệ hạ theo ý tưởng phấn đấu cho một nền giáo dục hoàn thiện mà
thi hành. Đại thể là phải có sát hạch trong giảng dạy, phải biết cái hay, cái dở
trong việc chọn thầy, có điều lệ nghiêm túc để khuyến khích hay trừng phạt họ, thì
những người quản lý giáo dục cũng sẽ hết lòng với công việc của họ, đạo thầy đã
được tôn trọng thì học trò cũng theo đó mà hăng hái lên”. Có điều đặc biệt đáng
lưu ý là mặc dầu thời gian này, có bọn Pháp giám sát bên cạnh vua, như lời vua
viết trong đề ra: “Bên ngoài thì có các quan đại thần bảo hộ, tình hữu nghị ngày
một chân thành”, thế mà trong bài cụ Vương Hữu Phu không nói gì đến nước
Pháp, chỉ nhắc đến Anh, Đức, Mỹ. Điều này có một ẩn ý, thể hiện tư tưởng thù
địch nhất quán đối với kẻ thù dân tộc của tác giả.
Vương Hữu Phu cũng có những nhận xét, đánh giá sự kiện lịch sử, nhân vật lịch
sử một cách thẳng thắn và xác đáng. Bài văn thẳng thắn vạch rõ nguyên nhân chủ
quan của việc mất mùa đói kém: “Nay chế sách lấy việc trong dân gian còn cảnh
ăn xin, ở chốn đầm lớn, rừng sâu còn nghe tiếng trộm cướp ra để hỏi, thần xin
được giãi bày. Có người nói đấy là do thiên tai thường xuyên xẩy ra, thần cho là
không phải thế! Theo thần thì mối lợi nông nghiệp nước ta chẳng những chưa
được mở rộng mà phân bón còn chưa được tân chế, nghề trồng trọt chưa có
phương pháp tốt. (…) Thần trộm nghĩ, làm cho dân được lợi không gì quan trọng
hơn nghề nông; mở mang dân trí không gì lớn hơn việc giáo hoá. Lại không thể
nói công thương không đủ để hưng lợi và mở mang trí tuệ! Thần trộm cho rằng
“công” tất phải học máy móc, việc chế tạo do đó mới có thể phát triển, “thương”
thì hàng hoá xuất nhập khẩu phải được thông suốt, có thế việc buôn bán mới được
mở mang. Thần trộm thấy về công nghệ nước ta, thì nghề thủ công chưa được
khéo léo, việc buôn bán thì hàng hoá xuất ra nước ngoài bị cấm, cả công và
thương đều chưa thể mưu cầu lợi ích một cách nhanh chóng. Vậy, triều đình phải
dần dần hướng dẫn, lợi dụng cơ hội để mở rộng ra, ngõ hầu làm cho dân chúng
không chịu ở yên trong cảnh tạm bợ, được chăng hay chớ; tạo thói quen không

chịu bó mình trong cảnh an nhàn, khiến cho công thương có cơ hưng thịnh vậy!”.
Bài văn lưu ý việc xây dựng nông trường và cơ giới hoá nông nghiệp: “Thần
mong ở các địa phương, mỗi nơi xây dựng một nông trường, chọn một khoảnh
ruộng hoang, tuyển người siêng năng, giỏi giang quản lý công việc, cho họ đưa
lưu dân về cày ruộng khẩn hoang, cung cấp nông cụ, giúp đỡ vốn liếng, đem sách
kỹ thuật nông nghiệp dạy cho họ, tham khảo thêm cách cày tuyết của phương Tây,
khuyến khích việc dùng cày máy và các hoạt động khác, xác định chương trình
học nhằm mang lại hiệu quả. Ruộng nhà nước như thế, ruộng của dân sẽ bắt
chước làm theo, ruộng đất may ra có thể ngày được khai khẩn thêm”
Với tri thức của một nhà nho sống dưới thời phong kiến đang bị bọn thực dân
đô hộ mà trình bày được một bản văn sách như thế thật là đáng khâm phục!
(Bài dịch đề thi vua ra và văn sách của cụ Đình do ông Vương Lộc, cháu họ cụ
dựa theo văn bản mang ký hiệu A2249 lưu trữ tại Thư viện nghiên cứu Hán Nôm,
ngoài bìa đề “Duy Tân Canh Tuất Khoa, Hội Đình văn tuyển” dịch ra. Bài dịch
được GS Trần Nghĩa - nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm - kiểm tra, hiệu
đính)./.

Chú thích
(1)
Tên cũ thuộc làng Mậu Tài, Kim Liên.
(2)
Tên gọi bệnh viện ngày xưa.
(3)
Còn có tên là Cầu Đền, giáp giới hai huyện Nam Đàn - Hưng Nguyên.
(4)
Tên các triều đại cổ ở Trung Quốc được sử cũ ca ngợi.
(5)
Ba triều đại cổ ở Trung Quốc: Hạ, Thương, Chu. Ngày xưa nho sĩ đi thi
thường ghi nhớ một cách máy móc: “Đường, Ngu, Tam đại thì khen/ Hán Đường
trở xuống thì lèn cho đau”.

(6)
Ông vua thứ hai nhà Hán, được ca ngợi là vua hiền.
(7)
Học giả làm quan dưới thời Hán Văn đế.
(8)
Vua thứ hai nhà Đường, được ca ngợi là vua hiền.
(9)
Tể tướng nhà Đường dưới thời Thái tông.
(10)
Chu Đôn Di, Trình Hạo - hai nhà nho nổi tiếng thời Bắc Tống.
(11)
Niên hiệu hai vua Tống Thần tông và Triết tông.
(12)
Tức là Chu Hy - nhà hiền triết Trung Quốc thời Nam Tống.
(13)
Càn Đạo, Thuần Hy - 2 niên hiệu của Tống Hiếu tông và Khánh Nguyên của
Tống Ninh tông.
(14)
Tức là Chân Đức Tú làm quan dưới triều Tống Lý tông.
(15)
Niên hiệu vua Tống Lý tông.
(16)
Sách ghi chép chế độ chính trị thời nhà Chu gồm 6 thiên.
(17)
Tức là Quản Trọng, một nhà chính trị nổi tiếng ở Trung Quốc thời Xuân Thu.
(18)
Vua Duy Tân lên ngôi năm 1907 khi mới 8 tuổi nên năm này (1910) mới 11
tuổi.

×